Sunday, November 12, 2006

2020: Việt Nam sẽ có 600 trường ĐH, CĐ?


Năm 2020, dự kiến có 600 trường ĐH và CĐ (trong đó 225 trường ĐH và 375 trường CĐ), tăng 288 trường so với hiện nay. Sẽ hình thành và phát triển một số trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tập trung của cả nước và mỗi vùng.

Cuộc hội thảo xung quanh "Đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020" đã diễn ra sôi nổi trong suốt cả ngày 10/11. Đa số các đại biểu đều nhận định, dự thảo đề án thực hiện khá công phu.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều đóng góp trước khi đi đến một bản hoàn chỉnh.

450 SV/1 vạn dân: khó khả thi?

Mạng lưới các trường ĐH, CĐ sẽ tập trung vào các trung tâm lớn của cả nước, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và quy hoạch theo 8 vùng địa lý: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long. Mỗi vùng sẽ có hạt nhân đặt trường ĐH vùng và các vệ tinh.

Theo thống kê năm học 2005-2006, cả nước có xấp xỉ 1.387.100 SV, vào khoảng 13.3% tổng số dân trong độ tuổi học ĐH (từ 18-24 tuổi) và chiếm tỷ lệ 166,5 SV/1 vạn dân.

Đây là mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của thế giới và một số nước trong khu vực.

Đề án xác định, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, "cùng với việc nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả đào tạo", sẽ phấn đấu tỷ lệ 200 SV/1 vạn dân (năm 2010), 300 SV/1 vạn dân (năm 2015) và 450 SV/1 vạn dân (năm 2020).

Tương quan với mức phát triển dân số dự báo, thì con số này có nghĩa: Tổng quy mô đào tạo ĐH-CĐ phải đạt ít nhất khoảng 1,8 triệu SV (năm 2010), 2,5 triệu SV (năm 2015) và 4,5 triệu SV (năm 2020).

Ông Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư băn khoăn: "Năm 2020, với quy mô SV tăng gấp 3,5 lần, muốn duy trì khả năng đào tạo tối thiểu như hiện tại, thì ít nhất tất cả các điều kiện phải tăng gấp 3,5 lần về số lượng". Các điều kiện đó là các yếu tố liên quan như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...

"Đó mới là để đảm bảo chất lượng giáo dục như hiện nay (rất thấp), chưa tính đến chuyện nâng cao chất lượng như mục tiêu đặt ra năm 2020".

Đến 2020, Việt Nam phải có 600 trường ĐH, CĐ, trong khi con số này hịên tại là 300.

Với kinh nghiệm làm thanh tra giáo dục, một đại biểu dẫn chứng nhiều trường hợp các ĐH, CĐ dân lập được thành lập kiểu "tay không bắt giặc": cơ sở vật chất đi thuê không ổn định, đội ngũ giảng viên cơ hữu ít... "Trường mới thành lập đủ tất cả điều kiện để đảm bảo chất lượng, thì sợ đến năm 2020 chỉ được 50 trường, chưa tính đến mục tiêu đặt ra là các trường phải đạt chất lượng tốt. Con số 300 trường ĐH- CĐ đựơc thành lập mới trong 14 năm tới theo đánh giá của nhiều đại biểu là “khó khả thi”.

Sẽ có cơ chế mở về Tài chính!

Tại hội thảo, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến đề xuất: Tất cả các đầu mối quản lý nhà nước trong giáo dục - đào tạo thu về một đầu mối là Bộ GD-ĐT.

Hiện tại, có 311 ĐH, CĐ đang trực thuộc quyền quản lý của: 2 ĐHQG (9 trường), Bộ GD-ĐT (92), Các Bộ, ngành Công nghiệp và Kinh tế (46), Các Bộ, ngành Văn hoá - Xã hội (37), Các Bộ, ngành khác (27), Các địa phương (100).

Vấn đề nóng không kém, được nhiều đại biểu nhất trí là "để củng cố hoạt động cho trường công lập là học phí phải tăng lên". Định hướng này giúp các trường giảm áp lực tăng SV (thường là hệ tại chức) để bù chi.

Đầu tư giáo dục được xác định từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội và nguồn đầu tư nước ngoài.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là: "Không phải khung học phí có nhiệm vụ phải để người nghèo chịu nổi, mà phải gắn với chi phí thực tế". Một hướng được đề ra là xem xét tới hình thức đảm bảo cho SV vay tín dụng, và tăng mức học bổng.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đồng tình với ý kiến, nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục hiện nay, "kể cả tăng gấp đôi cũng không đáp ứng được nhu cầu".

Ông cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng cơ chế cho các trường vay ưu đãi. Hiện, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế này.

"Một hướng khác" được đại biểu này gợi ý là, các trường ĐH trong các thành phố lớn, chật chội, có thể đề nghị chuyển đổi quyền sử dụng đất và cơ sở vật chất để lấy vốn đi ra xây dựng tại các vùng ngoại vi. Theo đánh giá, nhiều trường ĐH "có thể không thích đi xa trung tâm", nhưng đây là hướng rất tích cực để tận dụng phát triển.

Về cơ sở vật chất, đáng chú ý là chủ trương "sẽ tạo cơ chế để các trường có điều kiện chủ động khai thác nguồn lực tài chính", giao quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ trong lập và quản lý tiền lương

2020: Phải có trường ĐH tiên tiến trong khu vực

Đề án xác định phân tầng rõ ràng mạng lưới các trường ĐH: Các trường ĐH đẳng cấp quốc tế; ĐH trọng điểm quốc gia; ĐH và CĐ đào tạo diện rộng; ĐH và CĐ cộng đồng. Quan điểm này được hầu hết các đại biểu ủng hộ.

Ngoài mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH nói chung, phải có những trường vươn lên để là đầu tầu, cũng như "ngoài sản xuất hàng đại trà, đã đến lúc phải xác định cụ thể về kế hoạch hàng hiệu, hàng đẳng cấp, nhất là trong bối cảnh ta đã ra nhập WTO" - một đại biểu so sánh.

"Một sự thật là chưa có một trường ĐH nào của Việt Nam được đánh giá ở trình độ khu vực và trên thế giới. Yếu tố đơn giản nhất để xác nhận điều này là các bằng cấp của ta có được chấp nhận khi SV đi xin học, hay xin việc ở môi trường quốc tế hay chưa? Chưa! Điều này là một thiệt thòi cho SV ta" - ông Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội khẳng định.

Cuộc hội thảo cũng nhấn mạnh ở việc: Phải phân rõ trình độ nơi đào tạo: Đẳng cấp cao và đại trà. Giữa trường ĐH đẳng cấp với toàn bộ hệ thống giáo dục. Vừa tiến hành song song việc đẩy mạnh toàn bộ hệ thống giáo dục vừa "đi tắt, đón đầu" bằng những thế mạnh.

ĐH đẳng cấp phải có đội ngũ giáo viên chất lượng. Ông Trần Quốc Toản cho biết, theo tiêu chí về chất lượng giáo dục thì hệ thống ĐH, CĐ hiện tại thiếu 22.000 giảng viên. Ông khẳng định: Chính phủ đã nêu rõ phải "hình thành một chương trình quốc gia về đào tạo đội ngũ giảng viên".

Khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sẽ xây dựng chính sách huy động các nhà khoa học đủ điều kiện đang làm việc trong các Viện Nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, ĐH, CĐ; thực hiện đào tạo tại chỗ theo hình thức cử tuyển để đáp ứng nguồn nhân lực cho các địa phương, đặc biệt là ở các vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

...Hiện tại, ban soạn thảo đề án đang tiếp tục hoàn chỉnh để trình Chính phủ trong tháng 11.

Sẽ có các trung tâm ĐH tập trung

Nhiều ý kiến tại hội thảo khẳng định, sẽ hạn chế tình trạng "tỉnh nào cũng phấn đấu có ĐH". Theo đó, sẽ hình thành các cụm tỉnh chia theo vùng địa lý, trong đó, các địa phương sẽ đấu thầu các phương án xây dựng trường ĐH vùng.

Có ý kiến cho rằng, đã là ĐH vùng thì xác định đối tượng tuyển sinh cũng nằm trong phạm vi vùng (chứ không tuyển sinh toàn quốc) để tập trung cho mục tiêu đào tạo nhân lực cho vùng kinh tế.

Hiện tại, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM không thể có diện tích để xây thêm ĐH, CĐ nào nữa. Với kế hoạch phát triển mạng lưới ĐH, CĐ thì vị trí tập trung sẽ là các vùng trọng điểm, có điều kiện kinh tế phát triển. Các vùng điều kiện khó khăn sẽ có quy hoạch khác.

Theo đó, sẽ có những khu ĐH được nhà nước đảm bảo chính sách về đất đai. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng "Hình thành trung tâm ĐH không hề đơn giản chỉ là mà còn liên quan đến các vấn đề chính trị, xã hội, nhất là với một lượng SV rất lớn tập trung". Hơn nữa, đầu tư cho khu ĐH không giống đầu tư cho khu Công nghiệp, vì chi phí rất lớn. Hướng thu hút các trường ĐH liên doanh hay 100% vốn nước ngoài cũng là kế hoạch.

No comments: