Sunday, November 19, 2006

Nhớ và nghĩ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay

Câu chuyện về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có thể chìm đi trong những thông tin về APEC, về WTO, về những phát biểu của các nguyên thủ quốc gia và các chính khách đến Hà Nội trong tháng 11 năm nay, tháng ghi nhận một bước bứt phá ngoạn mục quảng bá hình ảnh Việt Nam và nâng vị thế của “ngôi sao mới nổi” đang tỏa ánh sáng riêng của mình trên bầu trời quốc tế.

Xúc động và đáng suy nghĩ biết bao về lời phát biểu của bà ngoại trưởng Hoa Kỳ: “Đây là một trong những vùng đất có sức sống mãnh liệt nhất mà tôi đã từng đến, đó là điều tôi sẽ nói với người Mỹ”.

Cảm nhận cho rõ, cho sâu “sức sống mãnh liệt” đó không dễ đâu. Và chắc không phải là ngẫu nhiên Tổng thống Mỹ đã chỉ thị cho bà Ngoại trưởng và ông đại sứ Mỹ cùng có mặt cần gia tăng trợ giúp về lĩnh vực giáo dục cho Việt Nam trong cuộc trao đổi thân mật thêm nơi tiền sảnh với vị Thủ tướng nước chủ nhà sau khi kết thúc cuộc hội đàm chính thức. Chúng ta trân trọng cử chỉ đó, vì giáo dục là “chìa khóa của phát triển” và cũng hiểu rõ giáo dục và đào tạo là thành tựu đáng tự hào của Hoa kỳ, nước luôn dẫn đầu về số người được giải Nobel hàng năm.

Và trên ý nghĩa ấy, ngày nhà giáo Việt Nam năm nay có thêm sắc thái mới, nguồn lực mới. Chúng ta biết rằng, khi đất nước dấn bước mạnh mẽ trên con đường hội nhập, khi mà “thu hẹp khoảng cách để cùng nhau phát triển vẫn là những thách thức lớn đối với chúng ta” như lời Chủ tịch nước CHND Trung Hoa phát biểu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là cách thông minh và có hiệu quả nhất của việc thu hẹp khoảng cách đó.

Với một đầt nước “vốn xưng văn hiến đã lâu”, thì điều ấy không hề là chuyện lạ, vấn đề là cùng với quyết tâm của cả dân tộc là phải có cách làm mới, phải có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Khi mà từ nền giáo dục cho 5% dân cư chuyển sang nền giáo dục cho 100% dân cư thì đòi hỏi phải thực hiện “một bước nhảy về nguyên lý” là điều bắt buộc. “Một khi nền giáo dục đã dành cho cả 100% dân cư thì nó trở thành tự nhiên như một nhân tố hữu cơ làm nên sự sống tự nhiên của mỗi cá nhân. Lúc ấy, được hưởng giáo dục để phát triển cũng tự nhiên như ăn uống, hít thở không khí để sống và trưởng thành.”(*). Không phải lúc để bàn sâu vào lý thuyết, xin được kể hai mẩu chuyện tình cờ có liên quan với vấn đề lý thuyết ấy.

Cách đây đã khá lâu, trong một chuyến công tác ở Lũng Cú, Hà Giang, trên đoạn đường đèo đổ dốc từ Cổng Trời về Mèo Vạc, trong nắng chiều đã tắt, một tốp cháu nhỏ ngồi sưởi ấm quanh đống lửa bên vệ đường. Tôi khẩn khoản với chú Khiêm lái xe, cho xe dừng lại. Bước vội về phía các cháu: bốn bé trai và một bé gái. Cho bò tranh thủ gặm nốt vạt cỏ bên đường, các cháu ngồi lại quanh đống lửa mới nhen để xua bớt đi cái buốt giá của sương muối, gió núi. “Các cháu học lớp mấy rồi, chăn bò từ chiều hay từ sáng?” tôi ngồi xuống vừa hơ tay trên ngọn lửa vừa hỏi. “Lớp ba cả, chỉ nó lớp bốn”, một bé trai chỉ vào cô bé đang tủm tỉm cười: “Học buổi sáng, buổi chiều chăn bò”. “Thế ai học giỏi nhất nào?”, tôi lại hỏi. Vẫn bé trai ấy : “Nó đấy, nó học giỏi lắm, vừa được cô giáo thưởng cho quyển vở đấy”. Vừa nói bé vừa đưa chân khẽ hất vào chân cô bé ngồi cạnh. Bé gái có đôi mắt rất sáng ngước nhìn tôi: “Không phải đâu không phải đâu!”. “Đúng nó đấy, quyển vở còn trong túi nó kia”, vẫn bé trai ấy nói to : “Cô giáo yêu nó lắm, cô ở dưới xuôi lên mà, cô ở nhà nó mà, dưới kia kìa”.

Nhìn xuống thung lũng mờ sương, dòng sông Nho Quế chỉ còn là một nét mờ uốn lượn quanh những đốm sáng thưa thớt thấp thoáng những khóm nhà sàn dưới chân đèo khi ánh chiều đã tắt. “Cô giáo dưới xuôi” quý yêu của các cháu ở đấy, bên bếp lửa nhà sàn cũng bập bùng như ánh lửa các cháu đốt lên ở đây, ánh lửa của tình người, ánh lửa của trí tuệ. Ánh lửa đang làm ấm sáng tâm hồn và khí phách của các cháu. Rồi đây chúng sẽ là những trụ cột vững chắc nơi phên dậu của Tổ quốc. Xúc động rút vội chiếc bút trên túi áo, tôi đặt khẽ vào tay bé gái, chào các cháu rồi vội vã chạy về xe trong tiếng gọi “không lấy đâu, không lấy đâu” của cháu giữa tiếng cười giòn của các bé trai.

Ánh lửa của trí tuệ, ánh lửa của trái tim. Đúng vậy. Cũng trong chuyến đi dài ấy, một buổi trưa tháng tư nắng gắt ở tận cùng xóm Đất Mũi , đang loay hoay bên tấm panô lớn ghi dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. MŨI CÀ MAU” để tìm một thế đứng chụp bức hình kỷ niệm, tôi bắt gặp một chú bé Đất Mũi. Đây rồi, nơi “ngón chân cái của tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm” , biểu tượng tuyệt vời trong ngữ ảnh của văn Nguyễn Tuân từng ghi đậm trong tôi từ mấy chục năm trước khi đất nước còn bị chia cắt, tôi bắt gặp đúng “nhân vật” mong ước.

Như từ một vũng bùn chui lên, chú bé lấm lem từ đầu đến chân với một xâu cá cầm tay, chỉ có đôi mắt xếch là ngời sáng. “Bác chụp hình cháu đấy à, có cho cháu hình không?”. “Chắc chắn phải gửi hình cho cháu”, tôi đáp, “Nhưng cháu phải cho địa chỉ, nhà cháu ở đâu?”. Chú bé ngước mắt “kia kìa”. Theo ánh mắt cháu, khuất sau những lùm cây xa tít, có những nóc nhà nhô lên. “Nhưng cứ gửi về trường cháu, có mình thầy giáo ở đấy, bưu điện vẫn mang thư và báo về cho thầy. Chiều nào cháu chẳng ở đấy để nghe thầy kể chuyện và đọc báo”. Tôi tiếc là không còn đủ thời gian để theo cháu về gặp thầy giáo kính yêu của cháu, nhưng qua câu chuyện của cháu bé lớp ba này, tôi hiểu ông thầy ấy đã ghi dấu ấn đậm như thế nào trong tâm hồn cháu. Với giọng trìu mến chân thành, cháu nói về thầy giáo của mình ở tận đẩu tận đâu xa lắm về đây dạy học, thầy ở một gian nhà nhỏ áp lưng với phòng hiệu trưởng, thầy yêu chúng nó lắm.

Xem ra bọn trẻ quấn quýt thầy giáo của mình suốt ngày, không chỉ ở buổi lên lớp. Ghé vào tai tôi, cháu nói khẽ: “Chỗ cá này, lát nữa cháu sẽ lén để vào cái rổ, lấy chậu úp lên, cạnh bể nước, chứ đưa cho thầy, thầy mắng cho đấy”. Một cảm xúc dâng trào như bóp chặt trái tim tôi. Chao ôi, có món quà 20 tháng 11 nào đẹp bằng xâu cá của cậu bé Đất Mũi này vừa ngụp lặn dưới bùn để có nó đem biếu thầy, mà “biếu lén”. Đột nhiên, tôi nhớ đến đốm lửa bên chân đèo Cổng Trời - Mèo Vạc, nhớ đến ánh mắt đen láy của cô bé lớp bốn vùng cao, cố hình dung xem cô giáo của cháu ra sao và chắc cô cũng được các trò nhỏ quây quần thương quý như cậu trò nhỏ Đất Mũi và các bạn của cháu đối với thầy giáo quý yêu của chúng đây kia. Nâng niu, khơi động và bồi đắp những tình cảm trong sáng kết tụ trong ánh lửa ấm sáng của trí tuệ và tình người ấy đã hun đúc nên cái đạo làm người vốn là nét rất đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc khiến cho người thầy và nghề thầy giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đó chính là điểm tựa để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Rất ngẫu nhiên mà có sự kết hợp hình ảnh các cháu bé ở hai đầu đầt nước, từ Lũng Cú Hà Giang đến Đất Mũi Cà Mâu trong câu chuyện tình cờ. Nhưng cái tình cờ ngẫu nhiên ấy lại nói về “nền giáo dục cho 100% dân cư”. Thế là từ câu chuyện các cháu bé với thầy cô của chúng lại dẫn đến câu chuyện rất lớn về nguyên lý giáo dục. Thì cũng nhân ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa này mà gợi lên “giải pháp phát triển giáo dục” đang là vấn đề có ý nghĩa bức xúc với thời cuộc khi mà “ngôi sao mới nổi” đang có sức tỏa sáng bắng ánh sáng của riêng mình trong bầu trời đầy sao đang mở rộng. Xin nhắc lại đây một nhận xét của Thủ tướng Nhật Bản “Khi nói chuyện với những thanh niên Việt Nam, ông thấy những cặp mắt rất sáng.”Người kể lại nhận xét đó, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật cho biết: “Theo tôi,ở Nhật Bản bây giờ rất khó tìm những thanh niên như vậy”.(**)

Còn tôi, tôi nghĩ đến những đôi mắt thông minh rất đáng yêu của các cháu bé chăn bò quanh đống lửa bên đường đoạn đường đèo Cổng Trời-MèoVạc ở Hà Giang và ánh mắt em bé Đất Mũi như một Chử Đồng Tử thời đại thế kỷ XXI. Những đôi mắt của thế hệ sẽ làm nên ánh sáng riêng cho “ngôi sao Việt Nam” mới nổi lên trên bầu trời quốc tế nhân ngày 20 tháng 11 đầy ý nghĩa này.

___________________________________________
(*) Hồ Ngọc Đại “Giải pháp phát triển giáo dục” - NXBGD.2006, tr.7 và tr.9
(**) Báo “Lao Động” ngày 18/11/2006, tr.2

No comments: