Monday, January 08, 2007

SỐNG ĐỨC TIN

(Chuyện bốn con búp-bê)
Hôm ấy,, tôi đã trải qua một giấc mơ êm dịu.
Trước mặt tôi, từ trên cao rơi xuống bốn con búp bê hoàn toàn giống nhau, trong mọi chi tiết. Mỗi con đều có mũ đỏ, áo trắng, quần xanh, đôi dép màu vàng mặt trời. Bỗng có một tiếng nói từ trên vọng xuống:
“Này con, hãy phân biệt cho bằng được cái gì làm nên nét khác biệt cơ bản, giữa bốn con búp bê ở trước mặt con.”
Tôi có sáng kiến đi ra vườn, kiếm một cọng cỏ vừa dài, vừa dai, vừa dẻo.
Rồi tôi đút cọng cỏ vào lỗ tai của con búp bê thứ nhất. Tôi nhích, nhích, và tiếp tục nhích… Cọng cỏ thoát ra khỏi lỗ tai phía bên kia.
Tôi cũng làm như thế với con búp bê thứ hai. Lần này cọng cỏ thoát ra khỏi lỗ miệng của nó.
Với con thứ ba, cọng cỏ đi xuống quả tim, bị bế tắc và dừng lại ở đó. Với con sau cùng, tôi nhích lui nhích tới cọng cỏ, một cách rất tế vi và ý nhị. Tức thì, quả tim nó bắt đầu thổn thức, phập phồng.
Tôi tiếp tục nhích thêm. Đôi mắt nó loé sáng, như hai đốm lửa.
Tôi vẫn tiếp tục nhích cọng cỏ. Hai tay búp bê bắt đầu cử động. Đôi chân di chuyển về phía trước. Con búp bê đứng dậy, bước tới. Nó Làm Người.
Nếu tôi được phép đem cọng cỏ nhích vào tai người Kitô-hữu đang lắng nghe Lời Chúa, họ sẽ đáp ứng làm sao… giống như con búp bê nào, trong bốn con trên đây?

Lausanne - Thụy Sĩ - Nguyễn Văn Thành (Vietcatholic News)

LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

Lời Chúa: Lc 3, 15-16. 21-22
“Đức Giê-su chịu phép rửa xong và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra”.
Bạn thân mến,
Có nhiều người chỉ trích đức tin của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội khi mới sinh ra là “đức tin áp đặt”: áp đặt tin Chúa, áp đặc học giáo lý, áp đặt tin những điều đã “quy hoạch” sẵn trong Giáo Hội.v.v...họ quên mất rằng hôm nay họ học cao hiểu rộng là nhờ những “áp đặt” của các chương trình từ mẫu giáo đến đại học mà họ bắt buộc phải học, nếu họ không theo những chương trình “áp đặt” đó, thì họ không thể nào có học vị này hay bằng cấp nọ...
Chúa Giê-su không bị lung lay “đức tin” khi thấy dân chúng đổ xô theo ông Gioan Tẩy Giả, Ngài cũng không kiêu ngạo cấm ông Gioan làm phép rửa, nhưng trái lại, Ngài đến xin ông làm phép rửa cho Ngài, và tức khắc “trời mở ra” và có tiếng nói của Chúa Cha xác nhận Ngài là Đấng Messia: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Đức tin của bạn, của tôi, cũng như của những người Ki-tô hữu khác, có khi bị chao đảo bởi những tiến bộ của khoa học, bởi những chủ nghĩa hưởng thụ và kim tiền, nhất là bởi những tư tưởng kiêu ngạo, muốn thoát ly khỏi giáo huấn của Giáo Hội cách “hợp pháp” của một số người có năng khiếu về suy tư và tra cứu Thánh Kinh.
Trời cũng sẽ mở ra trên đầu những người Ki-tô hữu, khi họ khiêm tốn tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giê-su trong Giáo Hội của Ngài; và Chúa Cha cũng sẽ nói với họ “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” khi họ hoàn tất đời chứng nhân cho Tin Mừng ở trần gian này...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. (Vietcatholic News)

NIỀM TIN: ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CHÚA

Bạn có biết cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Bê-lem vất vả và gian khổ như thế nào không? Tôi không biết và cũng chưa đọc thấy tài liệu nào mô tả chi tiết về những khó khăn gian khổ hay những hiểm nguy mà các nhà chiêm tinh đã phải trải qua. Thế nhưng tôi đoán là chuyến đi của các ngài không dễ dàng và không thoải mái một chút nào cà. Bạn cứ ngẫm nghĩ thử một chút mà xem, cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh rất ư là khó khăn, nếu không muốn nói là cực kỳ phiêu lưu, gian khổ và nguy hiểm:
• Phiêu lưu là bởi vì họ cất bước ra đi đến một nơi vô định giống y như tổ phụ Abraham ngày xưa:“[Họ] đã ra đi mà không biết [là sẽ] đi đâu” (Dt 11:8). Họ không biết chuyến đi sẽ kéo dài bao lâu, cũng chẳng có địa chỉ, chẳng biết địa điểm mà Con Thiên Chúa đã hạ sinh, cũng chẳng biết mô tê gì về diện mạo cũng như danh tánh của cha mẹ Hài Nhi.
• Gian khổ là bởi vì họ đã phải băng qua những vùng sa mạc, ban ngày thì nóng như thiêu như đốt, còn ban đêm thì lạnh như cắt, cùng những trận bão cát bất ngờ trong đêm tối…
• Nguy hiểm là bởi vì đường đi trong sa mạc có không ít những băng trộm cướp, và nguy hiểm nhất là họ đã vào ngay hoàng cung để hỏi Hê-rô-đê vị vua đang trị vì dân Do Thái rằng “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”(Mt 2:2). Hỏi ngay vị vua đang trị vì dân Do Thái là “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra đang ở đâu?” thì có khác gì phủ nhận vương quyền của ông ta? Mất đầu như chơi chứ bộ!
Tắt một lời, từ lúc khởi đầu cuộc hành trình cho đến khi đi gặp được Chúa Hài Nhi, các nhà chiêm tinh đã trải qua muôn vàn thử thách, gian khó và hiểm nguy, nhưng họ đã vượt qua tất cả. Bạn có biết họ đã nhờ vào cái gì và nhờ vào đâu để có thể gọi là đi đến nơi về đến chốn không? Có nhiều nguyên tố giúp cho các nhà chiêm tinh hoàn tất cuộc hành trình đi tìm Chúa nhưng tôi nghĩ nguyên tố chính vẫn là NIỀM TIN vào Đức Giê-su đã giúp họ vượt qua tất cả! Thật đấy! Bạn cứ nghĩ thử mà xem:
• Nếu không có NIỀM TIN vào Đức Giê-su thì … sức mấy mà các nhà chiêm tinh dám bỏ lại sau lưng vợ con, gia đình, hàng xóm, bạn bè và phong tục tập quán … để lên đường đi tìm kiếm Thiên Chúa mới hạ sinh ở một nơi xa lắc xa lơ mà họ chưa hề biết tới!
• Nếu không có NIỀM TIN vào Đức Giê-su thì còn khuya họ mới có khả năng nhận ra Hài Nhi bé nhỏ, yếu đuối nằm trong máng cỏ chính là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa (1 Tim 6:15) và như thế thì còn lâu họ mới mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương … [ra dâng tiến và] sấp mình thờ lạy Người (Mt 2:11b).
• Nếu không có NIỀM TIN vào Đức Giê-su thì các nhà chiêm tinh sẽ không bao giờ biết trước rằng Hài Nhi bé nhỏ trong máng cỏ chính là VỊ CỨU TINH của nhân loại, Người sẽ phải chịu đau khổ… bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết (Mk 8:31) và họ sẽ không đời nào tiến dâng cho Ngài mộc dược quý giá như vậy.
Bạn thấy chưa? Nhờ vào NIỀM TIN mãnh liệt vào Đức Giê-su, Con Thiên Chúa cho nên các nhà chiêm tinh đã có đủ can đảm để cất bước đi tìm Chúa, có đủ nghị lực để vượt qua tất cả những gian lao thử thách và có đủ khôn ngoan để đương đầu với những nguy hiểm trên cuộc hành trình và nhất là họ đã gặp được Hài Nhi Giê-su, Đấng Cứu Tinh mà nhân loại đã đón chờ.
Bạn có muốn có được sự can đảm, có đủ nghị lực và sự khôn ngoan như các nhà chiêm tinh khi xưa để có thể hoàn tất cuộc hành trình đi tìm Chúa một cách trọn vẹn không? Nếu bạn không muốn thì … thua. Còn nếu bạn thực sự muốn thì tôi xin đề nghị với bạn ba công việc sau đây:
Một là, phải LÀM QUEN VỚI ĐỨC GIÊ-SU qua việc ĐỌC, SUY NIỆM & HỌC HỎI KINH THÁNH bởi vì: “Không biết Kinh Thánh tức là không biết Chúa Ki-tô … Ignorance of Scriptures is ignorance of Christ” (Thánh Jerome)
• Mua một cuốn Kinh Thánh và cố gắng trung thành đọc mỗi ngày khoảng năm phút.
• Đọc qua những bài đọc của các thánh lễ trước khi đến nhà thờ, đặc biệt là những bài đọc của các thánh lễ trọng, và Chúa Nhật.
• Thay vì xem những thứ vô bổ, bạn hãy dành thời giờ để đọc những bài chia sẻ, những câu trả lời về Kinh Thánh trên internet tại: www.catholic.com, www.vietcatholic.net, www.conggiaovietnam.net, http://www.ewtn.com/devotionals/inspiration.htm, http://ewtn.com/, http://thanhlinh.net/, www.tnfatima.org/HocHoi/VanDap/VanDap.asp,
Hai là, phải SỐNG MẬT THIẾT & KẾT HIỆP với Chúa Giê-su trong mọi nơi, trong mọi lúc và ở trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống.
• Thường xuyên đi xưng tội, tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ và tham dự các giờ Chầu Thánh Thể… “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy (Ga 6:56).
• Xin Chúa Giê-su ban cho sự bình an của Ngài khi bạn thức giấc, khi ngồi vào tay lái chuẩn bị khởi hành, khi đi làm, khi đứng chờ xe bus…
• Tạ ơn Chúa trong lúc vui, lúc gặp may mắn, lúc hạnh phúc, khi ăn nên làm ra, xiin Chúa giúp sức khi sa ngã, khi yếu đuối, khi gặp chuyện buồn phiền, lo lắng…
Ba là, phải thường xuyên LÀM NHỮNG VIỆC BÁC ÁI:
• Rộng tay trong những việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo, nâng đỡ kẻ túng bấn hay những trẻ em bị tàn tật, mồ côi, người cùi, nạn nhân bão lụt …
• Đến thăm viếng những người già yếu, bịnh tật, neo đơn đang sống đơn côi hay đang bị lãng quên trong những nhà dưỡng lão, trong bịnh viện, trong những căn hộ lẻ loi …
• Biết quảng đại cho đi thời giờ, tài năng và sức lực cho những công việc của giáo xứ, dạy giáo lý, dạy tiếng Việt, tham gia ca đoàn, làm vệ sinh nhà thờ …
Nếu tôi và bạn cố gắng thực hiện những việc trên một cách đều đặn mỗi ngày và làm với tất cả lòng yêu mến chân thành … thì bảo đảm với bạn là … NIỀM TIN vào Đức Giê-su của chúng mình sẽ kiên vững hơn, sẽ phát triển mạnh hơn và sinh hoa kết trái dồi dào hơn cho mà xem! Và khi có một NIỀM TIN mạnh mẽ và sống động vào Đức Giê-su như vậy thì:
• Tôi và bạn chắc chắn sẽ vững vàng trước những phong ba bão táp, những cám dỗ và thử thách, những mưu chước thâm độc của ma quỷ, thế gian và xác thịt …
• Bạn và tôi sẽ được hưởng sự sống đời đời trên Thiên Quốc bởi vì chính Chúa Giê-su khẳng định rằng: “Ai tin vào Thầy thì sẽ không phải chết bao giờ” (Ga 11:26).
Chúc bạn gặp nhiều may mắn, đi đến nơi về đến chốn, và nhất là luôn kiên vững trên cuộc hành trình đi tìm Chúa giống như các nhà chiêm tinh ngày xưa vậy! Amen.

LM. Ansgar Phạm Tĩnh (Vietcatholic News)

THIÊN CHÚA TỎ MÌNH

(Is.60, 1-6; Ep.3, 2-3a.5-6; Mt.2, 1-12)
Ngày xưa người ta quen gọi lễ Hiển Linh là lễ Ba Vua, sở dĩ vậy vì trong Tin Mừng đọc trong Thánh Lễ hôm nay, ba nhà đạo sĩ tìm kiếm để bái yết hài nhi Giêsu. Ba nhà đạo sĩ là những người trổi trang về kiến thức uyên bác; họ có thể đọc dấu chỉ thiên nhiên để nhận ra sự xuất hiện của những người đặc biệt. Từ ngữ “vua” được dùng trong “ba vua” là để chỉ người trổi trang hơn người khác về phương diện nào đó.
Qua biến cố mục đồng tới viếng hài nhi, người ta nhận ra Thiên Chúa đã tỏ mình cho những người Do Thái nghèo nhưng có tâm hồn mở rộng sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa. Với biến cố ba nhà đạo sĩ đi viếng hài nhi, Giáo Hội nhận ra Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.
Người Do Thái cho rằng họ là dân được tuyển chọn, còn các dân tộc khác là dân ngoại. Với biến cố Đức Giêsu và việc các dân tộc khác đón nhận Tin Mừng, người ta nhận ra rằng tất cả mọi dân tộc đều thuộc về Thiên Chúa, tất cả các dân tộc đều được Thiên Chúa yêu thương như dân tộc Do Thái. Hôm nay với trình thuật các đạo sĩ tìm kiếm và bái lạy Đức Giêsu, Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa cũng mặc khải cho dân ngoại. Thiên Chúa yêu thương dân ngoại như Ngài đã từng yêu thương dân tộc Do Thái. Mọi dân tộc đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc, mọi con người, chứ không phải chỉ riêng dân tộc Do Thái.
Kitô hữu phải là người cảm nghiệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và đặc biệt cho chính mình. Kitô hữu cũng phải là người sống bình an và hạnh phúc, vì ý thức mình là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương. Ngài tha thứ mọi lỗi lầm, và không chỉ vậy, còn mời gọi mọi người vào chia sẻ sự sống vĩnh cửu hạnh phúc với Thiên Chúa. Một khi phần nào cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và bình an hạnh phúc, Kitô hữu thấy mình phải chia sẻ niềm vui này, tin mừng này cho những người anh em của mình chưa biết Đức Giêsu, ngõ hầu họ cũng có niềm vui này. Bản chất Kitô hữu là rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân được nghe, hiểu và sống đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Ngày nay nhiều người “dị ứng” với từ ngữ truyền giáo, vì từ ngữ này gợi lên nơi người ta ấn tượng rao giảng để kéo người khác bỏ đạo của họ để theo Kitô giáo. Nếu có ý hướng như vậy, người ta mang nặng tính phe phái và giành giựt nhiều hơn là chia sẻ tin mừng. Một Kitô hữu đúng nghĩa phải là người muốn chia sẻ tin mừng với người khác, vì mình nghĩ rằng biết Đức Giêsu là điều rất tốt và ích lợi cho mọi người. Tuy nhiên, Kitô hữu phải là người luôn tôn trọng người khác, tôn trọng tự do và tín ngưỡng của tha nhân; nếu ai đó đón nhận Tin Mừng, thì đó là vì chính họ thấy sự thật, họ cũng được bình an và hạnh phúc hơn khi trở thành Kitô hữu.
Khi một Kitô hữu muốn rao giảng tin mừng, họ phải tự vấn chính mình: “niềm tin vào Đức Giêsu mang gì lại cho tôi? Tin vào Đức Giêsu, có làm cho tôi sống bình an và hạnh phúc hơn không? Nếu tin vào Đức Giêsu Phục Sinh không giúp gì cho tôi, thì tại sao tôi lại muốn làm cho người khác trở thành Kitô hữu như tôi?” Lời mời gọi rao giảng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh đòi Kitô hữu phải xét lại niềm tin của mình, lối sống của mình. Nếu đời sống của tôi không là đời sống toát lên nét tươi vui của một người hạnh phúc, thì làm sao tôi có thể rao giảng tin mừng được! Nếu tôi sống u buồn thất vọng, tôi là phản chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Tôi phải sống sao, để đời sống của tôi không trở thành phản chứng.
Kitô hữu là người có Chúa Kitô nơi mình, là người bạn của Đức Giêsu Kitô, là người muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Cách sống của Đức giêsu Kitô phải là cách sống của mỗi Kitô hữu. Kitô hữu phải là người có cùng chọn lựa với Đức Giêsu Kitô, phải biết yêu thương con người hôm nay như chính Đức Giêsu đã yêu, phải là người yêu đến cùng anh em mình, người thân mình, những người mình gặp gỡ, và thậm chí cả những kẻ không ưa và ghét mình. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài, Kitô hữu cũng phải tha thứ cho những người làm hại họ.
Kitô hữu phải là người trung thành như Thiên Chúa là Đấng Thành Tín. Thiên Chúa không bao giờ phản bội, và Kitô hữu cũng không bao giờ được phản bội ai. Không làm hại ai. Chỉ muốn điều tốt cho tha nhân, chỉ tìm lợi ích cho người khác chứ không làm hại họ, đó phải là cách sống của Kitô hữu. Có được như vậy, nhiều người sẽ ngạc nhiên và sẽ tìm hiểu niềm tin của Kitô hữu; để rồi nếu họ muốn họ có thể chia sẻ niềm tin Kitô hữu, để họ cũng được bình an và hạnh phúc như những Kitô hữu. Kitô hữu phải là men trong bột, phải là ánh sáng cho thế gian. Kitô hữu tuy có cùng nỗi bận tâm và gian nan như bất cứ con người nào sống trên đời, nhưng ánh sáng đức tin đã soi sáng cho họ, giúp họ tuy sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có muốn người khác có cùng niềm tin với bạn không? Tại sao?
2. Nếu không tin vào Đức Giêsu, bạn có được như hiện tại không? Tại sao?
3. Phải rao giảng thế nào để con người ngày nay dễ đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô?


LM Phạm Thanh Liêm, SJ