Wednesday, May 24, 2006

Tam Đảo ký sự...






Kỳ 1: Tam Đảo nhìn từ xa và nhìn thật gần

Một người Hà Nội (quê 36 phố phường) từng lang thang tới nhiều địa chỉ du lịch để sống, để trải nghiệm, để rồi viết. Thường, anh không nặng về "kỹ thuật" báo chí mà lôi cuối người đọc ở cách kể chuyện tự nhiên của một khách du lịch về một vùng đất. Bài viết này là phần mở đầu của "Tam Đảo ký sự" với nhiều câu chuyện ít ai biết về Tam Đảo của anh.

Ở Hà Nội, vào những ngày trời trong đứng ở những nơi quang đãng không vướng cây cối phố phường, có thể nhìn thấy nhấp nhô hai dãy núi sẫm in trên nền trời. Về phía đông bắc là Tam Đảo, một cái tên đã đi vào trong trí nhớ không phải vì hình dáng mờ xa của nó mà vì người ta biết rằng ở đó có một khu nghỉ mát trên núi. Phía tây bắc là Ba Vì, một cái tên đã in vào trí nhớ cũng không phải vì sự hiện diện của nó mà chính vì ở đó là nơi có Thánh Tản Viên, vị thần núi của dân tộc ngự trị. Không hiểu vì sao hai dãy núi cùng dăng ngang nhìn về Hà Nội này lại cùng được người xưa lấy con số 3 để đặt làm tên.

Ba ngọn núi cao nhất ở Tam Đảo.

Vào những lúc thanh lòng, lẳng lặng nhìn lên Tam Đảo, những người tinh mắt sẽ thấy ít nhất cũng có đến gần chục cái đỉnh khác nhau lô xô chen chúc chứ không phải chỉ có ba ngọn như người ta vẫn thường tưởng tượng mỗi khi nhắc đến tên của dãy núi này. Rồi mấy năm gần đây, chẳng mấy ai còn có thể đứng ở Hà Nội mà nhìn thấy núi cả. Nhà cửa san sát vươn lên che hết mọi tầm mắt. Thêm nữa có mấy ngày người thành phố thấy được trời trong xanh đâu mà nhìn thấy núi, nhất là phía gần chân trời, quanh năm mù mù trắng ngay cả vào những ngày quang quẻ.

Khói bụi đã âm thầm phủ dần lên không trung những chiếc màng mỏng tang mỗi ngày mỗi đục dần nhưng chậm và đều đến nỗi người ta dần quên đi là mới ngày nào họ vẫn còn nhìn thấy những dải núi thẫm nơi chân trời. Hơn thế nữa, thời buổi bây giờ mấy ai lại ngơ ngác nhìn lên trời làm chi. Đăm đáu nhìn trân trân vào mặt đường mà còn va quệt còn ách tắc, ngó lên trời hoạ có là ấm đầu. Vả lại chưa thấy ai không nhìn lên trời mà chết, chỉ thấy lơ mơ không nhìn xuống đất là ngã bổ chửng tức thì.

Nhưng càng cúi xuống nhiều thì người ta càng mệt và lại muốn tìm đường đi ra đâu đó, thế là rủ nhau mà lên Tam Đảo. Để lên Tam Đảo, người ta đi theo con đường nhựa từ thị trấn Vĩnh Yên dẫn vào chân núi. Vòng vèo theo con đường vừa dốc vừa quanh co đến chóng mặt dưới bóng của các tán rừng thông cao vút, khi gần đến thị trấn ngẩng mặt lên là thấy ngay có ba cái chóp núi cao dang rộng cánh tay như mời gọi, như đón chào. Trên một trong ba chóp núi ấy có chiếc cột truyền hình đâm thẳng lên trời, và rất nhiều người đã reo lên: Tam Đảo đây rồi!

Đúng là có ba ngọn núi cao ôm lấy một thung lũng chen chúc khách sạn và biệt thự lớn nhỏ. Đúng là Tam Đảo, ba hòn đảo núi nhô lên giữa một đại dương mênh mông mây trắng. Thế nhưng một lần vừa mới rời khỏi các con đường chính chừng dăm trăm mét đi ra sườn núi phía tây nơi có con đường cụt dẫn vào rừng già, anh chàng kiểm lâm dẫn đường chỉ tay qua bên kia một dải thung lũng uốn sâu hun hút dưới chân và giảng giải rằng: Ba ngọn núi nhô cao bên kia hõm núi có tên là Thiên Thi, Thạch Bàn và Phù Nghĩa. Đó chính là ba ngọn núi tạo thành cái tên Tam Đảo.


Ngọn núi gần nhất có cái sườn uốn cong xanh mướt đẹp và mềm nh

Thị trấn Tam Đảo và tháp truyền hình.

ư bờ lưng của một nàng tiên kia còn được gọi là đỉnh Rùng Rình. Từ dây qua đấy trông thì rõ gần nhưng phải đi chừng hơn một tiếng chui dưới tán rừng. Bước chân lên đó sẽ thấy đất dưới chân mình rùng rà rùng rình như đi trên đệm mút bởi vì cây cỏ bao đời đã bị rêu mốc kết thành một tấm thảm dày trùm lên nhấp nhô đá núi. Ai đã một lần đặt chân lên đó là không bao giờ có thể quên được cảm giác kỳ lạ đến nao lòng. Xưa kia người Pháp đã dọn một con đường mòn đi quanh các ngọn núi. Bây giờ lẫn trong cây rừng vẫn còn một vài chiếc bàn đá lục lăng, ghế ngồi và cả những thanh sắt giăng ngang xưa là tay vịn nay đã mục rỉ…

Hoá ra mình chẳng biết ngay cả đến những cái đơn giản nhất về Tam Đảo. Ngượng ngùng vì sự ngộ nhận bấy nay, quay lưng lại nhìn về thị trấn mới thấy rằng đứng ở đây mới thấy là ba ngọn núi nghênh ngang vây quanh thị trấn còn thấp hơn ba ngọn núi trước mặt nhiều. Về đến văn phòng, tìm trên tấm bản đồ địa hình treo sừng sững trên tường mới thấy thị trấn Tam Đảo chỉ là một cái chấm rất nhỏ trên một dải núi dài có tên là Tam Đảo.

Từ trước đến nay đã có biết bao nhiêu người cũng đã lầm lẫn như thế, cũng đã tự cho mình là đã biết hết Tam Đảo sau một hai lần lên đây thuê phòng khách sạn, ngủ một đêm để hưởng không khí mát lạnh, để ngắm mây trôi. Sành sỏi hơn một chút thì biết tìm đường xuống chân thác Bạc ngồi nghe nước reo, biết ra bể bơi vầy mình trong dòng nước lạnh dẫn vào từ con suối rừng. Đỉnh cao của dân lọ mọ là tìm ra mấy quán nhậu để thì thầm gọi mấy món thịt thú rừng con con, như cầy, như dũi, nhậu với rượu chuối hột. Thế là coi như đã biết hết tất tần tật, chẳng còn gì phải băn khoăn.

Trong hàng mấy trăm du khách đang tràn vào cái thị trấn toàn những là khách sạn ở trên núi kia, có được bao nhiêu người biết đúng đâu là ba ngọn núi cao tạo thành cái tên Tam Đảo, bao nhiêu người chẳng cần để ‎ ý đến ba ngọn núi ấy là những ngọn núi nào, và bao nhiêu người đã lầm tưởng ba chỏm vây quanh thị trấn là ba ngọn cao nhất dải núi này? Và còn biết bao nhiêu điều mà không ai biết hoặc không cần biết đến làm gì. Họ đã đặt chân lên Tam Đảo và thế là đủ lắm rồi.

Lang thang dạo chơi theo các con đường nhựa chạy vòng vèo trong thị trấn, thỉnh thoảng người ta lại gặp một dãy tường đá hộc cũ kỹ‎ rêu phong nằm ẩn mình dưới lớp cỏ dày, dẫn xuống một vài dãy bậc thang đá xếp, chỗ lành chỗ vỡ, và đôi khi thấy cả một khúc lan can đổ gục, để trơ cả lõi gạch đã đen rêu. Nhưng không phải ai cũng biết rằng cách đây gần một thế kỷ, bên trên những chiếc nền đá ấy là những biệt thự tuyệt đẹp có cả sân vườn cây cối xum xuê, có bao lơn nhìn ra thung lũng và có tiếng dương cầm êm ái vọng ra hoà vào mây trắng tràn lan bên song cửa. Trên những nền đất ấy đã có những cuộc dạ tiệc linh đình của gia đình những nhà quý‎ tộc Pháp kiêu căng chở nguyên từng viên ngói thuỷ tinh gửi theo tàu biển từ cảng Marseille vượt đại dương sang đây để xây nhà, đã có những cuộc tháo chạy hoảng hốt tơi bời khi người Nhật hăm hở đưa quân lên Tam Đảo.

Một trong gần hai trăm nền biệt thự cổ ở Tam Đảo.

Và từ đó đến nay, bao nhiêu thăng trầm đã chà đi xát lại trên các nền đá ấy. Thế rồi hôm nay, từ các chiếc hầm móng đổ nát đã dãi nắng dầm mưa mấy chục năm trường nay lại đang mọc lên các khách sạn nghênh ngang hoành tráng. Hầu hết những ông chủ mới chẳng cần biết đến việc cái ngôi nhà trên tầng hầm đá mà họ vừa phá, khi xưa đã có hình hài ra sao. Họ đập thật lực và xây lên thật nhanh, vùi xuống thật sâu những viên gạch vỡ cuối cùng không vứt đi đâu được. Những cụ già hiếm hoi ở Tam Đảo còn được tận mắt nhìn thấy các ngôi biệt thự xưa ấy thì nay đã ra đi gần hết, một vài cụ cuối cùng đã nặng tai, nói nhịu và quên lẫn hết cả. Mà cũng chẳng có ai hỏi han gì, cho nên có nhớ cũng chẳng để làm chi. Và vì không cần nhớ cho nên rất chóng quên.

Nói dại nếu nay mai có động đất đổ nhà sập phố thì rồi lại sẽ có một lớp móng thứ ba đè lên trên của một thị trấn mới mà đến khi cháu chắt ta đào đất để xây cái gì đó lại hô hoán ầm lên là đã phát hiện ra mấy thị trấn cổ nằm đè lên nhau sâu dưới ba tầng đất mà hiện vật thu gom chỉ toàn là gạch vụn tả tơi. Khi ấy sẽ lại có những cuộc hội thảo cuồng nhiệt về việc làm sao có thể hình dung ra cái thị trấn cổ ấy hình hài thế nào. Sẽ lại có rất nhiều tiền đầu tư để làm sao mà bảo tồn các viên gạch vụn, sẽ có nhiều luận án thạc sĩ tiến sĩ về các tầng khảo cổ mới tìm ra. Chẳng khác gì như việc vừa rồi người ta đào móng xây nhà mới đột nhiên thấy mấy tầng móng nát đè lên nhau của các triều đại xưa ở nơi khúc rìa khu thành cổ Thăng Long, đất thiêng sông núi đã một ngàn năm tuổi. Không một di văn, không một ký ức, không một ảnh hình, tất cả chỉ còn là hàng ngàn miếng gạch vụn tả tơi.

Một đêm không trăng sao, ngồi bên bàn rượu với các chàng thanh niên lớn lên trên đất Tam Đảo và lẳng lặng nghe họ chuyện trò. Đầu tiên là người nọ tiếp lời người kia, sau dần thành ra đôi co quanh những mẩu chuyện định nói làm quà cho ông khách lạ. Một chàng cao hứng kể về những gốc chè tuyết cổ thụ trên núi chỉ cách cái bàn rượu này có gần một tiếng đường rừng, năm ngoái anh ta theo bố leo lên hái được đến ba cân búp mang về sao khô rồi biếu mọi người, ngon hơn chè tuyết Suối Giàng nhiều. Chàng khác chặn ngay, chè tu‎yết trong rừng thì ai chả biết nhưng năm ngoái hái chè thì nhớ sai rồi. Cây chè tuyết ấy đã chết từ năm kia, sau khi bị ai đó định đánh cả gốc mà không được. Đúng là mấy năm rồi không chịu bước chân khỏi nhà. Rồi đến cái chuyện một ông Tây vào rừng rồi lạc mất tăm mấy ngày đến nỗi vợ con phải bay sang để định xin xác mang về. Thế mà cãi nhau mãi cũng không ngã ngũ anh ta người Đan Mạch hay là Hà Lan, lạc ba hay là năm ngày. Nghe như là chuyện ở đẩu ở đâu, không chừng mấy năm nữa lại chìm dần đi đằng sau các bức màn khói của bận rộn đời thường như dãy núi Tam Đảo đã biến mất khỏi tầm mắt của người Hà Nội.

Thế nhưng những ông chủ đang than vắn thở dài vì ai lên Tam Đảo cũng chỉ muốn về ngay, chẳng ai chịu lên thuê phòng vào mùa đông giá rét, các vị ấy đâu có biết rằng không phải những căn phòng khách sạn mà chính là những câu chuyện của những chiếc nền đá đổ nát, của những cây chè tuyết trăm tuổi kia mới có thể làm nên cái hồn để có sức lôi kéo người ta lưu lại Tam Đảo dài hơn và nhớ về Tam Đảo lâu hơn. Thêm nữa, chính những câu chuyện tưởng như vô bổ ấy lại kết thành những lời khuyên minh triết cản tay những người đang hấp tấp biến cái thung lũng nhỏ xinh này thành một đống hỗn độn chen chúc các khối bê tông khổng lồ lạnh lẽo.

Kỳ 2: Ngàn mây Tam Đảo

Từ ngàn xưa, mây đã thân thiết gắn bó với con người. Cúi mặt xuống là đất, ngẩng đầu lên là trời. Đất có hình sông thế núi, có cỏ cây hoa lá, chẳng nơi nào giống nơi nào và lại có bốn mùa đổi thay, vì thế đất có linh hồn. Trời trống rỗng, trời vô cùng vô tận nhưng trời cũng có hình hài, cũng có lúc hân hoan có khi buồn giận. Trời thay tâm đổi tính biến ảo khôn lường, chính là bởi vì trên trời có mây.

Mây từ từ dâng lên sau một khu resort đang xây ở Tam Đảo.

Có lẽ kể từ ngày biết đứng thẳng người lên, vươn cổ đưa mắt nhìn lên cao, con người nguyên thuỷ đã thảng thốt với muôn hình vạn trạng của mây trời mà khởi lên cái tâm hồn nghệ sĩ, để rồi biết mộng mơ, để rồi biết ưu tư, để mà đeo đẳng những khao khát vô hình và vì thế đã bước một bước dài từ thân phận con thú trở thành duyên nghiệp con người.

Từ cổ chí kim, không biết đã bao nhiêu nhà thơ say đắm vì mây, bao nhiêu hoạ sĩ đưa mây vào nét bút và ngay lúc này đây, trên khắp quả địa cầu của nhân loại có biết bao nhiêu nhà nhiếp ảnh nhà quay phim đang ngày ngày ngây ngất hướng ống kính lên mây trời. Nhưng liệu có mấy người tả được thế nào là mây.

Ở Tam Đảo ngay hôm nay, ngay lúc này và vào bất cứ khi nào, người ta cũng có thể sống cùng mây, đi ngay trong mây, vươn tay lên chạm vào đáy trời mây và cúi mình xuống để chạm tay vào biển mây ngay dưới chân mình. Nếu mây là một người tình thì trên Tam Đảo người ta có thể đi xuyên qua tâm hồn nàng, có thể vuốt ve và nắm tay mà trò chuyện nhưng chẳng thể giữ chân dù chỉ một giây. Người ta cũng có thể thấy được tình yêu là bao la đến nhường nào nhưng lại cũng vô hình vô ảnh đến nhường nào, có thể thấy ái tình là những điều có thật nhưng cũng lại là những gì hoàn toàn không thể đoán định, không thể thấu hiểu và làm ta luôn luôn bất lực.

Mặt trời đã lên, trời xanh ngát, trong và rộng không cùng. Bỗng nhiên từ đâu đó hiện ra những vạt mây mong manh như sương như khói. Chưa kịp định thần thì đã thấy ùn ùn bên khe núi dâng lên những đợt sóng vô hình kéo theo những vạt mây vươn lên như các tầng bọt trắng khổng lồ của các đợt sóng thần bị kìm giữ lại như chết lặng dưới phép mầu của một một chiếc gậy tiên. Như bàn tay của một nhà thôi miên tài ba, các bức tường mây thoắt ẩn thoắt hiện, tất cả chỉ trong một vài cái nháy mắt. Lúc này tốt nhất là tìm lấy một tảng đá hay một vật cỏ mà ngồi xuống, hoặc tìm một thân cây mà tựa vai vào. Cố kìm nhẹ hơi trong lồng ngực và mở thật to đôi mắt. Ta sẽ thấy được các bước quay chậm mà bất định của vũ điệu slow của những nàng tiên mong manh trong các vạt mây đang dâng bên sườn núi, hay hiển hiện ngay phía sau các ngôi khách sạn mới tinh khôi.

Không một ai là không bị nghẹt thở mỗi khi định tâm nhìn vào trò diễn kỳ dị của mây dâng ở Tam Đảo như vậy. Nếu đang mang theo máy ảnh kỹ thuật số, xin bạn hãy giữ nguyên máy ở cùng một góc ngắm và lần lượt bấm và bấm, cách nhau thật đều. Về nhà đổ ảnh vào máy vi tính, và trên màn hình sẽ thấy liên tiếp các bức ảnh mới chụp được này giống hệt như các tấm phim hoạt hình mà nhân vật ở đây là các đám mây còn núi rừng, nhà cửa chính là sân khấu. Chỉ đến lúc này ta mới có thể biết được mây dâng trên Tam Đảo đã biến đổi hình hài ra sao, còn nếu bằng mắt thường thì vào lúc ấy cũng chỉ có thể thấy được lòng mình xốn xang mà thôi. Xin đừng bận tâm quá nhiều tới các món đặc sản trong nhà hàng, đừng phí thời gian chúi đầu vào cỗ bài tá lả trong phòng kín. Ngoài kia, ngay bên cửa sổ có ngàn mây đang từng phút từng giây trầm lặng trình diễn những hình hài không bao giờ lặp lại, như ngàn vạn kiếp nhân sinh vô thường đi về trong cõi nhân gian mà ta có thể chạm tay vào, có thể đi xuyên qua, có thể hít vào cho đầy buồng phổi.

Trời đang quá đẹp, nắng đang dát vàng lên lớp lớp lá rừng xanh mát. Rồi không biết từ đâu bay tới những đám mây dày xốp như các khối bông gòn khổng lồ theo gió ràn rạt lướt ngang đầu người, để lại trên nóc nhà, trên sân vườn, trên các con đường quanh co những bóng nắng bóng râm nhoang nhoáng rượt đuổi theo nhau. Đột nhiên một bóng mát thật thấp phủ lên bốn bề, ấy là khi có một đám mây đang sà xuống sát mặt đất như muốn nhấc cả các đám cỏ cùng bay lên. Sau một thoáng ngỡ ngàng, mây đã cuốn tít về phía thật xa, nắng lại vàng tươi rực rỡ. Nhưng khi nắng chưa kịp dừng thì lập tức đã thấy lộp bộp trên đầu những hạt mưa rơi, in dập lên mặt đường nhựa những vết ướt to và tròn như những quả trứng cút. Rồi là mưa tới tấp. Dân du lịch hối hả rủ nhau chạy toả ra khắp nơi, chui vào dưới bóng cây, ven hè đường, tìm chỗ trú mưa. Nhưng nếu bạn đang đi với một người dân Tam Đảo thì thấy họ lại chỉ đứng yên hoặc tìm đường chạy ngược chiều mây. Chưa đầy nửa phút, mây đã bay qua, để lại các giọt mưa cuối cùng vương lại phía sau. Lúc này tốt nhất là quay về khách sạn hoặc rẽ vào một quán nào đó. Chỉ vài phút nữa lại sẽ có mấy đợt mây mưa bất chợt như thế. Nếu lúc này có ai đó đang may mắn ngồi bên cửa sổ của một tầng gác cao, sẽ có thể nhìn thấy mây ào ạt bay ngang bên khung cửa, có thể nhìn thấy tít xa, mặt đường dang dần ướt đẫm nước mưa mà bao lơn ngay kia vẫn khô ráo như thường. Đó là vì ở Tam Đảo, người ta đang sống ngay giữa các tầng mây.

Không xa bên phía dưới nơi trung tâm thị trấn có đôi ba khu dân cư thưa thớt với các ngôi nhà nhỏ và các vạt vườn tược quanh co, nằm ở độ cao thấp hơn thị trấn chừng hai ba trăm mét, có cái tên mộc mạc là thôn hai, thôn ba. Vào những ngày mây tầng, đây chính là nơi người ta có thể thấy mình đứng dưới tầng mây trên và đứng ngay trên tầng mây dưới. Ngửa mặt lên thấy các áng mây bồng bềnh trải ra bốn bề, đáy hơi sẫm màu có các viền trắng bao quanh. Cúi mặt xuống cũng lại thấy các áng mây trải ngang thành một mặt biển nhấp nhô mênh mông. Nhiều khi mây kết lại nặng trĩu và loang loáng các quầng sáng nhấp nháy kéo theo những tiếng ầm ì đùng đục. Ấy‎ là dưới chân núi đang có mưa to, có sấm có chớp. Còn ở đây, mây vẫn nhởn nhơ bay trên đầu và thị trấn Tam Đảo vẫn vàng rực trong nắng chiều. Đối diện sang phía bên kia con đường núi, trên công trường xây dựng của một khu resort tương lai tuyệt đẹp, người ta vẫn đang hối hả đổ những chiếc sàn bê tông rộng mênh mông mà chẳng cần phải lo lắng vì tầng mây dưới đã ra sấm ra chớp thì tầng mây trên sẽ chẳng bao giờ mưa cả. Vào những đêm trăng sáng lung linh trải ánh bạc lên lớp lớp tầng mây dưới mà đột nhiên cả một biển mây bao la bừng sáng lên với các ánh chớp chạy lan lan ra giữa trời đêm, đó là lúc mà người có được cái cảm giác rất rõ về cái nơi mà vẫn thường được gọi là hạ giới ở đâu đó tít xa bên dưới chân mình.

Ấn tượng mạnh nhất là đột nhiên ở giữa bốn bề mây dăng thành mặt biển bồng bềnh, bỗng thấy hiện ra một khoang trống, tròn và rộng như một hồ nước lớn hay đúng hơn, như một lỗ hổng trên mặt biển băng Bắc Cực. Qua cái lỗ hổng ấy, người ta nhìn thấy rõ mồn một những con đường nhỏ như sợi chỉ với các dãy phố li ti lúp xúp của thành phố Vĩnh Yên bên dưới. Thượng đế anh minh nhưng vô cùng bận rộn và thường hay tắc trách, mỗi khi hiếm hoi Ngài vén mây nhìn xuống nhân quần, liệu Ngài có nhìn được rõ thế gian không, hay cũng chỉ thấy mờ mờ ảo ảo như lúc này nhân gian chúng con ở trên Tam Đảo nhìn xuống phố xá dưới kia.

Nhưng không phải ai ai cứ lên Tam Đảo là được nhìn thấy cảnh này. Hiếm khi lắm, mà khi có thì cũng hiếm người nhìn lắm. Bạn cứ ra khu công viên mà hỏi các ông thợ ảnh, họ lang thang suốt ngày chờ khách và họ đã nhiều lần được thấy các lỗ mây như thế. Ông thợ nào cũng gật gù khen là tuyệt đẹp nhưng khi hỏi rằng có ai đã chụp được những cảnh ấy chưa thì ông nào cũng nhún vai lắc đầu. Chụp làm gì nhỉ, ảnh ấy thì bán cho ai? Khó hiểu thật, chẳng lẽ mấy chục năm hành nghề, nuôi đủ cả vợ cả con bằng cái ống kính cũ kỹ kia mà người ta lại còn tiếc dăm ba đồng bạc với mây Tam Đảo hay sao.

Nghĩ thêm lại càng thấy lạ, không biết đã có bao nhiêu nghệ sĩ nhiếp ảnh lăn mình trên các nẻo đường Sa Pa, Đà Lạt, đã chụp hàng vạn bức ảnh mây trời ở đó, vậy mà đến nay vẫn chưa thấy ai khoe rằng mình đã chụp ngàn mây Tam Đảo. Nếu nhớ không nhầm thì cũng chưa có một cuộc triển lãm ảnh nào về Tam Đảo cả. Mà Tam Đảo chỉ cách Thủ đô có trên dưới hai tiếng xe chạy và ngay giữa Tam Đảo lại có cả một toà nhà mênh mông dành riêng cho các nghệ sĩ khắp nơi về đây sáng tác.

Tuy nhiên nếu ai đó định chụp ảnh mây Tam Đảo xin hãy nhớ rằng, mây nơi đây chẳng những thay đổi từng phút từng giờ trong ngày mà còn vô cùng khác nhau theo tháng theo mùa.

Giáp Tết năm ngoái, một buổi sáng mở cửa bước ra ban công, tôi bỗng sững sờ thấy nằm xoãi cánh trên sàn, một con chim trời có bộ lông đen ánh. Cái cổ ngoẹo nghiêng với chiếc mỏ dẹt há ra như vẫn đang còn ngơ ngác. Hai bàn chân rộng với những chiếc màng dày co lại như chưa hết cơn đau. Nâng chú chim lên vẫn thấy còn hơi nóng, mang xuống phòng lễ tân thì thấy ông chủ khách sạn cười cười như thể đó là chuyện quá thường. Thì ra đây là các chú bìm bịp bay thành từng đàn rất lớn ào ạt từ phương bắc kéo về Tam Đảo tránh rét. Hôm qua mây mù giăng kín đất trời từ chiều cho hết đêm khuya, người đi còn không nhìn thấy đường ngay dưới chân mình. Lũ chim trời đáng thương dựa vào k‎ý ức dẫn đường của mùa đông năm trước đã bị mây mù che mắt và tới tấp đâm vào các ngôi nhà mới mọc. Lát nữa các quán dưới phố thế nào cũng có các món bìm bịp trong thực đơn và có nhà sẽ bán cả những bình rượu thuốc ngâm nguyên cả một đôi bìm bịp đủ lông đủ cánh. Bổ thận dương, vô địch.

Mây mù làm khổ chim trời nhưng mây mù Tam Đảo lại là một món quà vô giá cho các đôi tình nhân. Không có gì sướng hơn là tay trong tay, dẫn nhau đi trong biển mây dày đặc như thể cả đất trời được đổ đầy một thứ sữa trời trinh nguyên. Hương rừng đại ngàn quyện vào mây mù đậm đặc thấm qua đôi má, theo hơi lạnh mùa đông vào tới tận óc, len qua các lần áo vào tới tận từng thớ thịt làm người ta như thấy được thân thể mình không chỉ có làn da mà còn có cơ bắp và các dây thần kinh. Niềm hạnh phúc bên nhau truyền qua hơi ấm của đôi bàn tay bị mờ ẩn trong mù mây, đôi mắt nhìn nhau như nhìn qua lăng kính vô hình.

Nếu ai đã một lần bị hút hồn bởi mối tình trong mây mù của cuốn tiểu thuyết lãng mạn Anh quốc "Đồi gió hú", hoặc vẫn mơ ước được đi trong sương mù thành London thì sẽ thấy những ngày mù mây Tam Đảo tuyệt diệu đến nhường nào. Và nếu ai lên Tam Đảo, xin hãy nhớ rằng Tam Đảo là nơi mà ta có thể từng phút từng giờ sống giữa ngàn mây.

Chùm ảnh cảnh mây dâng phía sau một khu resort đang xây. (Mỗi ảnh được bấm máy cách nhau 5 giây):


Kỳ 3: Rừng Tam Đảo nhìn qua cửa sổ

Những ngày còn thơ bé, đêm đêm tôi thường được dẫn vào rừng theo bước chân của những chuyện cổ tích mộng mơ. Trong rừng lúc nào cũng đầy muông thú, thỏ sóc, chim bướm vui chơi ca hát, có ông chúa sơn lâm oai vệ và công minh. Rồi bỗng dưng trời sinh nắng hạn thế là có con cóc già vào rừng rủ hươu nai gấu hổ chồn cáo hành quân lên trời. Tít trong rừng sâu còn có nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, có con sói già nằm chờ cô bé quàng khăn đỏ và có nàng công chúa đang thiếp trong giấc ngủ. Ngày ấy rừng có nghĩa là ngôi nhà tuyệt đẹp của muông thú và con người.

"Kia là chỗ ngày xưa bố mình gặp hổ".

Tuổi thanh niên lớn lên theo các bài ca ra trận. Bước hành quân đầu tiên là bước vào rừng để nghe suối hát, để ngắt một đoá hoa rừng gài lên mũ mà đi. Bên con suối rừng có các chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác, có ông già làng dạy các chàng trai phóng lao diệt hổ báo, đặt bẫy cài chông bắt thú rừng. Ngày ấy cùng với các chàng trai dọc ngang trong rừng đại ngàn không chỉ có balô có súng mà còn có cả chim muông, khỉ vượn đồng hành.

Thế rồi không biết là tự bao giờ, thấy rừng đã thật là xa lạ. Và tệ hại thay, nhiều khi rừng chỉ còn được nhắc trên các đĩa thịt thú trong các bữa tiệc đãi đằng của cánh đàn ông mà thôi. Vì đã lạnh lòng với rừng, cho nên hôm nay đứng giữa thị trấn Tam Đảo, giữa san sát khách sạn, biệt thự và nhà hàng ăn uống máy lạnh, nhiều khi quên mất rằng chỉ cần bước có một bước là đã đến rừng, chỉ cần với tay ra xa một chút bên ngoài cửa sổ là có thể chạm vào lá rừng.

Cách đây chưa lâu, Tam Đảo là thiên đường của các quán thịt thú rừng. Những chiếc lồng sắt lèn chặt các chú cầy, sóc, nhím và đôi khi cả những con hoẵng cao lênh khênh. Làm thịt ngay trước bàn, tính tiền theo cân móc hàm. Chủ khách hể hả mời nhau nâng cốc. Đất nước ta giàu đẹp, đâu đâu cũng là rừng vàng biển bạc. Săn bắn và hái lượm vốn là hai nghề chính của tổ tiên chúng ta mà.

Rồi bỗng nhiên ở tận đẩu tận đâu bên trời tây xa xôi, người ta ùn ùn kéo đến đây và nhắc đi nhắc lại mãi rằng rừng là của quý‎, phá rừng là phá huỷ Trái Đất, giết thú là tự giết loài người. Nghe mãi rồi cũng hiểu và dần dần mới thấy là có lý. Thật là may mắn làm sao. Chỉ chậm chút nữa thì đã hoàn thành công cuộc xoá sổ rừng một cách toàn diện và triệt để trên toàn quốc (!) Nhưng than ôi, đến khi thật sự hiểu ra, nhìn vào thì thấy rừng đã tan hoang trơ trụi, chim thú biến đi đâu gần hết. Đến mức bây giờ ngay cả những người ở đây cũng tin là trong rừng Tam Đảo chẳng thể còn hổ báo.

Cái sự đoán chắc ấy được đinh ninh đến nỗi mấy tháng trước, hai mẹ con nhà chủ của một khách sạn đang xây nơi đầu dốc nhìn ra con đường đi xuống suối Bạc đã tận mắt trông thấy một con thú trông giống như con hổ con. Lúc xẩm tối bà chủ mở cửa ra ban công thì thấy con thú đang đứng lù lù trước mặt. Nghe tiếng hét của mẹ, đứa con trai chạy ra đóng sập cửa lại. Ngẩn ngơ một lúc, con thú mới lẳng lặng nhún người nhảy vút vào bóng đêm. Vậy mà khi họ kể không ai tin cả. May sao sáng hôm sau, mấy chàng thợ xây đã phát hiện dấu chân thú in rõ sâu trên mặt nền bê tông mới đổ còn chưa khô hẳn. Mọi người còn đang tranh cãi xem vết chân con gì thì gặp được một ông giáo sư chuyên về thú rừng đang dẫn sinh viên lên đây nghiên cứu. Sau khi đo đạc cẩn thận, nhà chuyên gia kết luận đó là các vết chân của một con báo lửa, dài chừng 5-60 phân, nặng trên 2 chục k‎ý. Không hiểu vì sao chú ta lại mò vào nơi toàn là gạch cát sỏi đá thế này.

Khi gợi chuyện này với một anh bạn người Tam Đảo đã ba đời sống ở đây, anh ta cười mà bảo rằng chẳng có gì đáng sợ. Nói chung là hổ báo nó sợ người. Mình không gây sự, không định đánh, định bắn thì nó chẳng vồ mình bao giờ. Con gì mà chả sợ con người, thấy mình nó chạy cong đuôi. Ngày anh còn nhỏ, một hôm thấy ông bố chạy về, vứt cái xe đạp giữa sân, ngồi thở hồng hộc. Đến nửa tiếng sau mới hoàn hồn, ông bảo là su‎y‎t bị hổ vồ khi đang thả xe đi xuống dốc núi. Xe vừa tới khúc quặt gần ngôi đền Mẫu, bỗng nhiên phi ngang qua đầu ông là cả một con hổ to bằng con trâu, cái chân sau của nó tạt vào làm văng cả chiếc mũ cối trên đầu. Con thú khổng lồ ngoái cổ lại nhìn ông rồi cúp đuôi nhảy vọt vào rừng.

Nghe chuyện, mấy ông thợ săn kỳ cựu cười mà bảo rằng đấy là hổ nó sợ ông quá nó mới nhảy bừa nhảy đại đấy thôi. Ngày ấy làm gì đã có xe máy, khi đi xe đạp xuống núi, ông bố anh phải chặt một khúc cây có thật nhiều cành lá xum xuê, buộc vào đuôi xe để giảm tốc độ. Xe lao đến đâu là bụi bay mù mịt cuộn lên như có lốc, cành lá mài vào mặt đường kêu ào ào như tiếng thác đổ. Chắc hẳn chú hổ này đang định mò ngang qua đường sang sườn núi bên kia, gặp xe ông nó giật bắn mình mà nhảy vọt lên như bà già chạy qua đường cao tốc gặp phải ô tô. Lần sau nếu gặp hổ, cứ kiếm cái cái gậy hay cái đòn gánh giơ chếch lên trời là nó chạy liền. Cái giống này khi chạy trong rừng, chúng nó sợ nhất là bị các cành tre gãy chọc ngược vào ngực.

Mãi cho đến những năm 1971-1972, nhiều đêm hổ vẫn về thôn bắt lợn bắt bò. Mọi người chui hết vào trong nhà. Bà già trẻ con lấy soong nồi ra đập ầm ĩ, đàn ông ghếch nòng súng qua khe cửa bắn ì ọp dăm ba phát súng chỉ thiên, vui như có hội. Sáng ra thế nào các nhà trong thôn cũng có thịt ăn. Không phải thịt hổ mà là thịt của mấy con bò bị hổ cào què chân rách lưng đêm trước. Rượu thịt no nê, cánh đàn ông xách mấy tảng thịt xuống chân núi làm quà rồi rủ hội săn Sán Dìu vào rừng lần theo dấu chân hổ đói. Đó là vào những năm đang bom đạn dữ dội, hươu nai cầy cáo chạy đi đâu hết, không có gì để săn mồi, bất đắc dĩ lắm hổ mới phải vào thôn bắt trộm lợn, bò.

Ngày ấy anh nhớ rằng hầu như nhà nào cũng nuôi một đàn chó, chẳng cần ai dạy chúng cũng biết vào rừng đuổi thú. Thường thì các nhóm thợ rủ nhau lùa chó đi săn. Được con thú nào, xẻ nhỏ chia đều cả người cả chó, mỗi suất một tảng thịt bằng nhau. Con chó đầu đàn săn giỏi nhất thì được cái đầu, đó là sự tự hào của các tay thợ săn. Nhà anh không thạo đi săn nhưng khi thấy tiếng la hét trong rừng, biết là người ta đang dồn thú to, thế là anh cũng thả đàn chó nhà mình ra cho chúng tham gia. Dù chủ không đi nhưng khi chia thịt, chó nhà anh vẫn có phần như nhà khác.

Nhiều nhất là săn lợn rừng. Những đàn lợn chạy nhung nhúc, con to con bé xông cả vào vườn dũi khoai sắn, dũi củ cây thuốc trong vườn nhà. Thế là lại hò nhau thả chó ra đuổi. Anh để ý‎ thấy lần nào các toán thợ săn trở về cũng chỉ bắn được lợn to, không thấy có lợn bé. Mấy đứa bạn tinh khôn trong thôn giảng giải rằng, khi bị các đàn chó tấn công, những con lợn già không chạy mà quây lưng lại chống trả, dành lối cho lũ lợn con trốn thoát ra ngoài vòng vây. Chúng chấp nhận hy sinh đời bố để củng cố đời con, vì thế mới không bị tuyệt diệt. Thấy người ta bắn được lợn là cả thôn chạy ra xem và chia phần, nhưng ngày ấy anh rất sợ ăn thịt lợn rừng. Bì vừa dày vừa dai, thịt thì cứng, nhai mãi rồi cũng đành trệu trạo mà nuốt chửng. Các nhà thường bảo nhau bắt chước tụi Tây khi xưa, hầm thịt với cà chua, thuốc bắc, tra thêm rượu sắn làm món sốt vang để dành ăn được cả tuần. Những ngày ấy, nhà nào cũng phải đổ thuốc nhồi đạn, nạp vào súng treo sẵn trên cột, phòng lũ lợn rừng quay lại phá vườn trả thù.

Còn bây giờ, ở Tam Đảo có bói cũng không thấy ai có súng săn trong nhà. Ngay đến việc kể lại chuyện đi săn người ta cũng tránh nói ở chỗ đông người. Thật là ái ngại. Khi xưa ai săn bắn giỏi mới là người can trường gan góc, được mọi người vì nể. Vậy mà bây giờ nói đến chuyện ấy cứ thấy như thể là người có tội. Vì thế nói ra cứ như là chuyện cổ tích. Chứ thật ra đã lâu la gì, chỉ mới chừng dăm bảy năm trước, thi thoảng lại thấy mấy mẹt thịt gấu bầy bán ngay giữa chợ. Ngày ấy người Tam Đảo đi rừng mà gặp gấu cũng không phải là chuyện lạ.

Vào cữ tháng sáu, mùa cây hạt dẻ, cây khấu rơm ra quả, đi rừng thường rất hay thấy các cành cây to gần bằng bắp đùi bị bẻ gẫy gập, cành lá vương vãi. Đấy là vết gấu vừa đi qua. Gấu ngựa rất thích các chùm quả khấu rơm chín mọng, mỗi chùm to hơn quả bóng đá, chi chít những quả là quả. Ăn no, gấu tìm lên các cành chĩa ngang, nằm úp sấp mà ngủ, trông vừa sợ vừa buồn cười. Tai vạ nhất là đi rừng vào đúng những nơi mà gấu vừa mới đi qua để kiếm mật ong. Bám chân trèo lên các hốc cây có tổ ong mật, gấu dùng đôi bàn tay hộ pháp với các móng vuốt khoẻ hơn gọng kìm mà đập tới tấp cho đến khi thân cây vỡ cả ra, rồi chúng thọc tay vào mà móc lấy các tổ ong đầy mật ngọt. Gấu bỏ đi rồi, ai lơ mơ đi qua là bị đàn ong vỡ tổ tức tối nhào vào tấn công. Mùa ấy đi rừng người ta phải mang theo cái màn để cuốn mỗi khi bị ong đuổi. Chờ chừng một tiếng cho cả đàn ong bay đi, leo lên mót lại cái tổ vẫn còn vô khối là bọng là sáp, có khi được đến hai ba lít mật tươi. Nếu gặp những bọng lộ thiên treo tòng teng trên cành thì phải chặt tre làm đòn mà gánh về.

Vào rừng gặp gấu sợ hơn gặp hổ, nhưng nếu biết thì rất đơn giản. Gấu ngựa có bộ bờm sau gáy rất dài, lông thường rủ xuống đâm cả vào mắt mũi. Vì thế mối khi chạy xuống dốc hoặc chạy xuôi chiều gió, nó thường phải dừng lại lấy tay mà vuốt bờm thì mới trông thấy đường đi. Nếu bị gấu đuổi, cứ lao xuống dốc hay theo chiều gió mà chạy. Đuổi được dăm bước là nó thôi ngay, tóc tai xoã hết cả vào mắt, chán chả thèm đuổi tiếp.

Đấy là theo chuyện kể lại của một ông già xưa kia săn gấu rất giỏi. Ông biết, đôi bàn tay gấu cực khoẻ. Một lần ông bắn trúng ngực một con gấu ngựa nặng có lẽ đến hơn một tạ, nó điên lên dùng bàn tay móc vào một nhánh rễ cây to rồi giật ngược làm thân cây bị xé toạc cả ra. May mà ông chạy thoát. Ông đã giải nghệ từ lâu, suốt ngày ngồi trên phản với đôi chân cụt đến trên đầu gối. Không phải vì bị gấu tát mà vì đầu đạn cao xạ nổ lúc ông đang cưa lấy thuốc làm đạn đi săn.

Đấy là chuyện thú dữ của cánh đàn ông, còn chuyện thú lành thì các bà các chị đều có thể kể được. Cũng chỉ mới có ba bốn năm trước thôi, những đêm sáng trăng, nai hoẵng kéo ra sau nhà ăn su su, tiếng nhai rồm rộp cả đêm. Nằm ôm con trên giường nghe rõ mồn một. Đuổi cũng chả được. Sườn núi dốc chênh vênh, những dàn su su nối tiếp nhau rộng mênh mông, muốn đi phải khom thật thấp mà chui cả đầu xuống dưới. Đêm hôm chạy ra có khi ngã lăn xuống vực cũng nên. Vả lại nghe thì xót nhưng mỗi con chỉ ăn mươi quả là no là chán thôi mà, chưa hết số quả trên một nhánh sào. Nai về ăn mãi đâm quen, đêm trăng nào không nghe tiếng nai nhai quả lại đâm thấy lạ, lại nghĩ hay là hổ beo đang về. Khỉ vượn thì nhiều vô kể. Đánh đu hái quả, kêu hót râm ran cả một vạt sườn núi. Ăn chán rồi còn lấy quả ném vào đầu người đi bên dưới. Ấy vậy mà có ai giấu súng đi từ tít xa là đã hò nhau kêu oai oái, thoắt một cái là đã biến hết vào rừng sâu.

Ngồi nghe các câu chuyện vẫn còn rõ mồn một, vẫn còn nóng hôi hổi như thế này, mới giật mình thấy là tất cả mọi thứ, cả rừng cả con người đều đã thay đổi quá nhanh. Nhìn ra bên ngoài cửa sổ, rừng vẫn xanh ngan ngát như thể từ ngàn xưa rừng vẫn là như thế. Nhìn xuống các con đường quanh co bên dưới, người ta vẫn hớn hở đi lại nườm nượp như thể từ bao nhiêu đời nay, mọi sự vẫn như bây giờ.

Những con thú này bây giờ chỉ có thể thấy ở bảo tàng:

Soạn: AM 432933 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Soạn: AM 432953 gửi đến 996 để nhận ảnh này


Kỳ 4: "Gõ cửa" những nền biệt thự cũ ở Tam Đảo

Câu chuyện với "Cô Tần" - bà Hồ Thể Tần con gái cụ Hồ Đắc Điềm, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thời hoà bình mới lập lại - một chứng nhân từng sống trong những căn biệt thự cũ, đã được nhìn thấy những cảnh đời và người ở thị trấn Tam Đảo trước khi nó bị triệt phá đến tận gốc.

Tam Đảo vào thời kỳ hoàng kim của những năm 1935-1944 là nơi gặp gỡ của rất nhiều gia đình các quan lại, công chức cao cấp và các doanh nhân vừa giàu có vừa sang trọng, cả người Pháp và cả người Việt Nam. Họ lên đây không phải để làm việc mà nghỉ ngơi, dưỡng sức, để tâm tình và đàm đạo chính sự.

Nếu bằng cách nào mà ai đó có thể mô tả lại được khi ấy các nhân vật này đã sống một cuộc sống thường nhật ra sao, mỗi người đã suy nghĩ và lựa chọn con đường riêng của mình như thế nào trước cơn bão lớn của thời cuộc, trước bước ngoặt của dân tộc và thế giới thì có thể sẽ để lại cho hậu thế nhiều bài học thực tiễn vô cùng đa dạng, các tấm gương nhãn tiền đầy thuyết phục, các cá tính đầy hấp dẫn như kiểu mà Tolstoi đã để lại trong bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và Hoà bình". Chỉ e rằng, rồi tất cả sẽ tan vào quên lãng và không sao tìm lại được.

Theo lời hẹn trước qua điện thoại, 9 giờ sáng một ngày Chủ nhật, tôi đến thăm "Cô Tần" - con gái của cụ Hồ Đắc Điềm, chủ nhân một biệt thự nổi tiếng ở Tam Đảo.

Bây giờ thì người phụ nữ ấy, bà Hồ Thể Tần, đã là một bà cụ ở tuổi trên 70, với mái tóc bạc trắng nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và khoẻ mạnh.

Nghe hỏi về các kỷ niệm ngày bé thơ trên Tam Đảo, sau chưa đầy một phút chìm vào suy tư, bà tươi tỉnh hẳn lên và đôi mắt long lanh sáng như sống lại với những năm tháng xa xưa....

..."Cái ngôi biệt thự trên Tam Đảo ấy là ông cụ tôi mua lại của một viên tướng người Pháp, hình như tên là Alexandrie. Phải rồi, Général Alexandrie. Đó là ngôi nhà nằm cao nhất Tam Đảo, có cái tên rất hay là Villa de Belle Vue, có nghĩa là ngôi biệt thự có tầm nhìn tuyệt đẹp. Đúng là như thế, nhà chúng tôi nằm áp vào sườn núi, nhìn xuống hai bên là các biệt thự nhấp nhô, bên dưới là khu công viên rất rộng, nơi mọi người thường dạo chơi và tít xa nữa là nhìn thẳng xuống chân núi, vào ngày trời trong có thể nhìn rõ cả các con sông, cánh đồng và phố xá của Vĩnh Yên. Bố tôi đã mua ngôi nhà này vào khoảng 1936 hay 1937.

Ngày ấy mua nhà buồn cười lắm, người ta bán tất tật nguyên xi mọi thứ có thể, cả đồ đạc, sa lông, giường tủ, cả tủ sách rất to, cả rèm cửa, chậu hoa. Ngôi biệt thự nằm trên một tầng hầm bằng đá tảng rất rộng dùng làm garage, có hai con đường lát đá thành bậc đi vòng hai bên. Tôi không biết cụ mua hết bao nhiêu tiền, ngày ấy tôi mới có tám chín tuổi. Thường thì bắt đầu nghỉ hè chúng tôi lên đây chừng một tháng, hết nóng thì đi Sầm Sơn, rồi vào Bạch Mã, Đà Lạt. Toàn ở trong các biệt thự riêng của gia đình".

Soạn: AM 453575 gửi đến 996 để nhận ảnh nàyNền nhà cũ của cụ Hồ Đắc Điềm. Ảnh: Hoàng Đại Dương

Tôi đã biết cái nền hầm này trên Tam Đảo, bây giờ vẫn còn nguyên xi các bờ đá xếp cao gấp bốn đầu người như một khúc tường pháo đài, vẫn còn hai cánh cổng sắt to lớn kín mít với dòng chữ GARAGE khắc bên trên. Hiện nay hầu hết những người dân gốc Tam Đảo ở độ tuổi trên 50 đều biết đó là nền biệt thự cũ của cụ Hồ Đắc Điềm, một người mà bố mẹ họ mỗi khi nhắc đến đều tỏ rõ một thái độ tôn kính, còn họ thì chẳng bao giờ được thấy vì khi ấy còn chưa ra đời.

"Trên cái hầm ấy có hai tầng nhà. Chúng tôi ở tầng trên, có ba phòng ngủ, một phòng ăn, tất cả quây quanh một phòng khách rất rộng. Đây là nơi chúng tôi thích nhất, phía trước phòng nhô ra hình bầu dục, lát kính vừa cao vừa rộng, ngồi đó có thể nhìn được khắp nơi. Tôi nhớ là có các biệt thự của ông Thẩm Hoàng Tín, dược sĩ học ở Pháp về, sau này làm chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, có nhà ông Hoàng Thuỵ Ba là bác sĩ nổi tiếng, còn có anh em nhà ông Trịnh Văn Bô, Trịnh Văn Bính là các gia đình đã bí mật nuôi bao nhiêu là cán bộ, đã biếu Cách mạng hàng ngàn cây vàng. Căn nhà ở phố Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô chính là nơi Cụ Hồ đã ở và viết Tuyên Ngôn Độc Lập khi bí mật về Hà Nội lãnh đạo Cách Mạng Tháng Tám 1945. Xa hơn chút nữa có nhà Cự Chung, Cự Đạt là các nhà tư sản dệt nổi tiếng đã cạnh tranh cả với tư bản người Hoa người Ấn. Đâu hình như còn cả biệt thự nhà ông Hương K‎y có cửa hiệu ảnh rất to ở Hàng Bông thì phải. Góc bên kia là nhà ông Thân Trọng Hậu, con cụ Thân Trọng Huề thượng thư Bộ Học, là anh ruột vợ Trần Văn Chương bố đẻ của bà Lệ Xuân vợ ông Ngô Đình Nhu.

Dưới ngay đầu dốc là cửa hàng tạp hoá có bán đủ thứ từ len sợi cho các bà các cô đan áo, cho đến đồ chơi, dụng cụ gia đình, đồ hộp, rượu bia. Đây là chi nhánh của nhà tạp hoá Chaffangeons sang trọng nhất Hà Nội, to như một siêu thị ở góc phố Tràng Tiền, nay là cửa hàng sách quốc văn. Chính giữa là một khách sạn có lẽ là duy nhất ở đây, hình như tên là Grand Hotel. Khách sạn này rất đẹp nhưng bọn tây không cho người ta vào. Cũng vì thế mà cánh nhà giàu Hà Nội rủ nhau lên đây mua biệt thự riêng".

Người Tam Đảo bây giờ vẫn gọi cái nền hầm khổng lồ nằm ở đầu con đường đi vào trung tâm ấy là "đồi khách sạn", hiện vẫn còn có các khoang hầm bê tông nham nhở rêu phong, mặt phủ đầy cỏ và làm bãi đỗ xe tạm thời đối diện với một khu khách sạn lớn có tên là Nhà khách tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều đoàn học sinh lên đây hay mua gỗ ván thùng ra nóc hầm này đốt lửa trại, ca hát. Còn về các biệt thự của gia đình nói trên nay chẳng còn ai biết đến tên các chủ nhân này và cũng chẳng thể biết nền móng cũ của chúng là ở chỗ nào. Không biết trong hồ sơ địa chính có còn chút dấu tích nào hay không.

"Bọn Tây ở Tam Đảo đông lắm, các biệt thự tây đều nằm ở phía bên kia con suối Bạc. Cạnh dòng suối có một cái bể bơi rất đẹp và một công viên rộng, nhiều hoa, có cả những chiếc ghế xích đu. Tít xa bên mỏm bên kia là khu lâu đài của toàn quyền Paul Bert. Nhưng nằm đâu thì nằm, các mặt nhà đều quay về phía thung lũng trung tâm. Trên cao bên trái này có các bể nước rất rộng, không biết bây giờ có còn hay không. Đã mấy chục năm rồi cô không lên Tam Đảo. Khi nào thuận tiện cô cháu mình lên lại xem sao nhé".

Mỏm đồi toàn quyền là một địa danh nổi tiếng ở Tam Đảo vì đây là một nền nhà mênh mông, nằm bên trên ba bề vực thẳm, có tầm nhìn rất khoáng đạt. Chỉ còn lại mấy dãy lan can đổ nát và mấy đường bậc thang dẫn xuống phía vực sâu nhưng cũng đủ cho thấy khi xưa khu lâu đài này rất đồ sộ và oai nghiêm. Bây giờ trên nền đất hoang có mấy dàn su su và các luống rau cỏ. Lác đác có mấy chiếc hố sâu là nơi ủ phân nhưng cũng có lời đồn đó là dấu vết của các cuộc kiếm tìm kho báu bí mật, mặc dù không ai tin là có thật. Còn mấy bể nước chính là khu lọc nước suối trên núi cao để đưa vào mạng lưới cấp nước sạch cho toàn thị trấn được xây từ năm 1925 cho đến nay vẫn hoạt động rất tốt. Cái bể bơi cũng vậy, vẫn sạch đẹp, được dẫn nước từ suối Bạc chảy vào nhưng đang được chuyển giao cho ai đó để kinh doanh vì thế năm nay để khô cạn không cho khách vào bơi. Chếch ngay gần đấy có một khối nhà cao vỡ nát, nham nhở tường đá ôm lấy các cột bê tông đen mốc sần sùi vươn mình trên sườn núi dốc. Có lẽ đây là ngôi nhà đổ duy nhất còn lại ở Tam Đảo mà không biết vì sao vẫn chưa bị đập vụn đến tận nền móng như hàng trăm chiếc khác.

Soạn: AM 453581 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Soạn: AM 453581 gửi đến 996 để nhận ảnh nàyMột ngôi nhà đổ còn sót lại. Ảnh: Hoàng Đại Dương

"Ở Tam Đảo thì buồn. Mấy năm ấy, các cụ thường rủ thêm gia đình ông bà Bùi Huy Đức, tiến sĩ luật và văn chương, cũng làm quan ở Hà Đông đưa con cái lên đây. Trẻ con ở một buồng, mỗi đôi các cụ ở một buồng. Nhà có hai cái xe Renault và Citroel, chỉ hơn hai tiếng là lên đến nơi. Trước khi đi, cho anh bếp lên trước cùng với anh gác nhà ở suốt năm trên ấy cùng lau dọn, giặt giũ phơi phóng tinh tươm, mua đủ đồ ăn thức uống chờ các cụ lên. Đến mấy năm sau thì tầng dưới cho gia đình một sĩ quan Pháp thuê. Đấy đã là các năm đầu Thế chiến thứ hai, bọn tây sợ bom đạn đưa gia đình sơ tán lên Tam Đảo nhiều lắm. Nghe đâu năm 1944 viên sĩ quan này bị Nhật bắt. Tầng dưới nhà này cũng rất đẹp và đầy đủ tiện nghi. Gia đình ấy sống rất lịch sự, êm ả nhưng trẻ con nhà này cũng không thích chơi.

Ngày ấy Tây nó khinh người ta lắm. Một hôm vú em dẫn bọn trẻ nhà này đi dạo qua bể bơi, đứa em cô mới ba bốn tuổi trông thấy một cô đầm lai nằm phơi nắng, nó chạy lại ôm lấy đùi cô gái mà khen là mát và đẹp quá. Hình như cô này tên là Simone, là bồ nhí của một viên tướng Pháp, cô ta thấy thế thích lắm nhưng lập tức một lão cẩm tức là cảnh sát chạy lại và đuổi bọn trẻ chúng tôi. Nó bảo ở đây cấm người Annam.

Ông cụ nhà này nghe chuyện tức lắm. Hôm sau ông gặp lão chánh cẩm và hỏi các ông có quyền gì mà cấm người Việt Nam đi trên mảnh đất của người Việt Nam. Tôi sẽ gọi điện cho ông Toàn quyền để hỏi chuyện này. Hay là ông muốn cắm biển "Cấm người Annam và chó" treo ở đây như bên tô giới Thượng Hải. Biết cụ là quan to, lại nói tiếng Pháp hay hơn cả sĩ quan tây. Viên cảnh sát già cúi gập người xin lỗi và từ đó tụi trẻ nhà này tha hồ chạy chơi khắp nơi.

Tụi này đều học trường tây, nói giỏi tiếng Pháp vì thế rất thích cãi nhau với lũ con tây. Nhiều khi tranh nhau xích đu trong công viên, nhà này đông hơn, bênh nhau làm cho mấy đứa tây con phải chịu thua. Chúng nó chửi "sans annamite" tụi này chửi lại "sans francais". Chúng nó nhổ nước bọt, mình nhổ còn khoẻ hơn".

Tôi ngồi nghe mà thầm phục trí nhớ minh mẫn của bà. Nhắc đến chuyện này, bà bỗng nhớ lại hình ảnh của cụ thân sinh là cụ Hồ Đắc Điềm, một nhân sĩ trí thức dòng dõi trâm anh thế phiệt đã từ bỏ giàu sang, từ bỏ quyền cao chức trọng đi theo Cụ Hồ Chí Minh đến cuối đời.

"Ông nội tôi là cụ Hồ Đắc Trung, là Khánh Mỹ quận công, tể tướng viện cơ mật, một trong tứ trụ của triều đình Khải Định. Ông có người em gái tên Hồ Thị Chỉ là vợ chính thất của Khải Định. Ông ngoại tôi là cụ Hoàng Trọng Phu là tổng đốc Hà Đông có ngôi nhà mà bây giờ là sứ quán Trung Quốc. Bố tôi đỗ cử nhân ở Pháp về thì bị đưa vào triều làm ngự tiền văn phòng. Ông chỉ thích tự do cho nên đã học cả kịch nghệ định mở gánh hát, và đã cùng với ông Khái Lợi ở phố Đông Ba lập ra nhà chiếu bóng Tân Tân ở Huế, mua bao nhiêu là phim châu Âu về chiếu. Rồi cụ còn đi dạy ở trường Hồ Đắc Hàm, một kiểu trường bổ túc văn hoá cho người nghèo. Suốt đời cụ tha thiết với việc nâng cao dân trí, cụ là người luôn đi đầu trong phong trào xoá nạn mù chữ, bình dân học vụ từ 1945 cho đến khi nhắm mắt.

Ông bố tôi vì ghét quan trường, ghét bà Từ Cung mà bỏ sang Pháp học tiến sĩ luật.

Mẹ tôi cũng sang theo để cơm nước nuôi bốn anh em nhà chồng học hành đỗ đạt. Đang làm luật sư bên ấy cùng ông Trịnh Đình Thảo thì bị gọi về nước, lúc đầu làm chánh án toà thượng thẩm rồi bị bố vợ là cụ Hoàng Trọng Phu bắt đi làm tổng đốc Hà Đông để duy trì các nghề thủ công mỹ nghệ của vùng này. Trước kia cụ Hoàng đã dày công chấn hưng thủ công mỹ nghệ dân tộc, chọn các nghệ nhân đưa sang Tàu học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật học sơn mài, rồi cả nghề mộc nghề bạc... Cụ mở cả bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân La Cả La Khê. Đến khi Cách mạng, bố tôi trao ấn kiếm cho ông Đặng Kiên Giang chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Hà Đông. Rồi đi theo cụ Hồ lên chiến khu. Ngày hoà bình cụ làm Phó chủ tịch UBND Hà Nội dưới thời ông Trần Duy Hưng, toàn là dân tây học về với cách mạng".

Soạn: AM 453579 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Góc vườn hoa nơi xưa kia có những chiếc xích đu. Ảnh: Hoàng Đại Dương

Chuyện của bà cứ thế trôi tràn như được trào ra từ một kho tàng vô tận của ký ức. Nào là chuyện đi kiệu vào rừng, chuyện nấu canh rau diếp cá hái ở ven suối, chuyện bướm rừng dày như mây bay, chuyện trẻ con xen lẫn chuyện gia tộc gia phong. Rồi lại còn chuyện bà vô tình mua được mãi bên Paris ảnh bố mẹ bà mặc triều phục trong một bộ bưu ảnh cổ của nhà Albert Kahn, lại quay sang chuyện Cụ Hồ nhờ cụ Điềm tiếp Hoàng thân Xuphana Phuma, rồi tiếp cả vợ chồng luật sư Loseby, vân vân và vân vân...

Những mẩu chuyện trên khi kể ra đây, tôi định sẽ mang lại cho "cô Tần" xem và sửa lại nhưng tiếc thay bà đã đi ra nước ngoài thăm con cháu còn lâu mới về. Vì thế xin coi đây chỉ là chuyện tôi nghe rồi kể lại. Và đây chỉ là ký‎ ức đã được người khác ghi lại một cách vội vã chứ không phải là sử liệu chính thống.

Tôi kể lại các chuyện mới nghe được về Tam Đảo này với cụ Bảy, thân mẫu nhà sử học Dương Trung Quốc, cụ cười rất tươi rồi hứa sẽ kể chuyện ông bố của cụ đã làm thầu khoán ở Tam Đảo ra sao. Mấy hôm nữa cụ sẽ tìm cho xem văn tự gốc từ 1940 của hai ngôi biệt thự nhà cụ trên đó ngày xưa. Là con gái rượu của gia đình, khi ấy cụ bà đã từng cầm vô lăng xe tải của nhà chạy loanh quanh các con đường dốc núi. Chắc hẳn các câu chuyện ký ức Tam Đảo của cụ sẽ rất là lý thú.

Thế nhưng cụ Bảy và bà Tần chỉ còn là trong số rất ít những người đã được sống trong các căn biệt thự cũ, đã được nhìn thấy những cảnh đời và người ở thị trấn Tam Đảo trước khi nó bị triệt phá đến tận gốc. Và đến nay đã có bao người đã lần lượt theo nhau đi lên Thiên Đàng mà chẳng để lại gì cho hậu thế các ký ức và kỷ niệm về Tam Đảo khi xưa cả.

Rõ ràng là với những ai hiện nay và sau này, muốn dựng lại các cuốn phim, các bộ tiểu thu‎yết có liên quan đến những thế hệ sống ngay vào các thời kỳ rất gần chúng ta như các người đã sống vào thời kỳ hoàng kim của Tam Đảo, sẽ có thể bị bất lực khi muốn kiếm tìm các tư liệu theo đúng nghĩa của nó chứ không phải là các tư liệu được sáng tác ra dưới ngòi bút của những người chưa bao giờ một lần được sống và chứng kiến.

Hoàng Đại Dương (Vietnamnet)

No comments: