Monday, December 18, 2006

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI CHO VIỆC CỬ HÀNH NGÀY THẾ GIỚI HOÀ BÌNH


1 THÁNG GIÊNG 2007

NHÂN VỊ, TRỌNG TÂM CỦA HOÀ BÌNH

1. Vào đầu năm mới, tôi xin gửi đến các giới chức Chính Quyền, những nhà lãnh đạo các quốc gia cũng như mọi người nam nữ thiện chí lời cầu chúc hoà bình của tôi. Đặc biệt, tôi gửi lời cầu chúc hoà bình đến tất cả những ai đang phải chịu đau khổ, những người đang sống dưới sự đe doạ của bạo lực và hân thù vũ trang, cũng như những người mà nhân phẩm của họ bị chà đạp, đang chờ đợi sự giải phóng con người và xã hội. Tôi cầu chúc hoà bình cho các trẻ em, những con người ngây thơ vô tội; các em làm cho nhân loại thêm phong phú bằng sự tốt lành và niềm hi vọng, nhưng cũng là những người phải chịu biết bao đau khổ, thôi thúc tất cả chúng ta hành động cho công lí và hoà bình. Vì quan tâm đến các trẻ em, nhất là những em mà tương lai bị tổn thương do sự khai thác và do lòng độc ác của những người lớn vô lương tâm, tôi mong ước ngày Thế Giới Hoà Bình này thúc giục mọi người suy tư về chủ đề: Nhân vị, Trọng Tâm của Hoà Bình. Tôi xác tín rằng sự tôn trọng con người sẽ phát triển hoà bình, và khi xây dựng hoà bình thì những nền tảng được đặt trên một học thuyết nhân bản toàn diện đích thực. Như vậy là chuẩn bị cho những thế hệ nối tiếp một tương lai an bình.

Nhân vị và hoà bình: ơn ban và trách nhiệm

2. Sách Thánh xác quyết rằng “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình, theo hình ảnh Thiên Chúa, Người tạo dựng họ; Người tạo dựng họ có nam có nữ ”(St 1, 27). Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người đều có phẩm giá của một nhân vị; họ không chỉ là một vật thể, mà còn là một con người, có khả năng ý thức, tự quy, tự do trao hiến và đi vào hiệp thông với tha nhân. Đồng thời, nhờ ân sủng mỗi người được mời gọi kết ước với Đấng Tạo Hoá, được mời gọi trao hiến cho Người một sự đáp trả bằng đức tin và tình yêu mà không một thụ tạo nào khác có thể trao ban thay thế họ (1). Từ cái nhìn siêu nhiên này, mỗi người có thể hiểu rõ trách nhiệm được kí thác cho loài người là lớn lên trong khả năng yêu thương và góp phần vào việc phát triển thế giới, đổi mới nó trong công lí và hoà bình. Trong một câu súc tích tuyệt vời, Thánh Augustinô dạy rằng “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Người không cần sự cộng tác của chúng ta; nhưng Người không thể cứu chuộc chúng ta nếu không có sự hợp tác của chúng ta (2).” Do đó mọi người đều có bổn phận phải vun trồng ý thức lưỡng diện về ơn ban và trách nhiệm.

3. Cũng vậy, hoà bình vừa là ơn ban vừa là trách nhiệm. Nếu sự thật là hoà bình giữa cá nhân và mọi ngừơi- khả năng sống chung và xây dựng những tương quan công bình và liên đới- đòi hỏi một sự dấn thân liên lỉ về phía chúng ta, thì cũng vậy, và còn hơn thế, hoà bình là một ân huệ của Thiên Chúa. Hoà bình là một hình thái hoạt động của Thiên Chúa vừa biểu lộ trong việc tạo dựng một vũ trụ hài hoà và trật tự cũng như trong việc cứu chuộc loài người, nghĩa là cần phải được giải thoát khỏi tình trạng hỗn loạn của tội lỗi. Như vậy Tạo Dựng và Cứu Chuộc là những mật khoá giúp chúng ta hiểu ra ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trần gian. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan Phaolô II, khi phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 5 tháng Mười năm 1995, nói rằng “chúng ta không sống trong một thế giới phi lí và vô nghĩa…có một trật tự luân lí được thiết định trong đời sông con người tạo nên một cuộc đối thoại khả dĩ giữa cá nhân và mọi người (3).” “Ngữ pháp” siêu việt, nghĩa là một tổng hợp các quy tắc cho hành vi cá nhân cũng như cho những tương quan hỗ tương giữa con người hợp theo công bình và liên đới, đã được ghi tạc vào lương tâm con người, nơi đó phản ánh kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa. Như mới đây tôi đã có dịp tái khẳng định: “Chúng ta tin rằng từ khởi nguyên mọi sự, Ngôi Lời Hằng Hữu là Lí Trí chứ không phải là Phi Lí (4)”. Như vậy, hoà bình cũng là một trách nhiệm đòi hỏi mọi người một sự đáp trả cá nhân, phù hợp với chương trình của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn thúc đẩy sự đáp trả này chỉ có thể là sự tôn trọng đối với “ngữ pháp” đã được Đấng Tạo Dựng ghi tạc vào tâm khảm con người.

Từ quan điểm này, những quy tắc về luật tự nhiên không được coi như những chỉ thị áp đặt từ bên ngoài, như những hạn chế đối với tự do con người. Đúng hơn, chúng phải được đón nhận như một lời mời gọi để thực hiện một cách trung thành kế hoạch phổ quát của Thiên Chúa đã được ghi khắc vào trong bản tính của con người. Được các quy tắc này hướng dẫn, mọi người- trong nền văn hoá đặc thù của mình- có thể tiến đến gần mầu nhiệm cao cả nhất, là mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngày nay cũng vậy, sự nhận biết và tôn trọng luật tự nhiên được đặt làm nền tảng cho một cuộc đối thoại giữa những tín đồ của những tôn giáo khác nhau cũng như giữa những tín hữu và những người không tin. Đó là một điểm hội ngộ chung, và đó cũng là điều giả định căn bản cho nền hoà bình đích thực.

Quyền sống và quyền tự do tôn giáo

4. Bổn phận tôn trọng phẩm giá mỗi người, mà nơi bản tính của họ phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa, mặc nhiên có nghĩa là con người không thể tự ý định đoạt cho mình. Những người được hưởng nhiều quyền hạn hơn về chính trị, kĩ thuật, hoặc kinh tế không nên dùng khả năng ấy mà xâm phạm quyền của những người kém may mắn hơn. Hoà bình được đặt trên sự tôn trọng quyền của mọi người. Ý thức điều đó, Giáo Hội bảo vệ những quyền căn bản của mỗi người. Đặc biệt Giáo Hội đề cao và bảo vệ việc tôn trọng sự sống và sự tự do tôn giáo của mọi người. Tôn trọng quyền sự sống trong mỗi giai đoạn chắc chắn chứng thực một nguyên lí có tầm quan trọng quyết định: sự sống là một hồng ân; chủ thể không được toàn quyền định đoạt. Một cách tương tự, khẳng định quyền tự do tôn giáo đặt con người vào trong tương quan với một Nguyên Lí siêu việt, đưa con người ra khỏi sự chuyên chế của chính con người. Quyền sự sống và sự tự do diễn đạt niềm tin riêng của mình vào Thiên Chúa không lệ thuộc vào quyền hành của con người. Hoà bình đòi hỏi sự thiết lập một ranh giới minh thị giữa những gì do con người có quyền định đoạt và những gì không thuộc quyền ấy: như thế người ta có thể tránh được những xâm phạm không đáng có đối với di sản thuộc về giá trị con người.

5. Liên quan đến quyền sự sống, chúng ta phải tố cáo sự xâm hại đang lan rộng trong xã hội chúng ta: ngoài những nạn nhân do các cuộc xung đột vũ trang, do chủ nghĩa khủng bố và những hình thức bạo lực khác nhau, còn có những cái chết âm thầm do đói nghèo, phá thai, thử nghiệm phôi người và chết êm dịu. Làm sao chúng ta lại không nhận ra sự tấn công vào hoà bình trong tất cả những điều ấy? Phá thai và thử nghiệm phôi người là sự phủ nhận trực tiếp thái độ đón nhận người khác, vốn không thể thiếu được trong việc thiết lập những tương quan hoà bình lâu dài. Liên quan đến sự tự do bày tỏ niềm tin cá nhân, một triệu chứng bất ổn khác về sự thiếu vắng hoà bình trong thế giới được biểu tỏ qua những khó khăn mà cả những Kitô hữu cũng như tín đồ của các tôn giáo khác thường xuyên gặp phải trong việc công khai và tự do tuyên xưng những xác tín tôn giáo của mình. Nói riêng về các Kitô hữu, tôi phải đau lòng chỉ ra rằng không phải chỉ đôi khi họ bị ngăn cấm làm điều đó; trong một số quốc gia họ bị bách hại thật sự, và những trường hợp bi thảm về bạo lực dã man mới đây vẫn còn được ghi nhận. Có những chính thể áp đặt một tôn giáo duy nhất cho mọi người. Dẫu thường không tiến hành những sự bách hại gắt gao dữ dội, các chính thể trần tục này lại thực hiện sự lăng mạ có tính cách hệ thống và mang tính văn hoá đối với những niềm tin tôn giáo. Trong mọi trường hợp, quyền căn bản của con người không được tôn trọng tạo nên sự phản dội nghiêm trọng cho sự chung sống hoà bình. Điều này chỉ làm mạnh thêm cho một tâm thức và văn hoá tiêu cực đối với hoà bình.

Sự bình đẳng thiên bẩm giữa mọi người

6. Cội nguồn của nhiều căng thẳng đe dọa hoà bình chắc chắn là vô số những bất bình đẳng phi lí vẫn còn tồn tại một cách bi thảm trong thế giới chúng ta. Đặc biệt khó khăn trong số này, một mặt là sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận những của cải căn bản như thực phẩm, nước sạch, nhà ở, sức khoẻ; mặt khác có những bất bình đẳng cố hữu giữa người nam và người nữ trong việc thực hiện những quyền con người căn bản.Yếu tố nền tảng để xây dựng hoà bình là nhìn nhận sự bình đẳng thiết yếu giữa mọi người xuất phát từ phẩm giá siêu việt chung. Bình đẳng trong tầm mức này là một sự thiện hảo thuộc về mọi người, được ghi khắc trong “ngữ pháp” tự nhiên, có thể suy ra từ chương trình tạo dựng của Thiên Chúa; một sự thiện hảo không thể làm ngơ hoặc khinh miệt mà không gây ra những phản dội nghiêm trọng, đặt hoà bình vào mối hiểm hoạ. Sự tước đoạt cực kì nghiêm trọng tác hại đến nhiều dân tộc, nhất là tại Châu Phi, là nguồn gốc của những phản ứng bạo động, và vì thế, tạo nên một vết thương tồi tệ cho hoà bình.

7. Một cách tương tự, sự thiếu tôn trọng thỏa đáng đối với thân phận người phụ nữ tạo nên sự bất ổn trong cơ cấu xã hội. Tôi liên tưởng đến việc khai thác những người phụ nữ, bị coi như những đồ vật và nhiều hình thức khai thác khác tỏ rõ sự thiếu kính trọng đối với phẩm giá của họ; tôi cũng nghĩ tới – trong một bối cảnh khác- về tâm thức cố hữu trong một số nền văn hoá, nơi mà phụ nữ vẫn còn phải lụy phục một cách bất suy chuyển vào những quyết định độc đoán của đàn ông, tạo nên những hệ qủa nghiêm trọng đối với phẩm giá cá nhân của họ cũng như cho việc thực hiện những quyền tự do căn bản. Người ta không thể xây dựng ảo tưởng về một nền hoà bình vững chắc khi nào những hình thái đối xử phân biệt này chưa bị loại bỏ, bởi vì chúng làm tổn hại đến nhân phẩm mà Đấng Tạo Hoá đã đóng ấn trên mỗi người (5).

“Môi trường sinh thái của hoà bình”

8. Trong Thông điệp Bách Chu Niên - Centesimus Annus, Đức Gioan Phaolô II viết: “Thiên Chúa không chỉ ban cho con ngừơi trái đất để họ sử dụng trong sự tuân thủ mục đích tốt đẹp nguyên thủy như nó được trao ban cho họ, nhưng con người cũng là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chính con người. Do đó họ phải tôn trọng trật tự tự nhiên và luân lí mà họ được phú bẩm (6)”. Đáp lại huấn lệnh được Đấng Tạo Hoá ủy thác cho họ, những người nam nữ có thể liên kết với nhau trong việc kiến tạo một thế giới hoà bình. Bên cạnh môi trường sinh thái thiên nhiên còn tồn tại một thế giới được gọi là môi trường sinh thái “nhân sinh”, và rốt cuộc, lại cũng cần đến một môi trường sinh thái “xã hội”. Sự thể này có nghĩa là nếu nhân loại thật sự mong muốn hoà bình họ phải không ngừng ý thức mối liên hệ giữa môi trường sinh thái tự nhiên, hay việc tôn trọng thiên nhiên, và môi trường sinh thái của con người. Kinh nghiệm cho thấy rằng thái độ bất ý đối với môi trường sinh thái luôn tác hại đến sự tồn sinh của con người, và ngược lại. Càng hiển nhiên hơn nữa trong tương quan giữa hoà bình với tạo vật và hoà bình giữa con người. Cả hai mối tương quan này phải đi trước hoà bình với Thiên Chúa. Bài thơ kinh của Thánh Phanxicô, được đặt là “Khúc ca Mặt Trời”, là một mẫu mực tuyệt vời và luôn hợp thời về môi trường sinh thái đa diện của hoà bình.

9. Mối liên hệ khắng khít giữa hai loại hình môi trường sinh thái này có thể được hiểu rõ hơn từ vấn đề cung cấp năng lượng. Trong những năm gần đây nhiều quốc gia mới khởi phát năng nổ tiến vào việc sản xuất công nghiệp, vì vậy nhu cầu năng lượng tăng cao. Điều này dẫn đến một cuộc chạy đua chưa từng thấy trong việc dành nguồn năng lượng. Tuy nhiên, một số nơi trên hành tinh này vẫn còn lạc hậu và sự phát triển thật sự bị bế tắc, một phần là do giá năng lượng biến tăng. Điều gì sẽ xảy ra cho các dân tộc đó? Những mô hình phát triển hay không phát triển nào sẽ áp đặt trên họ do khan hiếm nguồn cung cấp năng lượng? Những sự bất công nào và những cuộc xung đột nào sẽ tạo phát do việc chạy đua tìm nguồn năng lượng? Và những phản ứng nào sẽ xảy ra đối với những người bị loại khỏi cuộc chạy đua này? Đây là những vấn nạn cho thấy rõ việc tôn trọng thiên nhiên gắn chặt với nhu cầu phải thiết lập những mối tương quan, giữa các cá nhân với nhau cũng như giữa các quốc gia, biết chú tâm đến phẩm giá con người đồng thời có khả năng giải quyết các nhu cầu chính đáng của họ. Triệt hủy môi trường, sử dụng ích kỉ hoặc không thích đáng, cưỡng chiếm nguồn năng lượng trái đất sẽ gây ra những mối rạn nứt, những xung đột và những cuộc chiến tranh, chính do bởi chúng là hệ qủa của một quan niệm vô nhân đạo về phát triển. Qủa thật, nếu việc phát triển chỉ giới hạn vào khía cạnh kĩ thuật- kinh tế mà bỏ qua chiều kích tôn giáo và đạo lí thì nó không còn phải là sự phát triển con người toàn diện, nhưng chính sự méo mó lệch diện ấy kết cục sẽ làm phát sinh những khả năng hủy diệt con người.

Những cái nhìn hạn hẹp về con người

10. Do đó, một nhu cầu khẩn thiết nảy sinh, dẫu còn đan xen biết bao những khó khăn và căng thẳng quốc tế hiện nay, về một sự dấn thân để kiến tạo một môi trường sinh thái nhân văn tạo thuận lợi cho sự tăng triển của “cây hoà bình”. Để điều này xảy ra, chúng ta phải được hướng dẫn bởi một hướng nhìn về con người không bị vấy bẩn vì những định kiến ý thức hệ và văn hoá, hoặc vì những nguồn lợi về chính trị và kinh tế vốn có thể dẫn đến thù hận và bạo lực. Người ta có thể hiểu rằng những quan điểm về con người có thể biến đổi theo từng nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên điều không thể nào chấp nhận được đó là việc truyền thụ những khái niệm nhân loại học chất chứa những hạt mầm của thù oán và bạo lực. Cũng không thể nào chấp được những khái niệm về Thượng Đế cổ vũ thái độ bất khoan dung và bảo trợ cho bạo lực chống lại người khác. Đây là một chuẩn điểm cần phải được tái khẳng định một cách minh thị: chiến tranh nhân danh Thượng Đế thì không bao giờ có thể chấp nhận được! Khi một ý niệm nào đó về Thượng Đế là cội nguồn phát sinh những hành vi tội phạm thì đó là một dấu chứng cho thấy rằng ý niệm ấy đã trở thành một ý thức hệ.

11. Tuy nhiên, hôm nay hoà bình không chỉ bị đe doạ bởi sự xung đột giữa những quan điểm giản lược về con người, nói cách khác, giữa những ý thức hệ khác nhau. Nó cũng còn bị đe dọa bởi thái độ dửng dưng đối với điều tạo nên bản tính đích thực của con người. Nhiều người thời nay đúng thực là đã chối bỏ sự hiện hữu của một bản tính nhân loại đặc thù, và như vậy họ mở cửa đón nhận những lí giải kì quái nhất về những gì thiết yếu tạo nên hữu thể con người. Ở đây cũng cần phải minh định thêm: một quan điểm “khiếm khuyết” nào đó về con người sẽ nhường chỗ cho bất cứ quan niệm nào nảy sinh, cho dẫu có kì lạ nhất, thì chỉ hướng về hoà bình một cách giả dối. Thực tế, nó cản trở sự đối thoại chân chính và mở đường cho những áp chế bá quyền, cuối cùng bỏ mặc con người vô phương tự vệ, và như một hậu kết, dễ trở thành mồi ngon cho áp bức và bạo lực.

Nhân quyền và những tổ chức quốc tế

12. Một nền hoà bình đích thực và bền vững đòi phải có sự tôn trọng những quyền con người. Tuy nhiên nếu những quyền này lại đặt nền tảng trên một quan niệm bất túc về con người, thì làm sao chính chúng lại không tỏ ra yếu kém? Ở đây chúng ta có thể nhận thấy quan niệm của học thuyết tương đối về nhân vị tỏ ra thiếu sót nặng nề như thế nào khi nó biện minh và bảo vệ những quyền của nó. Khó khăn trong trường hợp này là hiển nhiên: những quyền đưa ra là tuyệt đối, còn cái nền đặt lên làm điểm tựa lại chỉ là tương đối. Chúng ta có thể tự hỏi, khi gặp phải những đòi hỏi “phiền toái” đặt ra bởi những quyền này quyền nọ, thì người ta sẽ tiếp tục tìm hiểu để tiến hành hay người ta sẽ quyết định gạt bỏ? Nếu được đăt trên những đòi hỏi khách quan về một bản tính đã được Đấng Tạo Hoá phú ban cho con người, thì những quyền thuộc về họ có thể được khẳng định mà không lo sợ là mâu thuẫn. Vả lại, không cần phải lặp lại rằng quyền lợi cũng bao hàm những bổn phận tương ứng. Về vấn đề này, ông Mahatma Gandhi đã phát biểu thật chí lí: “Nếu được một Sông Hằng quyền lợi thì cũng có một núi Hi Mã Lạp Sơn bổn phận.” Chỉ khi nào những tiền đề căn bản này được làm sáng tỏ thì những quyền con người, mà ngày nay thường xuyên bị xâm phạm, mới được bảo vệ một cách thoả đáng. Nếu không được soi rọi như thế thì những lời lẽ “quyền con người” rốt cuộc sẽ được quan niệm bằng những chủ đề rất khác biệt nhau: đối với một số người, nhân vị đã được ghi ấn bằng phẩm giá bất biến và những quyền của họ là luôn luôn hợp pháp, ở mọi nơi và cho mọi người; còn đối với những người khác nhân vị chỉ có một phẩm giá khả biến, và những quyền của họ chỉ là tùy biến, vì còn liên quan đến nội dung, thời gian và không gian.

13. Bảo vệ nhân quyền thường liên quan đến các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, tổ chức tự đặt cho mình trách nhiệm chủ yếu là xúc tiến thực thi các quyền con người được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm 1948. Bản Tuyên Ngôn ấy được coi như một hình thức cam kết đạo lí đề ra cho toàn thể nhân loại. Điều này bao hàm một sự thật sâu xa, nhất là khi những quyền ghi trong Bản Tuyên Ngôn đó được tuân thủ để làm nền tảng không chỉ cho những nghị quyết được đại hội đồng thông qua, nhưng còn cho chính bản tính con người và phẩm giá bất khả xâm phạm của họ về một nhân vị đã được Thiên Chúa tạo dựng. Do đó, điều quan trọng là các cơ quan quốc tế đừng đánh mất tầm nhìn về nền tảng tự nhiên của quyền con người. Điều này hẳn sẽ giúp họ giảm thiểu được nguy cơ, thật bất hạnh nhưng vẫn hằng tiềm ẩn, về việc chạy theo một hướng giải thích chỉ mang tính học thuyết thực chứng thuần tuý về những quyền ấy. Nếu điều đó xảy ra, những cơ quan quốc tế sẽ để mất thẩm quyền cần thiết để thực thi vai trò là những người bảo vệ những quyền căn bản của con người và của các dân tộc, điều biện minh chính yếu cho chính sự tồn tại và hoạt động của họ.

Luật quốc tế nhân đạo và luật nội bộ của mỗi Quốc gia

14. Nhìn nhận rằng có những quyền con người bất khả tiếm đoạt liên quan đến bản tính chung của loài người đưa đến việc thiết lập một hệ thống luật quốc tế nhân đạo mà mỗi quốc gia đều cam kết tuân thủ dù cả khi xảy ra chiến tranh. Nhưng bất hạnh thay, chẳng cần phải nói tới những trường hợp đã xảy ra trong qúa khứ, điều này vẫn không được thực thi một cách như nhất trong một số tình huống chiến tranh gần đây. Chẳng hạn như trường hợp xung đột xảy ra cách đây mấy tháng tại miền nam Li- băng, nơi mà nhiệm vụ “bảo vệ và cứu giúp những nạn nhân vô tội” và tránh gây thiệt hại cho các thường dân hầu như đã bị bỏ qua. Tình cảnh thật thương tâm ở Li- băng và hình thái những vụ xung đột mới, nhất là từ khi nạn đe doạ khủng bố mở rộng những hình thức bạo lực hoàn toàn mới, đòi hỏi công đồng quốc tế phải tái khẳng định luật quốc tế nhân đạo, và áp dụng vào mọi tình huống xung đột vũ trang hiện nay, bao gồm cả những tình huống mà hiện nay luật quốc tế chỉ mới dự trù. Hơn nữa, tai hoạ của chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi phải có một sự suy nghĩ thấu đáo về những giới hạn đạo đức liên quan đến việc hạn chế việc sử dụng những phương pháp tối tân để bảo đảm an ninh quốc gia. Càng ngày những cuộc chiến tranh không còn được tuyên bố, nhất là khi những cuộc chiến này lại được những nhóm khủng bố mưu toan để quyết tâm đạt cho được mục tiêu của chúng bằng bất cứ phương tiện nào. Đứng trước cục diện bất ổn trong những năm vừa qua, các Quốc Gia không thể không nhận ra nhu cầu cần phải thiết lập những quy tắc rõ ràng hơn để ứng phó một cách hữu hiệu với tình trạng suy thoái bi thảm mà chúng ta đang chứng kiến. Chiến tranh luôn luôn chứng tỏ sự thất bại của cộng đồng quốc tế và là sự mất mát nặng nề đối với nhân loại. Dù vận dụng mọi nỗ lực mà chiến tranh vẫn cứ xảy ra thì ít nhất những nguyên tắc cốt yếu của nhân loại và những giá trị nền tảng về sự sinh tồn của mọi công dân phải được bảo toàn; những quy tắc hành xử phải được thiết lập để hạn chế hết sức có thể những thiệt hại và để giúp làm vơi giảm những đau khổ của thường dân cùng những nạn nhân của các cuộc xung đột (7).

15. Một vấn đề khác đang gây ra quan ngại, đó là ý đồ thủ đắc các vũ khí hạt nhân, mới được phát hiện tại một số Quốc Gia. Điều này càng gia tăng bầu khí bất an vốn đã lan rộng, cũng như mối lo sợ về khả năng xảy ra thảm hoạ nguyên tử. Chúng ta bị đưa ngược trở lại thời điểm đầy những sợ hãi và âu lo trong giai đoạn “chiến tranh lạnh”. Khi giai đoạn đó kết thúc người ta hi vọng rằng hiểm hoạ nguyên tử dứt khoát đã bị loại bỏ và kết cuộc thì nhân loại có thể thở phào nhẹ nhõm. Về điểm này lời nhắc nhở của Công Đồng Vatican II thật hợp thời biết bao: “Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi nguyên cả một thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người, điều đáng phải cực lực và không ngần ngại kết án (8).” Thật là bất hạnh, những bóng mây đen vẫn cứ tiếp tục phủ kín bầu trời của nhân loại. Con đường để đảm bảo một tương lai hoà bình cho tất cả mọi người không chỉ được tìm thấy trong sự đồng thuận của quốc tế về việc cấm sản xuất vũ khí hạt nhân, mà còn trong thái độ cùng quyết tâm tìm cách giải trừ và gỡ bỏ toàn bộ các vũ khí đó. Ước mong có nhiều cố gắng được thực hiện để đi đến việc thương thảo nhằm đạt đến những mục tiêu này! Vận mệnh của toàn thể gia đình nhân loại tuỳ thuộc vào đó!

Giáo Hội bảo vệ sự siêu việt của nhân vị

16. Sau cùng, tôi muốn khẩn khoản lên tiếng với toàn thể Dân Chúa: ước gì mỗi Kitô hữu hãy dấn thân kiên trì xây dựng hoà bình và ra sức bảo vệ phẩm giá của nhân vị cũng như những quyền bất khả xâm phạm của con người. Người Kitô hữu tri ân Chúa đã kêu mời họ gia nhập Giáo Hội Chúa, là “dấu chỉ và người bảo vệ chiều kích siêu việt của nhân vị (9)” trong thế giới, sẽ không ngừng cầu xin Chúa ban sự thiện hảo căn bản của hoà bình, là điều hệ trọng hàng đầu trong cuộc sống mỗi người. Hơn nữa, họ sẽ cảm thấy tự hào được phục vụ cho hoà bình với sự tận tâm qủang đại khi giúp đỡ các anh chị em của họ, nhất là những người vừa phải chịu cảnh nghèo túng và thiếu thốn lại còn bị tước mất cả điều quý giá của hoà bình. Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8) và ơn gọi cao quý nhất của mỗi người là tình yêu. Trong Chúa Kitô chúng ta có thể tìm thấy lí do tối hậu để trở nên những người quyết tâm bảo vệ phẩm giá con ngừơi và là những người dũng cảm xây dựng hoà bình.

17. Và ước mong mỗi người tín hữu hãy kiên cường góp phần vào việc phát huy một nền nhân bản toàn diện đích thực phù hợp với những giáo huấn của các Thông Điệp Populorum Progressio và Sollicitudo Rei Socialis, mà chúng ta chuẩn bị cử hành ngày kỉ niệm lần thứ bốn mươi và thứ hai mươi trong năm nay. Vào đầu năm 2007, tôi tha thiết dâng lời cầu nguyện cho toàn thể nhân loại lên Nữ Vương Hoà Bình, Thân Mẫu Chúa Giêsu Kitô, “hoà bình của chúng ta” (Ep 2, 14), mà chúng ta đang cùng nhau hướng tới với lòng tràn đầy hi vọng, dẫu biết bao hiểm nguy và khó khăn vẫn đang vây quanh chúng ta. Xin Mẹ Maria chỉ cho chúng ta, trong Con của Mẹ, con đường dẫn đến hoà bình và soi sáng con mắt chúng ta để chúng ta có thể nhận ra dung mạo Chúa Kitô trong khuôn mặt của mỗi con người, là trọng tâm của hoà bình!

Từ Vatican, 8 tháng Mười Hai, 2006

+ BENEDICTUS PP. XVI

(1) x. Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 357.

(2) Bài giảng 169, 11, 13: PL 38, 923

(3) Số 3.

(4) Bài giảng tại Islinger Feld, Regensburg, 12 tháng Chín 2006.

(5) x. Bộ Giáo Lí Đức Tin, Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công Giáo về việc cộng tác giữa người nam và người nữ trong Giáo Hội và trên thế giới (31 tháng Năm 2004), 15-16.

(6) Số 38.

(7) Về vấn đề này, Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo đưa ra những tiêu chuẩn khe khắt và chính xác: x. 2307- 2317.(8) Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 80.(9) Ibid., s. 76.

LM Giuse Ngô Quang Trung chuyển ngữ (Vietcatholic News)

No comments: