Friday, November 17, 2006

Chuyện nhà kiến của con

Ngày ấy, sau hai năm suy nghĩ, đắn đo, tôi đã có một quyết định sai lầm trong cuộc đời: kết hôn với một người đàn ông có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của mình, nhưng lại không phải là người tôi yêu thương.

Đương nhiên là tôi không thể có hạnh phúc. Cuộc hôn nhân tính toán đã khiến tôi chai lạnh cảm xúc. Một bé gái ra đời không khiến tôi vui mừng. Rồi ít lâu sau, chồng tôi mất đột ngột trong một chuyến công tác ở nước ngoài, cả cú sốc này cũng không khiến tôi thấy mình đau khổ.

Từ đó chỉ còn tôi và bé Gia An, con gái tôi. Căn nhà đã lạnh lại càng lạnh hơn. Với tôi, việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ con là một công việc vướng bận và rắc rối. Tôi thuê một chị giúp việc để rảnh tay chân với việc trông con. Sau giờ làm việc, tôi tự do đi chơi với bạn bè, có khi còn ở lại luôn trong cơ quan. Con bé rất ngoan, quấn quít chị giúp việc và không hề đòi hỏi gì ở mẹ.

Thế nhưng, mỗi lần về nhà nhìn thấy nó là tôi lại thấy bực bội, chỉ một câu hỏi của nó cũng có thể làm tôi nổi cáu, quát mắng to tiếng, nặng lời. Trong tôi lúc ấy, con bé là một hàng rào lớn cản trở tự do, một rắc rối cho cuộc sống riêng tư và cản trở những toan tính tiếp theo cho cuộc đời. Tôi là một phụ nữ thành đạt ở tuổi 30, tôi sẽ dễ dàng biết bao để tìm một mái ấm gia đình nếu không có nó.

Rồi tôi lại đứng trước một sự cố lớn: cơ quan tôi làm việc có nguy cơ phá sản. Tôi không mất nhiều thời gian để đi đến một quyết định: theo một người đàn ông vẫn theo đuổi tôi ra nước ngoài định cư và cho bé Gia An về ở với bà ngoại. Mỗi tháng gửi về ít tiền là đủ để lương tâm tôi không phải cắn rứt.

Sắp xếp mọi việc xong, tôi cho chị giúp việc nghỉ. Hôm nay chỉ có tôi và con bé ở nhà. Tôi nấu cơm tối, dự định ăn với con bữa cuối cùng, sáng mai sẽ đưa nó về ngoại. Dọn cơm xong, gọi mãi không thấy nó đâu, cơn giận trong lòng tôi lại được dịp bùng lên. Tìm khắp trong nhà, ngoài sân, cuối cùng tôi thấy nó đang ngồi thu lu ở ngoài cổng.

Thấy tôi đến nơi, con bé vừa luống cuống đứng lên thì tôi đã cho nó cái tát đến ngã quị xuống. “Mày làm cái gì thế hả?” - tôi quát. Con bé vừa nức nở lau nước mắt vừa chỉ lên tường: “Mẹ ơi, bọn kiến mẹ đang mang con đi tránh bão, mẹ ạ”. Nhìn lên tường theo tay con bé, tôi thấy những con kiến đen đang ôm những cái trứng trắng thật to bò đi nặng nề. Gia An như đã quên cái tát, nắm tay tôi giảng giải: “Con mang trứng là kiến mẹ, con mang thức ăn là kiến bố, kiến anh, kiến chị đấy mẹ ạ. Chúng dọn tổ lên cao tức là ngày mai có bão mẹ ạ”.

Hình ảnh con kiến mẹ ôm cái trứng trắng to tướng trên lưng đánh mạnh vào tâm trí tôi. Tôi chưa hết sững sờ thì Gia An đã ôm lấy tôi khóc oà: “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con. Con kiến cũng mang con nó đi cùng đấy mẹ. Tối nào con cũng đứng trước cửa phòng mẹ mà không dám vào ngủ cùng, hôm qua con nghe mẹ nói điện thoại là sẽ đưa con về ngoại rồi đi nước ngoài.

Mẹ ơi, nếu mẹ gặp khó khăn thì con sẽ cùng với mẹ vượt qua mà”. Lần đầu tiên, tiếng khóc và những lời nói của con gái khiến tôi rùng mình. Con tôi mới có tám tuổi, những chuyện về gia đình nhà kiến, việc đã là mẹ thì không thể bỏ con đáng ra phải do tôi dạy nó. Vậy mà…

Tôi xoa đầu, vỗ nhè nhẹ vai con rồi nắm tay dắt nó vào nhà. Hình như đây là cử chỉ âu yếm đầu tiên tôi dành cho nó. Bữa cơm tối vẫn còn nóng. Vui sướng vì được mẹ âu yếm, con bé ăn nhanh rồi chợt ngừng lại nhìn tôi khẩn khoản: “Mẹ ơi, tối nay cho con ngủ với mẹ nhé”. Tôi gật đầu.

Đã lâu lắm, tôi không còn nhớ lần cuối tôi ngủ chung với con là ngày nào. Sau một hồi ríu rít, con bé ngủ say. Dưới ánh đèn vàng, lần đầu tôi nhìn kỹ con gái mình, gương mặt nó giống tôi như tạc. Chỉ có sự chịu đựng, tính kiên nhẫn và bao dung mà con bé thể hiện là không giống tôi, không phải học từ tôi. Vậy thì mẹ sẽ học từ con, Gia An ơi. Thật lạ lùng khi chính con đã dạy cho mẹ bài học về tình mẫu tử.

Tôi hủy bỏ mọi toan tính, hủy bỏ cuộc hôn nhân kèm chuyến định cư nước ngoài. Tôi lại đến cơ quan, xem xét toàn bộ tài liệu liên quan, tổ chức lại bộ máy nhân sự. Một tháng sau, cơ quan tôi lùi ra được khỏi bờ vực phá sản. Câu chuyện về đàn kiến của con tôi tối đó đã thật sự làm thay đổi cuộc đời tôi.

Cảm ơn con, Gia An.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẰNG (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)
Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=172932&ChannelID=194

Monday, November 13, 2006

TRUYỀN GIÁO CHO Á CHÂU

Stephen Cardinal Kim Sou Hwan

Diễn văn đặc biệt tại Trung tâm Mục Vụ Đông Á ngày 31 tháng Bảy, năm 1997

Nhập đề

Tôi ước mong được nói lên tâm tình tri ân của tôi với Cha José Mario Francisco, với ban điều hành và tất cả mọi người tham dự chương trình “Nền tảng Canh Tân Mục Vụ” và “Huấn luyện thừa tác viên Lời Chúa” đã tiếp đón tôi cách thân tình và đã cho tôi cơ hội này để chia sẻ với anh chị em về một trong những thách đố lớn nhất mà Giáo Hội đang đương đầu trong thế giới ngày nay, được gọi là Truyền Giáo tại Á Châu của chúng ta.

Chúng ta đang ở đây trong nước Cộng Hoà Phi-luật-tân và được xem như cái nôi của Kitô Giáo và công cuộc loan báo Tin Mừng của Á Châu. Chúng ta có mặt ở đây như là những sinh viên của Trung tâm Mục Vụ Đông Á mà qua nhiều thập niên đã cung cấp những chương trình huấn luyện mục vụ và tông đồ chuyên môn. Tôi biết rằng hầu hết chúng ta đến từ các nước Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Đại Dương, vì thế tôi hy vọng rằng những gì tôi nói đây sẽ thích hợp với anh chị em khi anh chị em chuẩn bị trở về tiếp tục sứ mệnh mà Đức Kitô đã trao cho chúng ta qua Giáo Hội.

Khi chúng ta nói từ “Á Châu”, chúng ta muốn nói đến tới vùng đất mênh mông bao la đó, với hàng ngàn bán đảo, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là vùng đất rộng mênh mông được hợp thành bởi nhiều quốc gia và bao bọc mấy tỉ con người. Mỗi quốc gia có lịch sử riêng của mình và rất phong phú về các truyền thống văn hoá và tôn giáo. Trong “Declaration On The Relation Of The Church To Non-Christian Religions", (Tuyên ngôn về tương quan của Giáo Hội với những tôn giáo ngoài Kitô Giáo, (Nostra Aetate), Công Đồng Vaticanô đã giải nghĩa rằng ‘con người hướng đến các tôn giáo khác nhau của mình để tìm câu trả lời cho những bí ẩn chưa được giải đáp về sự hiện hữu của nhân loại. Những vấn đề đang đè nặng thâm tâm con người ngày nay cũng giống như ngày xưa. Con người là gì? Cái gì là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống? Cái gì là thái độ ngay chính, và cái gì là tội lỗi? Đau khổ bởi đâu mà ra, và nó có mục đích gì? Làm thế nào để tìm được hạnh phúc đích thực? Cái gì xảy ra sau khi chết? Phán xét là gì? Phần thưởng sau khi chết là gì? Và sau cùng, cái gì là mầu nhiệm chung cuộc, vượt quá sự giải thích của con người, đã bao trùm toàn hữu của chúng ta, là nguồn gốc và là cứu cánh chúng ta hướng đến?

Từ buổi sơ khai, con người đã đặt ra câu hỏi đó và những tôn giáo lớn của thế giới đã nỗ lực để đưa ra những giải đáp thoả đáng. Sự phong phú vô hạn của thần thoại và những suy tư triết học, cùng với sự thực hành khổ chế, chiêm niệm và sự trông cậy vào Thiên Chúa trong tin tưởng và tình yêu đã là sự nâng đỡ của anh chị em Ấn Giáo của chúng ta. Phật Giáo, dưới nhiều hình thức, chứng minh sự sa sút những điều thâm thuý của thế giới đang thay đổi này và đưa ra một lối sống nhờ đó con người, với lòng tin tường và phó thác, có thể đạt được sự siêu thoát hoàn toàn và huệ giác hoặc bằng cố gắng của mình hoặc nhờ sự trợ lực của Thượng Đế. Hồi Giáo tôn thờ Thiên Chúa, Đấng độc nhất, hằng sống và tồn tại, nhân từ và quyền năng, Đấng tạo dựng đất trời, cũng là Đấng đã nói với con người.

Giáo Hội Công Giáo không phủ nhận những gì là chân thực và thánh thiêng trong ba tôn giáo này, thế nhưng Giáo Hội loan báo, và là bổn phận buộc phải loan báo mà không trật đường, Chân lý và sự sống cho mọi dân tộc noi theo; đây là sứ điệp quan trọng của Tin Mừng cho người Á Châu và cho tất cả mọi dân tộc.

Những suy tư này được trích từ ‘Nostra Aetate’ đã giải thích rất rõ ràng đường hướng và trọng tâm truyền giáo mà chúng ta, đặc biệt người Á Châu, phải có khi chúng ta đáp lại lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại” (Mc 16,15).

Lời giảng dạy của chúng ta

Trước khi bàn đến cách thức và phương tiện thi hành sứ mệnh rao giảng của Đức Kitô cho mọi dân tộc, chúng ta phải tự vấn điều gì chúng ta mong ước mang đến cho anh em, chị em chúng ta là những người đã thực sự dấn thân cho tôn giáo truyền thống của họ. Tin Mừng là gì? Công bố tin vui của chúng ta là gì? Chúng ta thực sự muốn chia sẻ với họ điều gì? Cái gì họ thực sự cần và chưa bao giờ được nghe nói đến? Dĩ nhiên câu trả lời duy nhất cho những câu hỏi đó là niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ thế gian.

Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ bao gồm những điểm cơ bản của đức tin chúng ta. Thiên Chúa Cha tạo thành thế giới và muôn vật trong đó. Thiên Chúa Con được Cha sai và sinh làm người bởi Trinh Nữ Maria. Người chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết vì sự cứu rỗi cho nhân loại. Chúa Con Phục Sinh sai Thánh Thần đến với chúng ta, Người chia sẻ với chúng ta ơn cứu độ, gọi là sự thứ tha tội lỗi và lời hứa ban sự sống muôn đời. Nhờ các Tông Đồ và những người kế vị các Ngài trong đức tin, Thánh Thần đem mọi người thành một thân thể là Hội Thánh trong Đức Kitô.

Tóm lại đó là sứ điệp mà những người đi trước chúng ta đã cố gắng mang đến cho các dân tộc Á châu và đã được ký thác cho chúng ta ở thế hệ này.

Lịch sử truyền giáo ở Á Châu trải dài từ thời các Tông Đồ, qua các Nhà Đại truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê và Matteo Ricci, đến thời đại chúng ta. Nó vẫn còn là một lịch sử đầy dẫy những nỗ lực và chứng nhân anh hùng mà ngày nay chúng ta phải đối diện với một Á Châu được xem là ngoài Kitô Giáo.

Cũng vậy, chúng ta phải tự hỏi tại sao trải suốt 20 thế kỷ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, sứ điệp đó dường như đã không ăn sâu vào tâm trí và văn hoá của anh em Á Châu chúng ta. Ngoại trừ trường hợp Phi-luật-tân, chẳng có một quốc gia nào khác gọi là một nước Kitô Giáo/Công Giáo trong phần đất của chúng ta trên thế giới này .

Ảnh hưởng của các Tông Đồ

Khi suy nghĩ về phản ứng của các môn đệ đầu tiên với lời mời gọi của Chúa Giêsu sau phép lạ mẻ cá, tôi nhận thấy rằng đây là một sự thu hút của tình yêu Chúa Giêsu đã khuyến khích các môn đệ bỏ lại đàng sau cuộc sống của họ và đi theo Người. Trong suốt 3 năm theo Chúa Giêsu, các môn đệ vừa chịu khổ vừa chia vui với Người. Sự vững mạnh trong đức tin của các ngài được nghiệm thấy sau biến cố Ngũ Tuần, nhưng chính tình yêu của Chúa Giêsu đã nâng đỡ các ngài trong những thử thách mà các ngài phải đối diện đã liên kết các ngài lại sau khi trốn bỏ Người và đã kết hợp các ngài với Người mãi mãi.

Thời gian mà các môn đệ sống với Chúa Giêsu là giai đoạn các ngài được chứng kiến tình yêu của Người dành cho họ và cho nhiều người mà Người gắn bó. Lòng trắc ẩn dành cho người mù, người què, người bị phong hủi và tội nhân là sự biểu lộ tình yêu của Người và sự nhạy cảm với nỗi đau của họ. Đối với bà goá thành Naim đang khóc người con trai độc nhất đã chết, Người nói, “Này bà, đừng khóc nữa.” Trước khi làm cho kẻ chết được sống lại, Người an ủi người sống. Tất cả tương giao của Người với con người là cơ hội chữa lành bên trong cũng như bên ngoài. Hơn những người khác, các Tông đồ đã cảm nghiệm sự bày tỏ sâu xa tình yêu của Người và, mặc dầu đã có lần họ đã chối bỏ Người, họ đã quay trở lại với Người vì tình yêu đó.

Sứ điệp của Chúa Giêsu mà các Tông đồ đã nghe thì không phức tạp nhưng rất rõ ràng và đơn giản. Sứ điệp này có thể được tóm gọn trong mấy chữ: “Thiên Chúa yêu thương bạn.” Lời của Người đầy xác tín, ánh sáng, sự sống và giải thoát. “Ta đến để cho chúng con được sống, và sống dồi dào.” “Ta là Đường, Sự Thật và sự Sống.” Trọng tâm của lời Người giảng dạy là chính tình yêu ấp ủ tất cả những ai chạy đến với Người, hoán cải cuộc sống và mang lại ý nghĩa cho mầu nhiệm đau khổ.

Tình yêu Thiên Chúa cho con người được mạc khải trong Kinh Thánh, và đặc biệt nhất trong Tin Mừng thánh Gioan chương 13 tới 17. Ở đây người môn đệ được Chúa Giêsu ưu ái nhất đã khéo léo tiết lộ tình yêu sâu thẳm của Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Đối với chúng ta, những lời này của thánh Gioan là di chúc và bằng chứng sau hết của Chúa Giêsu trước khi Người chịu chết, nhưng đối với các Tông Đồ và những người đã gặp Đức Giêsu khi Người còn trên dương thế, kinh nghiệm tình yêu này là một biến cố thằm sâu và xúc động đã trở thành nền tảng cho niềm tin của họ. Điều này được chứng minh nơi hành động của các ngài, sau khi các ngài lãnh nhận ơn Thánh Thần, khi các ngài can đảm ra đi để loan báo sự phục sinh của Đức Giêsu-chịu-đóng-đinh. Sứ điệp của các ngài được tập trung vào ơn cứu độ nhờ tình yêu của Đức Giêsu.

Tình yêu

Khi chúng ta chuẩn bị cho Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đã chọn năm 1997 là năm dành để chiêm ngắm Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đề tài tổng quát được nhiều Hồng Y và Giám Mục đề nghị cho năm này là: “Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ thế gian, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8). Trong đề tài đó, tình yêu của Thiên Chúa, được mạc khải qua Đức Giêsu và đem đến cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, được nhấn mạnh cách rõ ràng. Đức Giêsu Đấng Cứu Độ - quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong suốt năm này, tất cả chúng ta hãy nỗ lực cách đặc biệt để rao giảng sứ điệp: Đức Giêsu Kitô này là Chúa thật của chúng ta và là Đấng Cứu Độ của toàn thế giới. Chúng ta phải hướng dẫn những người đã lạc đường (hoặc những người đang ngồi trong bóng tối tăm) tới niềm tin: Chỉ mình Đức Giêsu là con đường thật của cuộc sống. Chúng ta phải làm cho người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi, ruồng rẫy biết rằng Đức Kitô là sức mạnh , nguồn an ủi và bình an của tâm hồn họ, và là ơn cứu độ chung cuộc họ tìm kiếm. Chúng ta phải là chứng nhân của thực tại: Đức Kitô là Đấng thực sự đang sống trong tâm hồn chúng ta.

Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể mang Đức Kitô này cho Á Châu hôm nay? Làm sao chúng ta có thể làm chứng được chỉ mình Người là Đường, Sự Thật và Sự Sống mà mọi người đang tìm kiếm? Đó là câu hỏi thách đố chúng ta, nhưng may mắn thay chúng ta biết được câu trả lời! Đó là làm cho mọi người nhận biết rằng Đức Giêsu là tình yêu Thiên Chúa nhập thể.

Tôi xác tín trong lòng rằng chỉ một sự nhận biết tình yêu của Đức Giêsu có thể dẫn người ta tin vào Người. Chỉ kinh nghiệm về tình yêu này có thể lôi kéo những người đang sống trong một thế giới vật chất đến với Đức Giêsu.

Điều này càng thêm sáng tỏ cho tôi dịp tháng 10 vừa qua khi tôi bằng lòng với cú điện thoại xã giao của một ca sĩ nhạc pop người Mỹ, Michael Jackson. Cuộc gặp gỡ được thông báo trước và có rất nhiều cú điện thoại gọi tới văn phòng người thư ký của tôi để phản đối cuộc gặp gỡ của tôi với một nhân vật như vậy. Mặt khác, tôi chắc chắn rằng cũng có nhiều người ghen tị với tôi vì tôi có cơ hội gặp Michael Jackson! Họ là những thiếu niên trong nước tôi! Khi anh này trình diễn, hàng ngàn và hàng ngàn người trẻ nô nức tụ tập để xem và nghe anh ta. Tôi không hiểu được người này có cái gì mà thu hút được nhiều giới trẻ đến thế. Vì thế, khi tôi gặp anh, tôi hỏi thẳng về việc đó. Anh trả lời bằng một giọng chân tình và thật thà, “Tôi yêu họ. Tôi có nguồn cảm hứng từ trên cao…. từ trên trời…. tôi yêu họ”. Từ buổi gặp gỡ đó, tôi suy đi nghĩ lại rất nhiều về câu trả lời đó…. “Tôi yêu họ”. Tôi không thể quyết rằng sự lôi cuốn của anh phát xuất từ tình yêu là đúng hay không, nhưng tôi nhận thấy rằng sự giải thích của anh rất giàu ý nghĩa.

Hai ngàn năm trước đây, Chúa Giêsu cũng đã tuyên bố một câu tương tự. “Thầy ban cho các con một điều răn mới: hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu thương nhau như vậy. Nếu các con yêu thương nhau, người ta sẽ nhận biết rằng các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,34-35).

Thánh Phao-lô, Tông Đồ dân ngoại, ý thức rất rõ về lệnh truyền yêu thương này và sự bắt buộc làm cho lệnh truyền này được người khác nhận biết. Trong thơ gửi tín hữu Rôma (15,20), ngài viết: “Tham vọng của tôi là loan báo Tin Mừng trong những nơi mà Đức Kitô chưa được nghe đến”. Cốt lõi sứ điệp của ngài là trình thuật về sự sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ nhân loại, nhưng trong lời giảng dạy của ngài, điểm nhấn mạnh nhất là tình yêu đã thúc đẩy Chúa Giêsu gánh lấy tội loài người và hoà giải với Chúa Cha. Thánh Phao-lô rập khuôn sứ mệnh của ngài theo Đức Kitô và “Caritas Christi urget nos” (Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi) là sự xác tín bởi đó thánh Tông Đồ đã sống và đã chết.

Thánh Phao-lô đã kinh nghiệm tình yêu Chúa Giêsu trên đường Damas và vì thế ngài đã có thể nói về tình yêu đó cách tin tưởng. Đó là lý do tại sao ngài dường như đã thành công trong việc rao giảng Tin Mừng cho lương dân và thiết lập các cộng đoàn Kitô hữu. Kinh nghiệm và mẫu mực của ngài thách đố chúng ta. “Chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu thế nào, khi nào và ở đâu, và đối lại, chúng ta yêu mến Chúa Giêsu như thế nào, khi nào và ở đâu?” Chúng ta chỉ có thể tìm ra câu trả lời trong tâm hồn và nơi hành động của chúng ta.

Các đây nhiều năm, Mahatma Gandhi, người đứng đầu phong trào khởi xướng độc lập của Ấn Độ, đã nhận xét, “Tôi thích Đức Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô bởi vì họ không giống Đức Kitô”. Rõ ràng Gandhi đã có ấn tượng bởi lối sống của Đức Kitô và bởi tình yêu của Đức Kitô

Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Đức Giêsu không thể giải thích cách thuyết phục bằng ngôn ngữ loài người nhưng chỉ diễn tả được bằng việc làm. Jurgen Moltmann, thần học gia phái phúc âm Đức, đã viết những lời sau đây về Chúa Giêsu, và tôi cảm thấy rằng những lời này rất hợp với sứ mạng của chúng ta. “Đức Kitô—Đấng yêu thương chúng ta bằng một tình yêu say mê, Đức Kitô bị bắt bớ và cô đơn, Đức Kitô đau khổ vì sự thinh lặng của Thiên Chúa, Đức Kitô bị bỏ rơi hoàn toàn trong cái chết cho chúng ta và vì chúng ta— là người anh, người bạn mà bất cứ ai đó có thể ký thác mọi sự, bởi vì Người biết mọi sự và gánh chịu bất cứ điều gì có thể xảy ra cho chúng ta, và còn hơn thế nữa.” (J. Moltmann, "The Theology of the Cross" His God and Hers, 1991).

Suy tư của Moltmann trước hết được thánh Phao-lô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Rôma (8, 38), “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sứ mệnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”.

Thách đố

Với những lời ở trên, chúng ta trả lời được cho câu hỏi: “Tin Mừng”, “Loan báo tin vui” mà chúng ta muốn loan báo cho người khác đích thực là gì . Điều này đòi chúng ta phải suy tư và hoán cải. Thế nhưng, trên hết mọi sự, nó đòi chúng ta phải xác tín giá trị tuyệt đối và sự cần thiết của điều chúng ta công bố. Trong ngôn ngữ Latin có câu, “Nemo dat quod non habet", nghĩa là “không ai có thể cho cái mình không có” ! Tôi dùng những lời này trong tình cảnh về sự xác tín chân thành của chúng ta liên quan đến việc truyền giáo cho Á Châu của chúng ta, và tâm trạng của chúng ta chỉ có thể phát xuất từ kinh nghiệm cá nhân với Đức Kitô. Như Thánh Gioan đã nói, “Hỡi những người con bé nhỏ của Ta, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chóp lưỡi; nhưng phài yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).

Một đàng giáo lý luôn luôn là khí cụ chính yếu cho hoạt động truyền giáo của chúng ta, nhờ đó chúng ta cố gắng để dạy dỗ người khác về mầu nhiệm cứu độ, thực chất, người ta sẽ được đánh động sâu xa hơn bởi việc làm hơn là lời nói, vì thế tôi xác quyết rằng cần phải có sự lượng định về phương pháp truyền giáo của chúng ta. Có thể chúng ta đã dùng tài hùng biện để rao giảng, nhưng kết quả rất là nghèo nàn. Thánh Phao-lô đã cảnh báo cho chúng ta về phương pháp này. “Giả như tôi nói được nhiều thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà khôn có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoàng xoàng” (1Cr 13,1). Có lẽ từ trước tới nay, tiếng thanh la và chũm choẹ của chúng ta đã được nghe nhưng tình yêu của chúng ta không rõ ràng nơi người khác.

Tôi nhớ lại câu chuyện rất hấp dẫn về Mẹ Têrêsa Calcutta và các nữ tu của Mẹ. Một người đàn ông Ấn Giáo, sau một hồi đi tìm Nhà cho người sắp chết, gặp thấy Mẹ Têrêsa nơi hành lang khi ông đang đi ra. Ông nói với Mẹ, “Thưa Mẹ Têrêsa! Khi tôi vào ngôi nhà này, tôi là một người vô thần. Nhưng bây giờ khi trở ra tôi là một người tin vào Thiên Chúa. Lý do là tôi đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của một nữ tu đang nắm tay một người sắp chết và giúp ông ta chuẩn bị đón nhận cái chết.” Việc làm thực sự mạnh hơn lời nói!

Phương cách đáp ứng với thách đố

Tuy nhiên, công việc đòi sự chú tâm của Giáo Hội và tất cả chúng ta rất phức tạp. Hoán cải là ơn ban của Thiên Chúa, là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Thánh Thần khai mở lòng trí con người để có thể tin vào Đức Kitô. Như Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha là Đấng đã sai Ta không lôi kéo họ” (Ga 6,44). Chúng ta là dụng cụ Thiên Chúa dùng để lôi kéo mọi người.

Chúng ta được mời gọi trước tiên để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, trong sự hoán cải của chúng ta. Sau đó chúng ta được mời gọi để trở thành khí cụ cho Chúa Giêsu, hiện thân sống động của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. Qua hành động và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta mời gọi người khác thấy và cảm nghiệm ơn huệ tình yêu diệu kỳ này.

Trong chương 5 của Tông Thư, “Sứ Mạng Đấng Cứu Độ”, Đức Thánh Cha dạy rằng hình thức loan báo Tin Mừng trước nhất phải là chứng nhân, tiếp theo đó là loan báo Đức Kitô Đấng Cứu Độ, và kết quả là sự hoán cải và Phép Thanh tẩy là con đường đưa vào cộng đoàn, gọi là Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Đức Chúa. Truyền giáo ‘Ad Gentes’ có đối tượng thành lập những cộng đoàn Kitô hữu và phát triển các Giáo Hội tới mức trưởng thành. Những cộng đoàn này, tiếp đến, phải tái tạo chính mình bằng việc trở nên chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa và những người rao giảng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, do đó, dẫn đến sự hoán cải và dấn thân nhiều hơn cho niềm tin.

Chúng ta được lôi kéo đến với Chúa do những người sống niềm tin của họ. Là những nhà truyền giáo, chúng ta phải yêu mến đức tin mà chúng ta biết và kinh nghiệm như những thành viên cộng tác của cộng đoàn đức tin. Chúng ta phải đồng hành với anh chị em của chúng ta như những người lắng nghe, an ủi, chữa lành, tha thứ, nhảy bén đến nhu cầu của họ, gieo niềm hy vọng đồng thời khai sáng lối đi.

Vì chúng ta hoạt động trong môi trường Á Châu cơ bản là ngoài Kitô giáo, động lực truyền giáo của chúng ta phải hướng đến việc thành lập những cộng đoàn tín hữu nhỏ hơn, được nói đến như là cộng đồng giáo hội cơ bản hay cộng đồng Kitô hữu cơ bản. Những cộng đồng này là dấu chỉ sức sống trong Giáo Hội, là khí cụ hình thành và rao giảng, là khởi điểm vững vàng cho một xã hội mới được xây dựng trên ‘nền văn minh tình thương’.

Tôi có kinh nghiệm rất tích cực về hình thức loan báo Tin Mừng này. Trong những cuộc thăm viếng mục vụ các giáo xứ nơi tổng giáo phận của tôi, tôi đã nhận ra được một sự khác biệt rất lớn giữa các giáo xứ tích cực theo hướng thiết lập các cộng đồng Kitô hữu cơ bản và những giáo xứ chú trọng mục vụ ở những nơi đâu khác. Từ năm 1992, bắt đầu chuẩn bị cho năm thánh 2000, chủ đề cốt lõi của giáo phận chúng tôi là “Loan báo Tin Mừng năm 2000” tập trung vào sự phát triển các cộng đồng giáo hội nhỏ trong cơ cấu tổ chức giáo xứ. Trong khi một lượng định cho thấy cách rõ ràng ý thức chung về sự canh tân, sinh động, trách nhiệm và gắn bó giữa những người Công Giáo nơi các cộng đồng nhỏ cũng như lớn, thì cũng có một kết quả rất đặc biệt được nhận thấy trong đời sống của những người dự tòng.

Từ lúc khởi đầu giai đoạn dự tòng, họ đã được tham dự những cuộc họp thường xuyên của các tín hữu sống chung quanh, đã được tiếp nhận như những thành viên trong gia đình Đức Kitô, đã được nuôi dưỡng trong hành trình thiêng liêng của họ, và một kết qủa rõ ràng nhất, họ đã kiên trì qua việc lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy tới sự tiếp tục sống đời sống đức tin.

Mẫu cộng đoàn này xem ra là câu trả lời cho vấn đề của chúng ta ở Á Châu. Tại nhiều nơi, mục đích của chúng ta là “Tiền loan báo Tin Mừng”, diễn tả cách đơn giản là bằng chính sự hiện diện của chúng ta là những tín đồ Đức Kitô giữa con người. Vai trò của chúng ta không thể tức khắc phục vụ tại bàn thờ, nơi toà giảng hay trong các lớp giáo lý Kitô giáo, nhưng là sự hiện diện trong muôn ngàn tình huống, giữa cộng động nơi đó chúng ta trực tiếp và gián tiếp chia sẻ mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu Đức Giêsu với những người được tác động bởi ơn huệ Thánh Thần.

Một phương pháp đáp ứng quan trọng nhất cho những nhà truyền giáo ngày nay là sống với người khác và nỗ lực gặp gỡ họ trên bình diện đức tin đang tỏ rạng của họ, khám phá ra họ đã cảm nghiệm được Thiên Chúa như thế nào khi chúng ta chia sẻ với họ về cảm nghiệm gặp Chúa của chúng ta. Đối thoại đức tin này có thể giúp chúng ta nhận định được nhu cầu của họ khi chúng ta cố gắng để trở nên ánh sáng dẫn họ đến cảm nghiệm sâu xa hơn về Thiên Chúa nơi làm việc, tại gia, hàng xóm, cộng đồng, xã hội, và văn hoá. Vai trò của chúng ta mời gọi chúng ta hướng dẫn người khác tới sự đánh giá cao hơn về chính họ, đưa họ đến ý thức mạnh hơn về gia đình và kinh nghiệm phong phú hơn về cộng đoàn quan tâm, đơn giản bằng việc sống với họ và yêu thương họ. Mới đây tôi có nghe một câu nói rất đơn sơ diễn tả vai trò của chúng ta là những nhà truyền giáo, là khí cụ của Chúa.

A priest (missionary) is neither an anchor

to hold us back

nor a sail to take us there

but always a guiding light

Whose love shows us the way!

Xin tạm dịch:

Một linh mục (nhà truyền giáo) không phải là chiếc neo giữ ta lại

Cũng phông phải là cánh buồm đưa ta đi đây đó

Nhưng luôn luôn là ánh sáng soi dẫn lối (ngọn hải đăng)

Tình yêu của ngài dẫn đường ta đi!


Kết luận

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng những khó khăn phải đương đầu dường như không thể tránh được. Trong một số quốc gia, các nhà truyển giáo bị từ chối không cho vào. Ở những nơi khác, không những truyền đạo bị cấm mà ngay cả cải đạo nữa. Có nơi, việc rao giảng Tin Mừng dường như không thích hợp và tòng giáo được xem như là sự chối bỏ dân tộc và văn hoá của mình. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này mà chúng ta chịu thách đố để trở thành chứng tá – chứng tá cho Lời Chúa bằng chứng tá tình yêu Thiên Chúa.

Tôi thành thực ước mong rằng những gì tôi đã chia sẻ với anh chị em có thể đem lại một chút ánh sáng vào bóng tối và trở thành nguồn khích lệ và sức mạnh khi anh chị em chuẩn bị trở về cánh đồng truyền giáo của anh chị em. Công việc đối diện với chúng ta rất bao la nhưng chúng ta được xác tín và củng cố bởi tình yêu của Đấng sai chúng ta và đã hứa: “Thầy ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Sr. Têrêsa Trần Kim MTG Dalat, chuyển ngữ
http://www.simonhoadalat.com/

Sunday, November 12, 2006

2020: Việt Nam sẽ có 600 trường ĐH, CĐ?


Năm 2020, dự kiến có 600 trường ĐH và CĐ (trong đó 225 trường ĐH và 375 trường CĐ), tăng 288 trường so với hiện nay. Sẽ hình thành và phát triển một số trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tập trung của cả nước và mỗi vùng.

Cuộc hội thảo xung quanh "Đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020" đã diễn ra sôi nổi trong suốt cả ngày 10/11. Đa số các đại biểu đều nhận định, dự thảo đề án thực hiện khá công phu.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều đóng góp trước khi đi đến một bản hoàn chỉnh.

450 SV/1 vạn dân: khó khả thi?

Mạng lưới các trường ĐH, CĐ sẽ tập trung vào các trung tâm lớn của cả nước, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và quy hoạch theo 8 vùng địa lý: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long. Mỗi vùng sẽ có hạt nhân đặt trường ĐH vùng và các vệ tinh.

Theo thống kê năm học 2005-2006, cả nước có xấp xỉ 1.387.100 SV, vào khoảng 13.3% tổng số dân trong độ tuổi học ĐH (từ 18-24 tuổi) và chiếm tỷ lệ 166,5 SV/1 vạn dân.

Đây là mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của thế giới và một số nước trong khu vực.

Đề án xác định, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, "cùng với việc nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả đào tạo", sẽ phấn đấu tỷ lệ 200 SV/1 vạn dân (năm 2010), 300 SV/1 vạn dân (năm 2015) và 450 SV/1 vạn dân (năm 2020).

Tương quan với mức phát triển dân số dự báo, thì con số này có nghĩa: Tổng quy mô đào tạo ĐH-CĐ phải đạt ít nhất khoảng 1,8 triệu SV (năm 2010), 2,5 triệu SV (năm 2015) và 4,5 triệu SV (năm 2020).

Ông Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư băn khoăn: "Năm 2020, với quy mô SV tăng gấp 3,5 lần, muốn duy trì khả năng đào tạo tối thiểu như hiện tại, thì ít nhất tất cả các điều kiện phải tăng gấp 3,5 lần về số lượng". Các điều kiện đó là các yếu tố liên quan như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...

"Đó mới là để đảm bảo chất lượng giáo dục như hiện nay (rất thấp), chưa tính đến chuyện nâng cao chất lượng như mục tiêu đặt ra năm 2020".

Đến 2020, Việt Nam phải có 600 trường ĐH, CĐ, trong khi con số này hịên tại là 300.

Với kinh nghiệm làm thanh tra giáo dục, một đại biểu dẫn chứng nhiều trường hợp các ĐH, CĐ dân lập được thành lập kiểu "tay không bắt giặc": cơ sở vật chất đi thuê không ổn định, đội ngũ giảng viên cơ hữu ít... "Trường mới thành lập đủ tất cả điều kiện để đảm bảo chất lượng, thì sợ đến năm 2020 chỉ được 50 trường, chưa tính đến mục tiêu đặt ra là các trường phải đạt chất lượng tốt. Con số 300 trường ĐH- CĐ đựơc thành lập mới trong 14 năm tới theo đánh giá của nhiều đại biểu là “khó khả thi”.

Sẽ có cơ chế mở về Tài chính!

Tại hội thảo, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến đề xuất: Tất cả các đầu mối quản lý nhà nước trong giáo dục - đào tạo thu về một đầu mối là Bộ GD-ĐT.

Hiện tại, có 311 ĐH, CĐ đang trực thuộc quyền quản lý của: 2 ĐHQG (9 trường), Bộ GD-ĐT (92), Các Bộ, ngành Công nghiệp và Kinh tế (46), Các Bộ, ngành Văn hoá - Xã hội (37), Các Bộ, ngành khác (27), Các địa phương (100).

Vấn đề nóng không kém, được nhiều đại biểu nhất trí là "để củng cố hoạt động cho trường công lập là học phí phải tăng lên". Định hướng này giúp các trường giảm áp lực tăng SV (thường là hệ tại chức) để bù chi.

Đầu tư giáo dục được xác định từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội và nguồn đầu tư nước ngoài.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là: "Không phải khung học phí có nhiệm vụ phải để người nghèo chịu nổi, mà phải gắn với chi phí thực tế". Một hướng được đề ra là xem xét tới hình thức đảm bảo cho SV vay tín dụng, và tăng mức học bổng.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đồng tình với ý kiến, nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục hiện nay, "kể cả tăng gấp đôi cũng không đáp ứng được nhu cầu".

Ông cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng cơ chế cho các trường vay ưu đãi. Hiện, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế này.

"Một hướng khác" được đại biểu này gợi ý là, các trường ĐH trong các thành phố lớn, chật chội, có thể đề nghị chuyển đổi quyền sử dụng đất và cơ sở vật chất để lấy vốn đi ra xây dựng tại các vùng ngoại vi. Theo đánh giá, nhiều trường ĐH "có thể không thích đi xa trung tâm", nhưng đây là hướng rất tích cực để tận dụng phát triển.

Về cơ sở vật chất, đáng chú ý là chủ trương "sẽ tạo cơ chế để các trường có điều kiện chủ động khai thác nguồn lực tài chính", giao quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ trong lập và quản lý tiền lương

2020: Phải có trường ĐH tiên tiến trong khu vực

Đề án xác định phân tầng rõ ràng mạng lưới các trường ĐH: Các trường ĐH đẳng cấp quốc tế; ĐH trọng điểm quốc gia; ĐH và CĐ đào tạo diện rộng; ĐH và CĐ cộng đồng. Quan điểm này được hầu hết các đại biểu ủng hộ.

Ngoài mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH nói chung, phải có những trường vươn lên để là đầu tầu, cũng như "ngoài sản xuất hàng đại trà, đã đến lúc phải xác định cụ thể về kế hoạch hàng hiệu, hàng đẳng cấp, nhất là trong bối cảnh ta đã ra nhập WTO" - một đại biểu so sánh.

"Một sự thật là chưa có một trường ĐH nào của Việt Nam được đánh giá ở trình độ khu vực và trên thế giới. Yếu tố đơn giản nhất để xác nhận điều này là các bằng cấp của ta có được chấp nhận khi SV đi xin học, hay xin việc ở môi trường quốc tế hay chưa? Chưa! Điều này là một thiệt thòi cho SV ta" - ông Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội khẳng định.

Cuộc hội thảo cũng nhấn mạnh ở việc: Phải phân rõ trình độ nơi đào tạo: Đẳng cấp cao và đại trà. Giữa trường ĐH đẳng cấp với toàn bộ hệ thống giáo dục. Vừa tiến hành song song việc đẩy mạnh toàn bộ hệ thống giáo dục vừa "đi tắt, đón đầu" bằng những thế mạnh.

ĐH đẳng cấp phải có đội ngũ giáo viên chất lượng. Ông Trần Quốc Toản cho biết, theo tiêu chí về chất lượng giáo dục thì hệ thống ĐH, CĐ hiện tại thiếu 22.000 giảng viên. Ông khẳng định: Chính phủ đã nêu rõ phải "hình thành một chương trình quốc gia về đào tạo đội ngũ giảng viên".

Khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sẽ xây dựng chính sách huy động các nhà khoa học đủ điều kiện đang làm việc trong các Viện Nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, ĐH, CĐ; thực hiện đào tạo tại chỗ theo hình thức cử tuyển để đáp ứng nguồn nhân lực cho các địa phương, đặc biệt là ở các vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

...Hiện tại, ban soạn thảo đề án đang tiếp tục hoàn chỉnh để trình Chính phủ trong tháng 11.

Sẽ có các trung tâm ĐH tập trung

Nhiều ý kiến tại hội thảo khẳng định, sẽ hạn chế tình trạng "tỉnh nào cũng phấn đấu có ĐH". Theo đó, sẽ hình thành các cụm tỉnh chia theo vùng địa lý, trong đó, các địa phương sẽ đấu thầu các phương án xây dựng trường ĐH vùng.

Có ý kiến cho rằng, đã là ĐH vùng thì xác định đối tượng tuyển sinh cũng nằm trong phạm vi vùng (chứ không tuyển sinh toàn quốc) để tập trung cho mục tiêu đào tạo nhân lực cho vùng kinh tế.

Hiện tại, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM không thể có diện tích để xây thêm ĐH, CĐ nào nữa. Với kế hoạch phát triển mạng lưới ĐH, CĐ thì vị trí tập trung sẽ là các vùng trọng điểm, có điều kiện kinh tế phát triển. Các vùng điều kiện khó khăn sẽ có quy hoạch khác.

Theo đó, sẽ có những khu ĐH được nhà nước đảm bảo chính sách về đất đai. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng "Hình thành trung tâm ĐH không hề đơn giản chỉ là mà còn liên quan đến các vấn đề chính trị, xã hội, nhất là với một lượng SV rất lớn tập trung". Hơn nữa, đầu tư cho khu ĐH không giống đầu tư cho khu Công nghiệp, vì chi phí rất lớn. Hướng thu hút các trường ĐH liên doanh hay 100% vốn nước ngoài cũng là kế hoạch.

Cà phê và tách

Một nhóm bạn học nay thành đạt rủ nhau về thăm thầy cũ. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu kể lể, than phiền về những sức ép trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy vào bếp lấy cà phê mời học trò cũ của mình.

Ông đem ra rất nhiều những chiếc tách khác loại: chiếc bằng sứ, chiếc bằng nhựa, chiếc thủy tinh, chiếc thì bằng pha lê, một vài chiếc trông rất đơn sơ, vài chiếc đắt tiền, vài chiếc khác lại được chế tác cực kỳ tinh xảo. Người thầy bảo những “người thành đạt” tự chọn tách và rót cà phê cho mình.

Sau khi mỗi người đều đã có một tách cà phê, người thầy đáng kính mới bắt đầu từ tốn:

- Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này: ai cũng chọn những chiếc tách đắt tiền, chẳng ai thèm màng đến những chiếc tách nhựa giá rẻ cả. Có lẽ các em sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn cơn của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em.

Các em à, những chiếc tách kia đâu có làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê. Tất cả những gì các em cần là cà phê chứ không phải là tách. Thế mà thường thì các em chỉ chăm chăm lo kiếm những chiếc tách tốt nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem tách của họ có đẹp hơn tách của mình không.

Hãy suy ngẫm điều này nhé: cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Và những “chiếc tách” này không hề xác định hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi do cứ mãi để ý vào những “chiếc tách hư danh” mà chúng ta bỏ lỡ việc hưởng thụ cuộc sống.

Món quà mà Thượng đế ban tặng cho con người là cà phê chứ không phải tách. Vậy thì cứ thoải mái nhâm nhi cà phê của mình và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

PHÁT PHAN (từ Internet)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=172033&ChannelID=194

Những điều cần biết về niềm tin


Một câu ngạn ngữ có nói: “Trên đời có ba thứ mất đi không bao giờ lấy lại được: mũi tên bắn đi, thời gian qua đi và niềm tin đã mất”.

Điều này cho thấy niềm tin có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống của một người.

Sau đây là một số điều cần biết về niềm tin để biết cách lưu giữ cũng như tránh đánh mất nó.

1. Tin tưởng là một hoạt động có tính hai chiều; bạn sẽ có được nó nếu bạn cho thấy mức độ đáng tin ở bạn như thế nào. Ví dụ: nếu muốn ba mẹ tin tưởng, bạn cần biết gây dựng niềm tin ở họ với mọi hoạt động thường ngày của mình; nếu bạn muốn xây dựng một mối quan hệ đáng tin, bạn cần tin tưởng người khác bên cạnh việc tạo cho họ độ an tâm về những gì bạn nói hoặc làm.

2. Thường thì cha mẹ sẽ tin con cái tuyệt đối cho đến khi con cái làm điều gì khiến họ mất lòng tin ở chúng. Cũng vậy, thường người dân luôn tin tưởng các lãnh đạo của mình (vì không tin thì chẳng ai bầu, tuy vẫn có những vị trí không thật sự thông qua bầu bán chính thức) nhưng nếu có nhiều “sạn” trong hành xử thì chắc chắn niềm tin ấy chẳng còn.

3. Đôi khi người ta sẽ không tin bạn chỉ vì những lời nói hay hành động tráo trở, vô trách nhiệm của những người thân cận với bạn. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi bạn giữ vị trí cao trong một công ty hay chính quyền nhưng lại có những hạng nhân viên hay quan chức thuộc cấp vô lối như thế. Để có thể gây dựng niềm tin trong trường hợp này sẽ rất khó, bởi trước mắt bạn cần có những biện pháp loại trừ cứng rắn với những “phường sâu bọ” ấy, sau nữa mới đến việc thể hiện bản thân mình là người đáng tin đến độ nào.

4. Niềm tin cũng thỉnh thoảng bị lung lay nhưng vẫn lấy lại được. Nếu bạn từng được tin tưởng nhưng đã có hành động khiến mất lòng tin ấy, việc lấy lại là có thể. Nhưng trong trường hợp này bạn cần nhớ là không được phép yêu sách gì về thời gian gầy dựng lại, cách thức gầy dựng như thế nào, hay mong đợi cũng phải được tin tưởng tuyệt đối như trước - Những thứ ấy lúc này hoàn toàn nằm trong sự phán xét của những người bị bạn phản bội niềm tin. Bạn chỉ có một lựa chọn là cố gắng hết sức mình mà thôi.

5. Để “niềm tin hết khuyết lại tròn”, cả hai phía bị phản bội niềm tin và phản bội niềm tin cần thật sự muốn điều này. Bạn chẳng bao giờ có thể ép một ai phải tin mình cả dù bằng vũ lực hay bằng những tuyên truyền hoặc hứa hẹn nhiều “kịch tính”.

6. Một khi bạn phản bội lại niềm tin của người khác, bạn đừng hằn học khi họ có những hành động hay lời nói không còn tin tưởng bạn nữa - đó chỉ là bản năng tự vệ để sinh tồn của mỗi cá nhân hoặc mỗi giống loài trong tự nhiên mà thôi.

7. Niềm tin là nhân tố cần thiết để cấu thành tất cả những quan hệ, giao tiếp được xem là thành công, có thể kể ra những quan hệ thường thấy: quan hệ học tập, quan hệ làm ăn, quan hệ tình cảm yêu đương, quan hệ bạn bè, quan hệ chính quyền và nhân dân.

8. Niềm tin cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tình dục lứa đôi. Nếu bạn không có niềm tin vào người bạn đời hoặc người bạn đời không thấy bạn là người đáng tin cậy thì những giờ phút lẽ ra thần tiên sẽ chỉ còn là địa ngục không hơn không kém.

9. Niềm tin là món quà vô giá - bạn cho đi và nhận lại tương tự nhau. Nó không bao giờ là món hàng để trao đổi, mặc cả hay ban phát vô cớ.

BÙI NGUYỄN QUÝ ANH (tổng hợp)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=171664&ChannelID=194