Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hội Thánh muốn chúng ta suy niệm câu việc Đức Mẹ được Chúa sai thiên thần truyền tin để đón nhận bào thai Giêsu, Thiên Chúa nhập thể làm ngườI (Lc 1, 26–38). Sở dĩ Hội Thánh suy niệm đoạn Kinh Thánh này là bởi trong lời chào của thiên thần có một xác tín quan trọng: “HỠI ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG, Đức Chúa ở cùng Bà… Bà đẹp lòng Thiên Chúa… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”. Chính trong những lời đầy xác tín ấy của vị có thế giá nơi tòa Thiên Chúa, khiến chúng ta nhận ra ngay chỗ đứng có một không hai của Đức Mẹ trong ơn được Chúa tuyển chọn và được Chúa gìn giữ suốt đời thanh sạch. Chính trong ý nghĩa của lời xác tín có một không hai ấy, Hội Thánh tin tưởng mạnh mẽ, Đức Mẹ đã được Chúa giải thoát khỏi mọi vướng mắc của vết tích tội lỗi ngay từ buổi đầu làm người.
Nói cách khác, bởi Đức Mẹ “tràn ngập ân sủng”, luôn “có Chúa ở cùng”, luôn “đẹp lòng Chúa”, luôn được ơn Chúa Thánh Thần giải thoát và thánh hóa, được bao phủ suốt đời nhờ quyền năng Chúa… Vì thế, suốt đời Đức Mẹ thoát khỏi lây nhiễm của tội, đặc biệt, được giải thoát khỏi tội tổ truyền.
Khi được giải thoát khỏi vết nhơ của tội, cung lòng Đức Mẹ trở thành cung điện cao sang, xứng đáng Con Thiên Chúa ngự vào. Cung lòng ấy trở thành ngai vàng chúa đựng Chúa trời làm người.
Tuy nhiên, vinh dự mà Đức Mẹ có, Đức Mẹ không muốn giữ lại riêng mình. Đức Mẹ muốn chúng ta cùng được tham dự vào vinh dự ấy. Vậy ta cần làm gì để tham dự vào vinh dự lớn lao của Đức Mẹ?
Chúng ta đang sống trong mùa Vọng. Tuần đầu tiên của mùa Vọng, chúng ta lại diễm phúc mừng lễ trọng, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Vì thế, ngay từ ngày đầu tiên của mùa Vọng, tôi thích nhìn ngắm mẫu gương sống của Đức Mẹ để được tham dự vào vinh dự mà Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Đức Mẹ có rất nhiều nhân đức để chúng ta học đòi bắt chước để nên thánh thiện. Nhưng gắn liền với ý nghĩa của mùa Vọng, chúng ta thấy mấy nhân đức sau đây nơi Đức Mẹ, cần cho việc sống mùa vọng của chúng ta:
1. ĐỨC MẸ HAM THÍCH CẦU NGUYỆN.
Dù Thánh Kinh không nói gì về thờI thơ ấu, cũng như năm tháng nép mình tại quê nhà của Mẹ Thiên Chúa, nhưng ta dám quả quyết rằng, đã là người, chắc chắn, Đức Mẹ không thiếu những vất vả và mọi lo toan, mọi nỗi niềm mà cuộc sống của một con người phải vươn mang.
Nhưng với một người đầy lòng yêu mến Chúa như Đức Mẹ, hơn nữa: một Thụ Tạo được tuyển chọn để làm Mẹ của Chúa Trời làm ngườI, chắc chắn, thân xác, thờI gian, sự sống, linh mồn của NgườI không dừng lạI ở những thực tại trần thế, mà không quy hướng về Chúa, tôn thờ Chúa và cầu nguyện, chuyện trò với Chúa.
Những bằng chứng Tin Mừng nói riêng, Kinh Thánh nói chung, như xác nhận cách hết sức rõ ràng cho lòng yêu mến sự cầu nguyện của Đức Mẹ.
Chẳng hạn, ngay khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong ngày truyền tin, Đức Mẹ đã cất lời tán dương Thiên Chúa, hớn hở trong Thiên Chúa, và cất cao lời ca ngợi kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình. Chính trong đời sống luôn ngập chìm bằng cầu nguyện, Đức Mẹ khám phá đến tận cùng, Chúa là Đấng giàu tình yêu thương xót. Khám phá đó, đã làm cho Đức Mẹ reo lên: Chúa đã đoái nhìn đến tôi, phận nữ tỳ của Chúa bằng một cái nhìn đầy tình thương xót.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống cho Hội Thánh, không chấm dứt việc Đức Mẹ chuyên cần cầu nguyện, nhưng càng làm phong phú và mở rộng chân trờI của việc cầu nguyện nơi Đức Mẹ (Cv 1, 14). Trong thinh lặng hoàn toàn của cõi lòng để thực sự sống đời cầu nguyện, Đức Mẹ đã cảm nhận, và còn hơn sự cảm nhận, Đức Mẹ đã thực sự đón nhận việc Chúa đến với mình, sai mình cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.
Với thái độ của một ngườI ham thích cầu nguyện, càng ngày càng làm cho Đức Mẹ hiểu rằng, cầu nguyện liên lỷ là một thái độ căn bản, một định hướng thường hằng, là biểu lộ của một niềm khao khát Chúa. Và niềm khao khát ấy càng liên lỷ, thì cầu nguyện càng được nhân lên.
Nơi Đức Mẹ, nhờ đời sống thinh lặng và chìm lắng trong cầu nguyện, đã làm cho Đức Mẹ sống đức tin một cách sâu sắc. Thần học nơi Đức Mẹ không phải những kiến thức về Chúa, mà là chính sự sống có Chúa, một vị Chúa tràn ngập tình yêu, ham thích chiếm ngự tâm hồn kẻ mình yêu, một vị Chúa trở nên gần gũi, một vị Chúa luôn luôn ở cùng.
II. ĐỨC MẸ TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI CHÚA CỨU THẾ.
Suy niệm những trang Thánh Kinh, nhất là những trang Tin Mừng liên quan đến vị trí của Đức Mẹ, ta nhận thấy một nét đẹp, nét mới mẻ nơi Đức Mẹ, đáng để ta học đòi, đó là sự tỉnh thức và chờ đợi Chúa của mình.
Như bao nhiêu người Cựu Ước cùng thời, tin tưởng lời Chúa hứa, qua lời loan báo từ các tổ phụ đến các tiên tri, Đức Mẹ chờ đợi Đấng Cứu Thế của trần gian. Lời cầu nguyện tha thiết của cả một dân tộc Thánh, của cả Sion: “TrờI cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội”, chắc chắn cũng là sự khắc khoải của Đức Mẹ. nếu chờ mong là phải tỉnh thức, thì nơi Đức Mẹ, càng khắc khoải trông đợi ngày cứu thế, Đức Mẹ càng tỉnh thức, càng chuẩn bị lòng mình chu đáo để Giavê thực hiện lời hứa cứu độ, điều mà Người đã hứa, và không ngừng lặp lại trong suốt dòng lịch sử.
Khi Chúa đến trần gian thực sự qua ngỏ cung lòng Đức Mẹ, Tin Mừng lại trình bày hình ảnh rất đẹp nơi Đức Mẹ, một người nữ tỉnh thức và trông đợi.
Sau biến cố truyền tin, rồi đón nhận Ngôi Lời nhập thể, không chỉ trong niềm tin, nhưng đã trở thành hiện thực nơi chính lòng dạ của mình, Đức Mẹ chờ đợi ngày Chúa giáng sinh.
Trong biến cố giáng sinh nghèo khó, đặt Thiên Chúa làm người, con của mình vào máng cỏ, chắc chắn hơn ai hết, Đức Mẹ cảm nghiệm đến vô cùng sự huyền nhiệm lạ lùng của thánh ý Thiên Chúa mà Đức Mẹ là người trước tiên phải suy tư, phải sống. Bởi luôn cưu mang và sống thánh ý Thiên Chúa trong đời mình, Đức Mẹ trở thành người của sự tỉnh thức. Bởi chỉ có tỉnh thức và chờ đợi như thế, Đức Mẹ mới dần dà hiểu và khám phá từng buớc ý Chúa đưa dẫn mình đi vào huyền nhiệm cứu độ của Người.
Vẫn chưa hết những biến cố mà Chúa thực hiện trong cuộc đời Đức Mẹ, khiến Đức Mẹ luôn tỉnh thức và chờ đợi. Chẳng hạn, sau ngày Chúa Giáng Sinh, trên đường chạy nạn và ẩn trốn trên đất Aicập, Đức Mẹ chờ đợi ngày về lại quê hương. Năm tháng, cùng con, cũng chính là Thiên Chúa của mình sống ẩn dật, nghèo hèn, cùng với việc đợi chờ sự trưởng thành về mặt con người của Người Con ấy, Đức Mẹ càng suy tư, càng thêm tỉnh thức trong sự chờ đợi quyền năng cứu độ lớn lao mà Người Con ấy thực hiện theo những gì Thiên Chúa mạc khải trên suốt dòng lịch sử ngỏ cho toàn dân.
Ơn cứu độ bắt đầu hé mở cùng với sự ra đi loan báo Tin Mừng bình an, Tin Mừng giải thoát những “người nghèo của Thiên Chúa”, chắc chắn đã làm cho Đức Mẹ vui mừng. Trong nỗi vui mừng, Đức Mẹ đã tin rằng, Người Con của mình đã thực sự là Đấng Cứu Độ, là chính Ơn Cứu Độ từ ngàn xưa của Thiên Chúa, nay đang dần thành hiện thực.
Người Nữ của sự tỉnh thức và chờ đợi ấy, lại cứ tiếp tục được Chúa đưa đi từ hết huyền nhiệm này đến huyền nhiệm khác. Dõi theo Con trên đường truyền giáo, Đức Mẹ chờ đợi những điều tốt đẹp cho Con. Nhất là cho cả nhân loại, khi nhờ Tin Mừng được loan báo, họ thực sự được giải thoát.
Khi Người Con Một dấu yêu của mình bước vào cuộc thương khó, chịu tử nạn, một lần nữa, Đức Mẹ được mời gọi tiến vào huyền nhiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà nơi đó, Đức Mẹ được diễm phúc hiệp công bằng sự tử đạo cùng với Con bên chân thánh giá. Hơn bao giờ, biến cố thánh giá mà Đức Mẹ tham dự vào, càng làm cho Đức Mẹ phải tỉnh thức nhiều hơn. Bởi chỉ có thế, mới có thể giúp Đức Mẹ can đảm chấp nhận ý Chúa trong đau thương, sỉ nhục tột cùng của nỗi đau thập giá.
Nhìn Con chết trên đồi Tử Nạn, đức tin của cả một đời tỉnh thức và cầu nguyện, tiếp tục đưa Đức Mẹ tiến sâu hơn vào huyền nhiệm thánh ý Chúa. Đó cũng chính là huyền nhiệm của thế giới lòng yêu mến, cậy trông, phó thác cho thánh ý Chúa. Nó giúp Đức Mẹ vững tin và chờ đợi ngày Con mình bừng lên trong sức sống mới, sức sống phục sinh tuôn trào trên cả nhân loại.
Tiếp tục hành trình tỉnh thức và chờ đợi, Đức Mẹ lại đi vào huyền nhiệm mới, đầy hân hoan: huyền nhiệm của ngày Con Một phục sinh. Chúa mời gọi Đức Mẹ sống biến cố phục sinh, để như Chúa đi trọn con đường trần thế, tiến vào vinh quang vĩnh phúc, Đức Mẹ cũng sẽ tiên phong trên hết, và trước hết mọi thụ tạo, được mời gọi chờ đợi ngày giải thoát khỏi mọi vướng bận trần thế, thừa hưởng gia nghiệp, chia sẻ vinh quang thiên quốc với Con mình.
Rồi khi Chúa về trời, Đức Mẹ lại tiếp tục thành mẫu gương sống của chúng ta, trong tỉnh thức và chờ đợi điều Người Con Một của Đức Mẹ đã hứa: ơn Chúa Thánh Thần. Được nhìn thấy tường tận ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống tiên khởi, Đức Mẹ lại cùng cả Hội Thánh chờ đợi sự lan rộng của Nước Chúa nơi trần thế, tiến vào trong mỗi tâm hồn con người, làm cho triều đại của Người Con Một hằng trị đến khắp trần gian.
Ngày nay, trên thiên quốc, Đức Mẹ vẫn không quên chuyển lời cầu bàu, và luôn phù hộ đoàn con dưới thế. Đoàn con đó chính là Hội Thánh đã thực sự lan rộng như điều Đức Mẹ hằng chờ đợi. Đức Mẹ vẫn dõi mắt theo đoàn con và mong ngày sum họp, để Hội Thánh mà Đức Mẹ vẫn luôn yểm trợ, sẽ cùng Đức Mẹ sống vĩnh phúc nơi quê hương bình an.
Qua tất cả những biến cố thăng trầm trong cuộc đời, trong niềm tin, lòng yêu mến Chúa, suốt đời Đức Mẹ là một bài học lớn lao cho ta về sự tỉnh thức và chờ đợi. Hãy cùng Đức Mẹ, ta tiếp tục sống mùa vọng 2006 này. Hơn thế, trong khi chờ đợi ngày cứu độ toàn thể mà Chúa dành cho ta, thì cuộc sống trần thế của ta cũng chính là một mùa Vọng. Vậy ta cũng hãy sống mùa Vọng cuộc đời mình rập theo khuôn mẫu mà Đức Mẹ đã sống, để như Đức Mẹ, khi hoàn thành mùa vọng cuộc đời, ta sẽ hạnh phúc thừa hưởng vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những tôi tớ trung thành của Người.
----------
Như Đức Mẹ, chúng ta bước vào đời sống cầu nguyện liên lỉ và tỉnh thức không bao giờ ngơi, để trong sự chờ đợi khi còn ở trần gian, ta hoàn thành phận của người lữ hành cách hết sức, hết khả năng, hết nghị lực có thể.
Nếu Đức Mẹ đã xuất sắc hoàn thành đời mình trong tinh thần ham thích cầu nguyện, trong tinh thần tỉnh thức và chờ đợi luôn luôn nơi tình yêu quan phòng của Chúa, thì đó cũng chính là bài học Chúa dạy chúng ta bằng chính cuộc đời của Đức Mẹ.
Mùa Vọng mời gọi ta sống mãnh liệt thân phận của mình, một thân phận bất toàn, dang dở. Sống mãnh liệt thân phận của mình, giúp ta sử dụng hết mức, vươn tới hết mức, tha thiết hết mức, và sống hết mức tất cả những gì Chúa ban, tất cả những gì là lợi thế của ta trên đường tiến về thiêng liêng.
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng là lúc ta sống mùa Vọng. Hãy nhìn lên Đức Mẹ mà tin vào tình yêu của Chúa. Chúa đã “nhìn đến phận hèn Tớ Nữ Chúa”, Chúa cũng dành cho ta tình yêu lớn lao vô cùng như thế. Chúa giải thoát Đức Mẹ khỏi lây nhiễm của vết nhơ tội lỗi. Chúa sẽ làm cho ta tinh tuyền như Đức Mẹ. Phần ta, đừng quên để Chúa chiếm ngự mình bằng việc hoàn thành mùa vọng cuộc đời trong sự cầu nguyện liên lỉ và luôn tỉnh thức đợi chờ ơn Chúa cứu độ như Đức Mẹ đã từng sống và đã thành công.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
(Bán Nguyệt San CHUNG NHAN DUC KITO Số 60, Chúa Nhật 10.12.2006)
Sunday, December 10, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment