Monday, January 01, 2007

LỜI SỐNG Tháng Giêng 2007

Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đon, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tình. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Epphata”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm
việc gì cũng tốt đẹp cả: làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mác-cô 7:37)


“Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả: cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được” (Mác-cô 7:37)
Đang khi Đức Giêsu đi đường, người ta dẫn đến cho Người một người vừa điếc vừa ngọng và Người nói lên: “Effatà”, nghĩa là “Hãy mở ra” để chữa anh. Thấy việc đó, dân chúng kinh ngạc cùng vui mừng la lên:
“Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả: cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”
Những vìệc lạ Đức Giêsu làm nói lên tình thương của Người đối với những kẻ Người gặp trên đường. Đó cũng là những “dấu” chỉ về thế giới mới Người đã đến để thiết lập. Việc chữa người câm điếc là dấu chỉ Đức Giêsu đã đến để ban cho ta một khả năng mới để hiểu biết cùng nói năng.
“Effatà” là lời cũng được nói lên với chúng ta khi nhận phép Rửa.
“Effatà”: và Người mở ra để ta nghe Lời Chúa, ngõ hầu ta để cho Lời ấy thấm nhập vào nơi mình.
“Effatà” là lời Người mời gọi ta mở ra để lắng nghe tất cả những kẻ mà Người đồng hoá với mình: đó là mỗi con người, nhất là những kẻ bé mọn, những người nghèo, người thiếu thốn, và tạo nên một cuộc đối thoại yêu thương với tất cả mọi người, cuộc đối thoại đi đến chỗ chia sẻ kinh nghiệm về Tin mừng của mình.
Cảm tạ Đức Giêsu về những gì Người tiếp tục làm nơi mình, chúng ta nói lên, như đám đông thời đó rằng:
“Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả: cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”
Làm sao ta thực hành Lời này?
Bằng cách đập tan cái “điếc” của mình và làm im đi những tiếng động bên trong cùng chung quanh ta, chúng ngăn cản ta nghe tiếng Thiên Chúa, tiếng lương tâm, tiếng của anh chị em ta.
Từ nhiều nơi chúng ta nghe được những yêu cầu thường ngầm hiểu là xin trợ giúp: đó là một em bé đòi sự chú ý, một cặp vợ chồng gặp khó khăn, một người đau yếu, một người già nua, một người tù cần trợ giúp. Chúng ta nghe tiếng kêu gào của những công dân xin cho họ một thành phố nơi có thể sống được, tiếng kêu gào của những công nhân đòi công bằng hơn, tiếng kếu gào của cả một dân tộc không được quyền hiện hữu... Bị hàng ngàn chú ý cùng hấp dẫn quấy nhiễu, thường cái tai của tâm hồn ta không để ý đến những người chung quanh mình. Hoặc vì quá lo lắng đến những nhu cầu của mình, ta có thể giả điếc không nghe gì.
Lời Sống đòi ta phải “lắng nghe” để cùng với người khác nhận lấy những bận tâm cùng những khó khăn, cũng như chia sẻ những niềm vui cùng những chờ đợi, trong tình liên đới ta tìm lại được. Lời Sống mời gọi ta đừng “câm” miệng, mà can đảm nói lên: để chia sẻ những kinh nghiệm cùng những xác tín sâu xa nhất; để can thiệp bênh vực người không có tiếng nói; để tác động hoà giải; để đưa ra những ý tưởng, những giải pháp, những kế hoạch... mới.
Và khi cảm tưởng mình không đương đầu nổi với những cảnh huống làm ta cảm thấy mình thấp kém, thì một niềm chắc chắn sẽ nâng đỡ ta: đó là Đức Giêsu, Đấng đã mở mắt và miêng ta:
“Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả: cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”
Đó là kinh nghiệm của chị Lucy Shara ở Nam Phi châu. Khi cùng với gia đình rời đến thành phố Durban, chị đã phải đương đầu với cuộc sống tại một thành phố lớn và bắt đầu một việc làm mới, với trách nhiệm. Lúc đó là những năm dưới chế độ phân biệt chủng tộc và một phụ nữ Phi châu giữ những chỗ điều khiển là điều hiếm hoi.
Một hôm chị nhận thấy giữa những công nhân đang lan tràn một thứ bệnh suyễn nặng, do điều kiện làm việc tồi tệ gây nên. Nhiều công nhân bất thình lình biến mất hay vắng mặt trong nhiều tháng. Chị nói với ông phó giám đốc điều đó và đề nghị một giải pháp là đặt một máy tốt để lọc khí nơi làm việc. Đó là một chi phí nặng và hãng từ chối.
Là người tìm cách sống Lời Chúa từ lâu, chị Lucy đã tìm được ở đó sức mạnh cùng ánh sáng cho mình. Chị cảm thấy nơi mình như một ngọn lửa đem lại cho chị lòng can đảm, giữ cho chị bình tĩnh trong mọi cuộc điều đình và đặt chị trong thái độ lắng nghe thành thực ý kiến của ban giám đốc. Chị kể “Đến một lúc những lời nói đúng lúc nở trên miệng tôi để bênh vực những người không có tiếng nói. Tôi đã làm cho người ta hiểu rằng giá ban đầu phải trả sẽ được giảm bớt nhờ những điều kiện sức khoẻ của các công nhân được tốt hơn, họ không còn bó buộc phải vắng mặt vì bệnh tật nữa.
Những lời của chị là những lời thuyết phục người khác. Hãng gắn máy lọc khí, bệnh suyễn giảm từ 12% xuống 2% và tình trạng vắng mặt cũng giảm. Ban giám đốc cám ơn chị, và tặng chi cả số tiền thưởng thêm vào tiền lương. Niềm vui chuyền đi giữa các công nhân và tại nhà máy người ta thở một “bầu khí” mới theo tất cả mọi nghĩa!
Chiara Lubich, Lm. JB Vượng, chuyển ngữ

No comments: