Friday, March 02, 2007

Mùa chữ U

Hồi còn nhỏ, khoảng mười hai mười ba tuổi, phải thành thật mà nói là tôi không thích Mùa Chay. Tôi không thích Mùa Chay không phải tại Mùa Chay là mùa tôi bị bắt phải ăn chay. Một thằng nhỏ ở cái tuổi còn nhong nhong chạy rong ngoài đường tắm mưa mà bị bắt ăn chay trong một xứ đạo toàn là người Bắc cũng không phải là một điều quá khó khăn, bởi vì hai lý do.
(1). Không phải chỉ riêng tôi, nhưng bao nhiêu ngàn người khác trong xứ đạo cũng phải vác thánh giá như mình. Đi đâu cũng gặp người phải ăn chay. Ði đâu cũng nghe nhắc nhở tới chay. Sáng sớm khoảng năm giờ, tôi bị lôi dậy, bắt phải đi lễ sáng! Sáng sớm ông cha xứ hăng say nhắc nhở mọi người giáo dân mùa chay là mùa ăn chay. Sáng sớm bài giảng dài lê thê, tôi cứ thế mà gật gù đồng ý với những lời khuyên dạy. Trưa nắng ghé vào tiệm kem, gặp dì gặp cậu gõ đầu nhắc nhở, “Mày có biết là hôm nay ăn chay hay không?”. Lỡ nuốt vào miệng cục kẹo rồi cũng phải nhả ra ngay bởi thằng bạn đang chơi đá dế hét lên, “Chết mày rồi! Hôm nay ăn chay”. Thế là vội vàng nhổ ra cục kẹo, nếu không lại mất chay, phạm tội trọng, rớt xuống hỏa ngục.
(2). Vào tối thứ Tư Lễ Tro hoặc thứ Sáu Tuần Thánh, sau một ngày ăn chay đói meo, tôi đợi tới mười hai giờ đêm. Đồng hồ vừa nhích khỏi con số 12, tôi lao xuống bếp, lục cơm nguội với mấy miếng thịt heo kho nước mầu ăn căng một bụng. Đời sung sướng. Cuộc sống tuyệt vời!
I. Ăn Chay
Tôi không thích Mùa Chay bởi danh từ mùa chay là một danh từ xa lạ và khó hiểu. Mùa Vọng dễ hiểu hơn, bởi một mình chữ vọng đã tự nói lên cả một mùa đợi chờ. Mùa Vọng do đó không cần phải giải thích nhiều, tôi hiểu là mùa trông đợi Thiên Chúa sinh xuống làm người. Riêng danh từ chay không gợi nên trong tôi một hình ảnh gì.
Ăn chay là gì? Là ăn trái chay? Trái chay, tôi không biết, và cũng chưa bao giờ thấy. Tôi chạy khắp cùng thiên hạ hỏi,
— Trái chay là trái gì vậy?
Không ai biết. Cuối cùng tôi tưởng ăn chay là ăn cháy. Tại sao lại lẫn lộn chữ chay với chữ cháy? Tôi đoán có thể tại hai âm chay và cháy tương tự như sau. Mà cũng có thể tại người chị lớn tuổi của tôi hồi đó tinh nghịch nói ăn chay nghĩa là ăn cháy. Mùa Chay tới, mấy lần mẹ tôi hỏi ăn chay chưa. Tôi nghiêm trang, đạo đức, thánh thiện nói con ăn rồi. Nhưng thật sự ra tôi ăn những miếng cháy của đáy nồi cơm.
II. Mùa Chay
A. Ý Nghĩa của Danh Từ Chay
Chữ chay của danh từ Mùa Chay có thể phát nguồn từ chữ trai, có nghĩa là không thịt. Khi người ta nói tín hữu Phật tử dâng đồ trai cho các vị hòa thượng, đồ trai đây là thức ăn không có thịt hay đồ chay. Một cách tương tự, ăn chay có nghĩa là ăn thức ăn không có thịt. Mùa Chay trong tiếng Việt Nam do đó có nghĩa là Mùa Kiêng Thịt.
B. Mùa Chay, Mùa U-Turn, Mùa Chữ U
Mùa Chay trong tiếng Hy Lạp, μετανοια, métanóia, không có nghĩa là Mùa Kiêng Thịt, nhưng là Mùa Thay Đổi [tâm hồn]. Gioan Tẩy Giả trong hoang địa kêu gọi dân chúng μετανοια, thay đổi tâm hồn đợi chờ ngày Chúa đến (Máccô 1:1-8). Ngôn sứ Giô-el kêu gọi dân Do Thái hãy μετανοια, hãy quay về với Chúa; hãy xé lòng đừng xé áo (Giô-el 2:13). Trong phạm trù thần học, Mùa Chay do đó là Mùa U-Turn hay Mùa Làm Một Đường Vòng Chữ U.
Ðọc tới những hàng chữ trên đây, có thể bạn sẽ thắc mắc, “Ủa, tại sao lại phải làm một đường vòng hình chữ U”?
Nếu bạn có một người bạn thân nhà nằm ở phía Đông. Thứ Bẩy cuối tuần rảnh rỗi, chúng ta muốn ghé nhà người bạn thăm hỏi. Trong khi đang lái xe, có thể tại trời tối, chúng ta lạc đường. Nhà người bạn ở phía Đông, chúng ta lại nhắm hướng Tây lái tới. Trong tình trạng này, nếu không làm một đường vòng chữ U, càng lúc chúng ta càng đi xa nhà của người bạn. Nếu người chúng ta muốn gặp là một người tình thì lại càng rắc rối to. Hẹn nhau sáu giờ chiều, hai đứa đi shopping, đi ăn, rồi đi coi xi-nê. Nhưng vô tình hay bởi một lý do gì đó, chúng ta lạc đường xa ngàn dặm. Nhà người tình nằm ở hướng Đông, nhưng chúng ta tiếp tục lái về hướng Tây. Trời buổi chiều, màn đêm kéo xuống thật nhanh. Sáu giờ rồi, trời tối nhưng chúng ta vẫn còn đang lang thang trên một con đường có cái tên lạ hoắc nằm ở hướng Tây. Ngôi nhà quen thuộc của tình nhân thì vẫn chưa thấy bóng. Trong khi đó tình nhân ở trong nhà đi ra đi vô chờ đợi. Nước mắt của tình nhân long lanh trên gò má. Nhấc điện thoại lên, tình nhân bấm số gọi. Đầu dây bên kia, không ai nhấc điện thoại, bởi tình lang đang lạc đường. Trong tình trạng này, chắc chắn tình lang sẽ mất tình nhân như chơi.
Một cách tương tự, Mùa Chay là mùa Giáo Hội kêu gọi chúng ta, “Lạc đường rồi! Lạc xa lắm rồi! Chúa đang ở hướng Ðông, nhưng chúng ta đang tiếp tục đi về hướng Tây. Lạc đường rồi! Lạc xa lắm rồi! Hãy quay lại hướng của Chúa”.
III. Thần Học Mùa Chay
Ðọc tới những hàng chữ trên đây, một lần nữa có thể bạn sẽ thắc mắc,
— Ủa, lạ kỳ chưa. Tôi đang sống một đời sống tôn giáo tốt đẹp kia mà. Tôi không đi lễ hằng ngày như hồi còn bên Việt Nam, nhưng tôi vẫn đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi vẫn rước lễ mỗi khi có dịp tham dự thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ ngày Chúa Nhật. Đời sống bên này bận rộn với công ăn việc làm. Tôi làm ngày hai jobs; về tới nhà mệt xỉu, thở không ra hơi, nhưng tôi vẫn cố gắng để dành thì giờ cho Chúa bằng cách tham gia vào Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca Ðoàn, Ban Giáo Lý, Linh Thao, Dòng Ba Đa Minh, Lêgiô, hoặc Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ.
Đúng, bạn nói rất đúng. Nhưng nếu mang lên bàn mổ phân tích, bạn và tôi sẽ nhận ra rằng trong đời sống riêng tư của mỗi người, chúng ta đang dần dần quên đi thật sự ra Chúa mới là cùng đích, là điểm nhắm của mỗi người trong chúng ta. Có thể đối với một vài người Việt Nam đang sinh sống trên những vùng đất lạ, Thiên Chúa không còn là điểm nhắm để chúng ta đi tới nữa, nhưng là nhà cửa, là tiền, là công ăn việc làm, là con cái.
A. Nhà Cửa, Tiền, và Jobs
Dì Tư qua sau, mãi đến đầu năm 98 mới bước chân được tới vùng đất mới. Năm năm sau dì Tư đã mua được một căn nhà 5 phòng nằm trong khu nhà giầu. Chúng ta, tái định cư tại vùng đất mới hơn mười năm về trước, thế mà từ bao lâu nay vẫn cứ loay hoay đi ra đi vô trong khu chung cư rẻ tiền. Để cố gắng vớt vát lại danh dự, chúng ta cố gắng bóp bụng tiết kiệm để dành tiền bạc. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chúng ta lái xe đi làm, vợ chồng thay phiên nhau cày hai jobs. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Cuối cùng chúng ta cũng mua được căn nhà lý tưởng ngon hơn căn nhà của dì Tư. Căn nhà này có 6 phòng ngủ, 3 phòng tắm, đằng sau có hồ bơi. Cạnh hồ bơi là hồ tắm nước nóng Jacuzzi sủi bọt. Cạnh hồ bơi là hồ cá nhỏ tung tăng những chú cá Koi mập mạp bơi qua lượn lại dưới chiếc cầu sơn mầu đỏ kiểu Đông Phương. Thế là căn nhà mơ ước đã biến thành sự thực.
Nhà có rồi, bây giờ làm sao có tiền để trả tiền nhà, tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện, tiền rác, tiền ăn, tiền bảo hiểm, tiền trả góp cho bộ ghế salông bằng da đắt tiền trong căn phòng khách sang trọng, cho bộ TV màn ảnh Plasma Sony kiểu mới rõ từng nét nằm chễm chệ ngay góc nhà bên cạnh lò sưởi tí tách thơm tho mùi gỗ thông, cho chiếc xe Lexus ghế da loại mới đắt tiền đang khoe mình trong nhà để xe? Đủ thứ tiền phải suy nghĩ tới, phải bận tâm vào mỗi buổi chiều khi mở hộp thư ra ôm vào một đống hóa đơn. An cư lạc nghiệp với một đời sống cơm ngon áo đẹp vẫn là điều Thiên Chúa muốn mọi người trong chúng ta phải có, nên có. Nhưng chuyện đầu tiên vẫn là chuyện tiền đâu để thanh toán cho một đống bill nợ nần?
Nhà có rồi. Căn nhà sang trọng càng trở nên sang trọng với những tiện nghi tân kỳ. Bây giờ chúng ta cần phải có công ăn việc làm vững chắc; nếu không, những thứ chúng ta đang có sẽ biến mất. Thế là chúng ta dậy sớm, tắm rửa, vừa uống café vừa lái xe tới hãng. Sáng sớm những dòng xe cộ đông đảo đang đợi chờ chúng ta trên những xa lộ chằng chịt dọc ngang. Từng chút rồi từng chút, chiếc xe của chúng ta nhích lên được một khoảng. Từng khoảng rồi từng khoảng, chiếc xe của chúng ta bỏ lại đằng sau một đoạn. Từng đoạn ngắn nối lại hóa thành một đoạn dài. Xe chúng ta cuối cùng dừng lại trước cửa hãng. Một ngày tám tiếng, đôi khi hơn tám tiếng, chúng ta bận rộn trong công sở. Chiều về tới nhà, chúng ta mệt nhoài. Giờ này phải nấu cơm cho con cái. Sau giờ cơm, chúng ta bận rộn với rửa chén, hút bụi, lau nhà, giặt quần áo cho con cái. Điện thoại gọi tới, “Reng! Reng! Hê-lô? Xin lỗi…” Chấm dứt câu chuyện với ông nội, bà ngoại bên Việt Nam, chúng ta ra sau vườn tưới nước, nhặt một vài ngọn cỏ. Vô nhà, chúng ta bật TV coi. Loay hoay một hồi với nhà với cửa, với con, với cái, với họ hàng, và với chính chúng ta. Nhìn lên đồng hồ, mười một giờ khuya. Chúng ta leo lên giường đi ngủ. Một ngày trôi qua.
B. Con Cái
Con Mai, cô con gái rượu ngày càng lớn, chúng ta càng có những mối lo canh cánh bên lòng. Đôi khi nhấc điện thoại, chúng ta nhận ra những giọng thanh niên lạ hoắc xin được gặp con Mai. Con Mai gần đây bắt đầu biết trang điểm. Tóc dài của nó ngày càng óng ả mỡ màng với bộ ngực nở nang, dáng điệu của một người thiếu nữ. Cuối tuần quần là áo lượt con Mai xin phép được tham dự bữa tiệc sinh nhật của những người bạn học trong trường. Và thế chúng ta bắt đầu lo lắng.
Thằng Thanh, đứa con trai đầu lòng râu bắt đầu mọc xanh trên mép. Hỏi chuyện, nhiều khi nó lười biếng không thèm trả lời. Thời gian gần đây thằng Thanh hay về khuya. Nó mở cửa bước vô nhà, chúng ta ngửi được mùi khói thuốc phảng phất bay ra từ người đứa con trai đang lớn. Lúc nãy nó xin phép sang nhà thằng bạn học bài. Sao bây giờ quần áo lại vương mùi thuốc lá khét lẹt? Thế là chúng ta trằn trọc cả đêm bởi mùi thuốc lá trên người của đứa con trai đang lớn.
C. Thanh Niên Thiếu Nữ
Riêng những người thanh niên thiếu nữ, chúng ta chưa có nhiều lo toan tính toán như cha mẹ của mình, nhưng ai cũng ôm ấp cho mình một vài dự án về tương lai. Những người còn đang tuổi đi học, chúng ta ngày đêm miệt mài với sách vở. Những bài homework, bài test là những mối bận tâm hàng đầu của thanh niên thiếu nữ còn đang trong tuổi cắp sách đến trường. Những đêm thức trắng học bài thi là những bận rộn thường xuyên của tuổi sinh viên. Những ngày nghỉ cuối tuần là thời gian quý báu cho những hẹn hò đôi lứa, cho những tiệc tùng sinh nhật, và những ánh đèn xanh đỏ chớp sáng trên sàn nhẩy. Những ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta đi vô thương xá tìm kiếm mua cho được những bộ quần áo. Tầm thường ra cũng phải là của Gap, của Polo, Tommy Hilfiger. Sang trọng hơn, chúng ta nhất định phải mua quần áo, kiếng mắt của CK, Express, French Connection, Kenneth Cole, Banana Republic, Versace, Gucci.
Chuẩn bị cho ngày ra trường, chúng ta bắt đầu lao vào cuộc đua mới. Lần này, chúng ta tranh đua với các bạn đồng nghiệp đang chuẩn bị đội mũ Cử Nhân. Nếu may mắn, điểm ra trường cao, chúng ta cầm chắc một mảnh đời tươi sáng trước mặt. Với điểm ra trường khá cao, chưa ra trường, qua một vài lần phỏng vấn chơi chơi với những đại công ty điện toán ngay tại trường, nhân viên phỏng vấn đã nhẹ nhàng cười mím chi duyên dáng với chúng ta. Những ánh mắt hứa hẹn, những cú điện thoại liên tục gọi tới, và chúng ta trở thành kỹ sư ngay khi chưa ra trường. Nếu chúng ta ít may mắn hơn, điểm ra trường thấp hoặc thấp vô cùng, có thể chúng ta sẽ khá vất vả lùng kiếm công ăn việc làm. Nếu không may mắn có những người bạn đang làm trong hãng dẫn vào giới thiệu, cuộc sống kỹ sư của ta sẽ khá long đong lận đận.
Nhưng rồi cuộc đời vẫn lăn tới. Cuối cùng cuộc sống độc thân cũng chấm dứt khi chúng ta lập gia đình. Đám cưới tưng bừng với cô dâu mặc áo trắng toát, chú rể đẹp trai cười tươi. Tuần trăng mật tới. Nối tiếp là tuần dập mật! Theo sau là tuần nát mật! Đôi vợ chồng mới cưới bắt đầu đi kiếm một căn nhà mới tinh. Câu chuyện đầu tiên lại là câu chuyện tiền đâu. Và cuộc sống lo toan của bố mẹ chúng ta ngày xưa lại bắt đầu.
Cứ vậy, cuộc sống lăn tới. Ngồi xét lại trong một khoảng thời gian, từ khi chúng ta cắp sách đến trường đại học của tuổi mười chín đến khi chúng ta trở về với cát bụi của tuổi một trăm, chúng ta để dành cho Thiên Chúa được bao nhiêu khoảng thời gian ngoại trừ một tiếng đồng hồ của ngày Chúa Nhật. Mà hình như một khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng không bao giờ trọn vẹn. Chúng ta đi lễ ngày Chúa Nhật. Thánh lễ dài khoảng một tiếng. Ông cha giảng dài ơi là dài! Thế là chúng ta chìm vào giấc ngủ. Tỉnh dậy, chúng ta mơ màng nghĩ tới những công chuyện phải giải quyết. Ngày mai, thứ Hai, một đống giấy tờ đang đợi chờ chúng ta ở trong hãng. Lát nữa, về tới nhà, lại cả một đống chuyện đang chờ đợi chúng ta. Đời sống hình như quá ngắn, mà sao công việc lại quá nhiều. Tối đến, nhắm mắt lại vẫn còn thấy chuyện. Ngủ cũng không yên. Trong một ngày, hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta nhớ tới Chúa, cùng đích của đời sống trong vòng bao nhiêu phút? Cuối cùng ngày đó rồi cũng tới. Chúng ta mở mắt ra. Gần một trăm năm đã trôi qua.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục sống, cách sống vừa được diễn tả ở trên, chúng ta đang lái xe về hướng Tây. Vào mỗi sáng sớm của một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đời người, chúng ta mải miết nhấn ga nhắm hướng Tây lái tới. Ngày cuối cùng rồi cũng đã tới. Vào ngày đó, chúng ta mới nhận ra hướng Tây không phải là hướng của Chúa. Ngài nằm ở hướng Đông. Khi đó trễ rồi! Quá trễ! Trước mặt chúng ta không có ai khác ngoài chính mình. Giờ này chỉ còn ta với ta. Chúa ơi, Ngài đang ở đâu?
Bởi vậy, Giáo Hội thiết lập Mùa Chay, Mùa U-Turn, Mùa Làm Đường Vòng Chữ U. Dừng lại! Quay lại! Xa quá rồi! Chúng ta đang lái lạc đường! Quay lại về hướng Đông, hướng của Thiên Chúa.
Lời Nguyện: Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin giúp con nhận ra hành trình con đang bước đi không dẫn con tới gần Chúa, nhưng vực sâu núi thẳm, đêm đen tử thần, và bóng tối sự chết. Lạy Chúa, xin ban cho con lòng quyết tâm đứng dậy, làm một đường vòng hình chữ U, quay trở về lại căn nhà xưa, nơi đó Chúa đang đứng, trông chờ ngóng đợi, dõi mắt nhìn bóng dáng của con.
LM Nguyễn Trung Tây, SVD

Ba điều ước nguyện đầu năm Ðinh Hợi (Năm Sống Ðạo).

1. Ước nguyện người người ghi khắc vào tâm trí: Thiên Chúa là Tình Thương, Ðạo Chúa là Ðạo Yêu Thương, Sống đạo là Mến Chúa và Yêu Người. Mến Chúa đi đôi với yêu người. Yêu người như Chúa muốn là mến Chúa. Mến Chúa và yêu người, hai đối tượng xem ra tách biệt nhau, song cùng chung một tấm lòng, một cội rễ, một nguồn năng lực.
2. Ước nguyện nhà nhà ghi khắc vào tâm can: mến Chúa có nghĩa là không chỉ đi nhà thờ đọc kinh, lãnh bí tích, song còn là luôn tìm Ý Chúa qua học hỏi và cầu nguyện. Ý Chúa được bày tỏ qua Lời Chúa ghi trong Sách Thánh, Lời Chúa được triển khai qua giáo huấn của Giáo Hội, Lời Chúa nói qua những biến cố lịch sử, qua truyền thống văn hoá dân tộc, qua thực tế cuộc sống hôm nay. Mến Chúa còn là và nhất là Thực Thi Ý Chúa trong đời sống gia đình, cộng đoàn và xã hội.
Ý Chúa yêu thương cốt là con người được sống, sống dồi dào, sống xứng với phẩm giá con người. Mở đường và hỗ trợ cho người người được sống dồi dào, sống yêu thương, bình an và hạnh phúc thật, đó là làm vinh danh Chúa là Cha yêu thương.
3. Ước nguyện mọi gia đình, mọi cộng đoàn tín hữu, mọi cộng đồng xã hội, thâm tín rằng yêu người không chỉ là làm công tác xã hội từ thiện, cứu trợ nạn nhân thiên tai và nhân tai, nuôi dưỡng kẻ neo đơn, tật nguyền, bất hạnh, bị bỏ rơi. Yêu người còn là yêu tha nhân, yêu đồng bào, yêu dân tộc, yêu đất nước, nhất là vì đồng bào đang sống trong cảnh nghèo khổ, đất nuớc đang lâm cảnh túng thiếu, nghèo túng vật chất và tinh thần, nghèo túng kiến thức và đạo đức. Yêu Người, yêu nước như Chúa yêu là mở đường cho nhau và đồng hành với nhau đi đến sự sống dồi dào, sự sống xứng với phẩm giá con người.
Ðất nước Việt Nam ngày nay đang đổi mới và hoà nhập vào thế giới toàn cầu hoá. Trong bối cảnh mới đó, muốn cùng nhau đồng hành đi đến sự sống dồi dào mà không bị đè bẹp, muốn đất nước Việt Nam tồn tại và phát triển toàn diện và vững bền, người Việt Nam hôm nay buộc phải đổi mới và tăng cường lòng yêu nước của mình:
- (1) đối với người sản xuất, yêu nước ngày nay là phải có lòng tự trọng và trung thực, không sản xuất hàng dỏm, hàng giả, thuốc dỏm, thuốc giả, bằng giả, "người học giả", song sản xuất hàng thật, thuốc thật, bằng thật, người học thật, sản phẩm làm ra ngày càng có chất lượng cao hơn;
- (2) đối với người tiêu thụ, yêu nước ngày nay là "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Lòng tự trọng và lòng tôn trọng tha nhân đòi hỏi không bài ngoại, nhưng cũng không sính ngoại đến độ để mình bị đè bẹp và bị tha hoá.
- (3) đối với người nắm giữ quyền lực, thế lực, tài lực trong xã hội, địa vị càng cao càng có trách nhiệm đi đầu và dẫn đầu lòng tự trọng và lòng yêu nước đổi mới nầy.
Ðó là kinh nghiệm của những dân tộc quanh cận Việt Nam trên lục địa Châu Á nầy. Ðó là bài học lịch sử hết sức quý giá từ những nước Á châu phát triển và đang phát triển đi trước Việt Nam.
Xuân Ðinh Hợi 2007
+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn - Hồng Y Tổng Giám Mục

CHUYỆN TÌNH THẬP GIÁ

(Nhân đọc sứ điệp Mùa Chay 2007 của Đức Bênêđictô XVI )
Dư âm những ngày xuân chưa hết thì mùa Chay thánh lại về. Đoàn dân Chúa bước vào mùa thanh luyện, mùa chiến đấu “thiêng liêng”. Không ai phủ nhận sự thật này : Mùa chay thánh góp phần hình thành tâm tình đạo đức sâu lắng nơi người tín hữu Kitô cách đặc biệt hơn so với cách mùa khác trong năm. Phải chăng nhờ cái bầu khí bên ngoài của các cuộc cử hành Phụng vụ? Xức tro? Phẩm phục màu tím? Các buổi ngắm nguyện hay cung điệu thánh ca trầm buồn? Có thể lắm. Tuy nhiên xét cho cùng thì điều làm cho tín hữu lắng đọng tâm tư cũng như tăng lòng sốt mến đó là sứ điệp tình yêu Thiên Chúa được nhấn mạnh trên cái phông nền là tội lỗi của con người. Và tình yêu ấy hiễn lộ cách rõ nét và hoàn hảo qua mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô. Chuyện tình thập giá luôn còn đó tính thời sự cho con người, mọi thời. “Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, sống vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” ( x.Pl 2,8 ). Xin được chia sẽ đôi tâm tình nhân đọc lá thư Mùa Chay 2007 của Đức Bênêđictô XVI.
Yêu là hy sinh: Sự hy sinh của người cha, người mẹ vì đàn con, nhất là với đứa con tật nguyền, hư hỏng quả là đáng cảm phục. Người ta cũng dễ mủi lòng trước sự hy sinh của người tình cho người mình yêu được hạnh phúc trong các chuyện phim tình cảm. Có khi các tình tiết lâm ly đã làm rơi lệ không ít người vốn đa sầu đa cảm. Người ta rơi lệ, cảm động hay cảm phục trước những hy sinh quả cảm nhưng rồi trong thâm tâm vẫn mong rằng ước gì chuyện kết thúc có hậu mà không có những đau thương kia. Và dĩ nhiên với Đấng mà không có sự gì là không thể được thì chuyện hy sinh mạng sống mình, chịu chết trên thập giá có cần thiết hay là thái quá chăng? Mỗi khi đề cao cách thái quá sự hy sinh thì người ta có vô tình rơi vào tình trạng yếm thế hay thậm chí là nghiêng chiều tâm lý khổ dâm? Máu chiên bò Chúa chẳng ưng và Người cũng chẳng muốn nhận thì sao Chúa lại đòi giá máu của chính Con một dấu yêu của mình?
Chẳng một ai có thể trả lời cho câu hỏi tại sao. Sao không như thế này, sao không như thế kia? Không có thần học giả thiết. Chỉ có thần học dữ kiện. Thập giá đã có đó. Sự hy sinh là một dữ kiện như là tất yếu của ân tình. Mặc dù hy sinh, chịu khó, chịu khổ chưa hẳn là tình yêu, nhưng trong tình yêu dường như không thể thiếu những yếu tố ấy. Chúng có thể là những điều kiện nhưng không phải là đích đến của tình yêu.
Yêu là trao ban: Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình của người hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu ( x.Ga 15,13 ). Đã yêu thì ta không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách thế để trao ban điều tốt nhất cho người mình yêu. Hằng năm cứ đến ngày lễ tình yêu ( Valentine – 14-02 ), người ta trao cho nhau biết bao tặng vật. Hoa hồng và kẹo sôcôla tha hồ lên giá. Nhưng có tặng vật nào quý giá cho bằng chính bản thân mình. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình… ( Ga 3,16 ). Hành vi trao ban quả là đẹp và đáng khâm phục. Hành vi trao ban vốn mang nét cao cả hay cao thượng. Tuy nhiên khi trao ban điều tốt cho một ai đó thì có thể là do lòng thương xót mà cũng có thể là do sự thương hại. Và một đôi khi người ta dùng sự trao ban như là phương thế để cởi bỏ một gánh nặng tâm lý hay trút bỏ một lỗi lầm kiểu lập công quả để chuộc tội, đền bù các bất công đã gây ra.
Dẫu sao đi nữa khi đã yêu là phải trao ban hay dâng hiến. Dĩ nhiên điều dâng hiến hay trao ban phải là điều tốt đẹp và hữu ích cho người mình yêu. Không ai phủ nhận giá trị cao quý của các hành vi trao ban khi yêu thương. Thế nhưng vẫn có đó dáng dấp của kẻ trên, của người ở thế thượng phong trong chính hành vi trao ban.
Yêu là đón nhận: Ngữa tay ra để trao ban điều tốt cho người mình yêu là điều không mấy dễ dàng. Giang tay ra để đón nhận nhau như nhau đang là thì khó khăn gấp bội. Đón nhận cả những mặt mạnh lẫn những hạn chế của nhau, đón nhận những ưu điểm lẫn khuyết điểm, những thành công lẫn thất bại, nhất là đón nhận con người tội lỗi, bất trung, phản bội của nhau thì mới đích thực là yêu thương. Chúa Giêsu đã hình tượng hóa tình yêu của Thiên Chúa qua người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca chương 15. Người cha nhân hậu ấy đã đón nhận cả người con thứ hoang đàng lẫn người con cả ganh tương, ích kỷ, đố kỵ. Điều này được thể hiện nơi chính cung cách sống của Thầy Chí thánh. Người không ngại ngần đón nhận “phường thu thuế” và “bọn đĩ điếm” khi đồng bàn với họ. Người đón nhận những kẻ phải gọi Người là Thầy và là Chúa thành bạn hữu thân tình. Trên thập giá, đôi tay Người giang ra ôm trọn cả những người đang uất hận đóng đinh Người để xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết.
Chính khi đón nhận cả nhân loại bằng việc nhập thể, nhập thế thì Đức Kitô đã trao ban chính phận là phận của một vị Thiên Chúa đầy vinh quang và uy quyền. Vào trần gian, khi đón nhận thân phận tội nhơ của kiếp nguời thì Đức Kitô đã tự xếp mình theo dòng người trên bờ sông Giođan để cho Gioan làm phép rửa và Người đã trao ban phận Con Chiên tinh tuyền của bản thân. Khi nhận lấy bao khổ lụy tật bệnh của con người cùng thời vào chính mình thì Người đã trao ban sự minh trí của mình để rồi ngay chính người thân cũng đã lầm tưởng rằng Người mất trí. Và trên thập giá khi đón nhận thân phận tội lỗi, hư mất của nhân loại, Người đã trao ban phận Con Thiên Chúa hằng sống bằng cái chết nhục nhã, tủi hỗ, trần truồng thậm chí chẳng còn hình tượng con người.
Thập giá là sự mạc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “ Trên Thánh Giá, ái tình (eros) của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu hiện. Trên thực tế, ái tình ( eros ) như Pseudo-Dionysius diễn tả là sức mạnh “không cho phép người yêu ở một mình nhưng thúc giục họ trở nên một với người mình yêu”. Có ái tình (eros) điên dại nào hơn là khiến Con Thiên Chúa biến mình thành một người với chúng ta đến nỗi chịu những hậu quả của những tội lỗi chúng ta như chính là của mình” ( Sứ Điệp Mùa Chay 2007 ). Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suốt mùa chay này hãy chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đâm thâu trên thập giá. Người là sự mạc khải tình yêu Thiên Chúa cách trọn hảo, “một tình yêu trong đó ái tình ( eros ) và đức bác ái ( agape ) thay vì đối nghịch nhau nhưng lại soi sáng cho nhau”.
Có thể nói mục đích hay điểm đến của động thái yêu thương là đón nhận nhau. Chính khi đón nhận nhau như nhau đã là, đang là và sẽ là, thì ta đang trao ban chính con người của mình từ phẩm vị, quyền năng và cả sự sống. Và khi trao ban những gì mình có, mình là, cho nhau để đón nhận nhau thì sự hy sinh đang có đó như là dữ kiện tất yếu.
Chiêm ngắm Chúa Kitô trên Thánh Giá với đôi bàn tay giang rộng để Kitô hữu chúng ta biết yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta. Và cách thế yêu thương tuyệt vời đó là chân thành đón nhận nhau, đón nhận anh chị em đồng đạo lẫn khác tôn giáo, đón nhận người công chính lẫn kẻ bất lương, đón nhận những người có thiện cảm với ta hay đang có dã tâm với mình… Khi thực thi nghĩa cử yêu thương đón nhận này là lúc ta sống mầu nhiệm tự hủy của Thầy Chí Thánh. Thật khó biết bao và cũng là cần phải nỗ lực hy sinh quên mình biết bao khi phải bỏ cả dáng vẻ đáng kính của bản thân, bỏ đi sự huy hoàng của tôn giáo mình, bỏ đi cả thói trịch thượng, độc chiếm chân lý... Đón nhận nhau không phải là chấp nhận thụ động hay là a tòng với những điều không hay, những sự xấu của nhau nhưng là để chủ động làm cho nhau ngày thêm thanh sạch, vẹn tuyền, làm cho nhau được sống và phát triển ngày mỗi hơn. Một điều chắc chắn là nếu ta không chấp nhận sự thật này thì ta chưa sống lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” ( Ga 13,34 ). Và con đường nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời quả thật còn rất xa vời.
Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột.
LM Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Sunday, February 25, 2007

Chúa Nhật 1 Mùa Chay - 1st Sunday of Lent (Luke 4:1-13)

Bài Đọc I: Deut 26:4-10 II: Rom+10:8-13
Phúc Âm Luca 4:1-13
(1) Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa (2) bốn mươi ngày, chịu qủy cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. (3) Bấy giờ, qủy nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!" (4) Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh". (5) Sau đó, qủy đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. (6) Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. (7) Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông". (8) Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi. (9) Qủy đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! (10) Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, để luôn luôn gìn giữ bạn. (11) Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá". (12) Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi". (13) Sau khi đã xoay hết cách để cảm dỗ Người, qủy bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
Chi Tiết Hay
+ Đoạn Phúc Âm này tiếp theo đoạn kể việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Thánh Thần ngự nơi Đức Giêsu qua phép rửa đã không dẫn Người đi chịu cám dỗ nhưng là sức mạnh của Người trong suốt thời gian này. Nếu qua phép rửa tại sông Giođan chúng ta được cho biết thiên tính của Đức Giêsu thì qua việc chịu cám dỗ, chúng ta nhận ra nhân tính của Người.
+ Hoang địa được coi là nơi trú ngụ của ma qủy (Lc 8:29, 11:24)
+ (c.2) Bốn mươi ngày của Đức Giêsu nhắc lại bốn mươi năm dân Do Thái lưu lạc trong sa mạc (Nhị Luật 8:2). Trong khi bốn mươi năm của dân Chúa được mô tả là những năm thử thách và thất bại (CVTD 7:39-43), thì ngược lại, bốn mươi ngày của Đức Giêsu là những ngày chịu thử thách, nhưng trung thành và chiến thắng.
+ (c.3) Làm cho đá hóa ra bánh: Đức Giêsu bị cám dỗ sử dụng uy quyền của mình cho mục đích cá nhân thay vì vâng lời Đức Chúa Cha.
+ (c.4) "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh": Đức Giêsu dùng lời Kinh Thánh trích từ sách Nhị Luật (8:3) để trả lời ma qủy. Tương tự, những câu 8 và 12 cũng được được trích từ sách Nhị Luật 6:13,16.
+ "Con Thiên Chúa": Thánh Luca gián tiếp nhắc lại phép rửa của Đức Giêsu, nơi đó Đức Chúa Cha đã phán: "Con là Con của Cha" (3:22). Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã vâng lời Cha và không sa ngã khi bị cám dỗ, trái lại dân Do Thái, cũng là con của Thiên Chúa, đã sa ngã và bất phục tùng.
+ Cao điểm của những ngày chịu cám dỗ là tại Giêrusalem. Chính nơi đây ma qủy sẽ trở lại khi thời cơ thuận tiện. Nhắc đến Giêrusalem ngay từ những giây phút Đức Giêsu chuẩn bị cuộc đời rao giảng, Thánh Luca như có ý hướng dẫn đọc giả nhìn về thánh đô nơi Đức Giêsu sẽ chiến thắng sự dữ để lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện.
+ (cc.10-11) Ma quỷ dùng Kinh Thánh (TV. 94:11-12) để thử thách Đức Giêsu. Kinh Thánh nếu bị diễn giải sai sẽ chẳng có giá trị nữa.
Một Điểm Chính: Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ. Qua ngòi bút của Thánh Luca, Đức Giêsu chính là con người mà Gioan Tẩy Giả đã nói: "Đấng có quyền thế hơn" (3:16)
Suy Niệm
1. Qua việc Đức Giêsu chịu cám dỗ tôi đã học được điều gì?
2. Nếu ma qủy biết được ba nhược điểm của tôi, thì đó là những điểm nào?
3. Trong cầu nguyện, tôi hiện diện bên Đức Giêsu, hình dung sự mệt nhọc, đói khát, nhưng lòng cương quyết của Ngài muốn vâng phục Thánh ý Cha.
--------------------------------------------------
1st Sunday of Lent
Reading I: Dt 26:4-10 II: Rom 10:8-13
Gospel Luke 4:1-13
(1) And Jesus, full of the Holy Spirit, returned from the Jordan, and was led by the Spirit (2) for forty days in the wilderness, tempted by the devil. And he ate nothing in those days; and when they were ended, he was hungry. (3) The devil said to him, "If you are the Son of God, command this stone to become bread." (4) And Jesus answered him, "It is written, 'Man shall not live by bread alone.'" (5) And the devil took him up, and showed him all the kingdoms of the world in a moment of time, (6) and said to him, "To you I will give all this authority and their glory; for it has been delivered to me, and I give it to whom I will. (7) If you, then, will worship me, it shall all be yours." (8) And Jesus answered him, "It is written, 'You shall worship the Lord your God, and him only shall you serve.'" (9) And he took him to Jerusalem, and set him on the pinnacle of the temple, and said to him, "If you are the Son of God, throw yourself down from here; (10) for it is written, 'He will give his angels charge of you, to guard you,' (11) and 'On their hands they will bear you up, lest you strike your foot against a stone.'" (12) And Jesus answered him, "It is said, 'You shall not tempt the Lord your God.'" (13) And when the devil had ended every temptation, he departed from him until an opportune time.
Interesting Details
+ This account immediately follows the baptism of Jesus in the Jordan. The spirit given Jesus at His baptism (3:22) does not lead Him into temptation, but is the sustaining power with Him during this time. As the baptism revealed His divinity, so the temptation story emphasizes His humanity.
+ The wilderness/desert was believed to be the place of demons (Lk 8:29, Lk 11:24).
+ (v.2) Jesus' forty days in the desert recalls the forty years of the wilderness wandering of the Israelites during the exodus (Dt 8:2). While the people of God's forty years are described as years of testing and failure (Acts 7:39-43), Jesus' forty days are those of testing, faithful and victory.
+ (v.3) "stone to bread": Jesus is challenged to use His power for His own ends rather than to obey His Father.
+ (v.4) "man shall not live by bread alone": Jesus' response to the devil is taken from Deut. 8:3. His responses in vv 8 and 12 are also from Deut. (6:13,16).
+ "Son of God": Luke refers his readers back to Jesus' baptism, where God had declared, "You are my Son" (3:22). Jesus, God's Son, is faithful to His Father and does not fall during His testing as Israel, God's Son, had done.
+ Jesus' testing in Jerusalem is the final and climatic one. It is in Jerusalem that the devil will return at "the opportune time". As Jesus is about to begin His public ministry, Luke directs our attention to Jerusalem, where Jesus again remains victorious and God's promises will be ultimately fulfilled.
+ (vv.10-11) The devil tries to use Scripture (Ps 91:11-12) to offer Jesus to test His sonship against the promise of God to protect Him. Scripture is no more authorative than any other text if it is wrongly interpreted as in this case by the devil.
One Main Point: Jesus' victory over the devil. Luke presents Jesus precisely as the kind of person John the Baptizer predicted: the "more powerful one" (3:16)
Reflections
1. What have you found most helpful in Jesus' victory over temptation?
2. If the Devil could identify your three greatest weaknesses, what would they be?
3. In your prayer, be with Jesus, imagine His physical weakness and His strong determination to obey His Father's will.