Friday, October 13, 2006

Hà Nội Biệt Thự Ký Sự

Những con đường biệt thự

(VietNamNet) - "Hãy làm cho tôi một ngôi nhà kiểu Pháp" - Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, người trở về từ Pháp và nổi tiếng với nhiều công trình lớn ở Việt Nam, đặc biệt là công trình tôn tạo Nhà Hát lớn Hà Nội thường xuyên nhận được những "đơn đặt hàng" như vậy. Xem ra nhu cầu "ở nhà Tây..." vẫn không hề cũ.

Những biệt thự kiến trúc Pháp cổ đã làm nên vẻ đẹp riêng cho những con đường Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những con đường biệt thự

Đi trên phố phường HN, đang ngộp thở trong mùi khói ô tô, xe máy, đang cần mẫn nhích từng bước để thoát khỏi đám đông tắc đường ngồn ngộn người, thì đôi lúc, người ta bỗng như lạc vào một không gian tĩnh lặng.

Đó là khi, những tán cổ thụ đều tăm tắp đứng nghiêm cẩn rủ bóng xuống cánh cổng sắt im lìm, cũ kỹ. Là khi bóng nắng phơ phất lọt qua vòm lá đan kín nhảy múa trên những vỉa hè đang nằm yên ngủ. Phố xá sầm uất như biến mất sau những bức tường vàng nhàn nhạt. Âm thanh phố phường hỗn tạp đột ngột như rơi xuống sâu thẳm rồi vẳng lên dưới vòm lá. Tay điều khiển xe máy vô thức mà chầm chậm lại để có thể hít vội hít vàng chút không khí man mát đượm mùi hương sấu, hương dâu da dịu nhẹ. Phải hít hà thật nhanh, bởi thoáng chốc, lại là người và xe cuồn cuộn phía trước... Ta đang đi qua một trong những con phố hiếm hoi thường gọi là "phố biệt thự" hay "phố Tây" ngày trước.

Hơn trăm năm đã trôi qua, kể từ khi quanh Hồ Gươm mọc lên những ngôi nhà có ống khói lò sưởi duyên dáng và những ô cửa sổ cuốn vòm kiều diễm thì Hà Nội vẫn gần như còn giữ được nguyên vẹn một phần quần thể kiến trúc Châu Âu đặc biệt này.

Quen thuộc nhất là cụm Ba Đình với các tuyến phố mà chỉ nhắc đến tên thôi đã tĩnh lặng và yên ả: Phan Đình Phùng, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ... Xuôi xuống phía Nam hồ Hoàn Kiếm là các biệt thự nằm rải rác dọc Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du...

Hai quần thể kiến trúc hiếm hoi được nối với nhau bởi "xương sống" Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền - khu thương mại sang trọng bậc nhất Hà thành. Đi thẳng xuống phía Đông hồ Hoàn Kiếm là các công trình công cộng như Bưu điện Bờ Hồ, Nhà hát Lớn, Ngân hàng Đông Dương, Bảo tàng Lịch sử, Viện Pasteur, khách sạn Metropole, là phố Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh...

Cuối thế kỷ thứ 19, ngay từ khi đặt chân đến Việt Nam người Pháp đã cho xây dựng và phát triển Hà Nội với tham vọng dựng "một Pari thu nhỏ trong lòng Đông Dương" để thỏa nỗi nhớ của người xa xứ. Theo Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, người từng sống nhiều năm bên Pháp, thì đó là "một quần thể chi tiết và hệ thống, phân khu rất rõ ràng, khoa học". Công cuộc xây dựng đã kéo dài cho tới đầu những năm 40 của thế kỷ 20. Đầu não hành chính là khu Ba Đình (phía Nam Hồ Tây), lui xuống phía dưới là nơi tọa lạc những biệt thự của quan chức cấp cao. Nơi hiện giờ là phủ Chủ tịch và trụ sở của Bộ Ngoại giao, xưa vốn là Phủ toàn quyền Pháp.

Xuôi về Hồ Gươm, phía Bắc là 36 phố phường, trung tâm buôn bán sầm uất nhất của người Việt. Phía Đông là ngân hàng, bưu điện, phía Nam là khu biệt thự của công chức Pháp.

Biệt thự trên phố Lê Hồng Phong, HN. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Một nửa của Hà Nội"

Theo GS Hoàng Đạo Kính, trong lịch sử phát triển nền kiến trúc Việt Nam thì thời cận đại trùng với thời thực dân Pháp cai trị. Đó là một thời kỳ chuyển tiếp hết sức quan trọng trong sự phát triển kiến trúc VN, đô thị Việt Nam. Bởi từ cuối thế kỷ 19 trở về trước, kiến trúc Việt Nam là kiến trúc truyền thống, kiến trúc gỗ. Người phương Tây, cụ thể là người Pháp đã đưa vào VN một nền kiến trúc mới của châu Âu tương ứng với công nghệ mỹ thuật châu Âu và như thế tạo ra một thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại hôm nay. Đó là cây cầu nối giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại.

Và, chính ở thời kỳ đó ở Việt Nam chúng ta xuất hiện nhiều đô thị mới, đặc biệt là nhiều thể loại kiến trúc mới chưa bao giờ có trong kiến trúc của người Việt cũng như nhiều dân tộc Á Đông khác: nhà thương, bưu điện, cầu sắt (cầu Long Biên), bảo tàng, viện nghiên cứu, khách sạn, nhà hát, thậm chí cả nhà cho thuê (nhà sát cạnh nhau, tiền thân của chung cư hiện nay). Biệt thự là một trong những thể loại đó. Tất cả những công trình này đứng song trùng khác với mảng kiến trúc của người Việt ở khu 36 phố phường, khu phố cũ cộng với làng cổ, những cảnh quan thiên nhiên như Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch... tạo nên một mảng di sản mang tính truyền thống, một diện mạo áp đảo, chủ đạo của Kiến trúc Hà Nội.

"Dù ở Châu Phi, ở các nước Đông Dương khác hay bất kỳ một quốc gia thuộc địa nào của Pháp cũng không thể có được cụm kiến trúc đặc sắc này giống như ở Hà Nội", KTS Hồ Thiệu Trị so sánh. Ông Phạm Hoàng Hải - chuyên gia văn hoá, du lịch - giải thích: "Vì dự định sẽ sống vĩnh viễn tại VN cho nên người Pháp mới dồn tâm huyết xây nên các công trình tuyệt tác. Và cũng trong cái tâm lý ấy mà nhà nước bảo hộ cùng với các công chức cấp cao, các nhà thương gia đã đua nhau xây nên các khu biệt thự với lối kiến trúc hệt như ở quê hương họ".

Vết tích biệt thự cổ kiến trúc Pháp còn rải rác đâu đó ở Sài Gòn, Huế, Hải Phòng và những địa danh nghỉ dưỡng Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo... Nhưng không đâu lại có quần thể biệt thự kết hợp khu phố cổ, bổ sung nét đẹp lẫn nhau giống như ở Hà Nội. KTS Hoàng Đạo Kính đã gọi những ngôi biệt thự ấy chính là một nửa của Hà Nội ngàn năm.

Theo thống kê của Sở Địa chính - Nhà đất HN tiến hành vào đầu những năm 1990, Hà Nội có khoảng hơn 2.000 biệt thự mang phong cách kiến trúc châu Âu cổ điển thông qua kiến trúc Pháp, trong đó có một ngàn có giá trị về mặt kiến trúc. Số phận của các biệt thự này có thể chia làm 3 loại: một là được sử dụng làm các cơ quan công quyền đầu não (khu Ba Đình, đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Cảnh Chân, ...). Hai là làm tư gia cho các vị lãnh đạo cao cấp. Còn lại, chủ yếu là các biệt thự ở phía Nam Hồ Gươm, thường rơi vào tay nhân dân.

Giấc mơ biệt thự

"Làm kiến trúc hiện đại ở HN bây giờ rất khó so với áp dụng trong thành phố HCM. Bởi, dấu ấn kiến trúc Pháp tại SG ít hơn và không sâu đậm như ở HN", KTS Hồ Thiệu Trị kể lại kinh nghiệm thực tế. Không ít lần văn phòng kiến trúc của ông cũng như một số KTS khác đã nhận được những đơn đặt hàng xây biệt thự "mô phỏng kiến trúc khu biệt thự Ba Đình" mặc dù chủ nhân của đơn đặt hàng chưa có đủ diện tích quy mô để có thể xây được cả hoa viên. "Thuyết phục họ đi theo một lối kiến trúc hiện đại khác rất khó, bởi trong ý niệm của nhiều người, biệt thự kiến trúc Pháp là mẫu mực, là giấc mơ", ông giải thích.

Biệt thự trên phố Phan Đình Phùng, HN. Ảnh: Lê Nhung

Ấn tượng khu biệt thự Pháp mạnh mẽ đến nỗi, dù chen lấn giữa những ngôi biệt thự ấy là bóng dáng những biệt thự của người Hoa, hay biệt thự do KTS người Việt thiết kế nhưng chỉ ai tinh ý mới nhận ra.

