Saturday, February 03, 2007

Tại sao có ngày Valentine

Một ngày tràn đầy sự ngọt ngào của Socola sắp đến. Bạn đã chuẩn bị món quà gì cho nửa kia của mình chưa? Có rất nhiều, rất nhiều những bạn trẻ đang háo hức chờ đợi ngày ngọt ngào này nhưng cũng không biết có bao nhiêu bạn trẻ biết nguồn gốc của ngày Lễ tình yêu?
Ngày Valentine được bắt đầu từ thời kì đế chế La Mã. Dưới thời La Mã cổ đại, ngày 14 tháng 2 là ngày tưởng nhớ Juno. Juno là nữ hoàng của các nam thần và nữ thần La Mã. Người La Mã cũng coi bà là nữ thần cai quản phụ nữ và hôn nhân. Ngày tiếp theo của ngày 14 tháng 2, ngày 15 tháng 2 là ngày đầu tiên của lễ hội Lupercalia. Cuộc sống của các chàng trai và cô gái trẻ bị ngăn cấm vô cùng hà khắc. Tuy vậy, họ vẫn có thể đến với nhau thông qua phong tục rút thăm tên nhau.
Vào đêm hôm trước ngày hội Lupercalia, tên của những cô gái La Mã được viết lên một mảnh giấy nhỏ và được cho vào trong các bình đựng. Mỗi một chàng trai trẻ sẽ rút thăm một cái tên bất kì và sau đó chàng trở thành bạn của cô gái mà anh ta chọn trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Ðôi khi, việc kết đôi của đôi bạn trẻ kéo dài suốt cả một năm ròng và thông thường họ yêu nhau và sau đó thì cưới nhau.
Dưới sự trị vì của Hoàng đế Claudius đệ nhị, đế chế La Mã tham gia nhiều cuộc chinh phạt đẫm máu và không được người dân ủng hộ. Claudius bạo chúa gặp phải khó khăn khi động viên các chàng trai trẻ gia nhập vào đội chiến binh của ông ta. Claudius bạo chúa cho rằng nguyên nhân chính là đàn ông La Mã không muốn rời xa gia đình hay người yêu của mình. Bởi vậy, Claudius ra lệnh cấm tất cả các đám cưới hoặc lễ đính hôn ở thành La Mã. Thánh Valentine tốt bụng là một linh mục ở thành La Mã dưới thời Claudius đệ nhị.
Ông cùng thánh Marius đã giúp đỡ những người Cơ Ðốc giáo phải chịu cảnh đọa đầy và cho những cặp vợ chồng bí mật cưới nhau. Vì hành động nhân ái này mà Thánh đã bị bắt giam và bị kéo lê trước mặt tên thái thú thành La Mã. Hắn đã xử Thánh Valentine phải bị đánh bằng gậy đến chết và sau đó phải bị chặt đầu. Valentine phải chịu cuộc hành hình vào đúng ngày 14 tháng 2 vào khoảng năm 270 TCN. Vào thời gian này đang diễn ra một phong tục truyền thống của người dân thành La Mã, thực ra đó là một lễ hội rất cổ xưa được tổ chức vào tháng 2, lễ hội Lupercalia, lễ hội để nhớ đến một vị thần của người La Mã.
Vào dịp này, trong số rất nhiều các nghi lễ thì có một lễ rút thăm một cách ngẫu nhiên tên của các cô gái trẻ trong những chiếc bình như là một trò chơi may rủi của tình yêu. Các mục sư từ những nhà thờ Cơ Ðốc giáo ở La Mã đã cố gắng loại bỏ yếu tố ngoại đạo bằng cách thay thế bằng tên của các vị thánh cho những ngày hội của các thiếu nữ này. Bởi lễ hội Lupercalia bắt đầu vào giữa tháng 2, có vẻ như các mục sư đã chọn ngày Thánh Valentine làm ngày kỉ niệm cho lễ hội mới này. Như vậy, dường như phong tục các chàng trai trẻ chọn các thiếu nữ làm người yêu của mình (trong dịp Valentine) hay chọn cho mình các vị thánh bảo hộ cho năm tới cũng phát sinh từ đây.
... Và những quan niệm lạ
Cũng từ đó mọi người ở khắp các quốc gia trên thế giới có những quan niệm khác nhau trong ngày lễ thánh này. Vào ngày Valentine, nhiều trẻ em nước Anh đã mặc nhưng bộ quần áo giống như người lớn, chúng đi từ nhà này sang nhà khác và hát vang bài ca chào đón ngày Valentine. Ở xứ Wales, những chiếc muỗng bằng gỗ được khắc chạm là những món quà được ưa thích tặng cho nhau trong ngày 14/2. Trái tim, chìa khoá và những lỗ khoá là những hình được ưa thích để trang trí trên chiếc muỗng. Sự trang trí này có ý nghĩa "bạn khoá chặt trái tim tôi".
Còn ở một số nước như Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha... những người trẻ tuổi vẽ tên vào những cái bát để nhìn xem ai sẽ là người yêu của họ. Họ sẽ mang những cái tên này trên tay áo khoảng một tuần. Còn bây giờ nếu bạn mang hình trái tim trên tay áo điều có có nghĩa là thật dễ dàng cho những người khác biết được tâm tư của bạn.
Ở một số nước khác lại quan niệm rằng, một cô gái nhận được món quà là quần áo từ một chàng trai, nếu cô gái giữ lại món quà đó có nghĩa rằng cô sẽ cưới anh ta làm chồng.
Một số người đã từng tin tưởng rằng, nếu một cô gái nào nhìn thấy một con chim chào mào cổ đỏ bay ngang trên đầu vào ngày Valentine, điều đó có nghĩa là sau này cô gái ấy sẽ lấy một người chồng làm thuỷ thủ. Nếu nhìn thấy một con chim sẻ, cô gái ấy sẽ lấy một người chồng nghèo nhưng sống rất hạnh phúc. Còn nếu nhìn thấy một con chim sẻ cánh vàng, cô gái sẽ là vợ của một triệu phú. Khi một cô gái được đề nghị kết hôn, nếu cô ta là một người hiếu kỳ và can đảm thì cô ấy sẽ hoá trang và đi đến nghĩa địa vào lúc nửa đêm trong ngày Valentine và chạy xung quanh nhà thờ 12 lần.
Nếu bạn bổ đôi một quả táo và đếm xem có bao nhiêu hạt bên trong thì bạn sẽ biết được rằng sau này mình sẽ có bao nhiêu đứa con...

Friday, February 02, 2007

Sự tích ý nghĩa ngày 02.02.

A. Lịch sử
Ngày này trong Hội thánh công giáo là ngày lễ mừng, vẫn quen gọi là lễ Nến hay lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. Tại sao lại có lễ này và gọi như vậy?
Theo luật Maisen trong kinh thánh cựu ước ( Xh 13,11-16; Lv 12,1-8; Is 88,14f;42,6) ghi chép:
1. Trẻ em sơ sinh trong thời han luật định phải mang đến đền thờ dâng hiến cho Thiên Chúa.
2. Một người phụ nữ sau khi sinh con được 40 ngày phải mang vào đền thờ Thiên Chúa lễ vật, để được thanh tẩy. Vì thời đó người ta hiểu là sau khi sinh con, người phụ nữ không còn được thanh sạch. Thanh sạch về thể xác hay tâm hồn? Trong sách luật không nói rõ.
3. Người con đầu lòng là tài sản của Thiên Chúa. Vì thế có tục lệ dâng con và lễ vật cho Thiên Chúa để chuộc. Sau khi hạ sinh Chúa Giêsu được 40 ngày Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng làm theo luật đã ghi chép trong đạo thời đó. Nhưng lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh theo luật định lại trở nên cuộc gặp gỡ : Hai người đạo đức Ong gìa Simeon và Bà Hanna được hạnh phúc bồng bế haì nhi Giêsu trên tay mình. Qua cuộc gặp gỡ này họ đã nhận ra hài nhi Giêsu là “ ánh sáng cho mọi dân tộc“ ( Lc 2,22-40).
Bên Hội thánh Đông phương lễ này gọi là Lễ gặp Đấng Cứu Thế: Chúa Giêsu, vị Cứu thế vào đền thờ và gặp hai vị đại diện cho thời đạo cũ: Simeon và Hanna. Tục lệ này trở thành lễ mừng kính trong hội thánh bên Giêrusalem từ đầu thế kỷ thứ tư : 40 ngày sau khi Đức Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu.
Bên Hội thánh tây phương lễ này là lễ kính Đức Mẹ: Đức Mẹ Maria cũng như bao người phụ nữ khác, sau khi sinh hạ con, mang lễ vật vào đền thờ, để được thanh tẩy như luật định. Bên Roma mừng kính ngày lễ này cũng vào thế kỷ thứ tư trong các thánh đường. Sau này, vào ngày lễ này nến được làm phép và mọi người rước nến cháy sáng trong nhà thờ . Vì thế lễ có tên là Lễ Nến.
Từ năm 1969 lễ ngày mùng Hai tháng Hai không còn thuần ý nghĩa lễ dành kính Đức Mẹ Maria, nhưng được đổi thành lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, 40 ngày sau khi Chúa mở mắt chào đời trong hang đá Belem.
Nếu lễ Chúa giáng sinh được mừng kính ngày 25. 12., ngày lễ dâng Chúa vào đền thờ, sẽ là ngày 02 tháng hai. Nếu lễ giáng sinh được mừng kính vào ngày 06.01., ngày lễ dâng Chúa vào đền thờ sẽ vào ngày 14. tháng Hai.
B. Ý nghĩa ngày lễ mừng.
Tục lệ đạo đức lễ Nến ăn sâu trong cuộc sống người tín hữu. Ỡ nhiều nơi, giáo dân tín hữu mang nến đến nhà thờ để được làm phép trong ngày này. Họ mang nến đã làm phép về thắp lên mỗi khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện khi có người ốm đau hoặc trẩy đi xa, trong những dịp vui mừng cưới hỏi hay tang chế.
Lễ mừng này nói lên ý nghĩa cuộc gặp gỡ:
Chúa Giêsu con Thiên Chúa được đưa vào đền thờ, một biểu hiêu trong công trình thiên nhiên. Ngài đi vào thiên nhiên gặp gỡ đời sống con người: tôn giáo và đời sông gặp gỡ nhau.
Vì thế, sau này trong bước đường rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài hay dùng những thí dụ cụ thể trong đời sống để cắt nghĩa về nước đó: ơn kêu gọi là con Thiên Chúa và nước Thiên Chúa là quê hưong của mọi người.
Hai thế hệ con người gặp gỡ nhau. Gìa trẻ gặp gỡ nhau. Hai vị trưởng lão Simeon và Hanna gặp gỡ trẻ Giêsu. Cuộc gặp gỡ tình người này là cuộc trao đổi. Thế hệ lớn tuổi trao lại cho thế hệ trẻ kinh nghiệm sống đã thu lượm được, những gía trị đời sống, niềm hy vọng cùng lời chúc lành mong chờ trông đợi của mình. Thế hệ trẻ đón nhận những trối trăn của lớp trưởng thượng trao lại.
Thế hệ lớn tuổi qua lời ông Simeon: Giờ đây lạy Chúa, xin để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an. Vì mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu chuộc cho muôn dân“, biểu lộ lối sống biết nhận lãnh và cũng sẵn sàng cho đi trối lại.
Cung cách chuyển giao này gây niềm phấn khởi cho thế trẻ đang lên sẵn sàng nhận lãnh lời trối trăn như bảo vật làm nền tảng cho tương lai đời sống cùng niềm tin đạo giáo.
Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng từ trời cao, được đưa vào đền thờ như lời mời gọi mọi người cùng đến gặp gỡ nhau trong tình khoan dung tha thứ cho nhau và mang đến cho nhau niềm hy vọng.
Lễ dâng Chúa vào đền thờ ngày mùng hai tháng hai hằng năm như lời mời gọi mỗi người đón nhận Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng cho tâm hồn mình. Anh sáng Chúa Giêsu chiếu soi vào đền thờ tâm hồn con người và mang đến niềm vui cùng sự an ủi trong những giờ phút đen tối của cuộc đời.
Lm. Nguyễn ngọc Long (SỐNGĐỨCTIN De)

ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI?

Những ngày cuối năm, người ta thường sửa sang, dọn dẹp con đường trước nhà mình, sao cho sạch đẹp. Đó là con đường địa lý, con đường vật chất, con đường hữu hình.
Còn có một con đường khác thuộc về tâm hồn, ẩn khuất trong cõi vô hình. Nó càng cần được ta xem lại, sửa sang lại. Bởi vì chính con đường đó sẽ đón ơn Chúa ngày đầu Xuân.
Có nhiều cách dọn dẹp con đường thiêng liêng đó. Như cầu nguyện, tĩnh tâm, sám hối, làm việc từ thiện, thực thi các việc hiếu thảo, tình nghĩa trong các tương quan mà mình có bổn phận.
Ở đây, tôi xin nhắc đến một việc thiết tưởng rất nên làm. Đó là nhân dịp cuối năm, ta hãy nhìn kỹ xem: Đời ta đang đi trên con đường nào?
Trên thực tế, có nhiều con đường đang thu hút các cuộc đời. Còn chúng ta, những người sống Lời Chúa phải đi con đường nào?
Thưa: Con đường Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là đường
Chúa Giêsu khẳng định: "Chính Thầy là con đường, là sự thực và là sự sống" (Ga 14,6).
Đặc tính của con đường Chúa Giêsu là:
- Vâng phục thực thi thánh ý Chúa Cha một cách khiêm nhường.
- Yêu thương phục vụ nhân loại một cách khiêm nhường.
Khiêm nhường nói đây là chấp nhận nhiều thứ khổ đau suốt đời, để minh chứng cho tình yêu cứu độ dẫn tới phục sinh.
Chúa Giêsu đã báo trước về chính Người: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Lc 9,22).
Lời Chúa Giêsu nói trên đây về chính mình chỉ là một chi tiết về cuộc đời của Người. Còn toàn thể cuộc đời ấy là một chuỗi dài những hy sinh cao cả.
Hãy liếc qua chuỗi dài yêu thương phục vụ trọn đời Người. Từ hang đá Belem nghèo khổ, cuộc đi trốn âm thầm sang Ai Cập, 30 năm lam lũ ở Nagiarét, 3 năm đi rao giảng với bao cực nhọc, sau cùng đến Núi Sọ, để bị treo lên thập giá một cách nhục nhã. Tất cả đều vì vâng phục ý Chúa Cha. Tất cả đều để minh chứng Thiên Chúa là Tình Yêu. Tất cả đều để cứu rỗi nhân loại.
Cuộc đời đó của Chúa Cứu thế chính là con đường, mà Người dạy các môn đệ Người hãy bước vào, hãy cùng đi.Chúa Giêsu phán: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy."
Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ cứu được mạng sống ấy."
Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì" (Lc 9,23-25).
Các tông đồ đi theo con đường Chúa Giêsu
Những đòi hỏi trên đây rất rõ ràng. Các môn đệ Chúa đã đi vào con đường đó không? Thưa các ngài đã đi đến tận cùng. Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc hành trình yêu thương phục vụ của các ngài qua bài ca bác ái dưới đây của thánh Phaolô tông đồ:
"Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.
...Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến." (1Cr 13,4-13)
Các tông đồ của Chúa Giêsu xưa đã đi trên con đường yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu như thế đó.
Hội Thánh mọi thời đi theo con đường Chúa Giêsu
Còn sau thời các tông đồ thì sao?
Thưa, tuy nhiều nơi lòng đạo ngả mạnh về phía đền thờ hơn về phía con người. Nhưng nói chung, các tín hữu vẫn cố gắng sống tinh thần yêu thương phục vụ một cách tin tưởng, theo kinh Tám mối phúc Chúa đã dạy:
"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3-10)
Trên đây là những nét lớn của con đường Chúa Giêsu, mà ngày đầu Xuân hay nhắc tới.
Hiện nay, nhiều người vẫn trung thành với nội dung của con đường đó. Đang khi nhiều người chỉ theo con đường đó một cách hình thức.
Tại Việt Nam hôm nay, còn người công giáo tại Việt Nam hôm nay thì sao?
Mong mỗi người hãy tự xét mình xem: Lúc này mình đang thực sự đi trên con đường nào?
Tôi thấy các phong trào văn minh đủ thứ đang phân hoá đồng bào. Bên cạnh một số người còn giữ được tâm lý quân bình, tôi thấy đang xuất hiện ba loại người sau đây:
Loại người rất gắn bó với quá khứ, nghi ngờ hiện tại và tương lai.
Loại người sống hết mình với hiện tại, dứt lìa quá khứ, bất cần tương lai.
Loại người sống như ảo tưởng với tương lai đầy hứa hẹn, quên hẳn quá khứ, hững hờ với hiện tại.
Nếu trong Hội Thánh cũng như thế, thì quả là đáng buồn. Bởi vì Con Đường Chúa Giêsu phải được liên tục từ quá khứ, với hiện tại và hướng về tương lai. Tất cả đều mang dấu ấn yêu thương phục vụ một cách khiêm nhường.
Mong dấu ấn ấy được toả sáng từ chính bản thân người môn đệ Chúa.
Mẩu tin vắn sau đây là một chứng từ thuyết phục:
Sau sự kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Toà ThánhVatican, tôi được may mắn gặp Thủ Tướng qua điện đàm trực tiếp. Trong cuộc điện đàm, tôi được biết: Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã để lại nơi Thủ Tướng một cảm tình thiêng liêng tốt đẹp, do con người của Đức Giáo Hoàng toát ra một vẻ đẹp đạo đức, nhã nhặn, hiền từ, chân tu, cao thượng.
Tôi coi đây là một chứng từ rất đáng suy nghĩ về con đường Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng đã giới thiệu con đường đó bằng thái độ, cách sống của Ngài hơn là bằng lý thuyết.Còn chúng ta thì sao?
+GM JB Bùi Tuần (Vietcatholic News)

Thursday, February 01, 2007

Đi tìm hạnh phúc

Có ai đó từng nói rằng bí mật của hạnh phúc là có một ai đó để yêu, một việc gì đó để làm và có một điều gì đó để mong chờ. Điều này có đúng không khi bạn không có một người bạn đời/một người tình chung thủy, chẳng phải là một công việc có thu nhập cao hay những chuyến du ngoạn tận hưởng cuộc sống thú vị…?
Vẫn rất đúng đấy bạn ạ bởi một ai đó để yêu có thể là một người bạn, một người thân, một vật nuôi dễ thương; một việc gì đó để làm và điều gì đó để mong chờ có thể chỉ là một công việc hay một điều bất kỳ mà bạn thấy thú vị.
Tuy nhiên, ngay cả khi có nắm trong tay 3 ước ao đó thì đôi lúc bạn vẫn thấy mình kém hạnh phúc bởi xúc cảm của chúng ta luôn bị chi phối bởi yếu tố di truyền, những chuyện vụn vặt xảy ra trong sinh hoạt, lao động hằng ngày và trên tất cả là sự trải nghiệm.
Dưới con mắt nhà khoa học, người có tính cách vui vẻ đơn giản là vì họ có hàm lượng hợp chất endorphin (một loại hormon) và neurotransmitters dopamine và serotonin cao hơn những người khác. Não bộ thường chỉ tiết ra các chất này khi chúng ta cảm thấy tự tin, yêu chính mình hoặc gặp một chuyện vui vẻ nào đó.
Không ai dám chắc rằng mình không bao giờ suy nghĩ tiêu cực nhưng hãy luôn nhớ rằng khi bạn phải “lựa chọn” hoặc “cho phép” bản thân suy nghĩ tiêu cực hơn là tích cực, hãy giữ lại cho mình niềm tin yêu cuộc sống.
Nghĩ tới những yếu tố tích cực
- Thư giãn
- Biết bộc lộ cảm xúc
- Biết lượng sức và đề ra những mục tiêu có thể đạt được
- Dành thời gian cho những sở thích
- Một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh
- Chơi thể thao hay luyện tập một môn nào đó
- Làm những việc phù hợp với năng lực và ý thích
- Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi
- Dành thời gian cho bản thân, làm những việc mà bạn quan tâm
- Dành thời gian cho bạn bè và gia đình
Nên tránh
- Thường xuyên stress
- Cảm giác bực tức hay thất vọng
- Đòi hỏi bản thân quá nhiều
- Những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực
Đây không phải là công thức tạo nên hạnh phúc nhưng chắc chắn đó là những thành phần cơ bản làm nên hạnh phúc.
Quý trọng bản thân
Một trong những yếu tố quan trọng để làm nên hạnh phúc là yêu chính mình. Có rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng tất cả đều thống nhất rằng yêu quý chính mình tức là luôn đánh giá đúng bản thân và xác định được sở trường của mình. Ngoài ra là thái độ tích cực, tự tin vào khả năng của bản thân và thấy mình có ích cũng như làm chủ được cuộc sống.
Hạnh phúc và tình yêu đối với bản thân luôn tỉ lệ thuận với nhau. Khi không thiết tha, chăm chút chính mình cũng có nghĩa rằng bạn đang chán nản, thấy mình bất lực và lòng tràn ngập nỗi thất vọng.
Tình yêu đối với bản thân không phải tự dưng mà có, đó là cả một quá trình từ khi thơ ấu cho tới lúc trưởng thành và nó tác động tới mọi quyết định của chúng ta.
Nỗi cô đơn, sự thất vọng và những thất bại luôn là một phần của cuộc sống và không phải bao giờ mọi nỗ lực của chúng ta cũng mang lại thành công nhưng khi luôn tin vào chính mình, chẳng có khó khăn, trở ngại nào là không thể vượt qua.
Nhân Hà, (Theo BBC - DÂNTRÍ)

LỜI SỐNG Tháng Hai 2007

Chúa phán như sau:
Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,
lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,
và lòng dạ xa rời Chúa!
Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa
chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ,
hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra,
nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy,
trong vùng đất mặn không một bóng người.
Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Chúa,
và có chúa làm chỗ nương thân.
Người ấy như cây trồng bên dòng nước,
đâm rễ sâu vào mạch suối trong,
mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì,
lá trên cành vẫn cứ xanh tươi,
gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại gì,
và không ngừng trổ sinh hoa trái. (Geremia 17:5-8)

“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Thiên Chúa” (Geremia 17:7)
Đây là cách thế thông minh nhất để sống: đó là đặt cuộc sống mình trong tay Đấng đã ban cho ta. Bất luận điều gì xẩy ra, chúng ta đều có thể nhắm mắt phó thác nơi Người: vì Người là Tình thương và muốn điều tốt cho ta.
Khi công bố “phúc lành” này ngôn sứ Geremia gợi lại một hình ảnh được quý chuộng trong truyền thống Kinh thánh: đó là một cây trồng bên bờ suối đầy nước. Nó không sợ mùa nóng: rễ cây được nuôi dưỡng tốt, lá lúc nào cũng xanh tươi và cây mang nhiều trái.
Trái lại, người đặt niềm hi vọng của mình ngoài Thiên Chúa – có thể là nơi quyền bính, giầu sang, nơi bạn hữu quyền thế - được sánh với bụi cây trên đất khô cằn, nước mặn, nó khó lớn và không có trái.

“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Thiên Chúa”
Người ta đến với Thiên Chúa khi ở trong tình trạng cùng cực, thất vọng: một căn bệnh không chữa được, một món nợ không trả nổi, một nguy hiểm gần kề cho cuộc sống... Nhất định là như vậy. Chúng ta biết rằng điều con người bó tay thì Thiên Chúa có thể làm được. Nhưng nếu Người làm được mọi sự (Xem Mt 19:26), thì sao không chạy đến Người mọi lúc trong cuộc sống?
Lời sống mời gọi ta đi đến một mối thông hiệp liên tục với Thiên Chúa, ngoài những điều ta phải xin, bởi vì ta luôn cần đến sự trợ giúp của Người. Ai có được với Thiên Chúa một mối liên hệ tin tưởng và phó thác nẩy sinh từ niềm tin vào tình thương của Người, thì người ấy được “chúc phúc” hay đã tìm được niềm vui cùng sự sống tràn đầy.
Người là Thiên Chúa gần gũi, Đấng thân thiết với ta hơn chính ta, Đấng cùng đi với ta và biết mọi tiếng đập của con tim ta. Với Người chúng ta có thể chia sẻ niềm vui, nỗi đau đớn, những bận tâm, những dự định... Chúng ta không một mình, cả trong những giây phút đen tối cùng khó khăn nhất. Nơi Người chúng ta có thể phó thác trọn vẹn. Người sẽ không bao giờ lừa gạt ta.

“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Thiên Chúa”
Một cách thế đặc biệt để nói lên niềm phó thác này có thể là “làm việc tay đôi”.
Nhiều khi có những ý nghĩ nặng nề tấn công, vì những cảnh huống hoặc những người ta không thể trực tiếp săn sóc, đến độ ta khó mà chu toàn điều ý Chúa muốn nơi ta trong giây phút đó. Chúng ta muốn ở gần người thân yêu đang đau khổ, đang trong cơn thử thách, đang bị bệnh. Chúng ta muốn có thể giải quyết được tình trạng rối rắm đó, đến giúp những dân đang sống trong chiến tranh, những người tị nạn, những người đói khổ...
Chúng ta cảm thấy mình bất lực! Đó chính là giây phút phó thác nơi Thiên Chúa, giây phút có thể đạt đến chỗ anh hùng: “Con không thể làm gì được cho người đó, trong trường hợp đó... Tuy nhiên con sẽ làm điều Chúa muốn nơi con trong giây phút này: học hành tốt, làm việc tốt, cầu nguyện tốt, săn sóc tốt cho con cái... chắc chắn rằng Chúa sẽ lo gỡ rối, an ủi người đang đau khổ, giải quyết vấn đề”.
Đó là một việc làm tay đôi trong mối hiệp thông trọn vẹn, nó đòi nơi chúng ta niềm tin lớn lao vào tình thương của Thiên Chúa đối với con cái Người, và qua lối hành sử của ta, nó đặt chính Thiên Chúa vào chỗ có thể tin tưởng nơi chúng ta
Thái độ tin tưởng lẫn nhau này làm được những phép lạ.
Ta sẽ thấy rằng ở đâu chúng ta không tới được, thì thực sự một Đấng khác đã đến, Người làm tốt đẹp hơn chúng ta vô vàn.
“Hành động phó thác anh hùng sẽ được Chúa thưởng; cuộc sống của ta, bị giới hạn vào một lãnh vực duy nhất, sẽ có được một chiều kích mới; chúng ta sẽ cảm thấy mình liên lạc được với Đấng vô cùng. ...Cũng bởi vì đã nghiệm được, nên thực tại chúng ta thực sự là con cái của Thiên Chúa là Cha, Đấng làm được mọi sự, sẽ nên hiển nhiên hơn.” (Chiara Lubich, Scritti spirituali/2, Roma 1997, p.194-195)

“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Thiên Chúa”
“Điện thoại reo - chị Rina kể rằng tuổi cao đã bó buộc chị sống cấm cung trong nhà. Đó là một bà cụ già như tôi, từ lâu tôi thường gởi Lời sống cho bà. Người em của bà đang hấp hối và bà không biết phải làm gì. Lúc đó đang trong mùa hè và khó mà tìm được người có thể theo dõi ông, hơn nữa trong những năm gần đây ông đã nên người vô gia cư... Tôi nhận lấy cho mình nỗi đau đớn của bà bạn tôi và cùng với bà tôi cảm thấy bất lực như bà. Tôi có thể làm gì, đang khi sống xa xôi, bất động trong chiếc ghế này? Tôi muốn nói với bà ít là những lời an ủi, nhưng chúng không đến, cả việc đó tôi cũng không làm được. Tôi chỉ còn cách là đảm bảo sẽ nhớ đến bà. Nhưng còn lời cầu nguyện nữa.
Ban tối, khi những người bạn của tôi đi làm về, chúng tôi cùng nhau phó thác cho Chúa tình cảnh này và đặt nơi Người những sợ hãi cùng bất an.
Ban đêm tôi thức dậy và lại nhìn thấy con người vô gia cư ấy một mình, đang hấp hối. Tôi ngủ lại và lại thức dậy. Bây giờ mỗi lần tôi đều chạy đến với Chúa Cha: ‘Ông ta là con Chúa, Chúa không thể bỏ rơi ông. Xin Chúa lo cho ông’.
Mấy ngày sau, một cú điện thoại của bà bạn cho biết rằng, sau khi nói chuyện với tôi hôm đó, bà đã cảm thấy niềm an bình lớn lao. ‘Chị có biết chúng tôi đã đưa được em tôi vào nhà thương không? Họ đã giúp đỡ em tôi, làm cho bớt đau. Em tôi đã được đau khổ thanh luyện, đã sẵn sàng. Em tôi chết bình thản, sau khi đã nhận mình thánh Chúa’.
Trong tâm hồn tôi một niềm cảm tạ và phó thác hơn nơi Chúa.”
Lm Fabio Ciardi và Gabriella Fallacara.

Wednesday, January 31, 2007

Tôn Giáo Thời WTO

Sau hơn nửa thế kỷ không có bang giao và 30 năm tương quan hết sức dè dặt, nhân vật số 3 của CS Hà Nội Hà nội, Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng, nhơn chuyến đi họp về kinh tế ở Genève, đến Vatican chánh thức viếng Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Tòa Thánh Vatican trên phương diện ngoại giao là một quốc gia với lãnh thổ nhỏ bé. VN trên phương diện tôn giáo là một nước có giáo dân Công giáo đông đảo ở Á châu. Chế độ CS Hà nội mới vừa " bung ra" được vào WTO, Tổ chức Tự do Thương mại thế giới, thành viên thứ 150.
Cũng như tin Thủ Tướng Việt Công Phan văn Khải, một đảng viên CS cao cấp nhứt, một nhân vật cầm quyền cao cấp nhứt đến thăm TT Bush của Mỹ đệ nhứt siêu cường thế giới để vận động WTO. Tin Thủ Tướng Việt Cộng Nguyễn tấn Dũng lần đầu tiên đến thăm vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Công Giáo La Mã có tính hoàn vũ trở thành tin rất nóng.
Phải chăng đó là triệu chứng Vatican và Hà nội sẽ bang giao và Hà nội nới rộng tự do tôn giáo cho Công Giáo La Mã có tính toàn cầu ở VN trong thời đại WTO kinh tế toàn cầu?
Thực ra việc Vatican và Hà nội thiết lập bang giao cũng không có gì mới lạ. Hai bên đã làm trước khi CS Hà nội " bung ra" vào WTO. Từ rất lâu Vatican muốn bang giao với hai chế độ CS ở Á châu, Bắc Kinh và Hà nội. Vatican và Hà nội đã "đi lại" với nhau qua nhiều đường lối, nhiều chức sắc, nhiều viếng thăm của các giới chức; hai bên gần như đã phá được tảng băng ngăn trở bang giao giữa hai chế độ hữu thần và vô thần rồi. Nhà cầm quyền CS Hà nội đã nới tay, "ưu đải" (chữ dùng của đài Á Châu Tư do của Mỹ) Công Giáo La Mã ở VN khá nhiều rồi so với các tôn giáo khác ở VN. Truyền thông đại chúng quốc tế độc lập hơn một lần đã nhận định và không ngần ngại nói trắng ra như thế.
Tuy nhiên tiến trình bang giao mà Vatican thực hiện đối với Hà nội coi vậy chớ còn chậm hơn với Cuba CS, Đức Giáo Hoàng còn đến thủ đô của Ong Trùm CS tây bán cầu nữa kia. Nên trong tương lai gần không có gì phải ngạc nhiên khi thấy một ngày nào đó, Đức Giáo Hoàng đến thăm Hà nội dù bây giờ trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tư do, "bà phụ tá phát ngôn Tòa thánh Christina Vendera nói rằng bà rất tiếc vì bà không được biết gì về chuyện này", chuyện liệu Thủ Tướng VC có mởi Giáo Hoàng viếng VNCS hay không.
Phản ứng của người Việt theo đạo Công Giáo La Mã, chức sắc lẫn giáo dân trong cũng như ngoài nước, nói chung là mừng. Kể cả những những chức sắc Công giáo và giáo dân Công Giáo VN từng thiết tha đòi hỏi tư do tôn giáo cũng chỉ gởi thỉnh nguyện Đức Giáo Hoàng xin "Tòa Thánh chỉ bang giao cùng Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam với một trong các mục đích chính yếu là tạo áp lực để đảng Cộng sản phải từ bỏ độc tài toàn trị và trả lại mọi Nhân quyền và Dân quyền cơ bản cho các Giáo hội và các Công dân". Và mong ước Đức Giáo Hoàng nói với Thủ Tướng VC "về nhu cầu cấp thiết của toàn thể dân tộc Việt Nam là được sống đúng phẩm giá con người trong lúc Việt Nam hội nhập cùng thế giới nhân loại văn minh."
Tiêu biểu có Đức Giám Mục Mai Thanh Lương ở Mỹ phát biểu trên RFA, cũng thấy "đây là cơ hội tốt, là dịp để Việt Nam đối thoại với toà Thánh, và cuộc gặp gỡ này có khả năng mở đường cho các đối thoại tương tự trong tương lai". Theo Vị Giám Mục gốc Việt ở Mỹ này, "chính quyền Hà Nội cần có rất nhiều cải tổ, một trong những điều căn bản nhất trả lại các cơ sở tôn giáo mà nhà nước đã tịch thu, để những nơi này lại được dùng để phục vụ cho nhu cầu phụng vụ giáo dân". Đức Hồng Công Giáo La Mã ở trong nước là Ngài Phạm minh Mẩn cũng tỏ ra vui mừng như nhiều giáo dân trong ngoài nước đã phát biểu với đài RFA.
Đặc biệt cho đến bây giờ chưa có ai ngoài Công Giáo La mã lên tiếng về vụ này. Sư im lặng này có thể hàm những ý sau. Một, các tôn giáo khác dù không được nhà cầm quyền CS Hà nội " ưu đãi" như Công Giáo La mã, nhưng vẫn mừng thầm cho tôn giáo bạn. Được một đạo, mừng cho một đạo, tốt thôi. Hai, các tôn giáo ngoài Công Giáo ở VN đã nhiều kinh nghiệm CS, không để lọt kế CS muốn chia để trị. Không phải lần đầu CS Hà nội dùng hình thức phân biệt đối xử đối với tôn giáo để khích động tị hềm, suy bì, hiềm khích, cống đối nhau. Rất nhiều linh mục, chức sắc Công Giáo đi Mỹ, mà có bao bao nhiêu hòa thượng Phật Giáo thuần túy được đâu. Ba, tuy Phật Giáo là tôn giáo nhiều người Việt theo nhiều lần hon đối với Công Giáo La Mã, nhưng Phật Giáo vốn vô vi, không lập cơ cấu tổ chức như một quốc gia với lãnh thổ riêng, guồng máy cai trị đủ ban bộ nha, cục vụ viện như chánh phủ một nước, không có hệ thống giáo quyền, trung ương tập quyền về Tòa Thánh La Mã với đẳng cấp, chức phận cứng rắng như hệ thông văn giai và quân giai. Nên Phật Giáo không xây dựng ảnh hưởng tinh thần đối với các quốc gia như Ky tô giáo đối với các nước Tây Phương đa số là siêu cường thế giới. Đạo Tin Lành ở VN tuy gần gũi với Mỹ, nhưng tín hữu không nhiều. Tin Lành ở Mỹ lại nhiều chi nhánh, không tập quyền, không có tư cách quốc gia riêng, không có thế ngoại giao chính thức như Công Giáo La Mã. Còn Cao Đài, Hòa Hảo là đạo dân tộc Việt lại càng ít thế quốc tế hơn. Nên cả bốn đạo này ở VN dù bị CS bách hại rất nặng, tiếng kêu cũng không đánh động mạnh chánh quyền các nước như Công Giáo La Mã. Năm, CS Hà nội vốn coi dân Việt, đạo Việt không ra gì, mà chỉ sợ Mỹ, sợ Liên Au trong thời đại WTO, tư do kinh tế. Nên CS Hà nội phải nới tay với Công Giáo La mã có tính toàn cầu trong thời kinh tế toàn cầu.
Sau cùng, nhưng CS Hà nội sẽ bị phản tác dụng. Những ưu đãi của CS Hà nội đối với Công Giáo La mã sẽ tạo thêm điều kiện và chánh nghĩa cho phong trào đấu tranh cho tự do, tôn giáo, và tự do dân chủ nhân quyền. Nhơn danh bình đăng tôn giáo, các tôn giáo khác và những nhà đấu tranh dân sự trong nước có thể dùng những ưu đãi đó để đòi hỏi CS Hà nội phải được đối xử đồng đều. Nếu CS Hà nội trả lại tài sản của Công Giáo thì phải trả lại tài sản của Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài, và Hòa Hảo. Nếu CS cho Công Giáo đào tạo và bổ nhiệm chức sắc, thì CS Hà nội cũng phải để các tôn giáo khác làm như thế. Nếu không CS Hà nội sẽ bị lên án là phân biệt đối xử, kỳ thị tôn giáo. Nếu thế CS Hà nội đã tạo thêm sức mạnh đấu tranh cho tư do tôn giáo, tự do, dân chủ, nhân quyền VN.
(Việt Báo Thứ Bảy, 1/27/2007)
Vi Anh (Vietcatholic News)

Tuesday, January 30, 2007

Tìm Chúa trong đời thường

Lc 4:21-30 / CN 4TN-C
Anton-Phaolo, SJ
Ca dao tục ngữ có câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ!” hoặc “Một giọt máu đào hơn ao nước lã!” để nói lên cách cư xử ưu đãi trong mối liên hệ thâm tình. Thế nhưng bài tin mừng hôm nay lại cho chúng ta một câu chuyện bất ngờ.
Câu chuyện năm xưa bắt đầu thế này.
Một buổi sáng ngày Sa-bát, cả làng Na-za-rét xôn xao. Có một thầy giảng nổi tiếng được mời đến nói chuyện trong hội đường của làng. Người ta đồn rằng ông thầy này đã đi nhiều nơi, làm nhiều phép lạ trong khắp vùng Ga-li-lê. Hôm nay ông dừng chân ở Na-za-rét , không chừng dân làng cũng được nhờ vả gì chăng? Mọi người háo hức lục tục kéo đến hội đường để xem mặt vị khách đó.
Sau phần đọc Sách Thánh, người đàn ông trên bục giảng dõng dạc lên tiếng. “Hôm nay mọi điều anh em nghe được ứng nghiệm.” Ông bắt đầu giảng giải về những điều ngôn sứ I-sai-ya vừa nói. Cả hội đường im phăng phắc say sưa nghe vị khách chia sẻ lời Chúa. Ông nói chậm rãi, rõ ràng và có hồn, chứ không lải nhải như nhiều người thuyết giảng khác.
Dân làng kháo nhau: “Đây không phải là con ông Giu-se sao?” “Ôi chao, mới đi có mấy tháng mà nhận không ra nữa!” “Làng ta có một vị ngôn sứ, thật hãnh diện ghê!” Có những tiếng gọi í ới: “Này, một người làm quan, cả họ được nhờ… Nghe nói ở Ca-pha-na-hum, ông chữa lành người bại liệt, … trừ được cả quỷ nữa… Những gì ông đã làm ở chỗ khác, hãy làm ở đây xem. Thử chữa vài người cho chúng tôi xem nào!” Nếu người dưng nước lã mà được nhờ, thì chắc dân làng còn phải được hưởng gấp bội… Một giọt máu đào, hơn ao nước lã kia mà!
Đức Giê-su nhìn quanh và thở dài. Những khuôn mặt quen thuộc của bà con lối xóm. Nhưng hình như họ không còn nhận ra người nữa. Những lời ngài giảng dạy về Nước Thiên Chúa, họ bỏ ngoài tai. Họ chỉ say sưa đi tìm dấu lạ. Đức Giê-su biết rõ họ. Những người này chẳng quan tâm đến những điều ngài nói, họ chỉ cần biết xem ngài có đem lại những điều phi thường cho Na-za-rét hay không. Họ chưa tin ngài là ngôn sứ của Thiên Chúa. Họ muốn ngài chứng minh thân phận của mình. Họ muốn thấy tận mắt chứ không chỉ nghe nói thôi. Tiếc thay, ngài không thể làm phép lạ để thoả mãn sự tò mò. Ngài không làm phép lạ để lôi kéo niềm tin.
Đức Giê-su lắc đầu từ chối: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương mình.” Lời ngài nói như gáo nước lạnh tạt vào mặt họ. Họ chưng hửng. Thế này là thế nào? Không phải ông ta vưà tuyên bố những điều ngôn sứ I-sai-ya loan báo sẽ được ứng nghiệm hôm nay sao? Nào là người mù được thấy, người áp bức được giải phóng, nào là công bố năm hồng ân xoá nợ. Càng nghe Đức Giê-su nói, họ càng bực tức. Nhất là khi ngài so sánh việc ngôn sứ Ê-li-ya và Ê-li-sha bỏ Is-ra-en đến với dân ngoại để rao giảng và chữa lành. Tự ái đùng đùng nổi lên. Ông này là ai mà dám sỉ nhục chúng tôi chứ? Không lẽ Na-za-rét không đáng để cho ông ta thực hiện những kỳ tích sao?
Lúc đầu họ háo hức chờ đợi mưa móc ân sủng. Họ mong đợi được chúc phúc vì giữa làng quê nhỏ bé của họ đã xuất hiện một ngôn sứ của Thiên Chúa. Vậy mà bây giờ cái ông Giê-su không biết điều này, chẳng những đã không làm gì cho họ, mà còn đem họ so sánh với đám dân ngoại không giữ Luật Thiên Chúa. Từ ngạc nhiên đến thất vọng. Từ thất vọng đến giận dữ. Từ giận dữ đến quyết tâm thua đủ với ngài. Họ lôi ngài ra khỏi hội đường, tính xô ngài xuống vực thẳm. Nhưng, Thánh Kinh thuật lại, ngài vượt qua họ mà đi.
* * * * * *
Bạn thân mến,
Câu chuyện năm xưa có lẽ vẫn còn tái diễn trong cuộc sống của nhiều người trong chúng ta hôm nay. Tôi giữ đạo đàng hoàng, đi lễ đọc kinh sớm tối, công việc nhà thờ năng nổ. Vậy mà khi có chuyện cần, tôi kêu cầu Chúa chẳng nghe. Gia đình tôi lục đục. Vợ đau con ốm chồng thất nghiệp. Đời sống chỉ thấy thất bại khó khăn. Vui ít buồn nhiều. Chúa ở đâu hả Chúa? Tôi chạy đông chạy tây, hành hương chỗ này chỗ nọ, chỉ xin Chúa ban cho một chút ơn để hâm nóng đức tin. Thế mà xin hoài chẳng thấy, cầu mãi chẳng được. Còn mấy người hàng xóm sống bê bối buông tuồng, cả đời chẳng thèm bước chân đến nhà thờ, vậy mà cứ gặp may mắn hoài. Buôn bán thành đạt, công ăn việc làm ngon lành, cuộc sống cứ phây phây thoải mái. Thử hỏi, Chúa có bất công không?
Ít nhiều gì tôi cũng đã có lần mang tâm trạng như dân làng Na-za-rét. Tôi mong Chúa làm một cái gì đó cho tôi. Tôi tìm Chúa ở trong những phép lạ, những kỳ tích. Tôi theo Chúa bằng một cuộc mặc cả đôi co. Chúa cho con cái này đi, con sẽ làm cái nọ cho Chúa. Tôi trả giá kỳ kèo với Chúa. Con theo Chúa bao nhiêu năm, luật Chúa con chẳng bỏ sót, thế mà con lại gặp những chuyện không vui. Cái tâm trạng bất mãn này cũng gần giống như lời phàn nàn của người con cả trong câu chuyện “Người Cha và Hai Người Con” trong tin mừng Lu-ca. Anh ta càu nhàu: “Này cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, thế mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê nhỏ để chung vui với bạn bè. Còn thằng con kia của cha, sau khi đã phung phá hết gia tài với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15:29-30).
Nhưng khi tâm hồn lắng đọng lại, tôi sẽ thấy được rằng chẳng qua tôi coi Thiên Chúa như ông chủ và tôi là người làm công. Làm công thì phải hưởng cho đáng công! Tệ hơn nữa, đôi lúc tôi coi Thiên Chúa như cái máy bán nước ngọt tự động. Tôi bỏ vào vài đồng cắc, nhấn nút thì một lon nước phải nhảy ra. Nếu lon nước không ra, tôi sẽ đập cái máy đến điên cuồng, vì máy đã hỏng, không cho tôi được cái tôi muốn.
Bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta xét lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Tôi tin vào Lời của Chúa đến mức nào? Tôi đi tìm Chúa hay chỉ đi tìm những phúc lộc của ngài? Và khi tôi không được điều tôi muốn, liệu tôi có xô đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của tôi như dân làng Na-za-rét thưở xưa đã làm không?

Trong niềm tin Ki-tô hữu, phép lạ của cuộc sống chẳng phải kiếm tìm xa xôi. Chúng ta gặp Thiên Chúa ở giữa giòng đời, trong thành công cũng như thất bại, lúc mạnh khoẻ cũng như lúc yếu đau, trong hoan lạc cũng như đau khổ. Thiên Chúa không tỏ mình cho chúng ta bằng những phép thần thông phi thường, nhưng ngài hiện diện với chúng ta trong những phép lạ bình thường của cuộc sống. Hằng ngày tôi có vô vàn cơ hội để nhận biết, tìm kiếm và tận hưởng những món quà ân sủng trong đời thường. Hôm nay tôi có nhận ra ơn Chúa nơi nụ cười của một đứa bé? Nơi công việc bề bộn của sở làm? Trong cái tất bật của dòng xe cộ lúc đi làm? Hay trong cái ấm cúng của bữa ăn tối gia đình? Tôi có thấy ơn Chúa trong lời than vãn của người đồng nghiệp? Trong niềm vui của một bà mẹ mới sinh con? Và trong bức vẽ nguệch ngọac của đứa con lần đầu tiên đến trường?
Nếu tôi đã bỏ qua những cơ hội nhỏ bé để tìm kiếm Thiên Chúa và thấy được phép lạ của sự tỉnh thức, thì ngày hôm nay tôi có thể bắt đầu lại bằng phút hồi tâm cuối ngày.
Tối nay tôi sẽ dành năm bảy phút lắng đọng để nhìn lại trong ngày. Điều gì làm cho tôi vui và phấn khởi hôm nay? Thiên Chúa hiện diện như thế nào trong những khoảnh khắc hạnh phúc đó? Điều gì làm cho tôi nản lòng, lo âu, và sợ hãi trong ngày hôm nay? Tôi có cảm thấy Thiên Chúa hiện diện nâng đỡ và ủi an tôi trong những lúc sầu khổ đó không? Tôi cần ơn gì nơi Chúa cho ngày mai?
Lạy Chúa Giê-su Na-za-rét, xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Xin cho con biết nhận ra Chúa hiện diện qua những biến cố lớn nhỏ của đời thường. Xin cho con lòng nhẫn nại và quảng đại đón nhận tất cả như hồng ân Chúa ban. Amen.

Monday, January 29, 2007

“Ông cố vấn” của Google

“Kinh nghiệm của tôi là đừng nghĩ mình có kinh nghiệm” - Huỳnh Kim Tước, chàng trai cố vấn của Google tại VN, đã nói như vậy khi được hỏi anh có kinh nghiệm gì để chinh phục các nhà tuyển dụng hàng đầu của Google.
Con đường dài
12 tuổi, Huỳnh Kim Tước theo gia đình sang Mỹ sống và bắt đầu một cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Lý giải về quyết định chọn ngành tâm lý học khi bước vào giảng đường của Trường ĐH Texas tại San Antonio (Mỹ), anh nói xem phim thấy các nhân vật là nhà tâm lý khá hay và có vẻ gì đó thú vị nên quyết định chọn ngành này. Tuy nhiên, thực tế khô khan của ngành học đã làm anh chán nản.
Và sau bốn năm học, Tước phải đứng trước sự lựa chọn: học thêm bốn năm nữa nếu vẫn còn ý định trở thành nhà tư vấn tâm lý hoặc sẽ đi một con đường khác. Anh chọn con đường thứ hai để đi.
Anh đăng ký học cao học ngành quản trị công quyền. Trong thời gian đó, một chương trình giúp phát triển kinh tế cho những khu vực khó khăn của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đang tuyển điều phối viên. Chỉ những ứng cử viên nặng ký mới có khả năng được nhận nhưng may mắn lại mỉm cười với anh. Cộng đồng người da đen và Mexico nơi anh sẽ phải làm việc mâu thuẫn khá lớn nên không dễ chấp nhận một người da đen hay da trắng làm cầu nối giữa họ. Và anh - một chàng trai da vàng đến từ châu Á - trở thành người được chọn với trách nhiệm nặng nề xen lẫn nhiều thách thức.
Bạn bè và gia đình ra sức khuyên ngăn vì quá nguy hiểm khi phải sống ở những nơi được cho là các khu ổ chuột, mỗi lần đi đến các khu dân cư phải có trên dưới 15 cảnh sát đi theo để bảo vệ. “Tôi đặc biệt ấn tượng với câu nói của một người nhập cư khi biết tôi là người châu Á: hãy về nơi anh thuộc về nó. Và tôi nghĩ: tại sao lại không nhỉ”. Không đợi quá lâu, anh tìm về nước một mình mặc dù được rất nhiều người khuyên đừng về vì sẽ không có tương lai.
Đường đến Google
Năm 1996, anh trở lại VN sau gần 15 năm sang Mỹ. Và kỳ diệu thay, căn bệnh cảm cúm hành hạ anh nhiều năm liền ở Mỹ đã không còn khi về đến VN. “Đây đúng là quê hương của tôi rồi” - anh nói đầy tự hào và sung sướng.
Trong thời gian ở VN, anh sử dụng các dịch vụ của Google và gửi về đại bản doanh ở Mỹ những ý kiến đóng góp để các sản phẩm hoàn thiện hơn. Và chính trong thời gian đó, anh đọc được thông tin Google cần tuyển một người làm cố vấn tại VN để giúp định hướng các sản phẩm bằng tiếng Việt. Sau khi hồ sơ được chấp nhận, anh phải trải qua năm cuộc phỏng vấn bằng điện thoại từ trụ sở của Google và yêu cầu làm một bản phân tích thị trường tại VN. Và trong một năm đó, anh phải trả lời chất vấn của hàng loạt bộ phận như kỹ thuật, kinh doanh, pháp lý, PA... Đúng một năm sau, anh được mời sang trụ sở của Google tại Mỹ để trải qua vòng phỏng vấn cuối cùng và cũng để nhận câu trả lời.
Anh nhớ lại: “Lúc đó trước mặt tôi là những chuyên gia tuyển dụng hàng đầu của Google với hàng loạt câu hỏi khó tăng theo cấp độ cao. Câu hỏi quyết định được đưa ra cuối cùng “năm năm sau Google VN sẽ như thế nào?” và tôi tự tin trả lời “năm năm sau Google VN sẽ là Google Đông Dương”. Nụ cười của họ làm tôi tin mình đã thành công. Giải thích về câu trả lời anh cho rằng thị trường Lào và Campuchia quá nhỏ để cho ra đời Google độc lập. Gắn thị trường hai nước đó với VN trong tương lai gần là hợp lý và cũng là khẳng định vị thế VN.
Hỏi về kinh nghiệm học được trong thời gian hai năm làm việc cho Google, anh Tước cho biết đó chính là tinh thần làm việc độc lập cao, tác phong thoải mái. Lấy ví dụ để minh họa cho việc này anh nói ngay cả người đồng sáng lập Google Larry Page cũng hiếm thấy mặc đồ trịnh trọng khi đến văn phòng làm việc. Nhân viên có thể mặc áo thun và cả quần soóc dài đến gối. “Chỉ cần có ý tưởng mới, bạn có thể vào gặp ngay sếp để trình bày chứ không cần đến các khâu trung gian” - anh nói.

“Bạn là đặc biệt!”

Một diễn giả nổi tiếng bắt đầu buổi hội nghị bằng cách giơ cao lên một tờ 20 đô la Mỹ. Trong phòng với 200 người tham dự, ông hỏi: “Ai muốn tờ 20 đô la này?”
Các cánh tay bắt đầu giơ lên. Ông nói: “Tôi sẽ tặng tờ 20 đô la này cho một trong các bạn. Nhưng trước hết, hãy để tôi làm việc này đã”.
Ông bắt đầu vò nhàu tờ tiền. Sau đó ông hỏi: “Ai vẫn muốn tờ tiền này?”. Các cánh tay vẫn giơ cao.
“Vậy thì”, ông trả lời, “sẽ thế nào nếu tôi làm như thế này?”. Ông ném tờ tiền xuống nền nhà và bắt đầu dùng đế giày giẫm nghiền lên nó. Ông nhặt tờ tiền lên, giờ nó đã bị nhàu nát và bẩn thỉu. “Giờ, ai vẫn muốn có nó?”
Những cánh tay vẫn giơ cao.
“Các bạn của tôi, tất cả các bạn đã học được một bài học rất giá trị. Dù tôi làm gì với tờ tiền này, các bạn vẫn muốn có nó bởi nó không bị giảm giá trị. Nó vẫn có giá 20 đô la.
Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta bị bỏ rơi, bị vò nhàu, bị vấp ngã và dính bẩn bởi những quyết định mà chúng ta đưa ra và những hoàn cảnh xảy đến trên đường chúng ta đi. Chúng ta cảm thấy như thể mình thật vô dụng, nhưng dù bất kỳ điều gì đã xảy ra hay sẽ xảy ra, bạn vẫn sẽ không bao giờ mất giá trị của mình”.
Bẩn hay sạch, nhàu nát hay gấp nếp gọn gàng, bạn vẫn sẽ là vô giá đối với những người yêu thương bạn. Giá trị cuộc sống của chúng ta được tạo ra không phải từ những gì chúng ta làm hay những người chúng ta biết, mà bởi CHÚNG TA LÀ AI.
“Bạn là đặc biệt - đừng bao giờ quên điều đó!” - vị diễn giả kết luận.
Phước Đại (Theo InspirationalStories & DÂNTRÍ News)

BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT

Rửng rưng như bánh chưng ngày Tết!!!
Ấy thế mà Tết nhất không có gói bánh chưng là kể như sổ toẹt!…
Với những gia đình khác thì thật sự tôi không biết chứ riêng đối với gia đình tôi, đặc biệt là đối với Bố tôi, Tết đến mà không gói bánh chưng thì kể như con cái cứ gọi là rửa tai mà nghe Bố… nhắc nhở cả năm. Mà, nhắc nhở cả năm theo cách thức của Bố chúng tôi thì kể như… xui xẻo!!!
Chẳng hạn như cái Tết năm Tân Hợi (Lại cũng Tết con Heo!), 1971, cô Em tôi đang dậy học ở Bình Dương, chú Em tôi đang tuổi mới lớn và riêng vợ chồng tôi ở mãi Đà Nẵng không về nhà được vì cấm trại 100%. Thế là Tết năm đó Bố tôi không tổ chức gói bánh chưng được và dĩ nhiên, chúng tôi lãnh đủ những hình phạt của người Cha già khó tính (như tôi bây giờ chăng!?)…
Cô Em tôi, sáng 30 Tết mới về đến nhà. Cô lo lắng khi thấy Bố không vui. Cô vội chạy xe ào xuống Chợ Ông Tạ vác về ngay hai cặp bánh chưng thật bề thế với hy vọng Bố vui và các Em dễ thở hơn trong mấy ngày Tết… Nhưng, không phải vậy: Bố tôi không nói không rằng, lẳng lặng đem ngay hai cặp bánh chưng ném gọn ghẽ vào thùng rác trước những sững sốt của các Em tôi!!!
• Bố cám ơn con đã biếu Bố bánh chưng ngày Tết. Nhưng, với Bố, Tết nhất mà không gói bánh chưng là không có Tết. Năm nay Bố không ăn Tết…
Chúng tôi không lạ gì tính tình khó khăn của Bố, nhưng bất khả kháng nên chúng tôi đành nhận… xui xẻo cả năm vậy.
Thật ra Bố chúng tôi đã mang truyền thống BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT từ ngày còn ở ngoài Bắc, từ ngày chúng tôi chưa sinh ra đời và truyền thống đó vẫn tiếp tục khi di cư vào Nam…
Chỉ riêng cách thức gói bánh chưng của Bố tôi là đã khác người nói chi đến chuyện thiếu gói bánh chưng ngày tết…
Bố tôi không biết gói bánh chưng! Điều đó đã hiển nhiên vì Bố tôi không thích nhúng tay vào cái công việc linh tinh này! Nhưng Bố tôi lại là một lý thuyết gia về cách gói bánh chưng sao cho thơm ngon hơn thiên hạ. Mà, người cậu của tôi, Em ruột của Mẹ chúng tôi chính là một người… luôn luôn thi hành theo mọi chỉ dẫn của Ông anh Rể là Bố chúng tôi.
Cậu tôi thật khéo tay. Cứ nhìn tay cậu thoăn thoắt: nào chẻ lạt bằng một ống giang tươi, nào đóng khuôn bánh, nào cắt lá dong tươi theo đúng kích thước đã định sẵn là phải biết tay nghề của Cậu tôi như thế nào.
Chúng tôi, con Ông Bố khó tính, cháu ruột người cậu ở với Bố chúng tôi từ bé, đã học được nghề gói bánh chưng nơi người Cậu thân thương này.
Trước tiên là tôi, sau là Cô em kế tôi là những học trò truyền chân của Cậu. Sau này, Hai Anh Em tôi lại có những học trò khác nữa, đó là các Em kế tiếp của chúng tôi. Riêng Chị tôi, Chị chịu thua, không khéo léo tay chân để o bế sao cho chắc tay, sao cho vuông vức… nên đành chỉ ngâm gạo, đãi đậu, thái hành… sưng cả mắt và làm những công việc lặt vặt khác… gọi là thợ vịn.
Chị tôi, tuy là thợ phụ nhưng thật vất vả vì phải sẵn sàng mọi thứ cho một đàn Em biết gói bánh.Với riêng tôi, Chị còn đặc biệt hơn nữa, Chị cung phụng cho tôi đủ mọi thứ mà tôi vòi vĩnh như phải có mấy chai bia lạnh sẵn sàng, phải có một bao thuốc lá Capstan và phải có một ly cà phê Sữa Ông Thọ nóng bốc khói để nhâm nhi cho ra vẻ nhà nghề… như Cậu của chúng tôi…
Nhắc tới Chị, tôi không khỏi mủi lòng vì Chị thương tôi đặc biệt, Chị lo cho tôi cái ăn cái uống từ nhỏ, chị bênh vực tôi trước mọi… người kể cả chịu đòn thay cho tôi với Bố Mẹ tôi mỗi khi tôi có những lỗi lầm như trốn học đi đá bóng chẳng hạn(!). Vào ngày gói bánh chưng của Bố Tôi, Chị lo lắng mọi chuyện liên quan đến nồi bánh chưng.Với tôi, Chị chỉ thì thầm thật bí mật: Em nhớ làm cho Chị một cặp bánh chưng nhỏ đặc biệt cho con trai của Chị nhé.
Bố tôi là một lý thuyết gia về gói bánh chưng. Chả vậy mà trong họ hàng, khi Bố tôi đem biếu bánh chưng, họ thường để riêng ra và dành riêng bánh chưng của Bố tôi biếu cho những tiệc tùng đặc biệt trong ngày Tết.
Bánh chưng của Bố tôi hẳn nhiên là phải to bằng viên gạch hoa hay hơn nữa, phải dầy bốn năm phân, phải thật vuông vức (vì gói bằng khuôn) và chúng tôi, phải theo một công thức đặc biệt của Bố tôi phán bảo(!)…
Đã hơn ba chục năm rồi, chúng tôi chưa hề được thấy một kiểu gói bánh chưng nào mà có những mùi vị thơm ngon như của Bố chúng tôi! Chỉ cần nhìn tấm bánh được bóc ra với mầu xanh của những hạt nếp mịn màng nhưng rất… rền… Rồi, mùi bánh chưng thơm tho đặc biệt bốc lên là chúng tôi đã cảm thấy nhễu nước miếng rồi…
Những bước sửa soạn cho một tấm bánh chưng ngày Tết của Bố tôi nó lỉnh kỉnh và rắc rối lắm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng như sau…
- Một vài gióng giang tươi đã được sửa soạn từ trước. Cậu tôi trước kia và tôi hay em tôi sau này phải chẻ lạt cho thật khéo rồi đem ngâm nước.
- Bố tôi hay Chị tôi đích thân đi chọn lá gói bánh ở chợ Ông Tạ hay Chợ Bến Thành và nhiều chợ khác nữa… Và phải chọn loại lá giong nam loại tốt nhất: nghĩa là phải to, phải tươi và không được rách hay bị sâu. Các người bán hàng quen thuộc trong dịp hiếm hoi này đã quá quen thuộc với khách hàng khó tính như Bố tôi nên thường dành những bó lá tốt nhất cho Cụ. Nhưng ngược lại,cũng phải có đi có lại mới toại lòng nhau, Bố tôi hay Chị tôi phải trả một giá không mấy rẻ cho những bó lá… hạng nhất đó!
- Nếp, đã được chọn lựa kỹ lưỡng, không lẫn gạo tẻ và phải được ngâm nhiều giờ trước khi gói bánh. Khi xóc gạo rồi đổ vào trong một cái thau nhôm lớn, chính Bố tôi đích thân rắc muối và tưới nước gừng vào nếp rồi trộn cho đều. Cái màn trộn muối và nước gừng này, Bố tôi cho rất mạnh tay. Phải cho như đổ gạo đi như vậy thì khi ăn bánh, hương vị mới đậm đà và thơm ngon vì có thoang thoảng mùi nước gừng (Bố tôi phán như vậy đó nên chúng tôi chỉ biết lắng nghe mà không dám có ý kiến gì khác.)
- Đậu xanh loại thật bở được ngâm nhiều giờ trước khi xôi lên trong một cái chõ lớn. Đậu xanh chín được giã nát nhừ trong một cái cối đá rồi nắm lại thành những nắm. Chị tôi dùng dao thái những nắm đậu xanh cho tơi ra.
- Mỡ khổ, không dính da và không dính thịt, được cắt bằng hai ba ngón tay, không quá mỏng cũng chẳng quá dầy để sẵn trong những cái nồi to. Sau 12 tiếng luộc bánh, những miếng mỡ này phải biến mất vào trong bánh (Eo ôi! Cholesterol!!!)
- Hành hương bóc vỏ, thái mỏng để trong nững tô lớn. Bao nhiêu người gói là bấy nhiêu tô để bên cạnh.
- Những cái khuôn gói bánh lớn nhỏ đã định sẵn tùy theo quyết định gói lớn hay nhỏ của vị tư lệnh gói bánh là Bố chúng tôi. Thường thì chỉ dùng khuôn lớn vì Bố chúng tôi thích gói lớn để đem đi biếu Các Chú Các Bác của Bố chúng tôi với câu nói mà các con chúng tôi bây giờ vẫn còn bị ảnh hưởng: cho người ta thì phải ra tay ra tấm…
Thường thì Bố tôi bắt đầu gói bánh từ 12 hay 1 giờ trưa 28 hay 29 Tết tùy theo tháng thiếu hay tháng đủ để làm sao 30 Tết phải có bánh chưng nóng hổi đi biếu, đi Tết các bậc vai vế lớn trong họ trong hàng, trong làng trong nước (ngày xưa…).
Nơi gói bánh thường là căn phòng trống bên cạnh nhà bếp đã được dọn dẹp sạch sẽ và đã bày biện đủ thứ liên quan đến việc gói bánh chưng.
Mỗi người gói bánh ngồi xếp bằng đằng sau cái khuôn của mình. Trước mặt và bên cạnh là những vật liệu bánh chưng.
Trước tiên phải đặt vào khuôn 4 chiếc lá tốt nhất theo bốn cạnh. Mỗi lá bẻ gập đôi lại, sau đến 4 lá góc đã cắt sẵn theo chiều rộng của tấm bánh. Cho chắc ăn, bỏ thêm hai lá dọc, ngang rồi bắt đầu bỏ vật liệu.
- Một bát gạo được san đều trong khuôn.
- Một bát đậu xanh đã giã nát và cắt ra…
- 3 lát mỡ khổ.
- Một nhúm hành hương thái mỏng rải đều trên 3 miếng mỡ lợn.
- Một bát đậu xanh phủ lên trên và rải đều.
- Cuối cùng là một bát nếp khác. Lúc này, một tay giữ cái khuôn bánh, một tay nắn nót nhấn chung quang, đè ở giữa sao cho vật liệu gói bánh được một bàn tay năm ngón “gói cho chắc”…
Thế rồi, lá bỏ vào sau thì xếp vào trước để cuối cùng 4 chiếc lá chính được xếp lại trước khi xỏ lạt cột tấm bánh lại cho chắc. Thường người ta dùng hai, bốn hay 6 hoặc tám lạt tùy theo ý thích của “ông xếp sòng” gói bánh.
Phần cuối này coi vậy mà quan trọng lắm. Bánh gói có chắc tay không, bánh có bị bể ra không, bánh có vuông vức không… Nói chung là có đẹp hay không, ăn tiền là ở khâu o bế này. Cô Em tôi, tuy khéo tay nhưng gói không chắc tay vì tay cô yếu. Chú Em tôi, gói thật chắc tay, bánh không bao giờ bị dúm dó vì có hai tay thật khỏe. Bố tôi, tuy không biết gói nhưng biết phê bình và Chú Em tôi thường được Ông Cụ lì xì “nặng tay” hơn vào sáng mùng một Tết.
Vào khoảng 5 hay 6 giờ chiều, số lượng bánh đã gần đủ, Bố tôi ra lệnh xếp bánh vào nồi to tướng đã đặt sẵn ở ngoài sân bên cạnh một đống củi tạ đã được bửa vừa phải. Vừa phải thôi vì nhỏ quá mau tàn mà lớn quá thì khó cháy…
Về sau (trước 30/4/75) Bố tôi thường dùng cái thùng phuy 200 lít để nấu cho được nhiều bánh. Bên cạnh cái nồi bánh lớn còn có thêm một cái bếp nhỏ có một nồi nước luôn luôn sôi sục. Nước này dùng để chế thêm vào nồi bánh lớn khi nồi lớn nước bị cạn đi chút ít. Nếu đổ nước lạnh, bánh sẻ bị “hấy” tức là bị chỗ sống chỗ chín…
Một điều nhỏ nhặt nhưng cần nhớ là dưới đáy nồi nhớ cho vào một ít cọng lá gói bánh để cho bánh khỏi bị sát đáy nồi.
Khỏang 12 đến 14 tiếng sau, tức là vào sáng hôm sau, nồi bánh đã chín (bánh chắc chắn đã rền(!)), những người coi nồi bánh chưng mặt mày phờ phạc dù đêm qua đã làm vài tô cháo gà hay ba bốn ly cà phê sữa. Bố tôi lại xuất hiện mặc dù đêm hôm qua Bố tôi vẫn đá qua đá lại dăm ba lần để liếc nồi bánh xem có luôn luôn âm ỉ sôi hay không!
Lúc này, một thùng nước lạnh được để sẵn, hai nửa tấm ván ép loại dầy được kê trong phòng. Mỗi tấm bánh được bố tôi hay chị tôi vớt ra được thả ngay vào nước lạnh, được chúng tôi rửa sơ qua cho sạch sẽ, được nắn nót lại cho vuông vức rồi được đặt trên tấm ván. Sau khi đặt xong hai lớp bánh, tấm ván ép thứ hai được đè lên trên và một vài bao gạo nhỏ được để lên để cho các tấm bánh thật sự ráo nước mà để cho được lâu…
Dĩ nhiên, những người “thợ gói bánh” bất đắc dĩ của Bố tôi là chúng tôi được Ông Cụ mở ngay cái bánh đầu tiên cho chúng tôi thưởng thức trước khi đi ngủ bù. Và, dù cả đêm mệt mỏi canh thức nồi bánh, khi bánh được Chị tôi thay mặt Bố tôi bóc ra, chúng tôi vẩn náo nức được thưởng thức hương vị tuyệt vời của nó. Ôi!, sao mùi vị bánh chưng của Bố chúng tôi thơm ngon béo ngậy làm vậy!!!
Thường thì công tác kế tiếp là công tác “phơi phới” nhất: Vợ tôi, cùng với Chú Đông, người tài xế trung thành nhất của chúng tôi được giao phó đi biếu bánh theo địa chỉ đã ghi sẵn trên vài trang giấy…
Viết đến đây, tôi thật ngậm ngùi…
Bố chúng tôi, vị tư lệnh gói bánh chưng năm xưa đã không còn nữa để chúng tôi được nghe những lời nhắn nhủ rổn rản… thật bực mình… nhưng giờ này dù muốn nghe mà làm sao có được!!!
Chú Nguyễn văn Đông, người đàn Em trung tín, người Anh Hùng “vô danh” của miền Nam cũng chẳng còn tại thế để canh nồi bánh chưng với chúng tôi. Người đã ra đi ngay sau khi miền Nam đổi chủ. So sánh với Chú Đông, tôi thật hổ thẹn trong lòng…
Tết lại đem Xuân mới trở về. Bánh chưng lại được mọi người nhắc đến, tôi không khỏi không nhớ đến một câu thơ cũ rích trong tâm hồn giờ này đã già cỗi:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, pháo Tết, BÁNH CHƯNG XANH.
(Xuân Đinh Hợi 2007)
Ngô Vũ Khánh Truật (Vietcatholic News)

Giá Trị Cao Quý của Tình Bạn

Một ngày kia khi tôi còn là một học sinh lớp 9 bậc Trung Học, tôi gặp một đứa bạn cùng lớp trên đường về nhà. Tên nó là Kyles. Dường như nó đang khuân tất cả sách vở của nó về nhà. Tôi thầm nhủ, “Tại sao lại có đứa khiêng tất cả sách vở về nhà vào chiều Thứ Sáu. Thằng này chắc là mọt sách.”
Tôi đã có chương trình vui chơi với bạn bè cho cuối tuần (tiệc vui và trận đá banh chiều hôm sau), nên tôi nhún vai và tiếp tục đi. Khi tôi ngoảnh lại, tôi thấy một bọn học sinh chạy ùa về phía nó. Chúng xô Kyles té xuống đất và hất tất cả chồng sách tung tóe trên mặt đường. Cặp kính cận của nó bị văng ra xa và rơi trên cỏ cách nó khoảng 3 thuớc.
Nó nhìn lên, và tôi thấy gương mặt buồn thảm của nó. Lòng tôi chùng lại, tôi chạy nhanh lại chỗ nó té, trong khi nó lồm cồm bò để tìm cặp kính cận, và tôi thấy một giọt nước mắt long lanh trong mắt nó.
Tôi lượm cặp kính đưa cho nó, và nói, “Tụi chúng nó là đồ mất dậy. Chúng đáng chết.”
Nó nhìn tôi và nói, “Ê, cám ơn bạn!” Trên mặt nó nở một nụ cười thật tươi. Một nụ cười bầy tỏ lòng biết ơn chân thật.
Tôi giúp nó lượm sách của nó lên, và hỏi xem nhà nó ở đâu. Khi được biết nó ở gần nhà tôi, tôi hỏi tại sao tôi không bao giờ thấy nó trước đây.
Nó trả lời là nó học trường tư từ nhỏ. Ðúng ra thì tôi không thích chơi với lũ học trò nhà giầu học trường tư. Chúng tôi trò chuyện trên đường về nhà, tôi giúp nó mang một số sách vở của nó. Tôi khám phá ra nó là một đứa dễ thương.
Tôi hỏi nó có muốn chơi banh với mấy đứa bạn tôi không... Nó trả lời là muốn.
Chúng tôi đi chơi với nhau suốt cuối tuần đó và càng biết Kyles nhiều hơn tôi càng thích nó nhiều hơn, và bạn bè tôi cũng đều nghĩ như vậy.
Buổi sáng Thứ Hai, Kyles lại xuất hiện với chồng sách to lớn.Tôi chặn hỏi, "Mày cứ làm thế này chắc chẳng bao lâu bắp thịt cánh tay của mày sẽ to lắm!"
Nó chỉ cười và đưa cho tôi vác giúp nửa chồng sách.
Trong bốn năm sau đó Kyles và tôi trở thành đôi bạn rất thân.
Năm cuối Trung Học, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến Ðại Học. Kyles muốn học ở Ðại Học Georgetown, còn tôi thì muốn đi Ðại Học Duke. Nhưng tôi biết chắc là dù chúng tôi có xa nhau cả ngàn dặm cũng không có trở ngại gì, chúng tôi sẽ mãi mãi là bạn thân.
Nó muốn học thuốc để làm bác sĩ, còn tôi có học bổng thể thao (football), tôi sẽ theo ngành thương mại.
Cuối năm Lớp 12, Kyles đậu thủ khoa trường tôi. Tôi trêu chọc nó là một đứa chỉ biết học gạo mà thôi.
Nó phải chuẩn bị một bài diễn văn cho Lễ mãn khóa. Còn tôi hài lòng vì mình không phải đứng lên trước đám đông.
Ngày Mãn Khóa, tôi thấy Kyles, trông nó thật đẹp trai. Nó đúng là một đứa thành công trong các năm học ở bậc Trung Học.
Nó sắp hàng đi ra và trông nó có vẻ đạo mạo và trí thức với cặp kính cận.
Nó có rất nhiều bạn gái, và lũ con gái đứa nào cũng thích nó. Ðôi khi, chính tôi đã ghen tị với nó.
Hôm nay là một trong những ngày tôi thấy nó có vẻ lo ngại về bài diễn văn. Do đó tôi vỗ lưng nó và nói, "Ê! Bồ tèo, bồ sẽ nói hay lắm!"
Nó nhìn tôi với cái nhìn - một cái nhìn hết sức biết ơn - và mỉm cười. "Cám ơn bồ", nó nói.
Lúc bắt đầu bài diễn văn, nó hắng giọng và nói, "Ngày mãn khóa là lúc phải cám ơn tất cả những ai đã giúp chúng ta qua khỏi được những năm tháng khó khăn. Cha mẹ chúng ta, thầy cô chúng ta, anh chị em chúng ta, có thể là một ông bầu đội banh... nhưng trên hết là những người bạn của chúng ta."
Tôi lên đây để nói với các bạn rằng khi chúng ta kết bạn với một ai, thì chúng ta là món quà vô giá đối với người ấy. Tôi sắp kể cho các bạn một câu chuyện.
Tôi nhìn bạn tôi ngạc nhiên trong khi Kyles kể lại câu chuyện của lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Nó đã toan tính tự tử cuối tuần đó vì những sự trêu chọc của đám học sinh trường công đối với nó.
Nó đã mang hết sách vở về nhà vì nó không muốn mẹ nó phải vào trường để dọn dẹp cái tủ locker của nó.
Nó nhìn tôi chăm chăm và mỉm cười với tôi. "Tôi hết sức biết ơn vì tôi đã được cứu sống. Bạn tôi đã cứu tôi khỏi cái chết yểu và khó giải thích lý do."
Tôi nghe được tiếng ồ trong đám đông học sinh trong khi đứa học trò đẹp trai và được nhiều người quý chuộng kể lại giờ phút yếu lòng nhất của nó.
Tôi thấy bố mẹ nó nhìn tôi và cười với tôi, cũng cái nụ cười biết ơn đó. Mãi đến lúc đó tôi mới ý thức được ảnh hưởng sâu xa của việc làm của tôi.
Xin đừng bao giờ coi thường quyền lực của hành động của các bạn. Chỉ với một cử chỉ nhỏ, bạn có thể thay đổi cuộc đời của một con người. Cho tốt đẹp hơn hay tệ hại hơn.
Thiên Chúa đặt để chúng ta vào cuộc đời của kẻ khác để ảnh hướng đến họ nột cách nào đó. Xin hãy tìm thấy Chúa trong mọi người.
"Bạn bè là những thiên thần nâng nhấc chúng ta giậy khi đôi cánh của chúng ta không còn biết bay."
Không có khởi đầu, không có kết cuộc...
Hôm qua là lịch sử của dĩ vãng.
Ngày mai là những gì bí ẩn.
Ngày hôm nay mới chính là quà tặng.
Hãy làm một cái gì cho một người xa lạ, biết đâu người đó sẽ trở nên bạn hiền và chúng ta giúp cho họ cải tiến được cuộc đời.
John E. Lierheimer II
Bùi Hữu Thư phỏng dịch (Vietcatholic News)

Tìm kiếm tình yêu và ban tình yêu

ROME (Zenit.org) - Bài giải thích của Cha Raniero Cantalamessa, cha giảng Phủ giáo Hoàng, về các bài đọc từ phụng vụ Chúa Nhật IV Thường Niên
* * *
Trừ khi anh em có lòng bác ái...
Giêrêmia 1:4-5, 17-19; 1 Côrintô 12:31-1-3:13; Luca 4:21-30
Tin Mừng Chúa Nhật này tường thuật việc loại trừ mà Chúa Giêsu gặp phải tại Nadareth, quê hương Người, lần đầu tiên Người trở về sau khi bắt đầu thừa tác vụ công khai của Người. Sự loại trừ này đưa ra nhận xét thời danh," "Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình."
Năm ngoái chúng ta đã giải thích tình tiết này trong tường thuật của Maccô; do đó chúng ta có thể tập trung sự chú ý trên bài đọc hai, ở đó chúng ta gặp một sứ điệp rất quan trọng. Đó là thánh thi nổi tiếng của Phaolô về đức bác ái. Đức bác ái là từ tôn giáo chỉ tình yêu. Như vậy, đó là một thánh thi tình yêu, có lẽ đó là một thánh thi nổi tiếng và tuyệt vời nhất đã được viết ra.
Khi Kitô Giáo xuất hiện trên diễn đàn thế giới, tình yêu đã sử dụng những ca sĩ khác nhau. Kẻ danh tiếng nhất là Plato, kẻ đã viết cả một luận thuyết về tình yêu. Tên chung cho tình yêu lúc đó là "eros" ( tình yêu nam nữ nên có từ "erotic-gợi tình, khiêu dâm" và tiếng "eroticism-tính đa dâm).
Kitô Giáo đã cảm thấy rằng tình yêu say đắm và ham muốn này không thích hợp đễ diễn tả tính mới mẻ của quan niệm kinh thánh. Vì lẽ đó Kitô Giáo đã tránh từ "eros" và thay thế bằng từ "agape," có thể chuyển dịch là "tình yêu thiêng liêng" hay là "đức bác ái"-mặc dầu từ sau có một nghĩa rất hạn hẹp: làm bác ái, những cộng việc bác ái.
Sự khác biệt giữa "eros" và "agape" là thế này. Tình yêu ước muốn hay là dâm dục thì độc quyền; nó hoàn thành giữa hai người; sự xen vào của người thứ ba có nghĩa là sự phá hoại nó, sự phản bội nó. Thỉnh thoảng sự sinh ra một đứa con có thể ném loại tình yêu này vào trong một cơn khủng hoảng.
Kiểu tình yêu trao ban, "agape," ngược lại ôm đồm hết mọi người, không nên loại trừ ai, dầu là kẻ thù. Công thức cổ điển của "eros" được Violetta công bồ trong nhạc kịch của Verdi "La Traviata": "Hãy yêu em, Alfredo. Hãy yêu em như em yêu anh."
Công thức cổ điển của "agape" là công thức Chúa Giêsu nói: "Như Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau." Tình yêu sau là một tình yêu có nghĩa là lưu hành, là bành trướng.
Một cái khác biệt nữa là cái này. Tình yêu dâm dục, trong hình thức kiểu mẫu hơn: là "mắc phải tình yêu," không có bền lâu, hay là nó chỉ bền bằng cách thay đổi đối tượng, nghĩa là, vì tuần tự phải lòng với những người khác nhau. Còn về đức bác ái, dầu sao, Thánh Phaolô nói nó "tồn tại," thật sự đó là một sự tồn tại đến muôn đời, cả khi đức tin và đức cậy đã hết.
Nhưng giữa hai tình yêu này-tình yêu tìm kiếm và tình yêu trao ban-không có sự phân cách và đối nghịch, nhưng đúng hơn có sư phát triển và lớn mạnh."
Eros" là khởi điểm cho chúng ta và 'agape' là điểm tới. Giữa chúng có chỗ cho một sự giáo dục và lớn lên trong tình yêu. Chúng ta lấy trường hợp chung nhất là tình yêu giữa hai người.
Trong tình yêu giữa một người chồng và người vơ, "eros" nổi bật lúc đầu, sự thu hút, sự ước muôn hỗ tương, sự chinh phục người kia, và như vậy là có một sự ích kỷ nào đó. Nếu tình yêu này không cố gắng phong phú lấy mình theo một chiều kích mới, chiều kích cho không, yêu thương hỗ tương, một khả năng quên mình vỉ kẻ khác, và chiếu mình trong con cái, tất cả chúng ta biết tình yêu đó sẽ kết thúc làm sao.
Sứ điệp của Phaolô hoàn toàn thích đáng ngày nay. Thế giới giải trí và quảng cáo xem ra nghiêng về việc khắc sâu vào giới trẻ rằng tình yêu rút gọn về "eros" và "eros" rút gọn về tình dục. Sự sống được trình bày như một thần tượng liên tục trong một thế giới mà cái gì cũng tốt, trẻ, và khỏe, không có già, không bịnh hoạn, và mọi người có thể tiêu dùng bao nhiêu tùy thích.
Nhưng đó là một sự nói láo khổng lồ sinh sản những chờ đợi không thực tế, những sự chờ đơi, một khi không được thoả mãn, sinh ra sự nản lòng, sự nổi loạn với gia đình và xã hội, và thường mở cửa cho tội ác. Lời Chúa sinh hiệu quả là làm cho cảm giác phê phán trong dân chúng không hoàn toàn dập tắt, khi quan niệm ảo tưởng này về sự sống hằng ngày được đề nghị với họ.
Lm Raniero Cantalamessa
Đức Ông Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ

Sunday, January 28, 2007

Bình dị cho đến sau khi chết

Nếu có một chốn vĩnh hằng của những con người thiện tâm, thì linh mục Pierre nhất định đã có chỗ bởi chứng tỏ tình yêu tha nhân của ông là vô biên và không “son phấn”.
Trên trang chủ của website mang tên ông www.fondation-abbe-pierre.fr/, đọc được chiều 23-1-2007, tức một ngày sau khi ông qua đời, vẫn là những thông báo như:
“Chỗ ở cho người lao động thời vụ nông nghiệp
Tháng năm tới, lao động thời vụ nông nghiệp sẽ được trú ngụ trong một tòa nhà cũ của nông trại ở xã Malaussene, gần Carpentras. Việc khôi phục tòa nhà này sẽ bắt đầu vào đầu 2007 này, gồm các phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp núc, phòng khách. Mỗi năm từ tháng 5 đến tháng 10, các lao động thời vụ này đến đây hái trái xơri và nho tại một khu vực mà chỗ ở đàng hoàng giá cả phải chăng đang thiếu thốn”.
Carpentras là nơi mà vào năm 1990, các thành viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc của ông Le Pen quật mồ người Do Thái. Ở nơi người ta, nhân danh chính trị, đối xử với nhau tệ lậu, không tha cả người chết, thì ông cùng các huynh đệ của ông lo từng chỗ ở.
Còn về sự ra đi của ông, trên website những hậu duệ của ông đã không “thần thánh hóa” ông sau khi ông qua đời: chỉ một bức ảnh chân dung mộc mạc như chính con người và cuộc đời của ông, với vỏn vẹn vài chữ: “Cha Pierre đã rời chúng ta”.
Dưới bức chân dung vẫn là những tin tức về cuộc đấu tranh giành chỗ ở cho người vô gia cư: chỗ ở cho người lao động thời vụ - báo cáo thường niên về tình trạng chỗ ở tồi tàn ở Pháp... và khẩu hiệu mang chữ ký của ông: “Chỗ ở, đó là một vấn đề của công lý”.
Hậu duệ của ông đã nhất định đưa tiễn con người suốt đời chỉ mặc áo chùng thâm và cái nón bêrê trong vòng thân mật, đúng theo di chúc của ông. Người ta có thể giết một vĩ nhân một lần nữa bằng cách “thần thánh hóa” người ấy, trái với ý nguyện của người ấy. Song, vẫn không tránh khỏi một lễ quốc táng ở nhà thờ Đức Bà Paris.
Mùa đông năm 1954
Linh mục PierreNgày 1-2-1954, ông lên Đài phát thanh RTL phát đi lời kêu gọi:
“Các bạn ơi, hãy cứu cấp... Một phụ nữ vừa chết cóng đêm qua lúc 3 giờ sáng, trên vỉa hè đại lộ Sebastopol. Tay vẫn còn nắm tờ lệnh trục xuất bà ra khỏi nhà ngày hôm qua. Mỗi đêm có hơn 2.000 người co ro trong giá lạnh, không nhà cửa, không cơm ăn, không áo mặc.
Hãy nghe tôi đây: chỉ trong ba tiếng đồng hồ, hai trung tâm hỗ trợ vừa được thành lập: một, trong một căn lều ở chân điện Panthéon; một, ở thị trấn Courbevoie. Ấy thế mà đã đầy những người và người rồi.
Phải mở thêm nhiều trung tâm khác nữa ở mọi nơi. Ngay tối nay, tại mọi thành phố của nước Pháp, trong mỗi khu phố ở Paris, những tấm biển dưới ánh đèn đêm, ở cửa những nơi mà chăn màn, nệm rơm, chút cháo lót dạ, với dòng chữ: “Trung tâm huynh đệ đỡ độ đường”, hoặc những chữ đơn giản sau: “Người anh em đang khổ sở ơi, hãy bước vô, ăn một miếng, ngủ một giấc, rồi lấy lại hi vọng. Ở đây, chúng tôi yêu quí anh em”.
Khí tượng dự báo một tháng băng giá kinh khủng. Chừng nào còn mùa đông, các trung tâm cơ nhỡ đó còn mở cửa. Trước những người anh em đang chết vì cơ hàn đó, làm người chỉ có thể có một suy nghĩ: quyết tâm không để cho sự thể đó kéo dài. Xin anh chị em rủ lòng thương yêu nhau đủ để, ngay lập tức, thực hiện được điều này. Tối nay, trễ lắm là sáng mai, phải có ngay 5.000 cái mền, 300 cái lều bạt, 200 lò sưởi thông khói...
Nhờ các bạn mà chẳng một ai, nam phụ lão ấu, tối nay sẽ phải ngủ trên nhựa đường hay trên bờ kè sông Seine”.
Hôm sau, tiền bạc đã dồn dập đổ về chỗ ông: tổng cộng có đến 500 triệu quan Pháp. 1 quan Pháp năm 1954 tương đương 0,1780 euro ngày nay. Vị chi 28 triệu euro. So với tình hình vật giá lúc đó thì đây là một số tiền khổng lồ! Chưa hết, cuộc đấu tranh của ông đã dẫn đến đạo luật cấm đuổi nhà vào mùa đông.
53 năm sau, hằng năm ông vẫn cùng với tổ chức của mình đưa ra bản báo cáo thường niên về tình trạng chỗ ở tồi tàn ở Pháp, làm cái công việc mà lẽ ra mọi chính phủ đều phải làm và làm cho tốt.
Từ vị linh mục, người kháng chiến, nhà chính khách...
Cuộc đời của ông đầy những biến cố song con người ông lại không đổi thay. Chào đời năm 1912 và lớn lên trong một gia đình phong lưu, song ông đã sớm tham gia một hội bạn chuyên đi hớt tóc, cạo râu miễn phí, tất nhiên cho người nghèo, và mê đi tu. Phải đợi đến 16 tuổi rưỡi cho đủ chín chắn, ông mới được nhập dòng. 19 tuổi mặc áo dòng Phanxicô xong, ông hiến ngay phần thừa kế cho các tổ chức từ thiện.
26 tuổi thụ phong linh mục, qua năm sau, đáp lời sông núi ông nhập ngũ chống phát xít Đức. Nước Pháp thất thủ, bị xâm lăng, ông tham gia kháng chiến, lấy bí danh là “cha Pierre”. Năm 1942, ông tổ chức cho vợ chồng người em trai út của tướng De Gaulle vượt biên sang Thụy Sĩ. Đến năm 1944, ông bị bắt ở dãy núi Pyrenées, song trốn ngục chạy sang Tây Ban Nha, rồi sang Angeria gia nhập lực lượng của tướng De Gaulle.
Sau chiến tranh, ông ra ứng cử dân biểu, tham gia hạ viện đồng thời thành lập “Hội bạn Emmaus” qui tụ những người hành nghề «ve chai» chuyển ngành thành thợ hồ xây dựng nhà ở cho người vô gia cư. Sau này, «Hội bạn Emmaus » trở thành một hội từ thiện vì người nghèo. Hội này gây quĩ bằng cách đi lục thùng rác, nhặt nhạnh bất cứ gì có thể bán lại được (hàng «sida» theo cách nói ở VN).
Cách làm từ thiện này vẫn còn tiếp tục cho đến nay, khác chăng là thay vì bới rác thì tiếp nhận phẩm vật, bán trong những «cửa hàng tình thương», những tặng vật giá trị được đem bán đấu giá. Các «cộng đồng Emmaus» sau này được thành lập ở 41 nước. Đó không phải là những tu hội mà là những tập hợp của những «người đời bình thường». Năm 1990, bộ phim Mùa hè 1954 về quãng đời hoạt động này của ông cùng các bạn Emmaus ra mắt Hollywood.
Tiếng tăm của ông vượt ra khỏi biên giới nước Pháp. Năm 1955, ông nổi tiếng đến mức được mời sang Mỹ, gặp Tổng thống Eisenhower tại Nhà Trắng. Ông tặng nhà lãnh đạo này quyển Những người bán ve chai Emmaus. Năm đó, quốc vương Maroc mời ông sang tư vấn bài toán nhà ở nông thôn cho người nghèo để giải quyết vấn nạn nhà ổ chuột. Năm 1956, ông sang Ấn Độ gặp Thủ tướng Nehru và nhà cải cách Vinoba Vabe để hậu thuẫn cuộc cách mạng nông nghiệp phi bạo động ở đây. Những năm 1958-1959 là giai đoạn ông dấn thân ở Nam Mỹ. Năm 1958, ông giúp Bộ Giáo dục Peru phát triển mạng lưới giáo dục cho người nghèo. Từ Peru ông sang Colombia hỗ trợ phong trào linh mục -thợ ở đây. Năm 1959, ông sang Ecuador yêu cầu thôi xây những ngôi nhà thờ nguy nga trong những khu phố bần hàn.
Năm 1959, ông thành lập tại đất nước Libăng, một đất nước chia rẽ tôn giáo «bẩm sinh», một cộng đồng Emmaus đa tôn giáo do một giáo sĩ Hồi giáo Sunni, một tổng giám mục Thiên Chúa giáo, và một nhà văn Thiên Chúa giáo phái maronite cùng gầy dựng.
Năm 1985, ông cùng với nghệ sĩ Coluche tổ chức mạng lưới «quán cơm tình thương» ở Pháp. Năm 1988, ông gặp đại diện IMF để vận động cho việc giải quyết nợ nần của các nước thuộc Thế giới thứ ba...
Không chỉ quyên góp, ông còn đứng ra bảo vệ những người vô gia cư chiếm ngụ chỗ ở. Năm ngoái đây thôi, ông còn gặp tTng thống Chirac để bàn về một giải pháp cho người bị trục xuất nhà ở Cachan.
Chỗ ở, đó là một vấn đề của công lý
Cuộc chiến vì những người không nhà không cửa từ hơn nửa thế kỷ qua của ông vẫn tiếp tục sau khi ông mất. Đơn giản là vì người nghèo của năm 2007 vẫn đầy dẫy như vào mùa đông 1954, như có thể thấy trong “Báo cáo về chỗ ở tồi tàn năm 2006”: “Giới trung lưu thì bị lừa bịp, giới bình dân thì bị lãng quên. Tình trạng suy thoái chỗ ở này trên toàn cục đã gây ra những tác động tàn phá nơi những người ít được bảo vệ nhất”.
Có thể hiểu câu này như sau: các “con cá mập địa ốc” xây nhà bán với giá “móc túi”, người dành dụm chút tiền cứ thế mà bị “cắt cổ” trong khi người nghèo thì vô phương, chẳng ông “nhà nước”, “con cá mập địa ốc” nào ngó ngàng đến. Người ta còn mải mê với những dự án cao ốc cao cấp, resort hái ra vàng kia kìa, chứ nhà ở cho người cùng đinh thì nước nôi gì!
Thông điệp của linh mục Pierre là gì? Chỗ ở, kể cả “chỗ ở xã hội” (nhà rẻ tiền) không chỉ là sự ban ơn cho người nghèo, mà là cái phao cứu hộ cho mọi chính phủ: “Không có một ý muốn chính trị mạnh mẽ, không có thêm phương tiện, sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng sẽ giải quyết được vấn đề khủng hoảng ngoại ô cũng như khủng hoảng chỗ ở” (Báo cáo 2006). Một thông điệp khác của Báo cáo 2006: giới trẻ vào đời kiếm được công ăn việc làm đã khó, có được chỗ ở càng khó hơn; không lo cho họ sẽ loạn. Cuối năm 2005, nước Pháp - ngoại ô đã rung chuyển vì những vụ đốt phá kéo dài.
DANH ĐỨC (TUỔITRẺ Online)

Chúa Nhật 4 Thường Niên - 4th Sunday in Ordinary Time (Luke 4:21-30)

Bài Đọc I: Jer 1:4-5,17-19 II: 1Cor 12:31-13:13
Phúc Âm Luca 4:21-30
(21) Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". (22) Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?" (23) Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" (24) Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. (25) "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà góa ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, (26) thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xarépta miền Xiđon. (27) Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi". (28) Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. (29) Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. (30) Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Chi Tiết Hay
* Theo phong tục xã hội Do Thái thời đó, người con tiếp tục nghề nghiệp của cha ông mình. Không ai được làm những việc gì trội hơn. Đây là quan niệm căn bản về danh dự của họ. Vì vậy khi Đức Giêsu vượt ra ngoài giới hạn đó Ngài đã bị dị nghị và mang tiếng xấu.
* "Đây không phải là con ông Giuse sao?" Thánh Luca đã dùng lời của đám đông để nói lên quan niệm của họ theo đó Đức Giêsu đã không tiếp tục công việc của Giuse là đã làm mất danh dự của gia đình.
* Một quan niệm khác nữa của người Do Thái là "gia đình là trên hết". Khi Đức Giêsu chữa lành cho một người không phải trong làng hoặc gia đình, một lần nữa Ngài đã đi ngược lại tập tục.
* Việc Êlia và Êlisa làm phép lạ cho người ngoại giáo cho thấy rằng không phải chỉ có người Do Thái mới được cứu chuộc.
* Trong khi phản ứng phẫn nộ của đám đông tiên báo trước sự khổ nạn và sự chết của Đức Kitô, thì sự tránh đi của Ngài để tiếp tục rao giảng tiên báo về sự phục sinh khải hoàn và Lời Chúa được rao truyền khắp nơi.
Đoạn này nói đến việc Đức Giêsu bị chống báng - điều mà ông Simêon đã tiên đoán (2:34). Đức Giêsu bị dân của Ngài chối bỏ nhưng đã được các dân ngoại đón nhận. Các điểm để so sánh rất đơn giản và rõ ràng:
Đức Giêsu = một vị ngôn sứ
Na-da-rét = Do Thái
Ca-phác-na-um = Dân ngoại
Một Điểm Chính: Đức Giêsu xác nhận Ngài là Đấng được sai đến, là Đấng Cứu Thế.
Suy Niệm
1. Chúa luôn luôn tỏ sự yêu thương của Ngài qua hành động. Tôi đã tỏ sự yêu thương của Ngài với anh chị em tôi ra sao?
2. Tôi đã nghe hoặc phản ứng thế nào đối với người tôi không thích mặc dù họ có ý ngay lành?
3. Thật là khó để có thể hiểu được Chúa Giêsu đã chịu đau khổ đến mức nào vì yêu thương. Xin bạn hãy suy niệm về tình yêu thương vô biên của Ngài dành cho mỗi người chúng ta.
--------------------------------------------
4th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Jer 1:4-5,17-19 II: 1Cor 12:31-13:13
Gospel Luke 4:21-30
(21) And he began to say to them, "Today this scripture has been fulfilled in your hearing." (22) And all spoke well of him, and wondered at the gracious words which proceeded out of his mouth; and they said, "Is not this Joseph's son?" (23) And he said to them, "Doubtless you will quote to me this proverb, 'Physician, heal yourself; what we have heard you did at Caper'na-um, do here also in your own country.'" (24) And he said, "Truly, I say to you, no prophet is acceptable in his own country. (25) But in truth, I tell you, there were many widows in Israel in the days of Eli'jah, when the heaven was shut up three years and six months, when there came a great famine over all the land; (26) and Eli'jah was sent to none of them but only to Zar'ephath, in the land of Sidon, to a woman who was a widow. (27) And there were many lepers in Israel in the time of the prophet Eli'sha; and none of them was cleansed, but only Na'aman the Syrian." (28) When they heard this, all in the synagogue were filled with wrath. (29) And they rose up and put him out of the city, and led him to the brow of the hill on which their city was built, that they might throw him down headlong. (30) But passing through the midst of them he went away.
Interesting Details
* It was customary in Jewish society for a son to carry on his father's trade and his grandfather's name. No one was ever expected to become something better than or to improve on the lot of the parents. This fact is the basic foundation of honor. Thus for Jesus to step shamefully beyond His family boundaries would be quite a scandal.
* (v.22) "Isn't he Joseph's son?" Luke quoted the popular opinion and confirmed that Jesus did not follow Joseph's trade thus breaching His family honor.
* In the Mediterranean world, the basic rule is also "look after your family first". Again, Jesus broke the rule. He healed the sick outside of His home town.
* The examples of Elijah and Elisha working miracles for the Gentiles simply emphasize the point that God's salvation is not limited to the Jews.
* The crowd's reaction foreshadows Jesus' passion and death, as His escape to continue His journey points ahead to Easter victory and the continuing spread of God's word.
* The passage announces the theme of prophetic rejection that had been predicted by the prophecy of Simeon (2:34). Jesus is rejected by His own and accepted by foreigners. The comparison's equations are simple:
Jesus = a prophet
Nazareth = Israel
Capernaum = the Gentiles
One Main Point: Jesus confirmed that He is the Messiah.
Reflections
1. Jesus always shows His love through action. How do I show His love to my brothers and sisters?
2. How well do I listen or react to the people that I dislike even though their intentions are good?
3. It is difficult for us today to appreciate what Jesus suffered to show His love. Meditate on how great His love is for us.