Sunday, February 04, 2007

THIÊN CHÚA QUẤY RẦY CUỘC SỐNG CHÚNG TA

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN C (Lc 5, 1 – 11)
Thưa quý vị,
Để cảm nghiệm được ý nghĩa lời chúa hôm nay đòi hỏi người ta phải có kinh nghiệm bản thân- như tuần trước. Mường tượng chung chung chẳng đủ. Vì thế những ai quen sống lầu hồng gác tía sẽ thất bại. Chỉ những người dám dấn thân dính líu vào các rắc rối “sự đời” mới có khả năng cảm nhận Chúa muốn nói gì với chúng ta. Hay dùng kiểu diễn tả thường tình: Tại sao tôi lại vướng mắc vào chuyện này? Tại sao tôi lại nhúng tay vào chân? Chẳng là vì cuộc sống hàng ngày gây cho người ta nhiều phiền toái. Thí dụ con cái hư hỏng, nợ nần ngập cổ, cãi cọ gia đình. Mới lập gia đình, đượclàm cha làm mẹ là một hạnh phúc tuyệt vời, nhưng qua nhiều năm tháng sống, chuyện gia đình trở nên khó khăn nhiều gánh nặng, đỏi hỏi kiên nhẫn, yêu thương và cố gắng hy vọng liên tục. Liệu những bậc làm cha mẹ nào mà không cảm thấy như vậy? Tu sĩ, linh mục sống một mình nhiều lần cũng phải phàn nàn như vậy. Tôi quen biết một ông bạn, ông ta nhắc đi nhắc lại lời tôi vừa kể: “Tại sao tôi lại gặp rắc rối ngoài ý muốn?” Con cái ông ta đã lớn, cần thêm phòng ngủ. Ông nới rộng nhà và làm một mình, giữa chừng công việc nhiều quá. Ông vất luôn búa xuống sàn, dơ tay lên trời kêu than! Thế đấy, các học sinh, sinh viên trước bài vở ngập đầu cuối năm để thi tốt nghiệp, chuyển lớp, chuyển cấp đều gặp khó khăn tương tự!
Đây là tâm lý thánh Phêrô và các bạn gặp phải khi đi trên con đường làm tôi Chúa. Nhất là sau khi nghe Chúa giảng và mục kích những việc Ngài làm, những khó khăn, chống đối, nhất là khi Ngài nhắc tới Giêrusalem như điểm tới của cuộc đời mình: “Tại sao chúng ta phải vướng mắc vào? Họ hỏi và không có câu trả lời. Rồi họ còn được Chúa yêu cầu từ bỏ bản thân, gia đình, nghề nghiệp, địa vị để theo Ngài? Tại sao chúng ta lại vướng mắc vào chuyện của ông ta? Nhưng xin khoan đề cập đến kết thúc, chúng ta đang ở giai đoạn đầu. Chúa Giêsu đang kêu gọi và thu thập các môn đệ. Công việc xem ra đơn giản, nhưng sự thực Tin Mừng hôm nay gợi ý Phêrô và các bạn đang chìm sâu vào “sự kiện” làm tôi Chúa. Họ được Chúa đòi hỏi phải dấn thân hơn nữa trong quan hệ với Ngài. Tất cả câu chuyện khởi sự khi Chúa bước xuống thuyền và yêu cầu ông ra khơi thả lưới bắt cá: “Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống và từ trên thuyền người giảng dạy đám đông. Giảng xong Người bảo ông Simon: chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Quý vị hẳn đã đoán ra ý nghĩa của đoạn Tin Mừng? Lời giảng dạy liên quan đến chiếc thuyền và bản thân ông Phêrô. Chúng ta có thể mường tượng mình được nghe Lời Chúa từ thuyền ông, chứ không phải từ bất cứ thuyền hay địa điểm nào khác. Ý nghĩa hết sức quan trọng và rồi Phêrô sẵn sàng nghe theo lời bác thợ mộc khuyên bảo “chèo ra chỗ nước sâu thả lưới bắt cá”. Điều mà nghề nghiệp của ông đã luống công, chẳng bắt được gì. “Thưa thầy chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.” Rõ ràng ông và các bạn đã thất bại, mặc dù bắt cá là nghề nghiệp của họ.
Từng bước một chứ không phải ngay lập tức Phêrô và các bạn trở nên môn đệ chính quy của Chúa Giêsu! Đầu tiên là “xa bờ một chút”. Rồi Phêrô và các bạn phải tiến sâu hơn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, tức chỗ mà Phêrô và các bạn không còn khả năng. Các ông đã thất bại, suốt cả đêm chẳng bắt được con cá nào! Nhưng việc nghe lời Chúa và theo ý Chúa đã khiến mọi sự ra khác, hoàn toàn khác. Đây là bài học sâu sắc cho chúng ta, bởi thường kiêu ngạo, cậy dựa vào tài sức mình hoặc huênh hoang vì những thành công to lớn, không thèm nghe và làm theo tiếng Chúa. Tệ hơn nữa bắt Chúa phải theo ý mình mới thành công, không thì chắc chắn thất bại. Thái độ của đa phần các nhà giảng thuyết bây giờ là như vậy. Xin lưu ý, thánh Luca lúc này gọi Phêrô bằng tên kép: Simon-Phêrô, trước kia ông chỉ viết Simon mà thôi. Luca đã ghi nhận một bước tiến nhỏ của Phêrô trong ơn gọi làm môn đệ Chúa, sau mẻ cá khổng lồ! Chúng ta cũng vậy, từng bước từng bước thay đổi lòng dạ để theo Chúa, chứ không phải tức thời nhảy vọt.
Thực tế đúng như vậy. Nhiều linh hồn khiêm nhường đã chỉ dám thực hiện những “việc bé nhỏ” để phục vụ Chúa giúp đỡ tha nhân. Nhưng dần dần họ lớn lên trong tinh thần bác ái, và thực hiện những kỳ công dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh. Liệt kê hết thì vô kể, chẳng hạn như Charles de Foucauld, Têrêsa thành Calcutta, cha Pierre (qua đời 01/2007). Họ làm việc cực nhọc, đôi khi cảm thấy kiệt sức, thất vọng nhưng vẫn yêu mến công viêc. Thí dụ, người tín hữu nào đó quyết định làm giáo lý viên dạy các lớp giáo lý cho trẻ em, sau đó theo dõi các em và đưa các em tham dự các tuần tĩnh tâm, học giáo lý thêm sức, bao đồng, hôn phối… Còn những trường hợp khác, tụ họp thành các nhóm xây dựng, hoặc sửa chữa nhà cửa cho những cư dân nghèo ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hay khu ổ chuột thành phố… Ngoài ra họ cũng có thể đi quyên góp quần áo cũ, đồ dùng dư thừa ở các khu phố khá giả sau đó phân phát cho người nghèo thiếu thốn. Hàng trăm công việc từ thiện như vậy thuộc sứ vụ vươn tới xã hội. Một người đàn ông mua một bữa cơm trưa cho trẻ em lang thang trong khu phố, gần chỗ ông làm việc, thấy công việc hữu ích, ông khuyến khích gia đình hàng xóm, láng giềng, bạn bè thân thích góp tay làm 50 đến 100 ổ bánh mì kẹp thịt phát không cho những gia đình nghèo dọc theo con đường ông đi làm việc. Đó là cách thức chúng ta dần dần trở nên môn đệ Chúa, mở rộng bàn tay nhân ái đến các thân phận nghèo trong xã hội.
Ở mỗi buổi phụng vụ, chúng ta luôn được nghe Chúa thúc giục qua các bài đọc Kinh Thánh, chúng ta đừng để tiếng gọi đó tắt ngúm khi ra khỏi cửa nhà thờ. Nhưng hãy đem ra thực hành. Trước hết, “xa bờ một chút”, rồi dần dần ra “chỗ nước sâu”. Chúng ta hãy lắng nghe và đáp trả như Phêrô và các bạn ông khi xưa. Chúng ta trở nên “đồng chí” với Phêrô và rồi chia sẻ thay đổi căn tính như ông, từ bác thuyền chài chuyên nghiệp đến kẻ chuyên “bắt cá” linh hồn người ta. Đó là điều Thiên Chúa muốn. Khi đã chín muồi, thay đổi từ chiều rộng đến chiều sâu, Chúa Giêsu sẽ cải tên cho chúng ta giống như Ngài đã cải tên cho Phêrô, gọi ông là đá tảng đức tin mà Luca thuật lại ở cuối bài đọc 3 hôm nay: “Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.” Theo Chúa Giêsu đòi hỏi phải từ bỏ hết mọi sự, nhận lấy căn tính mới và đi thu hút linh hồn tha nhân. Liệu chúng ta có làm đúng tiến trình đó? Hay bỏ qua một khâu nào đó? Từng bước, từng bước một chúng ta là những kẻ lắng nghe, thấm thía Lời Chúa và đáp trả thành thật.
Cũng trong bài Phúc Âm này, lần đầu tiên sử gia Luca dùng cụm từ “Lời Chúa”. Cụm từ mà ngày nay phổ thông trong thế giới công giáo, nhưng cũng là cụm từ bị hiểu sai nhiều nhất. Thánh nhân viết: “Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa”. Ước chi các nhà rao giảng thời nay cũng có được quang cảnh này. Nhưng để được như vậy, họ không còn cách nào khác ngoài noi gương cách sống của Chúa Giêsu. Chính Người là lời Thiên Chúa. Và đây cũng là lần đầu tiên các môn đệ gọi Chúa Giêsu bằng “thày”: “Thưa thày, chúng tôi đã vất vả suốt đêm…” Phêrô có sáng kiến khởi sự gọi Chúa như vậy. Trong suốt Phúc Âm Luca, chỉ có các môn đệ gọi Ngài bằng danh xưng ấy mà thôi. Chúng ta hãy suy nghĩ xem tại sao? Tiếng thày có ý nghĩa chi với họ (với chúng ta)? Sau này trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu xác nhận tước hiệu đó: “Anh em gọi ta là Chúa và là thày thì chí phải…” (Ga 13, 13). Rồi Ngài giải nghĩa “vậy nếu thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau”. Thật quá thấm thía, nếu so với thái độ cha chú của chúng ta ngày nay. Lạy Chúa, xin cho chúng con đủ khiêm tốn phục vụ Chúa mà không cần phải là ông kia bà nọ. Nhưng biết lắng nghe tiếng Chúa chỉ bảo và quyết tâm làm theo những gì Chúa đòi hỏi, vì Chúa là thầy dạy của linh hồn chúng con. Và “quyền năng” chủ yếu của chúng con hệ tại việc nghe và đáp trả “lời Thiên Chúa” chứ không phải hò hét, dương oai.
Bất cứ ai trong chúng ta đáp lời Chúa kêu gọi “chèo ra chỗ nước sâu” đều cảm nhận được công việc là gì và cần bao nhiêu sức lực để trung thành với Ngài, nhất là khi kết quả chẳng thể trông thấy ngay. Chúng ta đâu có xem thấy lập tức mẻ lưới nặng trĩu những cá như Phêrô và các bạn? Hơn nữa đôi lúc cũng giống như Phêrô, chúng ta cảm thấy mình yếu đuối và tội lỗi. Chúng ta thường kêu lên như ông: Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi. Hay như Isaia trong bài đọc một: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế!”. Tác giả Luca nhấn mạnh lời Thiên Chúa như nguồn mạch quyền năng và thực phẩm nuôi dưỡng chúng ta trong vai trò làm môn đệ Chúa. Chúng ta đang trên đường đi với Ngài, cố gắng sống lời Ngài và đáp lại tiếng Ngài mời gọi, đặc biệt khi Ngài dẫn đưa chúng ta ra “chỗ nước sâu”, và chúng ta lại phải tự hỏi: “Tại sao tôi vướng mắc vào hoàn cảnh như thế này?”
Tuần vừa qua, Luca đã thuật lại sứ mệnh của Chúa Giêsu trong hội đường Dothái, nó giống của Giêrêmia, được thi hành với nhiều cay đắng và khổ nhục, thậm chí cái chết. Hôm nay Isaia cũng thấy mình đứng trước nhan Thiên Chúa và cũng cảm thấy bất xứng, nhưng ông đã được thanh tẩy và sẵn sàng làm theo thánh ý. Tương tự, Phêrô cảm nhận mình ngập chìm trong uy quyền của Đức Kitô, và cũng phải hô lên: Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu đã gọi và chọn ông để làm công việc của Ngài bất chấp yếu đuối và bất xứng. Vấn đề là, không phải chúng ta có xứng đáng hay không, nhưng là Thiên Chúa gọi và chọn. Ngài đủ quyền tha thứ và ban ơn. Chúng ta có thể nhiều lần cảm thấy mình bất xứng. Tuy nhiên Chúa Giêsu không bảo Phêrô làm một cử chỉ chứng tỏ đức tin rồi đi về nhà ăn chay cầu nguyện. Đúng là tin vào Ngài phải như vậy và còn nhiều hơn nữa. Nhưng Ngài bảo ông cùng các bạn ra xa thả lưới bắt cá, tức hãy đi vào thế gian thu thập môn đệ cho Ngài. Chúng ta, những môn đệ Chúa cũng vậy, phải dùng lời nói và hành động hàng ngày chia sẻ đức tin cho tha nhân, để họ trở nên môn đệ Chúa.
Simon Phêrô nhận được ơn gọi khi đang hành nghề kiếm sống. Ông đáp trả thuận lợi bằng cách thay đổi cuộc sống, nếp suy nghĩ. Chúng ta thì sao? Là Kitô hữu, chúng ta cũng phải bày tỏ tiếng xin vâng của mình bằng cách lớn lên trong ơn nghĩa Chúa, từ bỏ tội lỗi, chấm dứt kiêu ngạo, ăn ở khiêm tốn. Chẳng có gì là hèn hạ trước mặt Chúa, ngoại trừ phản bội. Chẳng có chi là “cao sang, thứ nhất” trước mặt Chúa ngoại trừ lòng khiêm nhường. Cho nên những công việc hàng ngày chúng ta thực hiện với lòng khiêm cung chân thật đều mang giá trị trước mặt Thiên Chúa. Khi vâng theo thánh ý, có thể Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến nơi, đến việc chúng ta chẳng thể ngờ trước. Chúng ta sẽ ngạc nhiên nói rằng: “Tôi chẳng biết tại sao lại vướng mắc vào chuyện này… nhưng thế nào đi nữa vẫn hữu ích cho tôi.” Vì luôn có Chúa ở cùng tôi, tôi đang phục vụ Ngài. Và Ngài sẽ nói với tôi: “đừng sợ.” Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP (Vietcatholic News)

No comments: