Wednesday, June 13, 2007

Đừng coi trẻ khuyết tật là “món nợ đời”

Ông T.H là viên chức cao cấp của một công ty lớn, ông đi xe xịn, có nhà ở thành phố, vợ đẹp và hai đứa con xinh xắn. Ai nhìn vào cũng nghĩ gia đình ông thật hạnh phúc. Nhưng ông có một nỗi lo. Ông lo có người biết được ông còn có… cô con gái thứ ba, cô con gái bị bệnh bại não.
Cô bé do bại não nên bị liệt nhẹ một bên người. Cô bị nhốt mãi trên lầu hai, không bao giờ được xuống phòng khách. Ông cũng cấm cả nhà không ai được nói với người khác về cô con gái này. Vậy là, dù cô được cho ăn uống đầy đủ, được chăm sóc chu đáo, nhưng cô cứ như một bóng ma trong nhà. Đối với mọi người, cô không hề tồn tại. Còn đối với gia đình, cô là một món nợ.
“Chắc kiếp trước tôi làm tội tình gì nên kiếp này bị quả báo”, đó là suy nghĩ của rất nhiều bậc làm cha mẹ khi có con bị khuyết tật. Với tư tưởng đó, họ xem đứa trẻ như “món nợ đời”. Và việc đối xử thiếu công bằng với trẻ là hệ quả tất yếu.
Lo cho con quá có tốt không?
Cũng có bậc phụ huynh khi sinh ra đứa con khuyết tật, họ chỉ có thể buông tiếng thở dài: “Phận mình, mình chịu”. Họ nghĩ số phận đã an bài: “Con mình sẽ không làm được gì”. Và họ cố gắng lo cho con được đến đâu hay đến đấy. Họ làm tất cả vì con, chăm sóc con từng li từng tí để bù đắp cho sự khiếm khuyết của nó. Nhưng họ không hề biết rằng: đó là một cách giết chết sự độc lập và phát triển của con họ sau này.
D tâm sự: “Từ nhỏ mình đã rất sướng, ba má lo cho mình tất cả, từ ăn uống tắm giặt cho đến đi lại. Có khi mình muốn giúp má lặt cọng rau, bắc nồi cơm… là má la liền. Má bảo để đó cho má làm”. Dù thật ra, D chỉ bị liệt từ hông trở xuống, đôi tay của cô vẫn có thể làm được nhiều việc.
Điều đó dẫn đến hệ quả: mỗi khi gặp việc khó khăn, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu cô là “tôi không làm được”, và cô nhìn mọi người xung quanh với ánh mắt cầu xin sự giúp đỡ. Cô tự nhận là: “Mình không thể tự làm được việc gì cả!”.
Tương tự như D, chị T.A cũng bị liệt hai chân và cũng được cha mẹ bảo bọc hết mực. Chị cho biết: “Năm nay tôi đã 38 tuổi, nhưng hầu như tôi không đi ra ngoài từ nhiều năm nay. Tôi đã quen cách sống lẩn quẩn trong nhà, bên cha mẹ và được cha mẹ chăm lo”.
Vậy làm sao họ có thể tự lực mưu sinh? Cha mẹ dù thương con nhưng có ở đời bên con được không? Khi cha mẹ qua đời, họ sẽ sống ra sao? Giúp trẻ có thể tự lực khi trưởng thành, đó mới là cách giáo dục tốt nhất.
Một cách đối xử công bằng
Chị Võ Thị Hoàng Yến là một người khuyết tật, nhưng hiện tại chị là Thạc sĩ Phát triển Cộng đồng, Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển, giảng viên trường Đại học Mở TPHCM.
Chị cho rằng: “Có được ngày hôm nay tôi phải cảm ơn mẹ tôi. Bà đã đối xử với tôi rất công bằng. Không hề vì cái tật của tôi mà mẹ tôi không bắt tôi làm việc. Bà vẫn phân cho tôi làm công việc nhà như các anh chị em khác. Chỉ có điều, bà chú ý những công việc gì tôi có thể làm được, không bị hạn chế bởi cái tật của mình thì phân cho tôi. Nhờ đó, tôi có được ý chí tự lập từ nhỏ. Tôi nghĩ, không có gì mình không thể làm được. Người ta lành lặn thì người ta làm bằng cách này, mình không lành lặn thì mình làm bằng cách khác”.
Còn Huỳnh Thị Nương thì cho biết: “Mẹ em rất thương em, mẹ có thể cõng em 30 cây số đến bệnh viện khám hàng tuần, mỗi đêm mẹ có thể thức trắng để xoa bóp đôi chân co rút của em. Nhưng mẹ không hề chiều em bất cứ điều gì. Cuộc sống và công việc của em thì em phải tự lo lấy, mẹ chỉ đứng từ xa theo dõi và hỗ trợ khi em thực sự cần người giúp đỡ, khi em đã cố gắng hết sức”. Nương cũng bị liệt hai chân từ nhỏ. Nhưng hiện tại, Nương là 1 trong 3 sinh viên được làm luận văn tốt nghiệp của lớp Dân số - Xã hội, khoa Địa lý, trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Những điển hình trên chứng tỏ rằng: trẻ khuyết tật không hoàn toàn vô dụng; với cách xử sự đúng đắn, cách chăm sóc và dạy dỗ hợp lý, trẻ khuyết tật hoàn toàn có thể sống tốt và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Tùng Nguyên (Theo DÂNTRÍ Online)

No comments: