NKm 8:2-4, 5-6, 8-10; 1Cr 12:12-30; Lc 4:1-4,14-21
Theo truyền thống tại giáo đường Do thái, thì trong việc thờ phượng, người ta thường cho đọc một bài sách Luật, một bài sách Ngôn sứ, theo sau là bài giảng. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu được mời vừa làm người đọc sách Thánh, vừa là người diễn giảng trong giáo đường tại Nadarét. Chúa chọn đọc bài trích sách ngôn sứ Isaia như sau: Thánh thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4:18). Rồi Người ban lời huấn dụ, những lời đơn giản, nhưng quan hệ, những lời vượt quá trí hiểu của người nghe. Phúc âm thuật lại: Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người (Lc 4:20). Gấp sách lại, Người phán bảo: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh qúi vị vừa nghe (Lc 4:21).
Thực ra thì không phải chỉ có đoạn Thánh kinh này mới được ứng nghiệm, mà tất cả toàn bộ Thánk kinh Cựu ước được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Người đã hoàn tất mọi điều viết trong Thánh kinh Cựu ước. Bằng việc tỏ ra là Người ứng nghiệm lời Thánh kinh Cựu ước, Chúa Giêsu biểu lộ căn tính thực sự của Ngưòi. Người biết rõ Người là ai, và tại sao Người đến trong thế gian.
Cho tới lúc này, người Do thái tự vinh quang hoá dĩ vãng của họ. Họ được nhắc nhở họ là dòng dõi được lựa chọn, hàng tư tế vương giả, chủng tộc thánh thiện và dân riêng của Chúa (1). Họ được dạy bảo về Ápraham mà họ coi là tổ phụ. Họ lắng nghe những câu chuyện lạ lùng về Môsê, người đã đưa họ thoát khỏi vòng nô lệ bên Ai cập, vượt qua biển đỏ. Họ học biết về vua Solomon đã xây dựng đền thờ Giêrusalem đồ sộ và nguy nga, và làm sao Nơkhemia đi tiên phong trong việc tái thiết Ðền thờ sau cuộc lưu đầy bên xứ Babilon. Dân Do thái phải mất 46 năm mới xây xong Ðền thờ. Quan sát Ðền thờ, một môn đệ Chúa nói với Người: Thưa Thầy, Thầy xem kìa: khối đá thật vĩ đại, đền thờ thật khổng lồ (Mc 13:1). Chúa Giêsu đáp: Tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả sẽ bị phá huỷ (Mc 13:2).
Vào năm 70 công nguyên, quân đội La mã do tướng Titô dẫn đầu, đến phá huỷ Ðền thờ. Titô phải nghe biết về lời tiên đoán của Chúa về việc phá huỷ Ðến thờ. Tuy vậy ông cố ý để chừa lại một phần bức tường chung quanh Ðền thờ để chứng minh cho hậu thế biết rằng quân đội La mã hùng mạnh như thế nào, đã có thể phá huỷ Ðền thờ mà không có bom, không chất nổ, không xe tăng như ngày nay, ngay cả xe ủi cũng chưa có. Chín năm sau, Titô trở thành Hoàng đế của Ðế quốc La mã. Phần bức tường được chừa lại ngày nay được gọi là Bức tường Than khóc. Có linh mục kia, khi đi du lịch đến quan sát Bức tường, ghé vào tai một linh mục cùng đồng hành nói nhỏ: Sao người ta có thể phá được bức tường này vậy?
Cũng vào thời đó, người Do thái mơ tưởng về tương lai của họ. Ðiều họ chú tâm và tầm quan trọng của họ trong lịch sử xem ra nằm trong tương lai. Họ hướng về ngày tái thiết vương quốc của họ. Vì thế chính Ðấng cứu thế đang ở giữa họ, mà họ không nhìn thấy, hay không chấp nhận. Cho nên họ vẫn mong đợi vị cứu tinh khác.
Những niềm tự hào của người Do thái cổ xưa một phần nào cũng giống những nét tự hào riêng của nhiều người tín hữu đời nay. Người ta có thể tự hào là gia đình tôi theo đạo gốc, gia đình tôi có người làm ma Sơ, làm linh mục, làm giám mục. Tôi đã được chụp hình và bắt tay với giám mục nọ, hồng y kia, ngay cả với đức giáo hoàng. Tổ tiên tôi là thánh tử đạo nọ, thánh tử đạo kia. Quê tôi có nhà thờ lớn được kiến trúc theo kiểu này kiểu nọ. Tự hào như vậy thì cũng là điều tốt, vì trong đời đôi khi người ta cũng cần có ai hay có gì cao đẹp để nhắm nhớ, để mơ hoặc để nhắm tới hay để nhìn lên. Tuy nhiên tự hào như vậy để biện hộ hay để che đậy những điều sai quấy của mình, thì e rằng mình sẽ bị hố và bị lộ tẩy. Tự hào như vậy để bào chữa những việc làm sai quấy của mình thì sợ rằng người họ hàng làm đến chức quyền cao cũng không bênh vực nổi cho mình, hay đúng hơn không muốn bênh vực.
Những niềm tự hào trên đây là tốt bao lâu giúp cho mình sống theo mẫu gương đạo hạnh của tiền nhân. Tuy nhiên những tự hào đó có thể khiến cho ta trở nên tự mãn và dựa thế, không muốn tiến thân trên cuộc hành trình đức tin và sống đạo. Ta để cho mình sống như cây tầm gửi. Việc tổ tiên ta là người thế nọ thế kia, hay làm được chuyện nọ việc kia là một chuyện. Còn việc chính ta có sống đạo và thực thi đức tin hay không lại là chuyện khác.
Trong khi ta đang sống trong thời gian ở giữa, giữa thời gian Chúa cứu thế đã đến trong lịch sử loài người và thời gian Người sẽ đến để kết thúc lịch sử nhân loại, ta không được ngồi đó với thái độ tự mãn hoặc thờ ơ lãnh đạm hoặc mơ tưởng hão huyền. Trong khi ta nhìn về dĩ vãng để noi theo truyền thống và gương lành của tiền nhân, và nhìn về tương lai với niềm hi vọng tươi sáng, ta phải sống đức tin hiện tại ở đây và bây giờ với khả năng và phương tiện có thể.
Ðức tin của ta không phải chỉ là đức tin dựa trên quá vãng hay hướng về tương lai. Trong thực tế thì ta lại có thể để đức tin dựa trên quá vãng khi ta coi việc Ðấng cứu thế đã đến như một biến cố thuộc dĩ vãng, không ăn nhập gì tới nếp sống hiện tại. Hoặc ta đặt đức tin vào tương lai khi ta tự nhủ mình: Ngày nào đó tôi sẽ làm hoà với Chúa, tôi sẽ làm lại cuộc đời và sẽ sống đạo hạnh hơn. Tiếc thay khi hoàn cảnh thay đổi thì không còn thuận tiện cho việc làm lại cuộc đời. Và cũng tiếc thay ngày đó sẽ không bao giờ đến, hay đến quá trễ vì bất thình lình ta đã có thể trở thành người thiên cổ.
Lời cầu nguyện xin cho biết sống đức tin hiện tại:
Lạy Chúa là Ðấng con thờ và đặt niềm hi vọng.
Cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn nhận lãnh đức tin.
Xin đừng để con chỉ cậy thế vào thế được rửa tội từ nhỏ.
Cũng đừng để con mơ hồ vào tương lai không định hướng.
Xin dạy con biết sống đức tin hiện tại cụ thể và thực tế. Amen.
LM. Trần Bình Trọng (Vietcatholic News)
(1). Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên 1
No comments:
Post a Comment