Monday, November 06, 2006

Những lời thầy cô không nên nói

“Đồ con mèo lười học!”, “Ngu như heo”, “Người 2 trong 1”... Đó là những “biệt danh” giáo viên gán ghép cho HS.

HS Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10 (một trong 12 trường thực hiện chương trình "Môi trường học thân thiện") trong giờ giải lao

1. “Giờ ra chơi sân trường ồn ào, náo nhiệt, HS như những con chim xổ lồng chạy nhảy khắp nơi. Tôi đi dạo một vòng... bỗng thấy một HS ngồi lủi thủi một mình trước lớp học nhìn theo bạn bè chơi đùa dưới sân bằng ánh mắt thèm khát...

Tôi lại gần: “Sao con không ra chơi với các bạn?”. Em trả lời: “Không bạn nào chịu chơi với con cả. Các bạn cứ thấy mặt con là lêu lêu: Chú mèo lười học!”. Thì ra trong lớp em HS này thường xuyên không thuộc bài, tiếp thu bài rất chậm, giáo viên mới nhắc xong nhưng bảo nhắc lại là lắp bắp, quên trước quên sau. Bực quá giáo viên đã mắng: "Đồ con mèo lười học!".

(Trích câu chuyện kể của hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM)

TP.HCM đang thực hiện thí điểm chương trình “Môi trường học thân thiện” từ năm 2001. Đến nay đã có 12 trường tiểu học thực hiện chương trình này.

Một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình là giáo viên phải tôn trọng HS, không được lăng mạ, hành hạ HS; tạo ra môi trường học tập thoải mái và vui tươi.

2. “Con trai tôi vốn tính trầm, ít nói. Mà nói thì cũng nhỏ nhẹ, từ tốn, mọi người bảo cháu “hiền như con gái”. Vào học lớp 6 được hơn một tháng thì nhà trường đổi thời khóa biểu.

Bữa đó, con tôi nhìn nhầm thời khóa biểu cũ và soạn bài, mang tập vở theo thời khóa biểu ấy. Đến giờ sinh vật cháu phải lấy tập tiếng Anh ra và lật ngược mặt sau để chép bài sinh vật. Chẳng may, cô giáo phát hiện và hê lên cho cả lớp hùa theo: “Người 2 trong 1”. Từ đó thay vì kêu tên như trong giấy khai sinh, bạn bè cả lớp đều kêu cháu bằng cái tên “2 trong 1” với hàm nghĩa đầy ác ý...

Lứa tuổi 12 có sự biến đổi rất nhiều và rất phức tạp về mặt tâm sinh lý. Thấy con mình cứ lầm lì, cáu kỉnh, tìm cách xa lánh mọi người, tôi tìm hiểu nguyên do. Và cuối cùng, chính tôi đã phải tự nguyện viết đơn xin chuyển trường cho con vì cháu quá sợ và đâm ra thành kiến với cô giáo dạy môn sinh vật...”.

(Theo lời kể của một phụ huynh là thạc sĩ giáo dục học - hiện cũng đang làm việc trong ngành giáo dục tại TP.HCM)

3. “Cháu tôi bị bệnh viêm mũi dị ứng. Khổ nỗi khi lên lớp 7, cô giáo dạy văn (đồng thời là giáo viên chủ nhiệm) lại xếp cháu ngồi gần một bạn bị hôi nách. Ở nhà không sao, nhưng cứ vào lớp cháu hắt hơi dồn dập rồi nước mũi chảy ròng ròng. Vốn nhút nhát nên cháu không dám thưa chuyện với cô, xin đổi chỗ, về nhà cũng không dám nói với bà nội. Nó lẳng lặng làm theo cách riêng của mình: lấy khăn bịt mũi lại.

Thấy thế, thay vì hỏi lý do thì cô giáo chủ nhiệm lại đùng đùng nổi giận mắng thằng bé là “đồ khinh người!”, không những không cho cháu giải thích mà còn ra lệnh cho cả lớp “không thèm chơi với đồ khinh người”. Còn khi trả bài, cứ mỗi lần ấp úng, quên ý là được tặng ngay câu “ngu như heo” kèm theo “cây gậy” vào sổ”.

(Câu chuyện của cụ Phạm Thị Trinh, 72 tuổi, ở TP.HCM)

* Xin được kết thúc bài viết bằng phần kết của câu chuyện thứ nhất (của vị hiệu trưởng trường tiểu học): “Lập tức tôi tìm gặp giáo viên chủ nhiệm lớp và yêu cầu rút kinh nghiệm, sửa sai ngay. Tôi đã nói với giáo viên: dù HS có tệ đến mức nào chăng nữa thì cũng không được phép hạ nhục nhân cách HS trước tập thể lớp như thế. Ở trong một môi trường cô giáo ghét bỏ, bạn bè coi thường, xa lánh thì làm sao HS thoải mái học tập được?

Trước khi làm nhà giáo hãy làm nhà tâm lý... Trước khi muốn HS ngoan ngoãn, nghe theo lời mình trước hết hãy tôn trọng các em như tôn trọng chính bản thân mình”.

(Theo Tuổi Trẻ)

No comments: