Monday, November 20, 2006

Vào WTO, nền tảng gia đình có bị tác động?

Việt Nam gia nhập WTO, tất nhiên tác động đến các ngành kinh tế của đất nước. Bất cứ thay đổi lớn nào về kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, và dần dần đến cách sống, của từng người dân.

Bài viết này phân tích những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai về tình trạng hôn nhân và gia đình ở VN, và đối tượng được phân tích chủ yếu hướng đến tầng lớp trung lưu (có thu nhập trung bình và khá) ở thành thị.

Công việc nội trợ: nam giới độc thân sẽ dễ dàng tự lập hơn

Trong tình hình hiện nay ở VN, việc một người đàn ông sống độc thân tự xoay xở cuộc sống hằng ngày cho mình không phải lúc nào cũng dễ. Về ăn uống, họ sẽ có hai lựa chọn: đến tiệm cơm hoặc sẽ tự nấu ăn. Nếu đến tiệm cơm thì giá cả sẽ đắt hơn nhưng chất lượng không phải lúc nào cũng vừa ý. Phải tự nấu ăn cho mình, phải đi chợ sau mỗi ngày làm việc là điều mà không nhiều người đàn ông có thể kiên trì được. Trong quan niệm truyền thống của xã hội VN, một người đàn ông ra chợ không phải là một hình ảnh “khuôn mẫu”.

Trong khi đó, đến khi VN gia nhập WTO, các tập đoàn phân phối nước ngoài sẽ dần dần có mặt đầy đủ tại VN. Theo lộ trình, trước mắt khi việc gia nhập WTO có hiệu lực, các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài được phép liên doanh với đối tác VN để kinh doanh tại VN với mức vốn góp không được vượt quá 49%. Kể từ ngày 1-1-2008, mức hạn chế này sẽ bị hủy bỏ và kể từ ngày 1-1-2009, các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài được hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ tại VN (“Lộ trình các cam kết riêng về dịch vụ” - Schedule of Specific Commitments in Services, phần II, mục 4).

Đến lúc đó, thói quen mua sắm cũng sẽ dần dần thay đổi. Khi hệ thống các siêu thị được tổ chức tốt hơn với qui mô lớn và phổ biến, việc đến một siêu thị để mua tất cả những thứ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày (bao gồm cả lương thực, thực phẩm) với giá không quá chênh lệch so với ngoài chợ, sẽ không còn là “vấn đề” đối với đấng nam nhi.

Đồng thời, khi mức sống của người dân tăng lên, cộng với hàng hóa có giá cạnh tranh hơn, việc trang bị các tiện nghi phục vụ cuộc sống hằng ngày (như máy giặt, tủ lạnh, máy rửa chén...) của tầng lớp có thu nhập trung bình cũng sẽ dễ dàng hơn.

Đến lúc đó, việc phân công chức năng theo kiểu truyền thống giữa người chồng và vợ trong gia đình cũng sẽ phần nào thay đổi. Nam giới có thể dễ dàng tự đảm nhận các công việc nội trợ. Điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến các quyết định của nam giới trong việc kết hôn và kể cả ly hôn.

Lối sống thoáng hơn

Việc mở cửa rộng hơn nữa nền kinh tế làm cho nền kinh tế thay đổi, mức sống của người dân cũng thay đổi theo và những quan niệm sống của người dân, đặc biệt là giới trẻ, cũng sẽ thay đổi.

Chân trời sẽ rộng mở hơn, sự giao lưu văn hóa giữa trong và ngoài nước sẽ dễ dàng hơn. Nhờ vào việc tự do hóa ngành du lịch, việc gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện cho nhiều người ra nước ngoài hơn và nhiều người nước ngoài vào VN hơn. Các sản phẩm văn hóa cũng sẽ ra vào VN một cách thoáng hơn, sự cạnh tranh của ngành viễn thông làm cho khả năng tiếp cận và sử dụng Internet cũng dễ dàng hơn. Việc giao lưu, hợp tác, trao đổi văn hóa, du học cũng sẽ dễ dàng và phổ biến hơn...

Đến lúc đó, những lối sống của các nước phát triển - mà đa số là đã trải qua cuộc cách mạng về tình dục, sẽ dần dần ảnh hưởng đến quan niệm sống và cách sống của giới trẻ. Những quan niệm truyền thống về tình yêu, về hôn nhân dần dần bị thay đổi.

Hơn nữa, cùng với sự phát triển kinh tế, áp lực trong công việc cũng sẽ nặng hơn. Những hệ quả tất yếu của cuộc sống công nghiệp cũng sẽ tác động đến suy nghĩ và cách sống của người dân.

Khi đó, chắc hẳn là tỉ lệ người sống độc thân trong dân số (bao gồm người chưa kết hôn, người đã kết hôn nhưng ly hôn, ly thân...) sẽ tăng lên. Đặc biệt, độ tuổi kết hôn trung bình trong dân số cũng sẽ tăng lên.

Ngành dịch vụ tốt làm giảm nhu cầu tương trợ giữa các thành viên trong gia đình

Những chuẩn mực và giá trị truyền thống của gia đình VN (bền vững, tương thân tương ái...) hiện nay giảm phần nào gánh nặng cho nền kinh tế. Sự bền vững của hôn nhân và sự giúp đỡ giữa các thành viên trong gia đình sẽ bù đắp những khoảng trống mà các ngành ngân hàng, bảo hiểm, y tế... chưa vươn tới được do sự non trẻ của mình. Ngược lại, chính sự phát triển của những ngành này cũng đồng thời tác động đến mức độ, tính quan trọng của vai trò, chức năng của hôn nhân và gia đình VN trong tương lai.

Ngân hàng

Từ trước đến nay, hệ thống ngân hàng chưa đủ khả năng cho các cá nhân vay những khoản vay ngắn hạn cho tiêu dùng, cũng như chưa cung cấp được thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ cho các cá nhân. Các cá nhân khi gặp những khó khăn về tài chính, thường tìm sự hỗ trợ từ người thân quen mà trước tiên là từ vợ (chồng) và người thân khác trong gia đình. Thế nhưng, khi đã là thành viên của WTO, với sự tham gia ngày càng tự do của các ngân hàng nước ngoài trên lãnh thổ VN, chất lượng và sản phẩm của ngành ngân hàng sẽ tăng lên.

Đến ngày 1-4-2007, ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài và các ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng được thành lập tại VN. Tất cả các tổ chức này đều được quyền phát hành thẻ tín dụng (“Lộ trình các cam kết riêng về dịch vụ”, phần II, mục 7, tiểu mục B).

Đến lúc đó, khác với bây giờ, các ngân hàng có thể cung cấp những khoản vay để bù đắp các khoản thiếu hụt tiêu dùng trong ngắn hạn cho các cá nhân (nhất là cho các tầng lớp có thu nhập trung bình và thường xuyên).

Điều đó cũng sẽ tác động phần nào đến chức năng của hôn nhân và gia đình và do đó, đến những lựa chọn của các thành viên trong cộng đồng xã hội liên quan đến hôn nhân.

Bảo hiểm

Một gia đình bền vững có thể hỗ trợ tốt cho các thành viên của mình khi họ gặp rủi ro. Và khi hệ thống bảo hiểm còn non yếu, vai trò này của gia đình rất quan trọng. Giá trị tương thân tương ái của gia đình VN có được như ngày hôm nay là xuất phát từ tính chất bấp bênh của cuộc sống trong nền nông nghiệp lúa nước. Đến khi là thành viên của WTO, sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trừ bảo hiểm y tế) nước ngoài vào VN được tự do hơn.

Chẳng hạn, sau năm năm kể từ ngày VN gia nhập WTO, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở VN được phép hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Đến ngày 1-1-2008, sẽ bãi bỏ các hạn chế đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài liên quan đến việc kinh doanh bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, bảo hiểm trong xây dựng và lắp đặt, bảo hiểm cho các dự án dầu khí, bảo hiểm cho các dự án và công trình xây dựng nguy hiểm cao đến an toàn công cộng và môi trường. Đồng thời quyền của các doanh nghiệp này cũng được đối xử bình đẳng hơn với các doanh nghiệp VN (theo nguyên tắc đối xử quốc gia) (“Lộ trình các cam kết riêng về dịch vụ”, phần II, mục 7, tiểu mục A).

Đến lúc đó, việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ trở nên cạnh tranh hơn, và do vậy chất lượng cũng như qui mô của nó sẽ nâng cao, nhu cầu được bảo hiểm của người dân cũng được thỏa mãn tốt hơn. Áp lực cũng như nhu cầu tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình sẽ giảm xuống phần nào.

Y tế

Tương tự như các dịch vụ trên, dịch vụ y tế và xã hội cũng sẽ mở cửa theo cam kết khi gia nhập WTO. Các nhà cung cấp dịch vụ y tế nước ngoài có thể hoạt động dưới hình thức bệnh viện 100% vốn nước ngoài, liên doanh với đối tác VN hay theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các bệnh viện này được pháp luật đối xử bình đẳng như các cơ sở khám chữa bệnh trong nước mà không có ngoại lệ riêng (“Lộ trình các cam kết riêng về dịch vụ”, phần II, mục 8).

Sự tham gia rộng rãi hơn của các cơ sở khám chữa bệnh có vốn nước ngoài sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Điều đáng nói ở đây là chất lượng dịch vụ sẽ trở nên cạnh tranh hơn, và nó sẽ đảm nhận những công việc chăm sóc người bệnh liên quan đến việc ăn uống, vệ sinh, liên lạc - những công việc mà hiện nay người nhà của bệnh nhân thường phải đảm nhận. Điều đó giảm sự cô đơn và chạnh lòng cho những người sống độc thân trong những lúc “tối lửa tắt đèn”.

oOo

Việc gia nhập WTO không phải là sự khơi mào cho những thay đổi như đã phân tích ở trên, nhưng chính nó sẽ có tác động mạnh đến những khía cạnh xã hội đó, như là sẽ tác động đến các khía cạnh kinh tế. Bên cạnh những phân tích liên quan đến các yếu tố kinh tế, việc nhìn nhận, dự đoán đến những tác động có thể xảy ra đối với các vấn đề xã hội cũng nên được các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp, quản lý và các nhà nghiên cứu quan tâm xem xét ngay từ bây giờ nhằm phòng tránh những “cú sốc” cho xã hội trong tương lai.

Th.S LÊ MINH PHIẾU (Nghiên cứu sinh ĐH Montesquieu, Pháp)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=173332&ChannelID=194

No comments: