Wednesday, November 22, 2006

Từ APEC nhìn lại

Ba nội dung cơ bản của bản tuyên bố Hà Nội của Hội nghị APEC 14 thể hiện rõ: tự do thương mại và đầu tư, hòa bình thế giới, và hợp tác phát triển vì con người. Thực ra, ý nghĩa của một tuần lễ sôi động vừa qua tại Hà Nội còn đi xa hơn thế nhiều, với thế giới cũng như với Việt Nam.


Hội nhập

Từ một quốc gia bị cô lập và thậm chí cấm vận, nay Việt Nam trở thành nơi để thế giới cùng nhau bàn cách cứu vãn thương mại toàn cầu. Mới chỉ hai tuần sau khi gia nhập WTO, Việt Nam chính là nơi để gây dựng lại vòng đàm phán Doha có ý nghĩa sống còn với WTO, một vòng đàm phán đã sụp đổ cách đây vài tháng.

Không chỉ có thế. Hai cường quốc Mỹ và Nga đã từng đối đầu mất còn, nay lại chọn Việt Nam để ký kết bản hiệp định song phương lịch sử, mở đường để Nga gia nhập WTO.

Đây cũng là nơi hơn 1.100 lãnh đạo những tập đoàn lớn nhất thế giới gặp nhau, để cùng trao đổi kinh nghiệm và cơ hội giao thương.

Đó là những đổi thay quá lớn về hình ảnh nước Việt Nam.

Hòa bình

Mảnh đất Việt Nam này, đã từng là một trong những chiến trường khốc liệt nhất thế giới. Nếu chỉ tính từ chiến tranh thế giới thứ hai, đã in dấu chân của bao đội quân: Từ Pháp rồi Nhật chiếm đóng, rồi Anh và Trung Quốc (Quốc dân đảng) vào giải giáp quân Nhật, rồi kế là đến Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… Nếu tính xa hơn nữa, phải kể đến quân đội của các triều đại Nguyên Mông, Thái Lan…

Nhưng cũng chính mảnh đất này, các lãnh đạo hàng đầu của những nước có tên trên đã chọn để đến thảo luận các phương cách cứu vãn hòa bình thế giới. Không ai còn phải bàn về hòa bình ở đây, chỉ có bàn về hòa bình, vũ khí hủy diệt, hay khủng bố ở đâu đó trên thế giới, Triều Tiên, Trung Đông, hay Dafur xa xôi.

Cũng tại đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật – Hàn Quốc để nguyên thủ ba nước thảo luận về vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, hay còn 87 cuộc gặp gỡ song phương khác, nơi các nước đến Việt Nam để bàn chuyện riêng của mình.

Đó là điều khẳng định vị thế của Việt Nam ngày hôm nay với hòa bình thế giới.

Nhìn lại phía sau

Hòa bình và phát triển. Phải chăng sự lựa chọn của thế giới là vì sự linh thiêng của mảnh đất này, hay vì sức sống mãnh liệt của dân tộc này? Chắc hẳn đó phải là cả hai.

Hơn 2/3 dân số Việt Nam sinh ra sau chiến tranh. Toàn bộ 11 lãnh đạo cao cấp của Mỹ do Tổng thống Mỹ dẫn đầu, tuyệt nhiên không có ai đã từng tham chiến ở Việt Nam. Với Việt Nam, chiến tranh đã xa. Xa lắm.

Thế hệ trẻ ngày nay đang nghĩ đến tương lai: hội nhập, thương mại, thành đạt, làm giàu... Họ hiểu quá khứ, nhưng cần phải tập trung suy nghĩ về tương lai. Chúng ta đã tụt sau thế giới khá xa, và chẳng nên bỏ phí một chút năng lượng nào để vượt lên phía trước.

Thế nhưng còn hàng triệu người Việt khác đã và đang còn mang đau thương mất mát. Hàng triệu linh hồn của những người đã ngã xuống?

Dù ở trên mặt đất này hay trên tầng cao, dù đang sống ở Việt Nam hay nơi nào đó trên thế giới, đó vẫn là người Việt với linh hồn Việt.

Chắc chắn đây là những người hạnh phúc nhất.

Hạnh phúc, bởi người Việt nào lại không có ước mơ để dân tộc mình được sánh ngang vai cùng các cường quốc. Cho dù khoảng cách hãy còn xa, nhưng điều quan trọng là một tương lai tươi sáng đã mở ra, và thế hệ trẻ đang hơn bao giờ hết có cơ hội thực hiện ước mơ đó.

Hạnh phúc, bởi ý nghĩa cao cả nhất của những hy sinh mất mát đó là gì, nếu không phải là để cho thế hệ ngày nay không còn phải nghĩ đến chiến tranh. Và hơn thế nữa, là để giúp thế giới này lấy lại hòa bình.

Bùi Văn
http://vietnamnet.vn/nhandinh/2006/11/635695/

No comments: