Tuesday, November 21, 2006
Nghề thanh bạch, sống trong sạch.
Nhà giáo Dương Thiệu Tống trò chuyện...
Đó là những phẩm chất quan trọng của nghề giáo, ở mọi thời, với mọi người. Song gìn giữ được những phẩm chất tốt đẹp đó luôn là điều ưu tư của các nhà giáo và cả xã hội.
Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ gặp gỡ nhà giáo Dương Thiệu Tống, để nghe ông tâm tư về một điều trăn trở: làm gì để tinh thần tôn sư trọng đạo luôn được gìn giữ và phát huy?
82 năm tuổi đời, 61 năm tuổi nghề, GS-TS Dương Thiệu Tống vẫn tiếp tục miệt mài với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ khi vừa trải qua cơn bạo bệnh, câu chuyện đầu tiên của người thầy nhiệt tâm này là niềm hạnh phúc vô biên của ông giáo nghèo.
GS-TS Dương Thiệu Tống: Tôi không giàu vật chất, nhưng giàu tinh thần, tình cảm
* Có lần GS đã nói: “Học trò đã mang lại niềm hạnh phúc lớn cho cuộc đời người thầy”?
- Đúng vậy đấy! Học trò tôi bây giờ có người 60 tuổi, người 70 tuổi, cũng mắt mờ chân run nhưng từ khi tôi bị bệnh đến nay cứ vài ngày lại có học trò đến thăm. Có học trò phải dò từng bậc cầu thang một để lên thăm tôi. Lần sinh nhật tôi gần đây nghe nói có học trò đến chúc mừng, ngồi trên giường nhìn ra phía cầu thang thấy mái tóc bạc phơ nhô lên trước, rồi dáng người khệ nệ bưng bánh kem lên sau, tôi xúc động và hạnh phúc vô cùng.
Ai cũng biết cái bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của tôi tốn tiền vô cùng. Mỗi lần lên cơn kịch phát mất cả triệu đồng tiền thuốc mỗi ngày. Một anh dược sĩ (vốn là học trò Trường Quốc học Huế của tôi ngày xưa) đang sống tại Mỹ đợt vừa rồi về thăm quê, nghe thầy bệnh đến thăm thầy. Anh ấy xem rất kỹ đơn thuốc của tôi và từ đó đến nay, cứ mỗi tháng lại gửi cho tôi một thùng thuốc. Tôi viết thư bảo anh ấy đừng gửi nữa hoặc để tôi gửi tiền nhưng anh ấy không đồng ý.
* Xin hỏi GS một câu hỏi hơi riêng tư: ngày xưa đi dạy lương của GS có đủ sống không?
- Lương dạy học vừa đủ cho tôi có một cuộc sống bình thường, nuôi năm đứa con ăn học thành tài. Chứ với mức lương giáo viên và các khoản tiền trường như bây giờ chắc con tôi thất học hết (cười). Tôi thì không giàu vật chất nhưng giàu tình cảm, giàu tinh thần.
Tôi hài lòng vì được sống trên đất nước VN, được đóng góp cho nền giáo dục VN, được nói lên điều mình suy nghĩ và mong ước. Cuộc đời tôi có rất nhiều sai lầm nhưng cái đúng nhất của tôi là ở lại với đất nước này.
Ngay từ khi xin được học bổng của các chính phủ nước ngoài, tôi đã xác định: mình học cho ai? Tôi học cho cha mẹ tôi, ông bà tôi vì ngày xưa cha mẹ tôi thường răn dạy “ráng học đi con, sau này giúp gia đình”. Ai cần tôi học? Đất nước này cần tôi học chứ nước ngoài họ đâu cần tôi học!
* Thưa GS, có ý kiến cho rằng lối sống công nghiệp, hiện đại đã làm cho tinh thần tôn sư trọng đạo của giới trẻ ngày nay có phần phai nhạt so với các thế hệ học trò thời xưa. GS nghĩ như thế nào?
- “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành đức tính truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay. Nhưng dĩ nhiên “sư” phải như thế nào thì mới được “tôn”. Theo tôi, thầy giáo cần hội đủ ba yếu tố: có cuộc sống trong sạch, tinh thần bất vụ lợi và có lòng yêu nghề mến trẻ.
Tôi đã từng du học tại nhiều nước hiện đại trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp... Họ rất văn minh, nhịp sống của họ cũng hối hả, cũng công nghiệp nhưng tình cảm tôn trọng người thầy, yêu quí nhà trường vẫn rất mạnh mẽ. Muốn học sinh kính trọng, bản thân thầy phải gương mẫu, phải trung thực trước đã.
Cuộc sống giáo viên quá khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng không hay trong ngành giáo dục- đây là trách nhiệm của những nhà quản lý. Trước hết, xã hội phải lo cho người thầy giáo có một cuộc sống đầy đủ để họ yên tâm với nghề. Nghề giáo vốn là nghề thanh bạch, bản chất người thầy giáo vốn giản dị. Điều này trong sách vở sư phạm ngày xưa đã nói rất nhiều.
* 61 năm gắn bó với ngành giáo dục VN, GS mong mỏi điều gì?
- Tôi đã sống và trải nghiệm qua các thời kỳ khác nhau, các cơ chế quản lý khác nhau của nền giáo dục VN. Giáo dục VN có phát triển đấy nhưng vẫn còn quá chậm so với thế giới.
Điều mong ước lớn nhất của tôi hiện nay là người VN, giới trí thức VN nói chung và những cán bộ - giáo viên ngành giáo dục nói riêng hãy đoàn kết, hợp tác với nhau để giải quyết rốt ráo những bất cập, bài trừ tiêu cực, bệnh thành tích, đưa nền giáo dục nước nhà phát triển vững và mạnh.
HOÀNG HƯƠNG thực hiện (Theo TUOITRE)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=173451&ChannelID=13
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment