Wednesday, November 26, 2008

Và lễ Tạ Ơn tới…

Và lễ Tạ Ơn tới. Bây giờ đang là một ngày lễ, một ngày lễ Tạ Ơn. Lễ Tạ Ơn tới, có rất nhiều điều để mà tạ ơn.
Tạ ơn cho lá xanh đậm và bầu không khí nóng hừng hực khi mùa hè tới với những con số 100 đỏ chói trên hàn thử biểu. Tạ ơn cho làn gió êm dịu khi mùa thu về, lá đổi màu rực rỡ trên hàng cây. Tạ ơn cho tuyết trắng, tuyết trắng buông rơi thả nhẹ, tuyết trắng bám chặt cây khô bơ vơ trụi lá. Tạ ơn cho những nụ hoa đâm chồi nẩy lộc trong sân vườn lún phún mầu xanh, mầu xanh xanh mới, mầu xanh hy vọng. Tạ ơn cho gió nóng và gió lạnh. Tạ ơn cho gió hè và gió thu. Tạ ơn cho bốn mùa, bốn mùa luân phiên thay đổi.
Tạ ơn cho những thăng trầm trôi nổi trong một năm vừa qua. Tạ ơn cho hạnh phúc. Tạ ơn cho thanh bình. Tạ ơn cho bầu không khí đầm ấm trong căn nhà mới tinh, kiếng cửa sổ còn bóng lộn. Tạ ơn cho chiếc xe mới nằm trong nhà xe còn đang thơm mùi sơn mới. Tạ ơn cho tiếng cười tiếng nói trong những căn phòng khách sang trọng thơm tho mùi thảm mới với màn ảnh TV Plasma nằm chễm chệ chiếm gọn một góc nhà. Tạ ơn cho gạo trắng cơm ngon. Tạ ơn cho những bữa cơm thơm nồng được nấu bởi bàn tay của ông của bà, của bố của mẹ, của chị của anh, và của cả những người em, em trai và em gái.
Tạ ơn cho những thân hình lực lưỡng của những đứa con, con trai, mới ngày nào còn nhỏ xíu, nay vươn vai đứng dậy hóa ra thanh niên với những sợi râu mọc lưa thưa trên mép. Tạ ơn cho những đứa con, con gái, ngày nào tóc còn ngắn ngang vai, giờ này tóc dài đen nhánh êm đềm bước đi những gót hài sen đầu tiên của tuổi thanh xuân, tuổi của đẹp, đẹp rực rỡ, đẹp huy hoàng.
Tạ ơn cho những người chị, người anh, người em, em trai và em gái. Tạ ơn cho những lời ngon ngọt rì rào anh chị em thủ thỉ với nhau, và cũng tạ ơn cho những lời cay đắng buông ra không kịp kềm hãm. Tạ ơn cho những khuôn mặt tươi cười ngọt ngào, và những giận hờn nước mắt tuôn rơi. Tạ ơn cho những quây quần xum họp, và ngay cả những lúc không ai nhìn ai. Tạ ơn cho những lần cửa phòng rộng mở, và cũng tạ ơn cho những lần cửa đóng then cài.
Tạ ơn cho những người bố, những người mẹ. Tạ ơn cho những sáng sớm vất vả với dòng xe cộ đỏ chói và đen đặc trên xa lộ. Tạ ơn cho tháng tháng ngược xuôi mang tiền về nuôi chồng, nuôi vợ, và nuôi con. Tạ ơn cho những người cha người mẹ một đời khổ vì con, một đời cực vì cháu. Tạ ơn cho những người bố, những người mẹ sớm chiều lặn lội thân cò khi quãng vắng, kiếm gạo nuôi chồng nuôi vợ nuôi con. Tạ ơn cho những thiên đàng đã được tạo ra trong căn phòng khách, và ngay cả những ngọn lửa vẫn còn đang âm ỷ cháy. Tạ ơn cho những giọt nước mát lạnh từ trời cao đã tuôn đổ, những hạt nước mắt rớt xuống dập tắt đi mầm lửa của giận và của hờn.
Tạ ơn cho tình thương, tình thương mến vô điều kiện. Không phải bởi học giỏi, đỗ đạt vinh quy, tình thương mới được trao ban gửi tặng. Không phải! Không phải bởi nói tiếng Việt, hay tiếng Anh, hay tiếng Pháp, hay tiếng Đức giỏi, tình thương mới ngọt ngào tuôn đổ. Không phải! Không phải bởi biết đối đáp, biết ăn biết nói, biết làm ăn buôn bán, biết giao tiếp lanh lẹ, tình thương mới được trao ban. Không phải! Không phải bởi cao lớn lực lưỡng, tóc dài đen mượt, khuôn mặt xinh đẹp, nụ cười tươi thắm, dịu dàng thướt tha, da mầu trắng ngà, hay da mầu rám nắng, tình thương mới bộc phát. Không phải! Không phải bởi lương cao, nhà cửa thênh thang, 5 hoặc 6 phòng, bởi học thành tài, có bằng cử nhân, văn bằng bác sĩ, tình thương mới ngọt ngào tuôn đổ trên đầu lưỡi. Không phải! Không phải bởi vì điều kiện này điều kiện kia, tình thương mới lấp ló nơi khóe miệng. Không phải! Mà bởi vì bố là bố, mẹ là mẹ, chị là chị, anh là anh, em là em. Bởi vì bố là bố của con, bởi vì mẹ là mẹ của con, bởi vì em là em của anh, bởi vì em là em của chị, cho nên lúc nào tình thương cũng tràn đầy tuôn đổ trên hai bàn tay; và khi cần đến, tình thương ngọt ngào tuôn đổ, tình thương sung mãn, tình thương thánh thót, tình thương ngập tràn, tình thương lai láng, tình thương viên mãn, tình thương tuôn rơi.
Tạ ơn cho những sức khỏe sung mãn trong gia đình. Tạ ơn cho những đau ốm liệt giường, sụt sùi cảm cúm. Tạ ơn cho những giấc mơ chưa đạt tới, và không biết bao giờ mới đạt tới. Tạ ơn cho những lần không trở thành gánh nặng cho chính mình và cho những người thân chung quanh. Tạ ơn cho những vết thương tâm hồn từ bao lâu nay đã thôi không sưng đỏ, đã chịu lên da non.
Tạ ơn cho những khuôn mặt trong gia đình đang dần dần biến dạng trở nên cằn cỗi, và tạ ơn cho những khuôn mặt vẫn còn đang căng tràn nhựa sống. Tạ ơn cho những lầm lỗi. Tạ ơn cho những lần được thứ tha, được bỏ qua, được quên đi, được xóa nhòa. Tạ ơn cho những chịu đựng âm thầm, không cằn nhằn, không đi ra đi vào đá thúng đụng nia.
Tạ ơn cho những người tình của gia đình. Tạ ơn cho những khuôn mặt mới thường xuyên xuất hiện trong căn phòng khách đợi chờ những khuôn mặt cũ. Tạ ơn cho những người thanh niên kiên nhẫn ngồi im lìm đọc báo coi TV đợi chờ trong căn phòng khách trong khi những người con gái vẫn đang đi tới đi lui trước gương. Tạ ơn cho những đám cưới tưng bừng với bao nhiêu quan khách. Tạ ơn cho những tà áo dài trắng thướt tha, những khuôn mặt đỏ hồng, những đôi mi e lệ dưới khăn voan cô dâu trắng toát. Tạ ơn cho những đứa con đang hình thành trong bụng. Tạ ơn cho những mái ấm gia đình hạnh phúc, và cũng tạ ơn cho những căn nhà bắt đầu nóng, nóng như lửa.
Tạ ơn cho những buổi lễ Tạ Ơn với thịt gà tây chiên vàng theo kiểu Văn Lang. Tạ ơn cho những bữa tiệc Giáng Sinh với khăn bàn đỏ rực, với những ly rượu đỏ nồng, và những khuôn mặt đỏ thắm. Tạ ơn cho những cây thông mọc trong căn phòng khách với đèn trắng, đèn xanh, đèn đỏ, đèn tím, đèn vàng, đèn sáng chưng, đèn lấp lánh bên những gói quà Giáng Sinh chất cao, cao ngất. Tạ ơn cho những đêm Giao Thừa im lìm trên vùng đất mới với không pháo đỏ hồng, không quần áo mới. Tạ ơn cho những đêm Trung Thu trăng tròn rực rỡ, không đèn con thỏ, không đèn con cá, không đèn kéo quân, cả nhà ngồi sau vườn ngắm trăng với trà ướp sen, trà hoa lài, và với bánh nướng, bánh dẻo.
Tạ ơn cho những buổi kinh tối, cả gia đình quây quần đọc kinh Mân Côi. Tạ ơn cho những con thuyền, những chuyến bay đã mang gia đình tới đất mới, trời mới. Tạ ơn cho những lần thất nghiệp đi ra đi vào chẳng biết làm chi khác hơn ngoài luyện chưởng. Tạ ơn cho bầu không khí lành lạnh mát dịu của một ngày cuối tháng Mười Một. Tạ ơn cho Mùa Vọng, cho Lễ Giáng Sinh. Tạ ơn cho nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc bay thơm lừng nguyên cả một khu phố có người Hoa Kỳ gốc Văn Lang quây quần xum họp. Tạ ơn cho Bún Bò Huế, Bún Vịt Sáo Măng, Bún Mọc, Cháo Gà, Cháo Vịt, Cháo Lòng Heo và Phở. Tạ ơn cho Bánh Cuốn, Bánh Bèo, Bánh Đúc, Bánh Phồng Tôm. Có rất nhiều điều để Tạ Ơn. Có muốn kể ra, kể ra cũng không hết.
Tạ ơn cho một ngày Lễ Tạ Ơn, một ngày người thân nhớ tới người thân, một ngày gia đình quây quần xum họp tạ ơn trời cao.
Tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Ông Trời cho một năm vừa trôi qua, trôi qua trong hạnh phúc, trôi qua trong thanh bình, trôi qua trong an lạc, trôi qua trong hồng ân.
LM Nguyễn Trung Tây, SVD (theo VietCatholic News)

Sunday, November 16, 2008

TÔN VINH HIỂN THÁNH 117 VỊ TỬ ĐẠO VIỆT NAM TẠI RÔMA NGÀY 19-08-1988


BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II TRONG ĐẠI LỄ TÔN VINH HIỂN THÁNH 117 CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO VIỆT NAM TẠI RÔMA NGÀY 19-08-1988


Anh chị em thân mến,
1 – “Chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu tử nạn Thập Giá.” (1Cr 1,23)
Mượn lời trên đây của Thánh Phaolô, Giáo Hội Rôma hôm nay gửi lời chào Giáo Hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời, tôi xin chào toan thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng cà Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quý quốc đựơc trăm phần an lành.
Mối thịnh tình ưu ái đầu tiên xin dành cho người anh em thân yêu Giám Mục Hà Nội, và cho tất cả Giám Mục trong giáo đoàn Việt Nam, mà giờ này tôi ao ước các ngài hiện diện nơi đây. Cùng với hàng Giáo Phẩm, tôi chào tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ, các thành phần giáo dân tham gia công cuộc truyền đạo, và trong toàn thể giáo dân Việt Nam: trong giờ phút này, tôi linh cảm mình hiệp thông với họ một cách sâu xa đặc biệt.
Tôi chào tất cả anh em Giám mục cũng như giáo dân của Tây Ban Nha, Pháp và Phi Luật Tân, những xứ sở mà trong ba thế kỷ đã góp phần vào việc truyền giáo tại Việt Nam. Tất cả tuôn về Rôma hôm nay để tưởng niệm những người anh em trước kia là Thừa Sai xuất xứ từ ba quốc gia này.
Một tư tưởng ưu ái xin gửi đến các linh mục Đaminh thuộc tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi đã thánh lập từ bốn thế kỷ và Hội Thừa Sai Ba-Lê đã cống hiến một số đông đảo Giám Mục và Linh mục, mà hôm nay chúng ta sùng kính như những vị Tử Đạo vì rao giảng Lời Chúa.
2 – Một cách đặc biệt, tôi gửi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: Mỹ Châu, Á Châu, Úc Châu và Âu Châu tuôn về địa điểm này. Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm nhu cầu - đứng chung quanh các vị Thánh - để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương mến, hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này, anh chị em hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt, anh chị em cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng.
Lên tiếng với anh em để hô vang Chúa Kitô tử nạn Thập Giá, tất cả chúng tôi hôm nay để lời cám ơn anh em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam hay là những vị Thừa Sai, xuất xứ từ những nước đã in sâu mầm mống Đức Tin Chúa Kitô.
Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong số đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ, Thánh Agnès Lê Thị Thành, mẹ sáu người con?
Truyền thống còn ghi nhớ lịch sử chết vì đạo của Giáo Hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ lúc ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa được truyền đạo, Giáo Hội Việt Nam đã bị bách hại suốt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo Hội Âu Châu thời xưa. Từng ngàn Giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc!
Để lấy một ví dụ: Trong các vị Tử Đạo hôm nay, đi tiền phong có Thánh Vinh Sơn Liêm, dòng Đaminh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1733. Rồi tới Linh mục Anrê Dũng Lạc, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo khó, bên lương từ nhỏ đã phải “bán” cho một thầy giảng dậy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức Linh mục năm 1823, đựơc bổ nhiệm chánh xứ và đương nhiên trở thành nhà truyền giáo trong nhiều địa hạt. Nhiều lần đã bị lao tù, nhưng vẫn được Giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong chờ được chết vì Chúa. “Những ngừời chết vì Đức Tin - ngài nói – thì lên Thiên Đàng thẳng rẵng; tại sao chúng ta cứ phải ẩn náu, phải tốn tiền đút lót cho quan quyền: thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có phải hơn không?”. Thực ra, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21-12-1839.
3 – Trong bài Phúc Âm hôm nay nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các Tông Đồ và những ai theo chân các Ngài sẽ bị bách hại: “Họ sẽ lôi chúng con ra tòa Công Nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con trước vua chúa quan quyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại” (Mt 10,17-18). Chúa tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không có úp mở. Chúa không đưa đẩy với những lời hứa hẹn xa gần, nhưng với thói quen nói thẳng lời chân lý toàn diện, Chúa chuẩn bị tâm hồn các ngài trước nguy cơ: “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí tới cùng sẽ đựơc cứu độ.” (Mt 10,21-22)
4 – Tuy nhiên, Thầy Chí Thánh không bỏ rơi các Tông Đồ và các người tin theo các Tông Đồ trong những cơn bách hại:
“Khi bị nộp vào tay họ, chúng con đừng lo phải nói thế nào, Vì thực ra không phải chúng con nói, nhưng là Thần Linh của Thân Phụ nói trong chúng con.” (Mt 10,19-20).
Thần Linh chính là Thần Linh chân lý. Ngài sẽ là mãnh lực trong thân xác yếu hèn của con người. Nhờ Ngài là mãnh lực mà anh em mới có thể là chứng nhân. Phải, chính sự kiện anh em là chứng nhân cho Chúa Kitô tử nạn, sự kiện đó há chẳng phải là khôn ngoan, là mãnh lực vượt mức loài người đó ư? Thánh Phaolô hồi xưa đã chẳng nói: “Chính sự kiện Chúa Kitô tử nạn là một ô nhục cho người Do Thái, là một cử chỉ điên rồ” (1Cr 1,23) đó ư? Từ thời các Thánh Tông Đồ đã vẫn thế rồi, qua các thế hệ lịch sử vẫn tiếp tục như thế; cũng như qua mấy thế kỷ bách hại tại Việt Nam, sự kiện đó vẫn không thay đổi.
Phải, cần phải có mãnh lực, khôn ngoan từ Thiên Chúa mới có thể tuyên xưng mầu nhiệm tình yêu của Ngài, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên Thập Giá để cứu chuộc trần gian: quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận loài người. “Là vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan người đời, và yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh sức hơn cả sức lực phàm nhân.” (1Cr 1,25)
Chính vì thế mà Thánh Tông Đồ đã viết: “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô tử nạn Thập Giá: Đức Kitô, trong mầu nhiệm Phục Sinh, đã chứng minh Ngài là mãnh lực của Thiên Chúa, là khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1Cr 1,23-24)
5 – Trước mặt chúng ta hôm nay, các vị Tử Đạo Việt Nam vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh:
“Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt,
Nhưng khi trở về, lòng thênh thang phấn khởi,
Vì ôm nặng nhiều bông lúa.”
(Tv 125-126,5-6)
Lời huyền diệu trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị Tử Đạo trong Giáo Hội Việt Nam. Trong vũng nước mắt của họ đã gieo xuống hạt giống ân sủng, để rồi trở thánh vô số bông hoa ĐỨC TIN;
“Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơi trọi một mình, nhưng nếu mục đi sẽ sinh nhiều bông lúa." (Ga 12,24)
Các vị Tử Đạo Việt Nam “gieo trong lệ sầu”, có nghĩa là các ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Đồng thời, các ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nền văn hóa tôn giáo trong thế giới Đông Phương. Trong cuốn giáo lý đầu tiên bằng tiếng Việt, các ngài đã tuyên xưng nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi một bản thể đã tạo dựng trời đất. Ra trước quan quyền tra khảo về ĐỨC TIN, các vị Tử Đạo đã quả quyết mình được tự do tín ngưỡng, và đạo Chúa Trời là đạo duy nhất, nếu mình từ bỏ là bất tuân lệnh Thượng Đế, tức là Thiên Chúa. Đồng thời, các ngài đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều gì bất chính. Các ngài đã dậy phải tôn kính Tổ Tiên theo truyền thống dân tộc, và dưới ánh sang mầu nhiệm Phục Sinh. Do đó, với sự dấn thân và hành động chứng nhân của các vị Tử Đạo, Giáo Hội Việt Nam hiên ngang nói lên sự quyết tâm và tha thiết của mình, không chối bỏ truyền thống văn hóa và các thể chế quốc gia, trái lại, Giáo Hội tuyên xưng và chứng minh rằng: nếu mình nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì có góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn.
Và rồi những cuộc đấu tranh, những căng thẳng chính trị hồi xưa, xen lộn vào trong những bang giao giữa giáo dân và nhà cầm quyền, những quan hệ lợi hại giữa các tôn giáo, những lý do kinh tế xã hội, sự kiện người ta không hiểu rằng: Tín ngưỡng bao hàm quan niệm siêu việt và phổ cập toàn thế giới... là những yếu tố tạo nên trần gian như một nồi nung nấu, trong đó thanh lọc mọi khía cạnh, để chỉ nổi bật nét khiết bạch và sức dũng mạnh của tấm gương nhân chứng.
6 – Đoàn thể đông đảo các Tử Đạo, những gian lao đau khổ, những giọt nước mắt... tất cả đã tạo nên “mùa lúa vàng” của Thiên Chúa. Các ngài là những bậc Thầy, tôi xin mượn dịp hôm nay, để nêu lên trước toàn thể Giáo Hội sức linh hoạt và hình vóc hùng tráng của Giáo Hội Việt Nam: ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng Chúa Kitô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài hiện đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta.
Một lần nữa, giữa giáo đoàn Viêt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: máu các Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong ĐỨC TIN. Giữa anh em, Đức tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. ĐỨC TIN này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn còn là người tín hữu của Chúa Kitô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: Lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1Pr 2,13-17). Do đó, công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải đựơc tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với những với các vị Chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng: và như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.
7 –
“Máu các Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu.”
“Hạt giống các tín hữu”
: Ngoài con số từng ngàn từng vạn giáo dân trong các thế kỷ trước đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng với danh hiệu những người quản lý trung thành trong nước Trời.
“Hạt giống các tín hữu” là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập Giá của Chúa Kitô: Thánh Giá bài trừ sự nói dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con người biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho nước Cha trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương của họ là môi trường đời sống.
Công tác này: công tác liên tục diễn tiến trong nội tâm vừa gay go vừa trường kỳ vì luôn luôn bị hoàn cảnh đặc thù chế ngự, và âm mưu thử thách ĐỨC TIN, do đó, đòi hỏi rất nhiều nhẫn nại. Phải xác tín rằng: đêm tối rồi cũng qua đi và ánh bình minh đang ló rạng ngoài ngưỡng cửa.
8 – “Những linh hồn lành thánh... ở trong tay Thiên Chúa.” (Kn 3,1)
Chân lý trên đây được đề cao trong sách Khôn Ngoan càng là ánh sáng quảng diễn biến cố long trọng hôm nay. Phải, “linh hồn lành thánh ở trong tay Thiên Chúa, không hình khổ nào chạm tới được”. Quả quyết như thế có vẻ là không chính xác với thực tế lịch sử: thực ra hình khổ đã va chạm thân xác các vị Tử Đạo, và va chạm ghê gớm. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp tục quảng diễn tư tưởng:
“Một người điên dại cho rằng các ngài đã mệnh một và kết liễu cuộc đời bằng cái chết là một tai họa: Chết đi là một đổ vỡ, tuy nhiên, các ngài vẫn sống trong an bình. Trước mắt trần gian, các ngài đã bị đau khổ, nhưng niềm hy vọng nơi các ngài mang nặng mầm mống trường sinh.” (Kn 3,2-4)
Các Thánh Tử Đạo: Tử Đạo Việt Nam! Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Chứng nhân là con người vẫn được kêu gọi về hướng trường sinh. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, anh em sẽ được nhiều ơn vĩ đại, là ví Thiên Chúa đã luyện lọc anh em và thấy anh em xứng đáng, Ngài đã thử thách anh em như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận anh em như của lễ toàn thiêu. Phải, của lễ toàn thiêu hợp với của lễ hy sinh trên Thập Giá của Chúa Kitô. Là vì kiên cường cho đến chết, anh em đã tuyên xưng Chúa Kitô tử nạn – Ngài là sự khôn ngoan, là quyền năng Thiên Chúa. Chúa Kitô: trong Ngài chúng ta được Thiên Chúa cứu rỗi.
9 – Tất cả những ai tin cậy nơi Ngài – nơi Chúa Kitô tử nạn và phục sinh – họ sẽ được hiều biết chân lý; những ai trung thành với Ngài sẽ được cùng Ngài sống trong yêu thương, ví là ân sủng và tình thương vẫn được dành cho những người được tuyển chọn. (Kn 3,9)
ANH EM: dòng giống các vị Tử Đạo, ANH EM: dòng giống những người được kêu gọi. Anh em hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: “Trong ngày phán xét, họ sẽ long lanh như những tia sáng chiếu trên đồng cỏ từ Đông sang Tây.” (Kn 3,7) Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rực rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: “Các dân tộc sẽ trị vì, họ cai trị dân chúng. Nhưng trên tất cả, Thiên Chúa sẽ thống trị mọi loài.” (Kn 3,17) Chúa đây, tức là Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, Ngài xuống trần gian “không để xét xử thế giới, nhưng để thế giới nhờ Ngài mà được cứu rỗi.” (Ga 3,17) Chính Chúa Kitô này: anh em đã tham gia vào cuộc thống khổ và tử nạn Thập Giá của Ngài, hôm nay anh em hãy tham gia vào việc cứu độ trần gian mà chính Ngài đã kết liễu. Nguyện Chúa cho mùa lúa vàng của anh em muôn năm tồn tại trong hoan lạc.

Bản dịch của Đức Ông Vinh Sơn TRẦN NGỌC THỤ
(Trích từ Tập San GSVN số 80 / 2008)

Tuesday, June 24, 2008

MỪNG LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ!

MỘT CON TRẺ LẠ LÙNG
Việc lạ lùng của Gioan Tẩy Giả đã được đánh dấu ngay từ lúc cha mẹ của Gioan đặt tên cho ông. Thường dân Do Thái tên của người cha, tên của họ hàng nội phải được đặt tên cho đứa bé mới sinh ra. Ở đây, cái huyền diệu, linh thánh đã xẩy ra ngay lúc cắt bì cho con trẻ. Lúc cắt bì cũng là lúc đặt tên cho đứa bé. Mọi người cứ tưởng lấy tên cha Giacaria đặt tên cho bé, nhưng bà Êlisabét lên tiếng: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan” (Lc 1,60). Đây là cái tên do chính Thiên thần đã báo trước cho Giacaria biết ông và vợ ông sẽ sinh được một cháu trai dù hai ông bà đã luống tuổi, cao niên không thể nào sinh con nếu không có bàn tay Thiên Chúa can thiệp…
CON TRẺ GIOAN TẨY GIẢ LÀ VỊ NGÔN SỨ DUY NHẤT CHỈ CHO NHÂN LOẠI THẤY ĐẤNG CỨU THẾ: Mở đầu Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan viết: “Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng cho ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa” (Ga 1,6-7). Địa vị và vai trò của Gioan Tẩy Giả rất quan trọng và lớn lao trong hàng ngũ các ngôn sứ của lịch sử dân Chúa. Bởi vì việc mang thai con trong lúc tuổi già của vợ chồng ông Giacaria và Eâlisabét đã nói lên việc kỳ diệu của Thiên Chúa nơi con trẻ Gioan. Tên con trẻ trong ngôn ngữ Do Thái là “Jehohanan”. Chữ này có nghĩa “Thiên Chúa là ân sủng”. Vì con trẻ là hồng ân nhưng không, cao vời Thiên Chúa dành cho Gioan Tẩy Giả, cho toàn dân và cho ông bà Giacaria, nên ai nấy đều bỡ ngỡ (Lc 1,63). Sau khi đứa trẻ được đặt tên, Giacaria dâng lên Thiên Chúa một lời ngợi khen tuyệt vời, Ông đã dâng con ông cho Thiên Chúa và nói: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77). Tới tuổi trưởng thành, khôn lớn Gioan Tẩy Giả từ giã gia đình đi vào hoang địa, đi vào rừng vắng để ăn chay cầu nguyện, chuẩn bị sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tin Mừng thuật lại, đời sống của Gioan Tẩy Giả rất khổ hạnh: “Thức ăn của Người là châu chấu và mật ong rừng”. Tuy thân xác khổ hạnh, nhưng tinh thần của Người tràn đầy niềm vui. Do đó, Gioan Tẩy Giả quả thực nắm một vai trò rất quan trọng trong lịch sử dân Chúa.
SỨ MẠNG DỌN ĐƯỜNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ: Mình Gioan được đặc ân dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả đã trình bày và giới thiệu Chúa Cứu Thế như là hồng ân cao quí tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho nhân loại, cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa là chiên Thiên Chúa và là Đấng xóa tội gian trần. Tin Mừng viết: “Năm thứ mười lăm dưới triều Hòang Đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít… có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Giacaria là ông Gioan trong hoang địa… rao giảng,kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội và sửa soạn cho ngày Đấng Cứu Thế tới” (Lc 3,1-6). Mọi người dân Do Thái tuôn đến để nghe Gioan rao giảng và tin vào Người nhưng Gioan đã vội minh xác: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, sẽ có một người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giầy Người” (Lc 3,16). Chính Chúa Giêsu cũng tới xin Gioan làm phép rửa cho mình. Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Chúa Giêsu và chỉ cho các môn đệ của mình biết Đấng Cứu Thế. Thánh nhân đã đề cao vai trò cứu thế của Chúa: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Thánh Gioan Tẩy Giả đã thi hành sứ mạng dọn đường rất nghiêm ngặt và công minh. Ngài không sợ thế gian, nên Ngài đã quở trách nặng lời Hêrôđê vì vua đã lấy vợ em mình. Ngài đã bị tống giam vào ngục và bị chém đầu vì một lời hứa khờ dại của vua Hêrôđê.
Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Sunday, May 11, 2008

Mẹ Maria đồng hành với các gia đình


Chúng ta đang trong Tháng Hoa, tháng Giáo Hội dành riêng để dâng kính và tôn vinh Mẹ Maria, chúng ta thử nhìn lại vai trò của Mẹ đối với các gia đình nhân loại chúng ta. Hay nói đúng hơn, là “Nữ Vương các gia đình”, Mẹ Maria đã luôn đồng hành với các gia đình như thế nào.
Ngày nay, sự xáo trộn và thay đổi quá nhanh chóng trong hầu như tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống đã đưa đẩy các gia đình – cha mẹ cũng như con cái – phải đứng trước những thách đố, trước những vấn đề vô cùng phức tạp và nan giải. Những quan điểm vốn coi gia đình là mẫu mực lý tưởng duy nhất, là hòn đảo an bình thơ mộng giữa “đại dương xã hội” bao la đầy sóng gió, đã bị lung lay tận gốc. Trong thời đại tân tiến và hỗn loạn ngày nay, trong thời đại mà não trạng của mọi tầng lớp xã hội đã thay đổi một cách khủng khiếp, nhiều hình thức và mẫu mực sống mới khác về gia đình đã được lớp người cấp tiến sáng chế ra, đưa trình diễn và giới thiệu như những sản phẩm tân kỳ mới lạ được bày bán trong các siêu thị. Các kế hoạch chính trị và kinh tế chỉ còn nhằm trục lợi và tìm đạt được mục đích riêng tư đã được đề ra, chứ không còn quan tâm tới các giá trị của gia đình nữa, nếu không nói là còn tìm cách chèn ép và giới hạn không gian sống của gia đình. Đúng vậy, trong cuộc sống xã hội hôm nay gia đình đang bị dồn ép vào chân tường, đang phải oằn vai gánh chịu bao thiệt thòi mất mát trong lãnh vực luân lý, tinh thần cũng như vật chất.
Nhưng con người cũng đừng quên rằng, ai tìm cách phá vỡ nền móng gia đình, người đó phá vỡ chính nền móng của xã hội. Ai kỳ thị và coi thường các giá trị linh thiêng của gia đình là kỳ thị và coi thường chính con người là hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa, và toàn thể xã hội. Vì thế, không phải là điều quá lời khi chúng ta khẳng định rằng gia đình là hơi thở và là lẽ sống cấp thiết của con người!
Nhưng nếu trong cuộc sống xã hội hôm nay, gia đình hầu như đã mất đất đứng, sự tồn vong của gia đình và các giá trị chân chính của gia đình đang bị đe dọa nặng nề từ mọi phía, vậy:
+ Phải chăng, là những Kitô hữu, chúng ta không cần phải đem hết khả năng sức lực của mình dấn thân tranh đấu cho gia đình và các giá trị của gia đình hơn nữa?
+ Phải chăng, khi gia đình đang phải đối mặt với những thách đố, những khó khăn về mọi mặt như thế, chúng ta lại không ý thức được rằng mình đã được Tạo Hóa mời gọi làm nổi bật ý nghĩa và các giá trị chân chính của đời sống hôn nhân cũng như của gia đình một cách đầy xác tín, và nhất là đem thực hiện chúng trong chính cuộc sống hôn nhân và gia đình của mình?
Việc thăng tiến gia đình phải là một bổn phận quan trọng và khẩn thiết bất khả kháng của xã hội, của nhà nước và của từng người. Gia đình và các giá trị của nó không thể bị các nhà chính trị lợi dụng như một phương tiện hay bị đưa ra làm vật thí nghiệm cho xu hướng chính trị và ý thức hệ quá khích và một chiều của họ được. Bởi vậy, con người ngày nay cần phải biết xét lại quan điểm của mình về gia đình và về các gia trị cao quý bất khả chuyển nhượng của gia đình mà Thiên Chúa đã ban cho. Xã hội và các nhà nước cần phải củng cố các gia đình và khuyến khích sự xác tín về các giá trị của gia đình.
Bởi vì, trước hết hôn nhân và gia đình không phải là sản phẩm do con người sáng chế ra, nhưng là bắt nguồn từ ý định của Thiên Chúa Tạo Hóa và được đặt nền tảng trên chính công trình sáng tạo của Người. Chính Thiên Chúa đã thiết lập và khắc ghi đậm nét định luật hôn nhân và gia đình vào trong chính bản tính của con người, khi ngay từ buổi đầu công trình sáng tạo, chính Người đã dựng nên hai người nam-nữ, đính kết họ lại với nhau thành vợ chồng (x. St 2,18-25) và đã truyền cho họ: “Các ngươi hãy sinh sôi cho đầy mặt đất” (St 1,28b). Chính đính ước hôn nhân đó lại một lần nữa đã được chính Chúa Cứu Thế khẳng định một cách long trọng: “Những gì Thiên Chúa đã nối kết thì loài người không được phân ly” (Mt 19,1-9). Vì thế, hôn nhân và gia đình không bao giờ là thứ “hàng hóa quá hạn” hay những “kiểu mẫu lỗi thời” của cuộc sống chung của con người được.
Vậy, giữa những biến đổi đảo điên, vàng thau lẫn lộn như thế, làm sao chúng ta có thể nhìn thấy rõ và tái khám phá được các giá trị hôn nhân và gia đình? Hay: đâu là niềm an ủi chân chính, là điểm tựa vững chắc và gương mẫu sáng chói cho chúng ta trong cuộc sống hôn nhân và gia đình đầy thử thách này?
Để trả lời cho những vấn nạn đầy thao thức đó, chúng ta có thể quả quyết rằng, sự gắn bó và liên kết với Mẹ Maria có thể giúp làm sống động lại lý tưởng gia đình Kitô giáo. Bởi vì, Mẹ đã sống trong một gia đình, đã sống đời sống gia đình, nên Mẹ rất gần gũi các gia đình. Qua kinh nghiệm riêng trong vai trò một người phụ nữ và một người mẹ, Mẹ Maria rất hiểu biết và thông cảm hoàn toàn được mọi nguyện vọng mong muốn, mọi nhu cầu và mọi cơ cực của gia đình. Nói cách khác, Mẹ biết rõ mọi vui buồn và mọi thử thách của đời sống gia đình. Mẹ Maria cũng hiểu thấu những vấn đề mà hằng ngày đời sống gia đình chúng ta luôn phải đối mặt.
Và đó là sự thật, chứ không phải là những suy luận đạo đức trống rỗng. Vâng, nếu chúng ta đọc lại những bài tường trình trong Phúc Âm của các thánh sử Luca và Mathêu về cuộc sống trần thế của Mẹ Maria ở Nadarét, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng Mẹ là một người trong chúng ta: đã sống một cuộc hoàn toàn như chúng ta, nghĩa là Mẹ cũng đã phải trải qua những giờ phút đầy thử thách, đầy đau khổ và đầy nước mắt. Đặc biệt nhất là các bài tường trình về: Biến cố truyền tin, sự giáng sinh và cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Qua những đoạn Phúc Âm trên chúng ta nhìn thấy được một cách rõ ràng rằng:
+ Thánh Gia Na-da-rét là một gia đình nghèo nàn, một gia đình vô sản đúng nghĩa;
+ Khi sinh con đầu lòng, họ không có lấy được một mái tranh che đầu, họ không đủ khả năng kinh tế để thuê lấy một căn phòng nhỏ bé đơn sơ để trú chân, đến nỗi phải chọn chuồng chiên bò làm nơi ngả lưng;
+ Bị bọn công an của bạo chúa Hêrôđê ruồng bắt và phải lẩn trốn hết chỗ này đến chỗ nọ, phải tha hương cầu thực trong suốt bao nhiêu năm trời;
+ Khi cơn thử thách bắt bớ qua đi, họ lại khăn gói kéo nhau về xóm Nadarét sinh sống bằng nghề thủ công thợ mộc;
+ Cuộc sống gia đình của họ hoàn toàn thanh bạc và tả tơi như những xác mộc lìa cây, như những vỏ bào thấm đượm mồ của họ nằm rơi rớt đó đây trên nền đất.
Nói tắt, điều kiện sống của gia đình Thánh Gia hoàn toàn tương tự như bao gia đình nghèo hèn xưa kia ở xóm Nadarét và ngày nay tại các thôn quê nghèo đói hay tại các khu phố ổ chuột rách nát. Xưa kia, Mẹ Maria cũng hằng ngày vất vả làm mọi công việc trong nhà như bao người phụ nữ và bao người nội trợ khác.
Quả thật, cuộc sống gia đình của Thánh Gia Nadarét - của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria và của Thánh Cả Giuse không - phải là một cuộc sống đầy lý tưởng thơ mộng theo nghĩa trần thế như từng được óc giàu tưởng tượng của các họa sĩ trình bày trên các bức tranh tuyệt tác. Trái lại, thực tế của Thánh Gia Thất vô cùng chật vật khó khăn và đầy thử thách chua cay. Các Ngài không hề được chuẫn chước hay miễn trừ bất cứ khó khăn nào của đời sống những gia đình bần cùng: Những phiền toái và những lo lắng sợ hãi trước thói đời đen bạc, trước những chèn ép và khinh khi kỳ thị của người giàu có, của kẻ mạnh thế, hằng ngày phải nhọc nhằn vất vả lo cho miếng cơm manh áo của gia đình, v.v... Nhất là nhiều hoàn cảnh đầy thử thách nặng nề cũng đã đe dọa hòa khí trong Thánh Gia Thất như trong bao gia đình khác. Nhưng nơi các Ngài chỉ có tình yêu chân thành, sâu đậm và thấm đầy đức tin là sợi dây bền chặt nhất ràng buộc tất cả lại với nhau và làm cho nên hoàn hảo (x. Cl 3,14).
Vì thế, chắc chắn rằng Mẹ Maria sẽ làm chứng và chuẩn y cho lời phát biểu chưa lâu sau đây của một bà mẹ có ba đứa con trưởng thành: “Thành thật mà nói, gia đình thật là cả một cuộc chuyển biến không ngừng, trong đó không ai có thể hoàn toàn đoán biết trước và làm chủ được tình thế. Chỉ có tình yêu thương lẫn nhau cách chân thành mới có thể giúp cho cuộc sống gia đình tồn tại được!”
Đúng thế, gia đình chỉ có thể tồn tại được, khi trong gia đình có tình yêu thương ngự trị, khi mọi thành viên gia đình biết kính trọng, thương yêu và nhường nhịn nhau. Trái lại, ở bất cứ nơi đâu, nếu tình yêu chân thành và trung tín bị bỏ quên hay bị đánh giá thấp, ở đó chính nền tảng gia đình bị lung lay và vì thế hạnh phúc gia đình bị đe dọa trầm trọng.
Một tình yêu gương mẫu mà mọi gia đình nhân loại đang khẩn cấp cần đến, chúng ta có thể tìm gặp được nơi Mẹ Maria, trong cuộc sống Thánh Gia Nadarét. Vâng, nơi Mẹ gia đình có thể tìm gặp được một câu giải đáp cho những khắc khoải của mình. Mẹ Maria chân thành góp ý với mọi gia đình: “Người bảo các ông các bà làm gì, thì hãy làm như thế!” (x. Ga 2,5). Nói cách khác, để giúp các gia đình tìm được hạnh phúc đích thực, lời khuyên đầu tiên của Mẹ Maria là họ hãy tuân giữ các Giới Răn của Thiên Chúa, sống theo tinh thần Phúc Âm và chu toàn các giáo huấn của Hội Thánh.
Mẹ Maria luôn mong muốn cùng đồng hành và cứu giúp các gia đình chúng ta, nếu chúng ta biết tin tưởng chạy đến phó thác tất cả vào tình mẫu tử của Mẹ, vì Mẹ là Nữ Vương các gia đình, là Đấng bảo hộ các gia đình.
Vì thế, chúng ta hãy cung kính rước Mẹ vào trong gia đình mình, hãy biến gia đình chúng ta thành một ngôi Nhà Nguyện xứng đáng cho Mẹ, bằng cuộc sống gia đình đầm ấm, đầy tình thương yêu nhau. Chính tư cách sống đầy tin tưởng, thông cảm, tha thứ và yêu thương nhau của chúng ta là những bó hoa, là những ngọn nến cháy sáng trước bàn thờ Mẹ trong gia đình chúng ta. Mẹ Maria có thể uốn nắn và chữa lành những gì sai lạc và bệnh hoạn trong cuộc sống gia đình chúng ta. Mẹ luôn mong muốn củng cố và tăng sức cho cuộc sống các gia đình, hầu cho các gia đình đủ sức và đủ can đảm để đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa và vâng theo thánh ý của Người.
Vậy, chúng ta hãy trưng bày các ảnh tượng Mẹ Maria trong gia đình, hãy động viên và khuyến khích nhau thêm lòng sùng kính Mẹ Maria, đặc biệt qua việc sốt sắng lần hạt Mân Côi mỗi ngày.
Nói tóm lại, chúng ta hãy rước Mẹ Maria vào trong cuộc sống gia đình chúng ta, vì Mẹ là gương mẫu và là Đấng Phù Hộ các gia đình trong mọi hoàn cảnh sống. Vâng:
+ Khi Giêsu Con Mẹ đã chọn cho mình một con đường ngoại thường, một con đường có lẽ đã không như Mẹ nghĩ, nhưng Mẹ đã cư xử và hành động một cách hết sức bình tĩnh và nhất là bằng kinh nguyện. Vậy, Mẹ có thể an ủi và động viên các bậc cha mẹ khi phải nhìn thấy con cái của họ tự chọn cho mình những lối đi riêng.
+ Khi Giêsu Con Mẹ phải bước đi trên con đường thập giá, lòng Mẹ đầy đắng cay tan nát, nhưng Mẹ đã không ngã lòng và mất tin tưởng vào sự an bài của Thiên Chúa tình thương. Vì thế, Mẹ là Đấng Ủi An cho các bậc cha mẹ khi phải chứng kiến con cái mình phải đau khổ thử thách. Mẹ giúp cho họ biết chấp nhận thử thách và biết tin tưởng phó thác tất cả vào sự an bài đầy yêu thương Thiên Chúa.
+ Cùng Con Mẹ, Mẹ Maria đã phải trải qua mọi vui buồn của cuộc sống; Mẹ đã bước đi từng bước nặng nề với Con Mẹ trên đường đến núi sọ. Tim Mẹ đã tan nát khi nhìn những giọt máu đỏ của Con Mẹ rơi rớt suốt trên đường khổ giá, và tim Mẹ đã đau nhói khi tai Mẹ nghe những lời chửi bới mắng nhiếc xối xả của bọn lí hình hay những làn roi, những cú gậy gộc trút xuống trên thân xác Con Mẹ vốn đã bầm tím và máu me dầm dề. Do đó, chắc chắn Mẹ Maria sẽ cầu thay nguyện giúp cho các bậc cha mẹ đau khổ, có đủ sức mạnh để luôn luôn biết liên kết với con cái họ, cả khi họ không thể chấp nhận được thái độ hay cách xử sự của con cái họ.
+ Mẹ Maria đã phải chấp nhận sự đau đớn cùng tận khi Mẹ phải chứng kiến cảnh Con Mẹ phải chết một cách tang thương và nhục nhã trên thập tự giá. Do đó, Mẹ Maria luôn là người bạn đồng hành đáng tin tưởng nhất đối với các bậc cha mẹ đang phải khóc thương cho đứa con phải chịu đựng cơn bệnh bất trị hay vừa vĩnh viễn nằm xuống, v.v…!
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các gia đình, xin cầu cho chúng là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Lm Nguyễn Hữu Thy (trích từ VietCatholic News)

Monday, May 05, 2008

Bó bông hoa tháng Năm


Trong thiên nhiên, thời tiết tháng Năm mát dịu, cành lá của cây cối trổ xanh tươi, bông hoa nhú nụ nở tươi thắm, loài Chim chóc, Ong Bướm, Chuồn Chuồn bay chuyền lượn, kêu hót trong khắp không gian… Một sức sống mới vươn lên tô điểm cho khu vườn nhiều mầu sắc rực rỡ.
Niềm vui đời sống đức tin cũng hòa lẫn với thiên nhiên trời đất trong cung cách mừng kính Đức mẹ Maria, mẹ Chúa thiên đình.
Tại sao lại như thế được?
Mầu xanh cành lá cây cối trong thiên nhiên là hình ảnh của sức sống, của niềm hy vọng và cùng hướng chỉ về Đức Mẹ Maria, người được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ sinh hạ Chúa Giêsu.
Cánh hoa nở bung vươn mình trong ánh nắng giữa không gian là hình ảnh tấm lòng mở rộng của Đức Mẹ Maria đón nhận ý định của Thiên Chúa để Chúa Giêsu xuống trần gian làm người.
Mầu sắc tươi thắm của bông hoa diễn tả vẻ vinh quang thần thiêng thánh đức của Chúa Giêsu, người con của Đức Mẹ Maria.
Không chỉ ngoài thiên nhiên cây cối bông hoa xanh tươi bung nở vào tháng Năm, nhưng còn trong ý nghĩa suy diễn cho cuộc sống con người nữa: mầu xanh niềm hy vọng và đời sống triển nở.
Nên tháng Năm cũng là Tháng biểu hiệu của tình yêu: tình yêu vợ chồng, tình yêu mẹ cha, mà người tín hữu Chúa Kitô hằng xin Đức Mẹ Maria giúp đỡ phù hộ cho được bền vững trong sáng nguyên tuyền.
Tình yêu vợ chồng, tình yêu mẹ cha luôn phát triển xanh tươi như lá cành cây cối giữa hai người và nẩy sinh bông hoa tươi thắm kết qủa là con cái.
Tình yêu đó không phải là điều gì có đó để chấp nhận, hay quên lãng lơ là. Nhưng là kho tàng báu vật cao qúy nhất đời con người cần phải được hằng quan tâm trân trọng gìn giữ bằng mọi cách cho lành mạnh tươi đẹp.
Một trong những cách thế đó là đời sống cầu xin tâm linh đạo đức.
Xin hái bó hoa mầu xanh tươi thắm, cùng thắp sáng cây nến đức tin dâng kính mừng Mẹ Chúa thiên đình. Xin Đức Mẹ phù hộ giúp đôi bạn trẻ nam nữ lòng vui mừng đón nhận cùng qúy trọng tình yêu vợ chồng của nhau. Tình yêu vợ chồng là ân đức thửa vườn Trời cao trao tặng đời con người.
Xin kết bó bông mầu đỏ nồng thắm cùng thắp sáng cây nến lòng biết ơn dâng kính Mẹ Chúa thiên đình. Xin Đức Mẹ phù hộ gìn giữ cha mẹ chúng con. Các ngài là ân đức cây cao bóng rợp Trời cao ban tặng cho con cháu.
Xin thu lượm bó bông hoa mầu trắng tươi tốt như giọt sương ban mai, cùng thắp sáng cây nến lòng yêu mến dâng kính mừng Mẹ Chúa thiên đình. Xin Đức Mẹ phù hộ giúp các cha mẹ đón nhận con cái là ân đức hoa qủa Trời cao ban tặng cho gia đình, xã hội và Giáo hội.
Xin bện bó bông hoa mầu vàng cùng thắp sáng cây nến lòng cậy trông dâng kính Mẹ Chúa thiên đình. Xin Đức Mẹ phù hộ gìn giữ con em bạn trẻ đang lứa tuổi phát triển. Họ là ân đức hạt giống trong sáng tạo của Thiên Chúa.
Xin quấn vành bông mầu tím cùng thắp sáng cây nến Chúa Phục sinh dâng kính Mẹ Chúa thiên đình. Xin Đức Mẹ phù hộ cho những linh hồn đã qua đời được đón nhận ánh sáng sự sống lại như lòng họ tin tưởng mong muốn. Họ là ân đức tạo vật được cứu chuộc trong khu vườn sáng tạo của Thiên Chúa.

Tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria
LM. Nguyễn Ngọc Long (trích từ VietCatholic News)

Monday, March 03, 2008

MÙA CHAY: TRỞ VỀ BÊN CHÚA

Mẫu tự "ST"
Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự "ST", có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ "ST" đáng nguyền rủa này.
Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: "Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của chính tôi". Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự "ST" vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.
Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ rồi trả lời "Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint).
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
Sai lầm là thường tình của con người. Chính vì thế không ai là hoàn hảo. Tôi nhớ ngày xưa còn đi học, tôi nghe có bản nhạc nào đó, có câu: “Ai chiến thắng không từng chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần…”
Trong cuộc đời, chắc chắn ai cũng đã có lần vấp ngã. Khi té ngã, ai cũng phải đứng lên nếu muốn tiếp tục cuộc hành trình.
“Thất bại là mẹ thành công.” Thất bại tinh thần cũng vậy. Chính những lỗi lầm ta vướng phải, giúp ta nhận ra sự giới hạn của mình, vị trí của mình, và ta chuẩn bị một hành trang mới để tiến bước. Bước đường thăng tiến đòi hỏi nghị lực và lòng can đảm.
Biết bao người lỡ lầm, bước vào vòng sa đoạ, nhưng vẫn cố chấp lao vào như những con thiêu thân. Hủy hoại cuộc đời mình, bất chấp những lời khuyên răn và những đau khổ của những người thân mến.
Có một xóm đạo kia, có một “ông biện” đam mê cờ bạc, vỡ nợ hàng chục triệu, đất ruộng lớp cầm cố, lớp bán đi. Không ai khuyên can được. Nợ ngày một chồng chất. Việc đánh bài càng lúc càng ăn thua lớn hơn, ông ôm chiếu mền vào mồ mả của cô gái đồng trinh nào đó mới chết nghe nói “linh” lắm, để nhờ cô ta kêu số đề về đáng để “gỡ nợ”! Cuộc sống ngày một lụn bại, thù người này, oán người kia sao không ai giúp mình, tuyên bố bỏ đạo, thờ Chúa thì thờ trong lòng chứ chẳng cần nhà thờ, Giáo Hội, cha thầy gì cả!
Cuộc đời như vậy liệu có còn cơ hội thăng hoa được không?
Sự lỗi lầm bao giờ cũng làm cho con người hổ thẹn. Nhưng sụp đổ cả cuộc đời chỉ vì sự hổ thẹn thì mới thật sự đáng hổ thẹn gấp vạn lần!
Thân xác không thể nào giữ sạch mãi mãi, có lúc dơ bẩn, cần phải tắm rửa. Tâm hồn con người cũng không thể mãi mãi trong trắng, nó cũng cần phải “tắm rửa” để tẩy sạch những tội lỗi, những sai lầm.
Những tội lỗi, những sai lầm làm ta ô nhục, ta hổ thẹn. Dư luận đè nặng trên ta, những lời chê trách châm biếm cứ nghe văng vẳng bên tai ta, những ánh mắt tò mò cứ pha chiếu ngay ta. Đúng là ta rã rời và cô độc.
Nhưng, khi mà có vẻ như không còn bàn tay nào giúp sức cho ta đứng dậy, chính lúc ấy mới chứng tỏ nghị lực và bản lĩnh của ta. Sức mạnh tiềm ẩn trong ta bừng dậy. Hãy lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm tâm hồn ta!
Biết bao người đã góp công góp sức để ta nên người. Cha mẹ ta, bạn bè ta, những người thân yêu ta!
Có thật bạn cô đơn? Có thật mọi người lánh xa bạn?
Trong nhiều trường hợp, “dư luận” là chỉ là thứ “luận dư”, chúng không là ánh sáng dẫn đường cho ta, soi thấu con tim ta, thấu suốt tâm hồn ta. Lẽ nào bạn hủy diệt cuộc đời bạn chỉ vì thứ ánh sáng mù mờ vàng vọt đó?
Hãy làm lại cuộc đời trong Chân Lý!
Bạn vừa đọc câu chuyện “MẪU TỰ ST” rồi phải không? Mà bạn đọc kỹ chưa? Bạn thấy gì nơi “người anh”?
“Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi có ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.”
Bạn thấy chưa? Chữ ST không phải chỉ khắc trên trán tội nhân, mà nó khắc vào tâm hồn của họ! Cho dù tội nhân có xoá được dấu khắc ấy ở trên trán, vẫn không thể xoá được dấu khắc ấy trong tâm hồn!
Người anh đã không biết xoá dấu khắc ấy ở trên trán, càng không biết cách xoá dấu khắc ấy trong tâm hồn anh. “Anh chẳng bao giờ quên được sự nhục nhã.” Tội nghiệp, anh đau khổ cả đời! Anh không thể tìm lại được tháng ngày bình yên! Anh không thể làm lại cuộc đời theo đúng ý nghĩa của nó: Một cuộc đời an vui hạnh phúc!
Thế còn “người em” thế nào?
Còn “người em”, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người chung quanh và của chính tôi.” Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể.
Bạn thấy gì lớn lao nơi người em? - Đó là người em biết cách xóa dấu khắc ST trong tâm hồn anh ấy! Anh xoá bằng “lòng bác ái”, bằng “tình yêu thương nhân hậu” dành cho tha nhân.
Anh không để tâm đến dấu khắc ST còn in trên trán anh! Mặc kệ nó! – “Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự ST vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.”
Nhưng, như bạn thấy đó, khi người em đã xoá được dấu khắc trong tâm hồn, thì cũng có nghĩa là anh đã xoá được dấu khắc trên trán anh! Và còn hơn nữa, như một phép mầu, dấu khắc ấy lại trở nên “một chứng từ” cho cuộc “đổi đời” của anh! Nó là dấu chứng của một con người thuộc về thế giới chân thiện!
Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là Người Thánh Thiện (saint).
Viết đến đây, sao bỗng dưng tôi nhớ đến “Tên Trộm” bị đóng đinh một ngày với Chúa Giêsu trên đồi Can-vê. Chúng ta hay gọi là “Tên Trộm Lành”.
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với.” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm gì trái!“ Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!”, và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,39-43).
“Tên trộm lành” đã nhìn nhận tội lỗi, tuyên xưng niềm tin, và cầu nguyện với Chúa. Anh từ một “Tên Trộm” trở thành “Người Thánh Thiện”.
Bạn đọc thân mến!
Mùa Chay là mùa chúng ta “Trở Về Với Chúa”. Chúng ta ăn năn sám hối những lỗi lầm chứng ta đã phạm! Chúng ta quay về nẻo thiên lương. Chúng ta làm lại cuộc đời.
Chúng ta đã bị khắc nhiều dấu khắc tội lỗi, và chúng ta hãy xoá những dấu khắc ấy bằng một cuộc đổi đời ngoạn mục trong nỗ lực của mình với sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria phù giúp chúng ta.
Nếu câu chuyện trên đây xảy ra ở Việt Nam, và nếu bạn có lần lầm lỗi và người ta khắc vào trán bạn hai chữ TT, nghĩa là Tên Trộm, bạn hãy làm lại cuộc đời và biến hai chữ TT là Tên Trộm thành hai chữ TT là “Thánh Thiện”. Phép mầu của sự biến đổi này là của chính bạn.
Với ơn Chúa giúp, điều gì cũng có thể, bạn ạ!
Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng (theoVietCatholic News)