Wednesday, February 21, 2007

Sứ Điệp Mùa Chay 2007

Sứ Điệp Mùa Chay 2007 của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
Anh chị em thân mến!
“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19:37). Đó là chủ đề Kinh Thánh mà năm nay hướng dẫn việc suy niệm Mùa Chay của chúng ta. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để học với Đức Maria và Thánh Gioan, người môn đệ được yêu mến, gần gũi với Người, là Đấng trên thánh giá đã hoàn thành hy sinh mạng sống của Người cho toàn thể nhân loại (x. Ga 19:25). Do đó với một sự tham gia sốt sắng hơn trong thời gian sám hối và cầu nguyện này, chúng ta hãy hướng cái nhìn của chúng ta lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, Đấng hấp hối trên núi Sọ, đã mặc khải trọn vẹn cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa. Trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas Est), tôi đã đề cập đến chủ đề này về tình yêu bằng cách nhấn mạnh hai hình thức cơ bản của nó: đức bác ái và ái tình (agape và eros)
Tình yêu của Thiên Chúa: đức bác ái và ái tình
Danh từ đức bác ái (agape), nhiều lần xuất hiện trong Tân Ước, biểu lộ tình yêu hiến mình của một người chỉ nghĩ đến lợi ích kẻ khác. Trái lại, tiếng ái tình (eros), có nghĩa là tình yêu của một người muốn chiếm hữu điều họ thiếu và ao ước kết hợp với người yêu. Tình yêu mà Thiên Chúa bao bọc chúng ta chắc chắn là đức bác ái. Trên thực tế, con người có thể cho Thiên Chúa một lợi ích nào mà Người đã không có chăng? Tất cả những gì con người có và là, đều là hồng ân Thiên Chúa. Bởi đó, chính tạo vật mới cần Thiên Chúa trong mọi sự. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa cũng là ái tình (eros).Trong Cưu Ước, Đấng Sáng Tạo vũ trụ tỏ cho dân Người đã tuyển chọn làm của riêng mình, một sự ưa chuộng vượt trên mọi động cơ nhân bản. Tiên tri Hosea diễn tả sự đam mê thần linh này với những hình ảnh táo bạo như tình yêu của một người nam đối với một người nữ ngoại tình (x. 3:1-3). Về phần mình khi nói về tương quan của Thiên Chúa với dân Israel, tiên tri Edêkien không sợ sử dụng đến ngôn ngữ một cách kiên quyết và say đắm (x. 16:1-22). Những bản văn Kinh Thánh này chứng tỏ ái tình (eros) là thành phần của chính con tim Thiên Chúa: Đấng Toàn Năng chờ đợi tiếng “xin vâng” của các tạo vật mình như một chàng rễ trẻ chờ đợi tiếng “xin vâng” của nàng dâu mình.
Vô phúc thay, từ nguyên thủy, loài người bị những giả trá kẻ dữ lừa gạt, đã loại trừ tình yêu của Thiên Chúa trong sự ảo tưởng về một sự tự mãn là điều không thể xảy ra được (x. St 3:1-7). Quay về trong chính mình, Adam rời khỏi nguồn gốc sự sống này là chính Thiên Chúa, và trở thành kẻ đầu tiên trong những “kẻ vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ.” (Dt 2: 15). Tuy nhiên, Thiên Chúa không thua cuộc. Nhưng trái lại tiếng “không” của con người là một sự thúc đẩy quyết định xúi giục Người bày tỏ tình yêu của Người trong tất cả cường độ cứu chuộc của nó.
Thánh Giá mạc khải sự trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa.
Chính trong mầu nhiệm Thánh Giá mà quyền lực áp đảo của lòng thương xót của Cha trên trời được mặc khải trong tất cả sự viên mãn của nó. Để chuộc lại tình yêu của tạo vật Người, Người đã chấp nhận trả một giá rất cao: máu của chính Con Một Người. Sự chết, đối với Adam đầu tiên là một dấu tột đỉnh đến sự cô độc và sự bất lực, như vậy đã biến thành hành vi yêu thương và tự do tột đỉnh của Adam mới.
Do đó người ta có thể khẳng định rất đúng với Thánh Maximus Hiển Tu rằng Chúa Kitô “đã chết, nếu người ta có thể nói được theo cách thần linh, vì Người đã chết cách tự do” (Ambigua. 91, 1956). Trên thánh giá, ái tình (eros) của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu hiện. Trên thật tế ái tình (eros) như Pseudo-Dionysius diễn tả- là sức mạnh “không cho phép người yêu ở một mình nhưng thúc giục họ trở nên một với người mình yêu” (De divinis nominibus, iV,13: PG 3, 712). Có “ái tình (eros) điên dại” nào hơn (N. Cabasilas, Vita in Cristo, 648) là khiến Con Thiên Chúa biến mình thành một người với chúng ta đến nỗi chịu những hậu quả của những tội lỗi chúng ta như chính là của mình?
“Người là Đấng họ đã đâm”
Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy nhìn xem Chúa Kitô chịu đâm thâu qua trên thập giá ! Người là sự mặc khải tình yêu của Thiên Chúa không thể vượt qua được, một tình yêu trong đó ái tình (eros) và đức bác ái (agape), thay vì đối nghịch nhau nhưng lại soi sáng cho nhau. Trên thánh giá, chính Thiên Chúa là Đấng nài xin tình yêu của tạo vật Người: Người khao khát tình yêu của mỗi người chúng ta. Tông đồ Thomas đã công nhận Chúa Giê su là “Đức Chúa và là Thiên Chúa” khi ngài đặt tay mình vào trong vết thương cạnh sườn Người. Thật không lạ gì, nhiều vị thánh đã gặp trong tim của Chúa Giêsu sự diễn đạt sâu xa nhất của mầu nhiện tình yêu này.
Người ta có thể nói rằng sự mặc khải về ái tình (eros) của Thiên Chúa đối với con người, trên thực tế là sự diễn đạt tuyệt vời về đức ái (apape) của Người. Trong tất cả sự thật, duy chỉ tình yêu nào kết hợp sự tận hiến tự do chính mình với sự ao ước tha thiết nhân nhượng lẫn nhau, làm thấm nhuần một niềm vui, làm dịu đi những gánh nặng nề nhất. Chúa Giêsu đã nói: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Trên hết tất cả mọi sự, câu trả lời mà Thiên Chúa mong muốn mãnh liệt nơi chúng ta là chúng ta đón nhận tình yêu của người và cho phép chính chúng ta được thu hút đến với Người. Tuy nhiên chấp nhận tình yêu của Người thì chưa đủ. Chúng ta cần đáp trả lại đến tình yêu như thế và hiến thân mình để truyền đạt tới người khác. Đức Kitô “kéo tôi đến chính Người” để kết hiệp chính người với tôi, cho tôi học biết để yêu người anh em với chính tình yêu của Người.
Máu và nước
“Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm.” Chúng ta hãy nhìn xem với lòng tin cẩn nơi cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu, từ đó “máu và nước” chảy ra” (Ga 19:34)! Các Giáo Phụ coi những yếu tố này như là những biểu trưng các bí tích rửa tội và Thánh Thể. Qua nước rửa tội, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được tiếp xúc tới chỗ thân mật của tình yêu Ba Ngôi. Trong cuộc hành trình Mùa Chay, kỷ niệm bí tích rửa tội của chúng ta, chúng ta được khích lệ thoát ra khỏi chính chúng ta hầu mở rộng chính mình, trong sự phó thác đầy tin cẩn, cho sự ôm ấp thương xót của Cha (x. Thánh Chrysostom, Catecheses, 3, 14ff).
Máu, biểu trưng tình yêu của vị Mục Tử Tốt Lành, chảy vào trong chúng ta nhất là trong mầu nhiệm thánh thể: “Thánh Thể lôi kéo chúng ta đi vào hành vi dâng mình của Chúa Giêsu … chúng ta đi vào trong chính động lực của sự hiến mình của Người” (Deus Caritas Est,” 13). Vậy chúng ta hãy sống mùa Chay, như là một thời gian “thánh thể” trong đó, đón chào tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta học biết làm lan rộng tình yêu ấy chung quanh chúng ta trong mọi lời nói và việc làm.
Sự chiêm ngắm” Đấng họ đã đâm” kích động chúng ta trong cách này là mở lòng chúng ta cho những kẻ khác, bằng cách nhận thức đến những vết thương giáng xuống trên phẩm gíá con người; sự ấy kích động chúng ta, nhất là chiến đấu với mọi hình thức khinh miệt sự sống và sự khai thác con người, và làm giảm đi những thảm kịch của tình trạng cô đơn và bị bỏ rơi của rất nhiều người. Mong sao mùa Chay đối với mọi Kitô hữu là một kinh nghiệm mới về tình yêu của Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Chúa Kitô, một tình yêu mà mỗi ngày tới phiên mình chúng ta phải “ban lại” cho người thân cận chúng ta, cách riêng cho người nào chịu đau khổ nhiều nhất và đang gặp túng thiếu. Chỉ bằng cách này chúng ta sẽ có khả năng tham gia đầy đủ trong niềm vui Phục Sinh. Xin Đức Maria, Mẹ của tình yêu tốt đẹp, dẫn dắt chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay này, một cuộc hành trình trở lại đích thực với tình yêu của Chúa Kitô. Tôi cầu chúc cho anh chị em, hỡi những anh chị em yêu dấu, một cuộc hành trình Mùa Chay hiệu quả, và ban cho tất cả anh chị em với lòng thương yêu một phúc lành tông tòa đặc biệt.
Đức Ông Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ (vietcatholic.net)

Trang Hồi Ký của Tòa Giải Tội

Ngày 10 tháng 6 năm …
Tôi là một tòa giải tội bằng gỗ. Tôi đứng ở đây lâu lắm rồi. Năm tháng đi qua với dòng đời đổi thay, tôi đứng đây nhìn cuộc đời. Trải qua mấy thế hệ, những người cùng thời với tôi đã từ giã cõi đời từ lâu. Thế hệ này sang thế hệ khác, tôi chứng kiến những đổi thay trong cái họ đạo này. Đời tôi là vô vàn những trang hồi ký.
Cuộc gặp gỡ nào cũng là một lịch sử. Biến cố nào cũng có ý nghĩa. Dòng chữ tôi đang viết đây là một mẩu ngắn trong dòng thời gian đó. Chuyện hai con chuột nhắt nói với nhau. Câu chuyện của chúng nó có liên quan về tôi.
Con chuột cạnh bờ tường lên tiếng:
- Kỳ này mày có khỏe không?
Con kia trả lời:
- Nhức đầu quá!
Chúng tiếp tục câu chuyện. Tôi là tòa giải tội, tôi lắng nghe. Con cạnh bờ tường nói:
- Tao cũng nhức đầu quá.
- Tại sao vậy?
- Nhà tao ở, suốt đêm lúc nào cũng karao ôkê!
- Khu chung cư của tao thì chúng ồn ào, ôi thôi là ồn ào. Hết đám con nít khóc, lại đến người lớn cãi nhau. Chán mớ đời!
- Thế trước đó mày ở đâu?
- Tao đổi nhà bao nhiêu lần rồi, chỗ nào cũng chỉ được vài hôm.
Con chuột phía bên kia cúi xuống gặm chân. Miếng báo cũ nó tha về đã trải gọn gàng. Nó thở dài rồi lại tiếp tục câu chuyện:
- Cuộc sống hôm nay phức tạp quá, suốt ngày ồn ào. Người lớn cũng vậy, con nít cũng thế, chúng không bao giờ biết thinh lặng. Tao tìm hết nhà này đến nhà kia, chỗ nào cũng rứa. Khó ngủ quá. Tao từng ở ngoài chợ, rồi kho hàng, nhà chùa, rồi nhà thờ, bây giờ thì ở gầm cái tòa giải tội này.
- Mày nghĩ chúng ta sẽ được yên thân nơi này không hay cũng bị mất ngủ?
Tôi chưa viết về sự cố vì sao hai con chuột nhắt này lại gặp nhau ở đây. Bắt đầu là thế này. Ngày xửa ngày xưa ở cái tòa giải tội này, tôi lúc nào cũng bận rộn đón người qua lại. Sáng, chiều, có một cha già, chẳng mấy khi không ngồi ở đây đón tín đồ. Lúc ấy khác bây giờ lắm, nhà thờ vang câu kinh, người lớn, con nít, ôi thôi đủ là hát xướng, vui ơi là vui! Hồi ấy người ta sốt sắng đạo đức, chiều kinh tối, sáng thánh lễ, lúc nào cũng có người ra vào tòa giải tội. Thế rồi từ từ lòng người thay đổi, cha già chết đi. Những người cùng thế hệ tôi cũng vậy. Sau cùng, tôi là chiếc tòa giải tội vắng khách. Mạng nhện giăng đầy. Bụi bắt đầu mờ. Chả thấy ai quét bụi nữa. Tôi là tòa giải tội đứng buồn hiu như một chợ chiều không còn người. Nghĩ mà nhớ những ngày tháng xa xưa. Tôi chả quên được dĩ vãng nhiều kỷ niệm ấy.
Rồi một con chuột già đi ngang qua, thấy yên tĩnh lạ thường, nó dừng lại đôi ngày rồi khám phá ra cái không gian chẳng bóng người qua lại này. Sau cùng, nó vô cùng thích thú chọn nơi đây làm quê hương dưỡng già, ngủ ngon giấc. Yên tĩnh lắm. Con chuột ấy thế mà tinh khôn. Nó chui vào đây ở thảnh thơi cho đến ngày biết sắp qua đời, nó nhường lại khu vực êm ả cho hai con chuột nhắt.
Hai con chuột nhắt nói chuyện lúc nãy mới dọn vào đây đấy. Chúng còn ngỡ ngàng lắm. Thôi, bây giờ tôi kể tiếp về hai con chuột nhắt nói với nhau:
- Ừa, tao nghĩ nơi đây sẽ yên tĩnh và chúng ta sẽ ngủ ngon!
- Sẽ không bị bước chân người quấy phá như ở ngoài đời!
Hai con chuột nhắt cười đùa khoái chí. Chúng đố nhau:
- Đố mày chúng ta sẽ được yên tĩnh bao lâu? Một tuần? Một tháng? Hay một năm thì lại có người vào đây?
Con chuột nhỏ hơn trầm ngâm một chút rồi gục gặc cái đầu. Nó không trả lời mà đối lại con kia bằng câu đố khác:
- Đố mày ai là kẻ đầu tiên vào đây phá giấc ngủ chúng ta? Người hay lại là gã mèo già tìm nơi yên để ngủ?
* * *
Ngày... tháng....năm....
Đã lâu không có ai vào đây, nhưng một mùa Chay nọ, câu chuyện xảy ra.
Người thanh niên ngồi dưới cuối nhà thờ lâu lắm. Người ấy đến đây mấy lần, chỉ ngồi trong nhà thờ thôi, không vào đây. Tôi là tòa giải tội lâu ngày không có người vào. Tôi cầu nguyện, tôi xin cho có một người vào đây với Chúa đi. Cây thánh giá treo trên tường cũng bụi bám, vắng thật vắng. Tôi cầu nguyện nhiều, và sau cùng, tôi thấy anh ta từ từ bỏ ghế ngồi đi lên. Lòng tôi hồi hộp cầu nguyện thêm, tôi xin cho anh đừng bỏ cuộc. Rồi, người thanh niên đến gần, ngó vào tòa giải tội, ngại ngùng. Tôi lại lấy hết tâm hồn cầu nguyện cho anh. Dáng đi của người thanh niên vất vả, có ai kéo anh lại? Tôi cầu nguyện thêm, cầu nguyện thêm. Sau cùng, người thanh niên giơ tay đẩy nhẹ cánh cửa, bước vào.
Tôi là tòa giải tội ở đây qua bao nhiêu thế hệ, gần trăm năm nay rồi còn gì, từ thế hệ cha ông của những người trong họ đạo này cơ mà. Như tôi viết ở trên, tôi chứng kiến rất nhiều thăng trầm của cuộc đời. Nhất là nhìn thấy không biết bao nhiêu biến cố lạ lùng đã xảy ra. Trong góc nhỏ nhà thờ này mà chứa không biết bao nhiêu phép lạ. Vì những phép lạ ấy rất hạnh phúc, rất riêng tư nên người ta muốn giữ kỷ niệm đó cho riêng mình, ít người nói ra.
Người thanh niên nói với Chúa:
- Lạy Chúa, mỗi lần đến với Chúa qua tòa giải tội này là đời con được tái sinh, con hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, sao con vẫn cứ ngại ngùng hả Chúa?
Trên bóng thánh giá, Chúa nhìn người thanh niên trả lời:
- Con ạ, ma quỷ rất sợ tòa giải tội. Nơi đây là trận chiến thảm bại nhất của nó. Con có kinh nghiệm mỗi lần đến với Cha rồi ra về, lòng con vui hơn, cuộc đời nhẹ thênh thang, nhưng con vẫn ngại vì ma quỷ không muốn buông tha một người đang trên đường thuộc về nó. Lúc nào con ngại tòa giải tội là lúc ma quỷ gần con nhất. Nó đang giữ chân con lại. Chính lúc đó là lúc con lại cần tòa giải tội hơn lúc nào hết.
- Thưa Chúa, Chúa biết mọi tội con rồi sao con lại còn phải đến đây, sao Chúa không tha cho con đi?
- Con rất yêu quý của Cha, con hiểu lầm tình yêu của Cha trong tòa giải tội này rồi. Lòng của Cha luôn bao dung. Con không nhớ trước khi người con hoang đàng trong Phúc Âm trở về thì cha nó đã mong chờ nó rồi sao? Mong nó về là tha thứ hết rồi. Cha nó có hỏi tội nó đâu? Trước khi con đến đây, ngay khi con phạm tội, hôm đó lòng Cha buồn khôn tả. Con phạm tội xong, con bước đi u buồn lững thững, con giấu diếm Cha, con giấu diếm người chung quanh. Cha thấy thương con quá đỗi. Cha tha cho con ngay hôm đó rồi.
Người thanh niên im lặng lắng nghe. Anh trầm ngâm suy nghĩ. Một phút tĩnh mịch trôi qua. Lòng nhà thờ có con chim sẻ kêu chim chíp. Chúa thấy người thanh niên im lặng, Ngài nói tiếp:
- Cha chán tội, Cha không muốn nghĩ đến tội. Cha chỉ nghĩ đến tình thương và sự đau khổ. Cha thấy con lầm lũi đi, con không dám nhìn trời, con giấu diếm Cha. Con rước lễ mà lòng con chán ngán. Cha biết con đau khổ. Cha nghĩ đến khổ đau trong con. Con ạ, con là con của Cha.
Chúa mới nói tới đó thì người thanh niên cúi xuống tay ghế quỳ chảy nước mắt. Con chim sẻ bay ngơ ngác với tiếng kêu nhiêm nhiếp. Trong dòng nước mắt, người thanh niên cố nói như muốn trách Chúa thêm:
- Thế sao con lại phải đến đây?
- Con yêu quý, như con thấy, chỉ khi nào người con hoang đàng trở về nhà thì nó mới có ăn. Nếu không về, nó chết đói bên bầy heo. Cho dù người cha tha lâu rồi, nhưng không về nó vẫn chết vì đói. Sự tha thứ đã được ban ra, nhưng để lãnh nhận con phải giơ tay. Nhà cha có cơm gạo nhưng con sẽ đói nếu không ăn. Con hiểu ý của Cha không?
Cũng như chiều nay, khi con ngồi trầm ngâm trong nhà thờ, Cha thấy con, Cha thấy rõ con. Cha tha cho con lâu rồi. Cha tha cho con ngay khi con bước đi buồn bã vì tội trong con. Cha thương và Cha tha ngay.
Trong tiếng xót xa, người thanh niên hỏi Chúa:
- Cha tha mà sao lòng con cứ bối rối hoang vu?
- Con ạ, con không thể cảm nghiệm được tình thương của Cha cho đến khi con giơ tay lãnh nhận. Huyền diệu của tình yêu là chỉ khi nào người kia lãnh nhận thì tình yêu ấy mới thật sự thành tình yêu. Sự cao cả của tình yêu là tự do nên tình yêu không bao giờ đến từ một chiều. Khác biệt huyền diệu của tình yêu và sự thù ghét là sự tự do ấy. Khi thù ghét, người ta dùng bạo lực bắt người kia đau khổ. Tình yêu thì không, phải có người nhận tình yêu mới là tình yêu. Tình yêu cho đi mà không người nhận, tình yêu lại trở về với người đã trao ban. Người con hoang đàng không trở về sẽ không cảm nghiệm được sự tha thứ, không cảm nghiệm được tình thương của cha. Cho dù người cha có đẩy tình thương và sự tha thứ đi tìm kiếm nó, cũng sẽ không gặp nó.
Người thanh niên lắng nghe, quỳ im lặng. Tôi là tòa giải tội. Mỗi lần xảy ra như thế, lòng tôi hạnh phúc xót xa. Trong tôi có vui lẫn bùi ngùi. Trong xót xa có cái tiếc nuối, có thương tội nghiệp, có thật thà. Tôi mong có người đến với tòa giải tội là thế. Nơi ấy giữa Chúa và người ta gặp nhau cách kỳ diệu nhiệm mầu. Rồi người ta ra về với một trời mới, đất mới. Cỏ cây xanh tươi. Nắng chan hòa ấm cúng trong lòng người. Cứ mỗi lần chứng kiến như thế, đời tôi cũng hạnh phúc vô cùng. Vì thế, tôi cứ muốn làm tòa giải tội ở đây, dù cả tháng chỉ có vài người tới, tôi vẫn cứ muốn ở đây. Tôi lắng nghe tiếp Chúa và người thanh niên đang nói chuyện:
- Con đến tòa giải tội không phải tìm sự tha thứ mà để cảm nghiệm sự tha thứ. Cũng như người con hoang đàng, không phải về để cha tha, mà để cảm nghiệm sự tha thứ và được sống.
Ngày con phạm tội, con ơi, con bước đi u buồn, con không dám nhìn Cha. Trên thập giá, Cha nhìn xuống tội nghiệp con. Về phần Cha, Cha luôn tha thứ cho con. Cha đẩy sự tha thứ đi kiếm tìm con. Nhưng để cảm nghiệm tình yêu ấy vào trong hồn con, lại tùy ở con có về để lãnh nhận hay không.
Con yêu dấu, khi con đến tòa giải tội giơ tay lãnh nhận, tình yêu là ơn cứu độ trên bàn tay mang dấu đinh ở cây thánh giá này đổ xuống tay con.
Cha quý ơn sủng của Cha vì bàn tay Cha rất đau, nên khi cho ai ơn sủng ấy Cha nhớ người đó mãi. Con có thể quên ngày hôm nay, cũng như con đã quên những lần xưng tội trước vì khi lãnh nhận con chỉ giơ tay. Tay con không đau như tay Cha. Còn Cha, Cha không thể quên con vì tay Cha đã rất đau đớn với ân sủng này.
Con ơi, khi cho người nào ân sủng ấy, Cha nhớ người đó.
Con chim sẻ lại bay. Nó ngơ ngác như muốn tìm một đường bay nào đó mà không rõ. Tiếng kêu chim chíp vang trong lòng nhà thờ vắng. Người thanh niên vẫn cúi đầu, nói với Chúa:
- Lạy Cha, xin thương xót con. Xin cho con cảm nghiệm được tình thương của Cha.
Chúa nhìn người thanh niên, chậm rãi nâng bàn tay rất đau đớn, ôm người thanh niên. Người thanh niên cúi đầu lãnh nhận. Tôi thấy mắt người thanh niên rướm lệ. Còn tôi, chiếc tòa giải tội gỗ, tôi lại chứng kiến một trời mới và một mùa xuân thiêng liêng mới đang nở trong lòng nhà thờ.
Nguyễn Tầm Thường (Đoản Khúc 74)

Sunday, February 18, 2007

Tâm sự loài Heo

Khi nói đến Heo, người ta thường nghĩ ngay đến chúng tôi là con vật có bốn chân cẳng, ăn ở không sạch sẽ, ăn xong tiêu hóa thải phân ra hàng đống to lớn ngay tại chuồng xông mùi hôi thối ô nhiễm môi trường, con vật béo phì, nhiều mỡ màng, cứng đờ nhiều lông lá, một con vật sung sướng chỉ ăn với nằm ngủ, một con vật ăn tạp đủ mọi thứ bằng mồm mõm, và có tuổi đời sống không đầy một năm là bị lên án rồi.
Chúng tôi loài heo có hai loại: loại nuôi trong nhà mang lại lợi nhuận kinh tế cao và loại heo hoang dã sống trong rừng. Cả hai loại đều ăn thịt được. Hình thể loài Heo chúng tôi tuy mang tiếng là phéo phì, nhưng lại cân đối đấy. Chúng tôi có mõm dài đàng trước và có đuôi ở đàng sau, nên khi vẽ phác họa một chú Heo rất dễ đơn giản.
Và người ta cũng lấy Heo chúng tôi, cùng với cách sống của chúng tôi làm biểu tượng hình ảnh, nhất là về phương diện đạo đức luân lý, cho sự sống theo ý thích bừa bãi đồi bại. Một hình ảnh ví von theo nghĩa xấu ngụ ý khinh chê chửi rủa!
Nhưng loài heo cũng là loài vật sinh sản con cái sai mắn hằng năm. Một con heo nái hằng năm sinh sản chừng 15 heo con. Có heo con mới heo thịt, heo nái làm giống.
Loài heo nuôi mau lớn, chỉ trong khoảng năm sáu tháng là heo lớn mập to nặng đủ cân tạ bán được rồi. Càng ngày người ta phát triển thành nền công nghệ nuôi sản xuất heo hàng loạt.
Cũng với đà tiến bộ của khoa học, người ta thử nghiệm phát triển loài Heo chúng tôi theo phương pháp nhân tạo, sao cho giống Heo tốt không bị bệnh, mau lớn ít mỡ. Tất cả để đáp ứng nhu cầu thị trường kinh tế ngày càng cao có nhiều đòi hỏi về thức ăn cho ngon, cho sang đẹp.
Một nguồn lợi kinh tế không chỉ cho gia đình, cho hãng xưởng nông trại mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia đất nước nữa.
Một nguồn thức ăn không chỉ riêng cho một vùng, một đất nước mà cho cả thị trường xuất cảng nữa.
Ngày nay đâu đâu cũng cần có, cũng bán thịt heo làm thức ăn. Thịt heo vừa dễ nấu, vừa ngon lại vừa gía phải chăng. Không dùng thịt heo thì dùng thịt nào đây?
Như thế, thịt heo hữu ích nhiều cho đời sống con người. Với tiến bộ khoa học bắt đầu từ giữa thế kỷ 20. người ta đã nghiên cứu cấy trồng giống heo sao cho ít mỡ, có nhiều thịt nạc. Nên giống heo bây giờ có ít hơn 50% lượng mỡ, có 16 rẻ sườn thay vì 12 rẻ sườn. Ngay thịt bụng của heo cũng phát triển sinh nhiều nạc hơn mỡ.
Dẫu vậy thịt heo mà không có mỡ sẽ khô bã không ngậy ngon. Khi chọn mua thịt heo, người ta thích miếng thịt có nhiều nạc nhưng cũng phải có mỡ dính kèm theo.
Thịt heo được phân loại ra nhiều phần tùy theo cách thức nấu món ăn của nhà bếp. Như thịt đùi dùng để luộc nấu giả làm thịt chó. Chân heo dùng nấu bún bò Huế. Thịt chân heo ít mở luộc ăn ngon dòn. Cỗ Lòng heo cũng là món ăn ngon miệng dùng nhậu chén hay cho nồi cháo; Đầu heo, Tai heo dùng để xào giò thủ, ngâm dấm làm dưa rất ngon dòn; Da heo cũng là một món ăn trộn pha với thịt nạc làm nem, chạo; Sườn heo nướng hay chiên thơm ngon.
Thịt nạc vai, thịt Thăn của heo thường dùng làm nem, giò, chả, thịt xá xíu, nấu thịt đông, thịt hộp, làm ruốc sấy khô. Thịt Heo quay ăn với bánh hỏi hay với bún rất đúng hợp khẩu vị và có vẻ sang trọng nữa... Tùy theo cách thức nấu nướng, người ta chế biến thịt heo theo nhiều công thức làm thức ăn tùy theo khẩu vị, theo phong tục tập quán của từng dân tộc, từng quốc gia đất nước.
Cũng theo tục lệ cưới hỏi bên Việtnam, người ta thường đem đến làm lễ cưới sính hỏi, một con heo quay chín vàng còn nguyên con nằm trên một mâm khay trông rất đẹp mắt. Điều này cũng muốn nói lên điều may mắn hạnh phúc.
Thay vì nuôi heo sống sau một vài tháng bán có tiền, người ta cũng đúc nung con heo bằng đất, bằng sành, rồi mỗi ngày hay mỗi tuần cất bỏ tiền còn dư vào đó. Sau một thời gian heo đất đầy no, đổ ra có được một số tiền tiết kiệm để dành trong bụng heo đất. Đây là một cách nuôi heo bỏ ống gây vốn và cũng là cách sống tập tiết kiệm để dành trong cuộc sống.
Trong lịch sử niềm tin đạo giáo hình ảnh loài heo chúng tôi được nhìn theo nhiều khía cạnh gần như trái ngược khác nhau.
Thời xa xưa thượng cổ, người Ai Cập nhìn con heo là hình ảnh biểu tượng của mặt trăng. Nên họ giết heo vào những ngày có trăng.
Ở bên Syria con heo là con vật thánh, dùng để tế nữ Thần sự sinh sôi nẩy nở Astarte.
Trái lại theo Do Thái giáo và Hồi Giáo cùng những vùng bên Trung Đông, heo là con vật dơ bẩn kinh tởm. Vì thế người ta không được phép ăn thịt heo.
Trong Kinh Thánh Cựu ước con heo cũng là con vật dơ bẩn: „con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế.“ ( Levi 11,7; Dân số 14,8).
Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh con heo để nói về con người có lối sống không trong sạch, không có kỷ luật phạm sự thánh:"Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.“ ( Mt 7,6).
Hình ảnh người con đi hoang phải đi chăn heo sinh sống, nói lên cảnh cùng cực và sự xấu hổ lớn lao phải chịu của một con người ( Lc 15,15).
Trong nghệ thuật Kitô giáo, loài Heo chúng tôi được diễn tả bằng hình hay bằng chữ viết gần như chỉ về sự xấu xa tội lỗi.
Trong dân gian người ta đem loài Heo chúng tôi ra để ví von với ngụ ý chửi rủa:„ ngu như lợn!“
"Bẩn như heo!“ "chỉ biết ăn no lại nằm như heo!“.
Nhưng họ cũng dùng loài Heo chúng tôi để nói về may mắn tự nhiên tới mà không phải làm gì, như „ có số sướng như Heo!“, và người Đức có câu ngạn ngữ ví von „ Schwein gehabt !“
Trong dân gian có câu ca dao ví von:
“Trông mặt mà bắt hình dong,
Con Lợn có béo thì lòng mới ngon.”
Người ta cũng nói: loài heo chúng tôi có mõm dài chũi ủi đất cát hất ra đằng trước. Đó cũng là hình ảnh của sự tiến bộ khai phá. Và như thế mang đến hạnh phúc.
Có lẽ vì thế, nhiều nơi người ta nấu món thịt heo ăn vào ngày 01.01. hằng năm, để cầu sự may mắn cho năm đó!
Cũng theo phong tục tập quán bên Á Đông, người ta chọn loài heo chúng tôi làm hình ảnh biểu tượng cho một năm. Trong số 12 con vật biểu tượng cho năm luân phiên đứng làm chủ năm đó, loài Heo chúng tôi là con vật biểu tượng thứ mười hai.
Con số mười hai là số nói về điều gì mang lại hạnh phúc. Trong vũ trụ, một năm chia ra làm mười hai tháng theo vòng quay mặt trời. Một ngày chia ra làm hai chu kỳ: ngày có mười hai tiếng và đêm cũng có mười hai tiếng đồng hồ. Năm nay, vào ngày 17.02.2007, bắt đầu tới lượt vòng loài Heo chúng tôi xuất hiện như vai chính trên sân khấu thời gian năm Âm lịch với tên Đinh Hợi.
Loài Heo chúng tôi là lòai thú vật cũng được Đấng Tạo Hóa dựng nên trong công trình sáng tạo của Ngài cho trần gian như bao loài tạo vật khác.
Nếu không lầm, Thiên Chúa đã tạo dựng loài gia súc, loài dã thú, trong đó có loài Heo cùng vào ngày sáng tạo thứ sáu trước khi Ngài tạo dựng nên con người như cao điểm của công trình sáng tạo, cũng trong ngày hôm đó. (Sáng thế 1,24-31). Chúng tôi không biết gì nhiều hơn nữa.
Và đã là tạo vật do Ngài tạo dựng trong thiên nhiên, chắc Ngài phải có một chương trình nào đó cho loài Heo chúng tôi.
Chúng tôi tin và hy vọng như vậy!
Chúc mừng Năm Mới Đinh Hợi!
Lm. Nguyễn ngọc Long

THỜI ĐIỂM ĐÓN LỘC TRỜI

Tin Vui Ngày Tết
Hái Lộc Đầu Xuân
Ngày Tết người mình mặc đồ mới, ăn nói cư xử như một người mới đầy tình người, đi hái lộc để nhận ơn từ trời, và trở thành chính sức sống mới mẻ tinh khôi này:
"Ai ở trong Đức Kitô thì được tái tạo mới hẳn. Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã thành sự đây rồi." (2Cor 5:17)
Dịp đầu năm ai mà chả mơ ước và chúc nhau được sống phúc lộc thọ. Nhưng làm thế nào để những ước mơ đó thành sự thực hay chỉ là đầu môi chót lưỡi cho qua đi, như Trần Tế Xương đã từng mỉa mai khi nghe người ta chúc Tết: Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau...! Cả một xã hội bon chen chôm chỉa làm giầu, đo giá trị một người bằng đồng lương, muốn trở thành giầu có thật quả là một điều đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn!
ĐIỀM THỜI ĐẠI
Mới đây Gerald Celente, giám đốc Viện Nghiên Cứu về Đà Bước của người thời đại, trung tâm nằm ở Rhinebeck, New York, cho biết rằng năm những năm tới, con người sẽ trải qua những khắc khoải lo sợ và thất vọng khi bước vào thiên niên kỷ mới.
Một số dấu chỉ mới lạ như lời tiên báo sẽ xẩy ra:
- Ảnh hưởng văn hóa Tây Ban Nha Nam Mỹ sẽ rất mạnh và thấy rõ tại Hoa Kỳ, chen chân với dòng ảnh hưởng “Ăng-lê” từ trước tới nay vẫn chế ngự nước này và đang tạo sức ép toàn cầu hóa theo một khuôn mẫu có sẵn.
- Người ta sẽ tự chọn lối sống giản đơn, tìm hạnh phúc chân thực qua nếp sống điều độ, tự kỷ và tinh thần hơn là lối sống thừa mứa vật chất làm buồn nôn hiện tại.
- Nhiều người tìm về thiên nhiên hòa hợp vạn vật, hơn là lo thu mình lại sống quá ích kỷ chỉ còn biết có mình, làm cho đời sống mỗi ngày mỗi nghèo nàn ra!
Con người tái khám phá ra cuộc đời đã sẵn giầu sang rồi, sức sống sung mãn đã nằm sẵn trong vạn vật, chứ đâu phải những hăm hở kiếm tìm mệt nhọc của loài người như hiện nay. Chỉ cần dừng chân ngắm nhìn: một cọng cỏ, một bông hoa, một cái cầu, một cái ghế, ngôi nhà đang ở, xem ra tầm thường và nhàm chán, bỗng khám phá ra những lạ lùng. Vì một cành lá cũng đang biểu hiện sức sống của cả vũ trụ. Mà vũ trụ thì giàu có, tại sao lại cứ phải sống nghèo nàn ăn mày ăn xin những đồ phế thải cuộc đời.
Khám phá ra được như vậy thì cuộc sống trở nên giầu có sung túc biết bao. Ngay ở vườn đàng sau và ngay trong nhà mình đã có nhiều triệu rồi, cả một kho tàng quí giá đang chờ được khám phá. Chỉ cần bừng mở con mắt: nguồn phú túc đang hiển hiện trước mặt mà Chúa Trời Đất đã bày biện ra.
TIẾT LIỆU CÁCH SỐNG GIẦU SANG
Ngày Tết, người Việt có nghi lễ bánh dầy bánh chưng, do tích truyện hoàng tử Tiết Liệu. Đó là bí quyết sống đời hoàng vương sang giầu.
Sau khi đã đánh thắng phá được giặc Ân bên Tầu sang xâm chiếm nước ta, trong nước được thái bình, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con, liền họp tất cả các hoàng tử lại mà tuyên bố rằng:
“Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta, là đến cuối năm, tìm được thức ăn vừa ngon vừa quí, để dâng cúng tổ tiên cho tròn đạo Hiếu”.
Thế là các công tử lên đường đi khắp mọi nơi. Người thì đi lên rừng, người thì đi xuống biển, ra sức tìm cho được thức ăn gì lạ nhất, quí nhất, ngon nhất, mong sẽ được truyền ngôi làm vua.
Duy chỉ có người con thứ chín là Lang Liêu, vừa nghèo kém vừa cô thế, không biết xoay xở làm sao được. Nhưng chàng lại rất có hiếu, muốn làm vừa lòng vua cha. Vì vậy chàng suy nghĩ ngày đêm ăn ngủ không yên.
Bỗng một hôm nằm ngủ, trong giấc mơ chàng thấy một vị thần linh đến mách bảo:
“Trong trời đất không có gì quí hơn gạo, vì gạo nuôi sống con người, mà ăn mãi vẫn không chán. Như thế còn gì quí hơn được nữa. Vậy con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn tượng trưng cho trời, và làm bánh hình vuông tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, có ý nói ơn trời đất sinh dưỡng muôn loài. Như thế thì lòng vua sẽ vui, và chắc thế nào cũng được truyền ngôi làm vua.”
Lang Liêu thức dậy mừng lắm, tự nhủ:
“Đã có thần linh giúp ta, vậy ta cứ theo đó mà làm.”
Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông tượng trưng cho đất, bỏ nhân vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại làm một cái bánh hình tròn để tượng trưng cho trời, gọi là bánh dầy.
Đúng kỳ hạn, các công tử đều đến trưng bày phẩm vật, dâng vua không thiếu một thức gì. Duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn và bánh vuông đến dâng. Vua Hùng lấy làm lạ mới hỏi cho biết, thì Lang Liêu trình bày như lời vị thần linh chỉ bảo. Nhà vua liền nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, mà lại thật ý nghĩa, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Nhà vua khen ngợi rồi chấm cho Lang Liêu giải nhất và được nối ngôi làm vua.
Năm hết, nhà vua dùng bánh ấy dâng lên tổ tiên. Thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, và lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liệu.
TIN VUI GỬI NGƯỜI TÌM PHÚC LỘC THỌ
Chúa Giêsu đã bắt đầu loan báo Tin Vui bằng một câu như tóm lược tất cả: “Nước Trời đã gần bên. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1:14)
Vì thế mà Chúa bảo đừng lo lắng. Vì "Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho." (Mt 6:32-33)
Nước Trời là vườn hạnh phúc đang ở ngay đây, nơi có Chúa hiện diện. Bánh chưng và bánh dầy thật dễ làm, gạo, nhân đậu và lá gói có thể kiếm ngay ở trong nhà, ở ngoài vườn, không phải đi tìm mãi xa xôi. Bí quyết để sống đời hoàng vương sang giầu và hạnh phúc luôn nằm sẵn trong tầm tay, có thể tu luyện ngay trong cuộc sống thường ngày. Vườn hạnh phúc sống hoàng vương đang ở trong tầm tay. Ngay lúc này, ở đây. Tiết Liệu đã được ơn trên soi sáng để thấy được điều đó mà được nối ngôi làm vua.
Truyện thiêng Tiết Liệu cũng muốn gửi người thời đại này một điều thật đơn giản: hạnh phúc đang trong tay bạn, ở ngay vườn đàng sau, trong nhà bạn, trong lòng bạn. Có cần gì phải miệt mài đi tìm bí quyết hạnh phúc ở mãi trên rừng dưới biển gì đâu đâu như những hoàng tử khác. Hạnh phúc đâu có khó tìm quá vậy?! Bạn có thể sống đời hoàng vương sang giầu. Là Con của vua Trời Đất mà không sang giầu nữa thì thôi.
PHÚT CẢM NHẬN
Vâng, lạy Chúa, nhiều điềm thời đại cho con thấy con người đang có những thay đổi sâu xa trong thiên niên kỷ thứa ba này. Dấu rõ nhất là tìm về lối sống giản đơn nhưng thật giầu có mà Chúa đã trao ban sẵn, có phải kiếm chác bon chen nhiều đâu. Con bỗng thấy được nước hạnh phúc đã gần bên, chỉ cần thay đổi con mắt nhìn và lối sống. Con xin mở rộng tâm hồn con trong năm mới để đón nhận bao ân huệ giầu sang, như thi hào Hàn Mặc Tử trong những lúc trăn trở khốn cùng bỗng được mở mắt nhìn thấy niềm vui thật đơn giản gần kề, khi khám phá ra quà tặng quí báu đang bày ra trước mắt:
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giầu sang hơn Thượng Đế...
Trái cây bằng ngọc, vỏ bằng gấm
Và mặt trời kia tựa khối vàng...
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc.
Lm. Trần Cao Tường (Tin Vui Thời Điểm)