Friday, December 15, 2006

Sức trẻ lúc rạng đông


Năm giờ sáng 22-10-1998, một hình ảnh khá “lạ lẫm” – ít nhất với chúng tôi – khi chứng kiến cảnh tay bắt mặt mừng ở công viên Lê Văn Tám giữa hai người bạn cố tri gặp lại nhau sau một thời gian biệt tăm biệt dạng.
“Lạ lẫm”, bởi đôi bạn này, người chỉ mới 24, 25 tuổi và người thì… râu tóc bạc phơ, có lẽ “giá chót” cũng 70, 80 tuổi.
Ông bạn già giơ tay vỗ bôm bốp vào vai anh bạn trẻ của mình: “Bộ chạy hổng nổi nữa nên bán xới, trốn biệt đất này sao mậy?!”. Người bạn trẻ thường xuyên có mặt nơi đây buổi sáng vừa chạy cùng chúng tôi vừa cười: “Bạn bè ở đây là vậy đó, không có tuổi”.
Sân chơi toàn những người trẻ
Lê Quang Phong – tên người bạn trẻ - 29 tuổi, công nhân Công ty TNHH may Ryo, hãnh diện khoe sau đợt jogging (chạy bộ) để chuyển sang đá cầu là anh cũng có một người bạn như thế, hơn mình hơn 40 tuổi. Phong kể: “Bác ấy tên Tiên, cán bộ về hưu, nhà trên đường Trần Quốc Toản. Vui lắm, tuy đã ở tuổi thất thập cổ lai hi rồi nhưng vẫn còn khỏe lắm, không sáng nào vắng mặt ở đây. Chạy, tự xoa bóp, rồi còn đá cầu độ, chung chầu bún bò sau buổi tập với nhóm trẻ tụi mình nữa đó nghé”.
Đó không phải là trường hợp cá biệt, nếu không muốn nói là nhan nhản trước mắt mọi người ở các công viên, sân tập thể dục buổi sáng ở TP.HCM: khá đông người cao tuổi. Không ít người trên dưới tuổi 90 vẫn chen vai thích cánh cùng giới trẻ trên đường chạy, đánh cầu lông, đá cầu lưới, tập dưỡng sinh… Nghĩa là họ tham gia hầu như tất cả các loại hình thể dục thể thao sáng ở đó của giới trẻ. Thậm chí ở sân bóng Quân khu 7, sáng 20-10-1998 chúng tôi còn sững sờ khi chứng kiến cảnh một bác đâu cũng ở tuổi 60 đang tham gia vào một trận bóng đá của toàn những bạn trai tuổi mới lớn. Một bạn cho biết: “Coi bác ấy vậy chứ dắt bóng ghê lắm, lộn xộn cho khung thành bên kia thủng lưới như chơi”.
Khi người lớn tuổi tấn công vào khung thành của giới trẻ ở các sân tập “không kể tuổi” ấy thì giới trẻ cũng không từ tham gia những hình thức tập luyện mà lâu nay chúng tôi cứ ngỡ dành cho tuổi già: tập dưỡng sinh. Ở công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) sáng 21-10-1998, trong đội ngũ tập dưỡng sinh hàng trăm người chúng tôi đếm không dưới một chục bạn gái trẻ măng, hơ hớ 15, 17 tuổi. Một trong những bạn gái trẻ ấy dẩu môi nói với chúng tôi: “Nè, dưỡng sinh thì tuổi nào cũng cần chứ đâu đợi già mới dưỡng! Nói tập cái này chỉ dành cho người lớn tuổi thì xúc phạm các cụ lẫn… bạn gái trẻ đó!”.
Nghĩa là sao? Hình như khi bắt đầu một ngày, tất cả đều bình đẳng trong hoạt động bồi dưỡng sức khỏe cho mình, không kể tuổi tác, nghề nghiệp, vị trí xã hội… Trên sân tập thể dục sáng ở các công viên, chúng tôi đã từng gặp nhà văn – nhà báo – nhà bình luận lão thành nổi tiếng T.B.Đ, ca sĩ T.H, Q.L, C.T, người mẫu IDECAF… Ở công viên Lê Thị Riêng, ông T.V – giám đốc một công ty TNHH tư nhân, sáng nào cũng chạy cùng người vợ và hai đứa con nhỏ của mình – cho biết: “Tôi tập không phải để làm gương cho gia đình đâu. Chẳng qua nếu đánh tennis sau giờ làm việc chỉ được sức khỏe cho riêng mình, còn chạy buổi sáng để cả nhà đều tập, và… cả nhà thương nhau”. Công viên nào cũng có hàng chục những gia đình “cả nhà thương nhau” như thế, chẳng hạn ở công viên Hoàng Văn Thụ, vợ chồng một chủ tiệm vàng lớn trên đường P.V.H. vẫn thường đi tập với cô con gái đã tuổi đôi mươi của mình.
“Ngay những buổi sáng mưa gió, cả những ngày lễ tết, không bao giờ công viên vắng những gương mặt tươi tỉnh quen thuộc tìm đến khi một ngày mới sắp bắt đầu” – chị L., một nhân viên giữ xe ở công viên Hoàng Văn Thụ, khá xúc động khi nói ra nhận xét của mình về chuyện tập thể dục sáng nơi đây. Chị nói thêm: “Dù tuổi tác, công việc ra sao, tôi có cảm giác người nào đến đây cũng đều có một phong cách, sức khỏe rất trẻ. Không ai già cả!”.
Sân chơi của sức khỏe và niềm vui
Không thể thống kê mỗi buổi sáng thành phố có bao nhiêu sân chơi trẻ trung như thế, bởi các sân chơi này không chỉ bó gọn ở các công viên mà tràn ra cả các trung tâm thể dục thể thao, bãi tập, sân chùa, nhà thờ… Thậm chí cả khoảng đường xe hơi chạy trên đường Nguyễn Huệ cũng có hàng trăm bạn trẻ tranh thủ lúc vắng xe khoảng bốn, năm giờ sáng để chạy, chơi cầu lông, đá banh. Đội tuyển bóng đá Trường Vừa học vừa làm 1-6 (quận 4), từng vô địch Giải bóng đá nhựa trẻ đường phố toàn thành, thú thật là chức vô địch của đội mình cũng nhờ vào những buổi tập sáng sớm nơi đây.
Dọc đường Trần Não (quận 2) sáng nào cũng có hàng trăm người chạy, đi bộ từ hai hướng phường Bình An và Thủ Thiêm, mà điểm dừng là cây cầu nối hai nơi. Đình Phụng, Đình Phượng – hai anh em ruột ở phường Bình An – cho biết: khu vực này không có công viên, nhưng bù lại cây cối hai bên đường rất nhiều nên nhiều người trong khu vực tập ngay tại chỗ là vậy. Sân chùa Huê Nghiêm (Phú Nhuận) lại là nơi “đóng đô” mỗi sáng của nhóm thể dục dưỡng sinh phường 7…
Đừng tưởng số lượng tìm đến những nơi ít ỏi, như tại sân Phan Đình Phùng chẳng hạn, đến trễ coi như chỉ có nước chạy vòng vòng chứ không còn chỗ để tập. “Sân lẻ” mà như thế nói chi đến các công viên, sân chơi lớn và tập trung. Ở công viên Hoàng Văn Thụ chẳng hạn, trước số lượng đông đảo người tìm đến, ban quản lý công viên đã phải cho đăng ký, vẽ phấn, khoanh khu vực tập hẳn hoi cho những nhóm cầu lông, dã cầu, tập dưỡng sinh và cả thể dục nhịp điệu…
Cũng đừng tưởng người ta thể dục sáng kiểu “mạnh ai nấy tập”. Ở công viên Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Tám, Bạch Đằng… có những nhóm dưỡng sinh tập theo người hướng dẫn, theo băng cassette, đóng tiền hằng tháng hẳn hoi (thật ra không bao nhiêu, chỉ năm, mười ngàn đồng/người). Bác Hai – một thành viên của nhóm dưỡng sinh phường 7, Phú Nhuận – tự hào khi kể về những người bạn của nhóm mình và kết luận: “Tôi tập ở đây đã năm năm rồi. Nói thiệt, tôi có thể bỏ một bữa cơm chứ không thể nghỉ một buổi tập, người mệt mỏi và thấy nhớ bạn bè trong nhóm”.
Một ấn tượng mạnh mẽ người ta thường thấy ở những nơi này là tiếng cười rất sảng khoái có thể bất kỳ vang lên trong buổi tập. Quang Phong khẳng định: “Ở những buổi tập này, mọi người hay cười, sống tốt với nhau và rất dễ làm quen – có lẽ khi thân thể khỏe mạnh, người ta dễ minh mẩn và trút bỏ mọi phiền muộn trong cuộc sống thường ngày”.
Phải chăng vì vậy mà sáng sáng, bạn Bùi Anh Vương, 23 tuổi, thường chở Mỹ Lan, cô bạn gái hơn mình mười mấy tuổi, hai chân bại liệt, đến công viên để tập chân; hoặc khi nào mệt, Mỹ Lan ngồi đọc sách trên ghế đá chờ Vương chạy “đủ chỉ tiêu” – một hình ảnh khá gây xúc động cho người xung quanh. Không chỉ thế, mỗi sáng sớm hầu như cả gia đình người bạn trai này đều tìm đến các sân tập phù hợp với mình: ngoài Vương cùng bà mẹ tập dưỡng sinh, hai chị (trong đó có ca sĩ T.H.) và một người anh chạy, tập thể dục…”. Đó là cách bước vào ngày mới, đón chào ngày mới tích cực, khỏe khoắn và đầy niềm vui của sức trẻ, chứ không hẳn là giới trẻ” – người bạn trai ấy khẳng định mạnh mẽ điều này.
… Năm giờ sáng 22-10-1998, trong cơn mưa bất chợt buổi sáng, trên đường chạy quanh công viên Hoàng Văn Thụ chúng tôi bắt gặp vài nhóm bạn trẻ nằm ngồi ủ rủ đầy mệt mỏi và chán chường ở các quán nước, quán nhậu chân gà nơi đầu con đường dẫn vào sân bay khi đã tận dụng hết sức lực cho một cuộc chơi thâu đêm suốt sáng nào đó. Họ gần như không hề biết đến những bước sải chân của những người cùng trang lứa với họ ngay bên cạnh, khi một ngày mới đang bắt đầu. “Và rạng đông đã bừng trên nét mặt…”.
CÙ MAI CÔNG _ TUỔITRẺ ONLINE

No comments: