Bao đời nay người Việt vẫn băn khoăn toan tính: Dân tộc ta sẽ đi lên như thế nào? Vị thế chúng ta sẽ ở đâu trong thế giới này?
Đó không chỉ là câu hỏi của Việt Nam. Đó là câu hỏi của tất cả các dân tộc trên thế giới. Ngày nay, tất cả đang chung một câu trả lời: Tri thức. Chỉ có điều câu trả lời đó, đối với mỗi dân tộc lại mang một sức nặng khác nhau, mang một độ cấp thiết khác nhau. Có người dùng tri thức để bảo vệ vị thế hàng đầu. Có người dùng tri thức để vươn lên tranh đoạt vị thế cao hơn. Và có người nhất thiết phải dùng tri thức để không tụt lại sau cùng. Ngay cả trong một quốc gia, đang có những nhóm vượt lên phía trước, và những nhóm tụt lại phía sau. Đâu là sự khác biệt? Câu trả lời: trình độ giáo dục. Thế giới không công bằng Không phải mọi dân tộc đều được tự nhiên ban tặng một cách công bằng. Có người ở xứ băng giá quanh năm. Có người ở vùng sa mạc khô cằn. Nhưng lịch sử đã chứng minh đó không phải là rào cản để ngăn cản một dân tộc vươn lên.
Giáo sư Philip Kotler của trường Kellogg nổi tiếng đã nhận xét “Những quốc gia càng được thiên nhiên ưu đãi thì càng có nguy cơ tụt hậu”. Lời lý giải đến từ chính những quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi: Phải dùng nỗ lực của con người để vượt qua những bất công của thiên nhiên. Không ai nhiều dầu lửa hơn các nước Trung Đông, nhưng chưa có quốc gia nào ở đó vượt lên để gia nhập nhóm “các nước phát triển” mà mãi vẫn dừng lại ở “các nước đang phát triển”. Không đâu đất đai rộng lớn hơn châu Phi. Nhưng hầu hết các quốc gia ở đó vẫn đang ở mức “kém phát triển”. Nhật Bản, Phần Lan, Ireland… là những nước nghèo tài nguyên nhất, nhưng đã vươn lên thành những quốc gia giàu có hàng đầu. Trong các sách giáo khoa chúng ta vẫn dạy trẻ em: nước ta rừng vàng biển bạc, tài nguyên dồi dào. Hàng bao thế hệ qua, sách giáo khoa Nhật nói điều ngược lại: nước Nhật nghèo tài nguyên lắm, thiên nhiên bạc đãi lắm. Con đường duy nhất là các em phải cố gắng lên. Trọng lượng của sản phẩm TS Lê Nết (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã có lần đặt câu hỏi: vào WTO chúng ta sẽ bán cho thế giới cái gì? Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê, đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều. Nhưng đó không phải là câu trả lời. Nhà báo Thomas Friedman của tờ báo New York Times đã đưa ra khái niệm dùng trọng lượng của sản phẩm để so sánh trình độ quốc gia. Hãy xem một ví dụ: để thu được 500 USD, người ta có thể làm gì?
Còn nhiều nữa, những sản phẩm giá trị nhất nhưng trọng lượng chỉ 0 kg, đó là những phát minh sáng chế hay giá trị thương hiệu… Hàm lượng tri thức càng cao, trọng lượng sản phẩm càng nhẹ. Đo lường xuất khẩu bằng tấn hàng đã trở nên vô nghĩa. Bao nhiêu tiền mới là vấn đề. Quan trọng hơn nữa, đó là bao nhiêu giá trị gia tăng và bao nhiêu lợi nhuận. Điều quyết định thắng thua ngày nay
Lịch sử thế giới đã chứng kiến những sức mạnh khác nhau để một quốc gia trở nên hùng mạnh. Sức mạnh của vó ngựa đã từng giúp Mông Cổ hay đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) bá chủ một thời. Tiếp đó, sức mạnh của cánh buồm rộng lớn đã giúp Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha thống trị thế giới. Rồi đến thời sức mạnh của những chiếc động cơ hơi nước đã giúp nước Anh chiếm lĩnh khắp nơi để họ có thể nói “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”. Tất cả đã lùi vào dĩ vãng. Ngày nay, tất cả những quốc gia trở nên hùng mạnh đều nhờ vào một yếu tố: trình độ giáo dục, và từ đó là trình độ công nghệ. Đó là kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Nhìn lại Việt Nam. Có lẽ chúng ta phải cám ơn thiên nhiên đã không ưu đãi cho nhiều đất đai hay tài nguyên. Bởi đó là điều để chúng ta không thể còn phân vân trước một nguồn lực đáng giá nhất: con người. Và phải là con người có tri thức. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát thời làm việc ở tỉnh An Giang giàu lúa gạo đã phát hiện: trước đây mong muốn cao nhất của nông dân là có đất. Ngày nay mong muốn cao nhất là con cái được học hành tử tế. Và một lần nữa phải tự cám ơn mình, khi nhìn vào dân số hiện nay: 56% dân số ở độ tuổi dưới 30, gần 80% dân số ở độ tuổi dưới 40. Đó là những độ tuổi khao khát học tập nhất, khả năng tiếp thu và thay đổi tốt nhất. Với Bộ trưởng Bộ Giáo dục, những con số này có thể gây mất ăn mất ngủ vì nhu cầu giáo dục quá lớn. Với các dân tộc khác, sức trẻ đó là rất đáng thèm muốn. Không có nguồn nhân lực, không thể vươn lên. Nhưng nguồn nhân lực đó thiếu trình độ, cũng không thể vươn lên. Đường băng đã sẵn sàng, cần tiếp thêm nhiên liệu Chưa có bao giờ cơ hội cất cánh của Việt Nam lại lớn như ngày nay. Với WTO, đường băng đã sẵn sàng. Bay nhanh bao nhiêu, cao bao nhiêu, tùy thuộc vào cánh bay nào và nhiên liệu nào. Cánh bay của chúng ta là nguồn nhân lực. Và nhiên liệu chính là tri thức. Thế hệ trẻ phải tiếp thu nhiên liệu, hệ thống giáo dục phải cung cấp được nhiên liệu. Cơ hội cất cánh hàng trăm năm mới đến một lần. Thế hệ này không được phép bỏ lỡ, để thế hệ mai sau khỏi mang niềm tiếc nuối.
|
Thursday, November 09, 2006
WTO - Giáo dục và sự thắng thua
Wednesday, November 08, 2006
Khuyến khích dạy thêm học thêm chính đáng!
Khuyến khích dạy thêm, học thêm chính đáng và chỉ nghiêm cấm những hiện tượng lệch lạc hoặc tiêu cực. Ý kiến này được thống nhất tại Hội thảo về Quản lý dạy thêm, học thêm do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 7/11. Dự kiến, ngày 20/11, dự thảo về vấn đề này sẽ được công khai để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân.
Dự thảo quy định về việc dạy - học thêm trong và ngoài nhà trường. Theo đó, việc dạy thêm học thêm trong nhà trường được tổ chức trong cơ sở giáo dục có dạy chương trình phổ thông, bao gồm: phụ đạo, bồi dưỡng học sinh; ôn tập thi tốt nghiệp; dạy thêm theo nguyện vọng của học sinh. Dạy thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm được tổ chức ngoài cơ sở giáo dục theo chương trình phổ thông, bao gồm: bồi dưỡng văn hoá, luyện thi ở các trung tâm, các lớp độc lập. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh và cũng có "cung" từ giáo viên. Cho nên, không thể cấm được hoạt động này, mà chỉ có thể quản lý bằng việc đưa ra những quy định chặt chẽ, để hạn chế những tiêu cực. Đại diện Vụ Giáo dục Thường xuyên cho rằng, việc tổ chức dạy - học thêm phải đảm bảo đồng thời 3 lợi ích: Có ích cho HS - có lợi cho giáo viên và cho xã hội (thêm nhiều người có kiến thức). Tiêu cực trong dạy - học thêm là sự ép buộc, gián tiếp hoặc trực tiếp từ phía người phía người dạy, hoặc cơ sở giáo dục, trong đó lợi ích của người dạy và đối kháng với lợi ích của người học và cộng đồng. Hiện tương lệch lạc trong dạy - học thêm là là sự ép buộc từ phía gia đình, khi phụ huynh mong muốn HS tiến bộ nhưng vượt quá nguyên tắc sư phạm gây quá tải. Cả hai hình thức này đang được xem xét để quy định rõ.
|