Tuesday, January 30, 2007

Tìm Chúa trong đời thường

Lc 4:21-30 / CN 4TN-C
Anton-Phaolo, SJ
Ca dao tục ngữ có câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ!” hoặc “Một giọt máu đào hơn ao nước lã!” để nói lên cách cư xử ưu đãi trong mối liên hệ thâm tình. Thế nhưng bài tin mừng hôm nay lại cho chúng ta một câu chuyện bất ngờ.
Câu chuyện năm xưa bắt đầu thế này.
Một buổi sáng ngày Sa-bát, cả làng Na-za-rét xôn xao. Có một thầy giảng nổi tiếng được mời đến nói chuyện trong hội đường của làng. Người ta đồn rằng ông thầy này đã đi nhiều nơi, làm nhiều phép lạ trong khắp vùng Ga-li-lê. Hôm nay ông dừng chân ở Na-za-rét , không chừng dân làng cũng được nhờ vả gì chăng? Mọi người háo hức lục tục kéo đến hội đường để xem mặt vị khách đó.
Sau phần đọc Sách Thánh, người đàn ông trên bục giảng dõng dạc lên tiếng. “Hôm nay mọi điều anh em nghe được ứng nghiệm.” Ông bắt đầu giảng giải về những điều ngôn sứ I-sai-ya vừa nói. Cả hội đường im phăng phắc say sưa nghe vị khách chia sẻ lời Chúa. Ông nói chậm rãi, rõ ràng và có hồn, chứ không lải nhải như nhiều người thuyết giảng khác.
Dân làng kháo nhau: “Đây không phải là con ông Giu-se sao?” “Ôi chao, mới đi có mấy tháng mà nhận không ra nữa!” “Làng ta có một vị ngôn sứ, thật hãnh diện ghê!” Có những tiếng gọi í ới: “Này, một người làm quan, cả họ được nhờ… Nghe nói ở Ca-pha-na-hum, ông chữa lành người bại liệt, … trừ được cả quỷ nữa… Những gì ông đã làm ở chỗ khác, hãy làm ở đây xem. Thử chữa vài người cho chúng tôi xem nào!” Nếu người dưng nước lã mà được nhờ, thì chắc dân làng còn phải được hưởng gấp bội… Một giọt máu đào, hơn ao nước lã kia mà!
Đức Giê-su nhìn quanh và thở dài. Những khuôn mặt quen thuộc của bà con lối xóm. Nhưng hình như họ không còn nhận ra người nữa. Những lời ngài giảng dạy về Nước Thiên Chúa, họ bỏ ngoài tai. Họ chỉ say sưa đi tìm dấu lạ. Đức Giê-su biết rõ họ. Những người này chẳng quan tâm đến những điều ngài nói, họ chỉ cần biết xem ngài có đem lại những điều phi thường cho Na-za-rét hay không. Họ chưa tin ngài là ngôn sứ của Thiên Chúa. Họ muốn ngài chứng minh thân phận của mình. Họ muốn thấy tận mắt chứ không chỉ nghe nói thôi. Tiếc thay, ngài không thể làm phép lạ để thoả mãn sự tò mò. Ngài không làm phép lạ để lôi kéo niềm tin.
Đức Giê-su lắc đầu từ chối: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương mình.” Lời ngài nói như gáo nước lạnh tạt vào mặt họ. Họ chưng hửng. Thế này là thế nào? Không phải ông ta vưà tuyên bố những điều ngôn sứ I-sai-ya loan báo sẽ được ứng nghiệm hôm nay sao? Nào là người mù được thấy, người áp bức được giải phóng, nào là công bố năm hồng ân xoá nợ. Càng nghe Đức Giê-su nói, họ càng bực tức. Nhất là khi ngài so sánh việc ngôn sứ Ê-li-ya và Ê-li-sha bỏ Is-ra-en đến với dân ngoại để rao giảng và chữa lành. Tự ái đùng đùng nổi lên. Ông này là ai mà dám sỉ nhục chúng tôi chứ? Không lẽ Na-za-rét không đáng để cho ông ta thực hiện những kỳ tích sao?
Lúc đầu họ háo hức chờ đợi mưa móc ân sủng. Họ mong đợi được chúc phúc vì giữa làng quê nhỏ bé của họ đã xuất hiện một ngôn sứ của Thiên Chúa. Vậy mà bây giờ cái ông Giê-su không biết điều này, chẳng những đã không làm gì cho họ, mà còn đem họ so sánh với đám dân ngoại không giữ Luật Thiên Chúa. Từ ngạc nhiên đến thất vọng. Từ thất vọng đến giận dữ. Từ giận dữ đến quyết tâm thua đủ với ngài. Họ lôi ngài ra khỏi hội đường, tính xô ngài xuống vực thẳm. Nhưng, Thánh Kinh thuật lại, ngài vượt qua họ mà đi.
* * * * * *
Bạn thân mến,
Câu chuyện năm xưa có lẽ vẫn còn tái diễn trong cuộc sống của nhiều người trong chúng ta hôm nay. Tôi giữ đạo đàng hoàng, đi lễ đọc kinh sớm tối, công việc nhà thờ năng nổ. Vậy mà khi có chuyện cần, tôi kêu cầu Chúa chẳng nghe. Gia đình tôi lục đục. Vợ đau con ốm chồng thất nghiệp. Đời sống chỉ thấy thất bại khó khăn. Vui ít buồn nhiều. Chúa ở đâu hả Chúa? Tôi chạy đông chạy tây, hành hương chỗ này chỗ nọ, chỉ xin Chúa ban cho một chút ơn để hâm nóng đức tin. Thế mà xin hoài chẳng thấy, cầu mãi chẳng được. Còn mấy người hàng xóm sống bê bối buông tuồng, cả đời chẳng thèm bước chân đến nhà thờ, vậy mà cứ gặp may mắn hoài. Buôn bán thành đạt, công ăn việc làm ngon lành, cuộc sống cứ phây phây thoải mái. Thử hỏi, Chúa có bất công không?
Ít nhiều gì tôi cũng đã có lần mang tâm trạng như dân làng Na-za-rét. Tôi mong Chúa làm một cái gì đó cho tôi. Tôi tìm Chúa ở trong những phép lạ, những kỳ tích. Tôi theo Chúa bằng một cuộc mặc cả đôi co. Chúa cho con cái này đi, con sẽ làm cái nọ cho Chúa. Tôi trả giá kỳ kèo với Chúa. Con theo Chúa bao nhiêu năm, luật Chúa con chẳng bỏ sót, thế mà con lại gặp những chuyện không vui. Cái tâm trạng bất mãn này cũng gần giống như lời phàn nàn của người con cả trong câu chuyện “Người Cha và Hai Người Con” trong tin mừng Lu-ca. Anh ta càu nhàu: “Này cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, thế mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê nhỏ để chung vui với bạn bè. Còn thằng con kia của cha, sau khi đã phung phá hết gia tài với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15:29-30).
Nhưng khi tâm hồn lắng đọng lại, tôi sẽ thấy được rằng chẳng qua tôi coi Thiên Chúa như ông chủ và tôi là người làm công. Làm công thì phải hưởng cho đáng công! Tệ hơn nữa, đôi lúc tôi coi Thiên Chúa như cái máy bán nước ngọt tự động. Tôi bỏ vào vài đồng cắc, nhấn nút thì một lon nước phải nhảy ra. Nếu lon nước không ra, tôi sẽ đập cái máy đến điên cuồng, vì máy đã hỏng, không cho tôi được cái tôi muốn.
Bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta xét lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Tôi tin vào Lời của Chúa đến mức nào? Tôi đi tìm Chúa hay chỉ đi tìm những phúc lộc của ngài? Và khi tôi không được điều tôi muốn, liệu tôi có xô đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của tôi như dân làng Na-za-rét thưở xưa đã làm không?

Trong niềm tin Ki-tô hữu, phép lạ của cuộc sống chẳng phải kiếm tìm xa xôi. Chúng ta gặp Thiên Chúa ở giữa giòng đời, trong thành công cũng như thất bại, lúc mạnh khoẻ cũng như lúc yếu đau, trong hoan lạc cũng như đau khổ. Thiên Chúa không tỏ mình cho chúng ta bằng những phép thần thông phi thường, nhưng ngài hiện diện với chúng ta trong những phép lạ bình thường của cuộc sống. Hằng ngày tôi có vô vàn cơ hội để nhận biết, tìm kiếm và tận hưởng những món quà ân sủng trong đời thường. Hôm nay tôi có nhận ra ơn Chúa nơi nụ cười của một đứa bé? Nơi công việc bề bộn của sở làm? Trong cái tất bật của dòng xe cộ lúc đi làm? Hay trong cái ấm cúng của bữa ăn tối gia đình? Tôi có thấy ơn Chúa trong lời than vãn của người đồng nghiệp? Trong niềm vui của một bà mẹ mới sinh con? Và trong bức vẽ nguệch ngọac của đứa con lần đầu tiên đến trường?
Nếu tôi đã bỏ qua những cơ hội nhỏ bé để tìm kiếm Thiên Chúa và thấy được phép lạ của sự tỉnh thức, thì ngày hôm nay tôi có thể bắt đầu lại bằng phút hồi tâm cuối ngày.
Tối nay tôi sẽ dành năm bảy phút lắng đọng để nhìn lại trong ngày. Điều gì làm cho tôi vui và phấn khởi hôm nay? Thiên Chúa hiện diện như thế nào trong những khoảnh khắc hạnh phúc đó? Điều gì làm cho tôi nản lòng, lo âu, và sợ hãi trong ngày hôm nay? Tôi có cảm thấy Thiên Chúa hiện diện nâng đỡ và ủi an tôi trong những lúc sầu khổ đó không? Tôi cần ơn gì nơi Chúa cho ngày mai?
Lạy Chúa Giê-su Na-za-rét, xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Xin cho con biết nhận ra Chúa hiện diện qua những biến cố lớn nhỏ của đời thường. Xin cho con lòng nhẫn nại và quảng đại đón nhận tất cả như hồng ân Chúa ban. Amen.

No comments: