Wednesday, January 24, 2007

Học thuyết xã hội Công Giáo và sự phát triển kinh tế Á Châu

Những thách đố mà các dân tộc Á Châu phải đối diện ngày nay rất lớn lao. Tình trạng nghèo đói mới; bạo lực khủng bố từ mọi phía kể cả từ phía nhà nước; việc tìm kiếm thành công bằng mọi giá; những hậu quả thê thảm của sự phát triển đang được gia tốc nhưng mất cân bằng sẽ được nghiên cứu rộng rãi qua lăng kính học thuyết xã hội Công Giáo trong hội nghị trong hai ngày 25 và 26 tháng Giêng 2007.
Trước những thách đố lớn lao mà các dân tộc Á Châu cũng như các Giáo Hội tại Á Châu phải đương đầu, Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đã phối hợp với Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) tổ chức cuộc họp này tại Bangkok với sự tham dự của 16 Hội Đồng Giám Mục các quốc gia Á Châu.
Tình trạng nghèo đói mới
Khi gia nhập WTO, các quốc gia Á Châu, vựa lúa của thế giới đã phải ký một thỏa thuận về nông nghiệp (Agreement on Argriculture – viết tắt là AoA) theo đó những hỗ trợ của chính quyền cho nông sản địa phương phải bị hạ giảm và hàng rào thuế quan phải được hạ giảm đến mức gần như gỡ bỏ hoàn toàn bất kể đến những khó khăn của các nhà nông tại các quốc gia này.
Trong báo cáo cuối năm 2006, Asian Farmers Association (AFA) ghi nhận rằng trong năm 2006 tình trạng bỏ đất không canh tác nữa tại các quốc gia Á Châu ngày càng trở nên trầm trọng và tình trạng có khuynh hướng nghiêm trọng theo kiểu xoáy trôn ốc. Thật vậy, do sản xuất nông nghiệp không đem lại thu nhập bao nhiêu, người nông dân bỏ ra thành thị kiếm ăn. Khi sản lượng nông nghiệp hạ giảm đến mức không đủ cung cấp cho thị trường nội địa nữa, các chính quyền phải quyết định nhập cảng lương thực. Trong nhiều trường hợp, lương thực nhập cảng trong thực tế còn rẻ hơn lương thực sản xuất trong nước khiến cho việc sản xuất nông nghiệp không những không đem lại thu nhập bao nhiêu mà người nông dân còn bị lỗ nặng. Với phương thức sản xuất nông nghiệp còn chậm tiến, chi phí sản xuất nông nghiệp và sản lượng nông nghiệp của các nước đang phát triển tại Á Châu không thể nào cạnh tranh nổi với các cường quốc trên thế giới. Tình trạng bỏ đất trống không canh tác nữa càng nghiêm trọng thêm theo khuynh hướng cấp số nhân. AFA cảnh cáo rằng 840 triệu người nông dân Á Châu ngày nay đang đứng trước những tương lai rất mờ mịt nếu không có những chính sách phát triển kinh tế lưu ý đặc biệt đến họ.
Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân trong phiên họp thường niên 2006 đã phải lên tiếng báo động về một tình trạng xơ xác của nông thôn, đặc biệt nơi những nông dân ít học.
Bạo lực tràn lan
Tình trạng bỏ nông thôn ra thành thị kiếm ăn là khuynh hướng không thể cản nổi tại các quốc gia Á Châu. Việc tập trung một lực lượng lao động to lớn trong một thời gian ngắn đã khiến cho chính quyền các nước không trở tay kịp và không có những biện pháp thích đáng để cung cấp công ăn việc làm cho số người lao động này. Nhiều chính quyền tỏ ra không thức thời và duy ý chí đã không nghĩ đến phương cách giải quyết công ăn việc làm cho người di dân thì chớ lại còn đề ra những biện pháp nhằm đẩy ngược số người này về nguyên quán, nơi họ đã thấy là không sống nổi nữa. Chính những hình thức bạo lực này của các chính quyền đã đẩy một số lớn người di dân vào con đường hoạt động phi pháp: mãi dâm, ma tuý, băng đảng. Đó là những thực tại ở hầu hết các nước Á Châu ngày nay.
Nhân danh phát triển, các chiêu bài “ổn định để phát triển” cũng được các chế độ độc tài tại Á Châu như Việt Nam và Trung quốc triệt để lợi dụng hầu có cớ đàn áp thẳng tay những người dám có ý kiến trái ngược với mình.
Thành công bằng mọi giá
Một xu hướng chung của các chính quyền Á Châu ngày nay là phát triển kinh tế bằng mọi giá. Kỹ nghệ mãi dâm tại Thái Lan là một điển hình. Hiện tượng phá hủy đất canh tác, phá rừng để lấy đất, hủy hoại thiên nhiên xảy ra tại hầu hết các nước Á Châu là một thí dụ khác. Trong cơn sốt kiếm thật nhiều đô la, cả nhà nước lẫn nhân dân nhiều quốc gia Á Châu đang sẵn sàng bán tất cả mọi thứ có thể bán được.
Các chương trình phát triển kinh tế không cân bằng và không có viễn tượng lâu dài đã để lộ ra nhiều kẻ hỡ trong luật pháp khiến cho tại các nước Á Châu ngày nay nhiều thủ đoạn làm ăn bất chính trong xã hội xuất hiện. Người ta cố gắng làm giàu bằng mọi giá trước khi các luật lệ chặt chẽ được ban hành. Hiện tượng “kẻ ăn không hết người lần không ra” xuất hiện nhan nhãn trong xã hội Việt Nam. Ít người làm giầu bằng chính tài năng của họ nhưng nhiều người trở nên giàu có chủ yếu nhờ những mối quen biết. Tình trạng tham ô, hối lộ lan tràn công khai trong xã hội.
Học thuyết xã hội Công Giáo
Trước tình trạng đó, học thuyết xã hội Công Giáo được trình bày như một phương thế đưa ra những đường hướng và những chuẩn mực cho các Giáo Hội tại Á Châu nhằm tìm kiếm những cách thế phát triển cân bằng trong công lý và hòa bình.
Trong Tông Huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Tôi kêu gọi các Giáo Hội ở khắp nơi, đặc biệt các Giáo Hội tại các nước Tây phương hoạt động sao cho học thuyết xã hội Công Giáo của Giáo Hội có tác dụng như lòng mong muốn đối với việc hình thành những chuẩn mực đạo đức và luật pháp, kiểm soát thị trường tự do và chi phối các phương tiện truyền thông xã hội. Các nhà lãnh đạo Công Giáo và các nhà chuyên môn phải thúc giục các nhà cầm quyền tuân giữ các chuẩn mực này.”
Hội nghị sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Huấn Luyện Mục Vụ Baan Phu Waan tại Sampran, gần thủ đô Bangkok. Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình sẽ khai mạc hội nghị. Đức Hồng Y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Bangkok và Đức Tổng Giám Mục Orlando B. Quevedo, chủ tịch FABC sẽ chào mừng đại hội.
Hội nghị sẽ nghe báo cáo của Đức Hồng Y Gioan Baoitixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sàigòn, giáo sư Felix Wilfred, giám đốc trung tâm nghiên cứu Kitô Giáo tại Đại Học Madras, Ấn Độ, cô Lina Chan, tổng thư ký ủy ban Công Lý và Hòa Bình Hương Cảng, ký giả Allwyn Fernandes của Ấn Độ, cô Wendy Louis, giám đốc trung tâm mục vụ Singapore và một số các báo cáo khác của Indonesia, Nam Hàn, Nhật, Ấn Độ, Mông Cổ, Pakistan, Việt Nam và Philippines.
Đặng Tự Do (Vietcatholic News)

No comments: