Bàn tay nào đáng hôn
hơn bàn tay của MẸ
giọng nói nào dễ nghe
hơn tiếng MẸ ầu ơ.
Ðố em biết tự bao giờ,
trái tim MẸ rộng hơn bờ đại dương.
Dù cho bão tố bốn phương,
cũng không lay nổi tình thương MẸ hiền.
Mẹ cho em ngủ bình yên,
cho em sức mạnh dong thuyền ra khơi,
cho em giữ mãi nụ cười,
dù trong giông tố hay trời tối đêm.
Mẹ là ánh sáng dịu êm,
đưa thuyền em tới tận miền bình an.
Linh mục Nguyễn Công Đoan được thi hứng những vần thơ trên từ quan hệ Mẫu- tử thiêng liêng nhất trong dung mạo của Đức Maria! Mồ côi mẹ từ thuở lọt lòng, hơn ai hết chính linh mục tác giả đã vượt qua bão tố bốn phương bằng tình thương của Đức Maria và tình thương ấy được hâm nóng lên hôm nay một cảm nghiệm sâu sắc hiền dịu nhất về Mẹ như biển rộng của tình thương.
Ai trong đời cũng có mẹ. Đã sinh ra đời ắt phải có mẹ. Nhưng có những người được sống với mẹ và nhiều người phải sống thiếu mẹ. Có những người được sống trong tình thương của mẹ, nhưng có những người sống xa rời tình thương ấy.
Những người được sống trong tình thương của mẹ thì phải cảm nghiệm được một điều thế gian chẳng dễ kiếm tìm, đó là cảm nghiệm mình được yêu thương. Những người từng ngày lớn lên trong tình thương của mẹ cũng sẽ phải kinh nghiệm một điều mà dòng đời khó lòng trao tặng, đó là kinh nghiệm được tha thứ đỡ nâng.
Phúc âm Luca tường thuật nỗi lo đau đáu của Mẹ Maria khi lạc mất Đức Giêsu cho thấy tâm lòng của người mẹ luôn âu lo thổn thức về con.
Xem phim “Cuộc Thương khó của Đức Kitô,” đoạn Đức Maria đến bên Đức Giêsu khi Mẹ thấy Con vác thập giá nhọc ngã đã có nhiều người bật khóc khi ống kính chiếu xen cảnh hồi ức cậu bé Giêsu chạy nhanh vấp ngã được mẹ Maria ào tới đỡ và ôm vào lòng.
Đọc Kinh Thánh, nghe cụ già Si-mê-on nói tiên tri (Luca 2, 33-35) mới thấy được lòng Mẹ bao la dù biết tương lai hậu vận cậu Con duy nhất sẽ bị chống báng lên án và chính bản thân Mẹ sẽ “bị lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” vẫn một mực tin yêu phó thác.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh kinh nghiệm được “tai nạn lớn đã xảy ra” khi cảm giác mất mẹ. Ông tường thuật kỉ niệm trên đất Kinh Đô Nhật Bản khi có người tặng bông hoa trắng, dấu của kẻ sống trên đời không còn mẹ, mới thấu hiểu “thân phận trẻ mồ côi”.
Có mẹ là có tất cả. Bởi mẹ là suối nguồn yêu thương
cho con khôn lớn nên người,
cho con ân nghĩa mặn nồng thâm sâu.
Kính nhớ ngày của mẹ là tưởng nhớ không chỉ ơn nghĩa sinh thành mà còn là nhắc nhớ đoan hứa sống đời yêu thương. Yêu mẹ không chỉ là bổn phận mà là còn là quyền lợi. Quyền yêu và được yêu. Ai đã từng trải thói yêu ở đời mới thấy giá trị tự do trong tình yêu của mẹ.
Thánh ca nhà đạo có bài than thở “Mẹ yêu, con yêu Mẹ nói sao cho vừa” âu cũng là tình yêu đáp trả. Vì mẹ yêu ta nên ta thương mẹ. Thế nhưng tình mẫu- tử là tình độc nhất chẳng cần báo đền.
Mẹ yêu ta tự nhiên như nắng sớm mưa chiều nào có mong tình con đáp trả! Ta có yêu mẹ thì cũng chỉ là đong đếm báo đền.
Mừng ngày của mẹ như ca khúc Biển rộng tình thương không chỉ là mừng với bó hoa câu chúc nhưng còn là cảm nghiệm tình thương của mẹ như
Mẹ là ánh sáng dịu êm,
đưa thuyền em tới tận miền bình an.
Mừng ngày của mẹ, hiền mẫu, là biết lấy gì cảm mến chi bằng dâng lên lời tụng ca nguyện chúc:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa sống trong đời cũng đã từng có Mẹ. Mẹ Chúa cũng là mẹ của con, nhưng mẹ của chúng con lại cũng là con cái Chúa.Ước chi nguyện chúc mẹ luôn được Chúa nâng niu phù trì để mẹ luôn song bước bên connhư hình với bóng trong khuôn mẫu của Đức Maria thâm sâu thầm kín luôn dõi theo từng bước con thơ từ lâm bồn vất vả khổ đau cho đến ngày Con yêu lâm tử cứu đời. Xin cho các bà mẹ, hiền như từ mẫu yêu thương như biển trời lai láng cho con học biết nên người cho con khôn lớn dạt dào yêu thương.
Vũ,S.J. (Theo DONGHANH Org)
No comments:
Post a Comment