"Nhiều khi các biệt thự của người Việt lại được thiết kế kỹ lưỡng cầu kỳ, nằm trong các khuôn viên rộng lớn hơn cả nhà quan Tây", ông Phạm Hoàng Hải cho biết. Theo ông, các kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam khi thiết kế biệt thự cho những công chức cao cấp hay thương gia người Việt đã lấy cảm hứng từ đường nét những ngôi chùa cổ và tạo hẳn một trường phái "kiến trúc Đông Dương". Bây giờ, đi qua các phố Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, vẫn thấp thoáng bóng dáng những ngôi biệt thự như thế. Mà, điểm khác biệt là góc mái hơi cong lên, diềm mái hoặc ô cửa đắp hình chữ vạn, cổng lợp ngói tám mái, nóc tường có các lớp con sơn đua ra như bên dưới các mái chùa. Trên đường Hoàng Diệu giờ vẫn còn biệt thự của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô rộng đến mấy ngàn mét vuông, có sân vườn rộng và đẹp như một vườn thượng uyển mà từ đường nhìn vào chỉ thấy cây xanh tràn ngập như rừng.

Với các "chú khách" Tàu, biệt thự họ xây thường lẫn lộn giữa lối kiến trúc kiểu Pháp pha trộn những họa tiết Trung Hoa như mái ngói ống lưu ly, tường hoa nóc có vỉa ngói, cổng tròn khắc chữ thọ. Dấu tích còn để lại ở dinh tổng đốc Hoàng Cao Khải (hiện là toà Đại sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu).

"Biệt thự người Hoa phản ánh rõ nét vị trí của họ trong xã hội. Là người Hoa, làm ăn thành đạt, nhưng ngoi lên trong xã hội Tây", KTS Hồ Thiệu Trị giải thích. Ông vừa hoàn thành xong việc tu bổ một ngôi biệt thự như thế của người Hoa hiện là văn phòng đại diện cho một doanh nghiệp, đặt ở góc đường Phan Bội Châu. Ngôi biệt thự ấy, dù có họa tiết Trung Hoa nhưng, cơ bản, vẫn thiết kế theo lối kiến trúc Pháp.

Sự xuất hiện ấy, càng khiến cho "bức tranh biệt thự cổ" ở Hà thành thêm sinh động.


Đẹp như biệt thự "Tây"

Đến tận bây giờ, không ít biệt thự vẫn còn nguyên những viên gạch vuông vắn như gang đúc, có chữ chìm ghi rõ tên các xưởng gạch tại Toulouse hay Marseille...

"Để có được những hàng cây cao vút như thế này, các kiến trúc sư đã tỉ mẩn chọn giống tốt từ các vườn ươm, hoặc thậm chí gửi từ Pháp hay châu Phi". Ảnh: Lê Anh Dũng

Biệt thự như một phi thuyền

Không nằm trong quần thể khu hành chính, biệt thự số 46 Trần Hưng Đạo (nay là Nhà xuất bản Thế giới) sở hữu một "cá tính" mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia kiến trúc là "không có phiên bản thứ hai". Chủ nhân biệt thự vốn dĩ là một sĩ quan hải quân Pháp, vậy nên cấu trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ một con tàu.

Những ô cửa sổ tròn hay khuôn cửa sổ vuông đều có các khung gạch dầy nhô hẳn ra phía trước hệt như khung cửa trên các boong tàu đang hướng ra đại dương. Cầu thang biệt thự uốn mình từ sân dẫn lên phòng khách tầng hai có chiếc lan can cao rộng ghép bằng các thanh sắt thẳng đứng giống như tay vịn cầu thang tàu biển, gợi nhớ đến dãy lan can dài chạy quanh mép boong tàu, nơi hành khách chen vai thích cánh vịn tay vào đó ngắm biển khơi. Giản dị nhưng vẫn sang trọng, bề thế.

Không giống với lối kiến trúc thông thường, gần chục căn phòng trong ngôi biệt thự này, mỗi gian phòng một vóc dáng, và tất cả đều gợi những tò mò, ngạc nhiên đến thú vị. Hình dáng kỳ dị ấy được tạo nên bởi những bức tường uốn lượn, nhô ra hoặc lùi vào một cách đầy ngẫu hứng. Bước chân tò mò sẽ dẫn khách đi dạo bằng hết qua những dãy hành lang rộng rãi chạy dích dắc nối thành các không gian lưu thông thuân lợi và êm ả để khám phá bằng hết "bí mật" trong ngôi nhà. Căn phòng nào cũng tràn ngập ánh sáng mà vẫn rất ấm cúng, sang trọng.

Đến tận bây giờ, mặc dù vật dụng trong phòng đều bài trí, sắp xếp theo hướng tiện lợi kiểu công sở hiện đại, ít nhiều làm thay đổi nét kiến trúc cơ bản, nhưng trong mỗi căn phòng đều còn giữ lại dấu vết những chiếc lò sưởi áp vào tường với thân cột ống khói nhô ra. Tất cả vừa như một tác phẩm hoàn hảo, đồng thời cũng là một hệ thống thông gió tự nhiên giúp cho các căn phòng luôn thoáng khí, không bị ẩm thấp mặc dù các cửa đều đóng kín.

Đã làm việc tại nơi đây nhiều năm nhưng với anh Phạm Hải, "ra vào căn phòng này thường xuyên mà tưởng như bất kỳ lúc nào cũng bất chợt nghe vẳng lên tiếng dương cầm và âm thanh những bước chân xoay theo điệu valse dìu dặt".

Được lấy cảm hứng từ những con tàu, ngôi biệt thự này có những ô cửa sổ tròn, cửa sổ vuông có gờ nhô ra... Chủ nhân cũ của nó là một sĩ quan Hải quân Pháp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những viên gạch đúc tại Toulouse

Những ngôi biệt thự ở Hà thành trước đây, thường đi kèm với tên chủ nhân nếu họ là những người tên tuổi trong xã hội. Có thể kể tên một số biệt thự nổi tiếng của người Việt: Dinh Tổng đốc Hoàng Cao Khải, biệt thự của nhà tư sản Trịnh Văn Bô ở đường Hoàng Diệu, biệt thự bác sĩ Phùng Ngọc Tuệ (phố Phan Bội Châu), tư dinh dược sĩ Tôn Thất Hoạt (phố Lý Thường Kiệt), tư dinh vợ chồng luật sư Minh - Tý (LS Nguyễn Thị Tý là LS nữ đầu tiên của VN) ở phố Hàng Chuối, Biệt thự của cụ Lam Sơn (người đồng sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông Dương), cụ Hồ Đắc Điềm ở phố Nguyễn Du...

Cho đến bây giờ, theo khảo sát của nhiều KTS, không ít biệt thự vẫn còn nguyên những viên gạch vuông vắn như gang đúc, có chữ chìm ghi rõ tên các xưởng gạch tại Toulouse hay Marseille...

Theo TS. KTS Nguyễn Đình Toàn, Viện trưởng Viện nghiên cứu kiến trúc, cũng là người nghiên cứu lâu năm về biệt thự Pháp, thì khi mô phỏng một nước Pháp thu nhỏ trong lòng Hà Nội, những công chức, doanh nhân Pháp mang theo cả thói quen muốn tạo lập một quần thể biệt thự mang đậm phong cách vùng miền. Vậy nên mới có chuyện quanh khu vực Chu Văn An, Lê Hồng Phong, Quán Thánh đã mọc lên những ngôi biệt thự với mái nhà dốc, đặc thù phong cách kiến trúc miền Bắc nước Pháp. Nhà xây theo phong cách miền Nam mái ít dốc hơn, có hành lang rộng bao quanh. Những dinh thự mang dáng dấp "miền Nam" xuất hiện khá nhiều ở khu vực phía Nam hồ Gươm.

Hiếm có vỉa hè nào giống như vỉa hè tại những "con đường biệt thự", nơi mà cả đường xá lẫn vỉa hè đều rộng thênh, mát rượi. Để có được những hàng cây cao vút ấy, các kiến trúc sư đã tỉ mẩn chọn giống tốt từ các vườn ươm, hoặc thậm chí gửi từ Pháp hay châu Phi sang rồi trồng ngay khi bắt đầu quy hoạch con đường. Nhà xây xong thì cây đã đủ xanh. Với người HN những tuyến phố rợp bóng cổ thụ như thế đã được lưu vào ký ức.

...Rồi cũng thành ký ức là cả những khu vườn ngợp mát um tùm khuất lấp sau những cánh cửa sắt kín mit chẳng mấy thân thiện trên các tuyến phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, mà ai lướt qua, cũng chỉ dám liếc mắt tò mò không hiểu còn có một mạch sống nào khác nữa đang chảy bên trong cánh cửa quanh năm kín ấy?

Từng rong ruổi qua nhiều dinh thự Pháp cổ Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo, anh Phạm Hoàng Hải cho biết: Cây cối trồng trong những biệt thự như trên đã được tính toán rất kỹ. Đa phần chỉ trồng các loại cây thưa thớt cành lá, thân dài, mảnh, khi mọc hết tầm thì vừa vặn cao hơn hoặc thấp hơn cửa sổ, chừa lại tầm nhìn và ánh sáng tự nhiên mà từ trong nhìn ra không bị che khuất. Điển hình nhất là các loại cọ được nhập từ châu Phi. Điểm xuyết vào đó là những loài cây hoa nở ngát bốn mùa như ngọc lan, hoàng lan, dạ hương...

Có lẽ, nếu chỉ nhìn thoáng qua, nhiều người khó nhận ra giá trị thẩm mỹ, tiện nghi và văn hoá của các ngôi biệt thự Pháp cổ, thứ mà chỉ những ai từng sống trong đó mới cảm nhận đến từng chân tơ, kẽ tóc. KTS Nguyễn Đình Toàn nói rằng: "cái đẹp nhất của những công trình mang phong cách kiến trúc châu Âu nói chung và biệt thự nói riêng là quy hoạch và sự tuân thủ chặt chẽ về tỉ lệ trong mỗi công trình".

Những cây xanh được trồng trong khuôn viên ngôi biệt thự này cũng được chọn lọc kỹ càng. Cây cọ cho bóng mát nhưng không che khuất tầm nhìn từ cửa sổ tầng 2. Khóm trúc đào phía trước đủ cao để người đi dưới đường không nhìn rõ phía sau cửa sổ của ngôi nhà. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Quán Ngon" trong nhà "Tây"

Vì lẽ đó, những biệt thự biệt thự Pháp cổ vẫn còn nguyên vẻ đẹp như trăm năm trước chủ yếu quần tụ ở khu Ba Đình, nơi được quy hoạch chặt chẽ. Vẫn những ống khói duyên dáng và cầu thang cuốn vòm. Khác chăng là sau hơn trăm năm, những biệt thự "Tây" đã thành công sở, nơi vào ra của những cơ quan hành chính TW hàng đầu (Phủ Chủ tịch, Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT...) của các đại sứ quán (Trung Quốc, Angieri, Marốc,Rumani, Ixraen...). Phần khác, là tư gia các đại sứ hoặc quan chức cấp cao... Ra vào thưởng lãm dấu lịch sử trong những dinh thự ấy, xem ra, cũng phải đi qua không ít "cửa".

Người mê đắm nét quyến rũ của biệt thự Pháp cổ đành bảo nhau tự tìm đến những quán ăn đang tọa lạc đâu đó trong một vài khuôn viên những căn nhà "Tây" rải rác.

Nằm trên phố Ngô Quyền rợp bóng xà cừ cổ thụ, lại chỉ cách Bờ hồ Hoàn Kiếm khoảng 5 phút đi bộ, Tara Cafe & Restaurant với đủ các món Á, Âu trong một biệt thự kiến trúc Pháp cổ luôn nằm trong danh bạ truyền khẩu về những "quán đẹp, sang trọng của HN". Khuôn viên biệt thự đủ rộng để thực khách hưởng thụ cảm giác đang ngồi trong một quán cà phê Châu Âu. Đặc biệt, không khí cuối tuần ở Tara trở nên lãng mạn hơn nhờ có sự góp mặt của các nghệ sỹ chơi đàn violin, guitar, saxophone.

Việc "chỉnh trang" vẻ đẹp các khuôn viên biệt thự Pháp cổ để tạo điểm nhấn cho các nhà hàng, quán cà phê cũng là cách để lưu giữ những ký ức về nét kiến trúc hiếm hoi này. Anh Bùi Văn Hoàng, một kỹ sư trẻ, khách ruột của cà phê 84 Nguyễn Du cho biết, những quán xá như nơi này, ngoài không khí một biệt thự Pháp cổ, không có gì đặc biệt hơn so với những quán có "view" đẹp khác. Nhưng anh và nhiều bạn trẻ vẫn đến đây, vì cảm giác về một "hương vị Châu Âu cổ điển".

Ai đó đã thuộc lòng cảnh người người chen chúc ra vào Quán Ngon (góc đường Phan Bội Châu - Nam Ngư), hẳn khó hình dung mấy năm trước, đi qua đây chỉ thấy cây xanh um tùm, rậm rịt vươn lên mạnh mẽ phía sau các hàng rào cao hơn tầm mắt. Anh Phạm Hoàng Hải nhớ lại "mỗi lần qua đây, chỉ thấy sân vườn mênh mông, lấp ló phía sau là một ngôi nhà hai tầng bề thế có hàng mái ngói đã được cách tân với các đường riềm đỡ bên dưới và các hoạ tiết đắp ở các đầu mái lấy cảm hứng từ các đầu đao mái đình cổ". Dĩ nhiên, từ khi biệt thự (chủ nhân là bác sĩ Phùng Ngọc Tuệ) được thuê mở "Quán Ngon" với hàng chục kios áp quanh bên trong hàng rào, mấy chục bàn ăn bầy la liệt khắp sân, bên dưới các bóng cây cổ thụ thì ngôi nhà chính cũng là nơi dành cho thực khách.

KTS Hồ Thiệu Trị luôn lạc quan về tương lai của "khu biệt thự Ba Đình", rất tin rằng người HN sẽ biết cách để giữ lại nó như hiện nay... Còn với những dinh thự rải rác trong khu dân cư trên các tuyến Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo? Liệu rồi có phải biệt thự nào cũng được "cách điệu" để biến thành quán xá, nơi người ra kẻ vào nhộn nhịp nhưng họa may hình hài kiến trúc vẫn còn? Bởi, rất nhiều biệt thự "Tây", khi "ta" vào ở theo tập quán "ta", đã mất hẳn hình hài ban đầu.


... Nghe chúng tôi hỏi thăm vị trí ngôi biệt thự nổi tiếng khắp khu Hàng Đường - Ngõ Gạch xưa, cô gái trẻ đang ngồi giặt giũ quanh những xô, chậu, thùng đựng nước lổn nhổn ở sân chung của nhà số 14 - 16 Ngõ Gạch lắc đầu quầy quậy: "Chỗ này không có biệt thự". Nhưng bà mẹ chồng nghe tiếng, đã đon đả chạy ra, vui vẻ "biệt thự Anh Hoa là chỗ này chứ đâu".

Nỗi buồn biệt thự

Nghe chúng tôi hỏi thăm vị trí ngôi biệt thự nổi tiếng khắp khu Hàng Đường - Ngõ Gạch xưa, cô gái trẻ đang ngồi giặt giũ quanh những xô, chậu, thùng đựng nước lổn nhổn ở sân chung của nhà số 14 - 16 Ngõ Gạch lắc đầu quầy quậy: "Chỗ này không có biệt thự". Nhưng bà mẹ chồng nghe tiếng, đã đon đả chạy ra, vui vẻ "biệt thự Anh Hoa là chỗ này chứ đâu".

Biệt thự Anh Hoa xưa, nay biến thành "chung cư". Ảnh: Minh Thư

Nỗi buồn biệt thự

Dù đã được dặn trước là biệt thự Anh Hoa nay không còn nguyên dạng như ngày nó là một hiệu thuốc nổi tiếng trước đây nữa, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trước cái ngõ dài sâu hun hút dẫn vào số nhà 85 Hàng Chiếu. Bức tường tróc lở, bợt bạt vì mưa gió nhưng mái nhà thì vẫn cao vút, giữ nguyên hình hài một ngôi biệt thự cổ. Ngó nghiêng qua khe cửa sắt được khóa kỹ lưỡng mấy vòng dây xích đồ sộ, chỉ thấy phơ phất những lớp mạng nhện bàng bạc giăng kín trên chiếc giường và bộ bàn ghế sa lông kiểu cũ... Thì ra, mặt tiền ngôi biệt thự nằm ở Ngõ Gạch. Còn phía cổng sau thông ra phố Hàng Chiếu này, không biết đã bỏ bẵng từ lúc nào. Những người hiện sống trong ngôi biệt thự này hầu như không hề biết toà nhà này còn một cửa ra phía sau.

Ngập ngừng hồi lâu trước một cái khe tối và hẹp (chỉ khoảng 60cm) giữa số 14 và 16 Ngõ Gạch, chúng tôi mới dám lách người đi vào. Một cái sân đầy rêu, ẩm thấp hiện ra với ngổn ngang những chiếc thùng phuy trữ nước. Cô gái đang ngồi giặt giũ trước sân lắc đầu: "Đây làm gì có biệt thự nào".

Bà Lại Thị Ân, người đã về làm dâu gần 50 năm ở đây kể, căn phòng gia đình bà đang ở có diện tích chưa đầy 10m2, nguyên là hiên của ngôi biệt thự Anh Hoa xưa. Tận dụng chiều cao tới gần 5m, gia đình bà cải tạo làm thêm cái gác xép, vợ chồng anh con trai và cháu nội ngủ trên đó, còn ông bà ở dưới. Ban ngày mà muỗi như trấu, người con dâu tay cầm cái vợt muỗi huơ lên liên tục, kèm theo những tiếng nổ lách tách không ngớt.

"Ngõ chung chật chội đến nỗi, hễ trong "biệt thự" có người nào sắp mất là phải đưa chạy thật nhanh ra Phùng Hưng mà để. Nếu không, thì đưa ra đường nào?", bà Ân nói.

Theo lời ông cụ Đức, người mua lại một phần trong khuôn viên ngôi biệt thự, nơi chỉ còn lại những căn phòng chia năm xẻ bảy này, thì xưa, đây vốn là một biệt thự hai tầng tráng lệ. Với khuôn viên thoáng rộng, ông chủ thường mở tiệc chiêu đãi quan khách với những màn múa chim công đặc sắc. Khách vừa dự tiệc, vừa chiêm ngưỡng bầy công xòe đuôi biểu diễn.

Biệt thự Anh Hoa chỉ là một ví dụ, hơn nữa đó lại là một di tích lịch sử kháng chiến (trụ sở ban chỉ huy quân sự chợ Đồng xuân và là nơi diễn ra tiệc chiêu đãi các lãnh sự Anh - Mỹ, Tàu Tưởng nhân dịp tết cổ truyền Đinh Hợi 1947). Ở HN hiện nay còn gần 1000 ngôi biệt thự cổ trong tình trạng tương tự.

Quán xá bung ra phía dưới đã làm thay đổi hình hài "những con đường biệt thự". Ảnh chụp tại ngã tư Hai Bà Trưng - Phan Bội Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sau ngày ta tiếp quản Thủ đô, hầu hết các chủ cũ của những ngôi biệt thự cổ trở về Pháp hoặc di cư vào Nam. Tất cả các cán bộ cao cấp, các văn nghệ sĩ đã có công trong kháng chiến, rồi các cơ quan nhà nước, công sở, các trụ sở hành chính công đều được sắp xếp vào ở, làm việc trong những ngôi biệt thự bỏ hoang. Người có tiêu chuẩn cao thì được một mình một nhà. Các cơ quan hành chính thì thoả thích lựa chọn ngôi nhà rộng rãi để lập văn phòng. Những người tiêu chuẩn thấp hơn thì vài ba gia đình cùng chung nhau một ngôi biệt thự, dùng chung sân, bếp, vệ sinh... Nhà nào mà chủ nhân cũ còn ở lại cũng phải rút vào ở một căn phòng, thường là phía sau, mà nguyên là nơi ở của anh bếp, chị giúp việc, còn nhà chính nhường lại cho các gia đình từ chiến khu trở về đến sống chung.

Theo thời gian, các gia đình sinh con đẻ cái, đông thêm mãi, những ngôi biệt thự "đơn cư" dần dà biến thành các "chung cư" chật ních. Người ta bắt đầu cơi nới, xây lên từ căn bếp, từ sân vườn. Khi bước vào nền kinh tế thị trường thì các mảnh sân mặt tiền lập tức được xây lên thành các toà nhà cao tầng, che khuất hẳn các ngôi biệt thự chính. Dần dần những "con đường biệt thự" thay đổi hẳn hình hài, khấp khểnh, tuỳ tiện và chen chúc vô lối... Như KTS Hoàng Đạo Kính bức xúc: "Sự cơi nới về các phía khác nhau đã biến kiến trúc biệt thự trở thành những công trình có nét kiến trúc hèn mọn, ti tiện và nhếch nhác".

Những ngôi biệt thự này bị biến dạng, mất hết cả công năng và tính chất của nó, cả về hình thái và dáng vẻ kiến trúc. Cư dân "biệt thự" thì sống trong cảnh tối tăm, ẩm thấp, chật chội. Nhiều nơi, cái sự đi về nhà của họ được gọi đúng theo nghĩa đen của "chui ra chui vào".

Nói như bà Ân ở biệt thự 14 ngõ Gạch thì: "Đi đâu được thì tốt, còn hơn là ở trung tâm Thủ đô mà không nhìn thấy ánh sáng mặt trời".

"Giữ một nửa thôi, đã tốt lắm rồi"

Chính vì những bức xúc ấy của người dân, cộng với nỗi buồn của những "chung cư biệt thự" nhếch nhác ấy, mà không ít dự án cải tạo khu "phố Tây" được nâng lên đặt xuống trên bàn quy hoạch đô thị. Không ít trong số đó, dù được người trong giới đánh giá là khả thi vẫn cứ đi vào lãng quên.

Vừa nhắc lại về dự án "Cải tạo khu phố kiến trúc Pháp bằng phương án xử lý tại chỗ" đã được đăng ký bản quyền, TS. KTS Hoàng Phúc Thắng vừa cười châm biếm"Không có khả năng nào giữ hết tất cả được, mà chỉ mà chỉ giữ được một nửa thôi là đã tốt lắm rồi" .

Nhiều người trong giới cho biết, dự án này khi đó được nhiều vị lãnh đạo ủng hộ nhưng đúng vào lúc đất nước đang bắt đầu bước vào nền kinh tế thị trường, trăm mối ngổn ngang, lại thêm nhiều lý do khác nữa nên đã dần bị quên bẵng.

Biệt thự số 46 Hàng Bài, bỏ không nhiều năm nay. Mới đây, một số chủ hàng ăn cho sơn sửa lại, làm nơi gửi xe. Ảnh: Phạm Hải

Dự án được thiết kế riêng cho khu vực "phố Tây" ở phía Nam Hồ Gươm, sẽ có khoảng 1.000 ngôi biệt thự "lọt" vào tầm quy hoạch. Theo đó, sẽ giải phóng mặt bằng một phần để xây chung cư cao cấp (15-20 tầng) dành cho toàn bộ cư dân đang sống thiếu không gian và ánh sáng trong các ngôi biệt thự. Phần còn lại được tôn tạo, phục hồi, trả lại hình dạng ban đầu.

Với dự án này, dân cư không cần phải đi đâu xa (đánh trúng tâm lý người dân lâu nay được ở khu vực trung tâm TP, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt) mà diện tích nhà ở lại được tăng gấp đôi.

Say sưa vẽ lại dự án đã bị "xếp xó" này trên giấy, KTS Hoàng Phúc Thắng nói, ông vẫn luôn trăn trở và ao ước, giá như những ngôi biệt thự Pháp được phục hồi một cách có bài bản, chúng ta sẽ có một khu vực phố châu Âu trong lòng Hà Nội vô cùng giá trị. "Bài toán này không khó. Nó chỉ được giải quyết khi các nhà quản lý đồng ý mà thôi" - ông Thắng khẳng định.

Còn với ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở văn hoá - Thông tin Hà Nội, hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của QH thì để giữ gìn những ngôi biệt thự cổ này, tốt nhất là thu hồi, tôn tạo, sử dụng làm nhà công vụ cho cán bộ cao cấp ở, khi nào hết nhiệm kỳ thì trả lại, có thể từ cấp Bộ trưởng trở lên rồi Chủ tịch UBND Thành phố... Số còn lại có thể cho người nước ngoài thuê, làm du lịch, hoặc có thể bán một cách hợp pháp theo giá thị trường. Biệt thự "Tây" ở HN, thực chất chính là một kiểu nhà vườn mà không thủ đô nào có được.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Sở quy hoạch kiến trúc HN cho biết, từ trước đến nay chủ yếu mới có những số liệu cụ thể về khu phố cổ. Riêng khu "phố cũ", chưa có những con số thống kê cụ thể xem hiện ở HN còn có bao nhiêu biệt thự kiểu Pháp. Hiện, Sở đang đề xuất thành phố thông qua một dự án định hướng bảo tồn khu phố cũ, với sự tư vấn giúp đỡ của Pháp. Nếu dự án được thông qua, Sở sẽ bắt đầu tiến hành khảo sát chi tiết...

GS. KTS Hoàng Đạo Kính nói "Việc hết sức cần làm là kiểm kê, phân loại, đánh giá lại niên đại, giá trị toàn bộ... sau đó là vấn đề bảo tồn những di sản quý này. Cần trả lại cho các biệt thự những chức năng, hình dáng ban đầu của nó, giải thoát nó ra khỏi trạng thái "kiến trúc hàng rào" hiện nay.

Cần phải coi biệt thự Pháp những công trình kiến trúc thời thuộc Pháp nổi trội là những di sản đô thị và phải có những chính sách, quy chế tương ứng để duy trì, bảo tồn và giữ gìn nó. Bởi vì, nếu để mất đi những công trình đó, thì Hà Nội mất đi một nửa. Không những mất đi một khối lượng về vật chất, kỹ thuật, mà đây còn là những yếu tổ tạo ra phần mặt và phần hồn của Hà Nội".

****

KTS Hồ Thiệu Trị khi mới về nước năm 1995 từng nói, để Hà Nội có kiến trúc đẹp, chưa cần xây dựng gì thêm, mà chỉ cần tháo dỡ thôi đã. Đặc biệt khu biệt thự cổ.

Ngày nay, kiến trúc Hà Nội đang quay lại quá khứ một cách tràn lan, sao chép cái cổ một cách vô ý thức. KTS Ngô Huy Giao mới đây, khi bàn về cái "cốt cách" trong kiến trúc Hà Nội đã phải đau lòng thốt lên: "Đã hơn 60 năm độc lập, tự do, chúng ta chưa tìm thấy mình và ngày càng lạc hướng, càng đi theo Tây. Tiếc thay, không phải là Tây trẻ mà là Tây già!". (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số tháng 8/2006).

Bạn sinh ra, lớn lên ở HN, hay, chỉ là một du khách đi qua. Hãy chia sẻ những cảm xúc và những câu chuyện/ những đề xuất của bạn về biệt thự "Tây" ở HN