Monday, January 29, 2007

BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT

Rửng rưng như bánh chưng ngày Tết!!!
Ấy thế mà Tết nhất không có gói bánh chưng là kể như sổ toẹt!…
Với những gia đình khác thì thật sự tôi không biết chứ riêng đối với gia đình tôi, đặc biệt là đối với Bố tôi, Tết đến mà không gói bánh chưng thì kể như con cái cứ gọi là rửa tai mà nghe Bố… nhắc nhở cả năm. Mà, nhắc nhở cả năm theo cách thức của Bố chúng tôi thì kể như… xui xẻo!!!
Chẳng hạn như cái Tết năm Tân Hợi (Lại cũng Tết con Heo!), 1971, cô Em tôi đang dậy học ở Bình Dương, chú Em tôi đang tuổi mới lớn và riêng vợ chồng tôi ở mãi Đà Nẵng không về nhà được vì cấm trại 100%. Thế là Tết năm đó Bố tôi không tổ chức gói bánh chưng được và dĩ nhiên, chúng tôi lãnh đủ những hình phạt của người Cha già khó tính (như tôi bây giờ chăng!?)…
Cô Em tôi, sáng 30 Tết mới về đến nhà. Cô lo lắng khi thấy Bố không vui. Cô vội chạy xe ào xuống Chợ Ông Tạ vác về ngay hai cặp bánh chưng thật bề thế với hy vọng Bố vui và các Em dễ thở hơn trong mấy ngày Tết… Nhưng, không phải vậy: Bố tôi không nói không rằng, lẳng lặng đem ngay hai cặp bánh chưng ném gọn ghẽ vào thùng rác trước những sững sốt của các Em tôi!!!
• Bố cám ơn con đã biếu Bố bánh chưng ngày Tết. Nhưng, với Bố, Tết nhất mà không gói bánh chưng là không có Tết. Năm nay Bố không ăn Tết…
Chúng tôi không lạ gì tính tình khó khăn của Bố, nhưng bất khả kháng nên chúng tôi đành nhận… xui xẻo cả năm vậy.
Thật ra Bố chúng tôi đã mang truyền thống BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT từ ngày còn ở ngoài Bắc, từ ngày chúng tôi chưa sinh ra đời và truyền thống đó vẫn tiếp tục khi di cư vào Nam…
Chỉ riêng cách thức gói bánh chưng của Bố tôi là đã khác người nói chi đến chuyện thiếu gói bánh chưng ngày tết…
Bố tôi không biết gói bánh chưng! Điều đó đã hiển nhiên vì Bố tôi không thích nhúng tay vào cái công việc linh tinh này! Nhưng Bố tôi lại là một lý thuyết gia về cách gói bánh chưng sao cho thơm ngon hơn thiên hạ. Mà, người cậu của tôi, Em ruột của Mẹ chúng tôi chính là một người… luôn luôn thi hành theo mọi chỉ dẫn của Ông anh Rể là Bố chúng tôi.
Cậu tôi thật khéo tay. Cứ nhìn tay cậu thoăn thoắt: nào chẻ lạt bằng một ống giang tươi, nào đóng khuôn bánh, nào cắt lá dong tươi theo đúng kích thước đã định sẵn là phải biết tay nghề của Cậu tôi như thế nào.
Chúng tôi, con Ông Bố khó tính, cháu ruột người cậu ở với Bố chúng tôi từ bé, đã học được nghề gói bánh chưng nơi người Cậu thân thương này.
Trước tiên là tôi, sau là Cô em kế tôi là những học trò truyền chân của Cậu. Sau này, Hai Anh Em tôi lại có những học trò khác nữa, đó là các Em kế tiếp của chúng tôi. Riêng Chị tôi, Chị chịu thua, không khéo léo tay chân để o bế sao cho chắc tay, sao cho vuông vức… nên đành chỉ ngâm gạo, đãi đậu, thái hành… sưng cả mắt và làm những công việc lặt vặt khác… gọi là thợ vịn.
Chị tôi, tuy là thợ phụ nhưng thật vất vả vì phải sẵn sàng mọi thứ cho một đàn Em biết gói bánh.Với riêng tôi, Chị còn đặc biệt hơn nữa, Chị cung phụng cho tôi đủ mọi thứ mà tôi vòi vĩnh như phải có mấy chai bia lạnh sẵn sàng, phải có một bao thuốc lá Capstan và phải có một ly cà phê Sữa Ông Thọ nóng bốc khói để nhâm nhi cho ra vẻ nhà nghề… như Cậu của chúng tôi…
Nhắc tới Chị, tôi không khỏi mủi lòng vì Chị thương tôi đặc biệt, Chị lo cho tôi cái ăn cái uống từ nhỏ, chị bênh vực tôi trước mọi… người kể cả chịu đòn thay cho tôi với Bố Mẹ tôi mỗi khi tôi có những lỗi lầm như trốn học đi đá bóng chẳng hạn(!). Vào ngày gói bánh chưng của Bố Tôi, Chị lo lắng mọi chuyện liên quan đến nồi bánh chưng.Với tôi, Chị chỉ thì thầm thật bí mật: Em nhớ làm cho Chị một cặp bánh chưng nhỏ đặc biệt cho con trai của Chị nhé.
Bố tôi là một lý thuyết gia về gói bánh chưng. Chả vậy mà trong họ hàng, khi Bố tôi đem biếu bánh chưng, họ thường để riêng ra và dành riêng bánh chưng của Bố tôi biếu cho những tiệc tùng đặc biệt trong ngày Tết.
Bánh chưng của Bố tôi hẳn nhiên là phải to bằng viên gạch hoa hay hơn nữa, phải dầy bốn năm phân, phải thật vuông vức (vì gói bằng khuôn) và chúng tôi, phải theo một công thức đặc biệt của Bố tôi phán bảo(!)…
Đã hơn ba chục năm rồi, chúng tôi chưa hề được thấy một kiểu gói bánh chưng nào mà có những mùi vị thơm ngon như của Bố chúng tôi! Chỉ cần nhìn tấm bánh được bóc ra với mầu xanh của những hạt nếp mịn màng nhưng rất… rền… Rồi, mùi bánh chưng thơm tho đặc biệt bốc lên là chúng tôi đã cảm thấy nhễu nước miếng rồi…
Những bước sửa soạn cho một tấm bánh chưng ngày Tết của Bố tôi nó lỉnh kỉnh và rắc rối lắm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng như sau…
- Một vài gióng giang tươi đã được sửa soạn từ trước. Cậu tôi trước kia và tôi hay em tôi sau này phải chẻ lạt cho thật khéo rồi đem ngâm nước.
- Bố tôi hay Chị tôi đích thân đi chọn lá gói bánh ở chợ Ông Tạ hay Chợ Bến Thành và nhiều chợ khác nữa… Và phải chọn loại lá giong nam loại tốt nhất: nghĩa là phải to, phải tươi và không được rách hay bị sâu. Các người bán hàng quen thuộc trong dịp hiếm hoi này đã quá quen thuộc với khách hàng khó tính như Bố tôi nên thường dành những bó lá tốt nhất cho Cụ. Nhưng ngược lại,cũng phải có đi có lại mới toại lòng nhau, Bố tôi hay Chị tôi phải trả một giá không mấy rẻ cho những bó lá… hạng nhất đó!
- Nếp, đã được chọn lựa kỹ lưỡng, không lẫn gạo tẻ và phải được ngâm nhiều giờ trước khi gói bánh. Khi xóc gạo rồi đổ vào trong một cái thau nhôm lớn, chính Bố tôi đích thân rắc muối và tưới nước gừng vào nếp rồi trộn cho đều. Cái màn trộn muối và nước gừng này, Bố tôi cho rất mạnh tay. Phải cho như đổ gạo đi như vậy thì khi ăn bánh, hương vị mới đậm đà và thơm ngon vì có thoang thoảng mùi nước gừng (Bố tôi phán như vậy đó nên chúng tôi chỉ biết lắng nghe mà không dám có ý kiến gì khác.)
- Đậu xanh loại thật bở được ngâm nhiều giờ trước khi xôi lên trong một cái chõ lớn. Đậu xanh chín được giã nát nhừ trong một cái cối đá rồi nắm lại thành những nắm. Chị tôi dùng dao thái những nắm đậu xanh cho tơi ra.
- Mỡ khổ, không dính da và không dính thịt, được cắt bằng hai ba ngón tay, không quá mỏng cũng chẳng quá dầy để sẵn trong những cái nồi to. Sau 12 tiếng luộc bánh, những miếng mỡ này phải biến mất vào trong bánh (Eo ôi! Cholesterol!!!)
- Hành hương bóc vỏ, thái mỏng để trong nững tô lớn. Bao nhiêu người gói là bấy nhiêu tô để bên cạnh.
- Những cái khuôn gói bánh lớn nhỏ đã định sẵn tùy theo quyết định gói lớn hay nhỏ của vị tư lệnh gói bánh là Bố chúng tôi. Thường thì chỉ dùng khuôn lớn vì Bố chúng tôi thích gói lớn để đem đi biếu Các Chú Các Bác của Bố chúng tôi với câu nói mà các con chúng tôi bây giờ vẫn còn bị ảnh hưởng: cho người ta thì phải ra tay ra tấm…
Thường thì Bố tôi bắt đầu gói bánh từ 12 hay 1 giờ trưa 28 hay 29 Tết tùy theo tháng thiếu hay tháng đủ để làm sao 30 Tết phải có bánh chưng nóng hổi đi biếu, đi Tết các bậc vai vế lớn trong họ trong hàng, trong làng trong nước (ngày xưa…).
Nơi gói bánh thường là căn phòng trống bên cạnh nhà bếp đã được dọn dẹp sạch sẽ và đã bày biện đủ thứ liên quan đến việc gói bánh chưng.
Mỗi người gói bánh ngồi xếp bằng đằng sau cái khuôn của mình. Trước mặt và bên cạnh là những vật liệu bánh chưng.
Trước tiên phải đặt vào khuôn 4 chiếc lá tốt nhất theo bốn cạnh. Mỗi lá bẻ gập đôi lại, sau đến 4 lá góc đã cắt sẵn theo chiều rộng của tấm bánh. Cho chắc ăn, bỏ thêm hai lá dọc, ngang rồi bắt đầu bỏ vật liệu.
- Một bát gạo được san đều trong khuôn.
- Một bát đậu xanh đã giã nát và cắt ra…
- 3 lát mỡ khổ.
- Một nhúm hành hương thái mỏng rải đều trên 3 miếng mỡ lợn.
- Một bát đậu xanh phủ lên trên và rải đều.
- Cuối cùng là một bát nếp khác. Lúc này, một tay giữ cái khuôn bánh, một tay nắn nót nhấn chung quang, đè ở giữa sao cho vật liệu gói bánh được một bàn tay năm ngón “gói cho chắc”…
Thế rồi, lá bỏ vào sau thì xếp vào trước để cuối cùng 4 chiếc lá chính được xếp lại trước khi xỏ lạt cột tấm bánh lại cho chắc. Thường người ta dùng hai, bốn hay 6 hoặc tám lạt tùy theo ý thích của “ông xếp sòng” gói bánh.
Phần cuối này coi vậy mà quan trọng lắm. Bánh gói có chắc tay không, bánh có bị bể ra không, bánh có vuông vức không… Nói chung là có đẹp hay không, ăn tiền là ở khâu o bế này. Cô Em tôi, tuy khéo tay nhưng gói không chắc tay vì tay cô yếu. Chú Em tôi, gói thật chắc tay, bánh không bao giờ bị dúm dó vì có hai tay thật khỏe. Bố tôi, tuy không biết gói nhưng biết phê bình và Chú Em tôi thường được Ông Cụ lì xì “nặng tay” hơn vào sáng mùng một Tết.
Vào khoảng 5 hay 6 giờ chiều, số lượng bánh đã gần đủ, Bố tôi ra lệnh xếp bánh vào nồi to tướng đã đặt sẵn ở ngoài sân bên cạnh một đống củi tạ đã được bửa vừa phải. Vừa phải thôi vì nhỏ quá mau tàn mà lớn quá thì khó cháy…
Về sau (trước 30/4/75) Bố tôi thường dùng cái thùng phuy 200 lít để nấu cho được nhiều bánh. Bên cạnh cái nồi bánh lớn còn có thêm một cái bếp nhỏ có một nồi nước luôn luôn sôi sục. Nước này dùng để chế thêm vào nồi bánh lớn khi nồi lớn nước bị cạn đi chút ít. Nếu đổ nước lạnh, bánh sẻ bị “hấy” tức là bị chỗ sống chỗ chín…
Một điều nhỏ nhặt nhưng cần nhớ là dưới đáy nồi nhớ cho vào một ít cọng lá gói bánh để cho bánh khỏi bị sát đáy nồi.
Khỏang 12 đến 14 tiếng sau, tức là vào sáng hôm sau, nồi bánh đã chín (bánh chắc chắn đã rền(!)), những người coi nồi bánh chưng mặt mày phờ phạc dù đêm qua đã làm vài tô cháo gà hay ba bốn ly cà phê sữa. Bố tôi lại xuất hiện mặc dù đêm hôm qua Bố tôi vẫn đá qua đá lại dăm ba lần để liếc nồi bánh xem có luôn luôn âm ỉ sôi hay không!
Lúc này, một thùng nước lạnh được để sẵn, hai nửa tấm ván ép loại dầy được kê trong phòng. Mỗi tấm bánh được bố tôi hay chị tôi vớt ra được thả ngay vào nước lạnh, được chúng tôi rửa sơ qua cho sạch sẽ, được nắn nót lại cho vuông vức rồi được đặt trên tấm ván. Sau khi đặt xong hai lớp bánh, tấm ván ép thứ hai được đè lên trên và một vài bao gạo nhỏ được để lên để cho các tấm bánh thật sự ráo nước mà để cho được lâu…
Dĩ nhiên, những người “thợ gói bánh” bất đắc dĩ của Bố tôi là chúng tôi được Ông Cụ mở ngay cái bánh đầu tiên cho chúng tôi thưởng thức trước khi đi ngủ bù. Và, dù cả đêm mệt mỏi canh thức nồi bánh, khi bánh được Chị tôi thay mặt Bố tôi bóc ra, chúng tôi vẩn náo nức được thưởng thức hương vị tuyệt vời của nó. Ôi!, sao mùi vị bánh chưng của Bố chúng tôi thơm ngon béo ngậy làm vậy!!!
Thường thì công tác kế tiếp là công tác “phơi phới” nhất: Vợ tôi, cùng với Chú Đông, người tài xế trung thành nhất của chúng tôi được giao phó đi biếu bánh theo địa chỉ đã ghi sẵn trên vài trang giấy…
Viết đến đây, tôi thật ngậm ngùi…
Bố chúng tôi, vị tư lệnh gói bánh chưng năm xưa đã không còn nữa để chúng tôi được nghe những lời nhắn nhủ rổn rản… thật bực mình… nhưng giờ này dù muốn nghe mà làm sao có được!!!
Chú Nguyễn văn Đông, người đàn Em trung tín, người Anh Hùng “vô danh” của miền Nam cũng chẳng còn tại thế để canh nồi bánh chưng với chúng tôi. Người đã ra đi ngay sau khi miền Nam đổi chủ. So sánh với Chú Đông, tôi thật hổ thẹn trong lòng…
Tết lại đem Xuân mới trở về. Bánh chưng lại được mọi người nhắc đến, tôi không khỏi không nhớ đến một câu thơ cũ rích trong tâm hồn giờ này đã già cỗi:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, pháo Tết, BÁNH CHƯNG XANH.
(Xuân Đinh Hợi 2007)
Ngô Vũ Khánh Truật (Vietcatholic News)

No comments: