Tuesday, November 28, 2006

Việt Nam hoàn tất thủ tục pháp lý gia nhập WTO

Cách đây ít phút, 11:25' 28/11/2006, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với đa số phiếu tán thành (444 đại biểu, chiếm 90,24%). Như vậy, quá trình gia nhập WTO của Việt Nam đã hoàn tất.

Theo Nghị quyết phê chuẩn của QH, sẽ áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được nêu tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này các cam kết khác của Việt Nam với WTO được quy định đủ, rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập WTO.

Trong trường hợp các quy định của pháp luật Việt Nam trái với các quy định của Hiệp định, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng các quy định của Hiệp định thành lập WTO.
Nghị quyết của QH Việt Nam nêu rõ, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC cần rà soát lại các cam kết của Việt Nam với WTO được quy định đủ, rõ, chi tiết trong Nghị định thư, nhưng chưa được nêu trong Phụ lục đính kèm Nghị quyết này để áp dụng trực tiếp và báo cáo Uỷ ban Thường vụ QH. Đồng thời, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để trình QH, Uỷ ban Thường vụ QH sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Trên cơ sở đánh giá những cơ hội, thách thức, thận lợi và khó khăn, những tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO, cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai thưc hiện các cam kết này. Chính phủ tiến hành các thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Nghị định thư và tiến hành tuyên truyền sâu, rộng đến nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Quá trình phê duyệt

Từ 10h sáng nay, các đại biểu QH đã nghe dự thảo nghị quyết phê chuẩn Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sau đó thảo luận tại hội trường và biểu quyết thông qua nghị quyết này. Trước khi thảo luận và thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH Vũ Mão sẽ đọc báo cáo thẩm tra tờ trình của Chủ tịch nước.


Trong tờ trình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhắc lại quá trình đàm phán kéo dài 11 năm Việt Nam xin gia nhập tổ chức này. Chủ tịch cũng nhắc lại những vất vả khó khăn mà đoàn Việt Nam đã trải qua cho đến ngày 7/11/2006 Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của WTO. Tờ trình nêu rõ, Nghị định thư bao gồm lời văn biểu cam kết hàng hoá, thương mại dịch vụ và báo cáo của Ban công tác.

Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam có tác động sâu sắc, lâu dài đến đời sống nhân dân, đất nước. Chủ tịch nước đã đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình về kết quả đàm phán gia nhập WTO và nội dung nghị định thư, sau đó đề nghị QH phê chuẩn.

Việc cắt giảm thuế không gây biến động lớn

Sau khi Chủ tịch nước trình bày xong tờ trình, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã lên báo cáo kết quả đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã tóm tắt về WTO và tiến trình đàm phán của Việt Nam và giải trình về kết quả đàm phán, từ các cam kết đa phương đến các cam kết về mở cửa thị trường hàng hoá, mở cửa thị trường dịch vụ... khi Việt Nam gia nhập vào WTO. Sau đó Bộ trưởng đã trình bày tiếp phần đánh giá tác động khi Việt Nam gia nhập WTO.

Bộ trưởng Tuyển cho rằng, phần lớn các cam kết đa phương là phù hợp với luật pháp và đường lối đổi mới của Việt Nam nên sẽ không gây ra tác động lớn.

Cụ thể, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, các cam kết về minh bạch hoá, nếu thực hiện được, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân và DN. Cam kết về DNNN sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả loại hình DN này.

Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng của việc bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu, trợ cấp nội địa hoá không lớn. Đó là do với ngân sách hạn chế như hiện nay, trợ cấp thực tế rất khiêm tốn. Hơn nữa, việc bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản có thể không tác động nhiều đến nông dân do đối tượng được hưởng trợ cấp là DN. Thêm nữa, hiệu quả của trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hoá cho tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Về việc giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường dịch vụ, ông Trương Đình Tuyển cho biết, tất yếu một số ngành sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh. Song, trên thực tế, mức giảm thuế theo cam kết gia nhập WTO không sâu, rộng như mức ta cam kết (và đã thực hiện) với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc. Và việc cắt giảm thuế này đã không gây biến động quá lớn.

Trước nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nhanh chóng xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bào hộ sản xuất trong nước, ông Tuyển quan điểm, xây các hàng rào này không khó. Vấn đề là khi áp cho hàng nhập khẩu, hàng trong nước cũng phải thực hiện theo. Với trình độ phát triển như hiện nay, ta sẽ khó mà đưa ra được tiêu chuẩn cao cho hàng hoá nội địa.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sẽ không có chuyện giảm thuế làm thất thu ngân sách. Tổng thu từ thuế nhập khẩu hiện chỉ chiếm 9% tổng thu ngân sách. Kim ngạch nhập khẩu chịu ảnh hưởng của cắt giảm thuế chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm. Việc cắt giảm lại theo lộ trình, bình quân khoảng 5 năm, nên ước tính phần này chỉ giảm trên dưới 2.000 tỷ/năm, tức chưa đầy 1% tổng thu ngân sách. Chúng ta có lý do để tin rằng, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực nhờ các nguồn thu khác.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, WTO sẽ không gây ra tác động lớn. Chứng khoán, ngân hàng, phân phối và hỗ trợ vận tải biển là những ngành bị sức ép nhiều nhất, song, cũng có thể kiểm soát được nếu chúng ta chuẩn bị tốt, vận dụng linh hoạt các công cụ mà ta bảo lưu được.

Không nên lạm dụng bảo hộ thị trường dịch vụ

Kết thúc phần trình bày của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Vũ Mão đã đọc Báo cáo thẩm tra Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam.

Báo cáo này gồm 4 phần, đó là: Sự cần thiết của việc gia nhập WTO và phê chuẩn nghị định thư; đánh giá kết quả đàm phán gia nhập WTO; cơ hội và thách thức khi gia nhập WTO và những việc cần làm ngay sau khi VN chính thức trở thành thành viên tổ chức này.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của QH thông báo, Ủy ban nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả đàm phán. Những thỏa thuận đạt được trong các văn kiện gia nhập WTO là nằm trong các phương án đặt ra. Ta cũng tận dụng được những ưu đãi mà WTO dành cho các nước đang phát triển, lùi được thời hạn thực hiện một số cam kết. Nhìn chung, các cam kết là hợp lý và phù hợp với trình độ phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, riêng về vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ còn có nhiều ý kiến khác nhau. Một mặt, có ý kiến cho rằng, chúng ta có ít lợi thế cạnh tranh nhưng đã cam kết đủ 11 ngành dịch vụ với trên 110 phân ngành, trong đó có các dịch vụ nhạy cảm như tài chính, viễn thông, giáo dục, văn hóa và giải trí... Mặt khác, có đại biểu khác nhận thấy, ta còn nhiều hạn chế trong việc mở cửa thị trường dịch vụ.

"Việc bảo hộ một số ngành dịch vụ là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, dễ gây trì trệ cho sự phát triển kinh tế trong nước. Đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này", ông Vũ Mão nói.

Nói về tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, Ủy ban Đối ngoại cho rằng, hiện các nền kinh tế lớn có trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, EU đầu tư vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng của họ. Việc gia nhập WTO, và nhất là sau Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội, các DN từ các nền kinh tế lớn đã quan tâm đến thị trường Việt Nam hơn trước. Niều khả năng sẽ có một làn sóng đầu tư mạnh vào nước ta.

Do đó, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ có kế hoạch và biện pháp cụ thể để đón nhận cơ hội này, tránh làm cho các nhà đầu tư ban đầu thì kỳ vọng rất lớn vào thị trường Việt Nam nhưng sau đó lại nản lòng về khả năng tiếp nhận đầu tư của ta.

Kế hoạch tuyên truyền phải toàn diện

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, do ông Vũ Mão trình bày, đánh giá, tự do hóa thương mại chắc chắn sẽ tác động đến an ninh quốc gia, thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, khủng bố, dịch bệnh... Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu hơn và toàn diện hơn vấn đề này, đối với trước mắt cũng như lâu dài.

Ngoài ra, việc gia nhập WTO cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế và quản lý kinh tế, đặc biệt là năng lực cạnh tranh còn yếu của các DN và năng lực quản lý hạn chế.

"Việc gia nhập WTO ví như chúng ta đã ra biển lớn, muốn tồn tại trên thị trường thế giới trước tiên phải nâng cao sức cạnh tranh. Cạnh tranh trong WTO bao hàm việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế mà việc tuân thủ này đòi hỏi không ít đầu tư về máy móc, công nghệ và quản lý".

Tác động về mặt xã hội của việc gia nhập WTO Chính phủ có đề cập nhưng theo Ủy ban Đối ngoại, là chưa tương xứng, nhất là tình trạng thất nghiệp gia tăng, việc di dân từ nông thôn ra thành thị và các KCN và tác động đến tâm lý xã hội, tâm lý tiêu dùng, đời sống văn hóa, lối sống của nhân dân.

Do vậy, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội tiếp tục rà soát các luật, pháp lệnh để sửa đổi, bổ sung cho tương thích với các quy định của WTO; xây dựng mới các luật, pháp lệnh phục vụ quá trình hội nhập. Điều quan trọng là thể hiện sự minh bạch ngay trong nội dung của các luật, pháp lệnh. Đồng thời, giám sát việc thực hiện các cam kết của ta khi gia nhập WTO.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, cần phổ biến đến chính quyền các cấp các cam kết và quy định có liên quan của WTO.

Uỷ ban Đối ngoại của QH yêu cầu Chính phủ cần có kế hoạch toàn diện đối với công tác này nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về những cơ hội và thách thức, khó khăn và thuận lợi để tạo sự đồng thuận trong xã hội khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Chính phủ và các Bộ, ngành lên kế hoạch triển khai công tác thông tin để nhân dân, đặc biệt là hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước và cộng đồng DN nắm vững nội dung các cam kết.

Song song đó, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tập trung cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch hóa, hoàn chỉnh thể chế thị trường trong nước, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực...

Kết thúc phần trình bày, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của QH Vũ Mão đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam; cho phép áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam như Chính phủ đã đề nghị và có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các quy định của WTO theo lộ trình đã cam kết.

No comments: