Tuesday, November 28, 2006

QH thảo luận về WTO: Cơ hội nhiều điểm yếu càng rõ

Đại biểu QH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội lớn, cộng hưởng từ WTO và Tuần lễ cấp cao APEC, để thu hút đầu tư. Song, cơ hội nhiều lên thì điểm yếu cũng lộ rõ, là sức cản khiến nguy cơ mất cơ hội khi hội nhập cũng rất lớn.

Soạn: HA 969575 gửi đến 996 để nhận ảnh này
ĐB Nguyễn Ngọc Trân lo khi vào WTO, phân hoá xã hội ở Việt Nam sẽ gia tăng.

Nỗi lo của đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng là nỗi lo chung của nhiều đại biểu QH khi thảo luận tại Hội trường chiều 28/11, trước khi chính thức thông qua Nghị định thư của Việt Nam về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cần sớm triển khai chương trình QG về cạnh tranh

Không tận dụng WTO, có khi còn bị trừng phạt

Sau khi QH chính thức phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu. Ông cho rằng, việc gia nhập WTO vừa có lợi lớn lại vừa có những thách thức không nhỏ.

Ông nói: "Thành công nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực chủ quan của chúng ta. Nếu chúng ta không chủ động vươn lên, tận dụng cơ hội thì lợi ích thu được sẽ rất ít, thậm chí có thể đối mặt với sự trừng phạt từ phía các thành viên khác. Lịch sử của WTO chỉ ra rằng, có nhiều quốc gia, dù đó là thành viên lâu năm nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn không hề được cải thiện vì không tận dụng được cơ hội phát triển, tạo ra thế và lực mới để vượt qua và đẩy lùi thách thức".

Tuy nhiên, là nước đang phát triển ở trình độ thấp, quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, DN và đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé thì việc gia nhập WTO của Việt Nam cũng đặt ra thách thức rất lớn.

Cạnh tranh kinh tế gay gắt hơn, quyết liệt hơn và diễn ra trên quy mô sâu rộng hơn. Nguy cơ phá sản một bộ phận DN, nguy cơ thất nghiệp và nguy cơ phân hoá giàu nghèo sẽ càng tăng nếu chúng ta không có chính sách chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, chính sách phúc lợi và an sinh xã hội đúng đắn, không thực hiện tốt chủ trương của Đảng là tăng trưởng kinh tế đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển.

  • Đỗ Minh (lược ghi)

Hầu hết các đại biểu QH đều cho rằng, gia nhập WTO khẳng định vị thế mới của Việt Nam. ĐB Nguyễn Ngọc Trân:" Đi liền với thời cơ là thách thức. Thời cơ là tiềm năng, thách thức là hiện thực.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chính phủ cần hỗ trợ, giúp đỡ các DN, người dân thực hiện các cam kết. Các cam kết WTO với thế giới phải được chuyển bá thành các cam kết phát triển nội tại của đất nước. Do vậy, rất cần Chính phủ thiết kế lộ trình rõ ràng, tạo sự phân giao. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, DN trong việc thực hiện.

Ông Lộc kiến nghị cần sớm triển khai chương trình quốc gia về cạnh tranh cho các DN Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo ông, Chính phủ cần xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới.

Ngoài ra, cải cách hành chính - mặc dù Chính phủ đã coi là khâu đột phá trong thời gian tới, nhưng triển khai rất chậm. Nếu cứ như hiện nay - ông Lộc e ngại - rất có thể chúng ta sẽ bị lỡ nhịp hội nhập và bị mất đi cơ hội phát triển.

Nên xác định trước nghành nào có thể bị phá sản

Đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa - Vũng Tàu): Chính phủ cần sớm công bố Chương trình hành động, trong đó có đầy đủ ngành nghề, các hiệp hội.

Bà Ninh đề xuất, Chính phủ cần phải xác định trước ngành nào, khu vực nào có phá sản lớn nhất để có biện pháp về an sinh xã hội, trợ cấp lao động để hạn chế tiêu cực. "Các nước vào WTO đã học cách "lách" hoặc có luật sư rất giỏi để bẻ cong luật chơi, kể cả đa phương và đương nhiên song phương, có lợi cho họ. Do vậy cần xây dựng đội ngũ cán bộ, doanh nhân có năng lực thực hành chuyên sâu, cụ thể và nhiều kinh nghiệm thực tế", bà Ninh góp ý.

Lo cho nông dân thế nào cho đúng cách?

Nhiều ý kiến cho rằng, gia nhập WTO thì đối tượng nông dân là dễ bị tổn thương nhất. Nhưng QH, Chính phủ đã làm gì để giúp người dân vượt qua được? Câu hỏi này được đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đưa ra. Bà Dung nói, theo lộ trình, cần tăng mức trợ cấp trực tiếp cho nông nghiệp lên 8-10%, thay vì mức 3% vừa qua...

Chia sẻ quan điểm này, song, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang), băn khoăn, nếu tăng trợ cấp trực tiếp cho nông dân thì rất có thể sẽ lợi bất cập hại. Qua nghiên cứu, bà Minh thấy rằng, nếu nước nào trợ cấp trực tiếp cho nông dân thì ngành nông nghiệp nước đó càng khó phát triển.

Từ câu chuyện cá tra, basa mà đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh đưa ra, bà Minh nói đây ngành sản xuất này hầu như không có trợ cấp Nhà nước. Mặc dù mất thị trường Mỹ do vụ kiện, nhưng xuất khẩu cá tra, basa đến nay đã tăng lên 700-800 triệu USD, sang năm có thể đạt 1 tỷ USD. Do vậy, nếu chúng ta hỗ trợ một cách hợp lý thì ngành sản xuất sẽ phát triển.

Bà cho rằng, nếu hỗ trợ thì nên tập trung vào việc hướng dẫn họ về các tiêu chuẩn của từng ngành sản xuất cho nông dân. Ngoài ra, nên tổ chức sản xuất thành các cộng đồng, tránh phát triển manh mún. Nếu đối tượng DN có thể thay đổi rất nhanh, thích ứng nhanh khi hội nhập, thì bộ máy hành chính và nông dân chậm hơn mà họ cần phải được đào tạo kiến thức hội nhập sớm.

ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) lưu ý, cần phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, bởi đã độc quyền là không có thị trường. Vấn đề bây giờ là phải tạo ra thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa hiện chưa có. "Tôi đã lên vùng cao ở Nghệ An. Bí thư huyện ủy nói là 3 năm nay không thấy mặt ông thương mại lên. Dân ở huyện nuôi được con bò phải dắt xuống huyện cũ 40 cây số để bán thì làm sao có thị trường? Không có thị trường thì dân ta nghèo và đồng bào sẽ khổ. Tự cấp, tự túc ở trong chế độ nghèo là khổ", ông khuyến cáo.

Hố cách phân hóa

Về khía cạnh xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) tỏ ra lo lắng về sự phân hóa xã hội. Thực tế buộc Việt Nam phải quan tâm hơn đến việc này, tránh bị dẫn đến hỗ sâu phân hoá giàu - nghèo.

Hơn nữa, khi hội nhập cũng cần tính đến bảo vệ bản sắc văn hoá. Ông nhắc lại, hội nhập chứ không không hòa tan. Ông kiến nghị QH cần sớm xem xét phê chuẩn Công ước về Bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa đã được Hội nghị toàn thể UNESCO thông qua.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) góp ý, nếu như trước đây, GATT chỉ có 23 quốc gia và đó như là một câu lạc bộ của nhà giàu, thì một đặc tính rất mới của tổ chức WTO là tính toàn cầu. Hiện trong tổ chức gồm 150 thành viên này, chỉ hơn 20 là nước giàu, còn 2/3 là người nghèo.

Vì vậy, ở vị trí nước nghèo, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất, Việt Nam cần tận dụng tối đa những quy định của WTO về ưu cho các nước đang phát triển có trình độ thấp, nước đang chuyển đổi. Với vị trí đó, chúng ta có quyền đòi hỏi ở những nước khác.

"QH cũng phải đối mới tư duy"

ĐB Đỗ Trọng Ngoạn ( Bắc Giang) "có ý kiến": QH cần phải hết sức đổi mới tư duy, không nên bảo thủ để QH hoạt động có hiệu quả trong WTO. Theo ông Ngoạn, tính chủ động của Quốc hội trong làm luật thì thấp lắm. Hơn nữa, làm luật rồi nhưng đưa vào cuộc sống cũng rất thấp đây là trách nhiệm của QH. Hiện chỉ khoảng 23% luật không đi vào cuộc sống được...

Nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam:

Theo Phụ lục Nghị quyết gia nhập WTO của Việt Nam, những Luật sau sẽ được sửa đổi ngay sau khi Việt Nam hoàn tất quá trình gia nhập WTO:

- Luật số 60/2005/QH11 Luật Doanh nghiệp
- Luật số 65/2006/QH11 Luật Luật sư;
- Luật số 24/2000/QH10 Luật Kinh doanh bảo hiểm
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật số 02/2002/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Luật Sở hữu trí tuệ
- Luật Điện ảnh.

No comments: