Saturday, December 16, 2006
HÃY VUI LÊN
Phaolô mời gọi các tín hữu của Ngài: “hãy vui lên”. Tiên tri Sophônia nói: “hãy ca lên”. Tôi phải làm gì để chuẩn bị tâm hồn đón Thiên Chúa đến? Tôi phải làm gì để có thể sống vui?
1. Vì Thiên Chúa ở giữa ngươi
Tiên tri Sôphônia cho rằng phải ca hát vì Thiên Chúa đang ở giữa dân Người, vì Thiên Chúa đã đẩy lui quân thù cho dân, vì Thiên Chúa sẽ thêm sức mạnh cho dân Người, vì Thiên Chúa yêu thương dân Người, Ngài quy tụ cả những kẻ đã bỏ lề luật của Ngài.
Thiên Chúa ở với ai, thì người đó sẽ được Thiên Chúa bảo vệ. Thiên Chúa đã ở với Abraham khi ông đi vào Aicập, Ngài đã bảo vệ ông khỏi bao tai họa và bênh vực quyền lợi của ông. Khi Sara, vợ của Abraham, được thương yêu và bị bắt làm vợ vua Pharaô, thì Thiên Chúa đã đổ tai họa xuống người Aicập và buộc Pharaô phải trả Sara về cho Abraham. Thiên Chúa đã ở với Giacóp, đã đi với Giacóp và dẫn ông trở về quê cha đất tổ khi ông chạy trốn Esau. Thiên Chúa đã ở với Môsê, để ông có thể đứng vững trước vua Pharaô, để ông có thể đem dân Do Thái ra khỏi Aicập. Thiên Chúa đã ở với các tiên tri, để làm cho các tiên tri dám nói những điều mà những người có quyền thế và dân chúng không muốn nghe.
Hôm nay người ta biết rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Ngài luôn luôn hiện diện với tất cả mọi người và với dân Người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, Ngài luôn trợ giúp con người vì tất cả đều là con dân của Ngài. Không nhờ Ngài, không gì có thể hiện hữu và thành sự. Thiên Chúa hạnh phúc khi ở với con người. Con người cần Thiên Chúa để sống hạnh phúc, và Thiên Chúa cũng cần con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa đang ở với con người, đó là lý do mọi người cần biết để có thể vui lên.
2. Vì Chúa đã gần đến
Thánh Phaolô kêu gọi dân thành Philip hãy vui lên, vì “Chúa đã gần đến”. Với thánh Phaolô, Đức Giêsu là Đấng có thân phận Thiên Chúa, Ngài đã tự hủy khi mang thân phận con người, Thiên Chúa đã đến và ở giữa con người, hiện Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đến hiện diện giữa trần gian trong thân phận con người, và Ngài sẽ lại đến. Ngài đang đến, nên các Kitô hữu hãy vui mừng.
Tại sao vui khi Chúa đến gần? Trong quan niệm của thánh Phaolô, Đức Giêsu là niềm vui, là bảo chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào! Chúa tới, là để cứu độ con người, để giải phóng toàn diện con người, đưa con người vào hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Vì vậy, Kitô hữu vui biết bao khi biết Chúa đang tới gần. “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi… Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại đón anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng được ở đó với Thầy”.
Trong khi chờ đợi Chúa, Kitô hữu hãy sống ôn hòa. Niềm vui phải tỏa rạng trên gương mặt của các Kitô hữu, vì đây là niềm vui lớn vô cùng. Trên đời này, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui này: Chúa đến để cứu độ con người, để đưa con người tới hạnh phúc viên mãn. Dân ngoại không biết, nên không có niềm vui này được; còn Kitô hữu biết điều này, nên họ vui. Nếu Kitô hữu không biết điều này, thì thánh Phaolô đã nhắc nhở các con cái của Ngài: “hãy vui lên, tôi nhắc lại lần nữa: anh em hãy vui lên trong Chúa”.
3. Đức Giêsu- niềm vui của con người
Đức Giêsu quả thực là niềm vui của con người! Khi được sinh ra tại chuồng chiên cừu nơi làng Bêlem, không ai biết Ngài là nhân vật đặc biệt. Khi sống thời thơ ấu tại Nazarét, cũng chẳng ai biết nguồn gốc thần linh của Ngài ngoại trừ Đức Mẹ và thánh Giuse. Khi Ngài đi rao giảng, Ngài được coi là một tiên tri, là người qua đó Thiên Chúa hiện diện và yêu thương dân Người. Với tư cách là một tiên tri, người của Thiên Chúa, Ngài cũng đã làm cho dân chúng thêm tin tưởng vào Thiên Chúa, làm cho dân chúng vui vì họ cảm nhận Thiên Chúa quan tâm và an ủi dân Người.
Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ nhận biết Đức Giêsu hoàn toàn lấy ý Thiên Chúa làm ý mình, Ngài chấp nhận vâng phục cho đến chết, Ngài hoàn toàn phó thác tất cả trong tay Thiên Chúa, Ngài thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Đức Giêsu có nguồn gốc thần linh; điều này là nguyên nhân khách quan làm Kitô hữu vui mừng.
Một khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng đồng bản tính với Thiên Chúa, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, thì Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng! Thiên Chúa đã yêu thương con người đến cùng cực nên mới cho Con của Ngài nhập thể làm người! Con người thật hạnh phúc dường bao khi nghe Tin Mừng này. Niềm tin này ảnh hưởng trên con người toàn diện, làm con người vui mừng hân hoan. Đâu còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui này! Niềm vui này phải lan tỏa và chi phối toàn diện con người, cả về thể lý lẫn tinh thần. Ước gì mỗi Kitô hữu tin tuyệt đối vào Đức Giêsu Kitô, để cuộc đời của mỗi người là dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương con người được biểu lộ qua Đức Giêsu Kitô.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Xin chia sẻ niềm vui lớn nhất trong đời bạn.
2. Bạn có kinh nghiệm về nỗi buồn không? Nó là gì? Nó có đáng cho bạn buồn không?
3. Đức Giêsu có ảnh hưởng nhiều trên đời bạn không? Xin chia sẻ!
Chúa Nhật III mùa vọng C _ LM Phạm Thanh Liêm, SJ
"CHÚA GẦN ĐẾN"
(Lc 3, 10-18 - Chúa Nhật 3 Mùa Vọng)
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng - 3rd Sunday of Advent (Luca 3:10-18)
Phúc Âm Luca 3:10-18
(10) Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây?" (11) Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy". (12) Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" (13) Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình". (14) Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình". (15) Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Đấng Mêsia. (16) Ông Gioan trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. (17) Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi". (18) Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
Chi Tiết Hay
- Khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, ông loan báo "một phép rửa để tỏ lòng sám hối" (3:3). Khi ông rao giảng, ông kêu gọi mọi người "sinh hoa quả xứng với lòng sám hối" (3:8). Ở đây ta thấy nhiều nhóm khác nhau đến xin Gioan cắt nghiã rõ hơn họ phải đem lại những "hoa trái" nào.
- Theo quan niệm Do Thái thời đó nếu một người nào có của cải gì nhiều thì tự đông người khác sẽ có ít đi. Và nếu ai có nhiều hơn nhu cầu của mình thì bị coi là tham lam, một điều đáng xấu hổ.
- Dưới thời Đế quốc La Mã, những người thu thuế là dân bản xứ. Họ phải trả cho La Mã một món tiền để thầu được chức vụ này. Khi thu thuế của dân họ sẽ lấy lại số tiền vốn đó và nếu thu được hơn, họ sẽ được hưởng như tiền lời.
- Những người lính này được hiểu là người Do Thái phục vụ cho ông vua bù nhìn Hêrôđê. Họ thường bị dân chúng khinh bỉ vì làm tay sai cho ngoại bang.
- Cởi quai dép là nhiệm vụ của người đầy tớ. Con cái trong nhà không phải làm công việc này. Các đệ tử của các rabbi cũng không phải làm công việc này. Vì thế khi Gioan Tẩy Giả nhận mình không xứng đáng cởi quai dép cho Đức Kitô, ông tự xác nhận không phải là môn đệ của Đức Kitô, mà chỉ là đầy tớ hoặc thấp hơn nữa.
Một Điểm Chính
Những người sẵn sàng muốn hoán cải không phải là những lãnh đạo tôn giáo nhưng là những người đang bị khinh bỉ trong xã hội Do Thái thời đó.
Suy Niệm
1. Tham lam, ích kỵ và lạm quyền có ít nhiều vẫn là vấn đề đối với tôi chăng?
--------------------------------------------
3rd Sunday of Advent
Friday, December 15, 2006
Lời giới thiệu "Thay thái độ đổi cuộc đời"
Một thái độ sống tích cực sẽ giúp bạn luôn lạc quan, yêu đời, tự tin để nhẹ nhàng lướt qua mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống. Ngược lại, một thái độ sống tiêu cực sẽ đóng chặt bạn vào những suy nghĩ, cách nhìn phiến diện, vị kỷ, tự ti, đau khổ và dễ dàng dẫn đến thất bại, bất hạnh. Thái độ của bạn ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc bạn làm.
Chúng ta ai cũng ít nhất một đôi lần mắc phải những sai lầm, gặp thất bại, hay ở một trạng thái tinh thần chán nản tồi tệ - nhưng không vì thế mà chúng ta mãi bị ám ảnh, day dứt mà không bao giờ dám tin mình sẽ khác đi hay không dám làm một điều gì cả. Chính thái độ sống của chúng ta sau những va vấp ấy sẽ quyết định: Liệu chúng ta có cho phép mình trượt dài trên những thất bại triền miên hay sự va vấp ấy sẽ chính là một cơ hội, một bài học, một trải nghiệm quý báu để chúng ta vươn lên, vững vàng và hoàn thiện mình hơn?
Attitude is Everything for Success - cuốn sách nổi tiếng và được bạn đọc trên thế giới đánh giá cao với lượng phát hành hàng triệu bản của tác giả Keith D. Harrell - sẽ mang lại cho bạn những lời khuyên bổ ích, thiết thực, qua những câu chuyện sống động, những ví dụ minh họa có thật, những cảm nhận nội tâm rất sâu sắc được thể hiện với một bố cục rõ ràng và lời văn bình dị, trong sáng.
Đây là kết quả mà Keith D. Harrell đúc kết được sau hơn 20 năm tâm huyết làm công việc thuyết trình, nói chuyện và tư vấn cho hàng trăm ngàn người trong các doanh nghiệp, tổ chức. Cuốn sách này chứa đựng 30 vấn đề then chốt mà những người muốn thành đạt luôn quan tâm và vận dụng một cách thật sự hữu ích trong cuộc sống của họ. Bất cứ khi nào bạn nhận thấy mình đang đuối sức, thiếu niềm tin hay mất phương hướng trong cuộc sống thì cuốn sách này sẽ rất cần thiết đối với bạn. Từng trang sách sẽ là lời giải đáp, là nguồn cảm hứng và động viên tinh thần lớn lao của bạn - những công cụ bằng lời hiệu quả nhất.
Hơn thế nữa, nếu mỗi ngày bạn đều hướng mình đến những lời lẽ tự khích lệ, động viên thì thái độ sống của bạn cũng dần dần được cải thiện theo hướng tích cực. Những điều này sẽ trở thành nguồn động lực giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc, thành công với những tư duy, những ý tưởng mới mẻ, thể hiện qua từng suy nghĩ, từng hành động cũng như những ứng xử của bạn.
Đây là một cuốn sách mà bạn sẽ muốn và cần nên đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi bạn nói những ngôn từ tích cực, tin rằng mình sẽ làm được, và hành động với một quyết tâm cao để vươn tới những điều mình hằng mong ước, bạn sẽ khám phá ra một điều: thái độ là tất cả, là chìa khóa mở rộng mọi cánh cửa của thành công và cuộc sống hạnh phúc trong bạn!
First News trân trọng giới thiệu đến các bạn cuốn sách này như một món quà tinh thần đặc biệt nhất. Chúc các bạn sẽ tìm thấy và đạt được những gì bạn mong muốn. Và thành công, hạnh phúc chắc chắn không phải là điều gì quá xa vời với bạn.
Sức trẻ lúc rạng đông
“Lạ lẫm”, bởi đôi bạn này, người chỉ mới 24, 25 tuổi và người thì… râu tóc bạc phơ, có lẽ “giá chót” cũng 70, 80 tuổi.
Ông bạn già giơ tay vỗ bôm bốp vào vai anh bạn trẻ của mình: “Bộ chạy hổng nổi nữa nên bán xới, trốn biệt đất này sao mậy?!”. Người bạn trẻ thường xuyên có mặt nơi đây buổi sáng vừa chạy cùng chúng tôi vừa cười: “Bạn bè ở đây là vậy đó, không có tuổi”.
Sân chơi toàn những người trẻ
Lê Quang Phong – tên người bạn trẻ - 29 tuổi, công nhân Công ty TNHH may Ryo, hãnh diện khoe sau đợt jogging (chạy bộ) để chuyển sang đá cầu là anh cũng có một người bạn như thế, hơn mình hơn 40 tuổi. Phong kể: “Bác ấy tên Tiên, cán bộ về hưu, nhà trên đường Trần Quốc Toản. Vui lắm, tuy đã ở tuổi thất thập cổ lai hi rồi nhưng vẫn còn khỏe lắm, không sáng nào vắng mặt ở đây. Chạy, tự xoa bóp, rồi còn đá cầu độ, chung chầu bún bò sau buổi tập với nhóm trẻ tụi mình nữa đó nghé”.
Đó không phải là trường hợp cá biệt, nếu không muốn nói là nhan nhản trước mắt mọi người ở các công viên, sân tập thể dục buổi sáng ở TP.HCM: khá đông người cao tuổi. Không ít người trên dưới tuổi 90 vẫn chen vai thích cánh cùng giới trẻ trên đường chạy, đánh cầu lông, đá cầu lưới, tập dưỡng sinh… Nghĩa là họ tham gia hầu như tất cả các loại hình thể dục thể thao sáng ở đó của giới trẻ. Thậm chí ở sân bóng Quân khu 7, sáng 20-10-1998 chúng tôi còn sững sờ khi chứng kiến cảnh một bác đâu cũng ở tuổi 60 đang tham gia vào một trận bóng đá của toàn những bạn trai tuổi mới lớn. Một bạn cho biết: “Coi bác ấy vậy chứ dắt bóng ghê lắm, lộn xộn cho khung thành bên kia thủng lưới như chơi”.
Khi người lớn tuổi tấn công vào khung thành của giới trẻ ở các sân tập “không kể tuổi” ấy thì giới trẻ cũng không từ tham gia những hình thức tập luyện mà lâu nay chúng tôi cứ ngỡ dành cho tuổi già: tập dưỡng sinh. Ở công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) sáng 21-10-1998, trong đội ngũ tập dưỡng sinh hàng trăm người chúng tôi đếm không dưới một chục bạn gái trẻ măng, hơ hớ 15, 17 tuổi. Một trong những bạn gái trẻ ấy dẩu môi nói với chúng tôi: “Nè, dưỡng sinh thì tuổi nào cũng cần chứ đâu đợi già mới dưỡng! Nói tập cái này chỉ dành cho người lớn tuổi thì xúc phạm các cụ lẫn… bạn gái trẻ đó!”.
Nghĩa là sao? Hình như khi bắt đầu một ngày, tất cả đều bình đẳng trong hoạt động bồi dưỡng sức khỏe cho mình, không kể tuổi tác, nghề nghiệp, vị trí xã hội… Trên sân tập thể dục sáng ở các công viên, chúng tôi đã từng gặp nhà văn – nhà báo – nhà bình luận lão thành nổi tiếng T.B.Đ, ca sĩ T.H, Q.L, C.T, người mẫu IDECAF… Ở công viên Lê Thị Riêng, ông T.V – giám đốc một công ty TNHH tư nhân, sáng nào cũng chạy cùng người vợ và hai đứa con nhỏ của mình – cho biết: “Tôi tập không phải để làm gương cho gia đình đâu. Chẳng qua nếu đánh tennis sau giờ làm việc chỉ được sức khỏe cho riêng mình, còn chạy buổi sáng để cả nhà đều tập, và… cả nhà thương nhau”. Công viên nào cũng có hàng chục những gia đình “cả nhà thương nhau” như thế, chẳng hạn ở công viên Hoàng Văn Thụ, vợ chồng một chủ tiệm vàng lớn trên đường P.V.H. vẫn thường đi tập với cô con gái đã tuổi đôi mươi của mình.
“Ngay những buổi sáng mưa gió, cả những ngày lễ tết, không bao giờ công viên vắng những gương mặt tươi tỉnh quen thuộc tìm đến khi một ngày mới sắp bắt đầu” – chị L., một nhân viên giữ xe ở công viên Hoàng Văn Thụ, khá xúc động khi nói ra nhận xét của mình về chuyện tập thể dục sáng nơi đây. Chị nói thêm: “Dù tuổi tác, công việc ra sao, tôi có cảm giác người nào đến đây cũng đều có một phong cách, sức khỏe rất trẻ. Không ai già cả!”.
Sân chơi của sức khỏe và niềm vui
Không thể thống kê mỗi buổi sáng thành phố có bao nhiêu sân chơi trẻ trung như thế, bởi các sân chơi này không chỉ bó gọn ở các công viên mà tràn ra cả các trung tâm thể dục thể thao, bãi tập, sân chùa, nhà thờ… Thậm chí cả khoảng đường xe hơi chạy trên đường Nguyễn Huệ cũng có hàng trăm bạn trẻ tranh thủ lúc vắng xe khoảng bốn, năm giờ sáng để chạy, chơi cầu lông, đá banh. Đội tuyển bóng đá Trường Vừa học vừa làm 1-6 (quận 4), từng vô địch Giải bóng đá nhựa trẻ đường phố toàn thành, thú thật là chức vô địch của đội mình cũng nhờ vào những buổi tập sáng sớm nơi đây.
Dọc đường Trần Não (quận 2) sáng nào cũng có hàng trăm người chạy, đi bộ từ hai hướng phường Bình An và Thủ Thiêm, mà điểm dừng là cây cầu nối hai nơi. Đình Phụng, Đình Phượng – hai anh em ruột ở phường Bình An – cho biết: khu vực này không có công viên, nhưng bù lại cây cối hai bên đường rất nhiều nên nhiều người trong khu vực tập ngay tại chỗ là vậy. Sân chùa Huê Nghiêm (Phú Nhuận) lại là nơi “đóng đô” mỗi sáng của nhóm thể dục dưỡng sinh phường 7…
Đừng tưởng số lượng tìm đến những nơi ít ỏi, như tại sân Phan Đình Phùng chẳng hạn, đến trễ coi như chỉ có nước chạy vòng vòng chứ không còn chỗ để tập. “Sân lẻ” mà như thế nói chi đến các công viên, sân chơi lớn và tập trung. Ở công viên Hoàng Văn Thụ chẳng hạn, trước số lượng đông đảo người tìm đến, ban quản lý công viên đã phải cho đăng ký, vẽ phấn, khoanh khu vực tập hẳn hoi cho những nhóm cầu lông, dã cầu, tập dưỡng sinh và cả thể dục nhịp điệu…
Cũng đừng tưởng người ta thể dục sáng kiểu “mạnh ai nấy tập”. Ở công viên Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Tám, Bạch Đằng… có những nhóm dưỡng sinh tập theo người hướng dẫn, theo băng cassette, đóng tiền hằng tháng hẳn hoi (thật ra không bao nhiêu, chỉ năm, mười ngàn đồng/người). Bác Hai – một thành viên của nhóm dưỡng sinh phường 7, Phú Nhuận – tự hào khi kể về những người bạn của nhóm mình và kết luận: “Tôi tập ở đây đã năm năm rồi. Nói thiệt, tôi có thể bỏ một bữa cơm chứ không thể nghỉ một buổi tập, người mệt mỏi và thấy nhớ bạn bè trong nhóm”.
Một ấn tượng mạnh mẽ người ta thường thấy ở những nơi này là tiếng cười rất sảng khoái có thể bất kỳ vang lên trong buổi tập. Quang Phong khẳng định: “Ở những buổi tập này, mọi người hay cười, sống tốt với nhau và rất dễ làm quen – có lẽ khi thân thể khỏe mạnh, người ta dễ minh mẩn và trút bỏ mọi phiền muộn trong cuộc sống thường ngày”.
Phải chăng vì vậy mà sáng sáng, bạn Bùi Anh Vương, 23 tuổi, thường chở Mỹ Lan, cô bạn gái hơn mình mười mấy tuổi, hai chân bại liệt, đến công viên để tập chân; hoặc khi nào mệt, Mỹ Lan ngồi đọc sách trên ghế đá chờ Vương chạy “đủ chỉ tiêu” – một hình ảnh khá gây xúc động cho người xung quanh. Không chỉ thế, mỗi sáng sớm hầu như cả gia đình người bạn trai này đều tìm đến các sân tập phù hợp với mình: ngoài Vương cùng bà mẹ tập dưỡng sinh, hai chị (trong đó có ca sĩ T.H.) và một người anh chạy, tập thể dục…”. Đó là cách bước vào ngày mới, đón chào ngày mới tích cực, khỏe khoắn và đầy niềm vui của sức trẻ, chứ không hẳn là giới trẻ” – người bạn trai ấy khẳng định mạnh mẽ điều này.
… Năm giờ sáng 22-10-1998, trong cơn mưa bất chợt buổi sáng, trên đường chạy quanh công viên Hoàng Văn Thụ chúng tôi bắt gặp vài nhóm bạn trẻ nằm ngồi ủ rủ đầy mệt mỏi và chán chường ở các quán nước, quán nhậu chân gà nơi đầu con đường dẫn vào sân bay khi đã tận dụng hết sức lực cho một cuộc chơi thâu đêm suốt sáng nào đó. Họ gần như không hề biết đến những bước sải chân của những người cùng trang lứa với họ ngay bên cạnh, khi một ngày mới đang bắt đầu. “Và rạng đông đã bừng trên nét mặt…”.
CÙ MAI CÔNG _ TUỔITRẺ ONLINE
Cà phê sáng
Riêng đám bạn của tôi lại thích ngồi uống cà phê sáng để ngắm nhìn công nhân nữ đi làm, bàn tán xì xầm, đôi lúc đưa ra lời trêu chọc rồi cười khoái chí. Tôi cũng cười theo cho qua chuyện.
Rồi một ngày vô tình tôi lẫn vào cái thói quen thường nhật ấy. Cũng vào quán ngồi trước ly cà phê đen, tôi chú ý lắng nghe xung quanh và nhìn ra đường phố. Đám cò nhà đất ngồi gần bên cứ kỳ kèo trả giá với khách, những lời rao bán đất có vị trí đẹp ở chỗ này chỗ kia rôm rả bên tai. Cách chỗ tôi ngồi không xa là chú Hai - người cùng xóm - vừa uống từng ngụm cà phê vừa than phiền với ông bạn già về lòng hiếu thảo của con cháu bây giờ sao nhẹ quá. Nghe đâu thằng cháu đích tôn của dì Tư hỗn hào với cha nó cũng vì chuyện chia gia tài...
Cũng như bao lần, công nhân nữ đi làm dập dìu qua quán. Thằng bạn ngồi cạnh tôi lại tiếp tục những câu chọc ghẹo vô duyên. Tôi nhìn những cô gái cao cao, xinh xinh mà cậu bạn hào hứng chỉ, thấy hiện lên vẻ mệt mỏi, chắc vì đêm qua họ làm tăng ca. Tôi cũng thấy nỗi lo lắng hiện lên trong ánh mắt và dáng đi của họ, chắc họ đang vội vàng đi làm mong kiếm tiền gửi về quê sắm tết. Có lẽ công việc bận rộn từ sáng tới tối không cho họ thời gian để đọc một dòng tin trên báo, không có thời gian để mơ mộng yêu đương và quán cà phê này liệu có lần nào họ ghé vào ngồi nhâm nhi ly cà phê để “giết thời gian” như mấy đứa chúng tôi?
Đào Văn Đạt _ Người Lao Động
Thursday, December 14, 2006
Điều gì khiến bạn hạnh phúc?
Bài trắc nghiệm dưới đây giúp bạn hiểu thêm về bản thân và biết làm thế nào để cuộc sống đẹp hơn nữa.
1. Với bạn, điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra trong cuộc đời là:
a. Yêu say đắm.
2. Theo ý bạn, tại sao người ta hào hiệp?
a. Để giảm bớt phần nào sự khốn cùng trên thế gian.
3. Bạn có thể không chịu nổi nếu bị thất vọng:
a. Về cha mẹ mình.
5. Theo bạn, lý do gì khiến người ta có con cái?
a. Mong muốn cụ thể hoá tình yêu với người bạn đời.
6. Phương thuốc chữa buồn phiền của bạn:
a. Xem phim hoạt hình mà bạn yêu thích lúc nhỏ.
7. Phẩm chất mà bạn muốn truyền cho con mình?
a. Biết lắng nghe người khác mà không phán xét họ.
8. Để làm dịu cơn stress, bạn thường:
a. Gọi điện thoại cho một người bạn để tâm sự.
9. Khẩu hiệu của bạn là:
a. Yêu thương chỉ có thể là niềm vui và hạnh phúc. Nếu không, đó không phải là tình yêu (Jean Gastaldi).
10. Bạn không chịu được những người:
a. Càu nhàu và chỉ trích mà không đưa được ý kiến gì khác.
11. Bạn nghĩ thế nào về câu châm ngôn: Tiền bạc không mang lại hạnh phúc?
a. Không đúng. Sự sung túc về vật chất đảm bảo cho ta không thiếu thốn và giúp ta có được sự yên ổn tinh thần đáng kể.
12. Triết lý của bạn về sống hạnh phúc:
a. Tự nhủ mỗi sáng thức dậy: Tôi sẽ làm cho ai vui hôm nay?
13. Những kỳ nghỉ mơ ước của bạn như thế nào?
a. Thuê một căn nhà lớn ở bờ biển cùng với bạn bè.
14. Hình ảnh biểu tượng cho phần thưởng đẹp nhất:
a. Nụ cười của trẻ sơ sinh được bú mẹ no nê và ngủ yên lành.
Giải đáp
Đa số a - hạnh phúc của bạn đến qua hạnh phúc của người khác. Cuộc sống của bạn chỉ đẹp khi có mọi người xung quanh, nhất là gia đình. Bạn thích chia sẻ niềm vui với bạn bè. Giàu lòng vị tha và nhân ái, rất sợ cô đơn là tính cách của bạn. Điều bạn cần lưu ý là nên nghĩ đến bản thân nhiều hơn một chút.
Đa số b - bạn cóp nhặt hạnh phúc từ những điều đơn giản hằng ngày. Bạn hiểu rằng hạnh phúc không kéo dài mãi nên biết tận hưởng mọi niềm vui, dù nhỏ, trong tầm tay mình. Chia sẻ quan niệm về hạnh phúc bình dị của mình với mọi người xung quanh, bạn sẽ mang lại cho họ món quà tuyệt diệu.
Đa số c - ưu tiên cho cảm xúc bản thân. Với quan niệm mình có hạnh phúc thì mới mang lại hạnh phúc cho mọi người, bạn biết chăm sóc bản thân, sống lạc quan. Tất nhiên, không có gì xấu khi làm những điều tốt cho mình nhưng cũng nên lắng nghe cảm xúc, nhu cầu của người khác nhiều hơn, nếu không bạn có thể trở thành người sống ích kỷ.
Đa số d - hạnh phúc với bạn là vượt qua chính mình. Bạn luôn muốn tiến lên cao hơn, xa hơn, mạnh mẽ hơn. Với bạn, hạnh phúc là làm chủ cuộc sống, số phận của mình. Và điều đó đã giúp bạn thành công, khiến may mắn mỉm cười với bạn. Bạn cần sự khen ngợi, động viên và thành công để cảm thấy mình đang sống. Nhưng bạn đừng quên rằng, hạnh phúc còn có ở những điều rất đơn giản: một cảnh đẹp, một món ngon, một nụ cười. Hãy tập nghĩ đến những điều đó một chút, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.
Theo Phụ nữ
Giáng sinh lạnh...
Nhưng chiều, tự dưng mưa, lạnh, tự dưng chạnh lòng...
Ngày xưa, mỗi dịp Giáng sinh, anh bạn tôi lại "phụng phịu" vì tôi không thể bỏ buổi tối quây quần của đại gia đình bên ngoại để hai đứa dạo loanh quanh chia sẻ không khí đặc biệt của đêm Giáng sinh Sài Gòn.
Ngày xưa, cứ mỗi tối 24, đầu dây bên kia lại chậm rãi: “Ở ngoài đường, đi với bạn. Trời lạnh quá!”. Dù đầu dây bên này biết rõ đêm Noel ở đường phố Sài Gòn bói đâu ra cái lạnh, nhưng hình như thấy âm ấm ở má, chỗ áp tai nghe…
Noel năm rồi, cũng vẫn người ấy, cũng vẫn điện thoại “Giáng sinh hạnh phúc!”, rồi cúp máy. Đang ở ngoài đường, xung quanh là lũ bạn cùng lớp. Nhưng mà tự dưng… thấy lạnh…
Loanh quanh luẩn quẩn, rồi một mùa Giáng sinh đáo lại. Cũng gặp nhau vài lần, dường như bạn, nhưng dường như không thể trở lại là bạn, bởi cái cảm giác ấm áp đặc biệt mà từ đó đến nay vẫn chưa ai mang lại được mỗi khi gặp nhau; bởi cảm giác không gian rộng ra mỗi khi bất chợt nhớ đến một nụ cười… Mà cũng dường như không trở lại là bạn cũng không được, trong lòng cứ vướng vướng một điều gì đó không biết gọi tên.
Đôi khi buồn không dám bước chân ra đường mỗi cuối tuần đông đúc…
Đôi khi phớt đời phóng xe khắp ngóc ngách Sài Gòn, ngắm người ta yêu nhau, “thứ bảy máu chảy về tim”. Tự cười mình sao có những lúc quá nghĩ ngợi, còn trẻ mà, biết bao thứ phải làm…
Chiều, giảng đường thưa thớt người ngồi.
Mưa! Mưa lớn lắm! “Chết, tao không mang áo mưa! Về làm sao?”. Cười nhẹ, áo mưa dưới xe, có cả dù trong giỏ. Đi đứng là phải chuẩn bị cả chứ. Nhưng mà. Tự dưng. Lạnh…
Lại sắp Noel… Chắc năm nay ở nhà, lũ bạn bây giờ bận lắm…
NHÍM CON _ TUỔITRẺ ONLINE
Wednesday, December 13, 2006
Thư Mùa Giáng Sinh
Ta thấy rất là tốt khi biết được ít ra một năm một lần cũng có người nghĩ đến Ta. Như con đã biết mừng sinh nhật Ta bắt đầu từ lâu lắm rồi. Ban đầu thì người ta còn hiểu được và biết ơn đối với tất cả những gì Ta đã làm cho họ, nhưng vào thời gian này, thì họ hầu như không còn biết mục đích của niềm vui mừng này nữa rồi. Gia đình và bạn bè đến với nhau rất vui vẻ, nhưng họ không biết ý nghĩa của cuộc vui nữa rồi.
Ta còn nhớ năm ngoái đã có một bữa tiệc rất thịnh soạn để mừng Ta. Bàn ăn thì đầy ắp các đồ ăn thật ngon miệng, nào là bánh nướng, trái cây, hạt dẻ và chocolate. Họ bày biện trang hoàng thật đẹp mắt và có thật nhiều và rất nhiều các món quà gói ghém đẹp lộng lẫy. Nhưng con có biết không? Ta không được mời. Ta là khách quan trọng nhất nhưng họ lại quên không gởi thiệp mời Ta tới.
Buổi tiệc là để mừng Ta, nhưng tới ngày vĩ đại đó, Ta bị bỏ rơi ở ngoài. Họ đóng cửa vào mặt Ta... mà Ta thì muốn vào với họ và chung bàn với họ. Thật ra Ta không lạ gì vì trong những năm vừa qua rất nhiều người đã đóng cửa bỏ mặc Ta. Vì không được mời nên Ta đã yên lặng tự tham dự vào bữa tiệc của họ. Ta đã vào và chọn một góc tường quan sát. Mọi người đều ăn uống; có một số người say túy lúy, kể chuyện tếu lâm và cười rũ rượi về bất cứ cái gì. Họ rất vui vẻ với nhau. Và trên hết nữa có một ông gìa thật mập mặc đồ đỏ với cặp râu trắng phêu đã bước vào và kêu to "Ho Ho Ho" Ông đó cũng say mèm.
Ông ta ngồi trên ghế sô-fa và các trẻ nhỏ chạy đến với ông nói: "Ông già Noel, Ông gìa Noel" như thể là bữa tiệc này là để mừng ông vậy! Ngay đúng 12g sáng thì mọi người ôm nhau chúc mừng. Ta đã dang tay ra để chờ được ôm nhưng con có biết không, không một ai ôm Ta hết. Sau đó họ bắt đầu phát quà cho nhau. Họ nóng lòng náo nức mở từng món quà một. Khi họ đã mở hết các món quà, Ta đã nhìn coi xem may ra họ có dành một món quà nào cho Ta chăng? Con nghĩ thế nào nếu trong ngày sinh nhật của con mà mọi người trao đổi quà với nhau nhưng con thì lại không được một món nào? Lúc đó Ta đã hiểu ra được sự thừa thãi của mình và Ta đã lẳng lặng rời khỏi cuộc vui đó. Mỗi năm thì lại càng tệ bạc hơn. Mọi người chỉ biết ăn uống nhậu nhẹt, quà cáp, tiệc tùng với nhau mà không còn ai nhớ đến Ta hết.
Ta muốn mùa Giáng Sinh năm nay con hãy để cho Ta vào trong cuộc sống của con. Ta muốn con phải ý thức được rằng hơn 2000 năm trước Ta đã đến thế gian này để mang lại sự sống cho con, trên cây thập tự, để cứu độ con.
Ngày nay Ta muốn con phải tin điều này với tất cả trái tim của con. Ta muốn chia sẻ với con điều này, vì người ta không mời Ta đến dự tiệc của họ thì Ta sẽ có bữa tiệc riêng, một bữa tiệc thật long trọng mà không ai có thể tưởng tượng được, một bữa tiệc rất ư là ngoạn mục! Ta vẫn còn đang sửa soạn những chi tiết cuối cùng. Hôm nay đây, Ta đang gởi rất nhiều thiệp mời và con cũng có một tấm nữa. Ta cho con biết, nếu con muốn tham dự bữa tiệc của Ta thì Ta sẽ dành chỗ cho con và viết tên con xuống trong sổ khách vĩ đại của Ta bằng chữ vàng. Chỉ những ai có tên trong sổ khách này mới được mời vào dự bữa tiệc mà thôi. Những ai không phúc đáp thiệp mời sẽ bị bỏ ngoài rìa.
Con biết phúc đáp thiệp mời của Ta bằng cách nào không? Bằng cách hãy mở rộng lòng ra với những người chung quanh kém may mắn hơn con..... Ta sẽ chờ đợi tất cả các con tham dự bữa tiệc của Ta năm nay. Mong sẽ gặp con ....
Thương con nhiều.
Giêsu Của Con
Cơn lốc phá thai lớn tháng ở trẻ vị thành niên
Nỗi ám ảnh của bác sĩ phụ sản
Theo BS Phan Văn Quý, Trưởng khoa Điều trị của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phần lớn những trường hợp đến đây xin phá thai đều chưa có gia đình, thậm chí có rất nhiều em đang ở tuổi vị thành niên. Họ đến bệnh viện với mong muốn khẩn thiết được rũ bỏ “của nợ” đang ngày càng lớn trong cơ thể mình.
Bao nhiêu trường hợp là bấy nhiêu hoàn cảnh éo le. Có cô bị người yêu ruồng rẫy, có trường hợp lại đang là học sinh, nuôi thân chẳng nổi huống hồ… Và có một điều chung là tất cả trong số họ đều không mong được làm mẹ trong thời điểm đó. Họ quyết tâm rũ bỏ thiên chức ấy dù đã được bác sĩ tư vấn là khi thai đã to mà xử lý sẽ rất nguy hiểm, thậm chí đe doạ đến tính mạng.
Ông Quý cho biết, theo Chuẩn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản do Bộ Y tế ban hành, các cơ sở y tế có đủ điều kiện về chuyên môn và trang thiết bị chỉ được phép phá thai đến 22 tuần tuổi. Nhưng trên thực tế, ngoài những trường hợp đặc biệt phải nhận phá ở tuổi thai lớn hơn 22 tuần như: người mang thai ở tuổi vị thành niên, những người bị bệnh không may có thai ngoài ý muốn, bệnh nhân tâm thần, bị cưỡng hiếp, thai dị dạng… Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn phải chấp nhận phá thai lớn đang phát triển hoàn toàn bình thường cho thai phụ sau 23 tuần tuổi, sau khi đã cố gắng tư vấn.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - TS. Nguyễn Đức Hinh lý giải thêm: “Là bệnh viện tuyến Trung ương chuyên về sản khoa nên thường xuyên phải tiếp nhận những trường hợp phá thai lớn ở các cơ sở y tế tư nhân hoặc tuyến dưới chuyển lên do bị tai biến như thủng tử cung, nhiễm trùng máu… để cấp cứu, điều trị. Đến khi ấy, hầu hết tính mạng người bệnh đều đã “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này các bác sĩ chỉ còn phương án loại bỏ thai nhi để cứu sản phụ.
Nếu căn cứ theo quy định của Bộ Y tế thì bệnh viện và bác sỹ chúng tôi biết là vi phạm, nhưng vì tính mạng người bệnh nên đành phải chấp nhận dù hầu hết các bác sỹ ở đây đều không muốn làm công việc này vì nỗi ám ảnh nghề nghiệp.
Rất nhiều đồng nghiệp tâm sự, hằng ngày phải chứng kiến cảnh đứa trẻ có đủ hình hài phát triển hoàn toàn khoẻ mạnh, bị các thiết bị y tế sắc lạnh lôi ra khỏi người mẹ, ai cũng đau lòng. Lại có trường hợp thai nhi ra khỏi bụng mẹ vẫn còn cử động hoặc khóc được. Với những đứa trẻ xấu số ấy, các bác sỹ vẫn chăm sóc, cắt rốn và quấn tã, chuyển các cháu sang khoa sơ sinh, dẫu biết rằng các cháu rồi cũng sẽ chết vì thiếu tháng”.
BS Quý tâm sự, là những người trực tiếp tiếp nhận, khám và tư vấn cho thai phụ, các bác sỹ rất bức xúc trước sự thiếu hụt kiến thức về sức khoẻ sinh sản, an toàn tình dục, lối sống buông thả, thiếu đạo đức và coi thường tính mạng của không ít thanh niên hiện nay.
“Rất nhiều lần chúng tôi muốn từ chối “giải quyết” cho những trường hợp thai quá lớn nhưng lại nhận được những giọt nước mắt và sự van xin của chính bố mẹ cô gái “dại dột” đó. Hơn thế nữa, các bác sĩ sợ nhất là họ sẽ tìm đến những cơ sở tư nhân không đủ trình độ và thiết bị y tế và chuyện gặp tai biến rất dễ xảy ra nên đành phải làm”.
Những “khách quen” của bệnh viện phụ sản
Trong vài năm trở lại đây, số ca nạo phá thai khi đã trên 20 tuần tuổi đang ngày càng tăng cao, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong những số này là những cô gái có tuổi đời từ 18-22. Không ít người trong số họ coi chuyện nạo phá thai là điều “bình thường”.
Trường hợp của N.T.L (Hà Nội) là một ví dụ. Mới chỉ 16 tuổi nhưng trong vòng gần 2 năm, cô gái này đã đến bệnh viện đăng ký phá thai tới… 5 lần. Gần đây lại thấy L. vác cái bụng 24 tuần tuổi đến xin “giải quyết”. Các bác sĩ ở đây đã từ chối với lý do thai quá lớn và số lần nạo phá thai của cô quá dày. Tuy nhiên cô gái này vẫn quyết tâm chối bỏ trách nhiệm làm mẹ vì lý do hai cậu bạn trai cô đang quan hệ không ai thừa nhận là tác giả của bào thai ấy và bản thân cô không thể làm mẹ khi vẫn phải xin bố mẹ từng đồng quà sáng!
TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tư vấn tâm lý về sức khoẻ sinh sản và tình dục cho thanh thiếu nhi cho biết: Anh và đồng nghiệp đã gặp rất nhiều ca tư vấn ấn tượng khó phai, trong đó có câu chuyện đau lòng của một nữ sinh tên Ngọc Ch, sinh viên năm thứ nhất của một trường ĐH lớn ở Hà Nội.
Trong một lần dự tiệc chia tay một bạn trai lên đường đi du học. Ch cùng bạn trai và nhóm bạn gặp nhau tại một quán karaole khá lãng mạn. Sau khi khi “hết lòng” chúc bạn lên đường may mắn bằng hai chai rượu mạnh cô đã sau mèm và không biết gì nữa. Ch tỉnh dậy lúc 4 giờ sáng và bàng hoàng và đau đớn nhận ra mình đã mất đi đời con gái bên cạnh năm cậu bạn trai không mảnh vải che thân.
Nỗi đau không dừng lại ở đó khi 4 tháng sau, Ch mới biết mình có thai. Cô đã đi gặp chuyên gia tư vấn và nhận được lời khuyên không nên bỏ thai vì nó đã quá lớn và sẽ đe doạ đến tính mạng của người mẹ.
Sau nửa tháng suy nghĩ, Ch vẫn quyết định đi phá thai. Cô nghe theo lời “tiếp thị” của một người đạp xích lô tìm đến một nơi phá thai “an toàn và bí mật”. Sau khi đi qua không biết bao ngõ ngách Ch đã gặp một bác sĩ tư nhân. Ông này gây mê cho co bằng một chiếc khăn trắng. Cô mơ cảm nhận rằng người ta đã dùng một vật gì đó nhọn, dài như chiếc tăm xe đạp để “giải quyết”.
Trong nỗi đau đớn tột cùng về thể xác, Ch đã ngất lịm hẳn và tỉnh dậy ở một bệnh viện lớn. Nỗi đau này chưa dứt thì nỗi kinh hoàng khác lại ập đến, cô được bác sĩ ở đây cho biết mình vừa bị băng huyết và từ giờ trở đi không thể có con được nữa!
Theo bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi teen hiện nay rất đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Một là các em đang bị cuốn theo lối sống thực dụng mà họ hãnh diện cho rằng đó là cách sống “thời thượng”. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ lại quan hệ tình dục chỉ vì tò mò mà không hề biết chút gì về kiến thức an toàn tình dục.
“Có không ít em gái sau khi được bố mẹ dẫn đi phá thai khi đã 5- 6 tháng tuổi đã trở nên hoảng loạn hoặc trầm uất do phải chịu cú sốc quá lớn về tâm lý và nỗi đau tột cùng về thể xác!” - bác sỹ Ánh xót xa.
Thanh Trầm _ DÂNTRÍ
Tuesday, December 12, 2006
Con đường nào ta đi?
Nhiều tiền bạc đã được đổ ra để mua sắm xe, máy bắn tốc độ... Nhiều lái xe đã bỏ nghề vì bị thu bằng lái... Thế nhưng, vấn đề xem ra vẫn không được cải thiện, không thấy có chiều hướng tốt hơn. Vì sao? Ách tắc ở chỗ nào?
Con đường: để giao thông hay giao tiếp?
- Đường Trường Sơn chưa làm xong, vài trăm điểm dân cư đã áp sát vào.
- Tất cả các cung đường quốc lộ vòng tránh qua các thành phố, thị trấn, thị xã... dần dần đều đã được đặt bảng báo hiệu là đường nội thị, nội thành.
1. Lằn đường đang đi thẳng đột nhiên bị lạc vào tuyến phải rẽ trái2. Lằn ranh phân định tuyến rẽ trái, phải là đường kẻ liên tục, tuyệt đối không được vượt qua 3. Đèn tín hiệu rẽ trái phải đặt ngay trên tuyến rẽ, vị trí này không quan sát được
- Các khu dân cư bám dọc theo quốc lộ trải dài ra mỗi ngày. Với 300km, tuyến đường Sài Gòn - Đà Lạt chỉ còn chừng 15% đường là không đi qua các khu dân cư. Các khoảng trống hiếm hoi này chủ yếu ở vị trí các đèo như đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, đèo Prenn... Quốc lộ 5 Gia Lâm - Hải Phòng được xem như một tấm thảm đỏ, là cánh cổng mời gọi các nhà đầu tư công nghiệp đến Hưng Yên, Hải Dương... và một tấm thảm đỏ tương tự như thế với giá hơn 10.000 tỉ đồng nay mai sẽ được trải song song!
- Nhà đầu tư làm đường tính toán chuyện thu phí; chính quyền địa phương tính toán chuyện phân lô bán đất; dân chúng cắm dùi xí chỗ mở hàng quán, nhà nghỉ; các PMU của Bộ Giao thông vận tải có việc làm... Ai cũng có phần, ai cũng có cách thu lợi từ mặt tiền con đường tạo ra... Và cái mặt tiền đường trở thành mối quan tâm hàng đầu và làm người ta quên mất cái mục đích chính và tự thân của mỗi con đường là nhằm để giao thông chứ không phải để giao tiếp!
Quốc lộ là phương tiện và tài sản cấp quốc gia, nhưng dường như được các cấp địa phương xem như là một thứ phúc lợi của riêng, tùy nghi sử dụng và khai thác bởi cho rằng quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ... lộ nào chẳng là lộ!
Phát triển đường sá hay phát triển giao thông?
Đây là con đường nội thành của TP Biên Hòa, nơi các máy bắn tốc độ được thu hồi vốn rất nhanh!
Những năm qua, nhiều con đường đã được đầu tư xây dựng theo nhiều cấp độ khác nhau từ trung ương đến địa phương, tựu trung đều có mẫu số chung là vốn đầu tư thường được tính trên đơn vị ngàn tỉ đồng. Nhiều con đường thênh thang giữa các tỉnh lỵ như là hình ảnh biểu trưng đánh dấu một thời kỳ phát triển xán lạn.
Nhiều con đường ven biển thơ mộng, thơ mộng nhờ yên ả không có xe cộ làm ồn... Con đường trở thành những điểm nhấn quan trọng trong các báo cáo về tốc độ phát triển hạ tầng quốc gia. Thế nhưng, loại phát triển với vốn đầu tư khổng lồ này có được thật sự xem trọng về mục đích và ý nghĩa của nó ngay từ khâu thiết kế cho đến vận hành không?
- Ngay cửa ngõ Sài Gòn, chúng ta có một cung đường từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn rất hoành tráng, nhưng việc phân luồng, việc đặt các biển báo, đèn tín hiệu xem ra rất luộm thuộm và vi phạm nhiều nguyên tắc tổ chức giao thông tối thiểu. Ngày cũng như đêm, bao nhiêu là xe cộ phải dừng chờ đèn xanh trước con đường hầu như vắng tanh rẽ vào khu công nghệ cao...
- Hầu hết ranh giới khu dân cư với biển báo hạn chế tốc độ được đặt theo địa giới hành chính một cách máy móc và ngô nghê. Nhiều biển báo được đặt cách nơi thật sự có người ở hàng 6-7km. Cung đường thênh thang từ ngã ba Vũng Tàu đến Tam Hiệp được qui định là đường nội thị thành phố Biên Hòa. Tại Hố Nai, nơi cắm biển báo hết thành phố Biên Hòa, nhà cửa hai bên đường vẫn còn dày đặc...
- Hầu hết các đoạn đường đi qua các khu dân cư (có biển báo hẳn hoi) đều không có lấy một tấc vỉa hè. Khách bộ hành, trẻ em đến trường ngày hai bữa nắng mưa đều phải lội xuống lòng đường phó mặc cho sự may rủi.
- Các trạm thu phí phát hành vé với giá theo tải trọng tối đa, nhưng trên đường có vô số các cầu chỉ cho xe dưới 12 hoặc 14 tấn đi qua. Thế thì các xe tải nặng, xe kéo container đi đàng nào để khỏi vi phạm?
- Trên các con đường đèo dốc chật hẹp, lơ mơ là lọt bánh xe xuống mương thoát nước như chơi vì làm gì có lề chặn.
...
Hiệu quả sử dụng những con đường (giao thông thông suốt, đảm bảo tốc độ theo thiết kế...) chẳng được ai quan tâm. Các nhà quản lý giao thông công chính chỉ cần thủ sẵn một số biển hạn chế tốc độ, một số biển “Nơi đây thường xảy ra tai nạn”... để cần đâu thì cắm đó. Còn người dân nếu có nhu cầu thì cứ việc tiếp tục xây lên những chiếc miếu thờ... còn rất nhiều chỗ, lo gì!
Ai lo?
Còn lạ gì những cảnh như thế này ven các quốc lộ? (ảnh chụp tại Hố Nai - quốc lộ 1A và Phương Lâm - quốc lộ 20)
Những con đường luôn bị thắt cổ chai: chợ thường xuyên, chợ đột xuất tràn lên mặt đường. Gia súc nghênh ngang không cần biết đâu là mặt đường đâu là mặt ruộng. Hàng quán, quầy kệ, tủ sạp, bảng quảng cáo cứ nhích dần lên mặt đường. Chiếm hết nửa đường đám tang cứ rề rà đánh trống thổi kèn mặc kệ thiên hạ, rồi thì rải giấy trắng cả đường...
Thanh tra giao thông làm gì, cảnh sát giao thông làm gì? - Việc thông quan những con đường, dọn dẹp những chướng ngại gây nguy hiểm trên đường... dường như không phải là công việc của họ. Có lẽ Luật giao thông chỉ tồn tại trong ý nghĩ của họ là ghi cho được nhiều giấy phạt, bắn thủng cho nhiều tấm giấy phép lái xe... Còn việc đường bị lấn chiếm, việc làm sao giữ cho xe cộ lưu thông được nhanh chóng và an toàn là việc của trời và trời kêu ai thì nấy dạ thôi!
Một sĩ quan cảnh sát cấp sở tâm sự rất chân tình: Chính phủ chỉ thị các tỉnh phải bằng mọi cách hạn chế tai nạn giao thông; chủ tịch tỉnh chỉ thị xuống sở công an; sở công an triển khai xuống phòng CSGT; phòng CSGT lên kế hoạch mua sắm thêm phương tiện: xe pháo, máy bắn tốc độ đời mới..., lập thêm các đội tuần tra, tổ chức thêm các bộ phận xuống tận cấp huyện... và rồi sau cùng thì chỉ có cánh lái xe là lãnh đủ! Còn bảo vệ giao thông? - Giống như việc bảo vệ nhiều thứ khác: đó là nhiệm vụ của toàn dân! Ai không biết tự bảo vệ thì chết ráng chịu!
Phải làm sao?
Lộ giới là gì nhỉ? - Không phải là hàng hóa nhưng có thể mua được! (ảnh chụp trên xa lộ Hà Nội)
Nói một cách nào đó có khi bị gán cho cái tội là trứng mà đòi khôn hơn vịt, bao nhiêu là nhà nghiên cứu đầy kinh nghiệm, đầy học vị ở bộ lại phải cần đến ai đó chỉ bảo phải làm thế này thế kia? - Biết làm sao được!
Cần phải nhận thức đầy đủ rằng:
- Tiền đầu tư vào giao thông là tiền mồ hôi nước mắt, là chén cơm manh áo của người dân. Chính phủ quyết tâm, dân chúng đồng tình đó là thuận lợi. Vấn đề là cần phải có những tiêu chí cụ thể để bảo đảm đầu tư có hiệu quả, nghĩa là giao thông phải thông suốt, tốc độ giao thông phải tăng, độ an toàn phải cao.
- Luật giao thông nhằm mục đích chính là bảo vệ giao thông, bảo vệ những con đường một cách triệt để.
- Định nghĩa rõ ràng thế nào là quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ..., mỗi một cấp đường kèm theo những điều kiện quản lý và sử dụng tương hợp. Thí dụ: quốc lộ là hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia chủ yếu phục vụ vận chuyển đường dài với tốc độ cao. Cho nên những phương tiện không thích hợp với tiêu chí trên như xe công nông, xe máy... cần có lộ trình cụ thể để chấm dứt việc xuất hiện các loại phương tiện đó trên quốc lộ. Việc đấu nối các thành phần giao thông khác hoặc các cấu trúc xã hội vào quốc lộ phải thỏa mãn những điều kiện cụ thể với giải pháp đã tiên liệu.
- Việc đầu tư làm mới những con đường phải cân nhắc, so sánh với việc nâng cao hiệu suất sử dụng những con đường đã làm. Nếu không trả lại được cho những con đường sẵn có hiệu quả sử dụng thật sự của nó thì xây dựng thêm những con đường mới là điều cần nên xem xét ít nhất trên khía cạnh động cơ thật sự của việc đầu tư này.
- Bộ Giao thông vận tải chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm về những con đường, ít nhất là các quốc lộ huyết mạch. Và cũng cần nhấn mạnh thêm: chịu trách nhiệm về quản lý và tổ chức giao thông là chính chứ không phải chỉ chăm lo cái tập đoàn xây dựng và các PMU của mình. Các bộ phải là cơ quan quản lý nhà nước thuần túy, nếu còn kèm theo là một tập đoàn kinh tế thì khó mà hi vọng được gì sẽ sáng sủa hơn!
Con đường nào ta đi? - Chắc chắn không phải trên con đường xô bồ loạn xị đầy rủi ro như hiện nay. Cần phải có những con đường minh bạch về thể chế trách nhiệm, và kiên quyết trước những sức ì cố hữu và những trở ngại không đáng có.
Chuyện người thợ xây cưu mang 24 trẻ sơ sinh
"Chọn việc thiện gì đó?"
Ngày vợ chồng anh chào đón đứa con đầu lòng không ngờ lại vất vả đến vậy. Chị Yến
chuyển dạ đến 2 ngày mà không sinh được. Phúc không biết làm gì hơn, chắp tay cầu nguyện: "Xin Chúa cho vợ con được mẹ tròn con vuông, con sẽ làm một việc thiện gì đó". Rồi cuối cùng, cậu con trai của anh, bé Tống Nguyễn Hoài Nam ra đời khỏe mạnh, kháu khỉnh. Việc chào đời gian truân của con trai, sự vật vã đau đớn trong cơn vượt cạn của người vợ ghi ấn tượng sâu sắc trong lòng anh Phúc.
Những ngày chờ vợ đẻ và chăm vợ con trong bệnh viện, Phúc còn chứng kiến nhiều người mẹ đến bệnh viện để bỏ đi giọt máu của mình, thậm chí nhiều đứa trẻ được sinh ra mạnh khỏe, xinh xắn cũng bị từ chối... Anh đau đáu một câu hỏi, những sinh linh bé bỏng kia sẽ về đâu? Về nhà ngay lập tức anh bắt đầu dành dụm từ cái nghề thợ xây của mình để làm "một việc thiện gì đó" mà trong lúc cùng quẫn Phúc cũng chưa kịp định hình. Cái việc thiện mà Phúc chọn thật chẳng giống ai: chôn cất các hài nhi. Công việc khởi đầu thật không hề dễ dàng vì nó quá kỳ cục đối với mọi người. Các bác sĩ và những người có trách nhiệm ban đầu không tin. Phúc luôn bị tra vấn "anh làm việc này để làm gì?". Sau khi từ tốn trình bày, anh được các bác sĩ chấp nhận với điều kiện phải làm cam kết và có lý lịch trích ngang, khai tất tật từ địa chỉ, số chứng minh thư, nghề nghiệp, vợ con, anh chị em... Từ đó, anh tìm đến các khoa phụ sản, thậm chí cả các cơ sở y tế tư nhân để giới thiệu mình và tìm kiếm những hài nhi đem về chôn cất. Phúc còn in danh thiếp, đem rải ở những "trọng điểm": cánh xe ôm đứng cổng bệnh viện, các bà hàng xén ngoài chợ tới những xóm lao động nghèo... Tấm danh thiếp được thiết kế đơn giản, trên là 2 chữ "Tín Thác" rồi tên, địa chỉ và số điện thoại của Phúc. Phúc cắt nghĩa, "tín thác" là ký thác trọn niềm tin, mà trước hết là cho con người, dù chỉ mới hoài thai...Và, ký thác tất thảy việc ta làm để có được niềm tin.
5 năm chôn cất 5000 sinh linh bất hạnh
Một lần, Phúc nhận được điện thoại của một người xe lái ôm quen: "Phúc ơi, có một cái thai bị mẹ nó đem vứt ở ngoài bãi biển. Đứa con gái đó vừa thuê anh chở về nhà trọ". Lập tức Phúc bảo: "Anh quay lại nhặt cái thai đó cho em đi, rồi tiền xăng xe, bồi dưỡng em chịu". Một lát sau anh xe ôm mang tới bọc nilon còn đỏ hỏn. Thây nhi chừng 3-4 tháng, được mai táng cẩn thận. Sau đó, Phúc tìm gặp lại người đã vứt bỏ cái thai, anh bị sốc khi đó chỉ là một cô bé học sinh đầu cấp III. Tính từ thời điểm chôn cất thây nhi đầu tiên (2001) đến nay, Phúc đã mai táng tới trên 5.000 trường hợp. Bây giờ, mỗi lần có người bỏ con là các bác sĩ lại gọi cho Phúc, thậm chí nhiều thân nhân của những sinh linh bé bỏng đó cũng tự tìm đến Phúc.
Anh mang cho chúng tôi xem một chồng ảnh. Có cái chụp một hình hài đỏ hỏn, lớn chưa bằng nắm tay, có thây nhi đã đầy đủ các bộ phận của cơ thể một con người! Với những trường hợp đã có hình hài, Phúc phân biệt rõ gái trai, đặt tên cho chúng. Tất cả đều mang họ Tống Phước của anh. Tự tay rửa ráy, tẩm liệm và chôn cất những hình hài nhỏ bé, anh nâng niu, trân trọng và thương cảm như một người cha.
Ban đầu, nghe phong thanh Phúc chôn cất trẻ sơ sinh, không ít người gán ngay cho anh biệt danh Phước "khùng". Kệ, Phúc cứ làm. Mọi chuyện không hề dễ dàng. Không dễ kiếm một miếng đất để mai táng, dù chỉ là một thây nhi mới chỉ lọt trong lòng bàn tay. Phúc nung nấu ý định kiếm một miếng đất riêng để thực hiện công việc này cho "xuôi chèo mát mái". Nhưng, cũng phải mất đến 3 năm, tới đầu năm 2004 thì anh mới sang được mảnh đất rộng 8.000m2 tại thôn Xuân Ngọc, núi Hòn Thơm, xã Vĩnh Lộc (Nha Trang). Cái nghĩa trang của anh đang làm lỡ dở thì chính quyền địa phương đến ngăn lại với lý do "xây dựng trái phép". Cũng thật khó cho anh khi xây cái gì không xây, lại đi xây nghĩa trang trẻ con, dù rằng địa điểm anh chọn là đất trên núi, toàn đá lởm chởm, không trồng trọt gì được. Một lý do khác: những thây nhi lớn thì được chính quyền công nhận, nhưng bào thai mới 1-2 tháng tuổi thì bị lập biên bản, ghi nhận là "phế phẩm bệnh viện", không được làm mộ chôn.
Đưa bà bầu về "báo cáo" vợ
Ngồi nói chuyện với anh Phúc, thỉnh thoảng tôi lại thấy thoáng bóng một bà bầu đi lại phía nhà trong. Thấy cái nhìn thắc mắc của tôi, anh nói nhỏ: có 4 bà bầu đang trú ở đây...
Cũng là trong một lần đến bệnh viện nhận thây nhi vô thừa nhận, Phúc tình cờ gặp một bà mẹ trẻ đang định bỏ con dù cái thai đang phát triển bình thường. Anh chợt nghĩ: Tại sao mình không cố gắng cứu sống đứa bé đó? Phúc bèn hỏi han, biết bà mẹ trẻ này ở xa đến Nha Trang làm nghề phụ hồ, tác giả bào thai đã "quất ngựa truy phong" từ khi biết tin. Thế là anh đưa bà bầu về nhà "báo cáo" vợ.
"Tôi cám ơn bà xã lắm, bả không những không cản mà còn hỗ trợ. Nói thật, nếu bả muốn, thì cánh cổng ra vào kia bả toàn quyền đóng được" - Phúc chân thành nói về vợ, chị Nguyễn Thị Lệ Yến. Nuôi trẻ nhỏ quả thực là việc cực kỳ khó khăn đối với một người đàn ông, đến sữa cho chúng cũng không có. Nhưng Phúc nghiến răng tự lo tất cả, dứt khoát không xin xỏ ai. Có xin là xin ở những sinh linh đã được anh chôn cất. Thỉnh thoảng, Phúc lần tới nơi nghĩa trang, khấn "các con hãy phù hộ, giúp bố lo cho các em con". Nhìn nhà Phúc đầy những trẻ con, đứa bé nằm trong nôi, đứa lớn chạy lăng xăng. Cả con ruột, con nhặt, trẻ con hàng xóm sang chơi... tôi chóng mặt hỏi anh: Giờ trong nhà anh nuôi tổng cộng bao nhiêu trẻ sơ sinh bị bỏ rơi? Người thợ xây lam lũ sinh năm 1967 lẩm nhẩm bấm đốt tay rồi nói: "Tổng cộng 24 đứa cả thảy". Phúc nuôi trẻ cho tới khi chúng bắt đầu cứng cáp thì giao cho các sơ một dòng tu ở Nha Trang nuôi dưỡng tiếp. Phúc vẫn luôn tin rằng: tình mẫu tử trong những bà mẹ trẻ đó, một ngày kia sẽ trỗi dậy và họ sẽ đến tìm lại con mình. Mỗi trường hợp được cưu mang, Phúc cũng ghi lại rất tỉ mỉ, bởi vì theo anh bất hạnh sẽ nhân đôi nếu không có sự cẩn thận này: "Lỡ sau này khi lớn lên, anh chị em nó lấy phải nhau". Mắt anh ngời lên niềm vui khi nhắc đến trường hợp cháu Tống Phước Phúc Vinh. Anh nuôi bé được 1,5 tuổi thì người thân của cháu, sau một thời gian nguôi ngoai đã đến xin cho cháu về đoàn tụ. Tiếng lành đồn xa, nhiều bà mẹ trẻ bất hạnh từ khắp nơi tìm đến Phúc: Đà Lạt, Tuy Hoà, Phú Yên, Vạn Ninh (Nha Trang), Quảng Ngãi,... có cả người dân tộc Chăm. Hầu hết họ đều tới bác sĩ để phá thai, nhưng các bác sĩ, sau khi khuyên giải chân tình, đã hướng dẫn những cô gái lỡ lầm đến nhà tìm Phúc. Nhiều lần, nửa đêm điện thoại di động của Phúc reo vang, đầu dây bên kia, tiếng một cô gái nức nở: "Chú có phải tên Phúc không, bác sĩ cho con số điện thoại này...". Thế là Phúc tiếp, bao giờ việc đầu tiên cũng là động viên để cô gái không may ổn định tâm lý. Sau đó mới đến phần hỏi han lý lịch, rồi anh lại âm thầm đi xác minh thông tin về cô gái, dù có cô nhất quyết không hé chút gì về gia đình. Phúc thường nói với các cô gái trẻ: "Nhà chú mẹ mất rồi, vì vậy con ở đây chờ sinh con, nhưng con cũng phải có nghĩa vụ giúp chú chăm sóc các em khác". Cũng bởi thế mà với một "gia đình" thứ 2 đông đúc, lũ trẻ lại lít nhít mà anh có thời gian đi làm để kiếm tiền chăm lo cho họ.
Mái ấm của Phúc "khùng"
Phúc chợt đứng dậy đi lại gần mấy cái nôi, dòm dòm rồi chỉ cho tôi một cháu bé đang ngủ, lắc đầu ngao ngán: "Con của một đứa bé gái mới học lớp 9 đó". Khi cô bé mang cái bầu tới xin gặp anh, trên áo học trò còn đeo rõ cả bảng tên. Cô bé là con một gia đình ở xã Phước Đồng (Nha Trang) nhưng không dám về, cái thai thì đến thời điểm không thể phá bỏ. Bà mẹ của cô bé cũng đến gặp Phúc năn nỉ: "Giờ cháu thế này mà về nhà thì ba nó đánh chết". Phúc nhận cô bé, gửi vào thành phố Hồ Chí Minh nhờ các sơ trong đó chăm sóc chờ đến ngày sinh, khi "mẹ tròn con vuông" lại đón về. Thậm chí Phúc còn cùng gia đình đến trường xin cho cô bé được đi học lại lớp 9. Tin vui cũng vừa đến với anh là ba của cô bé đã qua cơn giận, đang tính chuyện xin đón cháu ngoại về. Không thiếu trường hợp Phúc phải động viên: con cố gắng giữ cái bầu, chú sẽ tìm mọi cách lo tiền cho con sinh nở. Nhưng có bà mẹ "mặc cả": "Con sinh nhưng con không làm mẹ được, chú...nuôi giùm con nha". Những trường hợp này, Phúc thường trả lời nước đôi. Không phải vì anh sợ nuôi quá tải, mà vì anh muốn khơi gợi tình mẫu tử. "Các cháu khi chưa sinh thì nói thế, nhưng mang nặng đẻ đau rồi, khi nhìn thấy mặt con là mẹ không muốn rời". Thậm chí sinh xong, nếu mẹ vẫn không chịu nuôi con, Phúc lại có "chiêu" khác. Anh ép cô gái trẻ phải cho con bú bằng sữa mẹ trong vòng một, hai tháng với lý do "sữa mẹ rất quan trọng". Nhiều trường hợp từ nuôi một tháng đã tự động chuyển thành "nuôi cả đời". Có lẽ chỉ có tình yêu, "yêu người như bản thân mình" thẩm thấu từ nhỏ mới giúp anh vượt qua mọi điều tiếng. Có đợt người ta đồn rằng "Thằng đó họ Tống, là người Tàu, nó nuôi trẻ xong đem bán sang Trung Quốc", còn đến cả tai vợ anh: "Nhân nghĩa gì, nó thích mấy con trẻ đẹp hơn nên mới kiếm cớ đưa về. Cơm no bò cưỡi". Không ít lần anh nản lòng nhưng giờ thì mọi người dần dần đã biết rõ cái tâm của Phúc, và nhiều người đã trở thành nhà hảo tâm, đóng góp tiền bạc giúp nuôi dưỡng các cháu nhỏ.
Chia tay Phúc, tôi chợt nhớ tới tấm bằng khen của Chủ tịch nước dành cho tấm lòng cao cả của anh, gặng mãi, anh mới chịu vào buồng lấy ra. Anh giải thích: sợ mọi người đến chơi nhìn thấy lại ầm ĩ. "Sau này, mọi chuyện êm êm, tôi mới treo".
Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi vợ chồng anh Tống Phước Phúc
Tôi xúc động được biết, trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn của một người làm nghề thợ xây, nhưng vợ chồng anh, từ đầu năm 2004 đến nay, đã đùm bọc, nuôi dưỡng tới 24 lượt trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những bà mẹ lỡ lầm. Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc tới niềm tin của con ngưòi được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh. Tôi nhiệt liệt biểu dương việc làm nhân ái đó và chúc anh, chị mạnh khoẻ, hạnh phúc, tiếp tục thực hiện những ý tưởng tốt đẹp của mình. Tôi khen ngợi bà con cô bác đã đóng góp chia sẻ với anh Phúc, chị Yến nuôi dưỡng các cháu. Đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động xã hội nhân đạo và tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm việc nghĩa như gia đình anh Tống Phước Phúc, chị Nguyễn Thị Lệ Yến.
Đỗ Minh _ VIETNAMNET
Hạnh phúc ngọt ngào
Bố tôi mất đã gần năm. Chồng tôi bỏ tôi đi lấy người khác (khi tôi cải tạo được ba năm). Lúc ở trại tôi mong ngày về ghê gớm, thế mà bây giờ tôi lại bối rối chẳng biết sẽ đi đâu về đâu.
Tôi lên xe về thẳng thành phố, nơi có chồng con tôi đang sống. Trời sẩm tối, tôi tạt qua nhà, ghé mắt nhìn vào. Chồng tôi đang ngồi bên cô vợ sau, béo tròn nung núc. Hai đứa con tôi ốm nhách, mỗi đứa bê một tô cơm lặng lẽ ngồi nhai. Nước mắt tôi trào ra rơi xuống hai bàn tay nóng hổi. Tôi muốn chạy vào ôm chầm lấy con nhưng không thể (tôi còn chưa lo nổi chỗ ăn chỗ nghỉ cho tôi đêm nay cơ mà!).
Tôi cứ đứng chôn chân bên hàng rào, mãi đến lúc con chó ngửi thấy hơi người lạ gừ lên tôi mới chập choạng bước đi, lòng rã rời, nặng trĩu. Đầu óc điên cuồng tuyệt vọng, tôi đâm sầm chạy xuống biển. Biển trước mắt tôi đen xì. Cứ thế, tôi lội ra, lội thật xa... Sóng đập vào, tôi trồi lên trụt xuống, oằn mình đau đớn...
Lúc mở mắt ra, tôi thấy mình nằm trong một túp lều. Ngước nhìn lên đầu, sao trời đang nhấp nháy. Cúi nhìn xuống chân, một phụ nữ dáng điệu mệt mỏi, nằm gục đầu trên ghế.
Người phụ nữ ấy chính là ân nhân của tôi. Chị bị nhiễm HIV, đã cứu tôi trong cái đêm tôi vô cùng tuyệt vọng. Tôi nhớ tôi đã khóc òa trên vai chị, nước mắt của tôi ướt sũng vai áo chị, và nước mắt của chị cũng nhòe nhoẹt lưng áo tôi. Tôi không thể tin được người con gái có khuôn mặt thật đẹp, thật hiền lại mang trong mình căn bệnh dữ dội của thế kỷ.
Căn bệnh nghiệt ngã chẳng biết từ đâu lây sang chị? Chị chỉ biết mình bị nhiễm bệnh sau khi đi mổ khối u ở cánh tay. Người thân xa lánh, xóm làng kỳ thị. Chị bỏ nhà, bỏ quê trôi dạt đến đây, dựng một túp lều sinh sống bằng nghề bơm vá xe.
Chiều chiều, tối tối, chị đi dọc bờ biển phát bao cao su, phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống AIDS, có hôm chị còn phát cả những đồng tiền dành dụm được cho một cô gái lỡ đường đang chờ tìm khách bán thân.
Chị trách tôi dại dột, khi dắt tôi ra ven lộ chỉ những cây cỏ cú đang cố vươn lên từ ghè đá cứng ngắc, cứng đến nỗi tôi không hiểu vì sao cây vẫn sống được. Chị bảo tôi ngốc nghếch khi đưa tôi đi dọc bờ biển chỉ về phía Quân y viện 87, nơi có những con người đang phải giành giật lấy sự sống từng giây, từng phút. Còn tôi, tôi nhìn chị, người con gái nhỏ nhắn, mong manh mà tử thần đứng ngay trước mặt vẫn toát lên một sức sống mãnh liệt. Chị không buông lời than thân, trách phận. Chị không chán nản, thở dài buông xuôi.
Tôi nhìn lại tôi, tôi có những thứ mà với chị chỉ là niềm mơ ước. Tôi có một cơ thể khỏe mạnh, tôi có những đứa con xinh xắn đáng yêu đang chờ tôi. Tóm lại trước mặt tôi là một tương lai ngời ngời đang vẫy gọi. Thế mà tôi lại yếu đuối, buông xuôi đầu hàng trước những thách đố của cuộc sống. Tôi tự hổ thẹn với bản thân mình, với các con tôi, với cha mẹ tôi, với gia đình và xã hội.
Tôi vâng lời chị “phải biết tin vào chính mình” nên mạnh dạn dựng một quán bán nước bên đường, nhặt nhạnh từng đồng mua một chiếc máy khâu cũ quyết tâm khởi nghiệp bằng cái nghề tôi đã học trong thời gian ở trại.
Vừa chịu thương chịu khó, vừa tự tin vào khả năng của mình, tôi đã sáng tạo, thiết kế được nhiều mẫu mã quần áo lạ mắt, hợp với thị hiếu khách hàng. Tiếng lành đồn xa, chủ tiệm của các shop thời trang tìm đến mời tôi hợp tác. Công việc làm ăn khá lên, chẳng bao lâu tôi đã mua được một căn nhà nhỏ, đón các con về đoàn tụ, vượt qua những ngày tăm tối.
Đến lúc ấy chồng tôi quay về cầu xin sự tha thứ. Chị lại khuyên: đặt niềm tin vào người ta, tức là đã cho người ta cả một cuộc sống. Chị nói đúng, chính niềm tin của tôi đặt vào anh đã làm anh thay đổi, anh cố gắng chăm sóc vun vén gia đình để chứng tỏ mình vẫn là người đàn ông xứng đáng, làm chỗ dựa vững vàng cho mẹ con tôi.
Hôm nay, tôi thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào bên chồng con yêu dấu. Đôi lúc nhớ lại giây phút cạn nghĩ ngày xưa, tôi không khỏi rùng mình. Nếu không có chị, làm sao tôi hiểu cuộc sống hôm nay đẹp dường nào.
ĐỖ THỊ MINH HÒA (TP.HCM)
Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống
TUỔITRẺ ONLINE
Monday, December 11, 2006
Hãy dọn đường...
Hai ngàn năm qua vẫn sửa và chưa xong
Con đường xưa có lẽ chẳng lòng vòng
Như hôm nay con người đang gắng công tu sửa.
Chúa ra đời, con người chưa có chiếc máy in
Chưa có xinê và nghệ thuật chụp hình
Chưa có Tivi và đường giây điện thoại
Rồi internet lưu chuyển khắp hành tinh.
Nhưng Chúa ra đời cho con đường chân lý
Để con người tìm đến lẽ sống an nhiên
Trên con đường này khắp mọi nẻo miền
Sẽ tìm về Chúa là con đường sự sáng.
Ngài chẳng viết sách, không để lại chữ nào
Con đường Ngài thẳng thắn thật cao siêu
Chỉ có loài người vẫn trên lối mòn hưởng thụ
Chẳng theo Ngài dọn sửa chỗ cong queo.
Con người đã dùng những phát minh hiện đại
Để mở đường cho quỉ dữ len chân
Để thoả mãn lòng tự cao cuồng tín
Và cổ võ vô luân, tục hoá thế trần
Lạy Chúa xin cho con biết dọn đường sửa lối
Trong chính lòng con còn vương vấn lụy đời
Xin cho con biết tránh xa con đường tội lỗi
Để đến với Ngài trên lộ chính sáng tươi.
Xin cho con biết dùng phương tiện mới
Để dọn đường cho Chúa sẽ giáng lâm
Xin cho con biết rao truyền chân lý
Bằng chính lòng con, nhân chứng giữa gian trần.
Sa Mạc Hồng (Vietcatholic News)
Những cái 'dục'
Tôi chọn một người bạn được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội để hỏi câu này:
- Chữ 'dục', theo chị, nghĩa là gì?
- Là những gì thuộc về thể xác.
Tuy biết chị sống dưới chế độ Cộng Sản từ nhỏ và không có ý niệm gì về tôn giáo, cũng như biết miền Bắc có thời lọai bỏ các từ Hán Việt thông dụng, nhưng tôi cũng hỏi lại:
- Chị nói theo ý nghĩa của tôn giáo, hay theo nghĩa chữ Hán?
- Ta (chị hay xưng như thế) chả biết gì về tôn giáo, cũng chả biết chữ Hán thế nào, nhưng khi nghe 'nhục dục' thì nghĩ là thân thể. A, nhưng hình như hễ cứ nói đến 'nhục dục' thì nhiều người lại hiểu là những cái xấu xa, bậy bạ... Sao lại buồn cười thế nhỉ? Ta chả thấy chữ 'nhục dục' có gì là bậy bạ hết.
Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi cũng thấy rất nhiều người hiểu như chị nói, và bèn phải tra tìm chữ Dục trong tự điển Hán Việt. Dĩ nhiên có nhiều chữ Dục khác nhau, và tôi tìm được chữ Dục có ý nghĩa gần nhất với chữ Dục theo nhận xét của chị bạn. Chữ Dục này có nghĩa là 'ham muốn', là có sự thôi thúc, dục giã phải đạt cho được. 'Nhục dục' có nghĩa là những ham muốn thuộc về thể xác. Mọi loài đều có những ham muốn, hay đúng ra là nhữg đòi hỏi, thuộc về thể xác, để có thể tiếp tục sinh tồn, như ăn uống, ngủ nghỉ, mặc quần áo che thân, hoạt động, làm vệ sinh, làm việc truyền giống...
Có thể nêu lên 2 đặc tính của những nhu cầu thuộc về. Thứ nhất, tuy đó là những nhu cầu thấp nhất của đời sống, nhưng cũng là những nhu cầu quan trọng nhất để mọi loài sinh tồn được. Thứ hai, khi những nhu cầu này được thoả mãn, thì cơ thể cảm thấy sung sướng, nên có khuynh hướng đòi hỏi nhiều hơn, và nếu được nhiều hơn rồi thì lại muốn nhiều hơn nữa... Bởi vậy nên có những trường hợp ăn uống và hưởng thụ theo quan niệm 'tứ khoái', và nếu không dừng lại được thì đi đến 'tứ đổ tường'. Vậy mấu chốt của vấn đề, là mọi nhu cầu cần phải được thoả mãn một cách đầy đủ và vừa phải, thiếu hẳn hoặc quá độ, vô chừng mực đều có hại cho sức khoẻ của cơ thể. Như thế, tiết dục là điều cần thiết, có phải không ạ? Muốn tiết dục về thể xác, một người cần ý thức rằng nhu cầu thể xác thay đổi theo tiến trình sống của đời người. Nhu cầu ăn uống của một cô cậu tuổi choai choai đang sức lớn phải cao hơn so rất nhiều so với nhu cầu ăn uống của một em bé hay người đã lớn tuổi. Cũng thế, ở lứa tuổi mà cơ thể vừa mới phát triển đầy đủ thì loài nào cũng ở cao điểm của nhu cầu 'tìm duyên' hầu thực hiện cái nhiệm vụ giữ giống của muôn loài. Có lần tôi nghe một người bạn phát biểu một cách trật lất rằng mục đích của việc ngồi Thiền là để diệt dục, và chị giải thích thêm theo kiểu rất hạn hẹp rằng khi diệt dục rồi thì sẽ không còn làm chuyện chăn gối nữa!
Tôi cũng biết một số người nhận là Phật Tử, và họ ăn chay thường xuyên với mục đích để diệt dục. Có thể họ hiểu diệt dục là diệt tất cả các ham muốn. Còn nhiều người theo đạo Công Giáo thì tuy không nói đến diệt dục, nhưng có để ý đến một một thứ dục cần phải. ..diệt, đó là. ..dâm dục! Trong 10 điều răn, thì hầu như ai nấy đều biết giữ điều răn thứ Sáu là "Chớ làm sự dâm dục" (không rõ nghiã so với bản tiếng Anh có nghĩa là 'Chớ ngoại tình'). Nhưng cũng xin nhớ là trong kinh Cải Tội Bảy Mối, ngoài "Thứ ba: Giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục", còn có : "Thứ năm: Kiêng bớt, chớ mê ăn uống", nghĩa là không chỉ dục thuộc loại 'dâm' mới là tội, mà dục thuộc loại ăn uống quá độ cũng là tội. Thiết nghĩ, dục nào cũng là dục, và một người muốn sống mạnh khoẻ về thể xác lẫn tinh thần thì nên tiết chế mọi thứ ham muốn, cả về thể xác lẫn tinh thần, chứ chẳng riêng cái dục nào. Tiết chế thôi, chứ không nhất thiết phải diệt cái nào cả, và càng không nên diệt tất cả mọi thứ ham muốn, hay diêt dục nói chung. Vì diệt hết mọi thứ dục thì còn gì nữa để mà sống kia chứ!
Vâng, có ham muốn thuộc thể xác và có cả ham muốn thuộc tinh thần. Dục theo thể xác, hay 'nhục dục', là những ham muốn để có được sự thoả mãn bằng thân xác và qua ngũ quan. Ngoài mục đích sinh tồn như đã nói ở trên, những ham muốn về thể xác còn làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Mắt thích nhìn cái đẹp, tai ham nghe những âm thanh dịu dàng, trầm bổng, mũi thích ngửi mùi thơm, miệng muốn ăn ngon,v.v.... Như thế thì ngay cả 'sắc dục' vẫn chưa phải là cám dỗ hay tội lỗi gì cả, như nhiều người thường nghĩ. Chỉ khi nào những ham muốn này trở nên quá độ, gần như là bất bình thường hay bệnh hoạn, chúng thúc đẩy một người đi tìm những cảm xúc mạnh hơn, thoả mãn nhiều hơn và cỡ nào cũng vẫn chưa cảm thấy đủ... thì người đó đang có vấn đề, và sẽ đi đến những hậu quả ắt phải có. Ăn uống quá độ, say sưa... hoặc ngược lại không chăm sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đầy đủ, cũng đều có hại cho sức khoẻ thể xác và tinh thần. Thử đặt câu hỏi với người Công Giáo, rằng những sự quá độ về thể xác này phải chăng cũng là những điều răn cấm kỵ, và có khác gì với 'tội dâm dục' không ạ?
Còn dục về tinh thần thì ôi thôi, muôn hình vạn trạng, nhưng lại cũng thuộc loại khó thấy, gần như vô hình. Muốn có thật nhiều của cải, thích được khen ngợi, muốn thành công mọi mặt không chừa mặt nào... Hoặc nếu không có được như người này người kia thì lấy làm khổ sở.... Những ham muốn này nếu chỉ ở mức độ vừa phải thì rất tốt vì chúng giúp một người tận dụng những khả năng của mình để làm thăng hoa cuộc cống và đóng góp cho xã hội. Nhưng có rất nhiều người chỉ biết dồn hết cả đời sống của mình vào một ham muốn nào đó, còn những chuyện khác thì không kể đến nữa, không còn nhìn thấy gì khác hơn là điều mình đang muốn đạt cho bằng được.
Lại còn những cái 'dục' nửa thể xác nửa tinh thần. Thí dụ như nghe điều gì thấy 'ngứa tai' thì lập tức thấy 'ngứa miệng', bèn nói một câu thuộc loại 'chặn họng', và cảm thấy khoái trá khi đối phương bị 'cứng họng'.
Hoặc cái 'thú' khi đem cái dở, cái xấu của người vắng mặt ra mà kể lể, phê bình, vừa đã cái miệng lại vừa sướng hai lỗ tai.. Mới đầu không thấy gì, nhưng lâu dần có thể thành 'nghiện', người ta cứ lập đi lập lại như có sự thúc đẩy không cưỡng lại được, thế mới khổ.
Nói chung, cái gì thái quá cũng có hại. Nó cứ lớn phình ra trước mắt mình, che hết mọi thứ khác, khiến một người không mù mà cũng gần như mù. Mù thân xác thì còn dễ biết, nhưng mù tinh thần thì rất khó biết mình mù, vì vẫn còn thấy được những ham muốn của mình nó to tướng trước mắt, thấy hấp dẫn thế kia cơ mà. Nó lại còn điều khiển mình, thôi thúc mình, không sao cưỡng lại nó được. Rồi cứ thế mà đi lọt xuống hố lúc nào không hay. Trong Kinh Thánh Chúa Giêsu chữa lành cho người mù, vì người đó biết mình mù và tin vào quyền năng của Chúa. nên đã xin được chữa lành Còn mù tinh thần làm sao biết mà xin đây?
Gần đến những ngày lễ lớn như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, muốn chuẩn bị tâm hồn, cần được lãnh Bí Ttích Hoà Giải, nhưng sao khó quá. Tội lớn chẳng thấy mình phạm bao giờ, còn tội nhỏ thì chắc nhỏ quá nên cũng chẳng thấy gì luôn. Cứ thử xét cái điều răn thứ Sáu kia xem, "ai đó 'làm sự dâm dục' chớ hỏng có tui". Vậy chứ còn các thứ "dục" quá độ khác như vừa kể ở trên thì tính sao đây? Nhất là một khi đã bị những cái quá độ đó điều khiển, không sao cưỡng lại được, thì hay nhất là tìm đến với Thiên Chúa toàn năng để xin Ngài ban cho sức mạnh thiêng liêng hầu thoát được sự kềm kẹp của chúng.
Về ý nghĩa cuộc sống
Đâu là ý nghĩa cuộc sống chúng ta, đâu là ý nghĩa cuộc sống của mọi sinh vật nói chung? Biết câu trả lời cho câu hỏi này, nghĩa là có đức tin tôn giáo. Bạn lại hỏi: Có nghĩa gì không khi đặt ra câu hỏi ấy?
Tôi trả lời: Kẻ nào thấy cuộc sống của mình và của đồng loại là vô nghĩa, kẻ đó không những chỉất hạnh mà còn hầu như không thể sống được.
Giá trị đích thực của một con người
Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi: anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng khỏi cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa gì.
Về của cải
Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng.
Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không?
Cộng đồng và cá thể
Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời và nỗ lực của mình, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà người khác xây. Hầu hết những gì ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, khả năng tưủa chúng ta sẽ rất hạn chế - chỉ tương đương với những động vật cao cấp; vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng, để chúng ta hơn được động vật, trước hết chúng ta phải mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người. Một cá thể bị bỏ rơi một mình từ khi sinh ra sẽ có suy nghĩ và cảm nhận hoang dã như động vật, đến mức chúng ta khó mà tưởng tượng được. Vậy nên, căn cước và ý nghĩa tồn tại của một cá thể nằm ở chỗ, anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn của con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra tới khi chết.
Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác. Tùy theo thái độ của anh ta trong mối quan hệ này mà chúng ta đánh giá anh ta thuộc loại tốt hay xấu. Thoạt nhìn thì có vẻ là, chỉ duy những phẩm chất xã hội của một con người mới là chuẩn mực cho những đánh giá về anh ta.
Nhưng một quan niệm như vậy thật ra là không đúng. Dễ nhận thấy rằng, trải qua bao thế hệ, tất cảản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ cộng đồng đã được tạo dựng bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ: người tìm ra cách dùng lửa, người tìm ra cách trồng trọt, và người phát minh ra đầu máy hơi nước.
Chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng; cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không thể phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng.
Vâng, một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội. Có nhiều điểm đúng khi nói rằng, nền văn hóa Hy-Âu-Mỹặc biệt là cao trào văn hóa thời Phục hưng ở Ý - thời chấm dứt đêm trường trung cổ ởặt nền tảng trên sự giải phóng cá nhân và sự tách bạch một cách tương đối giữa cá nhân với cộng đồng.
Bây giờ, hãy nhìn vào thời đại chúng ta đang sống! Cộng đồng được nhìn nhận ra sao, còn cá thểế nào? So với thời trước, mật độ dân số ở các nước văn minh hiện quá cao; châu Âu hôm nay chứa một lượng người lớn gấp ba lần cách đây một trăm năm. Nhưng tỉ lệ những người có tưất thủ lĩnh lại giảm sút. Chỉ có một số ít người, nhờ thành tựu của mình, nổi lên trước đám đông như một nhân cách. Ở một chừng mực nhất định, tổ chức đã thay thế thủ lĩnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, song cũng đã có thể cảm thấy điều tương tự trong khoa học.
Đặc biệt nhạy cảm, sự thiếu hụt cá tính trong lĩnh vực nghệ thuật đang lộ rõ. Hội họa và âm nhạc xuống cấp trông thấy và đang đánh mất ghê gớm sự cộng hưởng trong công chúng. Trong chính trị, không chỉ thiếu người cầm lái mà sự độc lập tinh thần cũng như ý thức về lẽ phải của dân chúng cũng giảm sút khủng khiếp. Chế độ dân chủ nghị trường , chế độ vốn lấy sự độc lập nói trên làm điều kiện tiên quyết, đang bị chao đảo ở nhiều nơi; các chế độ độc tài xuất hiện và được dung dưỡng, bởi ý thức về danh dự và quyền cá nhân không còn đủ mạnh nữa. Chỉ trong hai tuần, vì báo chí, đám đông mù quáng ở một quốc gia nào đó có thể bị làm cho giận dữ và kích động đến nỗi những người đàn ông sẵn sàng khoác áo lính để đi giết người và bị giết vì những mục đích chẳng lấy gì làm cao quý của những thế lực nào đó. Nghĩa vụ quân sự với tôi là dấu hiệu nhục nhã nhất về sự thiếu hụt phẩm giá cá nhân, sự thiếu hụt mà vì nó, nhân loại văn minh của chúng ta đang quằn quại. Chẳng thế mà không thiếu những nhà tiên tri, những kẻ dự báo ngày tàn của nền văn minh chúng ta đang đến gần. Tôi không thuộc số những kẻ bi quan này; tôi tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Ở đây tôi muốn biện giải cho lòng tin ấy một cách ngắn gọn:
Theo ý kiến của tôi, những biểu hiện suy tàn hiện nay bắt nguồn từ chỗ: sự phát triển về kinh tế và kỹ thuật đã khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của con người càng thêm gay gắt, vì thế, sự phát triển tự do của cá nhân bị tổn hại nặng nề. Nhưng mặt khác, kỹ thuật phát triển lại giúp cá nhân ngày càng phải lao động ít hơn mà vẫn thỏa mãn được các nhu cầu chung. Việc phân công lao động có kế hoạch đang ngày càng trở nên một đòi hỏi cấp thiết, và việc phân công này sẽ mang lại sự bảo đảm về vật chất cho từng cá thể. Sự bảo đảm này, cũng như sức lực và thời gian dư ra của các cá thể, sẽ là một lợi thế cho sự phát triển nhân cách. Cộng đồng nhờ thế sẽ khỏe mạnh trởại, và chúng ta hãy hy vọng rằng, các sử gia tương lai sẽ nhìn những biểu hiện bệnh tật của thời đại chúng ta như chứng cảm cúm của trẻ con , chứng cảm cúm của một nhân loại đang vươn mình lên cao - mà tất cả chẳng qua cũng do tốc độ chuyển đổi quá nhanh mà ra.
ALBERT EINSTEIN _ TUỔITRẺ ONLINE
Nụ hôn cho ông già Noel làm thuê
Câu chuyện xảy ra đã hơn năm năm nhưng tôi vẫn nhớ như in món quà mà một cô bé đã tặng tôi mùa đông năm ấy, một mùa Giáng sinh lạnh lẽo nhưng ấm áp tình người.
Tháng mười hai, trời ở miền Bắc mưa rả rích kèm theo cái lạnh như cứa vào da thịt. Khoảng không gian chật hẹp của căn gác nhỏ không làm dịu được nỗi buồn và cảm giác nhớ nhà. Noel này cả lớp tôi lại lên kế hoạch đi chơi nhưng giờ mẹ vẫn chưa gửi tiền. Chắc mùa này quê mình lại bão lụt nhiều nên gia đình không thu hoạch được gì.
Sáng qua, mấy đứa cùng xóm trọ mách nhau chuyện làm thêm cho các tổ chức từ thiện. Mấy đứa rủ nhau đi kiếm việc. Công việc không nặng lắm nhưng khá mất thời gian bởi tôi và Hải vào vai hai ông già Noel. Chúng tôi xuất phát từ nhà lúc sáu giờ tối và về cũng phải sau nửa khuya. Có hôm làm ở trung tâm bảo trợ trẻ em nghèo, có hôm làm ở hội người tàn tật, cũng có khi là các trại mồ côi.
Những ngày cận kề Giáng sinh chúng tôi lại càng phải đi nhiều. Hôm đứng ở cổng trường tiểu học vùng ven ngoại thành, trời đã khuya lắm rồi nhưng có một cô bé vẫn chưa về. Bé nhìn tôi chằm chằm nhưng không dám tiến lại gần. Tôi đến cạnh bé, hỏi nhỏ: “Cháu sao vậy?”. Bé cười, đôi mắt vẫn còn nhiều niềm vui: “Ông già Noel ơi, có phải đứa trẻ nào học giỏi mới nhận được quà? Sáng nay cháu bị điểm kém môn toán, cháu sợ không có quà”. Tôi cười nhẹ: “Không đâu, ông cho tất cả. Nhưng nếu cháu nào ngoan thì ông sẽ vui hơn”. Bé ngạc nhiên, nhìn sang tôi, nhìn cả Hải: “Vậy là cháu đã làm hai ông buồn rồi à?”.
Bé khóc, những giọt nước mắt nóng hổi rớt đầy trên tay tôi. Hình như trong suốt buổi tối qua, vì quá mệt nhọc mà chúng tôi quên mất nở nụ cười với nhiều đứa trẻ, trong đó có bé. “Thôi, cháu nín đi. Hai ông già này không buồn đâu, nhưng cháu phải cố gắng hơn nhé”. Bé cười, đôi mắt vẫn còn ngân ngấn nước: “Vậy đi phát quà cho trẻ em, hai ông có nhận được quà của ai không?”. Hải bước tới: “Không, hai ông chỉ đem quà và giúp các cháu thực hiện ước mơ thôi. Là ông già Noel rồi thì cần gì nữa”.
Bé đi lại gần tôi, gần Hải: “Cháu tặng hai ông nhé”, rồi hôn nhẹ nhàng lên má của chúng tôi. Hai đứa ngớ người ra nhưng vẫn không quên nở nụ cười với bé trước khi bé đi mất. Cảm giác ấm áp lan tỏa trên má tôi, rồi cả người. Một chút vị ngọt ngào xen lẫn niềm thích thú. Tôi chợt nghĩ chưa bao giờ mình ước cho bản thân một món quà gì đó. Hình như tuổi thơ của tôi đã qua và chuyện ông già Noel đã chìm vào quá khứ lâu lắm rồi.
Thì ra không phải cứ mặc bộ trang phục đỏ trắng, phát quà cho trẻ em là mình đã tròn vai ông già Noel. Ông già Noel chỉ hiện hữu thật sự khi chúng ta được giao cảm với nhau. Sự chia sẻ tình người không chỉ là những hộp quà phát vội mà còn là những nụ hôn hồn nhiên và giàu ý nghĩa. Cảm ơn cô bé dễ thương đã cho những “ông già Noel” làm thuê như chúng tôi một kỷ niệm thú vị trong mùa Giáng sinh.