Sau một năm, em lại viết thư cho tôi, thêm một lần thứ hai, hỏi ý kiến về cuốn phim đã và đang được được trình chiếu, gần như trên khắp thế giới, trong các đô thị ở Tây cũng như bên Đông, ở miền Bắc cũng như phía Nam của Địa cầu.
Về cuốn tiểu thuyết của Dan BROWN (*), tôi hy vọng em còn ghi nhận một vài điểm chia sẻ then chốt của tôi…Tuy nhiên, để hai anh em chúng ta có thể tiến xa hơn một bước, trên con đường Đức Tin diệu vợi, và nhất là trong lãnh vực có liên hệ đến tác vụ làm chứng về Đức Kitô, trong những tình huống “thuận lợi, cũng như bất lợi”, tôi xin nhắc lại một vài trọng điểm như sau:
1.- Da Vinci Code là một bộ phim đã tìm cách tạo hình và đưa lên màn bạc, cuốn tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, một cách khá trung thực. Không bóp méo và xuyên tạc. Cũng như không tìm cách hoành tráng hóa một vài tiết tấu, theo lối nhìn hòan toàn chủ quan và có chủ định lồng thêm vào một quan điểm mới, không có mặt trong cuốn tiểu thuyết.
2.- Khi đọc cuốn sách, cũng như sau khi xem xong cuốn phim, tôi vẫn khẳng định Đức Tin của tôi một cách quyết liệt, cơ hồ Thánh Phêrô:
- “Thầy là Đấng Thiên Sai”, nghĩa là xuất phát từ cung lòng của Thiên Chúa Ngôi Cha, và luôn luôn có mặt với Ngài, trong mỗi chương trình cứu độ nhân trần”.
- “Bỏ Thầy, con sẽ biết theo ai? Vì chỉ có một mình Thầy là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống cho con và cuộc đời”.
Trước Thánh Thể, tôi vẫn còn nghe Lời dạy bảo của Thiên Chúa Ngôi Cha, hoàn toàn giống như Gioan Tiền Hô, sau khi làm phép rửa cho Đức Kitô, trong dòng sông Gióc đanh:
- “Đây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta, trong mọi lãnh vực. Hãy lắng nghe Người”.
3.- Mỗi lần đọc và suy niệm đọan Phúc Âm, nói về người đàn bà ngọai tình, Lời Đức Kitô vẫn luôn luôn còn hiện thực, một cách rạng ngời, cho tôi và đối với cuộc đời tràn đầy tội lỗi của tôi:
- “Thầy không kết án chị”.
Trên Thánh Giá, trước lúc tắt thở, Đức Kitô cũng đã “tràn đầy và thấm nhuần” tâm tình và lối nhìn Thứ Tha như vậy.
Thứ Tha cũng là một bài học, mà Phêrô đã ghi lòng tạc dạ, trong đáy sâu của cuộc đời, sau khi nêu lên câu hỏi cho Thầy mình:
- “Thưa Thầy, con phải thứ tha đền 7 lần không?”
Trong tinh thần Thứ Tha vô điều kiện ấy, Đức Kitô đã từ chối “xin lữa từ trời xuống thiêu hủy một thành phố của xứ Samary”, khi dân thành nầy đóng chặt cửa, không cho phép Ngài bước vào, dừng lại, nghỉ ngơi và qua đêm.
Cũng với một tâm hồn Thứ Tha như vậy, Đức Kitô đã không mở lời cầu xin Thiên Chúa sai phái các đạo binh Thiên Quốc, để bênh vực Ngài. Trái lại, Ngài đã an bình đưa ra hai tay cho địch thù trói lại, dẫn độ lên ngọn đồi Gôngôtha, đóng đinh vào Thánh Giá. Cuối cùng, Ngài đã chết hẫm hiu và tủi nhục, như một tội nhân gian ác…
Không đi theo con đường Thứ Tha, làm sao Sống Lại với Ngài, như Ngài và nhờ Ngài? Sống Lại là trở nên bao la và trọng đại, giống như Thiên Chúa Ngôi Cha, đúng như Lời của Đức Kitô: “Cái gì của Cha là của Con”.
4.- Hẳn rằng, lối nhìn Đức Tin của tôi về Đức Kitô không bao giờ bị nao núng, xói mòn, tàn lụi hay là thoái hóa. Nhưng như em đã nhấn mạnh lui tới một cách cố tình và cố ý, tôi nghĩ thế nào về “cuộc tình duyên vợ chồng” giữa Đức Kitô và Chị Mađalêna, theo lối nhìn của Dan BROWN?
Nhằm trả lời, một cách trung thực, không lượn lẹo, tôi cần nói trước rằng:
- Nếu tôi nói quá ít, những lời chia sẻ của tôi sẽ khó hiểu, mập mờ,
- Nếu quá chi ly cặn kẽ, tôi có thể bị hiểu lầm là người biện minh, biện hộ cho một cuốn sách hay một cuốn phim đã “bị tẩy chay và khai trừ, vì ý đồ bôi nhọ và phá họai, một cách quá rõ ràng”.
Trong thực tế, tôi không phải là người đã cổ động và khuyến khích em ĐỌC sách và ĐI XEM phim. Tuy nhiên, vì em hỏi, tôi lấy tư cách một người anh, có đôi chút hiểu biết về cuộc đời, tôi dùng sứ điệp ngôi thứ nhất “TÔI”, để trả lời với tất cả tấm lòng chia sẻ và ý thức rằng “Hữu XẠ tự nhiên Hương”.
Chuyên môn của tôi là đi dạy các trẻ em Tự Kỷ. Cho nên, tôi dùng những tin tức, kiến thức và kinh nghiệm thuộc lãnh vực này, để nói chuyện với em.
Hẳn thực, vào giai đọan giữa 3 và 4 tuổi, một em bé bình thường, khỏe mạnh… đã bắt đầu biết chơi những trò chơi “GIẢ BỘ”. Em có thể cầm một khúc gỗ, vừa đẩy lui đẩy tới, vừa phát âm “tò tò…đương khi đó, em hình dung mình đang lái xe lửa vào một đường hầm, bên cạnh sườn núi.
Cùng lúc ấy, đàng sau nhà, ba em bé gái đang dùng lá làm bát đĩa, dùng đất cát và các lọai hoa làm cơm và thức ăn. Ba em mời nhau ăn và đưa lên cằm, giả bộ ăn, nhưng biết rõ đó không phải là của ăn, cho nên không đút vào miệng.
Cũng vào giai đọan phát triển nầy, trẻ em có khả năng nhìn vào mắt mẹ và biết mẹ buồn hay mẹ vui, mẹ cho phép hay là mẹ không đồng ý.
Trái lại, với một trẻ em mang hội chứng Tự Kỷ, có nghĩa là đóng kín mình lại - không tiếp xúc với những người đang có mặt chung quanh, thậm chí với bà mẹ sinh ra mình - trò chơi giả bộ không xuất hiện, cho dù em nầy đã lên 9-10 tuổi. Cũng vì vậy, trẻ em Tự Kỷ không có khả năng ĐỒNG CẢM, nhìn bộ mặt bên ngoài, để có thể đọc được những tâm tình ở bên trong.
Nói khác đi, với trẻ em Tự Kỷ, khúc gỗ chỉ là khúc gỗ. Ngọn lá chỉ là ngọn lá. Khúc gỗ không thể và không bao giờ hướng Tầm Nhìn đến những hiện thực lung linh và diệu vợi khác. Cũng vậy, ngọn lá, cát sạn không thể nào gợi lại một bữa cơm đang gọi trở về những người thân thương và yêu quí. Đang làm sống lại những giờ phút đoàn tụ, hạnh phúc và sung mãn.
Nhờ khả năng HÌNH TƯỢNG còn được gọi là BIỂU TƯỢNG, chúng ta đồng cảm với các bậc tổ tiên, đã từng có mặt chính nơi chúng ta hiện thời đang có mặt.
Nhờ khả năng Đồng Cảm, chúng ta đọc được bao nhiêu khổ đau, ưu tư và hy vọng của anh chị em đồng bào, nhất là của những ai đang đói rách, cùng khổ, mỗi ngày chưa kiếm được một loong gạo để nuôi sống 3 miệng cơm trong gia đình…
Nhờ đồng cảm, tôi sẵn sàng Tha Thứ, giống như Đức Kitô, cho những ai đang mạ lị, xuyên tạc, bôi nhọ… từng lời nói và việc làm của tôi. Sở dĩ họ đã có những hành vi, với bộ mặt bên ngoài hoàn tòan lệch lạc và gây ra cho tôi nhũng vết thương lòng rướm máu… không phải vì họ xấu trong căn cơ, gốc ngọn của mình. Nhưng vì họ đang khổ đau, trong lóng cuộc đời. Cho nên mắt họ thiển cận. Tay họ quờ quạng. Tai họ lùng bùng. Họ chỉ là con múa rối của Vô Thức hay là Vô Minh đang lèo lái họ, trên những nẻo đường xuôi ngược của cuộc sống mà thôi.
Tôi đã phân tích, mỗ xẻ trước mặt em, một số sinh họat của con người, của em cũng như của tôi… để em có thể nhận thức một cách sáng suốt và bình tĩnh về cách hành văn và xây dựng tác phẩm tiểu thuyết hư cấu của tác giả Dan BROWN:
Hẳn thực, Da Vinci Code dẫn đưa chúng ta đi vào thế giới HÌNH TƯỢNG lung linh và diệu vợi. Đằng sau những lối nói như “ tình duyên vợ chồng”, “sinh con”... tác giả muốn nói đến những ước vọng hiệp thông, đồng nhất, kết hợp giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con người có bản chất ban đầu là bùn đất, sa đọa…
Trong lăng kính ấy, chị Mađalêna trong tác phẩm và cuốn phim, chỉ là HÌNH TƯỢNG đang muốn nhắn nhủ hay là gây ý thức cho em, cũng như cho tôi, một đàng về nguồn gốc và khởi điểm tro bụi của mình. Đàng khác, em và tôi cũng cần học NHÌN LÊN, NHÌN XA, NHÌN RỘNG, để thấy cho kỳ được chúng ta đang mang DÒNG MÁU của Trời, trong tận đáy sâu của tâm hồn. Chúng ta có trách nhiệm sinh ra cho đời những đứa con “Tràn đầy và thấm nhuần chất Trời”, trong từng lời ăn và tiếng nói, trong từng cử chỉ và điệu bộ, trong mỗi hơi thở làm người.
Nếu biết lắng nghe ngôn ngữ HÌNH TƯỢNG của Dan BROWN, em sẽ là người Kitô hữu ngày ngày cố quyết “làm nên Trời Mới Đất Mới”, trên mỗi bước đuờng làm người của em.
5. Em ơi, tôi xin dừng lại ở đây.
Tôi không nuôi ẵm tham vọng “tát cạn” mọi vấn đề, vì tôi biết chắc rằng: em là người “nghe một, biết mười”. Chính nhờ vậy, em sáng tạo cuộc đời cho mình và cho kẻ khác, vì em là con của Đấng Sáng Tạo.
Còn hơn thế nửa, thay vì tố cáo, kết tội, tẩy chay và lọai trừ… em hãy can trường đảm nhiệm tác vụ “LÀM CHỨNG NHÂN cho Đức Kitô”, trên mỗi chặng đường làm người của mình. Hãy mở mắt Đức Tin, để nhìn thấy cho kỳ được Con Đường Sống Lại, đã bắt đầu ló dạng, trong những nơi chốn lầm than, lầy lội và đau khổ. Hãy khám phá những điểm tích cực và năng động… trong mọi biến cố, cũng như nơi mỗi người anh chị em, cho dù họ là “Do Thái hay Hy Lạp”… Hãy lắng nghe và tìm hiểu, thay vì “vạch lá tìm sâu”, thấy và phóng đại sai lầm, để tố cáo và kết án, chụp nón cối và gắn nhãn hiệu.
“Em là Nước tưới ngày mai tuổi trẻ,
Trồng Rừng Xanh, phủ hết đất tang thương,
Cưu mang Trời, chiếu rạng vùng tăm tối,
Hạt TIN MỪNG gieo vải khắp mười phương.”
Lausanne - Thụy Sĩ - Những ngày đón Xuân 2007
Nguyễn Văn Thành (Vietcatholic News)
(*) Xem lại bài « Cuốn Tiểu Thuyết Da Vinci Code » của Dan BROWN.
No comments:
Post a Comment