Suy Niệm:
Các bài Kinh Thánh đọc hôm nay chan chứa vui mừng và hy vọng. Phụng vụ nhờ những bài đọc ấy khuyến khích chúng ta hân hoan sung sướng, làm cho ngày Chúa nhật hôm nay trở thành Chúa nhật màu hồng trong mùa Vọng. Phụng vụ cũng muốn, nếu có thể được hôm nay hãy dùng lễ phục màu hồng thay màu tím. Vì lẽ ngày Chúa đến đã gần. Chúng ta phải vui mừng để phấn khởi lấy đà đi mau hết giai đoạn chót. Do đó hôm nay là dịp thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về niềm vui của người Kitô hữu. Chúng ta sẽ nhờ các bài đọc Thánh Kinh để khám phá ra lý do cũng như cách thức vui mừng trong đời sống đạo. Chắc chắn với ba bài đọc ngắn ngủi trong toàn bộ Kinh Thánh rất dày, công việc tìm hiểu niềm vui của Kitô giáo sẽ bị giới hạn. Nhưng chúng ta sẽ có nhiều dịp lễ vui mừng khác, để nhờ những bài đọc Thánh Kinh khác, bổ sung cho những điều chúng ta gặp thấy hôm nay trong sách Sôphônia, trong bài thư gởi giáo đoàn Philip và nhất là trong bài Tin Mừng Luca.
1. Vui Nhờ Niềm Tin
Có thể nói, ít thời buổi nào lung tung, phập phồng và nhiều sợ hãi như thời của Sôphônia. Ông hoạt động vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Mảnh đất Do Thái nhỏ bé, quê hương của ông, nay sợ quân phía Bắc xâm chiếm; mai hãi sức ép của quân lực phía Tây Nam. Người ta chưa hết sợ đoàn quân viễn chinh Assyri, đã phải trốn tránh sự trả thù của Hoàng đế Ai Cập. Tội nghiệp cho triều đình Giêrusalem nhỏ bé. Người chủ trương liên kết với phía này; kẻ lại tranh đấu để được lòng phía kia. Bất ổn, lung tung, cướp bóc, trả thù, chinh chiến gieo sợ hãi, kinh hoàng, hao mòn và kiệt quệ... cho đến khi Giêrusalem bị dày xéo và dân cư bị đưa đi lưu đày.
Chính trong cảnh tang tóc tuyệt vọng ấy, Sôphônia đã tìm được niềm tin, một niềm tin vững vàng đến nỗi đã thoát thành lời hô vui sướng mà chúng ta đọc hôm nay, Sôphônia làm gương cho tất cả chúng ta. Không bao giờ được nản chí, bỏ mất niềm tin. Không được để cho khó khăn đau thương đè ép được niềm tin cứu độ. Chúa đang đến cứu độ chúng ta, lẽ nào chúng ta không phấn khởi đi trong tinh thần mùa Vọng? Chúng ta hãy để cho lời của Sôphônia luôn vọng đến tai:
Reo vui lên hỡi sư tử Sion; hãy hò la hỡi Israen. Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Giêrusalem.
Người nói lên được những lời ấy đã quan niệm sự vui mừng vừa phải thật lòng, vừa phải hân hoan bộc phát ra bên ngoài. Nói cách khác, lòng vui chưa đủ mặt cũng phải vui nữa. Niềm vui khi ấy mới chân thật và hồn nhiên. Cả con người đều vui.
Là vì đây là niềm vui cứu độ. Thiên Chúa xóa mất án phạt trên con người và đuổi xa địch thù hãm hại. Người không đánh phạt tội lỗi chúng ta nữa nhưng đã tha thứ rồi. Người không cho kẻ thù đến rình rập gài bẫy chúng ta nữa. Ngược lại chính Người đến ở giữa chúng ta để chúng ta không còn phải sợ tai họa và tay chân chúng ta hết bủn rủn. Hơn nữa Người còn làm mới tình yêu của Người đối với chúng ta, tỏ sung sướng reo vui vì chúng ta và quây quần chúng ta lại để mừng lễ.
Thật ra, Sôphônia không rõ ràng bao nhiêu. Ông lúng túng dùng nhiều hình ảnh. Chúng ta có thể phân tách và thấy ông có hai cảm tưởng này: khi Thiên Chúa ban ơn cứu độ khiến dân Người được vui mừng, thì một đàng Người đưa dân ra khỏi đau thương thử thách và khỏi tay địch thù; và đàng khác Người đến ở với dân để quây quần họ như ăn mừng lễ; một đàng Người củng cố dân khỏi sợ hãi và đàng khác Người làm mới tình yêu khiến họ được sướng vui.
Hai công việc này Thiên Chúa đã làm khi đưa dân ra khỏi lưu đày và về xây lại Ðền thờ... Nhưng lần cứu độ ấy mới tạm thời và bề ngoài. Chính khi Ðức Giêsu Kitô Giáng sinh vừa để cứu vớt thế gian khỏi tội lỗi, vừa để sung sướng ở giữa con cái loài người, lời sách Sôphônia mới được thực hiện. Tuy nhiên việc Chúa Giáng sinh cứu đời cũng chỉ mới khởi sự công cuộc cứu độ thực sự, sẽ được hoàn tất trong ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Vì thế lời Sôphônia đối với chúng ta vẫn còn là lời tiên tri. Chúng ta vẫn phải nghe để không những chẳng bao giờ mất niềm tin, mà còn để trông đợi ơn tha thứ tội lỗi và được kết hợp với Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta có lý để tin lời tiên tri ấy, vì một phần nào đó đã được thi hành khi Ðức Giêsu Giáng Sinh làm người. Càng suy nghĩ về cuộc đời của Ðức Giêsu, chúng ta càng tin tưởng tiếp tục mùa Vọng muôn thuở. Do đó việc tìm hiểu bài Tin Mừng hôm nay cũng sẽ làm sáng tỏ thêm lời sách Sôphônia.
2. Vui Vì Cứu Ðộ
Tác giả Luca đã cho chúng ta thấy dân chúng tuôn đến với Gioan để được ông thanh tẩy. Họ muốn chuẩn bị đón Ðấng Cứu Thế. Họ thành thật muốn biết phải làm gì?
Tác giả Luca để cho dân chúng lên tiếng hỏi trước. Ông vẫn có thiện cảm với quần chúng. Và khi viết tác phẩm Tin Mừng ông vẫn quan tâm nhấn mạnh tính cách phổ cập của ơn cứu độ. Ông nói đến hạng người thu thuế. Những người này cũng được ông thương mặc dù bị người Do Thái liệt vào hạng tội lỗi vì họ lấy thuế cho ngoại bang và nhiều khi hà lạm. Nhưng Chúa đã chẳng đến để cứu chuộc kẻ tội lỗi ư? Chính họ cần lòng thương cứu độ của Người. Sau đó tác giả Luca nói đến lính tráng. Ở đây có lẽ là hạng lính đánh thuê, hay phiền nhiễu đồng bào. Ai yếu thì sợ họ, nhưng người hiểu biết chỉ nhìn họ bằng ánh mắt thương hại. Luca là tác giả tình thương. Ông muốn cho họ được ơn cứu độ. Và vì thế, ông đã để cho tất cả những hạng người trên phát biểu thiện chí muốn làm gì để được lòng thương của Chúa.
Ðối với dân chúng, Gioan bảo họ hãy chia cơm sẻ áo cho nhau, vì dưới mắt ông dân chúng như đoàn chiên đói rách. Ơn cứu độ đối với họ là được yêu thương chia sẻ. Người ta làm cho họ thấy ơn cứu độ đã gần khi tổ chức lại đời sống xã hội cho công bình và thương yêu nhiều hơn. Và chính họ có biến đổi lòng ấm ức xã hội nên những tâm tình chia sẻ nhiều hơn, thì mới trở nên những con người mới. Ðang khi ấy những người thu thuế và lính tráng, muốn được cứu độ, phải liêm chính và đừng sách nhiễu đồng bào. Gioan không bảo họ phải bỏ nghề bất chính họ đang làm; vì ông không phải là đấng đổi mới thế gian". Ông chỉ là tiền hô và rao giảng việc dọn đường, chuẩn bị. Ông sung sướng được thấy người ta muốn biết ai là Ðấng Kitô?
Ông trả lời, ông không phải là Người. Ông chỉ rửa trong nước; Người sẽ rửa trong Thánh Thần và lửa, Người quyền thế hơn ông và ông không đáng cởi quai dép cho Người.
Chúng ta hãy cảm mến lòng thành thực của Gioan. Ông không lạm dụng lòng tín nhiệm của người ta, vì họ sẵn sàng nhận ông là Ðấng Kitô. Chúng ta cũng cảm phục lòng khiêm nhượng của ông khi ông tự ví mình không xứng đáng là tôi tớ của Ðấng ông rao giảng, ví ngay kẻ tôi tớ Do Thái cũng không buộc phải cởi quai dép cho chủ. Nhưng điều Gioan muốn cho chúng ta để ý hơn cả, là biết Ðức Kitô là Ðấng quyền phép sẽ đến rửa trong Thánh Thần và lửa. Ông rửa người ta với nước, mà không có sự hiện diện của Thánh Thần, tức là không có lời hứa sẽ được ban trong thời kỳ cứu độ và nghĩa là không có ơn thánh hóa kèm theo.
Còn Ðức Kitô, Người sẽ rửa trong Thánh Thần, tức là sẽ ban Thánh Thần cho kẻ nhận phép rửa nhân danh Người. Chắc chắn khi viết tư tưởng này, tác giả Luca nhớ đến những lúc Thánh Thần hiện xuống trên những người tin đạo (thí dụ trong trường hợp tại nhà ông Corneliô, kể trong sách Công vụ). Và ông hẳn cũng liên tưởng đến hôm Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa, ở đây ông nói đến cả Thánh Thần và lửa, là muốn nhấn mạnh đến một tác động đặc biệt của Thánh Thần là phán xét và phân biệt kẻ lành người dữ. Ðức Kitô sẽ đến đầy Thánh Thần. Người sẽ ban Thánh Thần cho chúng ta.
Nhưng đồng thời Người cũng thanh tẩy phân biệt chúng ta như người nông dân cầm rê xảy lúa. Thóc thì Người cho vào lẫm, còn trấu thì cho vào lửa đời đời. Công việc của Người, như vậy, sẽ hoàn tất việc làm của Gioan. Ông này rao giảng việc thống hối ăn năn; nhưng chính xác Ðức Kitô mới là Ðấng sẽ đến thánh hóa kẻ thống hối và trừng phạt kẻ không hối cải. Gioan chỉ là người chuẩn bị Ðức Kitô là Ðấng thực hiện việc cứu thế. Chúng ta phải chờ đợi Người.
Như vậy, Gioan cũng như Sôphônia chỉ là tiên tri. Các ông đóng vai trò loan báo và dọn đường. Tiếng của các ông reo vui hơn tiếng các tiên tri khác, vì Ðấng Cứu Thế đã gần đến và công việc của Người là cứu độ. Lời rao giảng của các ông thật là Tin Mừng, nhưng vẫn còn là sự vui mừng trong tin yêu và chờ đợi ơn cứu thoát. Nó không như lời khuyên bảo vui mừng trong thư Phaolô mà chúng ta sắp đọc.
3. Vui Trong Thiên Chúa
Phaolô đã thấy được ơn cứu độ mà Sôphônia loan báo. Hơn nữa chính Người đã thấy phép rửa trong Thánh Thần và lửa như Gioan đã báo trước. Người bảo chúng ta trong bài thư hôm nay: hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn.
Theo Người, mặc dù ta đang sống trong chờ đợi ngày Chúa đến, luôn luôn chúng ta phải vui mừng. Người lặp lại một lần nữa và bảo chúng ta hãy vui mừng. Vui mừng là đặc tính của đạo Tin Mừng.
Ðây không phải là sự vui mừng trong lý lẽ thế gian, mà là trong Thiên Chúa. Người đã cứu độ chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Chúng ta đang ở trong nhiệm thể của Ðấng đã sống lại trong sự vui mừng. Làm sao chúng ta có thể còn buồn được nữa?
Và vì vui trong Thiên Chúa, sự vui mừng của chúng ta phải luôn mãi, không thay đổi, không nao núng, vì thánh giá Ðức Kitô đã toàn thắng cả sự chết. Chúng ta không được dấu sự vui mừng ấy, mà phải làm sao cho mọi người nhận biết, vì như Sôphônia đã nói sự vui mừng cứu độ phát xuất từ bên trong nhưng tràn ngập ra bên ngoài. Và cũng chính nhà tiên tri ấy đã báo: không gì có thể dồn ép được niềm vui cứu độ vì lẽ Chúa ở gần bên chúng ta. Người đuổi xa sự sợ hãi và địch thù; nên chúng ta đừng lo. Có gì chúng ta cứ thành khẩn thưa Người. Người sẽ ban bình an và canh giữ lòng dạ chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.
Thiết tưởng không ai hơn được thánh Phaolô trong phân tách sự vui mừng của người Kitô hữu. Nếu chúng ta đã nhận được niềm tin vào lời hứa của Chúa như tiên tri Sôphônia; và nếu chúng ta đã chắc được cứu độ nhờ phép rửa trong Thánh Thần và lửa, như lời Gioan đã báo trước, thì chúng ta phải chấp nhận lời khuyên của Phaolô mà vui mừng luôn mãi trong Chúa. Ðiều duy nhất là liệu có thể ở mãi trong Chúa. Và điều ấy có thể được, đặc biệt nhờ vào việc tham dự thánh lễ.
Ðây là lúc chúng ta không những được nghe loan báo về Chúa như thời Sôphônia, và được đón Chúa đến như dưới thời Gioan Tẩy Giả; chúng ta còn được kết hợp với Người, để Người ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Rồi ở trong bất cứ hoàn cảnh nào Người cũng ở với chúng ta, để cứu độ và canh giữ cả ý nghĩ lẫn việc làm, cả tâm hồn và đời sống.
Thế nên chúng ta hãy bình an và vui mừng, hãy chứng tỏ chúng ta có tin mừng cứu độ; chúng ta có các lời tiên tri hứa hẹn và những lời ấy đã thực sự khởi sự thực hiện nơi chúng ta. Do đó chúng ta vui mừng và vui mừng luôn mãi trong Thiên Chúa.
Cố GM. Nguyễn Sơn Lâm (Vietcatholic news)
No comments:
Post a Comment