Tuesday, December 12, 2006

Hạnh phúc ngọt ngào

Tôi bước ra khỏi trại giam với vài chục ngàn đồng tiền lộ phí đi đường do trại cấp và những bước chân vô định. Về đâu bây giờ?
Bố tôi mất đã gần năm. Chồng tôi bỏ tôi đi lấy người khác (khi tôi cải tạo được ba năm). Lúc ở trại tôi mong ngày về ghê gớm, thế mà bây giờ tôi lại bối rối chẳng biết sẽ đi đâu về đâu.
Tôi lên xe về thẳng thành phố, nơi có chồng con tôi đang sống. Trời sẩm tối, tôi tạt qua nhà, ghé mắt nhìn vào. Chồng tôi đang ngồi bên cô vợ sau, béo tròn nung núc. Hai đứa con tôi ốm nhách, mỗi đứa bê một tô cơm lặng lẽ ngồi nhai. Nước mắt tôi trào ra rơi xuống hai bàn tay nóng hổi. Tôi muốn chạy vào ôm chầm lấy con nhưng không thể (tôi còn chưa lo nổi chỗ ăn chỗ nghỉ cho tôi đêm nay cơ mà!).
Tôi cứ đứng chôn chân bên hàng rào, mãi đến lúc con chó ngửi thấy hơi người lạ gừ lên tôi mới chập choạng bước đi, lòng rã rời, nặng trĩu. Đầu óc điên cuồng tuyệt vọng, tôi đâm sầm chạy xuống biển. Biển trước mắt tôi đen xì. Cứ thế, tôi lội ra, lội thật xa... Sóng đập vào, tôi trồi lên trụt xuống, oằn mình đau đớn...
Lúc mở mắt ra, tôi thấy mình nằm trong một túp lều. Ngước nhìn lên đầu, sao trời đang nhấp nháy. Cúi nhìn xuống chân, một phụ nữ dáng điệu mệt mỏi, nằm gục đầu trên ghế.
Người phụ nữ ấy chính là ân nhân của tôi. Chị bị nhiễm HIV, đã cứu tôi trong cái đêm tôi vô cùng tuyệt vọng. Tôi nhớ tôi đã khóc òa trên vai chị, nước mắt của tôi ướt sũng vai áo chị, và nước mắt của chị cũng nhòe nhoẹt lưng áo tôi. Tôi không thể tin được người con gái có khuôn mặt thật đẹp, thật hiền lại mang trong mình căn bệnh dữ dội của thế kỷ.
Căn bệnh nghiệt ngã chẳng biết từ đâu lây sang chị? Chị chỉ biết mình bị nhiễm bệnh sau khi đi mổ khối u ở cánh tay. Người thân xa lánh, xóm làng kỳ thị. Chị bỏ nhà, bỏ quê trôi dạt đến đây, dựng một túp lều sinh sống bằng nghề bơm vá xe.
Chiều chiều, tối tối, chị đi dọc bờ biển phát bao cao su, phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống AIDS, có hôm chị còn phát cả những đồng tiền dành dụm được cho một cô gái lỡ đường đang chờ tìm khách bán thân.
Chị trách tôi dại dột, khi dắt tôi ra ven lộ chỉ những cây cỏ cú đang cố vươn lên từ ghè đá cứng ngắc, cứng đến nỗi tôi không hiểu vì sao cây vẫn sống được. Chị bảo tôi ngốc nghếch khi đưa tôi đi dọc bờ biển chỉ về phía Quân y viện 87, nơi có những con người đang phải giành giật lấy sự sống từng giây, từng phút. Còn tôi, tôi nhìn chị, người con gái nhỏ nhắn, mong manh mà tử thần đứng ngay trước mặt vẫn toát lên một sức sống mãnh liệt. Chị không buông lời than thân, trách phận. Chị không chán nản, thở dài buông xuôi.
Tôi nhìn lại tôi, tôi có những thứ mà với chị chỉ là niềm mơ ước. Tôi có một cơ thể khỏe mạnh, tôi có những đứa con xinh xắn đáng yêu đang chờ tôi. Tóm lại trước mặt tôi là một tương lai ngời ngời đang vẫy gọi. Thế mà tôi lại yếu đuối, buông xuôi đầu hàng trước những thách đố của cuộc sống. Tôi tự hổ thẹn với bản thân mình, với các con tôi, với cha mẹ tôi, với gia đình và xã hội.
Tôi vâng lời chị “phải biết tin vào chính mình” nên mạnh dạn dựng một quán bán nước bên đường, nhặt nhạnh từng đồng mua một chiếc máy khâu cũ quyết tâm khởi nghiệp bằng cái nghề tôi đã học trong thời gian ở trại.
Vừa chịu thương chịu khó, vừa tự tin vào khả năng của mình, tôi đã sáng tạo, thiết kế được nhiều mẫu mã quần áo lạ mắt, hợp với thị hiếu khách hàng. Tiếng lành đồn xa, chủ tiệm của các shop thời trang tìm đến mời tôi hợp tác. Công việc làm ăn khá lên, chẳng bao lâu tôi đã mua được một căn nhà nhỏ, đón các con về đoàn tụ, vượt qua những ngày tăm tối.
Đến lúc ấy chồng tôi quay về cầu xin sự tha thứ. Chị lại khuyên: đặt niềm tin vào người ta, tức là đã cho người ta cả một cuộc sống. Chị nói đúng, chính niềm tin của tôi đặt vào anh đã làm anh thay đổi, anh cố gắng chăm sóc vun vén gia đình để chứng tỏ mình vẫn là người đàn ông xứng đáng, làm chỗ dựa vững vàng cho mẹ con tôi.
Hôm nay, tôi thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào bên chồng con yêu dấu. Đôi lúc nhớ lại giây phút cạn nghĩ ngày xưa, tôi không khỏi rùng mình. Nếu không có chị, làm sao tôi hiểu cuộc sống hôm nay đẹp dường nào.
ĐỖ THỊ MINH HÒA (TP.HCM)

Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống
TUỔITRẺ ONLINE

No comments: