Tuesday, December 12, 2006

Con đường nào ta đi?

Mỗi tháng hàng ngàn người chết vì tai nạn trên những con đường. Con số đó vẫn tiếp tục gia tăng, cả về số lượng lẫn kiểu tai nạn. Nhiều chỉ thị được ban hành từ cấp chính phủ cho đến cấp địa phương.
Nhiều tiền bạc đã được đổ ra để mua sắm xe, máy bắn tốc độ... Nhiều lái xe đã bỏ nghề vì bị thu bằng lái... Thế nhưng, vấn đề xem ra vẫn không được cải thiện, không thấy có chiều hướng tốt hơn. Vì sao? Ách tắc ở chỗ nào?
Con đường: để giao thông hay giao tiếp?
- Đường Trường Sơn chưa làm xong, vài trăm điểm dân cư đã áp sát vào.
- Tất cả các cung đường quốc lộ vòng tránh qua các thành phố, thị trấn, thị xã... dần dần đều đã được đặt bảng báo hiệu là đường nội thị, nội thành.
1. Lằn đường đang đi thẳng đột nhiên bị lạc vào tuyến phải rẽ trái2. Lằn ranh phân định tuyến rẽ trái, phải là đường kẻ liên tục, tuyệt đối không được vượt qua 3. Đèn tín hiệu rẽ trái phải đặt ngay trên tuyến rẽ, vị trí này không quan sát được
- Các khu dân cư bám dọc theo quốc lộ trải dài ra mỗi ngày. Với 300km, tuyến đường Sài Gòn - Đà Lạt chỉ còn chừng 15% đường là không đi qua các khu dân cư. Các khoảng trống hiếm hoi này chủ yếu ở vị trí các đèo như đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, đèo Prenn... Quốc lộ 5 Gia Lâm - Hải Phòng được xem như một tấm thảm đỏ, là cánh cổng mời gọi các nhà đầu tư công nghiệp đến Hưng Yên, Hải Dương... và một tấm thảm đỏ tương tự như thế với giá hơn 10.000 tỉ đồng nay mai sẽ được trải song song!
- Nhà đầu tư làm đường tính toán chuyện thu phí; chính quyền địa phương tính toán chuyện phân lô bán đất; dân chúng cắm dùi xí chỗ mở hàng quán, nhà nghỉ; các PMU của Bộ Giao thông vận tải có việc làm... Ai cũng có phần, ai cũng có cách thu lợi từ mặt tiền con đường tạo ra... Và cái mặt tiền đường trở thành mối quan tâm hàng đầu và làm người ta quên mất cái mục đích chính và tự thân của mỗi con đường là nhằm để giao thông chứ không phải để giao tiếp!
Quốc lộ là phương tiện và tài sản cấp quốc gia, nhưng dường như được các cấp địa phương xem như là một thứ phúc lợi của riêng, tùy nghi sử dụng và khai thác bởi cho rằng quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ... lộ nào chẳng là lộ!
Phát triển đường sá hay phát triển giao thông?
Đây là con đường nội thành của TP Biên Hòa, nơi các máy bắn tốc độ được thu hồi vốn rất nhanh!
Những năm qua, nhiều con đường đã được đầu tư xây dựng theo nhiều cấp độ khác nhau từ trung ương đến địa phương, tựu trung đều có mẫu số chung là vốn đầu tư thường được tính trên đơn vị ngàn tỉ đồng. Nhiều con đường thênh thang giữa các tỉnh lỵ như là hình ảnh biểu trưng đánh dấu một thời kỳ phát triển xán lạn.
Nhiều con đường ven biển thơ mộng, thơ mộng nhờ yên ả không có xe cộ làm ồn... Con đường trở thành những điểm nhấn quan trọng trong các báo cáo về tốc độ phát triển hạ tầng quốc gia. Thế nhưng, loại phát triển với vốn đầu tư khổng lồ này có được thật sự xem trọng về mục đích và ý nghĩa của nó ngay từ khâu thiết kế cho đến vận hành không?
- Ngay cửa ngõ Sài Gòn, chúng ta có một cung đường từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn rất hoành tráng, nhưng việc phân luồng, việc đặt các biển báo, đèn tín hiệu xem ra rất luộm thuộm và vi phạm nhiều nguyên tắc tổ chức giao thông tối thiểu. Ngày cũng như đêm, bao nhiêu là xe cộ phải dừng chờ đèn xanh trước con đường hầu như vắng tanh rẽ vào khu công nghệ cao...
- Hầu hết ranh giới khu dân cư với biển báo hạn chế tốc độ được đặt theo địa giới hành chính một cách máy móc và ngô nghê. Nhiều biển báo được đặt cách nơi thật sự có người ở hàng 6-7km. Cung đường thênh thang từ ngã ba Vũng Tàu đến Tam Hiệp được qui định là đường nội thị thành phố Biên Hòa. Tại Hố Nai, nơi cắm biển báo hết thành phố Biên Hòa, nhà cửa hai bên đường vẫn còn dày đặc...
- Hầu hết các đoạn đường đi qua các khu dân cư (có biển báo hẳn hoi) đều không có lấy một tấc vỉa hè. Khách bộ hành, trẻ em đến trường ngày hai bữa nắng mưa đều phải lội xuống lòng đường phó mặc cho sự may rủi.
- Các trạm thu phí phát hành vé với giá theo tải trọng tối đa, nhưng trên đường có vô số các cầu chỉ cho xe dưới 12 hoặc 14 tấn đi qua. Thế thì các xe tải nặng, xe kéo container đi đàng nào để khỏi vi phạm?
- Trên các con đường đèo dốc chật hẹp, lơ mơ là lọt bánh xe xuống mương thoát nước như chơi vì làm gì có lề chặn.
...
Hiệu quả sử dụng những con đường (giao thông thông suốt, đảm bảo tốc độ theo thiết kế...) chẳng được ai quan tâm. Các nhà quản lý giao thông công chính chỉ cần thủ sẵn một số biển hạn chế tốc độ, một số biển “Nơi đây thường xảy ra tai nạn”... để cần đâu thì cắm đó. Còn người dân nếu có nhu cầu thì cứ việc tiếp tục xây lên những chiếc miếu thờ... còn rất nhiều chỗ, lo gì!
Ai lo?
Còn lạ gì những cảnh như thế này ven các quốc lộ? (ảnh chụp tại Hố Nai - quốc lộ 1A và Phương Lâm - quốc lộ 20)
Những con đường luôn bị thắt cổ chai: chợ thường xuyên, chợ đột xuất tràn lên mặt đường. Gia súc nghênh ngang không cần biết đâu là mặt đường đâu là mặt ruộng. Hàng quán, quầy kệ, tủ sạp, bảng quảng cáo cứ nhích dần lên mặt đường. Chiếm hết nửa đường đám tang cứ rề rà đánh trống thổi kèn mặc kệ thiên hạ, rồi thì rải giấy trắng cả đường...
Thanh tra giao thông làm gì, cảnh sát giao thông làm gì? - Việc thông quan những con đường, dọn dẹp những chướng ngại gây nguy hiểm trên đường... dường như không phải là công việc của họ. Có lẽ Luật giao thông chỉ tồn tại trong ý nghĩ của họ là ghi cho được nhiều giấy phạt, bắn thủng cho nhiều tấm giấy phép lái xe... Còn việc đường bị lấn chiếm, việc làm sao giữ cho xe cộ lưu thông được nhanh chóng và an toàn là việc của trời và trời kêu ai thì nấy dạ thôi!
Một sĩ quan cảnh sát cấp sở tâm sự rất chân tình: Chính phủ chỉ thị các tỉnh phải bằng mọi cách hạn chế tai nạn giao thông; chủ tịch tỉnh chỉ thị xuống sở công an; sở công an triển khai xuống phòng CSGT; phòng CSGT lên kế hoạch mua sắm thêm phương tiện: xe pháo, máy bắn tốc độ đời mới..., lập thêm các đội tuần tra, tổ chức thêm các bộ phận xuống tận cấp huyện... và rồi sau cùng thì chỉ có cánh lái xe là lãnh đủ! Còn bảo vệ giao thông? - Giống như việc bảo vệ nhiều thứ khác: đó là nhiệm vụ của toàn dân! Ai không biết tự bảo vệ thì chết ráng chịu!
Phải làm sao?
Lộ giới là gì nhỉ? - Không phải là hàng hóa nhưng có thể mua được! (ảnh chụp trên xa lộ Hà Nội)
Nói một cách nào đó có khi bị gán cho cái tội là trứng mà đòi khôn hơn vịt, bao nhiêu là nhà nghiên cứu đầy kinh nghiệm, đầy học vị ở bộ lại phải cần đến ai đó chỉ bảo phải làm thế này thế kia? - Biết làm sao được!
Cần phải nhận thức đầy đủ rằng:
- Tiền đầu tư vào giao thông là tiền mồ hôi nước mắt, là chén cơm manh áo của người dân. Chính phủ quyết tâm, dân chúng đồng tình đó là thuận lợi. Vấn đề là cần phải có những tiêu chí cụ thể để bảo đảm đầu tư có hiệu quả, nghĩa là giao thông phải thông suốt, tốc độ giao thông phải tăng, độ an toàn phải cao.
- Luật giao thông nhằm mục đích chính là bảo vệ giao thông, bảo vệ những con đường một cách triệt để.
- Định nghĩa rõ ràng thế nào là quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ..., mỗi một cấp đường kèm theo những điều kiện quản lý và sử dụng tương hợp. Thí dụ: quốc lộ là hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia chủ yếu phục vụ vận chuyển đường dài với tốc độ cao. Cho nên những phương tiện không thích hợp với tiêu chí trên như xe công nông, xe máy... cần có lộ trình cụ thể để chấm dứt việc xuất hiện các loại phương tiện đó trên quốc lộ. Việc đấu nối các thành phần giao thông khác hoặc các cấu trúc xã hội vào quốc lộ phải thỏa mãn những điều kiện cụ thể với giải pháp đã tiên liệu.
- Việc đầu tư làm mới những con đường phải cân nhắc, so sánh với việc nâng cao hiệu suất sử dụng những con đường đã làm. Nếu không trả lại được cho những con đường sẵn có hiệu quả sử dụng thật sự của nó thì xây dựng thêm những con đường mới là điều cần nên xem xét ít nhất trên khía cạnh động cơ thật sự của việc đầu tư này.
- Bộ Giao thông vận tải chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm về những con đường, ít nhất là các quốc lộ huyết mạch. Và cũng cần nhấn mạnh thêm: chịu trách nhiệm về quản lý và tổ chức giao thông là chính chứ không phải chỉ chăm lo cái tập đoàn xây dựng và các PMU của mình. Các bộ phải là cơ quan quản lý nhà nước thuần túy, nếu còn kèm theo là một tập đoàn kinh tế thì khó mà hi vọng được gì sẽ sáng sủa hơn!
Con đường nào ta đi? - Chắc chắn không phải trên con đường xô bồ loạn xị đầy rủi ro như hiện nay. Cần phải có những con đường minh bạch về thể chế trách nhiệm, và kiên quyết trước những sức ì cố hữu và những trở ngại không đáng có.
VÕ THÀNH LÂN _ TUỔITRẺ ONLINE

No comments: