Saturday, February 10, 2007

Đêm tang thương

Vụ tai nạn xe khách đâm vào tàu SE1 lúc 23g30 đêm 8-2, ngay điểm giao nhau giữa đường sắt với quốc lộ 27B vừa mới mở, từ Đà Lạt xuống thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa).
Lại thêm những gia đình tang tóc, khổ đau đang chờ người thân xấu số trở về...
Thảm họa lúc nửa đêm
Chiếc xe khách “chất lượng cao Mỹ Hùng” (49H-9076) có lộ trình Đà Lạt - Huế - Đông Hà, mới xuất phát từ Đà Lạt lúc 18g chiều 8-2 thì đến 23g10 cùng ngày đã đâm gãy barie đường sắt của trạm chắn Trại Cá (thuộc thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa).
Sau khi làm anh Hoàng Mai Tình (nhân viên của trạm này đang đứng canh chắn đường cho tàu SE1 chạy qua) bị thương nhẹ do barie gãy quật trúng chân, chiếc xe khách 49H-9076 đang chở 41 hành khách đâm thẳng vào một toa gần cuối đoàn tàu. Tàu SE1 kéo xe khách chạy theo một đoạn dài đến gần 20m. Chiếc xe khách gần như bị tan nát và văng gọn xuống mương bên đường tàu.
Ngay trong đêm, PV Tuổi Trẻ tại Nha Trang cùng một tài xế taxi Mai Linh vượt khoảng 60km để đến hiện trường. Đoàn tàu SE1 gần như chẳng bị hư hại gì, sau khi dừng lại cứu người và để làm các thủ tục theo qui định, đã tiếp tục hành trình. Những người dân ở gần nơi xảy ra tai nạn và cả đại úy Nguyễn Văn Khải - đội trưởng Đội tuần tra cảnh sát giao thông Công an Khánh Hòa tại Cam Ranh - đều cho biết đã tìm thấy nhiều nạn nhân bị văng xuống mương ở hai bên đường tàu.
Thông tin cung cấp cho Tuổi Trẻ về số nạn nhân bị chết cứ tăng lên vùn vụt: mới đầu chỉ bốn người chết nhưng liền đó tăng lên bảy người... tám, chín người..., cuối cùng số nạn nhân xấu số qui tập bên lề đường lên tới 13 người (có ba nữ). Trong đó có hai tài xế xe khách, hai nhà sư của thiền viện Vạn Hạnh, một ni cô ở chùa Tâm Ấn (đều ở Đà Lạt), hai học viên sĩ quan tại Đà Lạt và một số người đi làm thuê trở về quê nhà... Số nạn nhân bị thương phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Cam Ranh là 26 người.
Hai người may mắn thoát nạn - Ảnh: P.S.N.Nỗi đau
Trong số người ngồi trên chiếc xe khách chỉ có hai người may mắn bị thương nhẹ, không phải vào cấp cứu và vẫn còn ở lại được hiện trường. Đó là anh Nguyễn Đức Hoàng (56 tuổi) và anh Phan Tài Lượng (43 tuổi). Gặp chúng tôi, anh Hoàng kể trong nước mắt: “Cả năm anh em tui cùng về Đông Hà để chịu tang và lo mai táng cho mẹ già vừa mới mất.
Vậy mà bây giờ chỉ còn mỗi mình tui ngồi lại ở đây. Ba cô em gái đang cấp cứu tại bệnh viện. Còn anh trai là đại đức Thích Không Trung đã bị chết, đang nằm ngoài kia cùng với một sư thầy của mình”. Qua ánh đèn, tôi nhiều lần nhìn thấy anh Nguyễn Đức Hoàng cứ đưa tay lau nước mắt rồi nhìn vào màn đêm xa xăm.
Tình cảnh của anh Phan Tài Lượng cũng rất đáng thương. Anh thẫn thờ kể lại một cách ngắt quãng: “Nhóm sáu anh em tui cùng lên xe lúc chiều thì bây giờ ba người đã chết, hai người đang cấp cứu. Trong số người chết có anh Trần Trọng Thỉ là người đưa mấy anh em đều là bà con họ hàng và cùng quê vào Đà Lạt hơn ba tháng trước để làm thợ hồ xây nhà cho một người thân. Hai người nữa là anh Ái và anh Tú đều để lại vợ nghèo và các con nhỏ ở ngoài Đông Hà (Quảng Trị)”. Anh Lượng cho biết mấy anh em cùng về để mang tiền đã kiếm được cho vợ con lo tết.
Tại Bệnh viện Cam Ranh, tôi gặp anh Trần Văn Cương (43 tuổi, cùng nhóm đi làm thuê với anh Phan Tài Lượng) bị gãy chân cùng nhiều thương tích nặng. Khi nghe kể tên những người tử nạn, anh Cương nghẹn ngào kêu lên: “Vậy là nhà tui có tới ba người bị chết, anh ơi!...”.
Nằm kế bên cùng phòng cấp cứu với anh Cương là hai nữ sinh cùng quê Quảng Trị, cả hai nằm chung một giường. Đó là Nguyễn Thị Minh Nguyệt (năm 1 khoa anh văn Đại học Đà Lạt) bị gãy chân và Nguyễn Thị Diệu (lên Đà Lạt để học thêm chuẩn bị thi đại học) cũng bị thương khá nặng. Nguyệt và Diệu đều khóc cho biết từ khi đi học đến nay đây là chuyến về quê đầu tiên...
Hai nạn nhân khác là anh Trần Thanh Bình và anh Phan Thanh Phong bị thương nhẹ hơn đều nói rằng: chiều 8-2, trước khi khởi hành tại Đà Lạt, có hai xe “chất lượng cao Mỹ Hùng” phải chờ sinh viên Đà Lạt thi xong mới chạy đến chỗ trọ để đón các bạn cùng đi. Tất cả có 14 sinh viên đăng ký, trong đó có ba người ở Phú Yên, Quảng Ngãi do đi theo xe chạy trước nên thoát nạn. Còn lại 11 sinh viên cùng quê ở Huế, Quảng Trị đi chung xe 49H-9076 và gặp nạn.
Trước đó, tại hiện trường ngổn ngang nhiều thứ còn sót lại, tôi thấy có cả giáo trình, hình ảnh lưu niệm lẫn cùng cà rốt, mứt dâu, hoa tươi Đà Lạt... Vậy là quà xuân, hoa tươi... cùng với 13 nạn nhân tử vong đã mãi không về với gia đình, người thân.
PHAN SÔNG NGÂN (TUỔITRẺ Online)

Friday, February 09, 2007

Gửi người tôi sẽ gặp và sẽ yêu

Em có tin không, nếu tôi nói rằng đúng tròn một năm trước đây, tôi không biết ngày 14-2 là ngày gì? Tôi không biết vì đâu, một ngày như mọi ngày lại khiến hoa hồng được trải dài trên các lối đi...
Các chàng trai hăm hở phóng xe ra đường, còn các cô gái thì náo nức, bẽn lẽn cầm những đóa hồng tung tăng trên phố, hoặc nép khẽ sau bờ vai ai đó. Tôi không hiểu vì đâu, trong xóm trọ của tôi ngày hôm đó, lại có rất nhiều cô gái thở dài ngồi buồn so…
Em có tin không, nếu tôi nói rằng khi nghe về sự tích của ngày Valentine, tôi đã nghĩ đó là sự tích đẹp nhất trên đời. Tôi tin những điều kì diệu trong tình yêu vẫn còn có thật. Như em cũng có thật, đang ở một nơi nào đó, đợi chờ một ngày tôi đến. Bố tôi đã nói rằng, trong tình yêu, ngay cả những nỗi đau cũng mang màu đẹp đẽ. Dẫu tôi biết rằng, nếu tôi mang đến cho em một điều gì đó, thì chắc chắn không phải nỗi đau.
Năm nay, ngày 14- 2 lại chầm chậm đến. Tôi biết mình sẽ mua một đóa hồng, dẫu chưa biết sẽ tặng nó cho ai, và ai là người sẽ nhoẻn cười khi nhận đóa hồng từ tay tôi, từ một chàng trai cù lần chỉ biết sách vở. Em có tin không nếu tôi nói rằng, có lẽ đóa hồng ấy tôi lại dành tặng cho tôi, với ý nghĩ an ủi rằng, đó là một đóa hoa, một ngày nào đó, sẽ có một cô gái đôn hậu tặng cho mình…
Thế nên, em có tin không, nếu tôi nói rằng, bài viết này của tôi là để dành cho em, cho người con gái nào tôi sẽ gặp trong đường đời, sẽ trao cho em bờ vai, và một bài tay ấm, đủ cho một sự bình yên mà đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình còn đang thiếu…
Golenmonkey1308@ (haohcmvm@ )
---------------------------------------------------------------
Rồi chúng ta sẽ gặp và sẽ yêu
* Chào bạn, tình cờ tôi đọc được lá thư của bạn. Tôi không biết bạn bao nhiêu tuổi nhưng khi đọc những dòng tâm sự của bạn, tôi nhận thấy bạn đã viết trong tâm trạng rất vui và hân hoan chờ đợi người con gái, một nửa kia yêu thương, mà bạn sẽ gặp được!
Tự nhiên niềm tin trong sự hân hoan đó của bạn thuyết phục tôi cũng tin và hân hoan như thế! Tôi đã từng có nhiều người theo đuổi và yêu thương! Không may là dù tôi đã cố gắng nhưng vẫn không đồng cảm được! Một đứa con gái 27 tuổi như tôi, tôi biết cũng không còn sớm nữa, nhưng cũng không quá lo lắng về điều đó mà chỉ cảm nhận cuộc sống một cách bình thường. Bạn đã giúp tôi thêm tin rằng một ngày nào đó trên bước đường của mình rồi tôi sẽ gặp một nửa yêu thương... Xin cảm ơn bạn!
* Bạn có tin không khi đây là lần đầu tiên tôi tham gia vào một diễn đàn thuộc đề tài Tình yêu, tôi luôn cho rằng đề tài này là của riêng mọi người, là những điều khó nói! Vì thế mình khó lòng trải ra cho mọi người chia sẻ! Nhưng khi đọc bài viết của bạn, trong tôi lại trỗi dậy một khát khao được nói lên những suy nghĩ của mình.
Tôi đọc được bài viết của bạn vào trước ngày Valentine mà tôi đã biết ý nghĩa từ rất lâu, cho dù tôi chưa tận hưởng được ngày ấy một cách trọn vẹn và ý nghĩa. Tôi không biết bạn ở thế hệ nào 7X, 8X hay 9X? Nhưng cho dù ở thế hệ nào đi nữa, khi đọc những dòng tâm sự của bạn thì tôi vẫn nghĩ rằng bạn là người sống nội tâm. Hãy tin tưởng vào cuộc sống này, bạn nhé!
Ít nhất hiện tại cũng đã có người hiểu một phần nào những gì bạn đã tâm sự. Vì thế, hãy cứ vui sống, hãy nhìn đời bằng những gam màu hồng, cho dù cuộc đời này có vô số màu sắc khác nhau (bởi như thế mới gọi là cuộc đời!). Tôi nghĩ chúng ta hãy sống và thể hiện cho cuộc đời này biết rằng ta đang "sống" bằng chính con người thật của ta, thì sẽ có một ngày nào đó những mong muốn "chính đáng" của ta cũng sẽ thành sự thật!
( hanhvlongl@ )

Yêu là một nghệ thuật?

Đây không chỉ là một câu hỏi cần được tư vấn, mà còn là những suy nghĩ rất độc đáo của bạn Vĩnh Lộc về tình yêu, và tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã trao đổi lại...
Bạn có nghĩ yêu là một nghệ thuật không? Bạn sẽ làm gì để có được tình yêu của người bạn yêu? Đó là một nghệ thuật. Bạn có được tình yêu rồi, giữ được nó, duy trì nó, nuôi dưỡng nó, nghệ thuật đó chắc chắn còn cao hơn nữa.
Tôi thấy tình yêu thật giống như một đứa trẻ. Còn bạn, hãy tạm coi là cha hay là mẹ của đứa trẻ ấy đi. Trẻ em thì luôn đáng yêu, phải không? Cho dù người xung quanh nghĩ về đứa trẻ như thế nào thì bạn vẫn thấy yêu thương nó, vì nó là con bạn. Đứa trẻ này hẳn sẽ mang đến cho bạn bao nhiêu là niềm vui, niềm thích thú, sự bất ngờ.
Và đương nhiên, nó cũng sẽ mang đến cho bạn bao nhiêu là phiền toái, lo toan, thậm chí là tức giận, đau khổ và có thể là cả tủi nhục nữa. Nhưng nói gì thì nói, nó là con bạn. Bạn khó có thể từ bỏ, mà phải nuôi dạy nó. Tình yêu này, đứa trẻ này thật là khó hiểu. Có đôi lúc nó ngoan ngoãn và dễ thương, dễ bảo vô cùng. Bạn nói gì nó cũng nghe, sai gì cũng làm. Nhưng lại có lúc nó thật ngỗ ngược, cãi lại bạn hoặc có thể làm những điều tồi tệ hơn nữa.
Nếu bạn quá chìu chuộng nó, nó sẽ trở nên hoặc nhõng nhẽo, hoặc lì lợm, hoặc ngang bướng, luôn muốn làm mọi chuyện theo ý mình và buộc những người khác cũng vậy. Còn nếu bạn quá nghiêm khắc với nó, nó sẽ sợ bạn, cho rằng bạn không thương yêu nó và sẽ tránh xa bạn. Tiềm ẩn trong nó là tư tưởng chống đối, sẵn sàng nổi loạn khi có điều kiện.
Còn nữa, nếu bạn chăm sóc nó quá kĩ, quá tốt, nó sẽ có tính ỷ lại, thiếu độc lập. Bạn bỏ mặc nó làm mọi thứ thì có vẻ hơi thiếu tình thương, hơi thiếu sự gần gũi... Bạn cho nó ăn nhiều quá thì nó sẽ béo phì, bạn cho ăn ít thì sợ nó suy dinh dưỡng. Những ước muốn bạn chưa thực hiện được thì bạn mong nó thực hiện.
Bạn vừa muốn nó được hạnh phúc, được chọn lựa điều phù hợp cho nó lại vừa lo sợ nó sẽ chọn sai đường, nó sẽ sa ngã... Nói chung là có cả trăm ngàn thứ mâu thuẫn phải không bạn? Vậy thì thế nào là hợp lí, là vừa đủ? Vậy trong tình yêu thế nào là hợp lí, là vừa đủ?
(Lê Trần Vĩnh Lộc)
- Trao đổi của tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn:
Yêu thế nào là hợp lý, thế nào là vừa, là đủ quả là một câu hỏi rất thú vị. Bạn cũng đã cảm nhận được câu trả lời rồi đấy dù rằng có thể đó là một câu trả lời ẩn.
Luận về tình cảm, những ý kiến của bạn có vẻ rất trải nghiệm nhưng tình cảm có những quy luật của nó dù rằng không phải người nào cũng giống người nào. Chóng nở, chóng tàn, lửa rơm mau tắt, gần thường xa thương... là những gì liên quan đến câu hỏi yêu bao nhiêu cho vừa, cho đủ. Tình yêu, không phải một con vật hay một hình hài rõ ràng và cụ thể để có thể cân, đong, đo, đếm thì làm sao có thể có thể có một đáp án cho ăn bao nhiêu kí lô chất dưỡng bồi mỗi tháng, cho uống bao nhiều thuốc một tuần, chích bao nhiêu lần mỗi ngày... Vấn đề quan trọng đó là những cảm nhận rất đặc trưng của người đang yêu... để xử lý hợp lý và tinh tế.
Nếu yêu thật lòng và yêu bằng cả trái tim, bạn sẽ rất dễ dàng cảm nhận rằng mình sẽ hết lòng nhưng rất tỉnh táo. Nếu yêu nghiêm túc, bạn sẽ hiểu lòng mình cũng như lòng đối tượng để có sự ứng xử phù hợp... Đấy là lúc tình yêu được vừa, đủ một cách tương đối chứ không bội thực phải không bạn...
Nếu có một công thức về tình yêu, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong tình yêu hết thì tình yêu sẽ trở thành một kiểu thức ăn nhanh nhàm chán. Lẽ dĩ nhiên, đừng mới quen có một tuần mà đã tấn công, đòi hỏi; đừng quá si mê một ngày gọi điện 20 lần, đừng liên tục nấu cháo điện thoại một ngày vài lần, đừng quá “xa cách” người yêu thì tình yêu có thể lên ngôi. Sự vừa hay đủ chỉ là tương đối chứ không thể là tuyệt đối vì ngay từ vừa và đủ cũng thể hiện tính tương đối của nó quá mức, bạn ạ!
TS HUỲNH VĂN SƠN (TUỔITRẺ Online)

Thursday, February 08, 2007

Một Khi Đã Yêu, Bạn Sẽ Yêu Mãi Mãi!

Có một anh chàng kia yêu cô bạn gái hết mực. Anh chàng lãng mạn này đã gấp 1000 con ngỗng giấy để tặng cho nàng.
Hai người rất hạnh phúc mặc dầu lúc ấy chàng chỉ là một nhân công hạng bét trong một công ty, và tương lai của chàng không mấy sáng sủa.
Một ngày kia cô gái bảo chàng là nàng sắp đi Paris và sẽ không bao giờ trở lại. Nàng cũng bảo chàng là nàng không thể hình dung ra được một tương lai hạnh phúc lứa đôi với nhau.
Với trái tim tan nát đau buồn, chàng phải nhận lời cho nàng ra đi. Nhưng khi chàng đã lấy lại được niềm tin, chàng cố gắng làm việc ngày đêm, mệt nhoài trí óc, mệt thân xác để cho mình được tiến thân.
Cuối cùng, với sự kiên trì và giúp đỡ của bạn bè chàng thành lập được một công ty cho chính mình.
Chúng ta không thể thất bại trừ khi chúng ta bỏ cuộc. Một ngày kia, trời mưa tầm tã, trong khi chàng lái xe, chàng thấy một cặp vợ chồng già trú mưa dưới một cái dù, đang tên đường đi đâu đó. Dù có dù che mưa, họ vẫn ướt như chuột lột. Chỉ lát sau chàng nhận ra đó là hai ông bà thân phụ thân mẫu của bạn gái của mình.
Nhằm trả thù cô gái, chàng lái xe thật chậm bên cạnh hai ông bà, để cho họ thấy chiếc xe hơi sang trọng của chàng. Chàng muốn họ biết là chàng không còn là anh chàng nghèo khó lúc trước; chàng đang làm chủ một công ty, có xe hơi có nhà condo, v..v.. Chàng đã thành công!
Điều chàng thấy sau đó làm cho chàng bối rối: cặp vợ chồng già đó đang đi đến một nghĩa trang, Do đó chàng bước ra khỏi xe và đi theo họ... Rồi chàng thấy cô bạn gái trong một tấm hình đang cười với mình thật tươi như khi xưa, trên tấm mộ bia, và các con ngỗng giấy chàng tặng nàng được bầy bên cạnh...
Cha mẹ của cô gái nhận ra chàng. Chàng hỏi họ việc gì đã xẩy ra? Họ giải thích là con gái họ không có đi Paris, nàng bị ung thư đến thời kỳ trầm trọng. Nàng tin rằng một ngày kia chàng sẽ thành công rực rỡ và không muốn là một trở ngại cho việc tiến thân của chàng... Do đó nàng phải buộc lòng xa chàng.
Khi một người không yêu ta theo cách thức chúng ta mong muốn không có nghĩa là người ấy không yêu ta hết lòng hết sức.
Nàng đã xin cha mẹ mình xếp các con ngỗng giấy trên nấm mộ để một ngày kia nếu định mệnh run rủi đưa chàng trở lại với nàng.. chàng có thể lấy và mang một vài con ngỗng ấy về nhà...
Một khi đã yêu, bạn sẽ yêu mãi mãi! Vì những gì trí óc bạn có thể quên lãng, con tim bạn sẽ nhớ mãi.
Anh chàng chỉ biết khóc nức nở... Không có gì đau đớn hơn là thương nhớ một người, được ngồi kế bên cạnh mà biết rằng không còn bao giờ được thấy, được gần gũi, được sống với người ấy nữa...
Xin dành thời giờ để ý thức rằng bạn đang có một người nào đó thật quý giá đối với mình, vì có thể có một ngày kia bạn sẽ thức giậy để được tin một người bạn cho là không có nghĩa lý gì đối với bạn đã qua đời.
Bùi Hữu Thư sưu tầm (Vietcatholic News)

Bộ xương của Romeo và Juliette từ muôn thuở? Vòng tay ôm 5.000 năm

Hãy gọi đó là vòng tay ôm muôn thủa! Các nhà khảo cồ Italia đã khám phá ra một cặp ôm nhau, có niên đại từ 5.000 tới 6.000 năm trước đây, đang ôm nhau.
Giáo sư Elena Menotti nói: “Đây là trường hợp phi thường! Chưa từng có cặp đôi nào như vậy tìm thấy ở bất cứ thời đại tiền sử nào cả, càng không thấy một cặp ôm nhau chết”.Giáo sư Menotti dẫn đầu toán khảo cổ đào bới vùng Bắc thành phố Mantova.Giáo sư Menotti nói rằng bà tin tưởng đây hầu chắc là một thanh niên và một thiếu nữ, chết trẻ vì bộ răng hãy còn nguyên không bị sứt mẻ gì. Tuy nhiên để định giới tính thì cần phải khảo nghiệm thêm.Giáo sư nói: “Tôi phải nói rằng khi khám phá ra cặp này chôn như vậy, tất cả chúng tôi đều sửng sốt. Tôi đã từng đào bới trong vòng 25 năm qua, tôi cũng đã khai quật cổ vật tại Pompeii, và tất cả những địa danh thời danh nhưng chưa bao giờ thấy vị trí như vậy”.Khám nghiệm tại phân chất sẽ định được tuổi, và niên đại họ được chôn từ bao lâu rồi.
Thiên Ân (Vietcatholic News)

Monday, February 05, 2007

LƯƠNG TÂM

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô
"Lương tâm không bằng lương tháng": đó là đầu đề một bài báo mới đây đưa tin về giám đốc và trưởng kế toán công ty Xổ Số của tỉnh Ninh Thuận hưởng lương người thì 53 triệu, người kia 44 triệu đồng/ tháng. Dĩ nhiên số tiền lương cao ngất này là do họ tự cho mình, hoàn toàn không có gì tương xứng với công lao khó nhọc của họ đối với công ty -(vả lại có loại giám đốc nào làm ăn "khỏe re" như giám đốc một công ty xổ số!). Ngoài ra, những người này còn cho người nhà mình mở nhiều đại lý vé số cấp I để hưởng lợi nữa. Bài báo không quên lưu ý rằng Ninh Thận là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Thật không tin nổi làm sao có thể có những con người vô đạo đức, vô lương tâm đến mức ấy mà không biết xấu hổ! Nhưng mẩu tin sau đây mới lạ đời lam sao: ban giám hiệu một trường trung học phổ thông ở Cà Mau đã dùng số tiền 22 triệu đồng của học sinh đóng góp mua nước tinh khiết để nhậu!
Trong Thư mục vụ năm 2006 mang tựa đề Sống Đạo Hôm Nay (8-9-2006), các giám mục chúng ta viết: "Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân. Điểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng Thiên Chúa ban (...). Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình" (số 5)
Tại sao phải quan tâm cách riêng tới vấn đề lương tâm? Hội đồng Giám mục trả lời: "Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng" (số 5). Nhận định của các giám mục thật đúng, nhưng có lẽ còn nhẹ nhàng và không muốn đi sâu xa hơn. Trong một bài suy nghĩ thêm như tôi đang cố gắng làm đây, có lẽ phải nói mạnh hơn rằng tình trạng suy thoái lương tâm hay ý thức đạo đức là rất nghiêm trọng. Con người ở đâu và thời nào cũng có kẻ tốt người xấu, nhưng khi cái xấu không những tìm cách lấn át cái tốt mà còn "chương mặt" ra khắp nơi như chuyện bình thường thì vấn đề là vô cùng nghiêm trọng.
Tôi thấy ý thức đạo đức không những méo mó mà hình như không còn nữa trong ba loại biểu hiện phổ biến hiện nay: tham nhũng thối nát, dối trá và thiếu ý thức công dân. Tham nhũng thối nát thường gắn với quyền lực. Cái gì cũng đòi ăn, cái gì cũng ăn được. Đến như tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt, tiền trợ cấp người nghèo khổ cũng ăn chận. Tham nhũng là bệnh của kẻ có chức có quyền, nhưng nó cũng tác động tiêu cực trên người dân, vì như người ta quen nói, cán bộ "có làm khó mới ló đồng tiền", còn nhân dân thì "không bôi trơn làm sao chạy việc?". Đây chỉ nói tới những chuyện nho nhỏ "thường ngày ở huyện" mà thôi. Nhiều khi muốn vào một cơ quan, muốn nhờ chuyển một tờ đơn thôi, cũng phải "biết điều" với anh gác cổng, anh cán bộ nhận văn thư, đơn từ. Không làm không được. Riết rồi quen. Còn dối trá cũng thế, nó tràn lan hầu như trong mọi lãnh vực đời sống xã hội, kể cả nơi "trồng người" là ngành giáo dục đào tạo, như mọi người đều biết. Ở bẩn lâu ngày cũng quen, hơn nữa có khi còn lấy cái bẩn làm sạch, coi cái sạch là bẩn! Nói dối thường xuyên cũng vậy. Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: "Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành 'đạo đức', mà cái 'đạo đức' đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy nhưng tôi thấy ít người quan tâm."
Sau cùng, tôi cho rằng ý thức công dân rất kém hiện nay cũng là một biểu hiện của ý thức đạo đức đã cùn mòn. Người ta coi thường công ích, coi thường những qui định liên quan tới lợi ích chung, tới quyền lợi của kẻ khác và trật tự công cọng, tiêu biểu nhất là hiện tượng vô kỷ luật trong giao thông trong các thành phố. Ai cũng dạy con cái phải ngoan ngoãn, chăm chỉ cả khi không có cha mẹ, thầy cô bên cạnh mình, nhưng khi lái xe ngoài đường, ai cũng ngó trước ngó sau, nếu thấy cảnh sát thì tuân hành luật lệ nghiêm túc, nếu không thì mạnh ai nấy chạy bát nháo. Trong xã hội ta, rất nhiều người đã đánh mất lòng tự trọng và không còn biết xấu hổ khi làm điều sai quấy. Đó là một bằng chứng về việc không còn ý thức đạo đức nữa.
Chúng ta đang cố chạy nhanh trên con đường phát triển kinh tế, nhưng rất chậm chạp trong việc xây dựng con người "đạo đức". Đạo đức "làm người" chứ không phải đạo đức chính trị mà thôi. Chính trị nhiều khi có thể ngược với "đạo đức". Nói cho cùng, phát triển tinh thần, phát triển đạo đức còn quan trọng hơn phát triển vật chất, phát triển kinh tế. Nếu ý thức đạo đức mà cứ tụt dốc như thế này thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ có ý nghĩa gì, ích lợi gì thực sự cho dân tộc?
Đối với người công giáo, rèn luyện lương tâm và nhất là sống theo lương tâm ngay chính là một bổn phận thường xuyên bất kể ở đâu, hoàn cảnh nào, lúc nào. Vì tiếng nói lương tâm là tiếng nói của Chúa. Tiếng nói đó bảo chúng ta phải yêu mến và làm điều lành lánh điều dữ. Nó còn chỉ cho biết trong từng trường hợp cụ thể, phải làm điều gì và tránh điều gì. Lương tâm là lề luật chính Chúa ghi khắc vào trong trái tim con người, không phải con người tự đặt ra cho mình để rồi có thể muốn theo hay không, muốn duy trì hay loại bỏ tùy ý (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của công đồng Vaticanô II, số 16). Chúng ta nghe theo lương tâm không chỉ vì sợ luật pháp, sợ bị trừng phạt nhưng vì kính sợ và yêu mến Chúa. Lương tâm ngay chính là lương tâm được chi phối bởi cái lề luật được Chúa ghi khắc vào lòng ta, không phải chỉ bởi những quy định tương đối, tạm thời và có thể thay đổi của các tập thể xã hội loài người. Chúa ghi khắc bằng cách nào? Bằng hai cách: qua con đường tạo dựng, vì thế trí khôn tự nhiên có thể khám phá ra (lề luật tự nhiên) và qua con đường mặc khải siêu nhiên mà đức tin đón nhận. Người ta nói: lương tâm là con đẻ của Chúa và là con nuôi của xã hội. Nói "con đẻ" là nói nguồn cội, còn nói "con nuôi" là nói tới vai trò cần thiết của giáo dục trong gia đình và xã hội.
Đối với người Kitô hữu Việt Nam, việc rèn luyện lương tâm và thực hiện lương tâm ngay chính không những là một bổn phận thường xuyên, mà còn là một đòi hỏi của sứ mạng làm chứng cho Chúa trong tình hình xã hội suy thoái về đạo đức hiện nay nữa. Các giám mục dạy: Anh chị em hãy "nêu gương sáng ... ngay chính tại gia đình cũng như giữa nới mình sống" (Thư chung 2006, số 5).

MÙA XUÂN CHÍN

Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa nhưng đoản thọ. Ông để lại cho đời không nhiều thi phẩm nhưng tác phẩm nào của ông cũng thật đáng trân trọng.
Mùa xuân về, tiết trời nắng ấm, lộc non nhú mầm từ cây cỏ. Mùa xuân làm rộn rã tâm tư. Khí trời sắc xuân hoà quyện làm con người tươi trẻ đến lạ. Đọc bài thơ: Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, cảm được nét tươi trẻ và đầy nhân văn của mùa xuân ngày Tết.
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, hương hoa bàng bạc cả đất trời, những ngày Tết đượm thắm sắc xuân.
Trong làn nắng ửng khói mơ tan.
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà gió biếc,
Trên giàn thiên ly, bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợi tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi:
Ngày mai trong đám xuân sang ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Câu chữ trong thi ca của Hàn Mặc Tử luôn được chắt lọc, ngôn từ được tìm tòi kỹ lưỡng.
Sột soạt gió trêu tà áo biết.
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
Câu thơ thật gợi mở. Trên những mái nhà vách đất của làng quê ngày xưa điểm tô những nụ hoa thiên lý nở vàng, xen giữa màu xanh tươi của lá. Lá và hoa thiên lý tạo nên nét đặc sắc của hương vị quê nhà như lời ca dao:
Thương chồng nấu cháo le le.
Nấu canh hoa lý nấu chè hạt sen.
Gió trêu, gió đùa, gió mơn man làm bất chợt mùa xuân ùa tới.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Mùa xuân từ trong nhà đã lan xa ra vùng đồi núi. Mùa xuân làm tươi cảnh vật mang niềm vui đến cho con người.
Con người của mùa xuân thật trẻ trung, hồn nhiên, đầy sức sống: Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Các cô hát rằng:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy.
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Ở lại làng để vui chơi với nhau thật là hạnh phúc. Nhưng ai đó được đi lấy chồng càng vui hơn. Mùa xuân như thêm đẹp, thêm tươi, thêm rực rỡ hơn..
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Thi nhân dùng từ vắt vẻo, hổn hển thật tài tình. Vắt vẻo ở câu trên chỉ sự thơ ngây, hổn hển ở câu dưới nói lên sư hồi hộp, đợi chờ trong trái tim của những cô gái đang tràn trề sức sống. Ai đó đang ngồi dưới khóm trúc cũng phải rộn ràng:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khâng sực nhớ làng.
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Thấy mùa xuân ở quê người lại nhớ tới cảnh làng mình. Cảnh làng mùa hạ có nắng chang chang và bao nhiêu người thân đang oằn lừng lao động giữa trời nắng gắt. Người ta hay nói sông xanh, sông đỏ, còn Hàn Mặc Tử lại nói sông trắng “Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang”. Nắng đến trắng cả sông, diễn tả sự gay gắt của nắng làm chói chang bạc trắng.
Đây là nét rất nhân bản của người luôn nặng tình với quê hương xứ sở. Thi sĩ họ Mặc cảm xuân nhớ về quê mình nặng tình gởi hồn thơ bộc bạch nổi niềm.
Xuân về Tết đến. Mọi người có dịp để thể hiện tình yêu thương nhau. Gia đình sum họp, tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên, thăm viếng bạn bè người thân làng xóm. Con người rộng rãi, phóng khoáng hơn ngày thường từ cách bài biện trong nhà cho đến giao tiêp ứng xứ với nhau. Nhẹ nhàng thanh lịch như tình xuân ấm áp. Đó cũng là giá trị nhân văn của ngày Tết.
Tết Nguyên Đán Việt Nam tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở làng quê thanh bình.
Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhờ kẻ trồng cây” và tình làng nghĩa xóm...
Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, thường thì gia đình người Việt làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.
Cùng với tranh, hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Đào, miền Nam có hoa Mai. Hoa Đào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình. Ngoài cành Đào, cành Mai, mấy ngày Tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...
Ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bành trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mân ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.
Ngày Tết, dân tộc Việt nam có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ.
Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, nên cần phải “tống cưụ nghênh tân”. Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.
Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.
Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi. Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Các Giáo xứ tổ chức hái Lộc Thánh Đêm Giao Thừa hoặc Sáng Mồng Một Tết. Gia đình Phật Tử hay bên Luơng thì đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.
Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là dồi dào Ơn Chúa, hạnh phúc, sức khoẻ, phát tài phát lộc. Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người", nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
Ngày Tết có biếu quà Tết cho nhau để tỏ ân nghĩa tình cảm. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... Quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường mà là tấm lòng dành cho nhau.
Vào dịp đầu xuân, con cháu thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần cho Ông Bà Cha Mẹ. Ngày Tết ngày Xuân là dịp mọi người dành thời gian cho nhau, con cháu tụ tập đông vui bên gia đình dòng tộc.
Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ.
Mùa Xuân Đinh Hợi đang cận kề. Xuân đem hy vọng đến. Xuân đẩy lui mây xám cuộc đời. Những rủi ro, Xuân mang đi. Điều may mắn, Xuân chở về. Xuân tặng mỗi nhà một cành Mai may mắn, một cành Đào thủy chung. Bó hoa niềm vui, Xuân trao tất cả. Cành lá phúc lộc, Xuân gởi tặng không. Trái tim băng giá, Xuân hâm cho nóng lại. Ánh mắt hận thù, Xuân nhỏ giọt yêu thương. Xuân kết chặt bàn tay nhân loại, để truyền cho nhau hơi ấm tình người. Đôi môi con người, Xuân điểm hoa cười, để thốt nên lời: “Hạnh phúc nhé anh!” (x.Sequela Christi Số 2).
Những Ngày Lễ Tết đang tới gần. Người Kitô hữu quan niệm Tết là Một Hồng Ân.
Một Hồng Ân vì đó là cơ hội cho con người sống tâm tình tri ân, cảm tạ. Ngày đầu năm mới, con người hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của vũ trụ, cùng đích của muôn loài, hướng về để tạ ơn, ngợi khen và chúc tụng. Tạ ơn vì một năm đi qua trong ân sủng, tình yêu và bình an. Tạ ơn vì tình yêu đó vẫn tuôn tràn trên đời sống con người. Tạ ơn bằng việc dâng lên Thiên Chúa tất cả những thành công và những thất bại của một năm qua, cũng như trao phó vào tay Ngài năm mới sắp tới. Lời tạ ơn đầu năm sẽ được tiếp nối và kéo dài suốt cả hành trình đời người.
Một Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người có thể dừng lại - dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng thật hữu ích - trên hành trình cuộc sống đầy những biến động, những bận tâm, những tính toán để mưu sinh. Dừng để nhìn lại một năm đã qua, cái gì tôi đã làm được cho bản thân, cho cộng đồng, cho xã hội, cái gì tôi cần phải khắc phục, biến đổi, cái gì cần phải phát triển, nhân lên… Dừng lại cũng là để chuẩn bị cho hành trình sắp tới, chuẩn bị để cho những dự tính trong tương lai được sáng sủa hơn, vững chắc hơn.
Một Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người trở về nguồn. Mỗi người đều có nguồn cội, tổ tiên, mỗi người đều có một truyền thống vốn được kết dệt từ cha ông tổ tiên. Nhưng suốt một năm dài, vì công việc, vì học hành, vì những lo toan khác do cuộc sống đưa đến, người ta ít có cơ hội để nhớ về cội nguồn và truyền thống đó. Ngày đầu năm mới, mọi người đều sắp xếp để trở về, gia đình sum họp đông đủ. Mọi người thắp nén hương cho tổ tiên, cho những người quá cố. Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ… Gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng ôn lại truyền thống, cùng chia sẻ cho nhau những tình cảm, những suy nghĩ, thật ấm cúng, thật thân thương.
Một Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người gặp gỡ, chia sẻ. Ngày đầu năm, người ta dành thời gian để đi thăm nhau, gặp gỡ nhau, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, chân thành, những nụ cười thiện cảm. Đó là dịp để làm lớn mạnh tình người, làm đậm đà tình làng nghĩa xóm, và làm lớn lên cái nhạy bén với những nhu cầu của tha nhân.Một Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người cật vấn mình. Tết chính là cái “cột mốc” làm cho người ta nhận ra cuộc đời đang trôi đi, thời gian đang qua mau. Cứ mỗi khi thêm một cái Tết, người ta thấy mình già hơn, và thời gian phía trước như rút ngắn lại. Có người nói: “Tổng số quá khứ và tương lai của một đời người là một hằng số”, thêm vào quá khứ thì giảm bớt tương lai. Có lẽ vì vậy mà khi sống tâm tình những ngày Tết, người ta cũng giật mình về quãng đới đã qua, và nảy sinh nơi người ta cái thao thức về ý nghĩa cuộc đời, cật vấn về bản thân mình, về thái độ sống của mình, “vì thời gian đang qua mau, tôi đã tận dụng nó như thế nào hay tôi để nó trôi qua một cách uổng phí.” (x.Sequela Christi Số 2).
Người Việt nam Công Giáo gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền và làm cho những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động. Khi sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, là ta sống lòng tri ân sâu xa vì nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được. Khi cho đi trong ngày Tết là ta cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự. Khi đón tiếp khách thăm viếng là ta như đón tiếp chính Chúa viếng thăm.
Khi sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, người Kitô hữu góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương. Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu vì sẽ dẫn đến mùa Xuân Nước Trời.
Đón Tết và xem Tết như là Một Hồng Ân của Thiên Chúa, sống đầy đủ cái ý nghĩa của những ngày Tết thì chính mỗi người sẽ tràn trề hạnh phúc, tươi trẻ tình xuân, có được một “Mùa Xuân Chín” như Thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An (Vietcatholic News)

Ngày hôm nay

Nghệ thuật sống...
Bên ngoài cửa sổ là một ngày mới bắt đầu và chỉ mình tôi có thể quyết định đó sẽ là một ngày như thế nào.
Nó có thể là một ngày bận rộn, tràn ngập ánh nắng; vui vẻ và sảng khoái nhưng cũng có thể đơn điệu, lạnh lẽo; buồn bã và ủ dột.
Tâm tính tôi là chìa khóa quyết định tất cả, vì vậy chỉ tôi mới chọn được mình sẽ là người như thế nào.
Tôi có thể là người luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người bằng tất cả khả năng mình có được nhưng cũng có thể là kẻ ích kỷ, chỉ biết mình.
Tôi có thể thưởng thức những gì mình làm ra và thi vị hóa nó (nếu xảy ra không như ý muốn) nhưng cũng có thể kêu ca, phàn nàn và gây khó chịu cho người khác.
Tôi có thể kiên nhẫn giúp ai đó hiểu được điều họ chưa thông hoặc xem nhẹ và làm tổn thương họ nhiều như tôi cũng có thể.
Nhưng sau hết tôi có niềm tin vào chính bản thân, vào những gì tôi nói và cá nhân tôi luôn mong làm được những điều tốt nhất mỗi ngày.
BÙI NGUYỄN QUÝ ANH (Theo godslittleacre.net & TUỔITRẺ Online)

VỀ CUỐN PHIM DA VINCI CODE (Mật mã của Họa sĩ De Vinci)

Em thân mến,
Sau một năm, em lại viết thư cho tôi, thêm một lần thứ hai, hỏi ý kiến về cuốn phim đã và đang được được trình chiếu, gần như trên khắp thế giới, trong các đô thị ở Tây cũng như bên Đông, ở miền Bắc cũng như phía Nam của Địa cầu.
Về cuốn tiểu thuyết của Dan BROWN (*), tôi hy vọng em còn ghi nhận một vài điểm chia sẻ then chốt của tôi…Tuy nhiên, để hai anh em chúng ta có thể tiến xa hơn một bước, trên con đường Đức Tin diệu vợi, và nhất là trong lãnh vực có liên hệ đến tác vụ làm chứng về Đức Kitô, trong những tình huống “thuận lợi, cũng như bất lợi”, tôi xin nhắc lại một vài trọng điểm như sau:
1.- Da Vinci Code là một bộ phim đã tìm cách tạo hình và đưa lên màn bạc, cuốn tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, một cách khá trung thực. Không bóp méo và xuyên tạc. Cũng như không tìm cách hoành tráng hóa một vài tiết tấu, theo lối nhìn hòan toàn chủ quan và có chủ định lồng thêm vào một quan điểm mới, không có mặt trong cuốn tiểu thuyết.
2.- Khi đọc cuốn sách, cũng như sau khi xem xong cuốn phim, tôi vẫn khẳng định Đức Tin của tôi một cách quyết liệt, cơ hồ Thánh Phêrô:
- “Thầy là Đấng Thiên Sai”, nghĩa là xuất phát từ cung lòng của Thiên Chúa Ngôi Cha, và luôn luôn có mặt với Ngài, trong mỗi chương trình cứu độ nhân trần”.
- “Bỏ Thầy, con sẽ biết theo ai? Vì chỉ có một mình Thầy là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống cho con và cuộc đời”.
Trước Thánh Thể, tôi vẫn còn nghe Lời dạy bảo của Thiên Chúa Ngôi Cha, hoàn toàn giống như Gioan Tiền Hô, sau khi làm phép rửa cho Đức Kitô, trong dòng sông Gióc đanh:
- “Đây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta, trong mọi lãnh vực. Hãy lắng nghe Người”.
3.- Mỗi lần đọc và suy niệm đọan Phúc Âm, nói về người đàn bà ngọai tình, Lời Đức Kitô vẫn luôn luôn còn hiện thực, một cách rạng ngời, cho tôi và đối với cuộc đời tràn đầy tội lỗi của tôi:
- “Thầy không kết án chị”.
Trên Thánh Giá, trước lúc tắt thở, Đức Kitô cũng đã “tràn đầy và thấm nhuần” tâm tình và lối nhìn Thứ Tha như vậy.
Thứ Tha cũng là một bài học, mà Phêrô đã ghi lòng tạc dạ, trong đáy sâu của cuộc đời, sau khi nêu lên câu hỏi cho Thầy mình:
- “Thưa Thầy, con phải thứ tha đền 7 lần không?”
Trong tinh thần Thứ Tha vô điều kiện ấy, Đức Kitô đã từ chối “xin lữa từ trời xuống thiêu hủy một thành phố của xứ Samary”, khi dân thành nầy đóng chặt cửa, không cho phép Ngài bước vào, dừng lại, nghỉ ngơi và qua đêm.
Cũng với một tâm hồn Thứ Tha như vậy, Đức Kitô đã không mở lời cầu xin Thiên Chúa sai phái các đạo binh Thiên Quốc, để bênh vực Ngài. Trái lại, Ngài đã an bình đưa ra hai tay cho địch thù trói lại, dẫn độ lên ngọn đồi Gôngôtha, đóng đinh vào Thánh Giá. Cuối cùng, Ngài đã chết hẫm hiu và tủi nhục, như một tội nhân gian ác…
Không đi theo con đường Thứ Tha, làm sao Sống Lại với Ngài, như Ngài và nhờ Ngài? Sống Lại là trở nên bao la và trọng đại, giống như Thiên Chúa Ngôi Cha, đúng như Lời của Đức Kitô: “Cái gì của Cha là của Con”.
4.- Hẳn rằng, lối nhìn Đức Tin của tôi về Đức Kitô không bao giờ bị nao núng, xói mòn, tàn lụi hay là thoái hóa. Nhưng như em đã nhấn mạnh lui tới một cách cố tình và cố ý, tôi nghĩ thế nào về “cuộc tình duyên vợ chồng” giữa Đức Kitô và Chị Mađalêna, theo lối nhìn của Dan BROWN?
Nhằm trả lời, một cách trung thực, không lượn lẹo, tôi cần nói trước rằng:
- Nếu tôi nói quá ít, những lời chia sẻ của tôi sẽ khó hiểu, mập mờ,
- Nếu quá chi ly cặn kẽ, tôi có thể bị hiểu lầm là người biện minh, biện hộ cho một cuốn sách hay một cuốn phim đã “bị tẩy chay và khai trừ, vì ý đồ bôi nhọ và phá họai, một cách quá rõ ràng”.
Trong thực tế, tôi không phải là người đã cổ động và khuyến khích em ĐỌC sách và ĐI XEM phim. Tuy nhiên, vì em hỏi, tôi lấy tư cách một người anh, có đôi chút hiểu biết về cuộc đời, tôi dùng sứ điệp ngôi thứ nhất “TÔI”, để trả lời với tất cả tấm lòng chia sẻ và ý thức rằng “Hữu XẠ tự nhiên Hương”.
Chuyên môn của tôi là đi dạy các trẻ em Tự Kỷ. Cho nên, tôi dùng những tin tức, kiến thức và kinh nghiệm thuộc lãnh vực này, để nói chuyện với em.
Hẳn thực, vào giai đọan giữa 3 và 4 tuổi, một em bé bình thường, khỏe mạnh… đã bắt đầu biết chơi những trò chơi “GIẢ BỘ”. Em có thể cầm một khúc gỗ, vừa đẩy lui đẩy tới, vừa phát âm “tò tò…đương khi đó, em hình dung mình đang lái xe lửa vào một đường hầm, bên cạnh sườn núi.
Cùng lúc ấy, đàng sau nhà, ba em bé gái đang dùng lá làm bát đĩa, dùng đất cát và các lọai hoa làm cơm và thức ăn. Ba em mời nhau ăn và đưa lên cằm, giả bộ ăn, nhưng biết rõ đó không phải là của ăn, cho nên không đút vào miệng.
Cũng vào giai đọan phát triển nầy, trẻ em có khả năng nhìn vào mắt mẹ và biết mẹ buồn hay mẹ vui, mẹ cho phép hay là mẹ không đồng ý.
Trái lại, với một trẻ em mang hội chứng Tự Kỷ, có nghĩa là đóng kín mình lại - không tiếp xúc với những người đang có mặt chung quanh, thậm chí với bà mẹ sinh ra mình - trò chơi giả bộ không xuất hiện, cho dù em nầy đã lên 9-10 tuổi. Cũng vì vậy, trẻ em Tự Kỷ không có khả năng ĐỒNG CẢM, nhìn bộ mặt bên ngoài, để có thể đọc được những tâm tình ở bên trong.
Nói khác đi, với trẻ em Tự Kỷ, khúc gỗ chỉ là khúc gỗ. Ngọn lá chỉ là ngọn lá. Khúc gỗ không thể và không bao giờ hướng Tầm Nhìn đến những hiện thực lung linh và diệu vợi khác. Cũng vậy, ngọn lá, cát sạn không thể nào gợi lại một bữa cơm đang gọi trở về những người thân thương và yêu quí. Đang làm sống lại những giờ phút đoàn tụ, hạnh phúc và sung mãn.
Nhờ khả năng HÌNH TƯỢNG còn được gọi là BIỂU TƯỢNG, chúng ta đồng cảm với các bậc tổ tiên, đã từng có mặt chính nơi chúng ta hiện thời đang có mặt.
Nhờ khả năng Đồng Cảm, chúng ta đọc được bao nhiêu khổ đau, ưu tư và hy vọng của anh chị em đồng bào, nhất là của những ai đang đói rách, cùng khổ, mỗi ngày chưa kiếm được một loong gạo để nuôi sống 3 miệng cơm trong gia đình…
Nhờ đồng cảm, tôi sẵn sàng Tha Thứ, giống như Đức Kitô, cho những ai đang mạ lị, xuyên tạc, bôi nhọ… từng lời nói và việc làm của tôi. Sở dĩ họ đã có những hành vi, với bộ mặt bên ngoài hoàn tòan lệch lạc và gây ra cho tôi nhũng vết thương lòng rướm máu… không phải vì họ xấu trong căn cơ, gốc ngọn của mình. Nhưng vì họ đang khổ đau, trong lóng cuộc đời. Cho nên mắt họ thiển cận. Tay họ quờ quạng. Tai họ lùng bùng. Họ chỉ là con múa rối của Vô Thức hay là Vô Minh đang lèo lái họ, trên những nẻo đường xuôi ngược của cuộc sống mà thôi.
Tôi đã phân tích, mỗ xẻ trước mặt em, một số sinh họat của con người, của em cũng như của tôi… để em có thể nhận thức một cách sáng suốt và bình tĩnh về cách hành văn và xây dựng tác phẩm tiểu thuyết hư cấu của tác giả Dan BROWN:
Hẳn thực, Da Vinci Code dẫn đưa chúng ta đi vào thế giới HÌNH TƯỢNG lung linh và diệu vợi. Đằng sau những lối nói như “ tình duyên vợ chồng”, “sinh con”... tác giả muốn nói đến những ước vọng hiệp thông, đồng nhất, kết hợp giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con người có bản chất ban đầu là bùn đất, sa đọa…
Trong lăng kính ấy, chị Mađalêna trong tác phẩm và cuốn phim, chỉ là HÌNH TƯỢNG đang muốn nhắn nhủ hay là gây ý thức cho em, cũng như cho tôi, một đàng về nguồn gốc và khởi điểm tro bụi của mình. Đàng khác, em và tôi cũng cần học NHÌN LÊN, NHÌN XA, NHÌN RỘNG, để thấy cho kỳ được chúng ta đang mang DÒNG MÁU của Trời, trong tận đáy sâu của tâm hồn. Chúng ta có trách nhiệm sinh ra cho đời những đứa con “Tràn đầy và thấm nhuần chất Trời”, trong từng lời ăn và tiếng nói, trong từng cử chỉ và điệu bộ, trong mỗi hơi thở làm người.
Nếu biết lắng nghe ngôn ngữ HÌNH TƯỢNG của Dan BROWN, em sẽ là người Kitô hữu ngày ngày cố quyết “làm nên Trời Mới Đất Mới”, trên mỗi bước đuờng làm người của em.
5. Em ơi, tôi xin dừng lại ở đây.
Tôi không nuôi ẵm tham vọng “tát cạn” mọi vấn đề, vì tôi biết chắc rằng: em là người “nghe một, biết mười”. Chính nhờ vậy, em sáng tạo cuộc đời cho mình và cho kẻ khác, vì em là con của Đấng Sáng Tạo.
Còn hơn thế nửa, thay vì tố cáo, kết tội, tẩy chay và lọai trừ… em hãy can trường đảm nhiệm tác vụ “LÀM CHỨNG NHÂN cho Đức Kitô”, trên mỗi chặng đường làm người của mình. Hãy mở mắt Đức Tin, để nhìn thấy cho kỳ được Con Đường Sống Lại, đã bắt đầu ló dạng, trong những nơi chốn lầm than, lầy lội và đau khổ. Hãy khám phá những điểm tích cực và năng động… trong mọi biến cố, cũng như nơi mỗi người anh chị em, cho dù họ là “Do Thái hay Hy Lạp”… Hãy lắng nghe và tìm hiểu, thay vì “vạch lá tìm sâu”, thấy và phóng đại sai lầm, để tố cáo và kết án, chụp nón cối và gắn nhãn hiệu.
“Em là Nước tưới ngày mai tuổi trẻ,
Trồng Rừng Xanh, phủ hết đất tang thương,
Cưu mang Trời, chiếu rạng vùng tăm tối,
Hạt TIN MỪNG gieo vải khắp mười phương.”
Lausanne - Thụy Sĩ - Những ngày đón Xuân 2007
Nguyễn Văn Thành (Vietcatholic News)
(*) Xem lại bài « Cuốn Tiểu Thuyết Da Vinci Code » của Dan BROWN.

SỐNG VỚI CON TIM RỘNG MỞ

Một ngày đẹp trời năm 1996, bà Marie-Cécile (42 tuổi) - tín hữu Công Giáo Pháp - tự nhủ:
- Làm sao tìm được phòng ốc để có thể tụ họp một số tín hữu và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng?
Bà Marie-Cécile mong ước như thế, bởi vì, trước đó không lâu, nhân chuyến hành hương về đền thánh Đức Mẹ Thánh Tâm ở Issoudun (Nam Pháp) bà khám phá ra linh đạo Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU.
Từ ngày đó, bà ấp ủ dự tính tìm cho ra một linh đạo vững chắc giúp mình tiến bước trên đường thiêng liêng. Nhưng bà Marie-Cécile không muốn đơn độc. Bà quy tụ một nhóm bạn hữu. Và khi tìm được người cùng chí hướng, bà nghĩ đến việc xin các Nữ Tu dòng Đức Bà Thánh Tâm trợ giúp về nơi chốn và linh hoạt các buổi họp.
Khi bà đến gõ cửa cộng đoàn Nữ Tu Đức Bà Thánh Tâm ở Auxerre (Nam Pháp) thì Chị Bề Trên Raymonde (42 tuổi) vui vẻ nhận lời ngay. Các nữ tu bằng lòng cho mượn phòng ốc. Chị Bề Trên cũng sẵn sàng tham dự các buổi họp nhóm để chia sẻ kinh nghiệm sống.
Huynh Đoàn "Sống Với Con Tim Rộng Mở" ra đời từ đó.
Dần dần có thêm người gia nhập Huynh Đoàn. Họ làm đủ thứ nghề nghiệp và thuộc các thành phần nam nữ khác nhau. Mỗi tháng họp nhau một lần.
Trước tiên đọc một đoạn Kinh Thánh. Sau đó chia sẻ suy tư về bài Sách Thánh, lồng khung trong kinh nghiệm sống thường ngày. Bà Claude, y tá về hưu nói:
- Những cuộc chia sẻ này mang đến cho tôi nhiều lợi ích thiêng liêng. Bởi vì, tất cả sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ. Không ai có chủ ý dạy luân lý người khác. Chỉ phát biểu thật đơn sơ, nói lên ý nghĩ riêng tư.
Ông Jacques - giáo viên và cựu thành viên "Con Đường Mới" - đề cao khía cạnh thực tiễn các buổi họp nhóm:
- Các trao đổi ý kiến không nằm trên phương diện lý thuyết. Mỗi người nói lên chứng tá riêng. Chính các chứng tá riêng kích động và giúp chúng tôi can đảm tiến bước trong đời sống thiêng liêng.
Thành viên Huynh Đoàn ”Sống Với Con Tim Rộng Mở” thường phát biểu hết sức đơn sơ và hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, tất cả phải tôn trọng một số qui luật nòng cốt:
- phát biểu với tư cách cá nhân- không được cãi vặt
- tiếp nhận người khác
- không bao giờ cảm thấy bị bắt buộc phải nói lên ý nghĩ riêng tư.
Đó là vài nguyên tắc của việc chia sẻ, giúp giữ vững tinh thần đối thoại và lắng nghe. Nữ tu Raymonde giữ nhiệm vụ điều động nói:
- Lúc đầu, tôi thường xuyên nhắc nhở về các nguyên tắc này. Bây giờ, thỉnh thoảng có người nhắc thay tôi. Chúng tôi hiểu rằng, đây là các nguyên tắc sơ - khởi nhưng trở thành qui luật của Huynh đoàn!
Các thành viên dấn thân trong nhiều hoạt động tông đồ và công tác bác ái khác nhau như: giáo lý viên, hội viên phụ huynh học sinh, thiện nguyện viên các quán ăn bình dân miễn phí v.v. Các sinh hoạt này giúp cho việc chia sẻ sống động và phong phú. Với giọng vui tươi và tri ân, bà Marie-Cécile phát biểu:
- Trong huynh đoàn, vào ngày hội họp, không ai tìm kiếm việc áp đặt tư tưởng mình trên người khác. Trái lại, chúng tôi lắng nghe người khác. Linh đạo này giúp tôi thoát ra chính mình, chấp nhận và mở rộng con tim yêu thương người khác.
Chính nhờ giây phút sống chung và chia sẻ tư tưởng cùng kinh nghiệm sống mà các thành viên Huynh Đoàn ”Sống Với Con Tim Rộng Mở” can đảm công khai làm chứng cho Đức Tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ nơi môi trường nghề nghiệp và xã hội. Làm chứng bằng trọn cuộc sống ngay chính, vui tươi và bác ái.
(”Annales d'Issoudun”, Mai/1998, trang 12-13).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Ðời sống là một quà tặng…

Có một người con gái hận mình vì mình mù lòa. Nàng ghét tất cả mọi người, ngoại trừ anh bạn thân, vì lúc nào anh ta cũng ở bên cạnh để lo lắng cho nàng.
Nàng nói nếu một ngày nào nàng có thể nhìn thấy được thì nàng sẽ lấy anh ta làm chồng.
Thế rồi, một ngày nọ, có người tặng cho nàng một đôi mắt và nàng có thể nhìn thấy mọi sự, kể cả người tình yêu quý của nàng.
Anh ta hỏi, “Bây giờ em đã thấy được mọi sự trên thế gian này, em có muốn lấy anh không?”
Cô gái sững sờ khi thấy người tình của mình cũng mù lòa và từ chối không lấy anh ta.Anh ta buồn rầu, khóc lóc, bỏ đi, và sau đó anh viết cho nàng một lá thư. Lá thư ấy nói như sau, “Em yêu dấu! Xin em hãy gìn giữ đôi mắt của anh.”
………………..
Rất ít người nhớ được quá khứ về đời sống trước đây, và ai là những người luôn luôn ở bên cạnh mình, ngay cả những khi mình gặp khó khăn đau buồn nhất.
Ðời sống là một quà tặng...
Ngày hôm nay, trước khi bạn nói một lời không đẹp về ai - xin hãy nghĩ đến một người câm không biết nói.
Trước khi bạn than phiền về món ăn không ngon miệng - xin hãy nghĩ đến một người không có gì để ăn.
Trước khi bạn than phiền về người chồng hay vợ của mình - xin hãy nghĩ đến một người đang than khóc với Chúa là họ không có được một người bạn đường.
Ngày hôm nay, trước khi bạn than phiền về đời sống của mình - xin hãy nghĩ đến một người đã phải chết đi khi còn quá trẻ.
Trước khi bạn than phiền về con cái - xin hãy nghĩ đến một người muốn có con nhưng lại hiếm muộn.
Trước khi bạn than phiền về căn nhà của mình - xin hãy nghĩ đến những kẻ đang sống vô gia cư ngoài đường phố.
Và khi bạn mệt mỏi và chán chường về công ăn việc làm của mình - xin hãy nghĩ đến những người thất nghiệp, những người tàn phế và những người đang ao ước có việc làm.
Và khi bạn có những ý tưởng đen tối ám ảnh mình - xin hãy nở một nụ cười trên môi và tạ ơn Thiên Chúa vì mình hãy còn sống và còn sinh hoạt bình thường.
Ðời sống là một quà tặng… Xin hãy sống vui, hãy sống trong hoan lạc, hãy chúc tụng đời sống, hãy làm cho đời sống có đầy đủ ý nghĩa!
Bùi Hữu Thư (Vietcatholic News)

Sunday, February 04, 2007

THIÊN CHÚA QUẤY RẦY CUỘC SỐNG CHÚNG TA

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN C (Lc 5, 1 – 11)
Thưa quý vị,
Để cảm nghiệm được ý nghĩa lời chúa hôm nay đòi hỏi người ta phải có kinh nghiệm bản thân- như tuần trước. Mường tượng chung chung chẳng đủ. Vì thế những ai quen sống lầu hồng gác tía sẽ thất bại. Chỉ những người dám dấn thân dính líu vào các rắc rối “sự đời” mới có khả năng cảm nhận Chúa muốn nói gì với chúng ta. Hay dùng kiểu diễn tả thường tình: Tại sao tôi lại vướng mắc vào chuyện này? Tại sao tôi lại nhúng tay vào chân? Chẳng là vì cuộc sống hàng ngày gây cho người ta nhiều phiền toái. Thí dụ con cái hư hỏng, nợ nần ngập cổ, cãi cọ gia đình. Mới lập gia đình, đượclàm cha làm mẹ là một hạnh phúc tuyệt vời, nhưng qua nhiều năm tháng sống, chuyện gia đình trở nên khó khăn nhiều gánh nặng, đỏi hỏi kiên nhẫn, yêu thương và cố gắng hy vọng liên tục. Liệu những bậc làm cha mẹ nào mà không cảm thấy như vậy? Tu sĩ, linh mục sống một mình nhiều lần cũng phải phàn nàn như vậy. Tôi quen biết một ông bạn, ông ta nhắc đi nhắc lại lời tôi vừa kể: “Tại sao tôi lại gặp rắc rối ngoài ý muốn?” Con cái ông ta đã lớn, cần thêm phòng ngủ. Ông nới rộng nhà và làm một mình, giữa chừng công việc nhiều quá. Ông vất luôn búa xuống sàn, dơ tay lên trời kêu than! Thế đấy, các học sinh, sinh viên trước bài vở ngập đầu cuối năm để thi tốt nghiệp, chuyển lớp, chuyển cấp đều gặp khó khăn tương tự!
Đây là tâm lý thánh Phêrô và các bạn gặp phải khi đi trên con đường làm tôi Chúa. Nhất là sau khi nghe Chúa giảng và mục kích những việc Ngài làm, những khó khăn, chống đối, nhất là khi Ngài nhắc tới Giêrusalem như điểm tới của cuộc đời mình: “Tại sao chúng ta phải vướng mắc vào? Họ hỏi và không có câu trả lời. Rồi họ còn được Chúa yêu cầu từ bỏ bản thân, gia đình, nghề nghiệp, địa vị để theo Ngài? Tại sao chúng ta lại vướng mắc vào chuyện của ông ta? Nhưng xin khoan đề cập đến kết thúc, chúng ta đang ở giai đoạn đầu. Chúa Giêsu đang kêu gọi và thu thập các môn đệ. Công việc xem ra đơn giản, nhưng sự thực Tin Mừng hôm nay gợi ý Phêrô và các bạn đang chìm sâu vào “sự kiện” làm tôi Chúa. Họ được Chúa đòi hỏi phải dấn thân hơn nữa trong quan hệ với Ngài. Tất cả câu chuyện khởi sự khi Chúa bước xuống thuyền và yêu cầu ông ra khơi thả lưới bắt cá: “Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống và từ trên thuyền người giảng dạy đám đông. Giảng xong Người bảo ông Simon: chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Quý vị hẳn đã đoán ra ý nghĩa của đoạn Tin Mừng? Lời giảng dạy liên quan đến chiếc thuyền và bản thân ông Phêrô. Chúng ta có thể mường tượng mình được nghe Lời Chúa từ thuyền ông, chứ không phải từ bất cứ thuyền hay địa điểm nào khác. Ý nghĩa hết sức quan trọng và rồi Phêrô sẵn sàng nghe theo lời bác thợ mộc khuyên bảo “chèo ra chỗ nước sâu thả lưới bắt cá”. Điều mà nghề nghiệp của ông đã luống công, chẳng bắt được gì. “Thưa thầy chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.” Rõ ràng ông và các bạn đã thất bại, mặc dù bắt cá là nghề nghiệp của họ.
Từng bước một chứ không phải ngay lập tức Phêrô và các bạn trở nên môn đệ chính quy của Chúa Giêsu! Đầu tiên là “xa bờ một chút”. Rồi Phêrô và các bạn phải tiến sâu hơn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, tức chỗ mà Phêrô và các bạn không còn khả năng. Các ông đã thất bại, suốt cả đêm chẳng bắt được con cá nào! Nhưng việc nghe lời Chúa và theo ý Chúa đã khiến mọi sự ra khác, hoàn toàn khác. Đây là bài học sâu sắc cho chúng ta, bởi thường kiêu ngạo, cậy dựa vào tài sức mình hoặc huênh hoang vì những thành công to lớn, không thèm nghe và làm theo tiếng Chúa. Tệ hơn nữa bắt Chúa phải theo ý mình mới thành công, không thì chắc chắn thất bại. Thái độ của đa phần các nhà giảng thuyết bây giờ là như vậy. Xin lưu ý, thánh Luca lúc này gọi Phêrô bằng tên kép: Simon-Phêrô, trước kia ông chỉ viết Simon mà thôi. Luca đã ghi nhận một bước tiến nhỏ của Phêrô trong ơn gọi làm môn đệ Chúa, sau mẻ cá khổng lồ! Chúng ta cũng vậy, từng bước từng bước thay đổi lòng dạ để theo Chúa, chứ không phải tức thời nhảy vọt.
Thực tế đúng như vậy. Nhiều linh hồn khiêm nhường đã chỉ dám thực hiện những “việc bé nhỏ” để phục vụ Chúa giúp đỡ tha nhân. Nhưng dần dần họ lớn lên trong tinh thần bác ái, và thực hiện những kỳ công dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh. Liệt kê hết thì vô kể, chẳng hạn như Charles de Foucauld, Têrêsa thành Calcutta, cha Pierre (qua đời 01/2007). Họ làm việc cực nhọc, đôi khi cảm thấy kiệt sức, thất vọng nhưng vẫn yêu mến công viêc. Thí dụ, người tín hữu nào đó quyết định làm giáo lý viên dạy các lớp giáo lý cho trẻ em, sau đó theo dõi các em và đưa các em tham dự các tuần tĩnh tâm, học giáo lý thêm sức, bao đồng, hôn phối… Còn những trường hợp khác, tụ họp thành các nhóm xây dựng, hoặc sửa chữa nhà cửa cho những cư dân nghèo ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hay khu ổ chuột thành phố… Ngoài ra họ cũng có thể đi quyên góp quần áo cũ, đồ dùng dư thừa ở các khu phố khá giả sau đó phân phát cho người nghèo thiếu thốn. Hàng trăm công việc từ thiện như vậy thuộc sứ vụ vươn tới xã hội. Một người đàn ông mua một bữa cơm trưa cho trẻ em lang thang trong khu phố, gần chỗ ông làm việc, thấy công việc hữu ích, ông khuyến khích gia đình hàng xóm, láng giềng, bạn bè thân thích góp tay làm 50 đến 100 ổ bánh mì kẹp thịt phát không cho những gia đình nghèo dọc theo con đường ông đi làm việc. Đó là cách thức chúng ta dần dần trở nên môn đệ Chúa, mở rộng bàn tay nhân ái đến các thân phận nghèo trong xã hội.
Ở mỗi buổi phụng vụ, chúng ta luôn được nghe Chúa thúc giục qua các bài đọc Kinh Thánh, chúng ta đừng để tiếng gọi đó tắt ngúm khi ra khỏi cửa nhà thờ. Nhưng hãy đem ra thực hành. Trước hết, “xa bờ một chút”, rồi dần dần ra “chỗ nước sâu”. Chúng ta hãy lắng nghe và đáp trả như Phêrô và các bạn ông khi xưa. Chúng ta trở nên “đồng chí” với Phêrô và rồi chia sẻ thay đổi căn tính như ông, từ bác thuyền chài chuyên nghiệp đến kẻ chuyên “bắt cá” linh hồn người ta. Đó là điều Thiên Chúa muốn. Khi đã chín muồi, thay đổi từ chiều rộng đến chiều sâu, Chúa Giêsu sẽ cải tên cho chúng ta giống như Ngài đã cải tên cho Phêrô, gọi ông là đá tảng đức tin mà Luca thuật lại ở cuối bài đọc 3 hôm nay: “Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.” Theo Chúa Giêsu đòi hỏi phải từ bỏ hết mọi sự, nhận lấy căn tính mới và đi thu hút linh hồn tha nhân. Liệu chúng ta có làm đúng tiến trình đó? Hay bỏ qua một khâu nào đó? Từng bước, từng bước một chúng ta là những kẻ lắng nghe, thấm thía Lời Chúa và đáp trả thành thật.
Cũng trong bài Phúc Âm này, lần đầu tiên sử gia Luca dùng cụm từ “Lời Chúa”. Cụm từ mà ngày nay phổ thông trong thế giới công giáo, nhưng cũng là cụm từ bị hiểu sai nhiều nhất. Thánh nhân viết: “Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa”. Ước chi các nhà rao giảng thời nay cũng có được quang cảnh này. Nhưng để được như vậy, họ không còn cách nào khác ngoài noi gương cách sống của Chúa Giêsu. Chính Người là lời Thiên Chúa. Và đây cũng là lần đầu tiên các môn đệ gọi Chúa Giêsu bằng “thày”: “Thưa thày, chúng tôi đã vất vả suốt đêm…” Phêrô có sáng kiến khởi sự gọi Chúa như vậy. Trong suốt Phúc Âm Luca, chỉ có các môn đệ gọi Ngài bằng danh xưng ấy mà thôi. Chúng ta hãy suy nghĩ xem tại sao? Tiếng thày có ý nghĩa chi với họ (với chúng ta)? Sau này trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu xác nhận tước hiệu đó: “Anh em gọi ta là Chúa và là thày thì chí phải…” (Ga 13, 13). Rồi Ngài giải nghĩa “vậy nếu thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau”. Thật quá thấm thía, nếu so với thái độ cha chú của chúng ta ngày nay. Lạy Chúa, xin cho chúng con đủ khiêm tốn phục vụ Chúa mà không cần phải là ông kia bà nọ. Nhưng biết lắng nghe tiếng Chúa chỉ bảo và quyết tâm làm theo những gì Chúa đòi hỏi, vì Chúa là thầy dạy của linh hồn chúng con. Và “quyền năng” chủ yếu của chúng con hệ tại việc nghe và đáp trả “lời Thiên Chúa” chứ không phải hò hét, dương oai.
Bất cứ ai trong chúng ta đáp lời Chúa kêu gọi “chèo ra chỗ nước sâu” đều cảm nhận được công việc là gì và cần bao nhiêu sức lực để trung thành với Ngài, nhất là khi kết quả chẳng thể trông thấy ngay. Chúng ta đâu có xem thấy lập tức mẻ lưới nặng trĩu những cá như Phêrô và các bạn? Hơn nữa đôi lúc cũng giống như Phêrô, chúng ta cảm thấy mình yếu đuối và tội lỗi. Chúng ta thường kêu lên như ông: Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi. Hay như Isaia trong bài đọc một: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế!”. Tác giả Luca nhấn mạnh lời Thiên Chúa như nguồn mạch quyền năng và thực phẩm nuôi dưỡng chúng ta trong vai trò làm môn đệ Chúa. Chúng ta đang trên đường đi với Ngài, cố gắng sống lời Ngài và đáp lại tiếng Ngài mời gọi, đặc biệt khi Ngài dẫn đưa chúng ta ra “chỗ nước sâu”, và chúng ta lại phải tự hỏi: “Tại sao tôi vướng mắc vào hoàn cảnh như thế này?”
Tuần vừa qua, Luca đã thuật lại sứ mệnh của Chúa Giêsu trong hội đường Dothái, nó giống của Giêrêmia, được thi hành với nhiều cay đắng và khổ nhục, thậm chí cái chết. Hôm nay Isaia cũng thấy mình đứng trước nhan Thiên Chúa và cũng cảm thấy bất xứng, nhưng ông đã được thanh tẩy và sẵn sàng làm theo thánh ý. Tương tự, Phêrô cảm nhận mình ngập chìm trong uy quyền của Đức Kitô, và cũng phải hô lên: Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu đã gọi và chọn ông để làm công việc của Ngài bất chấp yếu đuối và bất xứng. Vấn đề là, không phải chúng ta có xứng đáng hay không, nhưng là Thiên Chúa gọi và chọn. Ngài đủ quyền tha thứ và ban ơn. Chúng ta có thể nhiều lần cảm thấy mình bất xứng. Tuy nhiên Chúa Giêsu không bảo Phêrô làm một cử chỉ chứng tỏ đức tin rồi đi về nhà ăn chay cầu nguyện. Đúng là tin vào Ngài phải như vậy và còn nhiều hơn nữa. Nhưng Ngài bảo ông cùng các bạn ra xa thả lưới bắt cá, tức hãy đi vào thế gian thu thập môn đệ cho Ngài. Chúng ta, những môn đệ Chúa cũng vậy, phải dùng lời nói và hành động hàng ngày chia sẻ đức tin cho tha nhân, để họ trở nên môn đệ Chúa.
Simon Phêrô nhận được ơn gọi khi đang hành nghề kiếm sống. Ông đáp trả thuận lợi bằng cách thay đổi cuộc sống, nếp suy nghĩ. Chúng ta thì sao? Là Kitô hữu, chúng ta cũng phải bày tỏ tiếng xin vâng của mình bằng cách lớn lên trong ơn nghĩa Chúa, từ bỏ tội lỗi, chấm dứt kiêu ngạo, ăn ở khiêm tốn. Chẳng có gì là hèn hạ trước mặt Chúa, ngoại trừ phản bội. Chẳng có chi là “cao sang, thứ nhất” trước mặt Chúa ngoại trừ lòng khiêm nhường. Cho nên những công việc hàng ngày chúng ta thực hiện với lòng khiêm cung chân thật đều mang giá trị trước mặt Thiên Chúa. Khi vâng theo thánh ý, có thể Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến nơi, đến việc chúng ta chẳng thể ngờ trước. Chúng ta sẽ ngạc nhiên nói rằng: “Tôi chẳng biết tại sao lại vướng mắc vào chuyện này… nhưng thế nào đi nữa vẫn hữu ích cho tôi.” Vì luôn có Chúa ở cùng tôi, tôi đang phục vụ Ngài. Và Ngài sẽ nói với tôi: “đừng sợ.” Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP (Vietcatholic News)

Điểm tựa

Nghệ thuật sống...
Ngày hôm đó, trong mấy đoàn người lên núi, chỉ mình anh là chống nạng và tất nhiên chỉ mình anh là người đi chậm nhất. Tôi chú ý đến anh không phải vì chiếc nạng hay vì một bên chân cụt đến quá nửa đùi, mà vì anh tỏ ra bình thản với chuyện “một mình giữa đám đông”.
Con đường đi lên núi khá dài và khá dốc nên có nhiều trạm nghỉ chân dành cho du khách vừa nghỉ ngơi vừa ngắm cảnh. Ở trạm dừng chân thứ ba, những giọt mồ hôi tuôn ra ướt đẫm lưng áo và tóc anh. Anh ngồi tựa vào chiếc ghế đá dưới gốc cây sứ trắng, thở dốc và ngắm biển. Cậu bé đi cùng anh nãy giờ đã bắt đầu thấy chán, đôi chân cứ hết duỗi ra lại gập vào, mắt thì ngóng theo bước nhảy tung tăng của lũ trẻ vô tư đang cố phóng hai bậc một để lên núi cho nhanh. Hiểu được điều này, anh đưa tay chạm khẽ vào vai cậu bé, cất giọng từ tốn:
- Em cứ lên núi trước đi, đừng đợi anh làm gì. Anh đi một mình được mà.
Cậu bé thật ra chỉ chờ có vậy, liền nhoẻn miệng cười sung sướng rồi nhanh chóng quay lưng nhảy luôn hai bậc một, quên cả câu chào. Mất người bạn đồng hành nhỏ tuổi, anh càng nổi bật nét “một mình” giữa đám đông thiên hạ. Nhiều ánh mắt nhìn anh ra vẻ thương hại. Quả thật với 800 bậc thang thấp kề nhau, người bình thường như tôi đi còn khá đuối, nói gì anh. Nhưng anh lại không ngại trước những khó khăn.
Thật là tuyệt khi người ta biết cách sống như vậy. Giữ vững sự bình thản bằng một phong thái đĩnh đạc, ngay cả lúc phải “đứng một mình”.
Trong cuộc sống, rõ ràng ai cũng có lúc phải “đứng một mình” với một núi ước mơ và công việc, nhưng để đứng cho thật vững vàng không phải là dễ. Đôi khi con người ta cứ thấy chông chênh vì trạng thái “một mình” ngơ ngác, rồi quay quắt kiếm tìm điểm tựa tận đâu đâu, quên mất điều quan trọng này: “Điểm tựa thật sự tồn tại ngay chính trong mỗi con người”.
CHUNG THANH HUY (Từ Internet & TUỔITRẺ Online)

Chúa Nhật 5 Thường Niên - 5th Sunday in Ordinary Time (Luke 5:1-11)

Bài Đọc I: Isaiah 6:1-8 II: 1Cor 15:1-11
Phúc Âm Luca 5:1-11
(1) Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét. (2) Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. (3) Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. (4) Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá". (5) Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới". (6) Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. (7) Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. (8) Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" (9) Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. (10) Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá. (11) Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Chi Tiết Hay
* Sử dụng từ "lời Thiên Chúa" ở đầu đoạn Tin Mừng cho thấy là việc Đức Giêsu gọi những người đánh cá và việc họ đáp lại lời gọi đều là những cơ hội để việc rao giảng Tin Mừng được hữu hiệu.
* Giữa hai chiếc thuyền đánh cá, Đức Giê-su chọn chiếc thuyền của ông Phê-rô. Việc đó ám chỉ ông sẽ lãnh đạo Hội Thánh sau này. Tuy nhiên các bạn của ông sẽ luôn luôn ở đằng sau ông để sẵn sàng hỗ trợ ông.
* Chiếc thuyền của ông Phêrô được coi như biểu tượng của Giáo Hội. Đức Giêsu xuống thuyền để giảng dạy dân chúng và từ chiếc thuyền của Phêrô, tức là Giáo Hội, Ngài vẫn còn đang tiếp tục giảng dạy cho toàn thể nhân loại.
* Trả lời Đức Giê-su, ông Si-mon đã chí lý nói lên những khó khăn khi không bắt được con cá nào. Đúng vậy, ban đêm là thơì gian tốt nhất để thả lưới mà còn chẳng bắt được con cá nào, thì ban ngày dù có tiếp tục cũng vô ích mà thôi.
* Mẻ cá lớn bắt được là hình ảnh rất nhiều dân tộc được nghe rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
* Đổi cách xưng hô từ "Thưa Thầy" thành ra "Lạy Chúa" ông Phêrô đã nhận ra Đức Giêsu không phải chỉ là một rabbi thông thường.
* "Từ nay" là một thành ngữ thánh Lu-ca sử dụng để nói về sự khởi đầu của thời đại cứu rỗi.
Một Điểm Chính: Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy cùng với Người đem sứ điệp cứu rỗi đến cho toàn thể nhân loại. Hành trang duy nhất chúng ta cần có khi đáp lại lời gọi của Người, đó là hãy đặt niềm tin vào Người.
Suy Niệm
1. Chúng ta sẽ đáp lại thế nào khi Chúa Giê-su đến chiếc thuyền của chúng ta và bảo chúng ta hãy thả lưới bắt cá?
2. Chúng ta có sẵn sàng bỏ lại mọi sự như các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an để thi hành những gì Chúa mời gọi chúng ta không?
3. Chúa Giê-su muốn hiểu như thế nào khi Người nói với ông Phê-rô "Đừng sợ"? Tại sao Người nói như thế? Chúng ta sợ điều gì?
--------------------------------------------------
5th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Is 6:1-8 II: 1Cor 15:1-11
Gospel Luke 5:1-11
(1) While the people pressed upon him to hear the word of God, he was standing by the lake of Gennes'aret. (2) And he saw two boats by the lake; but the fishermen had gone out of them and were washing their nets. (3) Getting into one of the boats, which was Simon's, he asked him to put out a little from the land. And he sat down and taught the people from the boat. (4) And when he had ceased speaking, he said to Simon, "Put out into the deep and let down your nets for a catch." (5) And Simon answered, "Master, we toiled all night and took nothing! But at your word I will let down the nets." (6) And when they had done this, they enclosed a great shoal of fish; and as their nets were breaking, (7) they beckoned to their partners in the other boat to come and help them. And they came and filled both the boats, so that they began to sink. (8) But when Simon Peter saw it, he fell down at Jesus' knees, saying, "Depart from me, for I am a sinful man, O Lord." (9) For he was astonished, and all that were with him, at the catch of fish which they had taken; (10) and so also were James and John, sons of Zeb'edee, who were partners with Simon. And Jesus said to Simon, "Do not be afraid; henceforth you will be catching men." (11) And when they had brought their boats to land, they left everything and followed him.
Interesting Details
* The "word of God", the introduction of this term at the beginning of the episode signals that the calling of the fishermen and their response is an occasion of the effective proclamation of the Good News.
* Of the two boats, Jesus selected Simon's, here the spotlight is on Simon Peter who would later lead the early Church, but his companions are always in the shadows, ready to help.
* Simon's boat is seen as a symbol of the pilgrim Church on earth. Jesus gets into the boat in order to teach the crowds and from the bark of Peter, the Church, He continues to teach the whole world.
* Simon's reply to Jesus, stating the difficulties of not catching anything, is a reasonable enough answer. For fishing was best at night, and if nothing had been caught by then, daytime fishing was useless.
* The vastness of the catch is a symbol of the nations to whom the gospel will be preached.
* Shifting from "Master" to "Lord", Peter realized that Jesus is more than a rabbi.
* "Henceforth" or "from now on" is a Lucan phrase denoting the beginning of a new period of salvation.
One Main Point: God's invitation to each of us to participate with him in bringing his message of salvation to all mankind. The only baggage needed in following his calling is to put our trust in him.
Reflections
1. How would we respond when Jesus chose to come on board our boat and instructed us to cast out our nets for a catch?
2. Would we be ready to give up everything like Peter, James and John to do what God's calling involved?
3. What did Jesus perceive when he said to Simon "do not be afraid," why did he say that? What could we be afraid of?