Friday, March 09, 2007

GẶP ĐỨC CHÚA GIÊSU QUA BÍ TÍCH GIẢI TỘI

Con cảm thấy thật bé-nhỏ và hèn-yếu khi nói về bí tích Giải Tội. Bởi lẽ, đây là bí tích quá đẹp, quá cao cả, đến nỗi danh từ cao đẹp nhất ẩn chứa trong tim con cũng không đủ để diễn tả ”chiều cao, chiều rộng và chiều sâu” của bí tích. Nhờ bí tích Giải Tội con người giao hòa với THIÊN CHÚA qua trung gian vị Linh Mục. Chính vị Linh Mục lắng nghe và xóa bỏ tội lỗi con người nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Trong thời gian dài con gọi bí tích Giải Tội là bí tích ”đền tội”. Và con sống bí tích như thế. Con cảm thấy đúng là mình phải ”đền bù” tội lỗi bằng cách hạ mình đến quỳ gối trước vị Linh Mục để xưng thú mọi tội lỗi. Con chỉ thấy có khía cạnh tiêu cực này khi phải liệt kê tất cả tội đã phạm.
Đó là thời gian của ”thử thách” và của ”sự thật”. ”Sự thật”, bởi vì, con phải thành thật xưng thú mọi lỗi lầm thì mới tìm lại niềm an bình nội tâm. Cứ sau mỗi lần xưng tội con cảm thấy mình chân-thật và trong-sáng hơn trước mặt THIÊN CHÚA.
Con sống tinh thần ”đền tội” mãi cho đến ngày con khám phá ra bí tích Giải Tội chính là bí tích Hòa Giải. Ngày ấy, con hiểu rõ ý nghĩa dụ ngôn người con hoang đàng. Trước đó con không hề thấy ”người con hoang đàng” chính là con và người cha nhân từ là hình ảnh THIÊN CHÚA CHA.. Sau đó, con hiểu THIÊN CHÚA là CHA đầy tình yêu đang trông ngóng và đợi con trở về. Ngài mở rộng tay chờ đón hầu con có thể lao vào ẩn trú trong tình yêu thương của Ngài.
Con cũng hiểu thế nào là ”con tim tan nát vì hối hận” bởi lẽ chính con sống kinh nghiệm này. Rồi con cũng hiểu với tâm tình thống hối, tội nhân ngã mình vào lòng của THIÊN CHÚA, qua vòng tay vị Linh Mục. Món quà đẹp nhất con người có thể dâng lên Đức Chúa GIÊSU chính là:
- Trao dâng trọn con tim cho dù nó có dính đầy bùn nhơ. Trao dâng với trọn lòng tin tưởng, khiêm tốn và thống hối.
Thành thật nhìn nhận rằng không mấy dễ khi phải xưng thú mình là kẻ khốn cùng, phải phơi bày mọi tội lỗi ra ánh sáng!
Điều tốt hơn cả là lý luận bằng con tim. Như thế chúng ta thấy rõ hơn. Chúng ta thấy với Ánh Sáng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Chúng ta nhìn nhận mình bé nhỏ, yếu đuối như đứa trẻ, tùy thuộc vào người mẹ. Hãy đến cùng Đức Chúa GIÊSU KITÔ với con tim khiêm tốn và nghèo nàn. Đức Chúa GIÊSU yêu thương trìu mến cách riêng các em bé và người giản dị đơn sơ. Từ đó, con người không cảm thấy xấu hổ và nhục nhã mỗi khi đến tòa xưng thú tội lỗi. Trái lại, đến tòa giải tội tín hữu Công Giáo kín múc ơn tha thứ và tình yêu.
Đối với con, nhờ bí tích Giải Tội con người làm hòa với Tình Yêu và với người khác. Bí tích Giải Tội là bí tích trao đổi. Đúng như thế. Con người đến ”trao” khốn khổ đời mình cho THIÊN CHÚA và ”đổi” lấy Con Tim đầy tràn Tình Yêu. Và tất cả đều hoàn toàn nhưng không, vô giá.
Cứ mỗi lần lãnh nhận bí tích Giải Tội - bí tích Hòa Giải - con có cảm tưởng mình chìm sâu trong Trái Tim Từ Bi của THIÊN CHÚA.
Chứng từ của cô Marie thanh nữ Pháp
....”Tôi quỳ gối trước mặt THIÊN CHÚA CHA là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin THIÊN CHÚA CHA thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh chị em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh chị em được vững vàng. Xin cho anh chị em, nhờ Đức Tin, được Đức Chúa KITÔ ngự trong tâm hồn; xin cho anh chị em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh chị em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết Tình Yêu của Đức Chúa KITÔ, là Tình Yêu vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh chị em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của THIÊN CHÚA. Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới. Xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Chúa KITÔ GIÊSU đến muôn thưở muôn đời. Amen.”
(Êphêsô 3,14-20).(Marie-Michel, ”Infinie sa Tendresse”, Le Sarment FAYARD, 1993, trang 79-82).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt (Vietcatholic News)

Hòa giải với mình

Mùa Chay là mùa Giáo Hội kêu gọi những người tín hữu sau khi xa rời ân sủng Thiên Đàng, hãy đứng lên quay về hòa giải với người Cha nhân từ đang đứng chờ đợi bên khung cửa sổ của căn nhà ngày xưa. Nhưng trước khi bàn đến khía cạnh hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, người viết muốn bàn đến một khía cạnh hòa giải khác, đó là hòa giải với chính mình. Khía cạnh hòa giải với mình này được trình bày trong hai câu chuyện nổi tiếng trong dòng lịch sử ơn cứu độ, một xuất phát từ bản Tin Mừng theo thánh Luca; một xuất hiện trong bản Tin Mừng theo thánh Gioan.
I. Hòa Giải
Thế nào là hòa giải với mình? Mà tại sao hòa giải với mình lại đi trước hòa giải với Thiên Chúa?
Đức Giêsu nói, “Yêu người như yêu chính mình”. Ông bà mình cũng nói, “Thương người như thể thương thân”. Thông thường chúng ta hiểu câu nói của Đức Giêsu và ông bà của mình một cách đơn giản là mình nên yêu mọi người như yêu thương chính mình. Nhưng cái rắc rối nằm ở chỗ nếu chúng ta không biết “thương thân”, “yêu chính mình”, làm sao chúng ta có thể biểu lộ hoặc thể hiện tình thương của mình tới những người khác? Thí dụ, nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ không uống rượu say sưa làm hại đến lá gan và bao tử của mình. Nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ không hút thuốc lá làm hại đến hai lá phổi và sức khỏe của mình. Nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ chăm sóc đến sức khỏe của mình nhiều hơn, bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn uống những thức ăn lành mạnh. Tương tự như vậy trước khi bàn về vấn đề hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta nên tự vấn chính mình,
— Tôi đã hòa giải được với tôi hay chưa?
Nếu không có khả năng tha thứ cho hoặc hòa giải được với mình, làm sao tôi có thể hòa giải được với ai khác?
II. Người Con Hoang Đoàng
Câu chuyện Người Con Hoang Đàng (Luca 15:11-32) là một câu chuyện nổi tiếng, gần như ai cũng biết. Nhưng không mấy người chú ý đến một chi tiết liên quan đến khái niệm hòa giải với chính mình được trình bày trong câu chuyện. Trước khi quyết định quay về lại căn nhà xưa, Cậu Út nói,
— Tôi sẽ quay về nhà cha tôi. Tôi sẽ nói với người, “Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha. Con không còn đáng được gọi là con cha nữa” (Luca 15:18-19).
Câu nói này Cậu Út không nói với ai hết nhưng với chính cậu ta. Sau đó Cậu Út mới lên đường trở lại căn nhà xưa. Khi gặp người cha, người con hoang đàng lập lại trước mặt thân phụ của mình nguyên văn câu nói mà cậu đã từng nói với chính mình trước đây,
— Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha. Con không còn đáng được gọi là con cha nữa” (Luca 15:21).
Câu nói mà Cậu Út nói với chính mình trước khi làm một đường vòng chữ U là một câu nói của hòa giải với chính mình. Vào giây phút đó, người con hoang đàng không hòa giải với bất cứ một người nào khác, nhưng với chính cậu ta. Bởi đã hòa giải được với mình, Cậu Út đứng dậy, quay về lại căn nhà xưa. Lần này cậu hòa giải với người cha của một thời mà cậu đã quay mặt từ chối, xoay lưng bỏ đi.
III. Người Phụ Nữ Samaria
Câu nói, “Tôi không có chồng” (Gioan 4:17) của người phụ nữ xứ Samaria cũng là một câu của hòa giải với mình.
Có một chi tiết mà thông thường chúng ta ít chú ý tới khi nghe lời đối thoại giữa Đức Giêsu và người đàn bà xứ Samaria. Câu nói “Cô hãy về nhà gọi chồng cô ra đây” (Gioan 4:16) là một câu nói hơi đường đột, và bất lịch sự.
Titanic là một bộ phim nổi tiếng dài ba tiếng lấy biết bao nhiêu giọt nước mắt của khán giả. Sau khi cứu nhân vật nữ Rose thoát khỏi cảnh hiểm nghèo, sáng hôm sau, Jack Dawson và Rose gặp gỡ nhau. Chuyện qua chuyện lại, bất ngờ Jack nhắc đến vị hôn phu của Rose. Anh chàng Jack hỏi,
— Cô có yêu vị hôn phu của cô hay không?
Ngỡ ngàng trước câu hỏi quá đường đột, thẳng như ruột ngựa đó, Rose khó chịu,
— Anh là một người bất lịch sự. Tôi không biết anh. Anh không biết tôi… Anh hỏi tôi một câu anh không nên hỏi. Anh đúng là một người bất lịch sự…
Hai người, Jack và Rose, chỉ mới một lần gặp nhau. Dù rằng chàng thanh niên Jack đã có cử chỉ hào hùng cứu lấy mỹ nhân Rose, nhưng thật sự ra, hai người vẫn chưa trở thành thân cho lắm để tâm sự hoặc chia sẻ riêng tư.
Chuyện vợ chồng trong nền văn hóa nào cũng là một câu chuyện riêng tư mà một người lịch sự không nên mở miệng hỏi, trừ khi người đối diện tự động nhắc đến. Gặp một người phụ nữ sơ giao trong một bữa tiệc, một người con trai lịch sự không bao giờ hỏi, “Cô đã có chồng chưa? Cô được mấy cháu rồi?” Câu này là một câu hỏi thiếu tế nhị, bởi nó có thể bị người đối diện hiểu lầm. Khi gặp một người đàn ông và một người đàn bà đang đứng nói chuyện với nhau nơi đồng không mông quạnh, rất khó cho chúng ta không có những tư tưởng xấu về họ. Chắc chắn chúng ta sẽ không nghĩ là hai người này đang tranh luận hoặc bàn thảo về chuyện tôn giáo, chính trị, hay là họ đang lần hạt Mân Côi chung với nhau. Thế mà giữa đồng không mông quạnh gần thành phố Sai-kar, Đức Giêsu gợi chuyện với người phụ nữ Samaria. Sau cùng Ngài hỏi người đàn bà lạ mặt một câu hỏi về đời sống riêng tư của bà, “Hãy về và gọi chồng cô ra đây”. Trước tình cảnh này, người phụ nữ xứ Samaria có ba chọn lựa.
Chọn lựa thứ nhất, cô ta sẽ nói, “Ông là một người bất lịch sự. Ông không biết tôi. Tôi không biết ông. Ông hỏi tôi một câu hơi thiếu tế nhị. Tôi từ chối trả lời câu hỏi này bởi ông là một người bất lịch sự”.
Chọn lựa thứ hai, người đàn bà im lặng không nói chi, bởi câu hỏi của Đức Giêsu hơi đường đột, quá bất ngờ.
Chọn lựa thứ ba, người đàn bà xứ Samaria trả lời câu hỏi của Ðức Giêsu.
Theo như thánh sử Gioan, cuối cùng cô ta chọn, cái chọn lựa thứ ba, bởi cô nói, “Tôi không có chồng”.
Trong lăng kiếng hòa giải, “Tôi không có chồng” là câu nói mà người phụ nữ đang nói với chính cô ta chứ không phải ai khác. Bị chất vấn, bị đặt vấn đề, người thiếu nữ cuối cùng chọn lựa thành thật với chính mình. Cô không chọn cái chọn lựa thứ nhất, bằng cách từ chối trả lời câu hỏi. Cô cũng không chọn cái chọn lựa thứ hai, bằng cách yên lặng không nói chi. Nhưng cô chọn cái chọn lựa thứ ba, chọn lựa của chấp nhận có một thời cô đã sống trong tội lỗi. Cô chấp nhận hòa giải với chính mình bằng cách thú nhận với cô rằng người đàn ông cô đang sống chung không phải là chồng của mình. Tư tưởng nẩy sinh trong tâm hồn, xoay tròn trong tâm trí, cuối cùng bật ra nơi cửa miệng. Và người phụ nữ xứ Samaria nói, “Tôi không có chồng”. Câu nói này, cô ta đang nói với chính mình. Đồng thời, đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của người khách lạ mặt bên bờ giếng, câu nói hòa giải với Thiên Chúa qua hình ảnh của Con Một của Người là Ðức Kitô.
IV. Tha thứ và Hòa giải
Có lần tôi gặp một người phụ nữ. Cô ta phá thai. Mười năm rồi, lương tâm cô ta bị cắn rứt với hình ảnh thai nhi đã một lần cô phá bỏ. Cô nói mặc dù đã lãnh nhận bí tích Hòa Giải nhiều lần, nhưng vẫn không cảm nhận được bình an trong tâm hồn. Lắng nghe câu chuyện, cuối cùng tôi hỏi,
— Vậy bao giờ chị sẽ tha thứ cho chị sau một lần lầm lỡ? Bao giờ chị sẽ hòa giải với chị cho một câu chuyện xảy ra đã hơn mười năm rồi? Mười năm vừa qua chị tự hành hạ mình chưa đủ hay sao?
Người con gái nhìn tôi. Cô ngỡ ngàng. Cô yên lặng. Và cô ta khóc! Nếu chưa hòa giải được với mình, tôi nghĩ rất khó cho chúng ta chấp nhận hòa giải với Thiên Chúa; bởi trong nhiều trường hợp, Chúa đã tha thứ cho chúng ta từ bao lâu rồi, nhưng chúng ta vẫn như chú kiến, bò tới bò lui trên miệng chén, loay hoay đi ra đi vô lên án chúng ta.
V. Hòa Giải Với Mình
Trong những buổi cấm phòng chia sẻ về chủ đề Hòa Giải, đặc biệt hòa giải với chính mình, nhiều người đặt câu hỏi, thắc mắc với tôi về những phương cách giúp chúng ta tha thứ và hòa giải với chính mình.
Khi một người xin lỗi chúng ta về một lời nói hay một hành động, động từ xin lỗi trong trường hợp này bao gồm hai ý nghĩa; thứ nhất, người xin lỗi biết mình sai lầm; thứ hai, người xin lỗi mong muốn được tha thứ. Nếu đồng ý tha thứ, chúng ta chấp nhận hòa giải. Tha thứ ở đây có nghĩa là không bao giờ chúng ta nhắc lại hành động lỗi lầm của người đó một lần nữa. Chúng ta không nhắc lại một lần nữa câu chuyện của quá khứ không phải bởi chúng ta đã quên đi chuyện cũ, nhưng bởi chúng ta đã chấp nhận hòa giải. Tiếng Anh có một câu nói khá chính xác diễn tả trường hợp này, forgive not forget, tha thứ nhưng không quên. Có thể câu chuyện đó vẫn nằm trong trí nhớ của chúng ta, nhưng bởi mình đã chấp nhận tha thứ hòa giải, chúng ta để cho câu chuyện đó chìm sâu vào trong quá khứ.
Thật sự ra có những biến cố trong đời, chúng ta không thể nào quên đi được, mặc dù chúng ta đã đồng ý tha thứ cho người lầm lỡ hoặc cho chính chúng ta. Dòng đời trôi qua nhưng biến cố này vẫn khắc sâu trong trí nhớ chúng ta. Nhớ lại những lỗi lầm hoặc biến cố này, chúng ta vẫn cảm thấy xót xa, mất bình an, thí dụ, phá thai. Ngược lại, cũng có những trường hợp chúng ta đã tha thứ, bỏ qua, và rồi chúng ta quên luôn câu chuyện này theo dòng thời gian. Tôi nhớ, hồi còn nhỏ tôi nổi giận, đánh cô em gái. Tôi đã xin lỗi. Về sau có một lần vui miệng tôi nhắc lại câu chuyện cũ với em tôi. Cô em nói nếu anh không kể lại, em cũng chẳng nhớ là đã có lần anh em bất hòa.
Để hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì? Một trong những phương cách để hòa giải với Thiên Chúa mà một người Kitô hữu thường làm là qua Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta gặp một vị linh mục, người đại diện cho Chúa. Chúng ta NÓI với Chúa về những lỗi lầm. Chúng ta xin Thiên Chúa thứ tha cho những lần chúng ta yếu đuối.
Một cách tương tự, để tha thứ, để hòa giải được với mình, tôi đề nghị chúng ta có thể làm những điều sau đây:
(1). VIẾT những lỗi lầm của chúng ta lên trang giấy, thí dụ, viết nhật ký. Trong trường hợp viết nhật ký, chúng ta phải cẩn thận, bởi biết đâu sẽ có người thứ hai đọc được những hàng nhật ký riêng tư của chúng ta. Nếu muốn, sau khi viết lên giấy trắng những tâm sự riêng tư của mình, chúng ta nên đốt đi.
(2). Chúng ta NÓI ra hoặc KỂ lại với một người thứ hai về những lỗi lầm của chúng ta, những câu chuyện cắn rứt lương tâm của mình. Người thứ hai đây phải là một người chúng ta hoàn toàn tin tưởng được. Người này có thể là người bạn, hoặc người thân trong gia đình, hoặc linh mục trong tòa giải tội, hoặc sơ linh hướng, hoặc ngay cả với Thiên Chúa. Nếu có điều kiện về tài chánh, bạn có thể nói với bác sĩ tâm lý, counselor.
Viết hoặc nói ra những biến cố quan trọng, những biến cố cắn rứt lương tâm là một trong những cách một người có thể làm trong khi họ đang tìm cách để tha thứ và hòa giải với chính mình. Đặc biệt, một trong những dấu hiệu biết là mình đã tha thứ, đã bỏ qua, đã hòa giải là trong khi nhớ lại câu chuyện cũ, mình không còn cảm thấy bồi hồi xót xa, hoặc là lương tâm cắn rứt với câu chuyện cũ nữa.
LM Nguyễn Trung Tây, SVD (http://www.nguyentrungtay.com/cnmoi.html)

TỘI LỖI VÀ THÁNH THIỆN

Bản chất của tội lỗi
“Tội lỗi không xấu vì nó bị cấm, nó bị cấm vì bản chất của nó là xấu” (Franklin). Qua câu chuyện Ađam-Evà, Kinh Thánh trình bày cho ta thấy tội là một sự đối kháng với Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa làm chủ tể vận mệnh đời mình, và lấy mình làm khuôn thước định đoạt về sự lành, sự dữ. Sự kiện bắt đầu với lời dụ dỗ của con rắn, làm cho con người nghi ngờ về Thiên Chúa, Đấng không tuyệt đối vô vị lợi và hoàn hảo như con người nghĩ. Giới luật được ban ra vì lợi ích của con người (Rm 7, 10) chẳng qua cũng chỉ là mưu kế của Thiên Chúa phát minh ra để bảo tồn các ưu phẩm của Ngài, và lời đe dọa cũng chỉ là trò gian dối (Stk 3, 4). Với tà ý này, con người đã coi Thiên Chúa như đối thủ của mình : một Thiên Chúa không còn vô cùng, nhưng như một hữu thể bần cùng, vụ lợi, luôn bận tâm chống lại thụ tạo của mình (Nietzsch).
Trước khi là một hành vi, tội đã làm hư hỏng tinh thần con người, để rồi sau đó làm gẫy đổ mối tương quan với Thiên Chúa, và làm đổ vỡ mọi tương quan khác trong đời sống nhân loại (Stk 4,8). Điều oái oăm là khi sống trong tình trạng nô lệ tội lỗi, con người cứ ngỡ mình chiếm được tự do và độc lập. Tiếc thay con người đã không nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng vô biên nên Ngài cũng là Đấng trao ban đến vô cùng, Đấng không hề từ chối điều gì với con người mà Ngài đã dựng nên “giống hình ảnh Ngài” (Stk 1, 26). Ngài không giữ lại cho mình điều gì, ngay cả sự sống cũng không (Kn 2,13; Ga 3,16).
Trớ trêu thay, Israel sống lại thảm kịch của Ađam còn bi thảm hơn. Từ một dân riêng ưu tuyển (Xh 19, 5) chứng kiến biết bao kỳ công Chúa đã làm cho mình, nhưng rồi họ vẫn thích “con bò vàng” : một vị thần vừa tay họ hơn là một Thiên Chúa “vô hình”, xa lạ; một vị thần mà họ có thể đòi hỏi theo ý họ hơn là họ phải theo ý Thiên Chúa. Cái cám dỗ muôn thuở của con người vẫn là muốn một Thiên Chúa đi theo con đường của mình hơn là mình phải đi theo con đường của Thiên Chúa.
Thế rồi Israel lại tiếp tục xây thêm “mồ mã dục vọng” của mình. Ngay cả trong hoang mạc mà họ cũng đòi phải được ăn uống theo sự lựa chọn của mình (Đnl 9,22). Lòng tham của họ sẽ được toại nguyện, nhưng cũng như Ađam, họ phải trả cái giá quá ư nghiệt ngã khi lấy đường lối mình thay thế đường lối Thiên Chúa (Ds 11,33). Đó chính là bài học mà Thiên Chúa không ngừng nhắc lại cho Israel qua các sứ ngôn, đặc biệt là tố giác tội của giới lãnh đạo và tư tế, là những kẻ trước tiên muốn chạy theo sự dễ dãi và lôi kéo dân Chúa theo con đường của phàm nhân.
Khi con người xa lìa Thiên Chúa, tội trở thành một thực tại hết sức cụ thể: bạo lực, bất công, cường quyền, ác bá, sát nhân, ngoại tình, chiến tranh, ghen ghét, hận thù... làm đảo điên đời sống xã hội (Is 59). Điều này cho thấy, ai chủ trương tự kiến tạo đời mình, không lệ thuộc vào Thiên Chúa, người đó sẽ gây bao điều ác hại cho đồng loại (Tv 52,9). Điều đó không chỉ xúc phạm tới quyền lợi Thiên Chúa mà còn làm tổn thương nặng nề đến tâm hồn Ngài. Hẳn là tội nhân không thể nào xúc phạm tới Thiên Chúa nơi chính mình Ngài (Gb 35,36), họ chỉ chuốc lấy tai họa cho mình thôi (Gr 7,19), nhưng tiên vàn làm tổn thương Ngài trong mức độ nó làm tổn thương những kẻ Ngài yêu. Đó là sự xúc phạm tới Thiên Chúa trong kế hoạch tình yêu của Ngài. Đó còn là sự phân rẽ con người với Thiên Chúa là nguồn sống duy nhất, và là một sự bội phản vong ân trước tình yêu vô hạn của Ngài.
Con đường thánh thiện
Tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đã cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô : Đấng “tự hủy” và “tự hiến” để làm của lễ tha thứ, giao hòa, đưa con người về với Thiên Chúa, xóa khoảng cách muôn trùng do tội lỗi con người gây nên. Con đường thánh thiện chính là trở về với lòng từ bi của Thiên Chúa để sống trong tình yêu thương của Ngài. Chỉ có Ngài là Đấng Thánh duy nhất mới có thể tác thánh con người từ trong bùn nhơ tội lỗi. Sự trở về với Chúa là gạch nối giữa tội lỗi và thánh thiện. Biên giới giữa tội lỗi và thánh thiện cũng chỉ đi qua trái tim mỗi người chúng ta. Một con tim đóng kín hay mở rộng là sự phân chia giữa tội lỗi và thánh thiện. Càng đóng kín càng nghèo nàn đói rách, càng mở rộng càng dồi dào phong phú. Đóng kín là quay lại với chính mình, với sự trơ trọi yếu hèn của bản thân mình. Mở rộng là quay về với Chúa, với nguồn sống thánh thiện của Ngài.
Điều quan trọng là nhận ra lỗi lầm của mình (Lc 18,10). Không nhận ra lỗi lầm là lỗi lớn nhất trong mọi lỗi lầm. Không nhận ra lỗi lầm thì không có con đường trở về, chỉ còn đi đến sự hư vong.
Điều đáng nói hơn nữa là nhiều khi ta chỉ thấy lỗi lầm của kẻ khác mà không thấy được lỗi lầm của mình, nên mọi sự đều trở nên tối tăm, hỗn loạn (Mt 7,3-5). Cái lỗi lầm mà ta dễ thấy nơi người khác cũng chính là những điều đang rào kín và trói buộc tâm hồn ta, để rồi tồn đọng trên đôi mắt ta. “Chỉ khi cái dằm tội lỗi ra khỏi mắt ta, tất cả thế giới sẽ tỏa sáng” (Taeboit).
Điều kinh khủng hơn nữa là làm lơ hay cố chấp về những lỗi lầm của mình (Lc 13,5). Người Đức có câu ngạn ngữ như sau: “Sa ngã vào tội là con người, nhưng ở lại trong tội chính là quỉ sứ”.
Tội lỗi và thánh thiện nằm ngay trong bản chất của sự việc. Tuy nhiên, nhiều khi nó chỉ khác nhau bằng một tâm ý. Tuy rằng đồng cảnh ngộ, cùng sự kiện, chung một phương cách, nhưng nó luôn được phân rẽ giữa hai cực bằng một tâm ý. Tâm ý là sự định hình một nhân cách từ bên trong, là một sự khoanh vùng giữa tội lỗi và thánh thiện. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,14) và câu chuyện bà góa nghèo bỏ hai đồng bạc dâng cúng (Lc 21,1) cho ta thấy rõ điều đó. Mọi hành vi của ta đều phát xuất từ tâm ý, dù ý thức hay thiếu ý thức, nó vẫn cho thấy được tình trạng của tâm hồn mình.
Hoàn cảnh cũng là một tác động làm đổi thay tâm ý. Cùng một hoàn cảnh nhưng cái nhìn, cách nhìn và sự vận dụng có khi hoàn toàn khác nhau. Cái nhìn tích cực thì đó là một cơ may, cái nhìn tiêu cực thì đó là một rủi ro. Thật ra, tự hoàn cảnh vẫn chưa là gì. Nó là gì thì tùy thuộc tâm hồn ta. Bởi đó cũng một hoàn cảnh mà có người nên thánh nhân, có người thành tội nhân. Điều đó cho ta thấy rằng, “Khoảng cách giữa tội lỗi và thánh thiện hẹp đến nỗi chỉ vừa đủ chỗ cho hoàn cảnh chen vào” (Borowd).
Cũng vậy, dĩ vãng đen tối không thể là kết luận cho một hiện tại và tương lai. Quá khứ trong sáng không thể là lý chứng cho hôm nay và mãi mãi. Cái nhìn cứng đọng về những gì đã qua là cái nhìn triệt hạ. Cái nhìn đóng khung cho những gì sắp tới là cái nhìn bế tắc. Cuộc sống của mỗi con người là một huyền nhiệm trong ân sủng Chúa và trong nổ lực của chính họ. Không ai dại gì mà cố tình biến đời mình thành một tên tội phạm. Không ai ngu gì mà chôn vùi bản thân mình vào nghiệp chướng. Nhưng chỉ vì ảo tưởng, ích kỷ và kiêu căng do một ý thức hệ, một thời thế hay biến cố làm nên. Sở dĩ người ta cố chấp, cố tình trong tội lụy là vì để cho mình bị bao vây bởi những tường rào giả tạo đó. Vì thế, trước khi nhận ra những lầm lỗi của mình, phải có khả năng nhận ra những tù túng của bản thân mình.
“Mỗi thánh đều có một dĩ vãng, và mỗi tội nhân đều có một tương lai” (Wilde). Không ai có quyền trịch thượng để đặt dấu chấm hết cho một dĩ vãng của mình hay người khác. Cũng không ai có khả năng thần thánh để quyết đoán cho một tương lai đang còn nằm trong bàn tay Chúa. Điều kỳ diệu mà Chúa vẫn làm nên là vẽ lên nét thẳng trên những đường cong. Lịch sử cứu độ và kinh nghiệm thiêng liêng cho ta biết rằng : tình thương, ân sủng, ánh sáng và sự thánh thiện của Chúa không ngừng tỏa lan trong mọi thời khắc để thấm nhập vào từng con người. Tình thương Ngài sẽ xóa đi khoảng cách mà tội lỗi con người đã phân rẽ; ân sủng Ngài sẽ chế ngự tội lỗi mà con người đã gây nên; ánh sáng Ngài sẽ soi vùng tăm tối mà con người đang trú ẩn; sự thánh thiện của Ngài sẽ chuyển hóa sự sống mà con người đã làm tổn thương.
Cũng từ đó chúng ta nhận thức rằng, Thiên Chúa đang làm tất cả để con người được vui thỏa trong khát vọng thâm sâu của mình, chứ không phải trong dục vọng nông nổi do con người làm nên. Nhưng đừng quên rằng mãnh lực sự dữ vẫn bám riết lấy chúng ta trong mọi giờ phút, và hoạt động của nó đi ngược lại với tiến trình của Thiên Chúa ở nơi ta. Thiếu tỉnh thức về điều đó, ta dễ biến mình thành một người ngây ngô, làm mồi ngon cho sự dữ. Bởi vậy, không lạ gì con người ta dễ ngộ nhận giữa hư và thật, giữa chân và giả, giữa tạm thời và vĩnh cửu, giữa hạnh phúc đích thực của chân tâm và hạnh phúc giả tạo của gian tà.
Hãy nhìn ra thế giới bao la đang biển chuyển từng giây phút trong cuộc đời ta. Ở đó, Thiên Chúa, con người và vũ trụ đang hòa tấu khúc tình ca. Sân khấu cuộc đời đang diễn ra với ngoại cảnh muôn màu làm con người choáng ngợp. Trong bản hợp tấu này, thánh thiện là nhịp điệu của Thiên Chúa, tội lỗi là sự hỗn độn của con người. Hãy nhìn về Chúa để thấy mình đang lỗi nhịp. Hãy hướng về Chúa để thiết lập một trật tự hài hòa nơi chính mình. Hãy đến với Chúa để hòa nhập đồng bộ với Ngài. Hãy kề cận bên Chúa để cùng hòa điệu khúc luân vũ của cuộc đời mình. Sự thánh thiện của Chúa sẽ tưới gội và tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Niềm vui và hạnh phúc biết bao trong sự thánh thiện này!
Lạy Chúa mỗi ngày lòng con day dứt không nguôi giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa thánh thiện và tội lỗi. Những bước đi sai nhịp nên làm con hụt hẫng và nhiều khi chới với. Có điều Chúa luôn đến kịp thời để đặt lại bước chân con. Con biết rằng lỗi lầm là của con người, và tha thứ là của Chúa, nên con an tâm vui bước trong cuộc đời trong từng ngày trở về cận kề bên Chúa. Giữa bao điều phức tạp, nhiễu nhương và phiền toái của cuộc sống; giữa những đổi thay hỗn độn của lòng người và cảnh đời náo loạn; giữa những công việc bổn phận đầy khó khăn và bất lợi từ nhiều phía chen lẫn những tâm ý tốt lành và xấu xa; giữa những thái độ bất cập hay thái quá và những cái nhìn phê phán gay gắt của anh chị em, xin cho con được tâm hồn thư thái để luôn biết đặt mình trước mặt Chúa trong mọi sự, cho tâm hồn con biết tĩnh lặng và nhẹ nhàng buông theo ân sủng, để sự thánh thiện của Chúa cuốn hút lấy con bây giờ và mãi mãi. Amen.
LM Thái Nguyên (Vietcatholic News)

Monday, March 05, 2007

MƯỜI LỜI KHUYÊN ĐỂ SỐNG TỐT MÙA CHAY

Thường những người công giáo tự hỏi: “Phải làm gì trong mùa Chay?”. Mùa Chay là “thời gian tập luyện để sống tốt hơn đời sống Kitô hữu và chuẩn bị cử hành lễ Vượt qua bằng một con tim sẵn sàng. Chương trình của mùa Chay như chúng ta đã biết từ lâu, đó là cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ. Nhưng mỗi mùa Chay, chúng ta có thể thực hiện điều đó một cách mới mẻ”.
Với thiện ý, Đức Hồng Y Godfried Danneels, Tổng Giám mục Giáo phận Malines-Bruxelles, Bỉ quốc, đưa ra mười lời khuyên thực hành kiểu mẫu cho mùa Chay năm nay như sau:
1. Hãy cầu nguyện. Mỗi sáng hãy đọc Kinh Lạy Cha và mỗi tối Kinh Kính Mừng.
2. Hãy tìm trong Tin Mừng của ngày Chúa Nhật một câu ngắn gọn giúp bạn có thể suy niệm suốt tuần lễ.
3. Mỗi khi bạn mua một vật không thực sự cần thiết cho đời sống - một mặt hàng xa xí phẩm chẳng hạn - thì cũng hãy cho người nghèo một chút gì đó hoặc làm một việc từ thiện. Hãy cho đi một tỉ lệ nhỏ. Sự dư thừa đòi phải được chia sẻ.
4. Mỗi ngày hãy làm một điều thiện cho một ai đó, trước cả khi họ van xin bạn.
5. Mỗi khi người khác gây cho bạn một điều khó chịu, đừng nghĩ rằng bạn phải liền đáp trả lại bằng điều tương tự. Việc đó không tái lập được tương quan bình an. Thực tế cho thấy bạn rơi vào vòng lẩn quẩn. Tốt hơn bạn nên im lặng một phút và vòng lẩn quẩn sẽ dừng lại.
6. Nếu bạn cứ lay hoay với bộ điều khiển từ xa để tìm kiếm một chương trình truyền hình ưa thích đã mười lăm phút đồng hồ mà chẳng được gì, hãy tắt Tivi và hãy cầm lấy một quyển sách mà đọc. Hoặc hãy nói chuyện với những người đang chung sống trong nhà bạn: hàn huyên với nhau thì tốt hơn và điều đó diễn ra không cần đến bộ điều khiển từ xa.
7. Trong suốt mùa Chay, hãy luôn rời khỏi bàn ăn khi bụng còn hơi đói một chút. Các bác sĩ chuyên khoa ăn uống còn nghiêm khắc hơn nhiều: hãy thực hành điều đó suốt cả năm. Cứ ba người thì có một đau khổ vì chứng béo phì.
8. “Tha thứ” (par-donner) là chóp đỉnh của “ban tặng” (donner).
9. Rất thường khi bạn đã hứa điện thoại cho người này, viếng thăm người kia. Hãy thực hiện lời hứa đi.
10. Bạn đừng để mình bị chinh phục bởi những quảng cáo hô hào việc khuyến mãi. Sản phẩm này giảm giá đến 30 %. Nhưng tủ quần áo của bạn ngập tràn và cũng dư thừa đến 30 %.
Thiện Nhân (Vietcatholic News)

CHIẾC LÁ

Biết bao mùa xuân theo định luật tuần hoàn của vũ trụ đã qua đi, nhưng quả nhiên chưa mùa xuân nào làm Vũ Đại thấy lòng mình se quắt hơn thế này nữa. Có lẽ đúng thật, cái xuân cuối cùng phải đến đã đến. Ừ, thì cũng đành thôi vậy, chứ biết làm sao hơn được bây giờ, càng cố chấp sẽ càng gây đau khổ mãi thêm thôi!
Vũ Đại, nguyên cựu sinh viên Đại học Kiến trúc. Anh ra trường với nhiều tham vọng của tuổi trẻ tài hoa. Anh sớm có việc làm ổn định do tài xã giao lịch thiệp, dạn dĩ, sành sõi và tay nghề “thiện xạ”… Bạn gái anh, sinh viên năm 4 khoa Xã hội, trường Nhân văn, không kém phần linh hoạt, tinh tế. Anh và em đã đến với nhau qua hàng ngàn kỷ niệm tươi đẹp và trân quí, nối quyện lên bức lũy tình yêu “thành đồng”
Thế nhưng, cuộc sống ví tựa một dòng sông, mà con người không ai có thể tắm hai lần trên nó cả. Dòng chảy cuộc sống theo định luật tất yếu của cuộc đời luôn luôn thay đổi, chả bao giờ ngưng nghỉ, chả bao giờ dừng lại. Có, khi nó dừng lại là chính khi sự sống không còn nữa. Trước viễn ảnh vô cùng tươi đẹp của tương lai, ai trong họ nào thiết nghĩ chi đến cái ngày mai của đau khổ, lịm tắt. Như thể con người đang xum họp trong mùa xuân vĩnh phúc, dại gì để tâm đến những giọt nước mắt của xa cách chia lìa. Không phải tự lừa dối sự thật vì tham sống, nhưng đúng hơn, muốn được kiên vững hầu tồn vọng giữa đời phải biết nhìn ra cái xuân vĩnh cửu sau cảnh mùa hè chói chan thiêu rụi. Kẻo tụi trẻ ngày nay chúng lại cười mà kháo với nhau rằng: rõ sến!
Anh và em, cả hai đều no tròn trong hạnh phúc như dường thế gian này biến tan tất cả. Bất chợt cơn phong họa tự trời Tây ùa ập trở về. Anh phải tai nạn trong chuyến công tác xa. Với tấm phiếu kết quả xét nghiệm trên tay, anh, lần đầu tiên tận mắt trông nhìn bản án tử cuộc đời do chính anh tự ký: có AIDS!
Cái gì cũng vậy, như dương gian vẫn thích nói đùa mà như thật: “Hạnh phúc khi còn ở trong tầm tay thì con người chả bao giờ biết giữ, đợi vụt đi rồi, hối hận thì cũng chỉ còn lại zêrô”. Vậy đó, đếm từng hơi thở vụn vắn qua ô cửa nhỏ tại dưỡng đường, Vũ Đại đến nước này mới thấm đẫm nỗi đau của những lần ăn chơi vụng dại. Còn lại gì, còn lại gì đâu nữa hỡi cuộc đời chóng vắn. Tình, tiền, tài… ba chữ “t”, rồi sẽ theo gót chữ “t” của xe tang mà trôi vào nấm mộ. Bạc bẽo, bạc bẽo, anh thấy đời bạc bẽo, đắng đót…
Hải Chi, cô gái của anh, tất nhiên, “trái tim người phụ nữ biết yêu anh cả khi đã chết rồi” ấy, không rời anh nửa bước. Em còn mãnh liệt hơn cả các vị giai nhân tuyệt tác trong các dòng văn học, trên các áng văn cổ đại… Em, sẵn sàng hiến dâng tình yêu và sự sống cho anh và chỉ một mình anh. Em, sẵn sàng bước đến đón nhận anh vào cuộc đời mình, mặc cho người em yêu thương giờ đây chỉ còn là tàn phế, mặc cho sự sống của anh giờ này chỉ còn đong tính với khắc, từng khoảnh khắc với thời gian. Thật, đời, thường có những chuyện cười không ra được nước mắt. Yêu làm gì hả em, với một con người phản bội?! Anh đã phản bội em trong những lần công việc “giao tiếp”, để rồi kết quả tình yêu dành cho em là thân hình tiều tụy do siêu vi tàn phá. Trên mình anh đã bắt đầu xuất hiện cục nào cục nấy đen sì, chi chít những mụn là mụn, bi lớn, dày cộm: giai đoạn 4!
Thời gian vô tình, từng tấm lịch ngày ngày vẫn rơi xuống như vừa đùa cợt như vừa thách thức… Không còn thời gian nữa cho họ yêu nhau, để họ hạnh phúc. Tại sao? Tại sao? Biết bao lần Hải Chi lao mình giữa đêm đen tối tăm mịt mù mà gào thét: “Tại sao, tại sao, tại sao ta phải bất hạnh, tại sao?!”
Hỏi trời, trời câm nín. Hỏi tôi, tôi biết hỏi ai đây? Cuộc đời như là một chiếc lá. Lúc còn xanh, lá đeo đính trên cành, chúng tha hồ mà vùng vẫy, múa may, cợt đùa với gió ngàn, cát bụi và nắng cháy. Nhưng khi xuân qua đông lại, hạ thì vui tới…. từng chiếc lá lần nữa ngả màu rồi lặng lẽ phả mình vào khoảng lặng mà biến tan thành tro bụi. Kiếp sống con người chóng vắn khác thế tý nào đâu. Vinh hoa phú quý, lợi lộc tiền tài rồi thì cũng theo mây ngàn mà xuống “núi”. Thế đấy, thật, đời thật là thế đấy…
Như còn ý thức giây phút làm người quả trân trọng, đáng quí, với hết tài năng, anh cố rán làm lên công trình còn dang dở cho lòng được thanh thản, nhẹ nhàng, vui sướng. Rồi đây, nhân loại, chắc có lẽ chỉ duy nhất còn lại một mình cô gái của anh, Hải Chi, còm cõi nhớ anh, ghi khắc tên anh, mồ hôi anh, sức lực anh, trí tuệ anh… trên con đường mới chùng tu rải nhựa xinh đẹp… Thế cũng là đủ, phải không anh?! Như câu phương ngôn bất hủ nào có nói: “Với thế giới, có thể bạn chỉ là một người. Nhưng với một người, bạn có thể là cả thế giới.”
Mùa tết đã hết, mùa chay bắt đầu. Lá được đốt, tro được xức… người người lần nữa cũng trở về bụi tro, tro bụi. Con người rồi nữa cũng sẽ trở về bụi tro, tro bụi! Chiếc lá, chiếc lá… từng chiếc lá, xanh, vàng, ương, nâu nâu, biêng biếc… lã chã rơi vào cô tịnh bên cửa nhỏ phòng anh. Xé nát trái tim anh, vỡ oà, tức tưởi, trào trụa. Ánh nắng vàng ỉu yếu ớt nhợt nhòa rót qua từng khe cửi nhọc nhã. Anh nằm bất động, cô gái nhỏ nhắn ấy cũng nằm bất động… trong lòng anh… bên cánh tay anh… Xanh, chiếc lá non xanh…
M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM. (http://simonhoadalat.com)

Sunday, March 04, 2007

Chúa Nhật 2 Mùa Chay - 2nd Sunday of Lent (Luke 9:28-36)

Bài Đọc I: Genesis 15:5-12,15:17-18 II: Phil 3:17-4:1
Phúc Âm Luca 9:28-36
28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê.29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa.30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia.31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.32 Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người.33 Đang lúc hai vị này rời xa Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê, và một cái cho ông Êlia". Ông không biết mình đang nói gì.34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !"36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Chi Tiết Hay
+ (c.28) Sự việc Chúa Giêsu biến hình đã xảy ra vài ngày sau khi Ngài "nói những lời ấy". Lời ấy là điều Chúa dạy các môn đệ trong câu 23-27 "Ai muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình... ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất".
+ (c.28) Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng bằng lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trước khi làm các phép lạ. Ngài dạy các tông đồ cầu nguyện. Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang cầu nguyện khi Ngài biến hình. Như chính Chúa Giêsu đã dạy trong đoạn 11:13, Thánh Thần sẽ được ban cho những kẻ cầu xin.
+ (c.29) Áo trắng tượng trưng cho niềm vui và liên hoan. Các thiên thần hiện ra mặc áo trắng, chói lòa lúc Chúa Giêsu sống lại, và lúc Chúa Giêsu lên trời.
+ (c.30) Ông Môsê và Êlia là hai nhân vật trong Cưụ Ước. Ông Môsê tượng trưng cho Lề Luật của Chúa; Ông Êlia là tiên tri đã truyền Lời Chúa cho dân. Sự hiện diện của hai ông là dấu chỉ việc Chúa Giêsu làm phù sẽ hợp với lề luật và ý Thiên Chúa.
+ (c.31) Chúa Giêsu sẽ làm việc gì? Hai vị bàn với Chúa Giêsu về cuộc xuất hành, có nghĩa là cái chết Ngài sẽ chịu tại Giê-ru-sa-lem. Hình ảnh thương khó được lồng trong khung cảnh biến hình vinh quang của Chúa Giêsu.
+ (c.33) Khi ông Phêrô nói muốn dựng lều cho Chuá Giêsu, ông "không biết ông nói gì" vì như sách Tông Đồ Công Vụ đoạn 7:48 chép rằng "Đấng Tối Cao không ở trong nhà do tay người làm ra".
+ (c.34) Đám mây biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa.
+ (c.35) "Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!". Thiên Chúa giới thiệu Con, là Đấng sẽ trở về với Cha qua thập giá.
Một Điểm Chính: Hãy vâng nghe Chúa Giêsu, và đi theo Người. Con đường đến sự sống đời đời phải đi qua đau khổ.
Suy Niệm
1. Tôi nghe Chúa Giêsu như thế nào? Làm sao tôi biết đó là tiếng NgàI? Tôi có thể làm gì để giúp tôi nhận ra tiếng Ngài rõ ràng hơn?
2. Khi tôi không làm theo ý tôi, tôi cảm thấy khổ sở. Hồi tưởng lại, đâu là những lần, vì làm theo ý tôi (thay vì nghe lời người khôn ngoan hơn) mà tôi đã bị những hậu quả xấu (về nghề nghiệp, chọn lựa tình cảm, v.v.).
--------------------------------------------------------
2nd Sunday of Lent
Reading I: Genesis 15:5-12,17-18 II: Philippians 3:17-4:1
Gospel Luke 9:28-36
28 Now about eight days after these sayings he took with him Peter and John and James, and went up on the mountain to pray.29 And as he was praying, the appearance of his countenance was altered, and his raiment became dazzling white.30 And behold, two men talked with him, Moses and Eli'jah,31 who appeared in glory and spoke of his departure, which he was to accomplish at Jerusalem.32 Now Peter and those who were with him were heavy with sleep, and when they wakened they saw his glory and the two men who stood with him.33 And as the men were parting from him, Peter said to Jesus, "Master, it is well that we are here; let us make three booths, one for you and one for Moses and one for Eli'jah" --not knowing what he said.34 As he said this, a cloud came and overshadowed them; and they were afraid as they entered the cloud.35 And a voice came out of the cloud, saying, "This is my Son, my Chosen; listen to him!"36 And when the voice had spoken, Jesus was found alone. And they kept silence and told no one in those days anything of what they had seen.
Interesting Details
+ (v.28) Luke tightly connects the transfiguration to Jesus' teaching in the previous verses 23-27. The event occurs several days after Jesus "said these words:" "If any man would come after me, let him deny himself and take up his cross daily and follow me ... For whoever would save his life will lose it."
+ (v.28) Jesus begins His ministry with a prayer and ends his ministry with a prayer. Jesus prays while performing miracles. He teaches his disciples to pray. The transfiguration occurs as a prayer experience. As Jesus teaches in 11:13, the Holy Spirit is given in response to prayer.
+ (v.29) White garments are symbols of joy and celebration. The angels who appear at the resurrection (and later in the ascension) wear dazzling, white clothes.
+ (v.30) Moses and Elijah are 2 figures from the Old Testament. Moses was the giver of God's Law, and Elijah was the great prophet through whom God spoke to his people. Their appearance is a sign that the road which Jesus is taking is a fulfillment of the law and the prophets, i.e., a fulfillment of God's will.
+ (v.31) Moses and Elijah talk to Jesus about his "departure," or death in Jerusalem. In the middle of this vision of glory is an image of suffering.
+ (v.33) Peter wants to make a tent for Jesus. Peter indeed does not know what he is saying, for "the Most High does not dwell in houses made by hands" (Acts 7:48).
+ (v.34) Cloud is a symbol of God's presence.
+ (v.35) "This is my Son, my Chosen one, listen to him." God reveals who the Son is: the one who returns to God via the cross.
One Main Point: Listen to Jesus, and follow him. The road to everlasting life must pass through suffering.
Reflections
1. "Listen to him." In what way am I listening to Jesus? What do I hear? How do I know it's Jesus' voice? What will help me more easily to recognize his voice?
2. When I do not do my will (what I like, what I want), I suffer. Recall the instances that led me to bad consequences because I follow my will (my impulses, job choices, relationship choices, decisions about money, etc.) instead of listening to a wiser person.