Saturday, November 25, 2006

Chín vấn đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhận được tổng số 31 ý kiến chất vấn bằng văn bản, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã hệ thống lại thành 9 vấn đề để trả lời ĐB Quốc hội.

Không có trọng tâm cải cách chỉ có trọng tâm đổi mới?

Trả lời nhóm câu hỏi đâu là trọng tâm của cải cách giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói Nghị quyết Quốc hội không đặt ra vấn đề cải cách, chỉ yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Để nói về tầm quan trọng khi đã xác định cải tổ giáo dục, ông nói Việt Nam đến nay mới có 3 cuộc cải cách giáo dục. Theo ông, Nghị quyết 40/2000/QH10 của QH chỉ đề ra mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa phổ thông mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ...

Thực hiện Nghị quyết, chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được tập trung đổi mới với những nét cơ bản như: bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh. Giảm bớt những nội dung mang tính hàn lâm, tăng những nội dung thiết thực có ý nghĩa đối với cuộc sống của học sinh; giảm hợp lý những kiến thức mang tính lý thuyết, tăng những kiến thức thực hành và vận dụng được vào cuộc sống....

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng dẫn ra hàng loạt những thành tựu mới mà bộ đã đổi mới theo tinh thần Nghị quyết QH liên quan đến các chủ đề như phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Sách giáo khoa lần này sẽ ổn định trong 10-15 năm?

Soạn: HA 967167 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân.

Với nhóm câu hỏi đâu là giải pháp ổn định chương trình giáo dục và sách giáo khoa, Bộ trưởng Nhân cho biết ngay từ năm 2003, Bộ đã chuẩn bị hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông. Thành lập Ban Chỉ đạo hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông và 23 Tiểu ban hoàn thiện chương trình các môn học từ Tiểu học đến THPT, gồm 135 thành viên là các nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà giáo có tay nghề cao đang giảng dạy ở các trường.

Bộ trưởng nói chương trình giáo dục phổ thông ban hành lần này sẽ được áp dụng ổn định trong vòng từ 10 đến 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, yêu cầu cập nhật các thành tựu khoa học công nghệ mới có liên quan đến giáo dục phổ thông sẽ được thực hiện thông qua khâu hướng dẫn tổ chức thực hiện của Bộ để bảo đảm tính ổn định của Chương trình.

Cùng với việc ổn định Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa cũng sẽ được ổn định.

Trả lời câu hỏi về đâu là giải pháp phát huy hiệu quả của chương trình và sách giáo khoa mới, ông chỉ cho biết việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đặt ra yêu cầu cấp bách và “Bộ đã và đang từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên”.

Sau đó ông nêu ra một loạt các mục tiêu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên như xác định vị trí, vai trò xã hội và tiêu chuẩn phẩm chất theo yêu cầu nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo. Nâng cao trình độ và tay nghề chuyên môn, bồi dưỡng cho giáo viên khả năng tự học...

Cuối cùng, ông kết luận “nhìn chung, công tác bồi dưỡng giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Bộ phận giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên và có tay nghề từ loại khá trở lên đã đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa mới; bộ phận giáo viên trình độ trung bình sau 1-2 năm tích luỹ kinh nghiệm đã theo kịp yêu cầu”.

Những hạn chế trong công tác thiết bị dạy học

Đối với nhóm câu hỏi về làm sao để tăng cường trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng Nhân cho biết, Bộ đã xác định: Thiết bị dạy học là thành tố quan trọng góp phần đổi mới phương pháp dạy học.

Về giải pháp thực hiện chủ trương nói trên, Bộ đã có những giải pháp cụ thể như đề ra quy định về công tác thiết bị dạy học phổ thông, ban hành Danh mục thiết bị dạy học theo từng lớp học, ban hành mẫu thiết bị dạy học, ban hành các văn bản hướng dẫn...

Đánh giá về thiếu sót, hạn chế của công tác thiết bị dạy học, ông Nhân nói thời gian đầu thực hiện Bộ chưa ban hành mẫu thiết bị dạy học thống nhất, quy định số lượng trong danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của một số thiết bị chưa sát thực tế nên các địa phương gặp khó khăn trong lập kế hoạch mua sắm, đối chiếu nghiệm thu, tập huấn giáo viên sử dụng hoặc một số nơi mua vượt quá số lượng cần thiết.

Ngoài ra, ông nêu thêm một số yếu kém ở địa phương như: thiết bị dạy ở một số địa phương không có chỗ để, chưa phát huy hiệu quả sử dụng do cơ sở vật chất, phòng học, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm còn thiếu thốn.

Một số địa phương mua sắm thiết bị quá số lượng quy định là do chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ về rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có và nhu cầu của các trường để mua sắm.

Chiều nay, bộ trưởng Nhân đã trả lời được 6 câu hỏi chất vấn trực tiếp. Ông tỏ ra xúc động khi nói về khó khăn của giáo viên miền núi...

No comments: