Sunday, December 31, 2006

Lễ Thánh Gia - Holy Family Sunday (Luca 2:41-52)

Bài Đọc I: Sir 3:3-7,14-17 II: Col 3:12-21
Phúc Âm Luca 2:41-52
(41) Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. (42) Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. (43) Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. (44) Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. (45) Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. (46) Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. (47) Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. (48) Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" (49) Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (50) Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (51) Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (52) Còn Đức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.
Chi Tiết Hay
* Nadarét cách Giêrusalem khoảng 85 dặm.
* Chỉ có Thánh Luca kể lại chuyện này. Đây cũng là mầu nhiệm vui thứ năm trong chuỗi Mân Côi.
* (c. 41) Thánh Luca kể lại hai lần Chúa Giêsu hành hương lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Đây là lần đầu tiên. Lần thứ hai là trước cuộc khổ nạn của Ngài. Trong cả hai lần, Chúa Giêsu đều bị "lạc mất" trong ba ngày. Lần đầu đánh dấu sự trưởng thành của Ngài cũng như sứ mệnh của Ngài. Lần sau cùng kết thúc sứ mệnh của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại vinh hiển sau ba ngày từ cõi chết.
* Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, người phụ nữ trong gia đình (mẹ, cô, dì, chị, v.v.) có nhiệm vụ nuôi nấng và dạy dỗ con cái, cả trai và gái, cho đến tuổi dậy thì. Bởi vậy con trai thường rất khắng khít với người mẹ ngay cả khi đã trưởng thành.
* (c. 42) Khi người con trai đến mười hai tuổi, luật Maisen bắt buộc cậu phải hành hương lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Cậu sẽ được phép đọc Kinh Thánh lần đầu tiên trong đền thờ, đánh dấu sự trưởng thành. Trách nhiệm dạy dỗ cậu bấy giờ chuyển qua cho người cha.
* (c. 44) Trong những cuộc hành hương này, người Do thái chia ra làm hai đoàn. Đàn ông và các cậu trai 12 tuổi trở lên một đoàn, phụ nữ và các trẻ em nhỏ đi chung với nhau trong một đoàn khác.

* (cc 48-49) Đức Mẹ có lẽ rất hân hoan khi không thấy trẻ Giêsu đi với mình trên đường về, tin rằng con mình đã ý thức sự trưởng thành của mình và đã chọn đi với đoàn người nam. Thánh Giuse có lẽ đã thở dài khi thấy con mình vắng mặt trong đoàn người nam, nghĩ rằng trẻ Giêsu vẫn còn muốn theo mẹ. Trong khi đó trẻ Giêsu đã đánh dấu sự trưởng thành tâm linh của mình, quyết định ở lại đền thờ, "nhà" của Thiên Chúa, Cha của Ngài.
Một Điểm Chính: Vào một thời điểm nào đó của cuộc đời, chúng ta phải trưởng thành trên phương diện tâm linh, nhận Thiên Chúa là Cha, và sẵn sàng đón nhận ý Ngài.
Suy Niệm
1. Đức Mẹ và Thánh Giuse dạy dỗ trẻ Giêsu về phần tâm linh để Ngài có thể nhận định rằng: "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?". Hồi tưởng lại hành trình đức tin của bạn. Ai là người đã dưỡng dục tâm hồn của bạn? Họ đã làm sao? Lúc nào và làm sao bạn đã nhận định được phạm vi đặc biệt của bạn trong tim của Thiên Chúa?
2. Gia đình là nơi đầu tiên để dưỡng dục đời sống nội tâm. Đọc thêm Luca 2:21-40 và chiêm niệm sự chăm sóc mà Đức Mẹ cùng Thánh Giuse dành cho trẻ Giêsu trong thời thơ ấu của Ngài. Suy niệm về trách nhiệm tâm linh của bạn trong gia đình: những khó khăn, những lúc thối chí, và sứ mệnh trong việc dưỡng dục con cái sao cho chúng lớn lên trong ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa.


Theo ĐỒNGHÀNH Org
---------------------------------------------------------
Holy Family Sunday

Reading I: Sir 3:3-7,14-17 II: Col 3:12-21
Gospel Luke 2:41-52
(41) Now his parents went to Jerusalem every year at the feast of the Passover. (42) And when he was twelve years old, they went up according to custom; (43) and when the feast was ended, as they were returning, the boy Jesus stayed behind in Jerusalem. His parents did not know it, (44) but supposing him to be in the company they went a day's journey, and they sought him among their kinsfolk and acquaintances; (45) and when they did not find him, they returned to Jerusalem, seeking him. (46) After three days they found him in the temple, sitting among the teachers, listening to them and asking them questions; (47) and all who heard him were amazed at his understanding and his answers. (48) And when they saw him they were astonished; and his mother said to him, "Son, why have you treated us so? Behold, your father and I have been looking for you anxiously." (49) And he said to them, "How is it that you sought me? Did you not know that I must be in my Father's house?" (50) And they did not understand the saying which he spoke to them.51 And he went down with them and came to Nazareth, and was obedient to them; and his mother kept all these things in her heart. (52) And Jesus increased in wisdom and in stature, and in favor with God and man.
Interesting Details
* Nazareth is about 85 miles from Jerusalem.
* Only St. Luke reports this event. It is the fifth joyful mystery of the Rosary.
* St. Luke reports only two journeys that Jesus made to Jerusalem for the feast of Passover. This event is the first, and the other immediately precedes his Passion. He was "lost" for three days in both events. The first marks the beginning of Jesus' adulthood as well as his mission. The last one marks the end of his mission as he rose victoriously after three days.
* In Jewish society at the time of Jesus, boys and girls were at first primarily brought up by the women of the family. At the age of puberty, the boys made a transition and were reared primarily by their fathers or the men in the family.
* When a boy reaches the age of twelve, the law of Moses requires that he journeys to Jerusalem for the Passover where, for the first time, he would be allowed to read the Words of God in the temple. This marks the beginning of his adulthood, and his care is transferred to the men in the family. It is a harsh transition for boys.
* For such trips as the journey during the feast of Passover, the Jews traveled in large groups separate according to genders. Men and boys older than twelve travel together, while the women and smaller children travel in a separate group.
* Mary must be joyful not finding the young Jesus with her thinking that he successfully made the transition to adulthood, electing to be with Joseph and all other boys. Joseph, on the other hand, felt disappointed to discover that Jesus was absent among the men. Joseph probably believed that the young Jesus still felt attached to his mother Mary. The young Jesus on the other hand made a spiritual transition into the care of God the Father.
One Main Point: One must, at some point in life, mature spiritually into the providence of God the Father and discover his own unique relation with God.
Reflections
1. Mary and Joseph nurtured the young Jesus spiritually so that he could reach the conclusion: "Did you know that I have to be in my Father's house?" Reflect on your one journey of faith. Who has nurtured you spiritually, and how? How and when did you discover your unique place in God's heart?
2. A family is the primary place to nurture spirituality. Read Luke (2:21-40) and contemplate the care that Mary and Joseph had for Jesus during his childhood. Contemplate your own spiritual responsibility in your family: the obstacles, the doubt, and the mission in bringing up your own children so that they will be able to grow into the wisdom and love of God.


By DONGHANH Org

Thursday, December 28, 2006

Những giải thích của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI về Mầu Nhiệm Giáng Sinh.

Sáng Thứ Tư, ngày 27 tháng 12 năm 2006, đùng ngày lễ kính Thánh Gioan Tông Ðồ, Ðức Thánh Cha có buổi tiếp kiến chung và đã dành trọn bài huấn đức của ngài để nói về ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị theo dõi bài huấn đức này. Ðức Thánh Cha mở đầu bài huấn đức như sau:
Anh chị em thân mến,
Cuộc gặp gỡ hôm nay diễn ra trong bầu khí giáng sinh thấm đượm niềm vui sâu xa vì Ðấng cứu thế giáng trần. Cách đây vài ngày, chúng ta đã cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh mà trong những ngày này dư âm còn kép dài trong phụng vụ. Ðây là mầu nhiệm ánh sáng mà con người thuộc mọi thời đại có thể sống lại trong đức tin. Vang lên trong tâm hồn chúng ta những lời của thánh sử Gioan, mà vào đúng ngày hôm nay chúng ta mừng lễ; ---- (buổi tiếp kiến diễn ra sáng thứ Tư 27 tháng 12 năm 2006, đúng ngày lễ kính thánh Gioan Tông Ðồ) --- đó là những lời sau đây: "Ngôi Lời đã làm Người và sống giữa chúng ta" (Gn 1, 14). Vậy, trong Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta; Ngài đến vì chúng ta, để ở lại với chúng ta. Một câu hỏi được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô giáo, như sau: Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy? Tại sao Thiên Chúa đã làm người?
Giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên có bài ca của các thiên sứ nơi hang đá Bêlêm: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao và bình an dưới thế cho con người vì được Ngài yêu thương" (Lc 2,14). Bài ca của đêm giáng sinh, bài ca Vinh Danh Thiên Chúa, đã từ lâu trở nên thành phần của Phụng Vụ, cũng như ba bài ca khác nữa của tân ước, liên quan đến Giáng Sinh và tuổi Thơ của Chúa Giêsu: đó là các bài ca sau đây: bài ca Chúc Tụng Thiên Chúa của ông Zaccaria, bài ca Magnificat, Ngợi Khen Thiên Chúa của Mẹ Maria, và bài ca Nunc Dimittis của tiên tri Simêon. Ba bài ca này được đưa vào trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối. Nhưng bài ca Vinh Danh Thiên Chúa thì có chỗ đứng riêng biệt của nó trong Thánh Lễ. Tiếp theo những lời của các thiên sứ, và khởi sự từ thế kỷ thứ II, người ta thêm vào những lời chúc tụng như sau: "Chúng con ca ngơi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm ta Chúa vì vinh quang cao cả Chúa"; rồi một thời gian sau, người ta thêm những lời khẩn cầu như sau: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Ðức Chúa Cha, Chúa là đấng xoá tội trần gian..." cho đến việc lập thành bài ca chúc tụng được cất hát đầu tiên trong Thánh Lễ Giáng Sinh rồi sau đó trong Thánh Lễ của tất cả mọi Lễ Trọng trong Phụng Vụ. Ðược đưa vào trong phần đầu lễ, bài ca Vinh Danh Thiên Chúa nhấn mạnh đến sự liên tục hiện có giữa Giáng Sinh và cái chết của Chúa Kitô, giữa Giáng Sinh và Phục Sinh, hai khía cạnh không thể nào tách rời của mầu nhiệm cứu rỗi duy nhất.
Phúc âm tường thuật rằng có vô số các thiên sứ hát lên như sau: "Vinh Danh Thiên Chúa trên trời cao và bình an dưới thế cho con người vì được Ngài yêu thương. Các thiên sứ loan báo cho các mục đồng rằng Giáng Sinh của Chúa là Vinh Quang cho Thiên Chúa trên trời cao thẳm; và là bình an dưới thế cho con người vì được Thiên Chúa yêu thương. Và cũng thật là hợp lúc, khi người ta đặt trên hang đá những lời này của các thiên sứ, để giải thích cho mầu nhiệm giáng sinh, được thực hiện hoàn tất trong hang đá. Từ "Vinh Quang" (Doxa) nói lên sự huy hoàng của Thiên Chúa, Ðấng khơi đậy lời chúc tụng đầy biết ơn của các tạo vật. Sau này, thánh Phaolô tông đồ sẽ nói rằng: chính sự hiểu biết về vinh quang Thiên Chúa chiếu toả trên dung mạo của Chúa Kitô" (2 Co 4,6). "Hoà Bình" tổng hợp sự sung mãn các hồng ân thiên sai, tức là ơn cứu rỗi được đồng hoá với chính con người Chúa Kitô, như thánh tông đồ Phaolô đã ghi nhận như sau: "Người là Hoà Bình của chúng ta" (Eph 2,14). Cuối cùng lời kinh Vinh Danh nhắc đến con người như là những kẻ "thiện chí". Từ "Thiện Chí", trong ngôn ngữ thông thường, làm cho ta nghĩ đến "thiện chí" của con người, nhưng ở đây thì lại nghiêng về việc nói đến "ý định tốt lành của Thiên Chúa đối với con người" và "thiện ý" này không bao giờ có giới hạn.
Vậy đây là sứ điệp của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa đã biểu lộ ý muốn tốt lành (thiện ý) của Ngài đối với tất cả mọi người qua việc Chúa Giêsu giáng trần.
Chúng ta trở lại với câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa làm người? Thánh Irênêô đã viết như sau: Ngôi Lời đã trở thành kẻ phân phát Vinh Quang của Thiên Chúa Cha để làm ích cho con người... Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động --- và sự sống con người hệ tại trong việc "nhìn thấy" Thiên Chúa" (ad Her. IV, 20,5.7). Vậy vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ trong ơn cứu rỗi con người, mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi trao ban Con Một, ngõ hầu bất cứ ai tin vào Con Một này thì không phải chết, nhưng được sống đời đời.". Như thế, tình yêu là lý do cuối cùng của việc Nhập Thể của Chúa Kitô. Về điểm này, suy tư của Thần học gia H.U. von Balthasar quả thật hùng hồn. Ngài đã viết như sau: "Thiên Chúa, trước hết, không phải là một quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối, mà chóp đỉnh của tình yêu đó không được thể hiện trong việc giữ lại cho mình những gì thuộc về mình, mà trong việc từ bỏ những điều đó" (trích Mầu nhiệm Vượt Qua I,4). Thiên Chúa mà chúng ta chiêm ngắm trong hang đá là Thiên Chúa Tình Yêu.
Về điểm này, lời loan báo của các thiên sứ còn vang lên cho chúng ta như là một lời mời gọi: "hãy" chúc tụng Vinh Quang Thiên Chúa trên trời cao, và "hãy" (xây dựng) hoà bình trên mặt đất cho con người được Thiên Chúa yêu thương. Cách duy nhất để làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng hoà bình trong thế giới hệ tại trong việc tiếp đón cách khiêm tốn và đầy tin tưởng hồng ân Giáng Sinh: hồng ân tình yêu. Bài ca của các thiên sứ lúc đó trở thành lời cầu nguyện mà chúng ta cần thường lặp đi lặp lại, chớ không phải chỉ trong mùa giáng sinh này thôi. Ðây là bài ca chúc tụng Thiên Chúa trên trời cao và là lời khẩn cầu sốt sắng xin Thiên Chúa ban hoà bình trên thế giới, một lời khẩn cầu được diễn dịch ra trong sự dấn thân cụ thể để xây dựng hoà bình bằng chính đời sống mình. Ðó là dấn thân mà Lễ Giáng Sinh trao phó cho chúng ta.
LM. Đặng Thế Dũng (Vietcatholic News)

Wednesday, December 27, 2006

Hang đá, ba mẹ và con

San sẻ yêu thương
4 tuổi, tuổi bắt đầu biết ký ức nhớ về những Noel trong đời, ba mẹ chở đi xem hang đá ở nhà thờ. Người đông, đường chật, chiếc xe đạp của ba ngả nghiêng theo dòng người. Ba đứng ngoài nhà thờ canh xe, mẹ bồng con chen vào để được ngắm tượng Chúa hài đồng mỉm cười an lành…
7 tuổi, đi xem hang đá đã thành một truyền thống của gia đình mình, dù nhà mình không theo đạo. Năm nay đến lượt mẹ giữ xe, ba ẵm con, thằng nhóc bé tí và gầy nhom, cố vươn lên ngắm đèn màu lấp lánh…
12 tuổi, đã đủ cao, đủ dạn dĩ để chen lấn đến sát bên hang đá. Mẹ cũng ráng nhích vào cùng con trai chụp một bức hình xinh xắn. Và ba vẫn ở ngoài trông xe… Chưa bao giờ nhà mình có một tấm hình đủ đầy bên hang đá ấy…
17 tuổi, con lớn bộn, nhà mình đi xem hang đá bằng hai xe. Dọc đường, con mải nói chuyện với đứa bạn tình cờ gặp nên lạc mất ba mẹ… Đương nhiên, chẳng còn trẻ con gì để sợ hãi mà khóc. Con quay xe, không xem hang đá nữa, dạo vài vòng thành phố bé nhỏ, nhìn ngắm người xe. Về nhà, mẹ nhẹ nhàng bảo: “Ba mẹ chờ con mãi…”.
20 tuổi, con đi học ở Sài Gòn. Dịp Noel, con ham vui theo bạn bè về tận xứ đạo ở Biên Hòa (Đồng Nai) xem hang đá. Đẹp, lạ, mải ngắm, mải đùa giỡn, con quên mất điện về cho ba mẹ. Để giữa dòng người ken đặc, mẹ điện lên: “Noel vui không con?”. “Dạ vui lắm mẹ, mà ba mẹ có đi thăm hang đá không?”. “Không con à. Ba mẹ già rồi. Mà con vui là ba mẹ vui rồi, nhưng nhớ giữ sức khỏe nghe con!”…
…Có lẽ trong mắt ba mẹ, bao nhiêu năm rồi hang đá cũng vẫn một hình ảnh an lành quen thuộc, còn tình thương ba mẹ dành cho con, theo mùa an lành này chỉ ấm áp hơn mãi…

Bức tranh gia đình

Trong nhiều năm qua, gia đình chúng tôi hay có thói quen chụp hình những gì chúng tôi thích và khi chụp hết cuộn phim, chúng tôi bỏ nó vào tủ chứ không đi rửa. Mấy hôm trước vợ tôi cầm vài cuốn phim ra tiệm rửa hình.
Trong những bức ảnh in ra, có rất nhiều tấm chụp bọn trẻ nhà tôi chơi đùa, tôi cũng có mặt trong vài tấm, nhưng không bức ảnh nào có vợ tôi. Vì đơn giản cô ấy là người chụp.
Khi xem những bức ảnh gia đình mình, tôi nhớ lại câu chuyện của anh bạn đã từng kể cho tôi nghe năm ngoái. Anh là trưởng phòng một công ty lớn nên luôn bận rộn, anh thường xuyên dự các buổi họp và phải trực vào cuối tuần. Có lần cô giáo của con gái anh gửi thư mời gặp mặt phụ huynh. Lâu nay vợ anh luôn lo việc này, nhưng không hiểu sao lần này trong giấy mời ghi rõ là mời anh tới dự. Chắc có chuyện quan trọng nên anh buộc phải thu xếp công việc để tới trường gặp cô. Cô giáo đưa cho anh một bức vẽ và nói: “Đây là bức tranh con gái anh đã vẽ khi tôi yêu cầu cháu vẽ về gia đình của mình, anh xem đi”. Anh bạn nhìn vào bức tranh một lúc rồi tỏ ra buồn rầu vì trong bức tranh không có bóng dáng người cha. “Đó là lý do tôi mời anh đến đây. Tôi đã hỏi con gái anh là bố em đâu. Cô bé trả lời rằng chẳng bao giờ bố em ở nhà nên em không vẽ bố vào bức tranh này”, cô giáo nói. Anh đau đớn hiểu ra tất cả. Từ đó, anh thay đổi lịch làm việc, chú ý quan tâm đến gia đình và con gái nhiều hơn. Anh trở thành một doanh nhân thành đạt và bên cạnh anh luôn có vợ và những đứa con ngoan ngoãn.
Tuyết Ngọc _ Người Lao Động

Kính Các Thánh Anh Hài

"Dù một chấm một phẩy trong Kinh Thánh cũng không bỏ qua cho đến khi tất cả được nên trọn".
Không cần phải đưa Hài Nhi ra khỏi Ai Cập, chỉ cần đi xa vài làng mạc thành phố thôi cũng đủ để thoát khỏi bàn tay sát hại của Hêrôđê, hoặc có thể khiến cho ba đạo sĩ không đi ngang qua lối ấy để vua Hêrôđê không biết. Thế nhưng để ứng nghiệm lời tiên tri như đã chép mà Chúa đã làm như vậy. Từ đó chúng ta nhớ lại đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói: "Ai tuân giữ và dạy người khác thực hành những điều nhỏ mọn nhất trong luật Chúa thì sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Chúng ta đừng hiểu theo nghĩa đen như những người biệt phái và luật sĩ ngày xưa, nhưng phải đem tinh thần của lề luật vượt lên trên hết tất cả mọi điều luật. Ðó là tình yêu khoan dung bao la tha thứ của Thiên Chúa đối với những người ăn năn hối cải quay trở về với người Cha nhân từ.
Hôm nay lễ kính các thánh Anh Hài Tử Ðạo, chúng ta nói qua về vấn đề có tội và vô tội. "Nhân vô thập toàn", không ai là hoàn toàn cả: "Tinh thần thì hăng hái, xác thịt thì nặng nề". Nhóm người cổ Hy Lạp ngày xưa cùng thời với Platon, Aristote cho thân xác là tù ngục của linh hồn là thế. Cho nên nếu chúng ta nói: "Tôi là người vô tội" thì coi chừng tôi đang lừa dối tôi đấy. Thánh Phaolô đã cảnh tỉnh chúng ta: "Khi anh em tin rằng, anh em mạnh mẽ đứng vững, anh em hãy coi chừng kẻo ngã đấy".
Trong bài Thánh Thư hôm nay, thánh Gioan Tông Ðồ có viết thêm: "Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội thì chúng tôi là kẻ kêu Ðức Giêsu Kitô là kẻ nói dối và lời của Ngài không có ở trong chúng tôi". Vì sao? Vì Ðức Kitô đến để chuộc tội cho nhân loại tội lỗi, trong đó có mỗi người trong chúng ta. Thánh Gioan còn nói rõ hơn nữa: "Chính Ðức Kitô là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền tội chúng ta mà thôi nhưng còn đền tội cho cả thế gian nữa". Như thế không ai trong chúng ta là kẻ vô tội.
Lúc mới sinh ra, con người đã mang lấy tội Tổ Tông ngoại trừ Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người, ngoại trừ Mẹ Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, và như Gioan Tẩy Giả được Mẹ Maria mang Chúa đến viếng thăm, dù đang ở trong bụng mẹ cũng đã nhảy mừng và thoát khỏi tội Tổ Tông, còn tất cả chúng ta đều mắc tội Tổ Tông.Khi lớn lên tới tuổi khôn là tuổi nhận biết, phân biệt được hành vi việc làm của mình, Giáo Hội xác định là bảy tuổi, tức là chúng ta bắt đầu tới tuổi khôn, bắt đầu thêm tội mình nữa. Có một thánh nhân đã thú nhận: "Trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không khỏi có năm phút sai lỗi". Tội nặng hay nhẹ tùy hai yếu tố quan trọng sau đây:
1. Lý do bởi luật buộc là nặng.
2. Do sự chú ý cố tình sai phạm khi biết đó là tội trọng.
Vậy phạm một tội trọng cũng không phải là chuyện dễ, vì phải gồm có hai yếu tố trên.
Con người tuy mang lấy bản tính yếu đuối hay sa ngã, chán nản, mỏng dòn nhưng con người được Thiên Chúa biết và thông cảm cho. Nếu trong một ngày, người anh em con phạm tội đến con và nói với con rằng: "Tôi hối hận" thì con cũng phải tha thứ cho anh em con bảy lần không?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy không bảo con phải tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn".
Vì nếu chúng ta tính được tới bảy mươi lần bảy thì chúng ta đã trở thành máy móc, trở thành thói quen quán tính tha tội cho người anh em của mình mãi. Chúa đã dạy chúng ta như thế, phương chi lòng Chúa càng phải bao dung tha thứ biết bao nhiêu lần. Tội hay vô tội, vấn đề đó không quan trọng, quan trọng của vấn đề là có lòng thống hối ăn năn hay không? Ðược tha nhiều sẽ mến Chúa nhiều hơn, như Maria Madalena trong Phúc Âm đã xức dầu thơm chân Chúa, như Phanxicô Xaviê, Augustinô chẳng hạn. Từ đó, con người đam mê trong trụy lạc thời còn trai trẻ được Thiên Chúa cho giác ngộ để dấn thân theo tiếng Chúa gọi và trở nên những vị thánh nổi tiếng lừng danh trong Giáo Hội.
Lạy Chúa, trong ngày lễ kính các Thánh Anh Hài hôm nay, xin cho mỗi người chúng con ý thức được vấn đề tội lỗi và tình thương của Chúa để chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn trong giây phút hiện tại. Amen.
Đ.Ô. Phêrô Nguyễn Văn Tài (Vietcatholic News)

Monday, December 25, 2006

Sunday, December 24, 2006

Giáng sinh vui vẻ con nhé!

“Ta sẽ không bao giờ quên con đâu”, ông lão nói với chú chó, nước mắt chảy dài trên gò má đã sạm, “Ta già rồi, không còn chăm sóc ngươi được nữa”. Tiffy nghiêng đầu nhìn chủ, sủa gâu gâu. Nó vẫy đuôi suy nghĩ: “Ông chủ nói gì vậy nhỉ?”. “Ta còn không lo được cho bản thân nữa, nói chi là lo cho ngươi”. Ông lão hắng giọng rồi rút khăn tay ra hỉ mũi thật mạnh.
“Ta sắp phải vô viện dưỡng lão sống nên không thể đem con theo cùng. Con biết rồi đấy, ở đó người ta chỉ chứa người chứ không chứa chó”, ông lão lê tấm lưng còng do tuổi tác đến bên Tiffy, vuốt ve nó: “Đừng lo, con ạ. Chúng ta sẽ tìm được một gia đình mới. Chúng ta sẽ tìm được một mái ấm mới cho con”. Nghỉ một lát, ông nói thêm: “Con đẹp thế này, làm sao không tìm được một gia đình mới cho con. Ai cũng sẽ cảm thấy tự hào nếu có được một chú chó đẹp như con”.
Tiffy vẫy đuôi rối rít, chạy tới chạy lui trong bếp. Trong thoáng chốc, cái mùi quen thuộc của ông cụ quyện với mùi dầu mỡ trong bếp tạo cho nó một cảm giác ấm áp. Nhưng rồi cảm giác sợ hãi trở lại với nó. Nó đứng yên như trời trồng, đuôi thõng xuống giữa hai chân sau.
“Lại đây nào”. Khó khăn lắm ông cụ mới khuỵu gối được xuống nền nhà và kéo Tiffy lại gần, đầy âu yếm. Ông cột quanh cổ chú chó sợi ruy băng có gắn một cái nơ đỏ thật lớn và kẹp vào đó một mảnh giấy nhỏ. Tiffy thắc mắc trong đầu: “Không biết ông chủ nói gì trong đó?”.
“Trên mảnh giấy có viết như vầy”, ông cụ đọc to lên, “Chúc Giáng sinh vui vẻ! Tôi tên là Tiffy. Buổi sáng tôi thích cơm nguội. Buổi tối thì tôi thích gặm một chút xương. Chỉ cần như vậy thôi. Tôi chỉ ăn hai bữa mỗi ngày. Đổi lại, tôi sẽ là người bạn trung thành nhất của gia đình quí vị”.
“Gâu, gâu”. Tiffy cảm thấy bối rối, đôi mắt nó nhìn van xin, “Chuyện gì đang xảy ra?”.
Ông cụ lại hỉ mũi mạnh vào chiếc khăn tay. Rồi ông vịn vào một chiếc ghế để gượng đứng dậy. Ông cài nút áo khoác, nắm lấy sợi dây dắt chú chó và nói nhẹ nhàng: “Đi nào, anh bạn”. Ông mở cửa, một làn gió lạnh thổi ùa vào, rồi ông bước ra ngoài, kéo theo chú chó đang bước đằng sau. Hoàng hôn đang buông dần. Tiffy trì lại. Nó không chịu đi.
“Thôi nào, đừng làm khó ông, con à. Ta hứa với con là con sẽ sung sướng hơn khi ở với ta”.
Ngoài đường vắng lặng. Ông cụ và chú chó lầm lũi bước trong buổi chiều mùa đông. Tuyết bắt đầu rơi.
Đi một lúc lâu, họ đến trước một ngôi nhà cổ, xung quanh nhà có nhiều cây to đang đung đưa rì rào trong gió. Run người trong giá lạnh, họ quan sát ngôi nhà. Ánh sáng mờ như trang hoàng thêm cho các khung cửa sổ, trong làn gió vang vang âm thanh của một bài hát Giáng sinh.
“Đây sẽ là một mái ấm tốt cho con”, ông cụ nghẹn lời. Ông cúi người xuống và mở dây cho chú chó, nhẹ nhàng mở cửa để cánh cửa không rít lên. “Đi đi. Bước lên bậc thềm rồi cào chân lên cửa”.
Tiffy e ngại nhìn vào ngôi nhà rồi quay lại nhìn chủ, rồi lại nhìn về ngôi nhà. Nó không hiểu gì cả “Gâu gâu”.
“Nào”. Ông già đẩy chú chó và nói bằng giọng khô khan: “Ta không còn có ích cho ngươi nữa. Đi đi”.
Tiffy cảm thấy bị tổn thương. Nó nghĩ rằng chủ không còn thương nó nữa. Nó không hiểu rằng thật ra ông rất thương nó nhưng ông không thể lo cho nó được nữa. Chú chó lảo đảo đi về phía ngôi nhà và bước lên bậc thềm. Nó đưa một bàn chân lên cào vào cánh cửa và sủa “Gâu, gâu. Gâu, gâu”.
Nó quay lại nhìn, thấy chủ nép vào sau một thân cây. Vừa lúc có ai đó trong nhà vặn nắm cửa. Một chú bé xuất hiện, ánh sáng ấm áp từ trong nhà toa sáng xung quanh chú bé đang đứng ở lối ra vào. Vừa nhìn thấy Tiffy, chú bé vung cao hai tay lên trời và vui sướng reo lên: “Ba mẹ ơi, ra mà xem quà của ông già Noel này”.
Nấp sau gốc cây, qua đôi mắt đẫm lệ, ông cụ nhìn thấy mẹ của cậu bé đọc mảnh giấy. Bà nhẹ nhàng kéo Tiffi vào nhà. Mỉm cười mãn nguyện, ông cụ đưa tay áo lạnh và ẩm lên chùi mắt, rồi ông biến mất vào màn đêm, thì thầm: “Giáng sinh vui vẻ nhé con”.

Christa Holder Ocker _ THẢO LÊ dịch (TUỔITRẺ ONLINE)

NIỀM VUI CHO ĐI

Tôi có thằng cháu nội năm nay chưa đầy 5 tuổi rưỡi nhưng có cách suy nghĩ và nói năng nhiều khi làm tôi phải ngạc nhiên. Chẳng hạn cháu hỏi Santa Claus có “real” không? Hoặc Santa Claus to lớn như vậy làm sao có thể chui qua lỗ “chimney” để đem quà đến cho trẻ nhỏ? Cắc cớ hơn cháu còn thắc mắc rằng trước ngày Christmas có lần cháu là “bad boy” mà sao Santa Claus vẫn cho quà?
Có người bảo rằng ở Mỹ trẻ nhỏ được chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ lại được nuôi dưỡng bằng thức ăn đầy đủ dinh dưỡng nên đứa trẻ nào cũng thông minh. Có người lại nói chẳng cứ gì ở Mỹ, trẻ con của thế kỷ 21 dù ở nước nào cũng thông minh lanh lợi hơn hẳn các thế hệ cha, ông của chúng.
Tôi không có trong tay bản nghiên cứu hay thống kê nào về vấn đề này nên chẳng biết ý kiến nào đúng hơn. Nhưng tôi biết chắc chắn trẻ con ngày nay quá khôn. Nhiều khi chúng đối đáp hay là cách suy nghĩ, cách hành sử của chúng khiến đôi khi thấy khó tin nếu không có lần đã tận mắt chứng kiến hay là chính tai nghe chúng nói.
Thằng cháu của tôi đúng ra năm ngoái phải được gửi đi “preschool” nhưng vì bố mẹ cháu sơ ý không ghi tên kịp thời khiến cháu không được nhận vì lớp đã đầy đủ học sinh. Điều này đã khiến tôi lo ngại, chỉ sợ không được đi “preschool” tới lúc đi học cháu sẽ bỡ ngỡ hay còn có thể không theo kịp bạn.
Quả thật điều tôi lo ngại đã có phần đúng. Vào đầu năm học vừa rồi khi gần đến ngày di học bỗng dưng cháu thoái thác, không muốn đến trường dù trước đó rất háo hức, ngày nào cũng đòi đi học. Những ngày đầu đưa được cháu đến trường thật không dễ dàng chút nào. Sáng nào cũng phải dỗ dành, nói năng đủ lẽ cháu mới chịu lên xe nhưng khi đến nơi lại khóc lóc đòi về. Có lần khi đi gần đến lớp đột nhiên cháu bỏ chạy núp trong một lùm cây rồi ở lì trong đó. Nói sao cũng không chịu ra khỏi lùm cây cho đến lúc phải nhờ cô giáo can thiệp. Cô giáo Mỹ có lẽ lần đầu tiên thấy đứa học trò của mình trốn học bằng một kiểu cách có một không hai này đã phải phì cười.
Những ngày tiếp đó thì cháu không còn trốn tránh nữa nhưng khi vào lớp không chịu nói năng hay tham gia bất cứ sinh hoạt nào với các bạn. Nghe vậy tôi vô cùng hoang mang chỉ sợ cháu cứ tiếp tục đối kháng kiểu đó thì không biết sẽ phải xử trí ra sao. Cũng may tình trạng đó kéo dài không lâu, sau khoảng hơn 2 tuần lễ thì sự việc đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi sáng cháu vui vẻ đến trường và khi gần đến lớp còn giục mẹ đi về vì chỗ này là chỗ của “kids”, người lớn không được vào. Bây giờ thì cháu thấy đi học “fun” hơn ở nhà cho nên mới nghỉ ở nhà vài ngày đã than “bore”, cứ hỏi chừng nào mới được đi học lại.
Từ khi thích nghi được với môi trường mới, cháu tỏ ratiến bộ nhanh chóng về mọi mặt trước sự ngạc nhiên của cô giáo. Ngày nào đi học về cháu cũng kể chuyện ở trường, nào là được cô giáo khen, nào là hôm nay được làm “leader”, được ngồi “special chair”, rồi ngày nào trường cho ăn món gì, món nào ngon món nào dở cháu đều đem ra kể vanh vách.
Truớc kia cháu rụt rè bao nhiêu thì bây giờ dạn dĩ bấy nhiêu. Trước kia cháu tiêu cực bao nhiêu thì bây giờ tỏ ra tích cực và ham thích hoạt động bấy nhiêu. Dịp Halloween vừa qua cô giáo khuyến khích học sinh tham gia vào việc từ thiện bằng cách giao cho mỗi học sinh một chiếc hộp nhỏ để khi đi xin kẹo thì cũng xin tiền để giúp người nghèo. Tối hôm Halloween, vào lúc những đứa trẻ khác tuôn ra đường đi xin kẹo, cháu cũng đòi người lớn dẫn đi nhưng chỉ mang theo chiếc hộp cô giáo giao cho. Khi được nhắc nhở đem theo giỏ đựng kẹo thì cháu nói cháu không cần kẹo, chỉ cần đi xin tiền cho người nghèo thôi. Thế rồi mỗi khi ghé vào nhà ai “trick or treat”, thay vì đưa giỏ ra để nhận kẹo, cháu đưa chiếc hộp ra xin tiền. Thấy một đứa bé ham thích việc từ thiện, không ai nỡ từ chối. Đi xin tiền nhưng ai cho tiền giấy lại không nhận, chỉ xin những đồng “coins” mà thôi. Sáng hôm sau cháu hớn hở đến trường và vừa thấy cô giáo cháu đã vội đem hộp tiền giao cho cô giáo có vẻ mãn nguyện lắm.
Cháu kể có một đứa bạn ăn khỏe lắm, nó ăn hết phần ăn mang theo vẫn không đủ no nên cháu thường “share” cho bạn mỗi khi nhận phận ăn từ phòng ăn. Có một lần vào giờ tan học, vừa gặp mẹ, cháu làm ra vẻ bi mật hỏi “guess what” rồi tíu tít kể rằng hôm nay cháu đã nhường tất cả phần ăn trưa cho đứa bạn. Đứa bạn không đóng tiền ăn cho nhà trường, mỗi ngày phải tự mang theo đồ ăn nhưng hôm đó mẹ nó quên bỏ đồ ăn theo cho nó. Đến bữa ăn, khi mọi người ngồi ăn, nó không có gì ăn cứ ngồi nhìn người khác. Thấy tội nghiệp đứa bạn, cháu đã đưa tất cả phần ăn của mình cho bạn.
Khi bị chất vấn tại sao không giữ lại một ít cho mình, không ăn thì cũng phải uống sữa chứ sao lại đưa hết cho bạn. Biết mình sai cháu đã “chạy tội” bằng cách ôm choàng lấy mẹ, miệng giả lả “Come on. Con từ từ về nhà ăn cũng được còn bạn con không có gì ăn nó đói tội nghiệp nó. Nó ăn khỏe lắm mà mẹ”.
Tôi kể chuyện của thằng cháu nội chỉ vì thấy nó gần giống như một mẩu chuyện ở trong một bài suy niệm tôi đọc được trên internet. Nội dung mẩu chuyện đó như sau:Trong kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Pháp, một loại đại hội vốn thu hút giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới.
Trong kỳ Đại hội này có hàng trăm ngàn thanh thiếu niên từ khắp nơi đổ về Paris để được gặp gỡ ĐTC Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng được mệnh danh là vị Giáo hoàng của giới trẻ, được giới trẻ rất mực yêu mến.
Người ta kể rằng trên một chuyến xe điện ngầm đầy ắp hành khách thuộc giới trẻ, một cụ già ăn xin mù lòa cũng cố chen lấn lên toa tàu với con chó dẫn đường. Trên toa tàu cụ vừa đi vừa chìa cái đĩa nhôm để kêu gọi lòng từ tâm của người trẻ. Trong toa tàu rất ồn ào vì đông người nhưng người ta cũng nghe được những tiến kêu loảng xoảng của những đồng tiền cắc rơi vào đĩa.
Cùng lúc đó, đi ngược chiều với cụ già là một cô bé xanh xao gầy còm cũng ngửa nón xin mọi người bố thí. Khi hai nguời bất hạnh ấy đến gần nhau, cô bé tránh sang một bên nhường cho người hành khất mù lòa đi trước. Và rồi đầy kinh ngạc, các bạn trẻ ở gần đó đã không thể tin vào mắt mình khi thấy cô bé đổ hết số tiền của mình xin được vào cái đĩa nhôm của người hành khất mù lòa.
Cho đi cái mình đang cần, dưới cái nhìn của người đời, quả là một việc làm khờ dại, ngông cuồng hay chí ít cũng là không biết tính toán. Nhưng những người cho đi lại cảm thấy rất hạnh phúc - vốn là thứ phần thưởng dành cho những trái tim rộng mở -. Đối với những ai thực sự tin theo Chúa (chứ không phải tin nửa vời, chỉ tuân giữ khi lời Chúa không một mảy may đụng chạm đến quyền lợi của mình) thì cho đi không bao giờ là khờ dại vì đó chính là đường lối của Chúa khi Người đã chẳng tiếc ngay cả chính mạng sống của Người. Có nhiều người đợi cho đến khi nào giàu có, dư thừa mới làm từ thiện. Họ lý luận nghe ra cũng không phải là không hợp lý “ không có thì lấy đâu ra mà cho”. Nhưng với lòng tham vô đáy và với tính ích kỷ chỉ muốn vơ vào cho mình, khi có một người ta muốn mười, khi có mười lại muốn một trăm. Cứ như vậy thì chẳng bao giờ thấy đủ chứ đừng nói đến dư thừa.
(Viết trong những ngày thiên hạ tưng bừng mua sắm, thời gian buồn tủi nhất đối với những người nghèo khổ)
Lại Thế Lãng (Vietcatholic News)

SỨ ÐIỆP GIÁNG SINH


Nhiều lần bạn hỏi tôi

Về Sứ Ðiệp Giáng Sinh,

Mà bạn muốn chân tình,

Ðào sâu và chia sẻ,

Trong ánh sáng huyền linh.

Hôm nay tôi trả lời:

- Là ‘Sứ điệp Tình Yêu’,

Yêu mãi, yêu thật nhiều,

Như Ngôi Lời Nhập Thể,

Bạn hiểu được bao nhiêu!

- Là ‘Sứ điệp Hoà Bình’

Trao tặng mọi sinh linh,

Cả đời Ðấng Cứu Thế:

Hòa bình được tôn vinh.

- Là ‘Sứ điệp Chia Ban’:

Tình yêu với thiện toàn

Khôn ngoan và quyền phép,

Chúa chia cho trần gian.

- Là ‘Sứ điệp Khó Nghèo’,

Người đời mấy ai theo:

Sinh nghèo nằm máng cỏ,

Chết trần kiếp chịu treo.

- Là ‘Sứ điệp Truyền Giáo’

Cả đời Chúa loan báo,

Một tình yêu cứu độ,

Chói sáng hơn trời sao.

Lạy Cứu Chúa từ nhân,

Cho bạn con được kể,

Vào sổ người lãnh nhận,

Sứ điệp muôn thế hệ,

Ðem sống từ bản thân,

Tuyên chứng không quản nề,

Sứ điệp đầy hồng ân.
Du Sinh (Vietcatholic News)

Saturday, December 23, 2006

Thiên Thần của hoà bình!

Ðại lễ Giáng Sinh, một đại lễ Kitô giáo của ơn phúc Thiên Chúa tuôn đổ trên nhân loại Ơn Hòa Bình! Ðể hiểu và sống trọn ơn đó, chúng ta hãy theo dõi câu chuyện sau đây:
“Trong khi đại ca đoàn Thiên thần vui mừng múa nhảy và ca hát nhịp nhàng trên cánh đồng Bê-lem ‘Vinh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho mọi người dương gian!’ bổng nhiên một vị Thiên thần nhỏ đã ngừng hát. Thấy thế, những vị Thiên thần bạn đứng bên cạnh cảm thấy mất hứng và cũng không chịu tiếp tục hát nữa. Sự im lặng cứ thế lan ra cách nhanh chóng, gần như làm lung lay cả ca đoàn Thiên quốc, nếu như các vị Thiên thần lớn tuổi và có tiếng hát mạnh mẽ không tìm cách hát thay vào để ngăn cản sự cắt quãng đột ngột của bài hát. Sau đó một trong các vị lớn tuổi đi tìm hiểu lý do của sự cố. Ngài đến bên vị Thiên thần nhỏ và nghiêm nghị hỏi « Tại sao em không muốn tiếp tục hát nữa?” Vị Thiên thần nhỏ bèn lễ phép trả lời « Dạ, em rất muốn hát chứ! Và em đã hát hết câu ‘Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời’. Nhưng khi đến câu ‘Bình an dưới thế cho mọi người dương gian’ em không sao tiếp tục hát được nữa. Bởi vì có lần em đã trông thấy có quá nhiều quân lính Roma đang trú đóng miền Bê-lem này cũng như ở nhiều nước khác nữa, họ đã luôn luôn gây ra chiến tranh và bao nhiêu điều khủng khiếp khác, họ sát hại các trẻ sơ sinh, các bà mẹ và cả những ông bà già, để mọi người sợ mà tuân theo mệnh lệnh bất công của họ, chứ không dám kêu ca phản đối, và họ gọi đó là nền hòa bình thịnh vượng của đế quốc Roma. Ngoài ra, còn ngự trị trên khắp thế giới nào là cãi cọ, tranh chấp, bạo động, thù hằn giữa con người với nhau. Cả giữa những người được gọi là trí thức, những học giã, những người được học nhiều biết rộng, cũng vì bất đồng quan điểm về chính trị, văn hóa, xã hội hay tôn giáo, v.v.. mà đâm ra hận thù, ghen ghét và bài trừ, thủ tiêu lẫn nhau. Phải chăng người ta có thể gọi đó là hòa bình, là bình an, cho mọi người đang sống trên dương gian? Phần em, thú thật, em không sao tiếp tục chỉ hát trên đầu môi chóp lưỡi những điều không đúng sự thật như thế được. Em không thể đi ngược lại sự xác tín của lòng em”. Nghe thế, một số Thiên thần trẻ đứng gần đó liền vổ tay hoan hô! « Im lặng! hãy hát tiếp đi!” vị Thiên thần lớn tuổi la lớn, và đưa vị thiên thần nhỏ ra một bên và nói nhỏ « Em chưa biết hết những gì đã xảy ra trong đêm nay tại Bê-lem cả. Em đã nắm vững hết mọi nỗi đau khổ của toàn thế nhân loại trong tay chưa?” Vị Thiên thân nhỏ bào chữa «Em không khẳng định là em hiểu hết tất cả mọi sự. Tuy nhiên em ghi nhận là có sự khác biệt giữa những điều chúng ta hát với những điều thực tế trên trái đất. Và sự khác biệt đó đối với em là quá lớn, em không sao chịu đựng lâu được sự căng thẳng đó”.
Vị Thiên thần lớn im lặng nhìn vị Thiên thần nhỏ một hồi lâu, rồi nói "Ðồng ý, em không chịu đựng được sự chia rẽ giữa trời và đất. Nhưng em hãy biết rằng trong đêm hôm nay tình trạng chia rẽ đó vừa được xóa bỏ. Hài Nhi vừa được sinh ra và đang nằm trong máng cỏ kia sẽ mang sự an hòa Thiên quốc của chúng ta xuống cho mọi người trên trái đất. Vì thế, chúng ta mới hát ca vui mừng, mặc dù đa số nhân loại chưa nghe nói tới và chưa hiểu được mầu nhiệm đó!” Nghe thế, vị Thiên thần nhỏ liền hí hửng nói "Nếu vậy, em xin vui mừng tiếp tục hát!”
Nhưng vị Thiên thần lớn liền lắc đầu "Không, em sẽ không còn tiếp tục hát nữa. Từ hôm nay trở đi, em sẽ mang Hài Nhi trong mang cỏ và sự bình an của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Ngày đêm em sẽ không được mỏi mệt đến với họ, gõ vào cửa nhà họ và đặt để vào con tim họ sự khao khát tìm đến với Hài Nhi. Em phải luôn luôn có mặt trong các buổi tọa đàm, các cuộc bàn hỏi khó khăn vất vã của họ và trong những lúc họ cãi cọ la lối với nhau thì đừng vội đưa ra ý kiến này ý kiến nọ! Họ sẽ đuổi em ra khỏi nhà, nhưng em cứ kiên nhẫn ngồi chờ trước cửa nhà họ. Em phải che chở những kẻ vô tội dưới đôi cánh của em và mang những tiếng khóc than của bao người bất hạnh về Thiên Quốc cho chúng ta. Em sẽ không còn hát ca gì nữa hết. Trái lại, em sẽ phải khóc than nhiều!”
Giữa những lời nói nghiêm trọng như thế, vị Thiên thần nhỏ trước hết hãy còn bé tí, nhưng rồi từ từ lớn và càng lớn lên, đến nỗi chính vị Thiên thần cũng không để ý. Thoạt đầu, vị Thiên thần không muốn nhận lãnh trách nhiệm khó khăn đó, nhưng các vị Thiên thần bạn khác nói "Anh cứ nhận sứ mệnh và lên đường xuống với nhân loại đi. Những lời ca của chúng tôi sẽ đồng hành với anh, để anh không bao giờ quên được nữa là trong đêm nay bình an chân thật đã được ban cho thế gian!”
Thế là vị Thiên thần hòa bình của chúng ta từ giã Thiên cung, đi khắp nơi trên thế giới và bắt đầu ra tay hoạt động. Từ đó vị Thiên thần đã thi hành sứ mệnh của mình một cách thật tuyệt vời Ngài đã lo lắng cho niềm khát vọng hòa bình không còn bao giờ phai nhạt nữa, trái lại càng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đến nỗi tất cả mọi người đều nỗ lực tìm kiếm vả kiến tạo hòa bình. Những ai mở cửa lòng cho vị Thiên thần hòa bình và thành tâm cộng tác với ngài, liền bổng nhiên nghe tự đáy lòng mình một bản hòa ca du dương huyền diệu của các Thiên thần, động viên họ và làm cho họ thêm can đảm trong việc hiện thực công cuộc kiến tạo một nền hòa hòa bình chân chính giữa tất cả mọi người!”
(Trích trong D. Steinwede, Vom Engel, der nicht singen sollte. Die schönsten Weihnachtsgeschichten, Gütersloher Verlagshaus Gerd Mohn 1990.)
Anh chị em thân mến, vị Thiên thần nhỏ từ chối tiếp tục hát. Hòa bình dưới thế - điều đó có đúng chăng? Hòa bình dưới thế! Ðã hơn 2000 năm trôi qua sau khi sứ điệp hòa bình được loan báo khắp nơi trên cùng cõi trái đất. Sứ điệp đó đã mang lại được những gì? Sứ điệp đó đã làm thay đổi được những gì? Phải chăng chính Giáo Hội đã được giao phó cho sứ điệp đó lại đã không phải thất vọng khi làm hết mọi nỗ lực, tìm hết mọi cách để xây dựng sự cảm thông giữa các dân tộc và kiến tạo một nền hòa bình chân chính trên thế giới? Vâng, trong khi Giáo Hội cùng với những người thiện tâm trên khắp thế giới mong mỏi và tìm kiếm hòa bình, thì chiến tranh tiếp tục bùng nổ khắp nơi, giết hại bao sinh linh vô tôi Sau cuộc nội chiến giữa các sắc dân ở Nam Tư củ, thì đến chiến tranh ở Ðông Ti-mor, ở Áp-ga-nít-tan, ở Irắc, ở Li-băng, v.v... Và đâu đâu chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, chia rẽ, cãi cọ, khủng bố! Ngay trong lúc nhân loại mừng lễ Giáng Sinh, lễ của hòa bình, thì khắp nơi trên thế giới hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong sự khốn cùng, với một mức độ không thể tưởng tượng được, hoàn toàn bất xứng với nhân phẩm con người! Còn chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình và có nền kinh tế phồn thịnh như CHLB Ðức giữa một thế giới nghèo nàn, cũng tương tự như sống trên một hòn đảo của các tiên nữ, chúng ta có nhận chân được rằng nền hòa bình và đời sống sung túc vật chất chúng ta đang thụ hưởng cũng chỉ là những món hàng dễ đổ vỡ không?
Hòa bình dưới thế? Thành thật mà nói, khi nhìn lại thực tại cụ thể của thế giới, chúng ta không được phép trách móc vị Thiên thần nhỏ khi ngài từ chối tiếp tục hát "bài ca hòa bình"!
Chưa lâu, có người nói với tôi „Nếu mỗi buổi tối khi con xem qua các tin tức về chiến tranh và những khủng bố vô nhân đạo xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhiều lúc con đâm ra hoài nghi và tự hỏi Còn có Chúa nữa không?” Vị Thiên thần được gửi đến với nhân loại để nhắc nhủ họ luôn biết khao khát hòa bình. Ðó phải là một sứ mệnh gai góc! Chắc hẳn vị Thiên thần phải đối mặt với những cự tuyệt và chống đối! Bởi vì con người rất ngần ngại và đầy đắn đó đi trên con đường hòa bình. Hình như sự bất bình luôn đồn trú kín đáo trong mỗi người chúng ta. Chúng ta phải giải quyết thế nào với những tư tưởng hận thù, ghen ghét và chống đối? Chúng ta đã không thường gây ra sự bất hòa, làm thương tổn kẻ khác, để họ phải thất vọng, bất kiên nhẫn, gạt bỏ ý kiến kẻ khác cách bất công?
Hòa bình dưới thế! Ðó là cả một sứ mệnh khó khăn! Hãy bắt đầu kiến tạo hòa bình ngay từ nơi chúng ta. Hãy lấy cách thức và thái độ sống của Ðức Giêsu Na-da-rét làm chương trình sống của chúng ta! Ðức Giêsu đã không loại trừ ai. Cả khi người nghiêm khắc cảnh cáo họ, thẳng thắn chỉ trích những quan niệm sai lạc và cố chấp của họ, Người vẫn không bao giơ chủ ý bài trừ hay tẩy chay họ. Người chỉ muốn giúp đỡ họ. Ðức Giêsu nhìn con người như Thiên Chúa nhìn họ vậy. Người nhìn thấy những khả năng tốt lành trong họ, Người nhìn thấy những điều thiện hảo được tiềm tàng và dấu ẩn trong mỗi người. Vì thế Người đã quảng bá một bầu không khí an hòa và thân thiện. Nhưng việc bước theo Ðức Giêsu trên con đường hòa bình của Người? Ðó là cả một điều không dễ dàng đối với con người, vì con người thường quá phức tạp và khó khăn! Còn chính chúng ta? Làm thế nào để người ta có thể cầm cự được suốt cả một đời với bao thất vọng và bao chống đối được? Nhiều người trong chúng ta khi gặp phải một sự thử thách nặnng nề, bổng trở nên thất vọng, mất hết nghị lực và chỉ muốn buông xuôi Từ trong cuộc sống vợ chồng, cho đến công ăn việc làm và việc nuôi dạy con cái... và họ luôn đinh ninh rằng tất cả chỉ là điều vô ích khi còn tìm cách cứu vãn hoàn cảnh.
Sự bất ổn của cuộc sống trên trái đất có thể làm cho chúng ta bị khủng hoảng sâu xa. Cả tới sự bất mãn trong con người chúng ta. Nhiều người sống một cuộc sống bất khoan dung và bất hòa giải - không những với người khác – nhưng cả với chính mình, với lịch trình cuộc sống của họ và với định mệnh của họ. Dĩ nhiên có những lịch sử cuộc đời và những số phận thật hẩm hiu chua xót, xô đẩy những người trong cuộc rơi vào con đường cùng. Khiến họ mất hết can đảm và nghị lực. Bấy giờ một câu hỏi thường được đặt ra Còn có Chúa nữa chăng? Hay một cảm nghĩ đầy thất vọng chua cay Nếu như còn có Chúa, thì tại sao tôi ra nông nổi này? Thiên Chúa đã bỏ tôi. Tôi cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ rơi tôi!
Chúng ta biết rằng, Ðức Giêsu, Hài Nhi trong máng cỏ, đã chết như một người thanh niên trưởng thành, với khoảng độ 33 tuổi. Và Phúc Âm thánh Mác-cô đã tường thuật cho chúng ta rằng trong cảnh cùng khổ của thập giá, Người đã lớn tiếng kêu lên "Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?" (Mc 15,34). Ðiều đó muốn nói lên rằng cả Ðức Giêsu cũng không được chuẩn chước khỏi phải thất vọng trước sự độc ác và sự hẹp hòi cố chấp của con người cũng như trước những thách đố quá to lớn của cuộc sống và trước sự im lặng làm ngơ của Thiên Chúa! Ở đây chúng ta đã động chạm đến chính mầu nhiệm trọng yếu nhất của niềm tin Kitô giáo mà không một trí óc nhân loại nào có thể hiểu thấu được cũng như không một ngôn ngữ nhân loại nào có thể diễn tả hết Ðức Giêsu là Ðấng Thiên Sai, là Con Một Thiên Chúa, chính Người đã phải gánh chịu cảnh sống cơ hàn, sự sợ hãi, sự hoài nghi của con người, Người đã sống một cuộc sống hoàn toàn như chúng ta! Một Thiên Chúa toàn năng đã trở thành một hài nhi non nớt yếu hèn! Một Thiên Chúa toàn năng đã trở thành một phàm nhân bất lực, hấp hối như một tử tội trên thập giá trong sự quên lảng! Thật trí năng nhân loại hoàn toàn bất lực, không sao hiểu thấu, ngôn ngữ nhân loại không sao cắt nghĩa nổi. Trong điểm này, chúng ta chỉ có thể nói, hoặc Tất cả những điều đó là một sự điên cuồng, không còn nằm trong tầm kiểm soát của trí năng chúng ta; hoặc Chúng ta bắt đầu cảm nhận được rằng tất cả những điều đó là sức mạnh đem lại sự an ủi vô tận. Ðúng vậy, ngay khi chúng ta kiệt lực, bị ngã quị, mọi hy vọng đều tiêu tan và đang trên miệng vực thẳm của hoài nghi chán chường, thì cũng chính lúc đó Người hiện diện một cách đặc biệt bên ta, cũng chính lúc đó chúng ta vẫn có thể hy vọng cả những gì không còn có thể hy vọng được nữa! Chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa luôn gần gủi bên ta những khi chúng ta đang ngụp lặn dưới hố sâu của cuộc đời, hầu để giải cứu ta, và những khi chúng ta hoàn toàn mất hết đất đứng, sau cùng là chính ngay trong sự chết, thì Thiên Chúa vẫn một mực trung thành.
Nếu chúng ta đón nhận sứ điệp đó, tức chân lý Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bên ta, chúng ta sẽ có thể vững bước trên con đường cuộc đời đầy chông gai vất vả của mình. Một khi xác tín được rằng Thiên Chúa luôn hiện diện bên tôi, tôi sẽ có thêm can đảm và nghị lực, để không bao giờ hết khao khát sự công bằng và nền hòa bình trong xã hội. Không, tôi không chỉ khao khát, nhưng còn tìm mọi cách để kiến tạo sự công bằng và nền hòa bình! Ðồng thời cũng biết tha thứ cho kẻ khác, như Người đã làm, cả khi tôi cảm thấy quá khó khăn phải làm điều đó; biết chấp nhận người khác với tất cả những ưu khuyết điểm, với tất cả những sở trường sở đoản của họ, như Người đã làm, chứ không kỳ thị hay có định kiến với bất cứ ai.
Và một khi chúng ta sống được như vậy, một khi chúng ta hiện thực được tất cả những điều đó, bấy giờ „hòa bình dưới thế”không còn là một mơ ước, nhưng là một thực tại của cuộc sống!
LM Nguyễn Hữu Thy (Vietcatholic News)

Ông bà Noel xóm tôi

Cứ mỗi dịp Giáng sinh là lũ trẻ trong xóm của tôi nô nức đến nhà ông bà Noel để vui chơi. Thật ra không chỉ mùa Giáng sinh mà những ngày khác trong năm, lũ trẻ vẫn thường đến nhà ông bà Noel để tắm hồ bơi, được bà Noel dẫn đi chơi sở thú, khu du lịch Bình Quới, thác Giang Điền... Đêm Giáng sinh năm nào trẻ em trong xóm cũng ăn uống thật no tại sân nhà ông bà Noel và nhận những món quà mang về.
Ông Noel là một chuyên viên tài chính người Anh đã về hưu rất yêu VN và quyết định sống quãng đời còn lại của mình tại VN - "quê hương thứ hai" của ông. Ông tên Patrick nên lũ trẻ thường gọi thân mật là "ông Chích". Ông Chích đặc biệt yêu quí trẻ em, quan niệm của ông là "trẻ em không có lỗi gì để phải chịu cực khổ hết". Ông làm từ thiện bằng tiền lương hưu của mình. Cho trẻ em trong xóm đi chơi ở đâu, ông đều rửa hình chụp kỷ niệm chuyến đi tặng chúng. Ông đặt điều kiện được đi chơi rất đơn giản: lũ trẻ phải chăm học và học giỏi.
Bà Noel là một phụ nữ VN, dù khác biệt ngôn ngữ và văn hóa với chồng nhưng cả hai lại vun đắp tình yêu bằng một điểm chung: cùng yêu quí lẽ phải và làm việc thiện. Bà con trong xóm ai túng tiền, hết gạo, bệnh tật... thường gõ cửa nhà ông bà Noel để nhận sự trợ giúp "không cần đền đáp". Nhiều năm trước đây khi cả xóm chưa nhà nào có nước máy để dùng, ông bà Noel cho mọi người đến nhà hứng nước máy để dùng đảm bảo vệ sinh so với nước giếng ô nhiễm.
Thời trẻ bà Noel có cuộc sống túng thiếu, có lần lâm bệnh xuất huyết dạ dày nặng và nằm trong bệnh viện những tưởng chờ chết vì không còn tiền mua thuốc. Khi ấy có một người tốt bụng tặng bà một lọ thuốc và mật ong để qua cơn hiểm nghèo. Cảm động trước tình thương của người xa lạ, bà lên tinh thần hẳn: "Tại sao lại phải chết? Chết đi ai nuôi con gái mình? Mình phải sống và vươn lên, ngày mai sẽ tốt đẹp hơn". Bà Noel đã được giúp đỡ và tâm nguyện sẽ giúp lại mọi người. Trong xóm có bé Rớt sinh ra xương rất mềm, bà nấu cháo, chạy chữa thuốc uống hai năm liền cho bé để thoát khỏi bệnh bẩm sinh. Giờ đây bé Rớt đã cứng cáp khỏe mạnh như người thường.
Ông bà Noel từng đích thân ra Hà Nội chi hàng chục triệu đồng đóng viện phí, chạy chữa cho một cô gái không thân thuộc mổ tim thành công (trước đó cô có ý định tự tử vì không muốn bệnh tình của mình ảnh hưởng đến gia đình vốn khó khăn). Với nhiều thanh thiếu niên sau khi được ông bà Noel cứu giúp qua hoàn cảnh ngặt nghèo, đều được ông bà Noel giúp thêm bước nữa là cho tiền đi học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân bằng sức lao động của họ. Đó mới là ước nguyện của ông bà Noel.
“Không có niềm vui nào lớn hơn là đem lại niềm vui cho người khác. Không có sự an ủi nào lớn hơn là đem lại chút an ủi với người khác” là thông điệp sống của ông bà Noel. Nghĩa cử của họ đáng quí nhưng lại thầm lặng. Ông bà Noel xóm tôi luôn kể về những người tốt thầm lặng khác trong xã hội mà họ quen biết trên bước đường làm việc thiện, như để bày tỏ với mọi người rằng lòng yêu thương luôn ở xung quanh chúng ta.

TRUNG KIÊN (TUỔITRẺ ONLINE)

Friday, December 22, 2006

ĐIỀU ƯỚC GIÁNG SINH KHÓ !!

Ngồi xuống chiếc ghế bành bằng da trong hành lang của một thương xá (Shopping mall) sang trọng, nhìn đồng hồ đã hơn một giờ trưa. – Chà! Thế là tôi đã đi sắm quà Giáng Sinh trong khu thương xá mênh mông hun hút này gần ba tiếng đồng hồ, đôi chân mỏi như thầm biết ơn, ngả người vào lưng ghế chính tôi cũng tự cám ơn mình đã “nghĩ ra” giây phút nghỉ ngơi kỳ thú này.Bây giờ mới có dịp nhìn ngắm, quan sát khung cảnh huy hoàng rực rỡ mà những nhà thương mại đã bỏ công ra trang hoàng trung tâm ba tầng lầu khổng lồ bằng hàng ngàn ngàn ngọn đèn muôn mầu, rải rác là những cây thông Giáng Sinh được trang điểm lộng lẫy và đẹp như mơ. Tuy vậy, cái “hồn” của thương xá vẫn là sự tấp nập của những người đi mua sắm như tôi. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có chừng trên mười ngày lễ lớn: Ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), Ngày Lễ của Tình Yêu (Valentine’s Day), Ngày Của Mẹ (Mother’s Day), Ngày Của Bố (Father’s Day), Ngày Lễ Độc Lập (Independence Day) v…v. Nhưng Mùa Giáng Sinh đã vượt xa những ngày lễ trên, suốt một tháng trời trước ngày lễ, từ cơ quan Bưu điện đến các tiệm buôn bán lẻ, những nhà sản xuất, và nghành giao thông như hàng không, xe hàng, xe lửa v…v.. đều phải tăng cường thuê thêm nhân viên để cung ứng nhu cầu của mọi người trong dịp lễ. Cái đó nghĩ cũng dễ hiểu, ngày lễ của Tình Yêu thì chỉ mua quà cho người yêu, ngày Của Mẹ, của Bố chỉ mua quà cho mẹ, bố..nhưng Giáng Sinh là ngày lễ duy nhất được khắp nơi trên thế giới, từ những nước giầu có hùng mạnh đến các quốc gia nhỏ bé nghèo nàn trong rừng sâu, từ Âu sang Á từ Bắc xuống Nam, đâu cũng đều cùng đón mừng, và mọi người đều tặng quà cho “mọi người”: tặng bố mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người làm vườn cho mình, người phu đổ rác trong khu mình, bác đưa thư của xóm mình ở v…v.
Ngồi nghỉ chân nơi đây giữa một dòng người lườm lượp đi mua sắm, nhìn họ tôi thấy sự mệt nhọc của mấy giờ đi bộ như có cánh bay đi. Già có, trẻ có, người sang, người nghèo, đủ mọi sắc tộc, tất cả đều có chung một mục đích đẹp tuyệt, đó là “ tìm quà cho người mình yêu mến”, ai cũng khệ nệ dăm bẩy túi đồ, cười cười, nói nói, hoặc mệt phờ như tôi, nhưng chắc chắn trong lòng thì ấm và thơ thới.
Giữa lúc đang ngắm cảnh “ông đi qua bà đi lại” vui mắt này, tôi chợt im lặng chú tâm, vì từ trong hệ thống âm thanh của thương xá vang lên bản nhạc mà tôi ưa thích nhất đó là bài “Cậu Bé Đánh Trống” (The Little Drummer Boy của Davis-Onorati- Simeone)(1) Bản nhạc tưởng như một bài ca vui, nhưng theo tôi đó là một ca khúc đơn sơ tuyệt vời lột tả được tinh thần xuống thế của Chúa Hài Đồng, mỗi lần nghe là một lần nghẹn ngào trong tim:
…“Chúa Hài Đồng
Con là một Bé nghèo như Chúa
Con không có quà qúi giá mang đến tặng Chúa
Nhưng con có thể chơi trống để Chúa nghe không?
Mẹ Maria gật đầu.Con bò và con trừu thì giữ nhịp
Còn Bé chơi trống với hết cả tài nghệ cho Chúa nghe Pa-răm păm păm păm
Và rồi Chúa mỉm cười với Bé và cái trống của Bé.”
Chúa nằm trong máng cỏ nghèo nàn nơi một hang đá phong phanh trời đông giá. Tôi ngồi đây giữa một thương xá sang trọng, ấm cúng, nhộn nhịp, huy hoàng và như mọi người cùng nhau chi phí 10 tỉ Mỹ kim sắm quà. Thực ra chẳng có điều gì sai khuấy, vì làm điều tốt cho người thân yêu cũng là ý Chúa muốn.
Tôi lẩm cẩm tự hỏi, trong suốt cuộc đời cho đến hôm nay, không biết đã làm gì để Chúa “mỉm cười” chưa?! Tôi không có câu trả lời!
Nhưng ngay giờ phút này, tôi có một Điều Uớc Giáng Sinh cho chính mình, đó là cái “Mỉm Cười” mà cậu Bé đánh trống đã có.

Nguyễn Đức Cung

(1)THE LITTLE DRUMMER BOY

(Davis-Onorati-Simeone)

Come they told me (pa-rum pum pum pum) / A newborn King to see (pa-rum pum pum pum) / Our finest gifts we bring pa-rum pum pum pum / To lay before the King / So to honor Him (pa-rum pum pum pum) / when we come / Little Baby (pa-rum pum pum pum) / I am a poor boy too (pa-rum pum pum pum) / I have no gift to bring (pa-rum pum pum pum) / that's fit to give our King / Shall I play for You? (pa-rum pum pum pum) / On my drum / Mary nodded (pa-rum pum pum pum) / The ox and lamb kept time (pa-rum pum pum pum) / I played my drum for Him (pa-rum pum pum pum) / I played my best for Him / Then He smiled at me (pa-rum pum pum pum) /Me and my drum

Những suy tư của ĐTC vào lúc sắp kết thúc mùa Vọng.

Ngày 20 tháng 12 năm 2006, là thứ Tư cuối cùng của Mùa Vọng năm 2006. Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã dành trọn bài huấn đức của ngài trong Buổi Tiếp Kiến Chung, để chia sẻ những suy tư của ngài vào lúc sắp kết thúc Mùa Vọng. Kính mời quý vị và các bạn theo dõi những suy tư này:
Anh chị em thân mến,

"Chúa gần bên: anh chị em hãy đến, và chúng ta cùng nhau thờ lạy Ngài!" Với lời này, Phụng Vụ mời gọi chúng ta, trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, hãy tiến lại gần bên hang đá Bêlem, nơi đã được thực hiện biến cố phi thường thay đổi dòng lịch sử: đó là biến cố Ðấng Cứu Thế giáng sinh. Trong đêm giáng sinh, chúng ta sẽ dừng lại, một lần nữa, với tâm hồn đầy khâm phục trước máng cỏ để chiêm ngắm "Ngôi Lời Thiên Chúa làm Người". Những tâm tình vui mừng và biết ơn, như mọi năm, lại xuất hiện trong chúng ta, khi lắng nghe những bài ca Giáng Sinh bằng biết bao ngôn ngữ hát mừng biến cố lạ lùng ngọai thường. Ðấng Tạo Dựng vũ trụ đã đến vì tình thương để cư ngụ giữa loài người. Trong thư gởi giáo đoàn Philiphê, Thánh Phaolô quả quyết rằng Chúa Kitô "dù là Thiên Chúa, nhưng không giữ lấy thân phận ngang hàng Thiên Chúa; mà ngược lại đã cởi bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ và trở nên giống với con người chúng ta" (2,6). Thánh Phaolô còn viết thêm rằng Người xuất hiện trong dung mạo con người, trong sự khiêm tốn tự hạ. Trong Lễ Giáng Sinh thánh, chúng ta sẽ sống lại biến cố thực hiện mầu nhiệm cao cả này, mầu nhiệm của ân sủng và của lòng nhân từ.

Thánh Phaolô còn nói thêm như sau: "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai đến Con Một Ngài, sinh ra dưới lề luật, để chuộc lại những ai sống dưới lề luật, ngõ hầu chúng ta được Thiên Chúa Cha nhận làm con cái Ngài." (Gal 4,4-5). Thật vậy, từ bao thế kỷ, Dân được Thiên Chúa Tuyển chọn chờ đợi Ðấng Thiên Sai, nhưng họ tưởng nghĩ Ðấng Thiên Sai đó như là Ðấng quyền năng và là kẻ chiến thắng, đủ sức giải phóng dân chúng thoát khỏi cảnh áp bức của ngoại bang. Nhưng ngược lại, Ðấng Cứu Thế giáng sinh trong thinh lặng và trong sự nghèo cùng tột độ. Người đến như là ánh sáng để chiếu soi mọi người --- tác giả phúc âm theo thánh Gioan đã ghi nhận như vậy --- "nhưng những người thân không nhìn nhận Người" (Gn 1.9.11). Tuy nhiên Tông Ðồ Gioan nói thêm: "những ai chấp nhận Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên những con cái của Thiên Chúa" (Gn 1, 12). Ánh sáng được hứa trước, nay chiếu toả trong tâm hồn của những ai kiên trì trong thái dộ chờ đợi tỉnh thức và bằng việc làm.

Phụng vụ Mùa Vọng khuyến khích chúng ta sống thanh đạm và tỉnh thức, để không làm cho mình trở nên nặng nề vì những tội lỗi và vì những bận tâm thái quá về việc thế trần. Chình nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, mà chúng ta có thể nhìn nhận và tiếp đón ánh quang giáng sinh của Chúa Kitô. Thánh Massimo thành Torinô, giám mục sống thời cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ V, trong một trong số các bài giảng của ngài, đã nói như sau: "Thời gian cảnh báo cho chúng ta rằng lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô đã gần bên. Thế gian cùng với những lo âu của nó, nói lên rằng có điều gì đó sắp xảy ra để canh tân thế gian; với thái dộ nôn nóng chờ đợi, thế gian ước mong ánh sáng của mặt trời chói sáng được chiếu toả trong bóng tối... Sự chờ đợi của tạo vật thuyết phục cả chúng ta đây hãy chờ đợi mặt trời mới, là Chúa Kitô, mọc lên (disc. 61a,1-3). Chính tạo vật hướng dẫn chúng ta đến việc khám phá và nhìn nhận Ðấng phải đến.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: nhân lọai của thời đại chúng ta đây có còn chờ Ðấng Cứu Thế hay không? Người ta có cảm tưởng rằng nhiều người nhìn Thiên Chúa như là Ðấng xa lạ với những quan tâm riêng của họ. Dường như họ không còn cần đến Thiên Chúa nữa! Họ sống dường như thể Ngài không hiện hữu, hoặc tệ hơn, dường như thể Ngài là trở ngại cần được cắt bỏ đi, để con người thực hiện chính mình. Và cả giữa những anh chị em tín hữu --- chúng ta biết chắc chắn điểm này --- có một số người bị thu hút bởi những ảo tưởng và bị lo ra bởi những giáo lý ngoại lai, đề nghị những con đường tắt tạm bợ để được hạnh phúc. Nhưng dù với những mâu thuẫn, những lo âu và những thảm kịch của mình, --- và cả nhờ qua những điều đó, --- mà nhân loại ngày nay đi tìm con đường canh tân, con đường cứu rỗi, đi tìm Ðấng Cứu Thế và chờ đợi, cho dù không ý thức đủ, Ðấng cứu thế ngự đến để canh tân thế giới và đời sống chúng ta, chờ đợi Chúa Kitô, Ðấng cứu độ duy nhất của con người và của trọn cả con người.

Chắc rằng những tiên tri giả tiếp tục đề nghị "sự cứu rỗi" với "giá rẻ", một sự cứu rỗi cuối cùng dẫn đến những thất vọng. Lịch sử của 50 năm gần đây cho chúng ta thấy con người đang đi tìm "Ðấng Cứu Thế" với giá rẻ này, và cho chúng ta thấy rõ tất cả những thất vọng phát sinh từ đó. Bằng chứng tá đời sống, những người kitô chúng ta có trách vụ phổ biến sự thật của lễ Giáng Sinh mà Chúa Kitô mang đến cho từng người thiện chí nam nữ. Khi sinh ra trong sự nghèo cùng của hang dá, Chúa Giêsu đến cống hiến cho tất cả mọi người niềm vui và hoà bình có thể thoả mãn sự chờ đợi của tâm hồn con người.

Nhưng thử hỏi phải làm sao để chuẩn bị chúng ta biết mở rộng tâm hồn rước Chúa ngự đến? Thái độ thiêng liêng của việc chờ đợi trong tỉnh thức và cầu nguyện là đặc điểm căn bản của người kitô trong Mùa Vọng. Ðây là thái độ nổi bật của những nhân vật thời đó: của Ông Zaccaria và Bà Elisabeth, của các mục đồng, của các Ðạo Sĩ, của người dân đơn sơ và khiêm tốn. Nhất là thái độ chờ đợi của Mẹ Maria và thánh Giuse. Hơn mọi người khác, Mẹ Maria và thánh Giuse đã đích thân cảm nghiệm những tâm tình lo lắng và run sợ đối với Con Trẻ sắp được sinh ra. Thật không khó để nghĩ ra hai vị đã trải qua những ngày cuối cùng như thế nào, trong khi chờ đợi được ôm con trẻ mới sinh vào lòng. Ước chi thái độ của hai đấng cũng là thái độ của chúng ta, thưa anh chị em thân mến! Về điểm này, chúng ta hãy lắng nghe lời khuyến khích của thánh Massimo, giám mục Torino, vị thánh mà chúng ta vừa nhắc đến trên đây. Ngài đã khuyến khích như sau: "Trong khi chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh của Chúa, chúng ta hãy mặc lại y phục tinh sạch, không tì ố. Tôi muốn nói đến y phục của linh hồn, chứ không nói về y phục của thân xác. Chúng ta hãy mặc lấy không phải những y phục bằng gấm lụa, nhưng bằng những việc lành thánh! Những y phục sang trọng có thể che phủ các phần thân thể, nhưng không làm đẹp lương tâm" (ibidem). Khi sinh ra giữa chúng ta, ước gì Chúa Giêsu Hài Ðồng không gặp thấy chúng ta đang lo ra hoặc thuần tuý lo làm đẹp nhà ở bằng những ánh đèn. Ðúng hơn, chúng ta hãy dọn trong tâm hồn và trong gia đình một chỗ xứng đáng, nơi Chúa Giêsu Hài Ðồng cảm thấy mình được đón tiếp với đức tin và tình thương!

Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria và thánh Giuse giúp chúng ta sống mầu nhiệm Giáng Sinh với sự khâm phục mới và với sự an bình. Với những tâm tình vừa nói, tôi muốn nói lên những lời cầu chúc nồng nhiệt nhất cho tất cả anh chị em, đang hiện diện nơi đây, và cho những nguời thân của anh chị em, nhất là cho những ai gặp khó khăn hay đang đau khổ trong thể xác cũng như trong tinh thần, được hưởng một Lễ Giáng Sinh thánh thiện và hạnh phúc. Cầu chúc tất cả anh chị em Lễ Giáng Sinh an lành.

Radio Veritas Asia
LM. Đặng Thế Dũng (Vietcatholic News)

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng - 4th Sunday of Advent (Luca 1:39-45)


Bài Đọc I: Mic 5:1-4 II: Heb 10:5-10
Phúc Âm Luca 1:39-45
(39) Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. (41) Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Chi Tiết Hay
- Đây là đoạn Tin Mừng Đức Mẹ Maria viếng thăm bà Elizabeth, trước đoạn này là hai sự việc truyền tin: Thiên Thần truyền tin cho ông Dacaria về sự sinh hạ Gioan Tẩy Giả khi bà Elizabeth đã về già và việc truyền tin cùng trinh nữ Maria về sự giáng sinh của Đức Giêsu.
- (c.39) Chuyến đi từ Galilê nơi Maria ở tới làng ở Giudêa nơi Elizabeth ở cũng mất tới bốn ngày đường. Một trinh nữ mười bốn tuổi như Maria mà đi xa một mình như vậy trong một xã hội trọng nam giới, thì thế nào cũng bị mang tiếng không tốt và không lương thiện.
- Có lẽ Luca không có ý định giới thiệu Maria như một biểu tượng của một người làm việc bác ái, bởi vì trong câu 56 tiếp theo sau Maria đã trở về nhà ngay lúc mà Elizabeth cần nhất là lúc sanh đẻ.
- Ý định của Luca có tính cách văn chương và thần học, ông đem hai người sắp làm mẹ lại với nhau để cho thấy cả hai cùng nhận ra và ngợi khen Thiên Chúa sống động trong đời sống của mỗi người.
- (v.41) Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong bào thai của bà Elizabeth gợi tới sự cựa quậy của Esau và Jacob trong bụng bà Rebekah như trong Cựu Ước, Sách Sáng Thế 25:22, đây là điềm báo trước thân phận của hai đứa trẻ.
- (v.43) Ngay cả trước khi chào đời, Đức Giêsu đã được gọi là Đấng Mesia, một danh hiệu gắn liền với sự sống lại.
Một Điểm Chính: Mẹ Maria là người Kitô hữu đầu tiên trong Tân Ước bởi vì Mẹ đã tin vào lời Chúa hứa, một lòng tin hoàn toàn vào Chúa. Cũng như Mẹ Maria, phúc thay cho những ai tin tưởng vào Chúa.
Suy Niệm
1. Hồi tưởng lại một kỵ niệm vui mừng và hân hoan khi Chúa là một phần trong đời sống của bạn. So sánh kỵ niệm này với niềm vui và hãnh diện của một người sắp làm mẹ khi đứa con đá trong bụng. Bạn có cùng niềm hân hoan như Mẹ Maria và bà Elizabeth khi có Chúa ở cùng không?
2. Đọc kinh Kính Mừng thật chậm rãi từng chữ một và tưởng tượng bạn là bà Elizabeth đang đón chào Maria còn rất trẻ. Bạn thấy gì trên gương mặt, trên cử chỉ của Mariả Bạn sẽ thốt lên những lời gì?
3. Biết bao người trên thế giới cô đơn, họ cần người để trò chuyện. Bạn có khi nào thăm viếng nhà thương, nhà dưỡng lão hay nhà tù chưa? Khi thăm viếng một người bạn, một người bà con, bạn thường có ý gì?
Theo ĐỒNGHÀNH Org

---------------------------------------------------
4th Sunday of Advent
Reading I: Mic 5:1-4 II: Heb 10:5-10
Gospel Luke 1:39-45
(39) In those days Mary arose and went with haste into the hill country, to a city of Judah, (40) and she entered the house of Zechari'ah and greeted Elizabeth. (41) And when Elizabeth heard the greeting of Mary, the babe leaped in her womb; and Elizabeth was filled with the Holy Spirit (42) and she exclaimed with a loud cry, "Blessed are you among women, and blessed is the fruit of your womb! (43) And why is this granted me, that the mother of my Lord should come to me? (44) For behold, when the voice of your greeting came to my ears, the babe in my womb leaped for joy. (45) And blessed is she who believed that there would be a fulfilment of what was spoken to her from the Lord."
Interesting Details
- This passage is the story of visitation, which is preceded by two annunciations: the annunciation to Zechariah of the birth of John the Baptist by the aged Elizabeth and the annunciation of the birth of Jesus to Mary a virgin mother.
- (v.39) The trip from Galilee where Mary lived to a village in Judea where her relative Elizabeth lived would take four days of traveling. If a fourteen-year-old Jewish virgin girl like Mary made that trip alone in the male dominated society, she would be subject to charges of shameful intentions and misconduct.
- Luke possibly did not intent to present Mary as a model of charity because in v.56 Mary departed from Elizabeth at the moment of her greatest need, the childbirth.
- Luke's intent is literary and theological, he brings together two mothers-to-be to show how both recognize and praise the God who is active in their lives.
- (v.41) The "leaping" of John in Elizabeth's womb alludes to the leaping of Esau and Jacob in Rebekah's womb (Gen 25:22), which foretold their later destinies.
- (v.43) Even before his birth, Jesus is first identified as "Lord," which is properly used as a resurrection title.
One Main Point: Mary is the first Christian in the New Testament because she believed in the promises that God made to her, she has total trust in God. Like Mary, blessed are those who believe in God's promises.
Reflections
1. Recall a moment of joy and happiness when God is part of your life. Compare this moment to the joy and pride of a mother-to-be when she experiences baby kicks in her womb. Can you feel the exultation of Mary and Elizabeth?
2. Slowly recite the "Hail Mary" word by word, and imagine that you were Elizabeth and you are greeting young Mary. What do you see in her face, in her gesture? What will you say?
3. Many people in this world are lonely; they need someone to talk to. Do you ever visit those in hospital, in nursing home or in prison? If you do visit a friend or a relative, what is your intention?
By DONGHANH Org

Thursday, December 21, 2006

'Nhà Smith' đón Noel độc đáo

Mùa đông này, cặp tình nhân vàng của Hollywood Angelina Jolie và Brad Pitt đang lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm Giáng sinh 3 lần với các con của họ. Đại gia đình Smith sẽ đón Giáng sinh theo những cách thức và truyền thống rất khác nhau.
Rất nhiều lần trước đây, Brangelina đã tuyên bố, họ không muốn cuộc sống xa hoa ở Hollywood ảnh hưởng tới tính cách lũ trẻ. Cặp cha mẹ tuyệt vời này mong muốn các bé Maddox và Zahara luôn nhớ về cội nguồn nơi chúng đã sinh ra. Vì vậy, để bản sắc, truyền thống văn hoá của Campuchia và Ethiopia luôn sống trong tâm hồn bọn trẻ, Giáng sinh này, nhà Smiths sẽ tới 3 nơi khác nhau. Bé Maddox 5 tuổi sinh ra tại Campuchia, còn quê hương của bé Zahara gần 2 tuổi là Ethiopia.
Brad và các em nhỏ ở trung tâm chăm sóc và điều trị cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS Maddox Chivan ở Campuchia.
Theo Wenn, Angie cho biết: "Zahara sẽ kỷ niệm lễ Giáng sinh vào ngày 8/1. Còn Maddox, thằng bé sẽ đón các lễ hội theo đạo Phật. Chúng tôi tham gia cùng lũ trẻ".
Mặt khác, đại gia đình Smith, trong đó có baby Shiloh hơn 7 tháng tuổi cũng kỷ niệm Giáng sinh theo truyền thống của người Mỹ với rất nhiều đồ chơi và thịt gà tây.
Đầu tuần vừa rồi, tờ Digital Spy đưa tin Jolie-Pitt đang "lăm le" ý định giảm bớt hoặc từ bỏ hẳn nghiệp diễn xuất, để tập trung toàn bộ tâm trí cho gia đình. Angie khẳng định cô và Pitt không muốn là cặp cha mẹ "nửa vời".
Angelina muốn cô và Pitt sẽ ít đóng phim hơn để dành thời gian cho gia đình.
"Tôi rất mong rằng, cả gia đình sẽ ở bên nhau nhiều hơn, và chúng tôi sẽ ít đóng phim hơn. Có một điều chắc chắn là Brad và tôi sẽ không nuôi con ở Hollywood. Lũ trẻ sẽ không sống dập khuôn mỗi ngày, mà chúng được du lịch vòng quanh thế giới, học và làm những điều có ý nghĩa", Angelina tâm sự trong buổi trò chuyện với Larry King.

Nhật Thu (NGOISAO NET)

Wednesday, December 20, 2006

HƠI ẤM NOEL CHO BỆNH NHÂN PHONG CÙI CẨM THỦY- THANH HÓA

Trong khi mọi người, mọi nhà đang nao nức chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, với không gian vui tươi, rộn ràng, đầy màu sắc tươi đẹp. Thì trong âm thầm, lặng lẽ, có những con người vẫn lầm lũi với cuộc sống không may của mình, đó là những bệnh nhân phong cùi với thân thể không còn nguyên vẹn. Người thì mất hết cả đôi tay, người thì lại mất đôi chân, có người thì vừa bị hư hoại cả tay lẫn chân, thế nhưng họ vẫn nhẫn nại với cuộc sống, với con người. Đó là những bệnh nhân thuộc trại phong Cẩm Thủy- Thanh Hóa.

Trại phong Cẩm Thủy nằm vể phía Tây Bắc Tỉnh Thanh Hóa, cách Tòa Giám Mục khoảng trên 80km, thuộc huyện Cẩm Thủy. Có 35 bệnh nhân đã tạm thời lành lặn, nhưng vẫn phải uống thuốc thường xuyên. Tại đây, có một đội ngũ Y, Bác Sĩ khoảng 8 người luôn túc trực để khám chữa bệnh cho họ, không chỉ là bệnh phong cùi, mà cả những căn bệnh khác nữa. Những bệnh nhân ở đây, tuy không còn bị hành hạ bởi căn bệnh quái ác đó nữa, nhưng họ đã mất đi những phần chi thể cần thiết để làm ăn sinh sống, và cả khuôn mặt của họ cũng đã bị biến dạng trông thật đáng thương. Có người lập gia đình, nhưng có người lại sống độc thân. Và nhiều khi trong một mái nhà lại có tới 3 bệnh nhân nên đời sống của họ thật khó khăn. Họ làm vườn, đào ao nuôi cá, bữa cơm bữa cháo đắp đổi qua ngày. Họ không theo đạo nào nên không có những sinh hoạt tôn giáo, và cứ thế, họ quây quần bên nhau trong cuộc sống có thể nói là đơn điệu.

Nhưng hôm nay, ngày 15.12.2006, khuôn viên của họ bỗng nhộn nhịp khác thường khi có phái đoàn của Giáo phận Thanh Hóa đến chia sẻ niềm vui Giáng sinh. Phái đoàn có khoảng 50 người gồm Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Cha Phaolô Trần Văn Hiền -Hạt Trưởng Hạt Sông Mã, hơn 20 Linh mục, các Nữ tu, Chủng sinh, Ban Hành Giáo cùng với Giới trẻ Giáo xứ Phong Ý và Tân Hải, ngoài ra còn có các nhà tài trợ (tư nhân) thuộc Giáo phận.


Khoảng 13g, phái đoàn đến trại, các bệnh nhân đã có mặt đầy đủ tại hội trường. Đức Cha Giuse đã chia sẻ với các bệnh nhân về sứ điệp của Năm Sống Đạo là yêu thương, phục vụ và ngài khẳng định “các bạn là hình ảnh, là đối tượng số 1 của Tin Mừng”. Ban Giám Đốc trại phong đã ngõ lời cám ơn phái đoàn và bày tỏ mong ước được Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và các ân nhân năng đến thăm viếng, an ủi, chia sẻ với bà con.


Phái đoàn đã gởi đến từng người trong trại phong, kể cả các Y, Bác sĩ và thân nhân của người bệnh những món quà gói ghém tình bác ái yêu thương của Kitô giáo. Ngoài một gói nhu yếu phẩm gồm : gạo, đường sữa, bột ngọt, kẹo bánh, cá khô, nước mắm... Mỗi người còn nhần được một bì thư tiền.


Nhìn những khuôn mặt cằn cỗi do cơn bệnh vui hẳn lên, những người hiện diện thấy cảm động vì hiểu rằng mình đã đem đến cho họ niềm vui, dù chỉ là nhỏ nhoi, nhưng vẫn rất cần thiết để họ có thể chắc chắn rằng, cuộc sống của họ, bản thân của họ vẫn có một giá trị nhất định nào đó chứ không phải là thứ đáng bị bỏ đi.


“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”(Lc 12,49), đó là khát vọng của Đấng Cứu Thế, Đấng mà chúng ta đang mong đợi để mừng kỷ niệm ngày Ngài giáng thế mang lại ơn cứu rỗi cho hết mọi người, chẳng trừ ai, đặc biệt là những người bất hạnh. Đấng mà mỗi người chúng ta, những môn đệ của Ngài, những người con của Ngài, có nhiệm vụ hoàn thành nguyện vọng ấy bằng sự sẻ chia tình thương chân thành cho những người khổ đau phần hồn, phần xác. Để niềm vui trong khi chờ đợi Chúa đến được tràn trào trong tâm hồn của chúng ta cũng như trong cuộc sống của những con người khốn khổ.


Hương Đăng (Vietcatholic News)

Vài nét về thành phố Bethlehem nơi Ngôi Hai xuống thế làm người

Bethlehem, hay Bêlem (Tiếng Ả rập بيت لحم, Tiếng Hêbrơ: בית לחם, Tiếng Hy Lạp: Βηθλεέμ) có nghĩa là ‘nhà bánh’, là một thành phố nằm ở Tây Ngạn sông Jordan, cách Giêrusalem 10 km về phía Nam. Thành phố Bethlehem nằm ở độ cao 765 m trên mặt biển, tức là cao hơn Giêrusalem 30m.

Bêlem là thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với Kitô Giáo vì đây chính là nơi Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Đây cũng là nơi cộng đoàn Công Giáo tại Thánh Địa tập trung đông đảo nhất. Thành phố này cũng có ý nghĩa đối với Do Thái Giáo vì ở ngoại ô thành phố có mộ bà Rachel, là vợ ông Giacóp, người đã qua đời khi sinh BenGiamin.

Thành phố Bêlem cũng bao gồm hai thị trấn nhỏ là Beit Jala và Beit Sahour. Beit Jala là nơi tập trung các cơ sở giáo dục Kitô Giáo như trường thần học Chính Thống Giáo Nga, chủng viện Công Giáo Nghi Lễ La Tinh, trường đại học Talitha Kumi của Tin Lành Luther. Beit Sahour là nơi theo truyền thống Thiên Thần đã hiện ra báo cho các mục đồng Chúa đã xuống thế làm người.


Trung tâm của thành phố Bêlem là nhà thờ Giáng Sinh được đại đế Constantine (272-337) xây dựng vào năm 330 trên hang đá nơi Chúa giáng sinh. Đây có lẽ là ngôi nhà thờ cổ nhất trên thế giới mà vẫn còn tồn tại cho đến nay. Gần đó, là trường Đại Học Bethlehem của Giáo Hội Công Giáo.


Thành phố Bêlem trong Thánh Kinh:

Thành phố Bêlem thuộc miền Giuđa, đầu tiên được gọi là Ephrath (St 35:16, 19; 48:7; Ruth 4:11). Nó cũng còn được gọi là Bethlehem Ephratah (Micah 5:2), Bethlehemjudah (1 Sm. 17:12), và "thành vua David" (Lc 2:4).


Thánh Kinh nhắc đến thành phố này lần đầu như là nơi chôn cất bà Rachel "Phần cha, khi từ Pátđan về, cha đã mất bà Rachel, trong đất Canaan, khi còn cách Épratha một quãng đường; cha đã chôn người tại đó, trên đường đi Épratha, tức là Bêlem" (St 48:7)


Đây cũng là bối cảnh cuộc trở về của bà Naomi và con dâu của bà là bà Rút "Thế là từ cánh đồng Môáp, bà Naomi trở về cùng với con dâu người Môáp là Rút. Họ đã đến Bêlem vào đầu mùa gặt lúa mạch" (R 1:22).


Bêlem là nơi sinh của vua Đavít, vị vua thứ hai của Israel, và cũng là nơi nhà vua đã được tiên tri Samuel xức dầu tấn phong Ông Samuen làm điều ĐỨC CHÚA đã phán; ông đến Bêlem và các kỳ mục trong thành run sợ ra đón ông. Họ nói: ‘Ông đến có phải là để đem bình an không?’. Ông trả lời: ‘Bình an! Tôi tới đây là để dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA. Các ông hãy thanh tẩy mình và đến dự hy lễ với tôi’. Ông thanh tẩy ông Giesê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ.


Khi họ đến, ông thấy Êliáp, ông nghĩ: ‘Đúng rồi! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây! ‘ Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Samuen: ‘Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.’ Ông Giesê gọi Avinađáp và cho cậu đi qua trước mặt Samuen, nhưng ông Samuen nói: ‘Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.’ Ông Giesê cho Sama đi qua, nhưng ông Samuen nói: ‘Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.’ Ông Giesê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Samuen, nhưng ông Samuen nói với ông Giesê: ‘. ĐỨC CHÚA không chọn những người này.’


Rồi ông lại hỏi ông Giesê: ‘Các con ông có mặt đầy đủ chưa?’. Ông Giesê trả lời: ‘Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.’ Ông Samuen liền nói với ông Giesê: ‘Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.’Ông Giesê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Samuen: ‘Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó! ‘. Ông Samuen cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đavít từ ngày đó trở đi. Ông Samuen đứng dậy và đi Rama.


Bêlem cũng là nơi ba dũng sĩ đã liều mình lấy nước cho vua Đavít uống.
Ba người trong Nhóm Ba Mươi làm thành một tốp đi xuống và đến gặp vua Đavít ở hang Ađulam, vào mùa gặt. Một đạo quân Philitinh đóng trại ở thung lũng người Rapha. Vua Đavít bấy giờ đang ở nơi ẩn náu, còn người Philitinh bấy giờ đóng đồn ở Bêlem. Vua Đavít ước ao và nói: ‘Phải chi có ai cho ta uống nước lấy ở giếng tại cổng thành Bêlem!’. Ba dũng sĩ đã đột nhập trại Philitinh, lấy nước ở giếng tại cổng thành Bêlem, đưa về cho vua Đavít. Nhưng vua không muốn uống mà đổ nước ấy làm lễ rưới dâng ĐỨC CHÚA. Vua nói: ‘Xin ĐỨC CHÚA đừng để ta làm điều ấy! Đó là máu của những người đã liều mạng đi lấy! ‘ Vậy vua không muốn uống nước. Đó là việc ba dũng sĩ đã làm. (2 Sm 23:13-17).


Nhưng trên tất cả, Bêlem là nơi con Thiên Chúa đã giáng trần như Phúc Âm của Thánh Luca (Lc 2:4-20) đã tường thuật.


Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.


Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ‘Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ’. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:


"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."


Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: ‘Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.’ Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.


Bêlem thời La Mã và Byzantine:


Thành phố Bêlem đã bị tàn phá trong cuộc nổi dậy Bar Kokhba (132-135) và người La Mã đã xây một đền thờ để thờ thần Adonis ngay tại địa điểm nơi Chúa giáng sinh. Năm 326, bà Helena (248-329) mẹ đại đế Constantine, vị đại đế đầu tiên theo Kitô Giáo, đến viếng Bêlem và đã truyền xây nhà thờ Giáng Sinh tại địa điểm này.


Trong cuộc nổi dậy của người Samaritanô vào năm 529, Bêlem bị cướp phá và nhà thờ Giáng Sinh bị phá hủy. Tuy nhiên, đại đế Giustinô I truyền cho xây lại ngay.


Đến năm 619, thành phố Bêlem lại bị quân Hồi Giáo Ba Tư chiếm đóng nhưng may mắn là những người này không phá hủy đền thờ. Những người Ba Tư thấy trên các bức ảnh trong nhà thờ có hình Ba Vua là những hình thường thấy trên trang phục vua chúa Ba Tư nên đã không dám phá hủy nhà thờ.


Năm 637, khi Giêrusalem bị quân Hồi Giáo chiếm thì Caliph (người kế vị tiên tri Môhammét của Hồi Giáo) Umar ibn alKhattab đến thăm Bêlem và hứa giữ lại nhà thờ Giáng Sinh cho người Kitô Giáo.


Bêlem thời Thập Tự Quân:

Năm 1099, Thập Tự Quân Kitô Giáo giải phóng Bêlem khỏi tay người Hồi Giáo. Một tu viện được xây thêm ở phía Bắc nhà thờ Giáng Sinh. Bêlem phát triển mạnh trong thời này. Vào năm 1100, vua Baldwin I, vị vua đầu tiên của Vương Quốc Giêrusalem được tấn phong tại Bêlem và cùng năm đó Giáo Hội thiết lập Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh đầu tiên tại Bêlem.


Trong thập niên 1160, nhà thờ Giáng Sinh được trùng tu với những phù điêu trình bày các công đồng của Giáo Hội.


Chẳng may, đến năm 1187, tướng Hồi Giáo gốc người Kurd là Saladin tái chiếm Bêlem và trục xuất toàn bộ các giáo sĩ Công Giáo. Năm 1192, Saladin nhượng bộ và cho 2 linh mục và 2 phó tế Công Giáo đến coi sóc nhà thờ Giáng Sinh. Theo một hiệp ước, Bêlem lại được kiểm soát bởi Thập Tự Quân trong thời gian từ 1229 đến 1244. Tuy nhiên, đến năm 1250, khi Rukn al-Din Baibars lên cầm quyền, các giáo sĩ Công Giáo lại bị buộc trục xuất. Khi Rukn al-Din Baibars qua đời, tình hình đỡ tệ hại hơn. Đến năm 1347, các tu sĩ dòng Phanxicô đã có thể cư ngụ tại tu viện ở phía Bắc nhà thờ Giáng Sinh, dần dà cai quản cả hang đá và toàn bộ nhà thờ Giáng Sinh.


Bêlem thời Đế Quốc Ottoman:


Năm 1517, Đế Quốc Ottoman chiếm được Giêrusalem và xúi giục Chính Thống Giáo Hy Lạp tranh chấp việc quản trị nhà thờ Giáng Sinh với Giáo Hội Công Giáo.


Từ năm 1831 đến năm 1841, toàn vùng Palestine rơi vào trong tay của tiểu vương Ai Cập Muhammad Ali. Trong thời gian này một trận động đất lớn xảy ra nhưng may mắn nhà thờ Giáng Sinh không bị thiệt hại.


Năm 1841, Bêlem lại rơi vào tay Đế Quốc Ottoman lần nữa và giữ nguyên tình trạng này cho đến hết cuộc thế chiến thứ nhất trước khi được người Anh quản trị.


Trong suốt thời kỳ Đế Quốc Ottoman cai trị Bêlem, các tu sĩ dòng Phanxicô bị các giáo sĩ Chính Thống Giáo lấn dần chỉ còn giữ được tu viện và một phần nhà thờ Giáng Sinh.


Bêlem thời Cận Đại:

Nghị quyết năm 1947 của Liên Hiệp Quốc xếp Bêlem vào khu vực quản trị đặc biệt của Liên Hiệp Quốc chung với Giêrusalem. Tuy nhiên năm 1948, Jordan chiếm Bêlem trong cuộc chiến với Do Thái. Trong cuộc chiến này làn sóng người tản cư ập vào Bêlem đã làm thay đổi sâu xa cấu trúc dân cư tại đây. Từ một thành phố đa số dân là Kitô Giáo, Bêlem biến dần thành một thành phố Hồi Giáo!


Jordan chiếm giữ thành phố này cho đến năm 1967 khi quân Do Thái tái chiếm cùng với toàn bộ vùng Tây Ngạn. Trong suốt thời gian này, người ta chứng kiến cảnh người Kitô hữu lũ lượt ra đi và người Hồi Giáo ùn ùn kéo tới.


Ngày 21/12/1995, Bêlem trở thành một phần lãnh thổ dưới sự kiểm soát hoàn toàn của của nhà nước Palestine. Giờ đây, Bêlem có 40,000 dân. Trong đó, Kitô hữu chỉ chiếm 12%. Tuy nhiên, theo các công ước quốc tế, thị trưởng Bêlem phải là người Kitô hữu và người Kitô Giáo phải chiếm đa số trong Hội Đồng Thành Phố.


Biến cố bi thảm gần đây nhất xảy ra hồi tháng Tư năm 2002. Từ tháng Ba đến tháng Tư 2002, Do Thái mở cuộc hành quân “Lá Chắn Tự Vệ” tại khu vực Tây Ngạn với dụng ý “nhổ tận gốc các thành phần vũ trang khủng bố” Palestine. Ngày 1/4/2002, xe tăng Do Thái vây Bêlem. Sáng ngày 2/4, 200 người Palestine vũ trang chạy trốn cuộc truy kích của Do Thái đã chạy vào nhà thờ Giáng Sinh. Quân Do Thái vây nhà thờ trong 39 ngày. Trong thời gian này, Do Thái đã bắn sẻ giết chết 9 người bên trong nhà thờ và làm nhiều người bị thương.


Theo các dàn xếp quốc tế, ngày 9/5, 26 người rời khỏi nhà thờ tiến ra quảng trường Máng Cỏ. Tại đây họ được Hoa Kỳ hộ tống đưa về khu vực dải Gaza sau khi đã chịu để quân Do Thái phỏng vấn. Ngày 10/5, 13 người được đưa ra xe buýt chở đến phi trường Ben Gurion bên ngoài Tel Aviv. Từ đây họ được phi cơ của quân đội Anh chở sang đảo Cyprus. Cũng trong ngày 10/5, những chiến binh khác của Palestine, trong đó, phần đông là cảnh sát Palestine đã được trả tự do sau khi bỏ súng đầu hàng.


Đặng Tự Do (VietCatholicNews)

Câu chuyện về ông già Noel hay còn được gọi là thánh Nicolas (Santa Klaus)


Hơn hai ngàn năm trước, vào một đêm đông giá buốt, những cơn gió lạnh từ phương bắc kéo về rên rỉ trên những tảng lá cây sồi. Trong một chiếc máng cỏ mục cũ, trên đống rơm rạ khô xót trong một cái hang đá khô quạnh mờ mờ ánh bạch lạp, ở một góc thành Bethlêhem, thuộc nước Do Thái cổ, Chúa Giêsu ra đời. Trên bầu trời đen thẳm, một vì sao sáng vạch một đường ánh sáng xuống cõi trần thế và dẫn đường cho Ba Vua phương Ðông tìm đến Ðấng Cứu Thế. Năm mà Chúa Giêsu giáng sinh được đánh dấu là Năm thứ Nhất kỷ nguyên chính thức của nhân loại. Từ đó, lịch sử được hình thành với hai ký hiệu: Trước Chúa Giáng Sinh và Sau Chúa Giáng Sinh. Ngày mà Ðấng Kitô chào đời, mặc dù còn nhiều sai lệch và tranh cãi tùy theo truyền thống lâu đời tùy niềm tin của nhiều giáo hội khác nhau. Nhưng nhân loại cùng chấp nhận lấy ngày 25 tháng 12 dương lịch mỗi năm là ngày tôn vinh Chúa Giêsu nhập thế.

Bên cạnh ngày Giáng Sinh, thì ngày 24 tháng 12 lại là ngày mà cả trẻ em lẫn người lớn trên toàn thế giới đều nô nức chào đón và tôn vinh một vị thánh có rất nhiều công trạng rao giảng và đem đức tin đến cho nhân loại. Ðó là Ông Già Noel, hay còn gọi là Santa Klaus. Ông Già Noel có thật hay chỉ là những câu chuyện huyền hoặc mà người ta lưu truyền từ ngàn năm trước cho đến mãi tận ngàn năm sau. Câu chuyện về một vị Thánh có tên là Nicôlas tiền thân của Ông Già Noel là hoàn toàn có thật. Câu chuyện Ông Già Noel cưỡi xe trượt tuyết với tám con nai chỡ đồ chơi bánh kẹo cho trẻ em trần thế và những huyền thoại được dựa vào, và được cải biến từ cuộc đời thánh thiện của thánh Nicolas mà chúng ta sẽ cùng được biết như sau:

Có thể nói, sau Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Maria, thì tên của Thánh Nicolas được nhiều người biết đến nhiều nhất. Tên của ngài cũng được dùng để đặt tên cho nhiều giáo đường và trẻ sơ sinh nhiều nhất. Ngài cũng là một vị thánh được khấn nguyện nhiều nhất trong những lúc cùng khốn hay nguy cấp. Như vậy, chắc chắn thánh Nicolas phá kỷ lục Genus về vị dẫn đầu danh sách các thánh được kính nhiều nhất, được trông chờ nhiều nhất mỗi độ đông về. Không những của những người công giáo mà hầu như của cả nhân loại. Ngài là vị hộ thần độ mạng của con người và là người đem niềm vui chứa chan đến cho trần thế.

Năm 1969, Giáo Hội Công Giáo đã chính thức đặt vấn đề tra cứu về thân thế của Thánh Nicolas, để xem ngài có phải là một vị thánh thực sự hay chỉ là một huyền thoại. Sử liệu còn để lại đã chứng minh rằng ngài là một nhân vật có thật. Ngài sinh năm 280 sau Chúa Giáng Sinh tại một ngôi làng nhỏ tên Batara thuộc vùng Tiểu Á mà ngày nay thuộc lãnh thổ nước Thổ Nhỉ Kỳ. Cha mẹ ngài đã đặt tên cho ngài bằng tiếng Hy Lạp là Nicolas. Lúc ấy nền văn minh và văn hóa Hy lạp còn thống trị nhiều vùng đất rộng lớn trong đó có Thổ Nhỉ Kỳ. Theo tiếng Hy Lạp, Nicolas có nghĩa là Người Anh Hùng của Dân Tộc. Cái tên định mệnh đó rất xứng đáng đối với ngài ít nhất ở lãnh vực đạo đức và tôn giáo. Ông bà thân sinh ngài tuy không phải giàu có lắm nhưng hai ông bà luôn luôn bố thí của cải và giúp đỡ người nghèo. Hấp thụ từ nền đạo đức bác ái đó, cọng với lời dạy của hai đấng sinh thành rằng: "Phải luôn là người lương thiện, nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình", ngài đã trở thành một mẫu người thánh thiện ngay khi ngài còn ở độ tuổi thiếu niên. Một cơn dịch bệnh tràn qua thôn xóm đã giết mất hai ông bà thân sinh của cậu bé Nicolas lúc đó mới 12 tuổi. Tuy vậy, cậu bé Nicolas tiếp tục đem tiền bạc bố thí cho những người cùng khổ, và miệt mài học tập giáo lý. Ngài có một khả năng siêu nhiên lạ lùng là có thể cảm nghiệm được nỗi khổ đau đang xảy ra ở đâu đó và lập tức đến nơi cứu giúp.

Trong lịch sử Công Giáo có lẽ thánh Nicolas là người được phong chức Giám Mục thành Mira ở độ tuổi trẻ nhất. Lúc đó ngài mới có 19 tuổi. Vì vậy, bạn bè đặt cho ngài một cái biệt danh vui nhộn là "chú nhóc Giám Mục". Ngài cười cười vẫn chịu và chẳng phiền lòng tí nào. Trong thời gian hành đạo và cứu khổ, ngài đã bị một tai nạn lớn suýt chết, nhưng vẫn giữ được niềm tin cho đến cùng. Năm 303, lúc ngài mới 23 tuổi, Vua La Mã là Dio Pletian tự nhiên cảm mình cũng thuộc lại tầm cỡ, thuộc cõi trên, do đó ông buộc mỗi vùng thuộc đế quốc La Mã phải tôn phục ông là thượng đế. Dĩ nhiên Giám Mục Nicolas và giáo dân địa phận Mira của ngài không chịu tuân phục. Ðối với tín đồ Thiên Chúa Giáo, chỉ có một vị Thượng Ðế duy nhất, đó là Thiên Chúa. Vì vậy, thầy trò Nicolas đều được ưu ái mời vô khám nằm đếm lịch, ăn bánh mì đen và uống nước lã. Riêng ngài bị biệt giam trong một cái nhà tù nhỏ xíu, bị bỏ đói, khát và lạnh đến 10 năm. Vô cùng mầu nhiệm, ngài vẫn sống cho đến năm 313. Vị hoàng đế tự xưng là thượng đế là Dio Pletian lúc đó bị hất xuống khỏi ngai vàng, vua mới là Constantine lên thay, ra lệnh đại xá thiên hạ. Lao lý 10 năm đã làm cho đức tin và con người của Nicolas thêm bền vững. Ngài dốc tâm giảng đạo, phát triển giáo hội, bố thí của cải và đem vô số người đến với Chúa. Ngài sống được 63 tuổi. Ngày 6 tháng 12 năm 343, thánh Nicolas từ trần để lại cho trần thế một công nghiệp đồ sộ, một tên tuổi rực chói và những câu chuyện có thật lẫn huyền thoại mà vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Một thời gian ngắn sau khi thánh Nicolas từ giã trần thế, người dân Mira cũng dựng lên một ngôi đền thờ để an táng ngài, lưu giữ tất cả các vết tích và các vật dụng của ngài. Ðến năm 800 giáo hội công giáo đông phương chính thức tuyên dương ngài là thánh. Trong con mắt của người công giáo thì một vị thánh là đấng mà sau khi qua đời sẽ hiển linh và trở lại trần thế làm nhiều phép lạ để cứu giúp những người cùng khốn.

Có rất nhiều câu chuyện về thánh Nicolas cứu giúp trẻ em và người khốn khổ được lưu truyền. Chuyện nào cũng cảm động và chứa chan tình người. Ngài được người đời xưng tụng là thần hộ mạng của trẻ em, của thủy thủ, của người nghèo và của những người mang một nỗi niềm đau khổ nào đó cần được cứu giúp. Ba câu chuyện sau đây trong đó có một câu chuyện có thật về đức bố thí bác ái của thánh Nicolas. Một câu chuyện đã khiến cho người trần thế tôn xưng ngài là vị thánh hộ mạng của nhân loại, một vị thánh cứu vớt.

Câu chuyện kể về người thủy thủ một chiếc tàu sắp bị đắm trong vùng biển Ðịa Trung Hải. Con tàu bị lạc giữa một cơn bão tố và va phải đá ngầm và bị thủng một lỗ to. Nước biển tràn vào ồ ạt. Con tàu chồng chềnh ngã nghiêng và chìm dần xuống. Một vài thủy thủ chợt nhớ lại tên thánh Nicolas hằng cứu giúp, mặc dầu lúc ấy ngài đã tạ thế. Lập tức họ cùng nhau quỳ xuống khấn nguyện tên ngài và khẩn cầu ngài cứu vớt. Ðột nhiên từ trên không, giữa những làn nước giá buốt trút ầm ầm như thác, giữa những cơn sóng gầm thét điên cuồng, thánh Nicolas trong chiếc áo giám mục màu đỏ từ từ hạ xuống giữa khoang tàu. Gió bỗng thôi gào, mưa bão ngưng tạnh. Thánh Nicolas cùng thuỷ thủ đoàn quỳ xuống tạ ơn Thiên Chúa, rồi ngài cùng họ chèo chống con tàu ra khỏi vùng đá ngầm bằng một chiếc sào dài. Khi con tàu đã đến chỗ bình yên, thì ngài vẫy tay từ biệt họ, cất mình lên không và biến mất sau những đám mây trắng. Vẫn chưa chấm hết câu chuyện, khi con tàu cập bến Mira, các thủy thủ cùng vị thuyền trưởng đi đến ngôi đền thờ thánh Nicolas để làm lễ tạ ơn, thật lạ lùng, họ thấy ngài đã hiện ra lúc nào và đang mĩm cười đứng bên đền thờ nhìn họ. Một người hỏi rằng làm thế nào mà ngài đã biết và đến cứu họ. Thánh Nicolas cho biết, ngay từ thuở nhỏ, ngài đã có năng khiếu siêu nhiên là có thể nhìn thấy những người đang lâm nạn và nghe thấy tiếng kêu khóc của họ, vì đó là ý của Chúa. Từ câu chuyện này, mãi cho đến ngày sau, người Hi Lạp thay vì đập chai "sâm banh" (champagne) để khánh thành một chiếc tàu mới chuẩn bị hạ thủy thì họ khấn nguyện xin thánh Nicolas bảo hộ cho họ được bình yên trên các nẽo đường hàng hải.

Thánh Nicolas cũng được xưng tụng là thánh hộ mạng cho những cô gái nghèo không có của hồi môn để có thể kiếm được một tấm chồng qua câu chuyện ba túi vàng. Lúc ấy, ngài còn là một thanh niên, trước khi trở thành chú nhóc giám mục thành Mira. Một ngày kia, ngài nghe biết chuyện của một người thương gia sạt nghiệp nọ, nghèo đến nỗi không còn tiền bạc để chia của hồi môn về nhà chồng cho ba cô con gái. Có nhiều xứ âu châu á châu từ xưa đã có các hủ tục là con gái phải có của hồi môn thì người chồng mới chịu cưới. Các xứ như Pakistan, Ấn Ðộ, vẫn còn giữ tục lệ này. Ðộng lòng trắc ẩn, chàng thanh niên Nicolas tốt bụng chờ đến lúc đêm tối mang một túi vàng đến bên cửa sổ, lúc ấy nhà ông già khốn khổ đã ngủ say, và quẳng túi vàng qua khung cửa sổ. Nhờ những túi vàng đó ông thương gia đã gã được hai cô con gái lớn. Nhưng đến lần thứ ba thì ông quyết định rình coi ai là ân nhân cứu giúp mình. Ông bắt gặp chàng trai Nicolas, nhưng chàng xin ông hãy giữ bí mật vì chàng chỉ làm việc thiện theo ý của Thiên Chúa. Cho đến khi sắp sữa lìa đời ông già mới tiết lộ cho con cháu danh tính của vị ân nhân. Cũng có người kể lại là thay vì thảy túi vàng qua cửa sổ, thì chàng trai Nicolas trèo lên chỗ ống khói lò sưởi và thảy túi vàng xuống rồi trúng vào ngay chiếc vớ đã giặt của các cô gái treo cạnh lò sưởi đê hong khô qua đêm. Từ đó tục treo vớ hoặc giày ống gần lò sưởi ngay vào đêm giáng sinh với niềm hy vọng sáng ra sẽ thấy quà tặng của Santa Klaus nằm trong đó.

Thân ái kính chào quý vị và các bạn.

Linh Mục Văn Kim (Vietcatholic News)