Hơn hai ngàn năm trước, vào một đêm đông giá buốt, những cơn gió lạnh từ phương bắc kéo về rên rỉ trên những tảng lá cây sồi. Trong một chiếc máng cỏ mục cũ, trên đống rơm rạ khô xót trong một cái hang đá khô quạnh mờ mờ ánh bạch lạp, ở một góc thành Bethlêhem, thuộc nước Do Thái cổ, Chúa Giêsu ra đời. Trên bầu trời đen thẳm, một vì sao sáng vạch một đường ánh sáng xuống cõi trần thế và dẫn đường cho Ba Vua phương Ðông tìm đến Ðấng Cứu Thế. Năm mà Chúa Giêsu giáng sinh được đánh dấu là Năm thứ Nhất kỷ nguyên chính thức của nhân loại. Từ đó, lịch sử được hình thành với hai ký hiệu: Trước Chúa Giáng Sinh và Sau Chúa Giáng Sinh. Ngày mà Ðấng Kitô chào đời, mặc dù còn nhiều sai lệch và tranh cãi tùy theo truyền thống lâu đời tùy niềm tin của nhiều giáo hội khác nhau. Nhưng nhân loại cùng chấp nhận lấy ngày 25 tháng 12 dương lịch mỗi năm là ngày tôn vinh Chúa Giêsu nhập thế.
Bên cạnh ngày Giáng Sinh, thì ngày 24 tháng 12 lại là ngày mà cả trẻ em lẫn người lớn trên toàn thế giới đều nô nức chào đón và tôn vinh một vị thánh có rất nhiều công trạng rao giảng và đem đức tin đến cho nhân loại. Ðó là Ông Già Noel, hay còn gọi là Santa Klaus. Ông Già Noel có thật hay chỉ là những câu chuyện huyền hoặc mà người ta lưu truyền từ ngàn năm trước cho đến mãi tận ngàn năm sau. Câu chuyện về một vị Thánh có tên là Nicôlas tiền thân của Ông Già Noel là hoàn toàn có thật. Câu chuyện Ông Già Noel cưỡi xe trượt tuyết với tám con nai chỡ đồ chơi bánh kẹo cho trẻ em trần thế và những huyền thoại được dựa vào, và được cải biến từ cuộc đời thánh thiện của thánh Nicolas mà chúng ta sẽ cùng được biết như sau:
Có thể nói, sau Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Maria, thì tên của Thánh Nicolas được nhiều người biết đến nhiều nhất. Tên của ngài cũng được dùng để đặt tên cho nhiều giáo đường và trẻ sơ sinh nhiều nhất. Ngài cũng là một vị thánh được khấn nguyện nhiều nhất trong những lúc cùng khốn hay nguy cấp. Như vậy, chắc chắn thánh Nicolas phá kỷ lục Genus về vị dẫn đầu danh sách các thánh được kính nhiều nhất, được trông chờ nhiều nhất mỗi độ đông về. Không những của những người công giáo mà hầu như của cả nhân loại. Ngài là vị hộ thần độ mạng của con người và là người đem niềm vui chứa chan đến cho trần thế.
Năm 1969, Giáo Hội Công Giáo đã chính thức đặt vấn đề tra cứu về thân thế của Thánh Nicolas, để xem ngài có phải là một vị thánh thực sự hay chỉ là một huyền thoại. Sử liệu còn để lại đã chứng minh rằng ngài là một nhân vật có thật. Ngài sinh năm 280 sau Chúa Giáng Sinh tại một ngôi làng nhỏ tên Batara thuộc vùng Tiểu Á mà ngày nay thuộc lãnh thổ nước Thổ Nhỉ Kỳ. Cha mẹ ngài đã đặt tên cho ngài bằng tiếng Hy Lạp là Nicolas. Lúc ấy nền văn minh và văn hóa Hy lạp còn thống trị nhiều vùng đất rộng lớn trong đó có Thổ Nhỉ Kỳ. Theo tiếng Hy Lạp, Nicolas có nghĩa là Người Anh Hùng của Dân Tộc. Cái tên định mệnh đó rất xứng đáng đối với ngài ít nhất ở lãnh vực đạo đức và tôn giáo. Ông bà thân sinh ngài tuy không phải giàu có lắm nhưng hai ông bà luôn luôn bố thí của cải và giúp đỡ người nghèo. Hấp thụ từ nền đạo đức bác ái đó, cọng với lời dạy của hai đấng sinh thành rằng: "Phải luôn là người lương thiện, nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình", ngài đã trở thành một mẫu người thánh thiện ngay khi ngài còn ở độ tuổi thiếu niên. Một cơn dịch bệnh tràn qua thôn xóm đã giết mất hai ông bà thân sinh của cậu bé Nicolas lúc đó mới 12 tuổi. Tuy vậy, cậu bé Nicolas tiếp tục đem tiền bạc bố thí cho những người cùng khổ, và miệt mài học tập giáo lý. Ngài có một khả năng siêu nhiên lạ lùng là có thể cảm nghiệm được nỗi khổ đau đang xảy ra ở đâu đó và lập tức đến nơi cứu giúp.
Trong lịch sử Công Giáo có lẽ thánh Nicolas là người được phong chức Giám Mục thành Mira ở độ tuổi trẻ nhất. Lúc đó ngài mới có 19 tuổi. Vì vậy, bạn bè đặt cho ngài một cái biệt danh vui nhộn là "chú nhóc Giám Mục". Ngài cười cười vẫn chịu và chẳng phiền lòng tí nào. Trong thời gian hành đạo và cứu khổ, ngài đã bị một tai nạn lớn suýt chết, nhưng vẫn giữ được niềm tin cho đến cùng. Năm 303, lúc ngài mới 23 tuổi, Vua La Mã là Dio Pletian tự nhiên cảm mình cũng thuộc lại tầm cỡ, thuộc cõi trên, do đó ông buộc mỗi vùng thuộc đế quốc La Mã phải tôn phục ông là thượng đế. Dĩ nhiên Giám Mục Nicolas và giáo dân địa phận Mira của ngài không chịu tuân phục. Ðối với tín đồ Thiên Chúa Giáo, chỉ có một vị Thượng Ðế duy nhất, đó là Thiên Chúa. Vì vậy, thầy trò Nicolas đều được ưu ái mời vô khám nằm đếm lịch, ăn bánh mì đen và uống nước lã. Riêng ngài bị biệt giam trong một cái nhà tù nhỏ xíu, bị bỏ đói, khát và lạnh đến 10 năm. Vô cùng mầu nhiệm, ngài vẫn sống cho đến năm 313. Vị hoàng đế tự xưng là thượng đế là Dio Pletian lúc đó bị hất xuống khỏi ngai vàng, vua mới là Constantine lên thay, ra lệnh đại xá thiên hạ. Lao lý 10 năm đã làm cho đức tin và con người của Nicolas thêm bền vững. Ngài dốc tâm giảng đạo, phát triển giáo hội, bố thí của cải và đem vô số người đến với Chúa. Ngài sống được 63 tuổi. Ngày 6 tháng 12 năm 343, thánh Nicolas từ trần để lại cho trần thế một công nghiệp đồ sộ, một tên tuổi rực chói và những câu chuyện có thật lẫn huyền thoại mà vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Một thời gian ngắn sau khi thánh Nicolas từ giã trần thế, người dân Mira cũng dựng lên một ngôi đền thờ để an táng ngài, lưu giữ tất cả các vết tích và các vật dụng của ngài. Ðến năm 800 giáo hội công giáo đông phương chính thức tuyên dương ngài là thánh. Trong con mắt của người công giáo thì một vị thánh là đấng mà sau khi qua đời sẽ hiển linh và trở lại trần thế làm nhiều phép lạ để cứu giúp những người cùng khốn.
Có rất nhiều câu chuyện về thánh Nicolas cứu giúp trẻ em và người khốn khổ được lưu truyền. Chuyện nào cũng cảm động và chứa chan tình người. Ngài được người đời xưng tụng là thần hộ mạng của trẻ em, của thủy thủ, của người nghèo và của những người mang một nỗi niềm đau khổ nào đó cần được cứu giúp. Ba câu chuyện sau đây trong đó có một câu chuyện có thật về đức bố thí bác ái của thánh Nicolas. Một câu chuyện đã khiến cho người trần thế tôn xưng ngài là vị thánh hộ mạng của nhân loại, một vị thánh cứu vớt.
Câu chuyện kể về người thủy thủ một chiếc tàu sắp bị đắm trong vùng biển Ðịa Trung Hải. Con tàu bị lạc giữa một cơn bão tố và va phải đá ngầm và bị thủng một lỗ to. Nước biển tràn vào ồ ạt. Con tàu chồng chềnh ngã nghiêng và chìm dần xuống. Một vài thủy thủ chợt nhớ lại tên thánh Nicolas hằng cứu giúp, mặc dầu lúc ấy ngài đã tạ thế. Lập tức họ cùng nhau quỳ xuống khấn nguyện tên ngài và khẩn cầu ngài cứu vớt. Ðột nhiên từ trên không, giữa những làn nước giá buốt trút ầm ầm như thác, giữa những cơn sóng gầm thét điên cuồng, thánh Nicolas trong chiếc áo giám mục màu đỏ từ từ hạ xuống giữa khoang tàu. Gió bỗng thôi gào, mưa bão ngưng tạnh. Thánh Nicolas cùng thuỷ thủ đoàn quỳ xuống tạ ơn Thiên Chúa, rồi ngài cùng họ chèo chống con tàu ra khỏi vùng đá ngầm bằng một chiếc sào dài. Khi con tàu đã đến chỗ bình yên, thì ngài vẫy tay từ biệt họ, cất mình lên không và biến mất sau những đám mây trắng. Vẫn chưa chấm hết câu chuyện, khi con tàu cập bến Mira, các thủy thủ cùng vị thuyền trưởng đi đến ngôi đền thờ thánh Nicolas để làm lễ tạ ơn, thật lạ lùng, họ thấy ngài đã hiện ra lúc nào và đang mĩm cười đứng bên đền thờ nhìn họ. Một người hỏi rằng làm thế nào mà ngài đã biết và đến cứu họ. Thánh Nicolas cho biết, ngay từ thuở nhỏ, ngài đã có năng khiếu siêu nhiên là có thể nhìn thấy những người đang lâm nạn và nghe thấy tiếng kêu khóc của họ, vì đó là ý của Chúa. Từ câu chuyện này, mãi cho đến ngày sau, người Hi Lạp thay vì đập chai "sâm banh" (champagne) để khánh thành một chiếc tàu mới chuẩn bị hạ thủy thì họ khấn nguyện xin thánh Nicolas bảo hộ cho họ được bình yên trên các nẽo đường hàng hải.
Thánh Nicolas cũng được xưng tụng là thánh hộ mạng cho những cô gái nghèo không có của hồi môn để có thể kiếm được một tấm chồng qua câu chuyện ba túi vàng. Lúc ấy, ngài còn là một thanh niên, trước khi trở thành chú nhóc giám mục thành Mira. Một ngày kia, ngài nghe biết chuyện của một người thương gia sạt nghiệp nọ, nghèo đến nỗi không còn tiền bạc để chia của hồi môn về nhà chồng cho ba cô con gái. Có nhiều xứ âu châu á châu từ xưa đã có các hủ tục là con gái phải có của hồi môn thì người chồng mới chịu cưới. Các xứ như Pakistan, Ấn Ðộ, vẫn còn giữ tục lệ này. Ðộng lòng trắc ẩn, chàng thanh niên Nicolas tốt bụng chờ đến lúc đêm tối mang một túi vàng đến bên cửa sổ, lúc ấy nhà ông già khốn khổ đã ngủ say, và quẳng túi vàng qua khung cửa sổ. Nhờ những túi vàng đó ông thương gia đã gã được hai cô con gái lớn. Nhưng đến lần thứ ba thì ông quyết định rình coi ai là ân nhân cứu giúp mình. Ông bắt gặp chàng trai Nicolas, nhưng chàng xin ông hãy giữ bí mật vì chàng chỉ làm việc thiện theo ý của Thiên Chúa. Cho đến khi sắp sữa lìa đời ông già mới tiết lộ cho con cháu danh tính của vị ân nhân. Cũng có người kể lại là thay vì thảy túi vàng qua cửa sổ, thì chàng trai Nicolas trèo lên chỗ ống khói lò sưởi và thảy túi vàng xuống rồi trúng vào ngay chiếc vớ đã giặt của các cô gái treo cạnh lò sưởi đê hong khô qua đêm. Từ đó tục treo vớ hoặc giày ống gần lò sưởi ngay vào đêm giáng sinh với niềm hy vọng sáng ra sẽ thấy quà tặng của Santa Klaus nằm trong đó.
Thân ái kính chào quý vị và các bạn.
Linh Mục Văn Kim (Vietcatholic News)
No comments:
Post a Comment