Sunday, December 24, 2006

NIỀM VUI CHO ĐI

Tôi có thằng cháu nội năm nay chưa đầy 5 tuổi rưỡi nhưng có cách suy nghĩ và nói năng nhiều khi làm tôi phải ngạc nhiên. Chẳng hạn cháu hỏi Santa Claus có “real” không? Hoặc Santa Claus to lớn như vậy làm sao có thể chui qua lỗ “chimney” để đem quà đến cho trẻ nhỏ? Cắc cớ hơn cháu còn thắc mắc rằng trước ngày Christmas có lần cháu là “bad boy” mà sao Santa Claus vẫn cho quà?
Có người bảo rằng ở Mỹ trẻ nhỏ được chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ lại được nuôi dưỡng bằng thức ăn đầy đủ dinh dưỡng nên đứa trẻ nào cũng thông minh. Có người lại nói chẳng cứ gì ở Mỹ, trẻ con của thế kỷ 21 dù ở nước nào cũng thông minh lanh lợi hơn hẳn các thế hệ cha, ông của chúng.
Tôi không có trong tay bản nghiên cứu hay thống kê nào về vấn đề này nên chẳng biết ý kiến nào đúng hơn. Nhưng tôi biết chắc chắn trẻ con ngày nay quá khôn. Nhiều khi chúng đối đáp hay là cách suy nghĩ, cách hành sử của chúng khiến đôi khi thấy khó tin nếu không có lần đã tận mắt chứng kiến hay là chính tai nghe chúng nói.
Thằng cháu của tôi đúng ra năm ngoái phải được gửi đi “preschool” nhưng vì bố mẹ cháu sơ ý không ghi tên kịp thời khiến cháu không được nhận vì lớp đã đầy đủ học sinh. Điều này đã khiến tôi lo ngại, chỉ sợ không được đi “preschool” tới lúc đi học cháu sẽ bỡ ngỡ hay còn có thể không theo kịp bạn.
Quả thật điều tôi lo ngại đã có phần đúng. Vào đầu năm học vừa rồi khi gần đến ngày di học bỗng dưng cháu thoái thác, không muốn đến trường dù trước đó rất háo hức, ngày nào cũng đòi đi học. Những ngày đầu đưa được cháu đến trường thật không dễ dàng chút nào. Sáng nào cũng phải dỗ dành, nói năng đủ lẽ cháu mới chịu lên xe nhưng khi đến nơi lại khóc lóc đòi về. Có lần khi đi gần đến lớp đột nhiên cháu bỏ chạy núp trong một lùm cây rồi ở lì trong đó. Nói sao cũng không chịu ra khỏi lùm cây cho đến lúc phải nhờ cô giáo can thiệp. Cô giáo Mỹ có lẽ lần đầu tiên thấy đứa học trò của mình trốn học bằng một kiểu cách có một không hai này đã phải phì cười.
Những ngày tiếp đó thì cháu không còn trốn tránh nữa nhưng khi vào lớp không chịu nói năng hay tham gia bất cứ sinh hoạt nào với các bạn. Nghe vậy tôi vô cùng hoang mang chỉ sợ cháu cứ tiếp tục đối kháng kiểu đó thì không biết sẽ phải xử trí ra sao. Cũng may tình trạng đó kéo dài không lâu, sau khoảng hơn 2 tuần lễ thì sự việc đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi sáng cháu vui vẻ đến trường và khi gần đến lớp còn giục mẹ đi về vì chỗ này là chỗ của “kids”, người lớn không được vào. Bây giờ thì cháu thấy đi học “fun” hơn ở nhà cho nên mới nghỉ ở nhà vài ngày đã than “bore”, cứ hỏi chừng nào mới được đi học lại.
Từ khi thích nghi được với môi trường mới, cháu tỏ ratiến bộ nhanh chóng về mọi mặt trước sự ngạc nhiên của cô giáo. Ngày nào đi học về cháu cũng kể chuyện ở trường, nào là được cô giáo khen, nào là hôm nay được làm “leader”, được ngồi “special chair”, rồi ngày nào trường cho ăn món gì, món nào ngon món nào dở cháu đều đem ra kể vanh vách.
Truớc kia cháu rụt rè bao nhiêu thì bây giờ dạn dĩ bấy nhiêu. Trước kia cháu tiêu cực bao nhiêu thì bây giờ tỏ ra tích cực và ham thích hoạt động bấy nhiêu. Dịp Halloween vừa qua cô giáo khuyến khích học sinh tham gia vào việc từ thiện bằng cách giao cho mỗi học sinh một chiếc hộp nhỏ để khi đi xin kẹo thì cũng xin tiền để giúp người nghèo. Tối hôm Halloween, vào lúc những đứa trẻ khác tuôn ra đường đi xin kẹo, cháu cũng đòi người lớn dẫn đi nhưng chỉ mang theo chiếc hộp cô giáo giao cho. Khi được nhắc nhở đem theo giỏ đựng kẹo thì cháu nói cháu không cần kẹo, chỉ cần đi xin tiền cho người nghèo thôi. Thế rồi mỗi khi ghé vào nhà ai “trick or treat”, thay vì đưa giỏ ra để nhận kẹo, cháu đưa chiếc hộp ra xin tiền. Thấy một đứa bé ham thích việc từ thiện, không ai nỡ từ chối. Đi xin tiền nhưng ai cho tiền giấy lại không nhận, chỉ xin những đồng “coins” mà thôi. Sáng hôm sau cháu hớn hở đến trường và vừa thấy cô giáo cháu đã vội đem hộp tiền giao cho cô giáo có vẻ mãn nguyện lắm.
Cháu kể có một đứa bạn ăn khỏe lắm, nó ăn hết phần ăn mang theo vẫn không đủ no nên cháu thường “share” cho bạn mỗi khi nhận phận ăn từ phòng ăn. Có một lần vào giờ tan học, vừa gặp mẹ, cháu làm ra vẻ bi mật hỏi “guess what” rồi tíu tít kể rằng hôm nay cháu đã nhường tất cả phần ăn trưa cho đứa bạn. Đứa bạn không đóng tiền ăn cho nhà trường, mỗi ngày phải tự mang theo đồ ăn nhưng hôm đó mẹ nó quên bỏ đồ ăn theo cho nó. Đến bữa ăn, khi mọi người ngồi ăn, nó không có gì ăn cứ ngồi nhìn người khác. Thấy tội nghiệp đứa bạn, cháu đã đưa tất cả phần ăn của mình cho bạn.
Khi bị chất vấn tại sao không giữ lại một ít cho mình, không ăn thì cũng phải uống sữa chứ sao lại đưa hết cho bạn. Biết mình sai cháu đã “chạy tội” bằng cách ôm choàng lấy mẹ, miệng giả lả “Come on. Con từ từ về nhà ăn cũng được còn bạn con không có gì ăn nó đói tội nghiệp nó. Nó ăn khỏe lắm mà mẹ”.
Tôi kể chuyện của thằng cháu nội chỉ vì thấy nó gần giống như một mẩu chuyện ở trong một bài suy niệm tôi đọc được trên internet. Nội dung mẩu chuyện đó như sau:Trong kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Pháp, một loại đại hội vốn thu hút giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới.
Trong kỳ Đại hội này có hàng trăm ngàn thanh thiếu niên từ khắp nơi đổ về Paris để được gặp gỡ ĐTC Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng được mệnh danh là vị Giáo hoàng của giới trẻ, được giới trẻ rất mực yêu mến.
Người ta kể rằng trên một chuyến xe điện ngầm đầy ắp hành khách thuộc giới trẻ, một cụ già ăn xin mù lòa cũng cố chen lấn lên toa tàu với con chó dẫn đường. Trên toa tàu cụ vừa đi vừa chìa cái đĩa nhôm để kêu gọi lòng từ tâm của người trẻ. Trong toa tàu rất ồn ào vì đông người nhưng người ta cũng nghe được những tiến kêu loảng xoảng của những đồng tiền cắc rơi vào đĩa.
Cùng lúc đó, đi ngược chiều với cụ già là một cô bé xanh xao gầy còm cũng ngửa nón xin mọi người bố thí. Khi hai nguời bất hạnh ấy đến gần nhau, cô bé tránh sang một bên nhường cho người hành khất mù lòa đi trước. Và rồi đầy kinh ngạc, các bạn trẻ ở gần đó đã không thể tin vào mắt mình khi thấy cô bé đổ hết số tiền của mình xin được vào cái đĩa nhôm của người hành khất mù lòa.
Cho đi cái mình đang cần, dưới cái nhìn của người đời, quả là một việc làm khờ dại, ngông cuồng hay chí ít cũng là không biết tính toán. Nhưng những người cho đi lại cảm thấy rất hạnh phúc - vốn là thứ phần thưởng dành cho những trái tim rộng mở -. Đối với những ai thực sự tin theo Chúa (chứ không phải tin nửa vời, chỉ tuân giữ khi lời Chúa không một mảy may đụng chạm đến quyền lợi của mình) thì cho đi không bao giờ là khờ dại vì đó chính là đường lối của Chúa khi Người đã chẳng tiếc ngay cả chính mạng sống của Người. Có nhiều người đợi cho đến khi nào giàu có, dư thừa mới làm từ thiện. Họ lý luận nghe ra cũng không phải là không hợp lý “ không có thì lấy đâu ra mà cho”. Nhưng với lòng tham vô đáy và với tính ích kỷ chỉ muốn vơ vào cho mình, khi có một người ta muốn mười, khi có mười lại muốn một trăm. Cứ như vậy thì chẳng bao giờ thấy đủ chứ đừng nói đến dư thừa.
(Viết trong những ngày thiên hạ tưng bừng mua sắm, thời gian buồn tủi nhất đối với những người nghèo khổ)
Lại Thế Lãng (Vietcatholic News)

No comments: