Friday, June 29, 2007

Hai vì sao sáng: Phêrô và Phaolô

Bài ca nhập lễ vang lên hùng tráng trong ngày Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô:
Hai vì sao sáng chói, lấp lánh trên bầu trời, ngời sáng đêm trường, rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương. Hai tình yêu chiến thắng, ngất ngây trong cuộc đời, từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng.
Phêrô, Phaolô hai vì sao sáng ngời chiếu toả ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại.
Hai Thánh Tông đồ là hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội.
Còn nhớ hôm nào người ba lần chối Giêsu. Còn nhớ ngày nào người bắt Chúa trong căm thù. Lời ca ngắn đúc kết phần một trong cuộc đời hai Ngài : chối Thầy, bắt Thầy. Nhưng cuộc đời phần hai đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối, hai Ngài cầm đuốc Tông đồ rao truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.
Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.
1. Thánh Phêrô
Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai : cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.
Trong cuộc đời phần một của Phêrô, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.Cuối đời của Chúa,Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72)
Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này :Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.
- Mắng lần đầu tiên : Quân yếu tin ( Mt 14,31)
- Lần thứ hai : Ngu tối ( Mt 15,16)
- Lần thứ ba : Satan ( Mc 8,33)
Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn có một tâm hồn chân thành.
Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan(Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.
Sứ mạng theo Đức Kitrô khởi đầu từ đây khi bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ ban cho họ mẻ cá lạ lùng.Chính Đấng Phục sinh đã hỏi Ông : Phêrô, con có yêu mến thầy không ? Phêrô đáp : Thưa Thầy,Thầy biềt rõ mọi sự, thầy biết con yêu mên Thầy. Sau khi Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc, Chúa nói với ông rằng : Thầy bảo cho anh biết lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý.Nhưng khi đã về già,anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là : Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.Thế rồi Chúa bảo ông : hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.Từ đây trên tảng đá này Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được.Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.
2. Thánh Phaolô
Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, chúng ta bắt gặp một Saolô, ở Tac-xô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Ga-ma-li-ên ở Giê-ru-sa-lem. Cuộc đời phần một của Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Tê-pha-nô và trên đường Đa-mát truy lùng các Kitô hữu.
Được ơn trở lại trên đường Đa-Mat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Cuộc đời phần hai của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.
Sách Công vụ tông đồ kể lại : trên đường Đa-mat, Phaolô rong ruổi trên yên ngựa hăng say truy bắt các Kitô hữu thì thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó.Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể.
Khi đã biết Chúa Kitô thì “những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu( Pl 3,7-9). Từ đó trở đi Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người :” Vì anh em,phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô,thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp;không còn nô lệ hay tự do;không còn nam hay nữ;vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu (Gal 3,27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” ( Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời Phaolô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những”… lao tù đòn vọt,bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố,trong sa mạc, ngoài biển khơi,nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng ( 2 Cor 11 23-27). Phaolô ra vào tù thường xuyên, có lần Ngài viết từ ngục thất cho Ti-mô-thê, người môn đệ, có khi không khỏi nao núng:” anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn” vì tôi biết tôi đã tin vào ai …” (2 Tim 1,8-12). Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi,nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy” chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2cor 4,8-9)
Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài ” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).
Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo?…
Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ ( Rm 8,35-39).
3. Phêrô và Phaolô, tượng đài hiệp nhất.
Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng. Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người.
Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.
Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô đã nên hai vì sao sáng ngời, trở nên nền tảng hiệp nhất. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An (Theo Việt Catholic News)

Thursday, June 28, 2007

Hàng chục năm sau tôi mới thấu hiểu...

Đầu tháng 6 này, Chủ tịch Microsoft Bill Gates đã quay lại Đại học Harvard để phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các sinh viên và nhận bằng Tiến sỹ danh dự Harvard. Tại đây, có khoảng 30.000 người đã trực tiếp theo dõi sự kiện này. Dân trí xin giới thiệu phần chính bài phát biểu ấy.
Thưa toàn thể quý vị!
Tôi đã từng đợi giây phút này 30 năm qua, giây phút mà tôi có thể nói với cha mình rằng: “Cha ạ, con đã hứa với cha rằng rồi con sẽ quay lại trường và nhận bằng mà!”
Vâng, tôi muốn cảm ơn Harvard trong khoảnh khắc vinh dự này. Tôi sẽ “chuyển việc” trong năm tới, và thật tuyệt là cuối cùng tôi cũng có một tấm bằng cho bản sơ yếu lí lịch của mình.
Tôi hoan nghênh những sinh viên tốt nghiệp hôm nay trong việc chuyên tâm học hành để có được tấm bằng. Về phần mình, tôi thật hạnh phúc khi có người nói tôi là “Người thành công nhất trong số những kẻ rời bỏ Harvard”. Chắc vì thế mà tôi là đại diện cho họ trong buổi lễ này.
Harvard đúng là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi. Cuộc sống hàn lâm quyến rũ. Tôi thường ngồi vào nhiều tiết học ở các lớp khác hẳn với ngành học của tôi. Và cuộc sống kí túc thì “hay” một cách khủng khiếp. Tôi ở khu Currier House. Lúc nào cũng có nhiều người đến phòng tôi bàn luận đủ thứ suốt đêm, bởi vì mọi người biết rằng tôi đã chẳng phải lo dậy đi học vào sáng hôm sau.
Điều ấn tượng nhất ở Harvard là vào tháng giêng năm 1975, khi tôi gọi từ kí túc tới một công ty ở Albuquerque (công ty này chế tạo những máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới.) Tôi đề xuất bán cho họ phần mềm. Tôi lo rằng họ nhận ra mình chỉ là một cậu sinh viên ký túc và từ chối tôi. May quá khi họ đã trả lời rằng họ chưa chuẩn bị kịp, hãy gặp lại sau một tháng nữa. Thú thực là lúc đó tôi liều thôi, chứ đã viết được dòng lệnh nào đâu. Nhưng ngay sau đó, tôi cày cuốc ngày đêm trong dự án nhỏ xíu đó, đánh dấu kết thúc chặng đường học hành và bắt đầu kỉ nguyên mới tại Microsoft.
Điều mà tôi ghi nhận đặc biệt ở Harvard là việc đắm mình trong niềm phấn khích và trí tuệ dồi dào. Nơi đây tràn trề thử thách và rất rất hấp dẫn tôi. Tuy tôi bỏ đi sớm, nhưng những năm tháng đáng nhớ tại đây, với các bạn bè thân hữu, những ý tưởng đa dạng, đã giúp tôi trưởng thành lên nhiều.
Nhưng, hãy nhìn lại một cách nghiêm túc thì, có một điều mà tôi rất lấy làm tiếc.
Tôi rời Harvard mà không có sự ý thức thực sự về những sự bất bình đẳng kinh khủng trên thế giới này - những sự cách biệt lớn về chăm sóc y tế và sở hữu tài sản, cũng như cơ hội giải thoát hàng triệu người đang sống trong tuyệt vọng.
Tôi học nhiều ở Harvard về những ý tưởng mới trong kinh tế học, chính trị và những tiến bộ vượt bậc trong khoa học
Nhưng sự tiến bộ vĩ đại nhất của loài người không phải trong những khám phá ấy, mà trong việc tìm tòi các cách để giảm bớt sự bất bình đẳng.
Tôi rời khỏi nơi đây trong khi biết rất ít về hàng triệu đứa trẻ không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn ngay tại nước Mỹ này. Tôi cũng chẳng biết gì về hàng triệu sinh linh tại những nước đang phát triển, họ đang sống trong nghèo khổ tới mức không còn từ nào để diễn tả nổi.
Hàng chục năm sau tôi mới thấu hiểu điều đó.
Giờ đây các bạn biết nhiều hơn chúng tôi thời ấy về những sự bất bình đẳng đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Trong những năm tháng tại đây, ở một thời điểm công nghệ bùng nổ thế này, tôi hy vọng các bạn có nhiều cơ hội để nghĩ về cách để giải tỏa những bất bình đẳng ấy.
Hãy thử hình dung, bạn có vài giờ một tuần và vài đô la một tháng để làm việc thiện nào đó - và bạn muốn cống hiến một cách hiệu quả nhất – bạn sẽ làm gì, ở đâu?
Melinda và tôi cũng chung thách thức ấy : Làm cách nào chúng tôi có thể giúp nhiều người nhất với nguồn lực mà chúng tôi có.
Trong quá trình tìm hiểu, Melinda và tôi thấy rằng hàng triệu trẻ em đang chết mỗi năm ở những nước nghèo bởi những bệnh mà từ lâu đã bị vô hiệu hóa tại Mỹ: Bệnh sởi, bệnh sốt rét, viêm phổi, bệnh viêm gan B. Một căn bệnh mà tôi chưa bao giờ thậm chí được nghe thấy tên: “Rotavirus”, đang giết chết nửa triệu trẻ em mỗi năm- trong số ấy không em nào ở Mỹ.
Chúng tôi sốc nặng. Giá mà hàng triệu em ấy được cứu sống, như vậy thì đáng ra thế giới phải ưu tiên để khám phá và mang thuốc thang tới cứu các em. Nhưng không, điều đó đã không diễn ra .
Nếu bạn tin rằng mỗi sinh mệnh có giá trị như nhau, thì thật hổ thẹn khi thấy rằng trong cuộc sống dường như một số người có “mạng sống” cao giá hơn, đáng cứu hơn những người khác. Điều ấy thôi thúc chúng tôi chú tâm đặc biệt vào việc thiện nguyện.
Chúng tôi băn khoăn : "Thế giới này sao lại để những đứa trẻ tội nghiệp ấy chết?”
Câu trả lời đơn giản, và thô ráp. Thị trường “vô cảm” trước cái chết của các em, một số chính phủ không để tâm tới. Vì thế các em chết bởi bố mẹ các em không có sức mạnh trên thị trường và chẳng có tiếng nói nào trong xã hội.
Nhưng bạn và tôi có cả hai!
Chúng ta có thể tạo động lực cho thị trường mang lại nhiều lợi ích hơn cho người nghèo, nếu chúng ta có thể phát triển thể chế thị trường sáng tạo hơn. Chúng ta cũng có thể đề nghị các chính phủ trên khắp thế giới dùng tiền thuế của người dân vào những việc giá trị hơn nhằm giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo ấy.
Nhiệm vụ này luôn rộng mở và chưa bao giờ kết thúc. Nhưng mỗi nỗ lực có ý thức để trả lời thách thức này đều góp phần làm thay đổi thế giới.
Tôi lạc quan khi nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều này. Nhưng một số kẻ hoài nghi nói "Sự bất bình đẳng là tất nhiên, luôn song hành với đời sống con người, đến nỗi mọi người chẳng thiết quan tâm đến chuyện này nữa.” Tôi cực lực phản đối họ.
Tất cả chúng ta ở đây trên sân trường này, đã thấy những bi kịch giằng xé tim ta, và chưa làm gì cả- không phải bởi vì chúng ta đã không quan tâm, mà bởi chúng ta chẳng biết phải làm thế nào. Nếu biết điều ấy, chúng ta có thể hành động.
Ngay cả khi với Internet và các bản tin thời sự cập nhật 24/24, nhân loại vẫn bị “nhiễu” thông tin. Khi một máy bay rơi, những viên chức ngay lập tức tổ chức họp báo. Họ hứa điều tra, xác định nguyên nhân, và ngăn ngừa những sự cố tương tự trong tương lai.
Nhưng nếu những viên chức ấy chính trực, họ sẽ phát biểu trước ống kính thế này: " Trong tổng số người chết trên thế giới ngày hôm nay bởi những nguyên nhân đáng tiếc có thể tránh được, nửa phần trăm ở trên chuyến bay này. Chúng tôi quyết tâm làm mọi điều có thể để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tới sự sống của một nửa một phần trăm ấy.".
Vấn đề lớn hơn không là sự cố máy bay, mà ở chỗ triệu triệu cái chết khác đang diễn ra trong khi chúng ta hoàn toàn có thể ra tay phòng tránh được.
Chúng ta không được đọc nhiều về những cái chết này. Phương tiện truyền thông bao giờ cũng tôn vinh cái MỚI - và hàng triệu cái chết đói khát kia chẳng có gì mới mẻ cả. Vì thế nó ở những vị trí quá khiêm tốn, ít có tác dụng đánh động lương tâm mọi người.
Nhưng nếu khi lương tâm bạn được đánh thức, hãy vượt qua mọi trở ngại để tìm ra giải pháp. Và khi có giải pháp thì hãy hành động; không một sự quan tâm chia sẻ nào là phí phạm cả.
Bệnh AIDS là một ví dụ. Mục tiêu, tất nhiên, là chặn đứng căn bệnh này. Vì thế các chính phủ, các công ty thuốc và các Quỹ đang cấp vốn nghiên cứu vacxin phòng chống. Nhưng công việc của họ có khả năng mất hàng thập niên, vì vậy trong khi chờ đợi, chúng ta phải hành động, phải xắn tay ngay để giúp con người tránh những hiểm họa trước khi nó tới. Thế kỷ 20 chúng ta đã chiến thắng sốt rét và bệnh lao, và chúng ta tiếp tục không ngừng suy nghĩ và hành động để đối phó với các nạn dịch mới hiện nay.
Và, sau khi tìm ra giải pháp và hành động, bạn hãy chia sẻ những thành công và cả thất bại của bạn để giúp người khác có thể rút kinh nghiệm được từ những nỗ lực ấy.
Những thành viên của Gia đình Harvard thân mến: Ở đây, trong sân trường này đang hiện hữu “bộ sưu tập” lớn những trí thức tài năng đẳng cấp thế giới.
Nhưng để làm gì?
Không ai phủ nhận rằng các giáo viên, các cựu sinh viên, các sinh viên đang theo học và tất cả những người liên quan ở đây, đã làm nhiều cách để dùng những sức mạnh trí tuệ ấy vào việc cải thiện cuộc sống của con người trên toàn thế giới.
Nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa không? Harvard có thể cống hiến hơn nữa trí tuệ của mình để cải thiện cuộc sống của những người mà thậm chí chưa bao giờ chúng ta từng thấy mặt?
Cho phép tôi có một yêu cầu tới các trưởng khoa và giáo sư- những lãnh đạo trí thức Harvard: Trong khi bạn tuyển giảng viên mới, xét trao giải thưởng, rà soát hồ sơ sinh viên cũng như chấm duyệt bằng cấp và chương trình đào tạo, vui lòng hãy tự hỏi chính mình:
Những bộ óc tuyệt vời nhất của chúng ta có được dành cho giải quyết những vấn đề lớn nhất của nhân loại không? Harvard có nên khích lệ các giảng viên khoa góp phần xóa bỏ những bất bình đẳng tồi tệ nhất thế giới hay không? Sinh viên Harvard có được học sâu về tình trạng đói, nghèo, thiếu nước sạch trên toàn cầu, hay được biết về hàng triệu trẻ em chết bởi những bệnh chúng ta có thể điều trị?
Những kẻ nhiều “đặc ân” nhất thế giới có nên học về cuộc sống của những người ít “đặc ân” nhất thế giới hay không?
Đây là không phải câu hỏi hùng biện- bạn hãy trả lời tùy cách nghĩ của mình.
Mẹ tôi, người đã vui mừng khôn xiết ngày tôi đỗ vào đây, luôn dặn tôi phải làm nhiều việc thiện cho những người khác. Thậm chí cả khi mẹ tôi lâm trọng bệnh, bà vẫn viết thư cho vợ tôi bày tỏ tâm sự “Cho đi càng nhiều càng nhận được nhiều kì vọng”.
Thật vậy, khi bạn thấy rằng những gì chúng ta có ở đây có thể cho đi - là tài năng, là đặc ân và cơ hội- vậy thì cả thế giới có quyền để kỳ vọng không giới hạn những nỗ lực từ chúng ta.
Tôi hy vọng những bạn sinh viên tốt nghiệp hôm nay sẽ trở lại sân trường Harvard này 30 năm sau để chia sẻ những gì bạn đã làm với tài năng và nhiệt huyết của mình. Tôi hy vọng mỗi người ngồi đây sẽ tự thôi thúc bản thân không chỉ vươn tới những thành tựu tuyệt đỉnh trong nghề nghiệp, mà còn là ở việc bạn đã góp phần giảm bớt bất bình đẳng trên thế giới thế nào, bạn giúp đỡ những người thiệt thòi hơn bạn thế nào, trong khi họ cũng là những sinh mệnh đáng trân trọng như chính bạn.
Chúc mọi điều may mắn!
Kim Kim (Theo DÂNTRÍ NEWS)

Wednesday, June 27, 2007

Đừng coi thường cái máy tính

Ở miền quê nghèo nhưng thấy con gái ham học, anh chị quyết định dành dụm mua cho cháu chiếc máy vi tính và nối mạng Internet, với mong muốn con thêm tri thức, học hành nên người.
Tối nào anh chị cũng thấy cháu sử dụng máy vi tính để truy cập các thông tin, cái sự học của cháu có vẻ khá hơn trước.
Nhưng rồi dần dần anh cảm thấy nhiều lúc cháu sao nhãng việc học, thức rất khuya. Sau này khi chuyện xảy đến rồi anh mới chua chát ngộ ra: Chiếc máy vi tính có khi lại trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc của gia đình.
Chẳng biết học ở đâu, cháu bắt đầu "chat" với bạn bè. Ở vùng quê, có máy vi tính đã là oai lắm rồi, giờ còn kết nối internet, chat... lại càng ghê nữa. Lâu dần qua internet rồi qua "chát", cháu như được khám phá thêm nhiều cái mới. Trong những cái mới này, ngoài tri thức còn có cả những điều mà lứa tuổi cháu không nên tiếp cận.
Cháu kể: Qua "chat" cháu quen được nhiều bạn khác, trong đó có cả bạn trai. Một số bạn tỏ tình với cháu, rồi kể cho cháu nghe những chuyện kín đáo để kích thích sự tò mò giới tính (dù cháu chỉ mới 14 tuổi).
Rồi từ lúc nào cháu cảm thấy những cái đấy thật mới mẻ và theo lời rủ rê, cháu đi gặp những người bạn "chat". Điều gì xảy ra rồi cũng xảy ra. Mọi chuyện đau khổ nhất đều dồn lên con gái và chính gia đình anh.
Anh vứt cái máy vi tính đi và nguyền rủa nó nhưng đã muộn. Người ta trách cô con gái không biết nghe lời cha mẹ, nhưng trước hết phải trách chính anh chị. Không phải vì việc mua cho cháu chiếc máy tính hay kết nối internet, mà vì anh chị đã không quan tâm đến những biểu hiện bất thường của cháu ngay từ lúc vừa phát sinh.
Giá như lúc ấy anh chị gần gũi, trò chuyện tâm sự với cháu để cháu có chỗ dựa về tình cảm và tinh thần...
Có thể công việc mưu sinh khiến anh chị không có thời gian, cũng có thể trình độ của người làm nông khiến anh chị chẳng hiểu gì về internet, cũng có thể còn những nguyên nhân khác nữa, nhưng rõ ràng cái sự không gần gũi con cái ở tuổi chúng đang lớn đã bắt anh chị phải trả giá.
Bài học rút ra là: Đừng bao giờ coi thường cái máy tính!
Nguyễn (Theo DÂNTRÍ Net)

Monday, June 25, 2007

GIÁO DỤC: Cha Mẹ giết con?!?

...Không phải sao khi qua Giáo Dục con người được trưởng thành và thăn tiến với xã hội??!! Nhưng sự sai sót của Giáo Dục kiểu này chỉ có giết chết hay làm lụi tàn việc học hành của học sinh mà thôi! Thật không thể nói gì hơn cho nên giáo dục VN....
Qua bài viết dưới đây, quý vị cảm thấy thế nào???!!!
---------------------------------------------
152 thí sinh bị trượt tốt nghiệp oan
Quảng Ngãi phát hiện 147 thí sinh đủ điểm đỗ THPT nhưng lại bị công bố trượt lần đầu. Nguyên nhân được xác định là do lỗi kỹ thuật trong chấm bài trắc nghiệm.
Ngày 23/6, qua kiểm tra lại bài thi 2 môn trắc nghiệm Vật lý và Hóa học đối với hệ phân ban thí điểm ở huyện Mộ Đức (2.034 thí sinh dự thi), cơ quan chức năng Quảng Ngãi đã phát hiện 147 thí sinh đủ điểm đỗ nhưng bị công bố trượt lần đầu. Họ cũng phát hiện hàng trăm thí sinh được nâng điểm. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi kỹ thuật trong chấm bài thi.
Trước đó, qua chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi kiểm tra lại bài của 35 thí sinh vi phạm qui định làm bài thi trắc nghiệm đã phát hiện 5 em đỗ tốt nghiệp.
Để các em kịp chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới, trong ngày 23-24/6, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã tổ chức công bố điểm, cấp giấy tốt nghiệp tạm thời cho các em.
(Theo Tiền Phong)

Sunday, June 24, 2007

Hướng tới một mô hình giáo dục tiên tiến

Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, trong rất nhiều hoạt động tại Mỹ của phái đoàn, có cuộc tọa đàm bàn tròn về giáo dục tại trường New School ở New York.
Trong cuộc tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nói: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nền giáo dục ở Hoa Kỳ". Và giải thích cho lý do quan tâm này, Chủ tịch nói tiếp: "Chúng ta nhìn ra thế giới hằng năm có những giải thưởng cao quốc tế, các nhà khoa học Hoa Kỳ chiếm rất đông, gần như tuyệt đối. Điều này nói lên chất lượng của giáo dục đại học ở Hoa Kỳ, một nền giáo dục dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc và ứng dụng hiệu quả". Về những thành tựu của nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học tại Hoa Kỳ, thì có lẽ rất nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục Việt Nam đều ít nhiều đã biết.
Chỉ cần nhìn quanh khu vực Đông Nam Á, ta sẽ thấy ngay quốc gia nào áp dụng mô hình giáo dục Hoa Kỳ phù hợp với điều kiện thực tế của nước mình, nền giáo dục của quốc gia ấy đều có những thành công vượt bậc. Như Thái Lan, như Singapore, như Malaysia. Ngay Philippines, một nước còn nhiều khó khăn về đối nội, thì nền giáo dục "kiểu Mỹ" của họ cũng gặt hái được những thành công không nhỏ.
Trong cuộc hội thảo tại New School, nhiều chuyên gia đã đưa con số so sánh số bằng sáng chế đăng ký tại Hoa Kỳ cách đây vài năm của Việt Nam (2 bằng) so với Thái Lan (1.100 bằng) và Trung Quốc (hơn 40.000 bằng). Có lẽ con số đơn giản này đủ nói lên lý do vì sao nền giáo dục Việt Nam trong tương lai gần muốn vươn lên bắt kịp nền giáo dục của những nước hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á thì con đường tất yếu là phải học cách mà họ đã áp dụng thành công mô hình giáo dục Hoa Kỳ ở nước họ, để giáo dục Việt Nam có thể nhanh chóng sở hữu mô hình giáo dục tiên tiến phù hợp nhất với điều kiện kinh tế và dân trí của đất nước mình. Giáo dục là chăm lo công việc "dạy và học" trong hiện tại, nhưng qua đó, lại phải tạo được "mặt bằng" để có những bước phát triển nhảy vọt trong tương lai.
Cách đây 2 năm, sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, từ đề nghị của Thủ tướng với những trường đại học hàng đầu ở Mỹ như Harvard về việc giúp Việt Nam xây dựng một trường đại học tiên tiến đạt đẳng cấp quốc tế để làm "đầu tàu" nâng cấp chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, rất nhiều những nhà giáo dục tâm huyết ở Việt Nam đã nồng nhiệt hoan nghênh và chờ đợi sự hợp tác này. Nhưng rồi sau 2 năm, phía đối tác là Mỹ vẫn không nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía Việt Nam, và "Tổ công tác đặc biệt" do Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ định cho dự án này cũng đã ngừng hoạt động mà không rõ lý do. Từ bài học không thành công này có thể thấy: với những ý tưởng tốt, những đề xuất mang tính xây dựng nhưng nếu thiếu đi những cơ sở để thực hiện, lại không tranh thủ được đông đảo ý kiến đóng góp của nhân dân, của những nhà chuyên môn có tâm và có tài, trong khi phải chịu sức ép từ những tư tưởng bảo thủ "bế quan tỏa cảng đại học", thì khả năng thành công gần như không có. Từ đó, nhiệt tình cải cách giáo dục Việt Nam lại mang thêm tiếng "đánh trống bỏ dùi" và làm giảm niềm tin nơi các đối tác. Có thể nói, mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ là rất tiên tiến, nhưng chính vì thế nó yêu cầu một sự đồng bộ rất cao, một sự tương thích trong vận hành và những hoạch định cụ thể cho những tầng cấp trong tương lai. Cái đầu tiên mà giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học cần học ở giáo dục Hoa Kỳ lại nằm ở tầng "vĩ mô". Đó là học để có một tư duy giáo dục, một tư duy điều hành đại học hiện đại, nghĩa là phải tương thích với sự phát triển của thế giới. Đó là một tư duy "mở", nó có khả năng thu hút và tự làm giàu cho mình bằng những thành công của giáo dục đại học trên khắp thế giới, nó chấp nhận giải "bài toán" những yêu cầu của cuộc sống, thực hiện tốt những "đơn đặt hàng" của xã hội. Nếu chúng ta muốn xây dựng một trường đại học đứng được vào "top 200" những trường đại học hàng đầu thế giới vào năm 2020 như kế hoạch của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, thì "khởi động" bằng việc gửi nhờ Hoa Kỳ đào tạo 2.000 tiến sĩ từ nay tới 2020 mà ông Nhân nói với hãng thông tấn BBC có thể coi là bước đột phá tạo nền cho kế hoạch này. Có thể 2.000, mà cũng có thể ít hơn về số lượng, một khi chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng về chất lượng của những tiến sĩ này.
Thanh Thảo (Theo THANHNIÊN Online)

Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả (Luke 1:57-66,80)

Bài Đọc I: Is 49:1-6 II: Cv 13:22-26
Phúc Âm Luca 1:57-66,80
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em.60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gioan".61 Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả".62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan". Ai nấy đều bỡ ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đâỵ" Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em. 80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.
Chi Tiết Hay
Trong năm phụng vụ, Giáo Hội chỉ mừng sinh nhật của ba người: Đức Giêsu (25 tháng 12), thánh Gioan Tẩy Giả (24 tháng 6) và Đức Trinh Nữ Maria (8 tháng 9)
(c 59) Cha mẹ của Gioan cho con chịu phép cắt bì vào ngày thứ tám theo luật Lêvi 12:3.
(c 60) "Tên cháu là Gioan". Theo tiếng Do Thái "Yehohanan" hoặc "Yohanan" nghĩa là "Giavê nhân từ". Tương tự như Đức Giêsu (Mt 1:21), Gioan Tẩy Giả cũng được đặt tên do Thiên sứ Gabriel báo cho cha mẹ. (Lk 1:13)
(c 64) miệng mở ... Suốt thời gian Isave mang thai và sinh con, Dacaria hoàn toàn câm. Lời đầu tiên ông nói được là để ca ngợi Chúa.
(c 66) Có những điểm tương đồng khi Luca giới thiệu Gioan và Đức Kitộ Cả hai cùng được sinh ra do sự can thiệp của Thiên Chúa. Mỗi người có một sứ vụ riêng để thi hành
Một Điểm Chính: Gioan là dấu chỉ "Giavê nhân từ". Thiên Chúa nhân từ khi ban cho ông bà Dacaria một người con. Thiên Chúa còn nhân từ hơn nữa khi ban chính Con Một của mình cứu chuộc chúng ta.
Suy Niệm
Hãy nhớ lại một lần trong đời bạn đã mạnh dạn mở miệng ra, như Dacaria, để ca ngợi Thiên Chúa.
"Bàn tay Chúa" thể hiện qua cuộc đời Gioan thế nàỏ và "Bàn tay Chúa" cũng đã thể hiện qua cuộc sống của tôi thế nào?
Tôi có sống như một "dấu chỉ của Thiên Chúa nhân từ" cho anh chị em chăng?
---------------------------------------------------------
Solemnity of the Nativity of St. John the Baptist
Reading I: Is 49:1-6 II: Acts 13:22-26
Gospel Luke 1:57-66,80
57 When the time arrived for Elizabeth to have her child she gave birth to a son. 58 Her neighbors and relatives heard that the Lord had shown his great mercy toward her, and they rejoiced with her. 59 When they came on the eighth day to circumcise the child, they were going to call him Zechariah after his father, 60 but his mother said in reply, "No. He will be called John." 61 But they answered her, "There is no one among your relatives who has this name." 62 So they made signs, asking his father what he wished him to be called. 63 He asked for a tablet and wrote, "John is his name," and all were amazed. 64 Immediately his mouth was opened, his tongue freed, and he spoke blessing God. 65 Then fear came upon all their neighbors, and all these matters were discussed throughout the hill country of Judea. 66 All who heard these things took them to heart, saying, "What, then, will this child be?" For surely the hand of the Lord was with him. 80 The child grew and became strong in spirit, and he was in the desert until the day of his manifestation to Israel.
Interesting Details
Liturgical note: During the liturgical year, the Church celebrates only three birthdays celebrated in a liturgical year: that of Jesus (Dec 25), of John the Baptist (June 24), and of the Blessed Virgin Mary (Sept 8).
(v. 59) On the eighth day: The parents of John have him circumcise according to the regulation of the Laws in Lev 12:3.
(v. 60) He will be called John: In Hebrew, "Yehohanan" or "Yohanan" means "Yahweh is gracious." Like Jesus (Mt 1:21), the name of John was given to his parents by the angel Gabriel before he was born (Lk 1:13).
(v. 64) His mouth was opened, his tongue is freed: During Elizabeth's pregnancy and childbirth, Zechariah was silent the entire time. The first word he could utter was praising God.
(v. 66) And the hand of the Lord is with him: Luke presents John as a parallel to Jesus. Both were born by God's intervention; both have a respective mission to fulfill.
One Main Point: The Lord is gracious in granting Zechariah a son, and most gracious in sending us His Son to bring "salvation to the ends of the earth".
Reflections
Describe a time when you like Zachariah, took a step of faith and beginning speaking, praising God.
How was "the hand of the Lord" seen in John's life? In your life?