Ở đời biến cố câu chuyện nào cũng ẩn chứa mang sứ điệp nào đó nhắn gửi cho mọi người. Câu chuyện ngụ ngôn trong Phúc âm Thánh Luca 16,10-31 về người nghèo Ladarô và người giầu có mang ẩn chứa hai sứ điệp.
Sứ điệp niềm an ủi và sứ điệp nhắc nhở.
Trong đời sống ai cũng cần được an ủi. Và ai cũng có thể trao tặng an ủi cho người khác. An ủi và lòng trắc ẩn thương xót gắn liền với nhau.
An ủi có nhiều cách: bằng lời nói, bằng việc giúp đỡ, bằng dòng nước mắt cảm thông, bằng ánh mắt từ bi nhân hậu trong âm thầm cùng thông hiểu.
Sứ điệp niềm an ủi trong câu chuyện về người nghèo khổ Ladarô muốn nói lên: Điều công bằng trước sau rồi cũng được phơi bày ra. Điều bất công phải chịu khổ cực thiệt thòi sẽ có ngày chấm dứt. Và nó không bao giờ là tiếng nói quyết định sau cùng.
Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên con người, không muốn con người bị chìm đắm trong thống khổ. Ngài tỏ lòng nhân từ thương xót với người đau khổ. Ngài là Thiên Chúa của sự công bình.
Thường có thắc mắc: Tại sao có những người suốt đời chịu đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần lúc còn sống cho tới khi chết. Lại có những người được hưởng phần thưởng sung sướng lúc còn sống và lúc chết cũng còn được hưởng chút sung sướng mồ êm mả đẹp nữa. Công bình ở đâu vậy?
Trước thắc mắc này, con người chúng ta không có câu trả lời bằng chữ nghĩa lời nào cho thỏa đáng. Chỉ lòng tin mới giúp ta được thôi. Và chính lòng tin là niềm cậy trông an ủi cho đời sống hiện tại cũng như mai sau.
Ông Ladarô nghèo khổ trong câu truyện của Phúc Âm là một thí dụ điển hình cho lòng tin, mà Chúa Giêsu muốn nêu ra cho ta học hỏi tìm ra câu trả lời.
Sứ điệp thứ hai ẩn chứa trong câu truyện ngụ ngôn là lời nhắc nhở: Những người có may mắn có của cải đừng nhắm mắt làm ngơ trước cảnh nghèo khó của những người khác.
Tình liên đới lòng bác ái là sự công bình trong đời sống. Người nghèo khó xấu số cũng có gía trị là một con người trước mặt Thiên Chúa. Chỉ tình yêu lòng bác ái là ranh giới phân biệt tốt xấu trước mặt Thiên Chúa.
Ở đời xưa nay luôn có hai dòng sống đi cạnh nhau trong xã hội: giầu và nghèo. Nhưng trong đời sống đức tin vào Thiên Chúa không như vậy: mọi người đều là con Thiên Chúa như nhau.
Sự công bình thưởng phạt của Ngài khác với sự suy đoán của con người.
Hình ảnh một cây cầu bắc ngang qua một dòng sông giữa hai bên bờ cho con người di chuyển qua lại nói lên phần nào ý nghĩa bài học con người hai bên bờ sông cần thông thương với nhau thế nào, cũng như người nghèo cần người giầu có và ngược lại người giầu có cần người nghèo thế nào trong đời sống.
Trong việc chính trị kinh tế cũng thế. Các người giầu có tư bản được khuyến khích bỏ vốn đầu tư tạo ra công ăn việc làm cho những người nghèo. Người nghèo cần những người giầu có bỏ vốn đầu tư mới có công ăn việc làm. Từ đó đời sống phát triển vươn lên. Hai bên đều cần nhờ nhau. Hai bên cùng giúp nhau.
Họ giúp nhau không chỉ về kinh tế giầu thêm lên, cho có cơm ăn áo mặc. Nhưng còn nâng đỡ giúp nhau phát triển đời sống tinh thần làm người nữa: đời sống tương thân tương trợ kiến tạo.
Một đời sống tương trợ nhau như thế là một xã hội có hòa bình như Thiên Chúa mong muốn.Lm. Nguyễn ngọc Long
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment