Stephen Cardinal Kim Sou Hwan
Diễn văn đặc biệt tại Trung tâm Mục Vụ Đông Á ngày 31 tháng Bảy, năm 1997
Nhập đề
Tôi ước mong được nói lên tâm tình tri ân của tôi với Cha José Mario Francisco, với ban điều hành và tất cả mọi người tham dự chương trình “Nền tảng Canh Tân Mục Vụ” và “Huấn luyện thừa tác viên Lời Chúa” đã tiếp đón tôi cách thân tình và đã cho tôi cơ hội này để chia sẻ với anh chị em về một trong những thách đố lớn nhất mà Giáo Hội đang đương đầu trong thế giới ngày nay, được gọi là Truyền Giáo tại Á Châu của chúng ta.
Chúng ta đang ở đây trong nước Cộng Hoà Phi-luật-tân và được xem như cái nôi của Kitô Giáo và công cuộc loan báo Tin Mừng của Á Châu. Chúng ta có mặt ở đây như là những sinh viên của Trung tâm Mục Vụ Đông Á mà qua nhiều thập niên đã cung cấp những chương trình huấn luyện mục vụ và tông đồ chuyên môn. Tôi biết rằng hầu hết chúng ta đến từ các nước Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Đại Dương, vì thế tôi hy vọng rằng những gì tôi nói đây sẽ thích hợp với anh chị em khi anh chị em chuẩn bị trở về tiếp tục sứ mệnh mà Đức Kitô đã trao cho chúng ta qua Giáo Hội.
Khi chúng ta nói từ “Á Châu”, chúng ta muốn nói đến tới vùng đất mênh mông bao la đó, với hàng ngàn bán đảo, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là vùng đất rộng mênh mông được hợp thành bởi nhiều quốc gia và bao bọc mấy tỉ con người. Mỗi quốc gia có lịch sử riêng của mình và rất phong phú về các truyền thống văn hoá và tôn giáo. Trong “Declaration On The Relation Of The Church To Non-Christian Religions", (Tuyên ngôn về tương quan của Giáo Hội với những tôn giáo ngoài Kitô Giáo, (Nostra Aetate), Công Đồng Vaticanô đã giải nghĩa rằng ‘con người hướng đến các tôn giáo khác nhau của mình để tìm câu trả lời cho những bí ẩn chưa được giải đáp về sự hiện hữu của nhân loại. Những vấn đề đang đè nặng thâm tâm con người ngày nay cũng giống như ngày xưa. Con người là gì? Cái gì là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống? Cái gì là thái độ ngay chính, và cái gì là tội lỗi? Đau khổ bởi đâu mà ra, và nó có mục đích gì? Làm thế nào để tìm được hạnh phúc đích thực? Cái gì xảy ra sau khi chết? Phán xét là gì? Phần thưởng sau khi chết là gì? Và sau cùng, cái gì là mầu nhiệm chung cuộc, vượt quá sự giải thích của con người, đã bao trùm toàn hữu của chúng ta, là nguồn gốc và là cứu cánh chúng ta hướng đến?
Từ buổi sơ khai, con người đã đặt ra câu hỏi đó và những tôn giáo lớn của thế giới đã nỗ lực để đưa ra những giải đáp thoả đáng. Sự phong phú vô hạn của thần thoại và những suy tư triết học, cùng với sự thực hành khổ chế, chiêm niệm và sự trông cậy vào Thiên Chúa trong tin tưởng và tình yêu đã là sự nâng đỡ của anh chị em Ấn Giáo của chúng ta. Phật Giáo, dưới nhiều hình thức, chứng minh sự sa sút những điều thâm thuý của thế giới đang thay đổi này và đưa ra một lối sống nhờ đó con người, với lòng tin tường và phó thác, có thể đạt được sự siêu thoát hoàn toàn và huệ giác hoặc bằng cố gắng của mình hoặc nhờ sự trợ lực của Thượng Đế. Hồi Giáo tôn thờ Thiên Chúa, Đấng độc nhất, hằng sống và tồn tại, nhân từ và quyền năng, Đấng tạo dựng đất trời, cũng là Đấng đã nói với con người.
Giáo Hội Công Giáo không phủ nhận những gì là chân thực và thánh thiêng trong ba tôn giáo này, thế nhưng Giáo Hội loan báo, và là bổn phận buộc phải loan báo mà không trật đường, Chân lý và sự sống cho mọi dân tộc noi theo; đây là sứ điệp quan trọng của Tin Mừng cho người Á Châu và cho tất cả mọi dân tộc.
Những suy tư này được trích từ ‘Nostra Aetate’ đã giải thích rất rõ ràng đường hướng và trọng tâm truyền giáo mà chúng ta, đặc biệt người Á Châu, phải có khi chúng ta đáp lại lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại” (Mc 16,15).
Lời giảng dạy của chúng ta
Trước khi bàn đến cách thức và phương tiện thi hành sứ mệnh rao giảng của Đức Kitô cho mọi dân tộc, chúng ta phải tự vấn điều gì chúng ta mong ước mang đến cho anh em, chị em chúng ta là những người đã thực sự dấn thân cho tôn giáo truyền thống của họ. Tin Mừng là gì? Công bố tin vui của chúng ta là gì? Chúng ta thực sự muốn chia sẻ với họ điều gì? Cái gì họ thực sự cần và chưa bao giờ được nghe nói đến? Dĩ nhiên câu trả lời duy nhất cho những câu hỏi đó là niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ thế gian.
Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ bao gồm những điểm cơ bản của đức tin chúng ta. Thiên Chúa Cha tạo thành thế giới và muôn vật trong đó. Thiên Chúa Con được Cha sai và sinh làm người bởi Trinh Nữ Maria. Người chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết vì sự cứu rỗi cho nhân loại. Chúa Con Phục Sinh sai Thánh Thần đến với chúng ta, Người chia sẻ với chúng ta ơn cứu độ, gọi là sự thứ tha tội lỗi và lời hứa ban sự sống muôn đời. Nhờ các Tông Đồ và những người kế vị các Ngài trong đức tin, Thánh Thần đem mọi người thành một thân thể là Hội Thánh trong Đức Kitô.
Tóm lại đó là sứ điệp mà những người đi trước chúng ta đã cố gắng mang đến cho các dân tộc Á châu và đã được ký thác cho chúng ta ở thế hệ này.
Lịch sử truyền giáo ở Á Châu trải dài từ thời các Tông Đồ, qua các Nhà Đại truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê và Matteo Ricci, đến thời đại chúng ta. Nó vẫn còn là một lịch sử đầy dẫy những nỗ lực và chứng nhân anh hùng mà ngày nay chúng ta phải đối diện với một Á Châu được xem là ngoài Kitô Giáo.
Cũng vậy, chúng ta phải tự hỏi tại sao trải suốt 20 thế kỷ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, sứ điệp đó dường như đã không ăn sâu vào tâm trí và văn hoá của anh em Á Châu chúng ta. Ngoại trừ trường hợp Phi-luật-tân, chẳng có một quốc gia nào khác gọi là một nước Kitô Giáo/Công Giáo trong phần đất của chúng ta trên thế giới này .
Ảnh hưởng của các Tông Đồ
Khi suy nghĩ về phản ứng của các môn đệ đầu tiên với lời mời gọi của Chúa Giêsu sau phép lạ mẻ cá, tôi nhận thấy rằng đây là một sự thu hút của tình yêu Chúa Giêsu đã khuyến khích các môn đệ bỏ lại đàng sau cuộc sống của họ và đi theo Người. Trong suốt 3 năm theo Chúa Giêsu, các môn đệ vừa chịu khổ vừa chia vui với Người. Sự vững mạnh trong đức tin của các ngài được nghiệm thấy sau biến cố Ngũ Tuần, nhưng chính tình yêu của Chúa Giêsu đã nâng đỡ các ngài trong những thử thách mà các ngài phải đối diện đã liên kết các ngài lại sau khi trốn bỏ Người và đã kết hợp các ngài với Người mãi mãi.
Thời gian mà các môn đệ sống với Chúa Giêsu là giai đoạn các ngài được chứng kiến tình yêu của Người dành cho họ và cho nhiều người mà Người gắn bó. Lòng trắc ẩn dành cho người mù, người què, người bị phong hủi và tội nhân là sự biểu lộ tình yêu của Người và sự nhạy cảm với nỗi đau của họ. Đối với bà goá thành Naim đang khóc người con trai độc nhất đã chết, Người nói, “Này bà, đừng khóc nữa.” Trước khi làm cho kẻ chết được sống lại, Người an ủi người sống. Tất cả tương giao của Người với con người là cơ hội chữa lành bên trong cũng như bên ngoài. Hơn những người khác, các Tông đồ đã cảm nghiệm sự bày tỏ sâu xa tình yêu của Người và, mặc dầu đã có lần họ đã chối bỏ Người, họ đã quay trở lại với Người vì tình yêu đó.
Sứ điệp của Chúa Giêsu mà các Tông đồ đã nghe thì không phức tạp nhưng rất rõ ràng và đơn giản. Sứ điệp này có thể được tóm gọn trong mấy chữ: “Thiên Chúa yêu thương bạn.” Lời của Người đầy xác tín, ánh sáng, sự sống và giải thoát. “Ta đến để cho chúng con được sống, và sống dồi dào.” “Ta là Đường, Sự Thật và sự Sống.” Trọng tâm của lời Người giảng dạy là chính tình yêu ấp ủ tất cả những ai chạy đến với Người, hoán cải cuộc sống và mang lại ý nghĩa cho mầu nhiệm đau khổ.
Tình yêu Thiên Chúa cho con người được mạc khải trong Kinh Thánh, và đặc biệt nhất trong Tin Mừng thánh Gioan chương 13 tới 17. Ở đây người môn đệ được Chúa Giêsu ưu ái nhất đã khéo léo tiết lộ tình yêu sâu thẳm của Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Đối với chúng ta, những lời này của thánh Gioan là di chúc và bằng chứng sau hết của Chúa Giêsu trước khi Người chịu chết, nhưng đối với các Tông Đồ và những người đã gặp Đức Giêsu khi Người còn trên dương thế, kinh nghiệm tình yêu này là một biến cố thằm sâu và xúc động đã trở thành nền tảng cho niềm tin của họ. Điều này được chứng minh nơi hành động của các ngài, sau khi các ngài lãnh nhận ơn Thánh Thần, khi các ngài can đảm ra đi để loan báo sự phục sinh của Đức Giêsu-chịu-đóng-đinh. Sứ điệp của các ngài được tập trung vào ơn cứu độ nhờ tình yêu của Đức Giêsu.
Tình yêu
Khi chúng ta chuẩn bị cho Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đã chọn năm 1997 là năm dành để chiêm ngắm Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đề tài tổng quát được nhiều Hồng Y và Giám Mục đề nghị cho năm này là: “Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ thế gian, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8). Trong đề tài đó, tình yêu của Thiên Chúa, được mạc khải qua Đức Giêsu và đem đến cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, được nhấn mạnh cách rõ ràng. Đức Giêsu Đấng Cứu Độ - quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong suốt năm này, tất cả chúng ta hãy nỗ lực cách đặc biệt để rao giảng sứ điệp: Đức Giêsu Kitô này là Chúa thật của chúng ta và là Đấng Cứu Độ của toàn thế giới. Chúng ta phải hướng dẫn những người đã lạc đường (hoặc những người đang ngồi trong bóng tối tăm) tới niềm tin: Chỉ mình Đức Giêsu là con đường thật của cuộc sống. Chúng ta phải làm cho người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi, ruồng rẫy biết rằng Đức Kitô là sức mạnh , nguồn an ủi và bình an của tâm hồn họ, và là ơn cứu độ chung cuộc họ tìm kiếm. Chúng ta phải là chứng nhân của thực tại: Đức Kitô là Đấng thực sự đang sống trong tâm hồn chúng ta.
Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể mang Đức Kitô này cho Á Châu hôm nay? Làm sao chúng ta có thể làm chứng được chỉ mình Người là Đường, Sự Thật và Sự Sống mà mọi người đang tìm kiếm? Đó là câu hỏi thách đố chúng ta, nhưng may mắn thay chúng ta biết được câu trả lời! Đó là làm cho mọi người nhận biết rằng Đức Giêsu là tình yêu Thiên Chúa nhập thể.
Tôi xác tín trong lòng rằng chỉ một sự nhận biết tình yêu của Đức Giêsu có thể dẫn người ta tin vào Người. Chỉ kinh nghiệm về tình yêu này có thể lôi kéo những người đang sống trong một thế giới vật chất đến với Đức Giêsu.
Điều này càng thêm sáng tỏ cho tôi dịp tháng 10 vừa qua khi tôi bằng lòng với cú điện thoại xã giao của một ca sĩ nhạc pop người Mỹ, Michael Jackson. Cuộc gặp gỡ được thông báo trước và có rất nhiều cú điện thoại gọi tới văn phòng người thư ký của tôi để phản đối cuộc gặp gỡ của tôi với một nhân vật như vậy. Mặt khác, tôi chắc chắn rằng cũng có nhiều người ghen tị với tôi vì tôi có cơ hội gặp Michael Jackson! Họ là những thiếu niên trong nước tôi! Khi anh này trình diễn, hàng ngàn và hàng ngàn người trẻ nô nức tụ tập để xem và nghe anh ta. Tôi không hiểu được người này có cái gì mà thu hút được nhiều giới trẻ đến thế. Vì thế, khi tôi gặp anh, tôi hỏi thẳng về việc đó. Anh trả lời bằng một giọng chân tình và thật thà, “Tôi yêu họ. Tôi có nguồn cảm hứng từ trên cao…. từ trên trời…. tôi yêu họ”. Từ buổi gặp gỡ đó, tôi suy đi nghĩ lại rất nhiều về câu trả lời đó…. “Tôi yêu họ”. Tôi không thể quyết rằng sự lôi cuốn của anh phát xuất từ tình yêu là đúng hay không, nhưng tôi nhận thấy rằng sự giải thích của anh rất giàu ý nghĩa.
Hai ngàn năm trước đây, Chúa Giêsu cũng đã tuyên bố một câu tương tự. “Thầy ban cho các con một điều răn mới: hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu thương nhau như vậy. Nếu các con yêu thương nhau, người ta sẽ nhận biết rằng các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,34-35).
Thánh Phao-lô, Tông Đồ dân ngoại, ý thức rất rõ về lệnh truyền yêu thương này và sự bắt buộc làm cho lệnh truyền này được người khác nhận biết. Trong thơ gửi tín hữu Rôma (15,20), ngài viết: “Tham vọng của tôi là loan báo Tin Mừng trong những nơi mà Đức Kitô chưa được nghe đến”. Cốt lõi sứ điệp của ngài là trình thuật về sự sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ nhân loại, nhưng trong lời giảng dạy của ngài, điểm nhấn mạnh nhất là tình yêu đã thúc đẩy Chúa Giêsu gánh lấy tội loài người và hoà giải với Chúa Cha. Thánh Phao-lô rập khuôn sứ mệnh của ngài theo Đức Kitô và “Caritas Christi urget nos” (Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi) là sự xác tín bởi đó thánh Tông Đồ đã sống và đã chết.
Thánh Phao-lô đã kinh nghiệm tình yêu Chúa Giêsu trên đường Damas và vì thế ngài đã có thể nói về tình yêu đó cách tin tưởng. Đó là lý do tại sao ngài dường như đã thành công trong việc rao giảng Tin Mừng cho lương dân và thiết lập các cộng đoàn Kitô hữu. Kinh nghiệm và mẫu mực của ngài thách đố chúng ta. “Chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu thế nào, khi nào và ở đâu, và đối lại, chúng ta yêu mến Chúa Giêsu như thế nào, khi nào và ở đâu?” Chúng ta chỉ có thể tìm ra câu trả lời trong tâm hồn và nơi hành động của chúng ta.
Các đây nhiều năm, Mahatma Gandhi, người đứng đầu phong trào khởi xướng độc lập của Ấn Độ, đã nhận xét, “Tôi thích Đức Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô bởi vì họ không giống Đức Kitô”. Rõ ràng Gandhi đã có ấn tượng bởi lối sống của Đức Kitô và bởi tình yêu của Đức Kitô
Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Đức Giêsu không thể giải thích cách thuyết phục bằng ngôn ngữ loài người nhưng chỉ diễn tả được bằng việc làm. Jurgen Moltmann, thần học gia phái phúc âm Đức, đã viết những lời sau đây về Chúa Giêsu, và tôi cảm thấy rằng những lời này rất hợp với sứ mạng của chúng ta. “Đức Kitô—Đấng yêu thương chúng ta bằng một tình yêu say mê, Đức Kitô bị bắt bớ và cô đơn, Đức Kitô đau khổ vì sự thinh lặng của Thiên Chúa, Đức Kitô bị bỏ rơi hoàn toàn trong cái chết cho chúng ta và vì chúng ta— là người anh, người bạn mà bất cứ ai đó có thể ký thác mọi sự, bởi vì Người biết mọi sự và gánh chịu bất cứ điều gì có thể xảy ra cho chúng ta, và còn hơn thế nữa.” (J. Moltmann, "The Theology of the Cross" His God and Hers, 1991).
Suy tư của Moltmann trước hết được thánh Phao-lô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Rôma (8, 38), “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sứ mệnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”.
Thách đố
Với những lời ở trên, chúng ta trả lời được cho câu hỏi: “Tin Mừng”, “Loan báo tin vui” mà chúng ta muốn loan báo cho người khác đích thực là gì . Điều này đòi chúng ta phải suy tư và hoán cải. Thế nhưng, trên hết mọi sự, nó đòi chúng ta phải xác tín giá trị tuyệt đối và sự cần thiết của điều chúng ta công bố. Trong ngôn ngữ Latin có câu, “Nemo dat quod non habet", nghĩa là “không ai có thể cho cái mình không có” ! Tôi dùng những lời này trong tình cảnh về sự xác tín chân thành của chúng ta liên quan đến việc truyền giáo cho Á Châu của chúng ta, và tâm trạng của chúng ta chỉ có thể phát xuất từ kinh nghiệm cá nhân với Đức Kitô. Như Thánh Gioan đã nói, “Hỡi những người con bé nhỏ của Ta, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chóp lưỡi; nhưng phài yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
Một đàng giáo lý luôn luôn là khí cụ chính yếu cho hoạt động truyền giáo của chúng ta, nhờ đó chúng ta cố gắng để dạy dỗ người khác về mầu nhiệm cứu độ, thực chất, người ta sẽ được đánh động sâu xa hơn bởi việc làm hơn là lời nói, vì thế tôi xác quyết rằng cần phải có sự lượng định về phương pháp truyền giáo của chúng ta. Có thể chúng ta đã dùng tài hùng biện để rao giảng, nhưng kết quả rất là nghèo nàn. Thánh Phao-lô đã cảnh báo cho chúng ta về phương pháp này. “Giả như tôi nói được nhiều thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà khôn có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoàng xoàng” (1Cr 13,1). Có lẽ từ trước tới nay, tiếng thanh la và chũm choẹ của chúng ta đã được nghe nhưng tình yêu của chúng ta không rõ ràng nơi người khác.
Tôi nhớ lại câu chuyện rất hấp dẫn về Mẹ Têrêsa Calcutta và các nữ tu của Mẹ. Một người đàn ông Ấn Giáo, sau một hồi đi tìm Nhà cho người sắp chết, gặp thấy Mẹ Têrêsa nơi hành lang khi ông đang đi ra. Ông nói với Mẹ, “Thưa Mẹ Têrêsa! Khi tôi vào ngôi nhà này, tôi là một người vô thần. Nhưng bây giờ khi trở ra tôi là một người tin vào Thiên Chúa. Lý do là tôi đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của một nữ tu đang nắm tay một người sắp chết và giúp ông ta chuẩn bị đón nhận cái chết.” Việc làm thực sự mạnh hơn lời nói!
Phương cách đáp ứng với thách đố
Tuy nhiên, công việc đòi sự chú tâm của Giáo Hội và tất cả chúng ta rất phức tạp. Hoán cải là ơn ban của Thiên Chúa, là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Thánh Thần khai mở lòng trí con người để có thể tin vào Đức Kitô. Như Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha là Đấng đã sai Ta không lôi kéo họ” (Ga 6,44). Chúng ta là dụng cụ Thiên Chúa dùng để lôi kéo mọi người.
Chúng ta được mời gọi trước tiên để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, trong sự hoán cải của chúng ta. Sau đó chúng ta được mời gọi để trở thành khí cụ cho Chúa Giêsu, hiện thân sống động của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. Qua hành động và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta mời gọi người khác thấy và cảm nghiệm ơn huệ tình yêu diệu kỳ này.
Trong chương 5 của Tông Thư, “Sứ Mạng Đấng Cứu Độ”, Đức Thánh Cha dạy rằng hình thức loan báo Tin Mừng trước nhất phải là chứng nhân, tiếp theo đó là loan báo Đức Kitô Đấng Cứu Độ, và kết quả là sự hoán cải và Phép Thanh tẩy là con đường đưa vào cộng đoàn, gọi là Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Đức Chúa. Truyền giáo ‘Ad Gentes’ có đối tượng thành lập những cộng đoàn Kitô hữu và phát triển các Giáo Hội tới mức trưởng thành. Những cộng đoàn này, tiếp đến, phải tái tạo chính mình bằng việc trở nên chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa và những người rao giảng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, do đó, dẫn đến sự hoán cải và dấn thân nhiều hơn cho niềm tin.
Chúng ta được lôi kéo đến với Chúa do những người sống niềm tin của họ. Là những nhà truyền giáo, chúng ta phải yêu mến đức tin mà chúng ta biết và kinh nghiệm như những thành viên cộng tác của cộng đoàn đức tin. Chúng ta phải đồng hành với anh chị em của chúng ta như những người lắng nghe, an ủi, chữa lành, tha thứ, nhảy bén đến nhu cầu của họ, gieo niềm hy vọng đồng thời khai sáng lối đi.
Vì chúng ta hoạt động trong môi trường Á Châu cơ bản là ngoài Kitô giáo, động lực truyền giáo của chúng ta phải hướng đến việc thành lập những cộng đoàn tín hữu nhỏ hơn, được nói đến như là cộng đồng giáo hội cơ bản hay cộng đồng Kitô hữu cơ bản. Những cộng đồng này là dấu chỉ sức sống trong Giáo Hội, là khí cụ hình thành và rao giảng, là khởi điểm vững vàng cho một xã hội mới được xây dựng trên ‘nền văn minh tình thương’.
Tôi có kinh nghiệm rất tích cực về hình thức loan báo Tin Mừng này. Trong những cuộc thăm viếng mục vụ các giáo xứ nơi tổng giáo phận của tôi, tôi đã nhận ra được một sự khác biệt rất lớn giữa các giáo xứ tích cực theo hướng thiết lập các cộng đồng Kitô hữu cơ bản và những giáo xứ chú trọng mục vụ ở những nơi đâu khác. Từ năm 1992, bắt đầu chuẩn bị cho năm thánh 2000, chủ đề cốt lõi của giáo phận chúng tôi là “Loan báo Tin Mừng năm 2000” tập trung vào sự phát triển các cộng đồng giáo hội nhỏ trong cơ cấu tổ chức giáo xứ. Trong khi một lượng định cho thấy cách rõ ràng ý thức chung về sự canh tân, sinh động, trách nhiệm và gắn bó giữa những người Công Giáo nơi các cộng đồng nhỏ cũng như lớn, thì cũng có một kết quả rất đặc biệt được nhận thấy trong đời sống của những người dự tòng.
Từ lúc khởi đầu giai đoạn dự tòng, họ đã được tham dự những cuộc họp thường xuyên của các tín hữu sống chung quanh, đã được tiếp nhận như những thành viên trong gia đình Đức Kitô, đã được nuôi dưỡng trong hành trình thiêng liêng của họ, và một kết qủa rõ ràng nhất, họ đã kiên trì qua việc lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy tới sự tiếp tục sống đời sống đức tin.
Mẫu cộng đoàn này xem ra là câu trả lời cho vấn đề của chúng ta ở Á Châu. Tại nhiều nơi, mục đích của chúng ta là “Tiền loan báo Tin Mừng”, diễn tả cách đơn giản là bằng chính sự hiện diện của chúng ta là những tín đồ Đức Kitô giữa con người. Vai trò của chúng ta không thể tức khắc phục vụ tại bàn thờ, nơi toà giảng hay trong các lớp giáo lý Kitô giáo, nhưng là sự hiện diện trong muôn ngàn tình huống, giữa cộng động nơi đó chúng ta trực tiếp và gián tiếp chia sẻ mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu Đức Giêsu với những người được tác động bởi ơn huệ Thánh Thần.
Một phương pháp đáp ứng quan trọng nhất cho những nhà truyền giáo ngày nay là sống với người khác và nỗ lực gặp gỡ họ trên bình diện đức tin đang tỏ rạng của họ, khám phá ra họ đã cảm nghiệm được Thiên Chúa như thế nào khi chúng ta chia sẻ với họ về cảm nghiệm gặp Chúa của chúng ta. Đối thoại đức tin này có thể giúp chúng ta nhận định được nhu cầu của họ khi chúng ta cố gắng để trở nên ánh sáng dẫn họ đến cảm nghiệm sâu xa hơn về Thiên Chúa nơi làm việc, tại gia, hàng xóm, cộng đồng, xã hội, và văn hoá. Vai trò của chúng ta mời gọi chúng ta hướng dẫn người khác tới sự đánh giá cao hơn về chính họ, đưa họ đến ý thức mạnh hơn về gia đình và kinh nghiệm phong phú hơn về cộng đoàn quan tâm, đơn giản bằng việc sống với họ và yêu thương họ. Mới đây tôi có nghe một câu nói rất đơn sơ diễn tả vai trò của chúng ta là những nhà truyền giáo, là khí cụ của Chúa.
A priest (missionary) is neither an anchor
to hold us back
nor a sail to take us there
but always a guiding light
Whose love shows us the way!
Xin tạm dịch:
Một linh mục (nhà truyền giáo) không phải là chiếc neo giữ ta lại
Cũng phông phải là cánh buồm đưa ta đi đây đó
Nhưng luôn luôn là ánh sáng soi dẫn lối (ngọn hải đăng)
Tình yêu của ngài dẫn đường ta đi!
Kết luận
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng những khó khăn phải đương đầu dường như không thể tránh được. Trong một số quốc gia, các nhà truyển giáo bị từ chối không cho vào. Ở những nơi khác, không những truyền đạo bị cấm mà ngay cả cải đạo nữa. Có nơi, việc rao giảng Tin Mừng dường như không thích hợp và tòng giáo được xem như là sự chối bỏ dân tộc và văn hoá của mình. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này mà chúng ta chịu thách đố để trở thành chứng tá – chứng tá cho Lời Chúa bằng chứng tá tình yêu Thiên Chúa.
Tôi thành thực ước mong rằng những gì tôi đã chia sẻ với anh chị em có thể đem lại một chút ánh sáng vào bóng tối và trở thành nguồn khích lệ và sức mạnh khi anh chị em chuẩn bị trở về cánh đồng truyền giáo của anh chị em. Công việc đối diện với chúng ta rất bao la nhưng chúng ta được xác tín và củng cố bởi tình yêu của Đấng sai chúng ta và đã hứa: “Thầy ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Sr. Têrêsa Trần Kim MTG Dalat, chuyển ngữ
http://www.simonhoadalat.com/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment