Tuesday, December 12, 2006

Chuyện người thợ xây cưu mang 24 trẻ sơ sinh

Anh Tống Phước Phúc và vợ, chị Nguyễn Thị Lệ Yến chỉ có 2 con ruột nhưng lại nuôi tới 24 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trong 5 năm, anh còn tự tay chôn cất hơn 5000 hài nhi bất hạnh.
Vừa bước qua cánh cổng căn nhà 56/3 Phương Sài, Nha Trang, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là 4 chiếc nôi đang đều đều lắc lư. Chủ nhân của căn nhà, anh Tống Phước Phúc, nửa nằm nửa ngồi trên chiếc võng kế đó, một tay ôm đứa trẻ nhỏ xíu, một tay đều đều lắc nôi cho những đứa trẻ khác. Ngọn đèn tròn tỏa ánh sáng vàng ệch trên tiếng khóc của những đứa trẻ sơ sinh thèm sữa mẹ...

"Chọn việc thiện gì đó?"
Ngày vợ chồng anh chào đón đứa con đầu lòng không ngờ lại vất vả đến vậy. Chị Yến
chuyển dạ đến 2 ngày mà không sinh được. Phúc không biết làm gì hơn, chắp tay cầu nguyện: "Xin Chúa cho vợ con được mẹ tròn con vuông, con sẽ làm một việc thiện gì đó". Rồi cuối cùng, cậu con trai của anh, bé Tống Nguyễn Hoài Nam ra đời khỏe mạnh, kháu khỉnh. Việc chào đời gian truân của con trai, sự vật vã đau đớn trong cơn vượt cạn của người vợ ghi ấn tượng sâu sắc trong lòng anh Phúc.
Những ngày chờ vợ đẻ và chăm vợ con trong bệnh viện, Phúc còn chứng kiến nhiều người mẹ đến bệnh viện để bỏ đi giọt máu của mình, thậm chí nhiều đứa trẻ được sinh ra mạnh khỏe, xinh xắn cũng bị từ chối... Anh đau đáu một câu hỏi, những sinh linh bé bỏng kia sẽ về đâu? Về nhà ngay lập tức anh bắt đầu dành dụm từ cái nghề thợ xây của mình để làm "một việc thiện gì đó" mà trong lúc cùng quẫn Phúc cũng chưa kịp định hình. Cái việc thiện mà Phúc chọn thật chẳng giống ai: chôn cất các hài nhi. Công việc khởi đầu thật không hề dễ dàng vì nó quá kỳ cục đối với mọi người. Các bác sĩ và những người có trách nhiệm ban đầu không tin. Phúc luôn bị tra vấn "anh làm việc này để làm gì?". Sau khi từ tốn trình bày, anh được các bác sĩ chấp nhận với điều kiện phải làm cam kết và có lý lịch trích ngang, khai tất tật từ địa chỉ, số chứng minh thư, nghề nghiệp, vợ con, anh chị em... Từ đó, anh tìm đến các khoa phụ sản, thậm chí cả các cơ sở y tế tư nhân để giới thiệu mình và tìm kiếm những hài nhi đem về chôn cất. Phúc còn in danh thiếp, đem rải ở những "trọng điểm": cánh xe ôm đứng cổng bệnh viện, các bà hàng xén ngoài chợ tới những xóm lao động nghèo... Tấm danh thiếp được thiết kế đơn giản, trên là 2 chữ "Tín Thác" rồi tên, địa chỉ và số điện thoại của Phúc. Phúc cắt nghĩa, "tín thác" là ký thác trọn niềm tin, mà trước hết là cho con người, dù chỉ mới hoài thai...Và, ký thác tất thảy việc ta làm để có được niềm tin.

5 năm chôn cất 5000 sinh linh bất hạnh
Một lần, Phúc nhận được điện thoại của một người xe lái ôm quen: "Phúc ơi, có một cái thai bị mẹ nó đem vứt ở ngoài bãi biển. Đứa con gái đó vừa thuê anh chở về nhà trọ". Lập tức Phúc bảo: "Anh quay lại nhặt cái thai đó cho em đi, rồi tiền xăng xe, bồi dưỡng em chịu". Một lát sau anh xe ôm mang tới bọc nilon còn đỏ hỏn. Thây nhi chừng 3-4 tháng, được mai táng cẩn thận. Sau đó, Phúc tìm gặp lại người đã vứt bỏ cái thai, anh bị sốc khi đó chỉ là một cô bé học sinh đầu cấp III. Tính từ thời điểm chôn cất thây nhi đầu tiên (2001) đến nay, Phúc đã mai táng tới trên 5.000 trường hợp. Bây giờ, mỗi lần có người bỏ con là các bác sĩ lại gọi cho Phúc, thậm chí nhiều thân nhân của những sinh linh bé bỏng đó cũng tự tìm đến Phúc.
Anh mang cho chúng tôi xem một chồng ảnh. Có cái chụp một hình hài đỏ hỏn, lớn chưa bằng nắm tay, có thây nhi đã đầy đủ các bộ phận của cơ thể một con người! Với những trường hợp đã có hình hài, Phúc phân biệt rõ gái trai, đặt tên cho chúng. Tất cả đều mang họ Tống Phước của anh. Tự tay rửa ráy, tẩm liệm và chôn cất những hình hài nhỏ bé, anh nâng niu, trân trọng và thương cảm như một người cha.
Ban đầu, nghe phong thanh Phúc chôn cất trẻ sơ sinh, không ít người gán ngay cho anh biệt danh Phước "khùng". Kệ, Phúc cứ làm. Mọi chuyện không hề dễ dàng. Không dễ kiếm một miếng đất để mai táng, dù chỉ là một thây nhi mới chỉ lọt trong lòng bàn tay. Phúc nung nấu ý định kiếm một miếng đất riêng để thực hiện công việc này cho "xuôi chèo mát mái". Nhưng, cũng phải mất đến 3 năm, tới đầu năm 2004 thì anh mới sang được mảnh đất rộng 8.000m2 tại thôn Xuân Ngọc, núi Hòn Thơm, xã Vĩnh Lộc (Nha Trang). Cái nghĩa trang của anh đang làm lỡ dở thì chính quyền địa phương đến ngăn lại với lý do "xây dựng trái phép". Cũng thật khó cho anh khi xây cái gì không xây, lại đi xây nghĩa trang trẻ con, dù rằng địa điểm anh chọn là đất trên núi, toàn đá lởm chởm, không trồng trọt gì được. Một lý do khác: những thây nhi lớn thì được chính quyền công nhận, nhưng bào thai mới 1-2 tháng tuổi thì bị lập biên bản, ghi nhận là "phế phẩm bệnh viện", không được làm mộ chôn.
Đưa bà bầu về "báo cáo" vợ
Ngồi nói chuyện với anh Phúc, thỉnh thoảng tôi lại thấy thoáng bóng một bà bầu đi lại phía nhà trong. Thấy cái nhìn thắc mắc của tôi, anh nói nhỏ: có 4 bà bầu đang trú ở đây...
Cũng là trong một lần đến bệnh viện nhận thây nhi vô thừa nhận, Phúc tình cờ gặp một bà mẹ trẻ đang định bỏ con dù cái thai đang phát triển bình thường. Anh chợt nghĩ: Tại sao mình không cố gắng cứu sống đứa bé đó? Phúc bèn hỏi han, biết bà mẹ trẻ này ở xa đến Nha Trang làm nghề phụ hồ, tác giả bào thai đã "quất ngựa truy phong" từ khi biết tin. Thế là anh đưa bà bầu về nhà "báo cáo" vợ.
"Tôi cám ơn bà xã lắm, bả không những không cản mà còn hỗ trợ. Nói thật, nếu bả muốn, thì cánh cổng ra vào kia bả toàn quyền đóng được" - Phúc chân thành nói về vợ, chị Nguyễn Thị Lệ Yến. Nuôi trẻ nhỏ quả thực là việc cực kỳ khó khăn đối với một người đàn ông, đến sữa cho chúng cũng không có. Nhưng Phúc nghiến răng tự lo tất cả, dứt khoát không xin xỏ ai. Có xin là xin ở những sinh linh đã được anh chôn cất. Thỉnh thoảng, Phúc lần tới nơi nghĩa trang, khấn "các con hãy phù hộ, giúp bố lo cho các em con". Nhìn nhà Phúc đầy những trẻ con, đứa bé nằm trong nôi, đứa lớn chạy lăng xăng. Cả con ruột, con nhặt, trẻ con hàng xóm sang chơi... tôi chóng mặt hỏi anh: Giờ trong nhà anh nuôi tổng cộng bao nhiêu trẻ sơ sinh bị bỏ rơi? Người thợ xây lam lũ sinh năm 1967 lẩm nhẩm bấm đốt tay rồi nói: "Tổng cộng 24 đứa cả thảy". Phúc nuôi trẻ cho tới khi chúng bắt đầu cứng cáp thì giao cho các sơ một dòng tu ở Nha Trang nuôi dưỡng tiếp. Phúc vẫn luôn tin rằng: tình mẫu tử trong những bà mẹ trẻ đó, một ngày kia sẽ trỗi dậy và họ sẽ đến tìm lại con mình. Mỗi trường hợp được cưu mang, Phúc cũng ghi lại rất tỉ mỉ, bởi vì theo anh bất hạnh sẽ nhân đôi nếu không có sự cẩn thận này: "Lỡ sau này khi lớn lên, anh chị em nó lấy phải nhau". Mắt anh ngời lên niềm vui khi nhắc đến trường hợp cháu Tống Phước Phúc Vinh. Anh nuôi bé được 1,5 tuổi thì người thân của cháu, sau một thời gian nguôi ngoai đã đến xin cho cháu về đoàn tụ. Tiếng lành đồn xa, nhiều bà mẹ trẻ bất hạnh từ khắp nơi tìm đến Phúc: Đà Lạt, Tuy Hoà, Phú Yên, Vạn Ninh (Nha Trang), Quảng Ngãi,... có cả người dân tộc Chăm. Hầu hết họ đều tới bác sĩ để phá thai, nhưng các bác sĩ, sau khi khuyên giải chân tình, đã hướng dẫn những cô gái lỡ lầm đến nhà tìm Phúc. Nhiều lần, nửa đêm điện thoại di động của Phúc reo vang, đầu dây bên kia, tiếng một cô gái nức nở: "Chú có phải tên Phúc không, bác sĩ cho con số điện thoại này...". Thế là Phúc tiếp, bao giờ việc đầu tiên cũng là động viên để cô gái không may ổn định tâm lý. Sau đó mới đến phần hỏi han lý lịch, rồi anh lại âm thầm đi xác minh thông tin về cô gái, dù có cô nhất quyết không hé chút gì về gia đình. Phúc thường nói với các cô gái trẻ: "Nhà chú mẹ mất rồi, vì vậy con ở đây chờ sinh con, nhưng con cũng phải có nghĩa vụ giúp chú chăm sóc các em khác". Cũng bởi thế mà với một "gia đình" thứ 2 đông đúc, lũ trẻ lại lít nhít mà anh có thời gian đi làm để kiếm tiền chăm lo cho họ.

Mái ấm của Phúc "khùng"
Phúc chợt đứng dậy đi lại gần mấy cái nôi, dòm dòm rồi chỉ cho tôi một cháu bé đang ngủ, lắc đầu ngao ngán: "Con của một đứa bé gái mới học lớp 9 đó". Khi cô bé mang cái bầu tới xin gặp anh, trên áo học trò còn đeo rõ cả bảng tên. Cô bé là con một gia đình ở xã Phước Đồng (Nha Trang) nhưng không dám về, cái thai thì đến thời điểm không thể phá bỏ. Bà mẹ của cô bé cũng đến gặp Phúc năn nỉ: "Giờ cháu thế này mà về nhà thì ba nó đánh chết". Phúc nhận cô bé, gửi vào thành phố Hồ Chí Minh nhờ các sơ trong đó chăm sóc chờ đến ngày sinh, khi "mẹ tròn con vuông" lại đón về. Thậm chí Phúc còn cùng gia đình đến trường xin cho cô bé được đi học lại lớp 9. Tin vui cũng vừa đến với anh là ba của cô bé đã qua cơn giận, đang tính chuyện xin đón cháu ngoại về. Không thiếu trường hợp Phúc phải động viên: con cố gắng giữ cái bầu, chú sẽ tìm mọi cách lo tiền cho con sinh nở. Nhưng có bà mẹ "mặc cả": "Con sinh nhưng con không làm mẹ được, chú...nuôi giùm con nha". Những trường hợp này, Phúc thường trả lời nước đôi. Không phải vì anh sợ nuôi quá tải, mà vì anh muốn khơi gợi tình mẫu tử. "Các cháu khi chưa sinh thì nói thế, nhưng mang nặng đẻ đau rồi, khi nhìn thấy mặt con là mẹ không muốn rời". Thậm chí sinh xong, nếu mẹ vẫn không chịu nuôi con, Phúc lại có "chiêu" khác. Anh ép cô gái trẻ phải cho con bú bằng sữa mẹ trong vòng một, hai tháng với lý do "sữa mẹ rất quan trọng". Nhiều trường hợp từ nuôi một tháng đã tự động chuyển thành "nuôi cả đời". Có lẽ chỉ có tình yêu, "yêu người như bản thân mình" thẩm thấu từ nhỏ mới giúp anh vượt qua mọi điều tiếng. Có đợt người ta đồn rằng "Thằng đó họ Tống, là người Tàu, nó nuôi trẻ xong đem bán sang Trung Quốc", còn đến cả tai vợ anh: "Nhân nghĩa gì, nó thích mấy con trẻ đẹp hơn nên mới kiếm cớ đưa về. Cơm no bò cưỡi". Không ít lần anh nản lòng nhưng giờ thì mọi người dần dần đã biết rõ cái tâm của Phúc, và nhiều người đã trở thành nhà hảo tâm, đóng góp tiền bạc giúp nuôi dưỡng các cháu nhỏ.
Chia tay Phúc, tôi chợt nhớ tới tấm bằng khen của Chủ tịch nước dành cho tấm lòng cao cả của anh, gặng mãi, anh mới chịu vào buồng lấy ra. Anh giải thích: sợ mọi người đến chơi nhìn thấy lại ầm ĩ. "Sau này, mọi chuyện êm êm, tôi mới treo".

Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi vợ chồng anh Tống Phước Phúc
Tôi xúc động được biết, trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn của một người làm nghề thợ xây, nhưng vợ chồng anh, từ đầu năm 2004 đến nay, đã đùm bọc, nuôi dưỡng tới 24 lượt trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những bà mẹ lỡ lầm. Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc tới niềm tin của con ngưòi được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh. Tôi nhiệt liệt biểu dương việc làm nhân ái đó và chúc anh, chị mạnh khoẻ, hạnh phúc, tiếp tục thực hiện những ý tưởng tốt đẹp của mình. Tôi khen ngợi bà con cô bác đã đóng góp chia sẻ với anh Phúc, chị Yến nuôi dưỡng các cháu. Đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động xã hội nhân đạo và tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm việc nghĩa như gia đình anh Tống Phước Phúc, chị Nguyễn Thị Lệ Yến.
Đỗ Minh _ VIETNAMNET

No comments: