Wednesday, December 20, 2006

Vài nét về thành phố Bethlehem nơi Ngôi Hai xuống thế làm người

Bethlehem, hay Bêlem (Tiếng Ả rập بيت لحم, Tiếng Hêbrơ: בית לחם, Tiếng Hy Lạp: Βηθλεέμ) có nghĩa là ‘nhà bánh’, là một thành phố nằm ở Tây Ngạn sông Jordan, cách Giêrusalem 10 km về phía Nam. Thành phố Bethlehem nằm ở độ cao 765 m trên mặt biển, tức là cao hơn Giêrusalem 30m.

Bêlem là thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với Kitô Giáo vì đây chính là nơi Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Đây cũng là nơi cộng đoàn Công Giáo tại Thánh Địa tập trung đông đảo nhất. Thành phố này cũng có ý nghĩa đối với Do Thái Giáo vì ở ngoại ô thành phố có mộ bà Rachel, là vợ ông Giacóp, người đã qua đời khi sinh BenGiamin.

Thành phố Bêlem cũng bao gồm hai thị trấn nhỏ là Beit Jala và Beit Sahour. Beit Jala là nơi tập trung các cơ sở giáo dục Kitô Giáo như trường thần học Chính Thống Giáo Nga, chủng viện Công Giáo Nghi Lễ La Tinh, trường đại học Talitha Kumi của Tin Lành Luther. Beit Sahour là nơi theo truyền thống Thiên Thần đã hiện ra báo cho các mục đồng Chúa đã xuống thế làm người.


Trung tâm của thành phố Bêlem là nhà thờ Giáng Sinh được đại đế Constantine (272-337) xây dựng vào năm 330 trên hang đá nơi Chúa giáng sinh. Đây có lẽ là ngôi nhà thờ cổ nhất trên thế giới mà vẫn còn tồn tại cho đến nay. Gần đó, là trường Đại Học Bethlehem của Giáo Hội Công Giáo.


Thành phố Bêlem trong Thánh Kinh:

Thành phố Bêlem thuộc miền Giuđa, đầu tiên được gọi là Ephrath (St 35:16, 19; 48:7; Ruth 4:11). Nó cũng còn được gọi là Bethlehem Ephratah (Micah 5:2), Bethlehemjudah (1 Sm. 17:12), và "thành vua David" (Lc 2:4).


Thánh Kinh nhắc đến thành phố này lần đầu như là nơi chôn cất bà Rachel "Phần cha, khi từ Pátđan về, cha đã mất bà Rachel, trong đất Canaan, khi còn cách Épratha một quãng đường; cha đã chôn người tại đó, trên đường đi Épratha, tức là Bêlem" (St 48:7)


Đây cũng là bối cảnh cuộc trở về của bà Naomi và con dâu của bà là bà Rút "Thế là từ cánh đồng Môáp, bà Naomi trở về cùng với con dâu người Môáp là Rút. Họ đã đến Bêlem vào đầu mùa gặt lúa mạch" (R 1:22).


Bêlem là nơi sinh của vua Đavít, vị vua thứ hai của Israel, và cũng là nơi nhà vua đã được tiên tri Samuel xức dầu tấn phong Ông Samuen làm điều ĐỨC CHÚA đã phán; ông đến Bêlem và các kỳ mục trong thành run sợ ra đón ông. Họ nói: ‘Ông đến có phải là để đem bình an không?’. Ông trả lời: ‘Bình an! Tôi tới đây là để dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA. Các ông hãy thanh tẩy mình và đến dự hy lễ với tôi’. Ông thanh tẩy ông Giesê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ.


Khi họ đến, ông thấy Êliáp, ông nghĩ: ‘Đúng rồi! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây! ‘ Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Samuen: ‘Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.’ Ông Giesê gọi Avinađáp và cho cậu đi qua trước mặt Samuen, nhưng ông Samuen nói: ‘Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.’ Ông Giesê cho Sama đi qua, nhưng ông Samuen nói: ‘Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.’ Ông Giesê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Samuen, nhưng ông Samuen nói với ông Giesê: ‘. ĐỨC CHÚA không chọn những người này.’


Rồi ông lại hỏi ông Giesê: ‘Các con ông có mặt đầy đủ chưa?’. Ông Giesê trả lời: ‘Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.’ Ông Samuen liền nói với ông Giesê: ‘Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.’Ông Giesê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Samuen: ‘Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó! ‘. Ông Samuen cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đavít từ ngày đó trở đi. Ông Samuen đứng dậy và đi Rama.


Bêlem cũng là nơi ba dũng sĩ đã liều mình lấy nước cho vua Đavít uống.
Ba người trong Nhóm Ba Mươi làm thành một tốp đi xuống và đến gặp vua Đavít ở hang Ađulam, vào mùa gặt. Một đạo quân Philitinh đóng trại ở thung lũng người Rapha. Vua Đavít bấy giờ đang ở nơi ẩn náu, còn người Philitinh bấy giờ đóng đồn ở Bêlem. Vua Đavít ước ao và nói: ‘Phải chi có ai cho ta uống nước lấy ở giếng tại cổng thành Bêlem!’. Ba dũng sĩ đã đột nhập trại Philitinh, lấy nước ở giếng tại cổng thành Bêlem, đưa về cho vua Đavít. Nhưng vua không muốn uống mà đổ nước ấy làm lễ rưới dâng ĐỨC CHÚA. Vua nói: ‘Xin ĐỨC CHÚA đừng để ta làm điều ấy! Đó là máu của những người đã liều mạng đi lấy! ‘ Vậy vua không muốn uống nước. Đó là việc ba dũng sĩ đã làm. (2 Sm 23:13-17).


Nhưng trên tất cả, Bêlem là nơi con Thiên Chúa đã giáng trần như Phúc Âm của Thánh Luca (Lc 2:4-20) đã tường thuật.


Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.


Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ‘Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ’. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:


"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."


Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: ‘Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.’ Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.


Bêlem thời La Mã và Byzantine:


Thành phố Bêlem đã bị tàn phá trong cuộc nổi dậy Bar Kokhba (132-135) và người La Mã đã xây một đền thờ để thờ thần Adonis ngay tại địa điểm nơi Chúa giáng sinh. Năm 326, bà Helena (248-329) mẹ đại đế Constantine, vị đại đế đầu tiên theo Kitô Giáo, đến viếng Bêlem và đã truyền xây nhà thờ Giáng Sinh tại địa điểm này.


Trong cuộc nổi dậy của người Samaritanô vào năm 529, Bêlem bị cướp phá và nhà thờ Giáng Sinh bị phá hủy. Tuy nhiên, đại đế Giustinô I truyền cho xây lại ngay.


Đến năm 619, thành phố Bêlem lại bị quân Hồi Giáo Ba Tư chiếm đóng nhưng may mắn là những người này không phá hủy đền thờ. Những người Ba Tư thấy trên các bức ảnh trong nhà thờ có hình Ba Vua là những hình thường thấy trên trang phục vua chúa Ba Tư nên đã không dám phá hủy nhà thờ.


Năm 637, khi Giêrusalem bị quân Hồi Giáo chiếm thì Caliph (người kế vị tiên tri Môhammét của Hồi Giáo) Umar ibn alKhattab đến thăm Bêlem và hứa giữ lại nhà thờ Giáng Sinh cho người Kitô Giáo.


Bêlem thời Thập Tự Quân:

Năm 1099, Thập Tự Quân Kitô Giáo giải phóng Bêlem khỏi tay người Hồi Giáo. Một tu viện được xây thêm ở phía Bắc nhà thờ Giáng Sinh. Bêlem phát triển mạnh trong thời này. Vào năm 1100, vua Baldwin I, vị vua đầu tiên của Vương Quốc Giêrusalem được tấn phong tại Bêlem và cùng năm đó Giáo Hội thiết lập Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh đầu tiên tại Bêlem.


Trong thập niên 1160, nhà thờ Giáng Sinh được trùng tu với những phù điêu trình bày các công đồng của Giáo Hội.


Chẳng may, đến năm 1187, tướng Hồi Giáo gốc người Kurd là Saladin tái chiếm Bêlem và trục xuất toàn bộ các giáo sĩ Công Giáo. Năm 1192, Saladin nhượng bộ và cho 2 linh mục và 2 phó tế Công Giáo đến coi sóc nhà thờ Giáng Sinh. Theo một hiệp ước, Bêlem lại được kiểm soát bởi Thập Tự Quân trong thời gian từ 1229 đến 1244. Tuy nhiên, đến năm 1250, khi Rukn al-Din Baibars lên cầm quyền, các giáo sĩ Công Giáo lại bị buộc trục xuất. Khi Rukn al-Din Baibars qua đời, tình hình đỡ tệ hại hơn. Đến năm 1347, các tu sĩ dòng Phanxicô đã có thể cư ngụ tại tu viện ở phía Bắc nhà thờ Giáng Sinh, dần dà cai quản cả hang đá và toàn bộ nhà thờ Giáng Sinh.


Bêlem thời Đế Quốc Ottoman:


Năm 1517, Đế Quốc Ottoman chiếm được Giêrusalem và xúi giục Chính Thống Giáo Hy Lạp tranh chấp việc quản trị nhà thờ Giáng Sinh với Giáo Hội Công Giáo.


Từ năm 1831 đến năm 1841, toàn vùng Palestine rơi vào trong tay của tiểu vương Ai Cập Muhammad Ali. Trong thời gian này một trận động đất lớn xảy ra nhưng may mắn nhà thờ Giáng Sinh không bị thiệt hại.


Năm 1841, Bêlem lại rơi vào tay Đế Quốc Ottoman lần nữa và giữ nguyên tình trạng này cho đến hết cuộc thế chiến thứ nhất trước khi được người Anh quản trị.


Trong suốt thời kỳ Đế Quốc Ottoman cai trị Bêlem, các tu sĩ dòng Phanxicô bị các giáo sĩ Chính Thống Giáo lấn dần chỉ còn giữ được tu viện và một phần nhà thờ Giáng Sinh.


Bêlem thời Cận Đại:

Nghị quyết năm 1947 của Liên Hiệp Quốc xếp Bêlem vào khu vực quản trị đặc biệt của Liên Hiệp Quốc chung với Giêrusalem. Tuy nhiên năm 1948, Jordan chiếm Bêlem trong cuộc chiến với Do Thái. Trong cuộc chiến này làn sóng người tản cư ập vào Bêlem đã làm thay đổi sâu xa cấu trúc dân cư tại đây. Từ một thành phố đa số dân là Kitô Giáo, Bêlem biến dần thành một thành phố Hồi Giáo!


Jordan chiếm giữ thành phố này cho đến năm 1967 khi quân Do Thái tái chiếm cùng với toàn bộ vùng Tây Ngạn. Trong suốt thời gian này, người ta chứng kiến cảnh người Kitô hữu lũ lượt ra đi và người Hồi Giáo ùn ùn kéo tới.


Ngày 21/12/1995, Bêlem trở thành một phần lãnh thổ dưới sự kiểm soát hoàn toàn của của nhà nước Palestine. Giờ đây, Bêlem có 40,000 dân. Trong đó, Kitô hữu chỉ chiếm 12%. Tuy nhiên, theo các công ước quốc tế, thị trưởng Bêlem phải là người Kitô hữu và người Kitô Giáo phải chiếm đa số trong Hội Đồng Thành Phố.


Biến cố bi thảm gần đây nhất xảy ra hồi tháng Tư năm 2002. Từ tháng Ba đến tháng Tư 2002, Do Thái mở cuộc hành quân “Lá Chắn Tự Vệ” tại khu vực Tây Ngạn với dụng ý “nhổ tận gốc các thành phần vũ trang khủng bố” Palestine. Ngày 1/4/2002, xe tăng Do Thái vây Bêlem. Sáng ngày 2/4, 200 người Palestine vũ trang chạy trốn cuộc truy kích của Do Thái đã chạy vào nhà thờ Giáng Sinh. Quân Do Thái vây nhà thờ trong 39 ngày. Trong thời gian này, Do Thái đã bắn sẻ giết chết 9 người bên trong nhà thờ và làm nhiều người bị thương.


Theo các dàn xếp quốc tế, ngày 9/5, 26 người rời khỏi nhà thờ tiến ra quảng trường Máng Cỏ. Tại đây họ được Hoa Kỳ hộ tống đưa về khu vực dải Gaza sau khi đã chịu để quân Do Thái phỏng vấn. Ngày 10/5, 13 người được đưa ra xe buýt chở đến phi trường Ben Gurion bên ngoài Tel Aviv. Từ đây họ được phi cơ của quân đội Anh chở sang đảo Cyprus. Cũng trong ngày 10/5, những chiến binh khác của Palestine, trong đó, phần đông là cảnh sát Palestine đã được trả tự do sau khi bỏ súng đầu hàng.


Đặng Tự Do (VietCatholicNews)

No comments: