Chúng ta phải công nhận rằng do ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết quái ác này, cộng với những yếu đuối của một số linh mục Mỹ ở thời điểm trước đó, mà công luận đã một thời gian phản ứng vội vã, không thuận lợi cho Đạo của chúng ta. Mùa Giáng sinh năm ngoái, những cây thông Giáng sinh ở các cửa tiệm lớn như Wal-Mart bị áp lực dẹp đi. Lời chúc Giáng sinh (Merry Christmas) bị áp lực thay bằng Lời chúc Ngày nghỉ (Happy Holidays). Tôi tin rằng mọi người, dù không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo, nếu còn chút công tâm, hay lương tâm, đều phải công nhận rằng xã hội này đang xuất hiện một sự ‘ngây ngô đáng thương’. Những ai đó, vì một lý do nào đó, đã bộc lộ sự ‘ngây ngô’ này. Rất không may là trong số ‘những ai’ này, lại có cả vị chức sắc nào đó thuộc một tôn giáo không xa lạ gì với Đạo chúng ta, đã phát biểu rằng có một sự thiên vị tôn giáo và kỳ thị tôn giáo. Ông đi xa hơn là hô hào, khuyến khích tín đồ của Đạo ông tẩy chay những cửa tiệm trưng bày các biểu tượng Giáng sinh. Tôi tin rằng vị chức sắc đó đã không có dịp đọc tin tức từ Nam Triều Tiên để biết được rằng hai tôn giáo đã từng có một thời chống đối lẫn nhau là Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo, giờ đây đang có những liên hệ rất tốt đẹp, nào có chống đối gì đâu, có kỳ thị gì đâu. Thời gian của nghi kỵ, của hiểu lầm, của chống đối đã qua đi rồi. Tôi nghĩ rằng tuy đường đi có khác nhau, tuy cách hành xử có khác nhau, tuy niềm tin vào một Đấng Tối Cao có khác nhau, nhưng mọi Chánh Giáo đều hướng vào một điểm chung, một điều Thiện để mong mang lại hạnh phúc cho mọi người trong cái cuộc sống ngắn ngủi này. Điều khiến tôi cảm thấy thực sự vui là có vị Thượng Tọa ở Nam Triều Tiên cho trang hoàng những biểu tượng Giáng sinh ở trước cổng chùa mà Ngài trụ trì. Tương tự như vậy, vào ngày Lễ Phật Đản, mừng Đức Phật sinh ra, các vị chức sắc của chúng ta cũng chúc mừng, viếng thăm các cơ sở Phật Giáo. Ngay tại quê hương Việt của chúng ta, trong mùa Phật Đản vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã cử phái đoàn đến Chùa Quán Sứ để vấn an và chúc mừng vị Thượng Tọa trụ trì.
Khoảng thời gian này năm ngoái, tôi cảm thấy thật sự buồn vì dường như các bài thánh ca ít được nghe hơn trên các đài phát thanh Mỹ. Ngược lại, các phim ảnh đả kích Đạo Chúa lại xuất hiện nhiều hơn trên các kênh truyền hình, tai hại nhất là cuốn phim dựa theo cuốn tiểu thuyết quái ác của tác giả ma đầu trên được trình chiếu trước công luận. Người ta làm ‘thăm dò ý kiến’, và quả thực cái tỉ lệ phàn trăm niềm tin của quần chúng tuy vẫn còn cao, nhưng chúng ta cũng phải cảm thấy buồn vì có sự tuột dốc đáng kể.
Thế rồi mùa Giáng sinh năm nay, tôi cảm thấy vui trở lại khi người ta vồn vã, rộn rã đón Giáng sinh. Người ta lại ‘thăm dò ý kiến’, và cái tỉ lệ phần trăm đã thay đổi ngoạn mục, từ trên 80% đến trên 90% dân chúng đòi phục hồi những biểu tượng Giáng sinh, những biểu tượng của Đạo Chúa. Họ giải thích rằng cái phần trăm còn lại là do số dân của các tôn giáo khác, cũng như do những người không có tôn giáo nào. Chúng ta cũng nên vui khi họ đưa ra con số chỉ có 78% dân số Mỹ theo Thiên Chúa Giáo mà thôi.
Và họ dùng câu “Giáng sinh trở lại” (Christmas comes back). Theo ý tôi, câu này không mang ý nghĩa “Giáng sinh trở lại mỗi năm” như chúng ta sống và kỷ niệm ngày Chúa Kitô sinh ra. Tôi nghĩ rằng họ đã bao hàm cái ý nghĩa ‘Giáng sinh đã bị ra đi’ hay bị ‘bớt phần tôn kính’ ở một thời điểm nào đó, và ngày nay được trở lại với ý nghĩa trọn vẹn của ngày lễ.
Vậy thì Giáng sinh có ra đi theo ý nghĩa của họ không? Đạo Chúa có ra đi theo ý nghĩa của họ không? Đương nhiên là không. Đạo Chúa vẫn tồn tại, vẫn hiện hữu ở mọi thời gian và không gian. Giáng sinh vẫn giữ trọn ý nghĩa ở mọi thời gian và không gian. Chỉ có con người, không phải con cái Chúa thì xuyên tạc, phỉ báng Đạo Chúa, làm giảm ý nghĩa của Giáng sinh. Cũng có một phần nhỏ con cái Chúa đã yếu lòng, đã u mê, mà xa rời Chúa, mà chỉ hưởng Giáng sinh với những thú vui trần tục.
Giờ đây, ngày hôm nay, người ta đã tỉnh cơn mê, đã quay về với Chúa, đã quay về với giá trị của mầu nhiệm Giáng sinh.
Nguyễn Thị Việt (vietcatholic News)
No comments:
Post a Comment