Wednesday, June 06, 2007

Huế - Sài Gòn - Hà Nội: Xích lô!

CHÀO BUỔI SÁNG

Huế - Sài Gòn - Hà Nội: Xích lô!
Tôi còn nhớ, khoảng những năm 1957, 1958 khi tôi còn nhỏ sống ở Hà Nội, mỗi lần có việc đi đâu trong thành phố, những người lớn thường khuyên tôi không nên dùng phương tiện xích lô đạp. Lý do họ nêu rất đơn giản: ngồi xe xích lô đạp là bóc lột sức lực của người lao động, là không xứng đáng với công dân của thời đại mới: lao động và không bóc lột. Nghe lời khuyên, tôi đã rất ít khi dám ngồi lên xe xích lô.
Đúng là nếu đã một lần nhìn thấy những người đạp xe xích lô trong thời bao cấp vừa thở hổn hển vừa đạp xe lên dốc, thì khỏi cần ai khuyên, bạn cũng cảm thấy thật áy náy khi phải làm khách trên những chiếc xe nghèo ấy. Nhưng đó là chuyện của quá khứ. "xích lô solid/ba bánh cô đơn/thùng xe bụng rỗng/chạy quanh nỗi buồn/" (thơ tôi). Tôi lại nhớ, khoảng những năm 1987, 1988, mỗi lần có dịp ra Huế, tôi thường ngồi xe xích lô của "Phương xích lô" - một "nhà thơ xích lô" thứ thiệt mà tôi rất tự hào là một trong những người đầu tiên giới thiệu thơ anh trên báo.
Tình anh em giữa chúng tôi bắt đầu từ đó. Và chiếc "xích lô chở gió" của Phương đã không ít lần chở chúng tôi, những nhà thơ đồng hội đồng…xích lô với anh như Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh… cùng rong ruổi khắp những con đường nho nhỏ ở Huế đô. Phải nói thật, nếu không có Đổi Mới, thì không những kinh tế đất nước không thể phát triển, người dân Việt Nam cứ mãi chịu đói nghèo, mà tới cả giới "tài xế xích lô" cũng hết đường kiếm sống. Vì tôi cũng nhớ, thời bao cấp, một "cuốc" xích lô ở Sài Gòn, dù chạy tới chục cây số, giá chỉ bằng tô phở thường thường. Người đạp xe đúng là đã bán sức lao động với cái giá quá bèo.
Sau này thì ở nhiều đô thị lớn, xe Honda ôm đã chiếm "thị phần" của xích lô đạp một cách đáng lo ngại. Thêm nữa, như ở TP.HCM, người ta còn quy định cho xích lô đạp chỉ được chạy những con phố nào, và không được chạy những con phố nào. Người đạp xích lô đã khổ càng thêm khổ. May mà có Đổi Mới. Giữa vô vàn phương tiện giao thông đô thị, xe xích lô đạp bỗng dưng lại tìm được chỗ đứng, tìm được lộ trình tồn tại và phát triển của mình. Ngành du lịch ăn nên làm ra đã kéo theo dịch vụ "xích lô du lịch". Những chiếc xích lô truyền thống đã được "tân trang" để trở nên hấp dẫn hơn, thân thiện hơn, và cũng… nhẹ nhàng hơn. Người đạp xe đỡ mệt, mà khách ngồi xe cũng thấy lòng nhẹ nhõm, vì không còn bị xếp vào "thành phần bóc lột" như trước nữa. Và, thật cảm động, ngày 3.6 vừa qua ngay tại kinh thành Huế cổ kính đã diễn ra một festival mà người Huế hay gọi là "phẹc-ti-vồ" giữa những "hội xích lô" ba miền Nam - Trung - Bắc.
Lần đầu tiên, giới xích lô đạp Huế - Sài Gòn - Hà Nội đã gặp nhau tay bắt mặt mừng trong một lễ hội dành riêng cho ngành nghề mình. Một lễ hội đặc biệt của người lao động chân tay. Đầy tự hào, không một chút mặc cảm, những chiếc "xích lô chở gió", "xích lô quạt thơ", "xích lô nón Huế", "xích lô Tình Yêu", "xích lô học trò"… Hơn 300 chiếc xích lô mang kiểu dáng khác nhau của ba miền Nam - Trung- Bắc đã diễu hành tuyệt đẹp khắp kinh thành Huế, và đã được hàng vạn người xem nhiệt liệt đón chào. Có lẽ đây là lần đầu tiên người Huế - những người rất thích dùng phương tiện xích lô đạp - nhìn thấy những chiếc "xích lô phương Nam" với thùng xe phía sau và người đạp xe ngồi trước. Đó là những chiếc "xe lôi" nổi tiếng trong phim Người tình. Và nếu tôi nhớ không nhầm, văn hào Grahame Greene - tác giả tiểu thuyết lừng danh Người Mỹ trầm lặng - khi làm phóng viên ở Sài Gòn đã "chuyên trị" ngồi xe xích lô mỗi khi phải di chuyển trong thành phố. Xem ra, với việc tiếp cận những người nổi tiếng, thì xích lô đạp không thua - nếu không nói là hơn - với những nhà hàng hay khách sạn nhiều sao. Và như thế, tại sao giới "xích lô du lịch" không "đánh bóng" thương hiệu của mình bằng những chiếc "xích lô ngôi sao" - những chiếc xe bình dị từng chở những người nổi tiếng khắp thế giới khi họ tới thăm Việt Nam. Đó chẳng phải là một cách tiếp thị hay, và cũng là cách nhanh nhất đưa xích lô Việt Nam ra thế giới. Hoan hô xích lô!
Thanh Thảo (Theo THANHNIÊN Online)

No comments: