Thursday, December 28, 2006

Những giải thích của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI về Mầu Nhiệm Giáng Sinh.

Sáng Thứ Tư, ngày 27 tháng 12 năm 2006, đùng ngày lễ kính Thánh Gioan Tông Ðồ, Ðức Thánh Cha có buổi tiếp kiến chung và đã dành trọn bài huấn đức của ngài để nói về ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị theo dõi bài huấn đức này. Ðức Thánh Cha mở đầu bài huấn đức như sau:
Anh chị em thân mến,
Cuộc gặp gỡ hôm nay diễn ra trong bầu khí giáng sinh thấm đượm niềm vui sâu xa vì Ðấng cứu thế giáng trần. Cách đây vài ngày, chúng ta đã cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh mà trong những ngày này dư âm còn kép dài trong phụng vụ. Ðây là mầu nhiệm ánh sáng mà con người thuộc mọi thời đại có thể sống lại trong đức tin. Vang lên trong tâm hồn chúng ta những lời của thánh sử Gioan, mà vào đúng ngày hôm nay chúng ta mừng lễ; ---- (buổi tiếp kiến diễn ra sáng thứ Tư 27 tháng 12 năm 2006, đúng ngày lễ kính thánh Gioan Tông Ðồ) --- đó là những lời sau đây: "Ngôi Lời đã làm Người và sống giữa chúng ta" (Gn 1, 14). Vậy, trong Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta; Ngài đến vì chúng ta, để ở lại với chúng ta. Một câu hỏi được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô giáo, như sau: Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy? Tại sao Thiên Chúa đã làm người?
Giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên có bài ca của các thiên sứ nơi hang đá Bêlêm: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao và bình an dưới thế cho con người vì được Ngài yêu thương" (Lc 2,14). Bài ca của đêm giáng sinh, bài ca Vinh Danh Thiên Chúa, đã từ lâu trở nên thành phần của Phụng Vụ, cũng như ba bài ca khác nữa của tân ước, liên quan đến Giáng Sinh và tuổi Thơ của Chúa Giêsu: đó là các bài ca sau đây: bài ca Chúc Tụng Thiên Chúa của ông Zaccaria, bài ca Magnificat, Ngợi Khen Thiên Chúa của Mẹ Maria, và bài ca Nunc Dimittis của tiên tri Simêon. Ba bài ca này được đưa vào trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối. Nhưng bài ca Vinh Danh Thiên Chúa thì có chỗ đứng riêng biệt của nó trong Thánh Lễ. Tiếp theo những lời của các thiên sứ, và khởi sự từ thế kỷ thứ II, người ta thêm vào những lời chúc tụng như sau: "Chúng con ca ngơi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm ta Chúa vì vinh quang cao cả Chúa"; rồi một thời gian sau, người ta thêm những lời khẩn cầu như sau: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Ðức Chúa Cha, Chúa là đấng xoá tội trần gian..." cho đến việc lập thành bài ca chúc tụng được cất hát đầu tiên trong Thánh Lễ Giáng Sinh rồi sau đó trong Thánh Lễ của tất cả mọi Lễ Trọng trong Phụng Vụ. Ðược đưa vào trong phần đầu lễ, bài ca Vinh Danh Thiên Chúa nhấn mạnh đến sự liên tục hiện có giữa Giáng Sinh và cái chết của Chúa Kitô, giữa Giáng Sinh và Phục Sinh, hai khía cạnh không thể nào tách rời của mầu nhiệm cứu rỗi duy nhất.
Phúc âm tường thuật rằng có vô số các thiên sứ hát lên như sau: "Vinh Danh Thiên Chúa trên trời cao và bình an dưới thế cho con người vì được Ngài yêu thương. Các thiên sứ loan báo cho các mục đồng rằng Giáng Sinh của Chúa là Vinh Quang cho Thiên Chúa trên trời cao thẳm; và là bình an dưới thế cho con người vì được Thiên Chúa yêu thương. Và cũng thật là hợp lúc, khi người ta đặt trên hang đá những lời này của các thiên sứ, để giải thích cho mầu nhiệm giáng sinh, được thực hiện hoàn tất trong hang đá. Từ "Vinh Quang" (Doxa) nói lên sự huy hoàng của Thiên Chúa, Ðấng khơi đậy lời chúc tụng đầy biết ơn của các tạo vật. Sau này, thánh Phaolô tông đồ sẽ nói rằng: chính sự hiểu biết về vinh quang Thiên Chúa chiếu toả trên dung mạo của Chúa Kitô" (2 Co 4,6). "Hoà Bình" tổng hợp sự sung mãn các hồng ân thiên sai, tức là ơn cứu rỗi được đồng hoá với chính con người Chúa Kitô, như thánh tông đồ Phaolô đã ghi nhận như sau: "Người là Hoà Bình của chúng ta" (Eph 2,14). Cuối cùng lời kinh Vinh Danh nhắc đến con người như là những kẻ "thiện chí". Từ "Thiện Chí", trong ngôn ngữ thông thường, làm cho ta nghĩ đến "thiện chí" của con người, nhưng ở đây thì lại nghiêng về việc nói đến "ý định tốt lành của Thiên Chúa đối với con người" và "thiện ý" này không bao giờ có giới hạn.
Vậy đây là sứ điệp của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa đã biểu lộ ý muốn tốt lành (thiện ý) của Ngài đối với tất cả mọi người qua việc Chúa Giêsu giáng trần.
Chúng ta trở lại với câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa làm người? Thánh Irênêô đã viết như sau: Ngôi Lời đã trở thành kẻ phân phát Vinh Quang của Thiên Chúa Cha để làm ích cho con người... Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động --- và sự sống con người hệ tại trong việc "nhìn thấy" Thiên Chúa" (ad Her. IV, 20,5.7). Vậy vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ trong ơn cứu rỗi con người, mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi trao ban Con Một, ngõ hầu bất cứ ai tin vào Con Một này thì không phải chết, nhưng được sống đời đời.". Như thế, tình yêu là lý do cuối cùng của việc Nhập Thể của Chúa Kitô. Về điểm này, suy tư của Thần học gia H.U. von Balthasar quả thật hùng hồn. Ngài đã viết như sau: "Thiên Chúa, trước hết, không phải là một quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối, mà chóp đỉnh của tình yêu đó không được thể hiện trong việc giữ lại cho mình những gì thuộc về mình, mà trong việc từ bỏ những điều đó" (trích Mầu nhiệm Vượt Qua I,4). Thiên Chúa mà chúng ta chiêm ngắm trong hang đá là Thiên Chúa Tình Yêu.
Về điểm này, lời loan báo của các thiên sứ còn vang lên cho chúng ta như là một lời mời gọi: "hãy" chúc tụng Vinh Quang Thiên Chúa trên trời cao, và "hãy" (xây dựng) hoà bình trên mặt đất cho con người được Thiên Chúa yêu thương. Cách duy nhất để làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng hoà bình trong thế giới hệ tại trong việc tiếp đón cách khiêm tốn và đầy tin tưởng hồng ân Giáng Sinh: hồng ân tình yêu. Bài ca của các thiên sứ lúc đó trở thành lời cầu nguyện mà chúng ta cần thường lặp đi lặp lại, chớ không phải chỉ trong mùa giáng sinh này thôi. Ðây là bài ca chúc tụng Thiên Chúa trên trời cao và là lời khẩn cầu sốt sắng xin Thiên Chúa ban hoà bình trên thế giới, một lời khẩn cầu được diễn dịch ra trong sự dấn thân cụ thể để xây dựng hoà bình bằng chính đời sống mình. Ðó là dấn thân mà Lễ Giáng Sinh trao phó cho chúng ta.
LM. Đặng Thế Dũng (Vietcatholic News)

Wednesday, December 27, 2006

Hang đá, ba mẹ và con

San sẻ yêu thương
4 tuổi, tuổi bắt đầu biết ký ức nhớ về những Noel trong đời, ba mẹ chở đi xem hang đá ở nhà thờ. Người đông, đường chật, chiếc xe đạp của ba ngả nghiêng theo dòng người. Ba đứng ngoài nhà thờ canh xe, mẹ bồng con chen vào để được ngắm tượng Chúa hài đồng mỉm cười an lành…
7 tuổi, đi xem hang đá đã thành một truyền thống của gia đình mình, dù nhà mình không theo đạo. Năm nay đến lượt mẹ giữ xe, ba ẵm con, thằng nhóc bé tí và gầy nhom, cố vươn lên ngắm đèn màu lấp lánh…
12 tuổi, đã đủ cao, đủ dạn dĩ để chen lấn đến sát bên hang đá. Mẹ cũng ráng nhích vào cùng con trai chụp một bức hình xinh xắn. Và ba vẫn ở ngoài trông xe… Chưa bao giờ nhà mình có một tấm hình đủ đầy bên hang đá ấy…
17 tuổi, con lớn bộn, nhà mình đi xem hang đá bằng hai xe. Dọc đường, con mải nói chuyện với đứa bạn tình cờ gặp nên lạc mất ba mẹ… Đương nhiên, chẳng còn trẻ con gì để sợ hãi mà khóc. Con quay xe, không xem hang đá nữa, dạo vài vòng thành phố bé nhỏ, nhìn ngắm người xe. Về nhà, mẹ nhẹ nhàng bảo: “Ba mẹ chờ con mãi…”.
20 tuổi, con đi học ở Sài Gòn. Dịp Noel, con ham vui theo bạn bè về tận xứ đạo ở Biên Hòa (Đồng Nai) xem hang đá. Đẹp, lạ, mải ngắm, mải đùa giỡn, con quên mất điện về cho ba mẹ. Để giữa dòng người ken đặc, mẹ điện lên: “Noel vui không con?”. “Dạ vui lắm mẹ, mà ba mẹ có đi thăm hang đá không?”. “Không con à. Ba mẹ già rồi. Mà con vui là ba mẹ vui rồi, nhưng nhớ giữ sức khỏe nghe con!”…
…Có lẽ trong mắt ba mẹ, bao nhiêu năm rồi hang đá cũng vẫn một hình ảnh an lành quen thuộc, còn tình thương ba mẹ dành cho con, theo mùa an lành này chỉ ấm áp hơn mãi…

Bức tranh gia đình

Trong nhiều năm qua, gia đình chúng tôi hay có thói quen chụp hình những gì chúng tôi thích và khi chụp hết cuộn phim, chúng tôi bỏ nó vào tủ chứ không đi rửa. Mấy hôm trước vợ tôi cầm vài cuốn phim ra tiệm rửa hình.
Trong những bức ảnh in ra, có rất nhiều tấm chụp bọn trẻ nhà tôi chơi đùa, tôi cũng có mặt trong vài tấm, nhưng không bức ảnh nào có vợ tôi. Vì đơn giản cô ấy là người chụp.
Khi xem những bức ảnh gia đình mình, tôi nhớ lại câu chuyện của anh bạn đã từng kể cho tôi nghe năm ngoái. Anh là trưởng phòng một công ty lớn nên luôn bận rộn, anh thường xuyên dự các buổi họp và phải trực vào cuối tuần. Có lần cô giáo của con gái anh gửi thư mời gặp mặt phụ huynh. Lâu nay vợ anh luôn lo việc này, nhưng không hiểu sao lần này trong giấy mời ghi rõ là mời anh tới dự. Chắc có chuyện quan trọng nên anh buộc phải thu xếp công việc để tới trường gặp cô. Cô giáo đưa cho anh một bức vẽ và nói: “Đây là bức tranh con gái anh đã vẽ khi tôi yêu cầu cháu vẽ về gia đình của mình, anh xem đi”. Anh bạn nhìn vào bức tranh một lúc rồi tỏ ra buồn rầu vì trong bức tranh không có bóng dáng người cha. “Đó là lý do tôi mời anh đến đây. Tôi đã hỏi con gái anh là bố em đâu. Cô bé trả lời rằng chẳng bao giờ bố em ở nhà nên em không vẽ bố vào bức tranh này”, cô giáo nói. Anh đau đớn hiểu ra tất cả. Từ đó, anh thay đổi lịch làm việc, chú ý quan tâm đến gia đình và con gái nhiều hơn. Anh trở thành một doanh nhân thành đạt và bên cạnh anh luôn có vợ và những đứa con ngoan ngoãn.
Tuyết Ngọc _ Người Lao Động

Kính Các Thánh Anh Hài

"Dù một chấm một phẩy trong Kinh Thánh cũng không bỏ qua cho đến khi tất cả được nên trọn".
Không cần phải đưa Hài Nhi ra khỏi Ai Cập, chỉ cần đi xa vài làng mạc thành phố thôi cũng đủ để thoát khỏi bàn tay sát hại của Hêrôđê, hoặc có thể khiến cho ba đạo sĩ không đi ngang qua lối ấy để vua Hêrôđê không biết. Thế nhưng để ứng nghiệm lời tiên tri như đã chép mà Chúa đã làm như vậy. Từ đó chúng ta nhớ lại đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói: "Ai tuân giữ và dạy người khác thực hành những điều nhỏ mọn nhất trong luật Chúa thì sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Chúng ta đừng hiểu theo nghĩa đen như những người biệt phái và luật sĩ ngày xưa, nhưng phải đem tinh thần của lề luật vượt lên trên hết tất cả mọi điều luật. Ðó là tình yêu khoan dung bao la tha thứ của Thiên Chúa đối với những người ăn năn hối cải quay trở về với người Cha nhân từ.
Hôm nay lễ kính các thánh Anh Hài Tử Ðạo, chúng ta nói qua về vấn đề có tội và vô tội. "Nhân vô thập toàn", không ai là hoàn toàn cả: "Tinh thần thì hăng hái, xác thịt thì nặng nề". Nhóm người cổ Hy Lạp ngày xưa cùng thời với Platon, Aristote cho thân xác là tù ngục của linh hồn là thế. Cho nên nếu chúng ta nói: "Tôi là người vô tội" thì coi chừng tôi đang lừa dối tôi đấy. Thánh Phaolô đã cảnh tỉnh chúng ta: "Khi anh em tin rằng, anh em mạnh mẽ đứng vững, anh em hãy coi chừng kẻo ngã đấy".
Trong bài Thánh Thư hôm nay, thánh Gioan Tông Ðồ có viết thêm: "Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội thì chúng tôi là kẻ kêu Ðức Giêsu Kitô là kẻ nói dối và lời của Ngài không có ở trong chúng tôi". Vì sao? Vì Ðức Kitô đến để chuộc tội cho nhân loại tội lỗi, trong đó có mỗi người trong chúng ta. Thánh Gioan còn nói rõ hơn nữa: "Chính Ðức Kitô là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền tội chúng ta mà thôi nhưng còn đền tội cho cả thế gian nữa". Như thế không ai trong chúng ta là kẻ vô tội.
Lúc mới sinh ra, con người đã mang lấy tội Tổ Tông ngoại trừ Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người, ngoại trừ Mẹ Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, và như Gioan Tẩy Giả được Mẹ Maria mang Chúa đến viếng thăm, dù đang ở trong bụng mẹ cũng đã nhảy mừng và thoát khỏi tội Tổ Tông, còn tất cả chúng ta đều mắc tội Tổ Tông.Khi lớn lên tới tuổi khôn là tuổi nhận biết, phân biệt được hành vi việc làm của mình, Giáo Hội xác định là bảy tuổi, tức là chúng ta bắt đầu tới tuổi khôn, bắt đầu thêm tội mình nữa. Có một thánh nhân đã thú nhận: "Trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không khỏi có năm phút sai lỗi". Tội nặng hay nhẹ tùy hai yếu tố quan trọng sau đây:
1. Lý do bởi luật buộc là nặng.
2. Do sự chú ý cố tình sai phạm khi biết đó là tội trọng.
Vậy phạm một tội trọng cũng không phải là chuyện dễ, vì phải gồm có hai yếu tố trên.
Con người tuy mang lấy bản tính yếu đuối hay sa ngã, chán nản, mỏng dòn nhưng con người được Thiên Chúa biết và thông cảm cho. Nếu trong một ngày, người anh em con phạm tội đến con và nói với con rằng: "Tôi hối hận" thì con cũng phải tha thứ cho anh em con bảy lần không?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy không bảo con phải tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn".
Vì nếu chúng ta tính được tới bảy mươi lần bảy thì chúng ta đã trở thành máy móc, trở thành thói quen quán tính tha tội cho người anh em của mình mãi. Chúa đã dạy chúng ta như thế, phương chi lòng Chúa càng phải bao dung tha thứ biết bao nhiêu lần. Tội hay vô tội, vấn đề đó không quan trọng, quan trọng của vấn đề là có lòng thống hối ăn năn hay không? Ðược tha nhiều sẽ mến Chúa nhiều hơn, như Maria Madalena trong Phúc Âm đã xức dầu thơm chân Chúa, như Phanxicô Xaviê, Augustinô chẳng hạn. Từ đó, con người đam mê trong trụy lạc thời còn trai trẻ được Thiên Chúa cho giác ngộ để dấn thân theo tiếng Chúa gọi và trở nên những vị thánh nổi tiếng lừng danh trong Giáo Hội.
Lạy Chúa, trong ngày lễ kính các Thánh Anh Hài hôm nay, xin cho mỗi người chúng con ý thức được vấn đề tội lỗi và tình thương của Chúa để chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn trong giây phút hiện tại. Amen.
Đ.Ô. Phêrô Nguyễn Văn Tài (Vietcatholic News)

Monday, December 25, 2006

Sunday, December 24, 2006

Giáng sinh vui vẻ con nhé!

“Ta sẽ không bao giờ quên con đâu”, ông lão nói với chú chó, nước mắt chảy dài trên gò má đã sạm, “Ta già rồi, không còn chăm sóc ngươi được nữa”. Tiffy nghiêng đầu nhìn chủ, sủa gâu gâu. Nó vẫy đuôi suy nghĩ: “Ông chủ nói gì vậy nhỉ?”. “Ta còn không lo được cho bản thân nữa, nói chi là lo cho ngươi”. Ông lão hắng giọng rồi rút khăn tay ra hỉ mũi thật mạnh.
“Ta sắp phải vô viện dưỡng lão sống nên không thể đem con theo cùng. Con biết rồi đấy, ở đó người ta chỉ chứa người chứ không chứa chó”, ông lão lê tấm lưng còng do tuổi tác đến bên Tiffy, vuốt ve nó: “Đừng lo, con ạ. Chúng ta sẽ tìm được một gia đình mới. Chúng ta sẽ tìm được một mái ấm mới cho con”. Nghỉ một lát, ông nói thêm: “Con đẹp thế này, làm sao không tìm được một gia đình mới cho con. Ai cũng sẽ cảm thấy tự hào nếu có được một chú chó đẹp như con”.
Tiffy vẫy đuôi rối rít, chạy tới chạy lui trong bếp. Trong thoáng chốc, cái mùi quen thuộc của ông cụ quyện với mùi dầu mỡ trong bếp tạo cho nó một cảm giác ấm áp. Nhưng rồi cảm giác sợ hãi trở lại với nó. Nó đứng yên như trời trồng, đuôi thõng xuống giữa hai chân sau.
“Lại đây nào”. Khó khăn lắm ông cụ mới khuỵu gối được xuống nền nhà và kéo Tiffy lại gần, đầy âu yếm. Ông cột quanh cổ chú chó sợi ruy băng có gắn một cái nơ đỏ thật lớn và kẹp vào đó một mảnh giấy nhỏ. Tiffy thắc mắc trong đầu: “Không biết ông chủ nói gì trong đó?”.
“Trên mảnh giấy có viết như vầy”, ông cụ đọc to lên, “Chúc Giáng sinh vui vẻ! Tôi tên là Tiffy. Buổi sáng tôi thích cơm nguội. Buổi tối thì tôi thích gặm một chút xương. Chỉ cần như vậy thôi. Tôi chỉ ăn hai bữa mỗi ngày. Đổi lại, tôi sẽ là người bạn trung thành nhất của gia đình quí vị”.
“Gâu, gâu”. Tiffy cảm thấy bối rối, đôi mắt nó nhìn van xin, “Chuyện gì đang xảy ra?”.
Ông cụ lại hỉ mũi mạnh vào chiếc khăn tay. Rồi ông vịn vào một chiếc ghế để gượng đứng dậy. Ông cài nút áo khoác, nắm lấy sợi dây dắt chú chó và nói nhẹ nhàng: “Đi nào, anh bạn”. Ông mở cửa, một làn gió lạnh thổi ùa vào, rồi ông bước ra ngoài, kéo theo chú chó đang bước đằng sau. Hoàng hôn đang buông dần. Tiffy trì lại. Nó không chịu đi.
“Thôi nào, đừng làm khó ông, con à. Ta hứa với con là con sẽ sung sướng hơn khi ở với ta”.
Ngoài đường vắng lặng. Ông cụ và chú chó lầm lũi bước trong buổi chiều mùa đông. Tuyết bắt đầu rơi.
Đi một lúc lâu, họ đến trước một ngôi nhà cổ, xung quanh nhà có nhiều cây to đang đung đưa rì rào trong gió. Run người trong giá lạnh, họ quan sát ngôi nhà. Ánh sáng mờ như trang hoàng thêm cho các khung cửa sổ, trong làn gió vang vang âm thanh của một bài hát Giáng sinh.
“Đây sẽ là một mái ấm tốt cho con”, ông cụ nghẹn lời. Ông cúi người xuống và mở dây cho chú chó, nhẹ nhàng mở cửa để cánh cửa không rít lên. “Đi đi. Bước lên bậc thềm rồi cào chân lên cửa”.
Tiffy e ngại nhìn vào ngôi nhà rồi quay lại nhìn chủ, rồi lại nhìn về ngôi nhà. Nó không hiểu gì cả “Gâu gâu”.
“Nào”. Ông già đẩy chú chó và nói bằng giọng khô khan: “Ta không còn có ích cho ngươi nữa. Đi đi”.
Tiffy cảm thấy bị tổn thương. Nó nghĩ rằng chủ không còn thương nó nữa. Nó không hiểu rằng thật ra ông rất thương nó nhưng ông không thể lo cho nó được nữa. Chú chó lảo đảo đi về phía ngôi nhà và bước lên bậc thềm. Nó đưa một bàn chân lên cào vào cánh cửa và sủa “Gâu, gâu. Gâu, gâu”.
Nó quay lại nhìn, thấy chủ nép vào sau một thân cây. Vừa lúc có ai đó trong nhà vặn nắm cửa. Một chú bé xuất hiện, ánh sáng ấm áp từ trong nhà toa sáng xung quanh chú bé đang đứng ở lối ra vào. Vừa nhìn thấy Tiffy, chú bé vung cao hai tay lên trời và vui sướng reo lên: “Ba mẹ ơi, ra mà xem quà của ông già Noel này”.
Nấp sau gốc cây, qua đôi mắt đẫm lệ, ông cụ nhìn thấy mẹ của cậu bé đọc mảnh giấy. Bà nhẹ nhàng kéo Tiffi vào nhà. Mỉm cười mãn nguyện, ông cụ đưa tay áo lạnh và ẩm lên chùi mắt, rồi ông biến mất vào màn đêm, thì thầm: “Giáng sinh vui vẻ nhé con”.

Christa Holder Ocker _ THẢO LÊ dịch (TUỔITRẺ ONLINE)

NIỀM VUI CHO ĐI

Tôi có thằng cháu nội năm nay chưa đầy 5 tuổi rưỡi nhưng có cách suy nghĩ và nói năng nhiều khi làm tôi phải ngạc nhiên. Chẳng hạn cháu hỏi Santa Claus có “real” không? Hoặc Santa Claus to lớn như vậy làm sao có thể chui qua lỗ “chimney” để đem quà đến cho trẻ nhỏ? Cắc cớ hơn cháu còn thắc mắc rằng trước ngày Christmas có lần cháu là “bad boy” mà sao Santa Claus vẫn cho quà?
Có người bảo rằng ở Mỹ trẻ nhỏ được chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ lại được nuôi dưỡng bằng thức ăn đầy đủ dinh dưỡng nên đứa trẻ nào cũng thông minh. Có người lại nói chẳng cứ gì ở Mỹ, trẻ con của thế kỷ 21 dù ở nước nào cũng thông minh lanh lợi hơn hẳn các thế hệ cha, ông của chúng.
Tôi không có trong tay bản nghiên cứu hay thống kê nào về vấn đề này nên chẳng biết ý kiến nào đúng hơn. Nhưng tôi biết chắc chắn trẻ con ngày nay quá khôn. Nhiều khi chúng đối đáp hay là cách suy nghĩ, cách hành sử của chúng khiến đôi khi thấy khó tin nếu không có lần đã tận mắt chứng kiến hay là chính tai nghe chúng nói.
Thằng cháu của tôi đúng ra năm ngoái phải được gửi đi “preschool” nhưng vì bố mẹ cháu sơ ý không ghi tên kịp thời khiến cháu không được nhận vì lớp đã đầy đủ học sinh. Điều này đã khiến tôi lo ngại, chỉ sợ không được đi “preschool” tới lúc đi học cháu sẽ bỡ ngỡ hay còn có thể không theo kịp bạn.
Quả thật điều tôi lo ngại đã có phần đúng. Vào đầu năm học vừa rồi khi gần đến ngày di học bỗng dưng cháu thoái thác, không muốn đến trường dù trước đó rất háo hức, ngày nào cũng đòi đi học. Những ngày đầu đưa được cháu đến trường thật không dễ dàng chút nào. Sáng nào cũng phải dỗ dành, nói năng đủ lẽ cháu mới chịu lên xe nhưng khi đến nơi lại khóc lóc đòi về. Có lần khi đi gần đến lớp đột nhiên cháu bỏ chạy núp trong một lùm cây rồi ở lì trong đó. Nói sao cũng không chịu ra khỏi lùm cây cho đến lúc phải nhờ cô giáo can thiệp. Cô giáo Mỹ có lẽ lần đầu tiên thấy đứa học trò của mình trốn học bằng một kiểu cách có một không hai này đã phải phì cười.
Những ngày tiếp đó thì cháu không còn trốn tránh nữa nhưng khi vào lớp không chịu nói năng hay tham gia bất cứ sinh hoạt nào với các bạn. Nghe vậy tôi vô cùng hoang mang chỉ sợ cháu cứ tiếp tục đối kháng kiểu đó thì không biết sẽ phải xử trí ra sao. Cũng may tình trạng đó kéo dài không lâu, sau khoảng hơn 2 tuần lễ thì sự việc đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi sáng cháu vui vẻ đến trường và khi gần đến lớp còn giục mẹ đi về vì chỗ này là chỗ của “kids”, người lớn không được vào. Bây giờ thì cháu thấy đi học “fun” hơn ở nhà cho nên mới nghỉ ở nhà vài ngày đã than “bore”, cứ hỏi chừng nào mới được đi học lại.
Từ khi thích nghi được với môi trường mới, cháu tỏ ratiến bộ nhanh chóng về mọi mặt trước sự ngạc nhiên của cô giáo. Ngày nào đi học về cháu cũng kể chuyện ở trường, nào là được cô giáo khen, nào là hôm nay được làm “leader”, được ngồi “special chair”, rồi ngày nào trường cho ăn món gì, món nào ngon món nào dở cháu đều đem ra kể vanh vách.
Truớc kia cháu rụt rè bao nhiêu thì bây giờ dạn dĩ bấy nhiêu. Trước kia cháu tiêu cực bao nhiêu thì bây giờ tỏ ra tích cực và ham thích hoạt động bấy nhiêu. Dịp Halloween vừa qua cô giáo khuyến khích học sinh tham gia vào việc từ thiện bằng cách giao cho mỗi học sinh một chiếc hộp nhỏ để khi đi xin kẹo thì cũng xin tiền để giúp người nghèo. Tối hôm Halloween, vào lúc những đứa trẻ khác tuôn ra đường đi xin kẹo, cháu cũng đòi người lớn dẫn đi nhưng chỉ mang theo chiếc hộp cô giáo giao cho. Khi được nhắc nhở đem theo giỏ đựng kẹo thì cháu nói cháu không cần kẹo, chỉ cần đi xin tiền cho người nghèo thôi. Thế rồi mỗi khi ghé vào nhà ai “trick or treat”, thay vì đưa giỏ ra để nhận kẹo, cháu đưa chiếc hộp ra xin tiền. Thấy một đứa bé ham thích việc từ thiện, không ai nỡ từ chối. Đi xin tiền nhưng ai cho tiền giấy lại không nhận, chỉ xin những đồng “coins” mà thôi. Sáng hôm sau cháu hớn hở đến trường và vừa thấy cô giáo cháu đã vội đem hộp tiền giao cho cô giáo có vẻ mãn nguyện lắm.
Cháu kể có một đứa bạn ăn khỏe lắm, nó ăn hết phần ăn mang theo vẫn không đủ no nên cháu thường “share” cho bạn mỗi khi nhận phận ăn từ phòng ăn. Có một lần vào giờ tan học, vừa gặp mẹ, cháu làm ra vẻ bi mật hỏi “guess what” rồi tíu tít kể rằng hôm nay cháu đã nhường tất cả phần ăn trưa cho đứa bạn. Đứa bạn không đóng tiền ăn cho nhà trường, mỗi ngày phải tự mang theo đồ ăn nhưng hôm đó mẹ nó quên bỏ đồ ăn theo cho nó. Đến bữa ăn, khi mọi người ngồi ăn, nó không có gì ăn cứ ngồi nhìn người khác. Thấy tội nghiệp đứa bạn, cháu đã đưa tất cả phần ăn của mình cho bạn.
Khi bị chất vấn tại sao không giữ lại một ít cho mình, không ăn thì cũng phải uống sữa chứ sao lại đưa hết cho bạn. Biết mình sai cháu đã “chạy tội” bằng cách ôm choàng lấy mẹ, miệng giả lả “Come on. Con từ từ về nhà ăn cũng được còn bạn con không có gì ăn nó đói tội nghiệp nó. Nó ăn khỏe lắm mà mẹ”.
Tôi kể chuyện của thằng cháu nội chỉ vì thấy nó gần giống như một mẩu chuyện ở trong một bài suy niệm tôi đọc được trên internet. Nội dung mẩu chuyện đó như sau:Trong kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Pháp, một loại đại hội vốn thu hút giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới.
Trong kỳ Đại hội này có hàng trăm ngàn thanh thiếu niên từ khắp nơi đổ về Paris để được gặp gỡ ĐTC Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng được mệnh danh là vị Giáo hoàng của giới trẻ, được giới trẻ rất mực yêu mến.
Người ta kể rằng trên một chuyến xe điện ngầm đầy ắp hành khách thuộc giới trẻ, một cụ già ăn xin mù lòa cũng cố chen lấn lên toa tàu với con chó dẫn đường. Trên toa tàu cụ vừa đi vừa chìa cái đĩa nhôm để kêu gọi lòng từ tâm của người trẻ. Trong toa tàu rất ồn ào vì đông người nhưng người ta cũng nghe được những tiến kêu loảng xoảng của những đồng tiền cắc rơi vào đĩa.
Cùng lúc đó, đi ngược chiều với cụ già là một cô bé xanh xao gầy còm cũng ngửa nón xin mọi người bố thí. Khi hai nguời bất hạnh ấy đến gần nhau, cô bé tránh sang một bên nhường cho người hành khất mù lòa đi trước. Và rồi đầy kinh ngạc, các bạn trẻ ở gần đó đã không thể tin vào mắt mình khi thấy cô bé đổ hết số tiền của mình xin được vào cái đĩa nhôm của người hành khất mù lòa.
Cho đi cái mình đang cần, dưới cái nhìn của người đời, quả là một việc làm khờ dại, ngông cuồng hay chí ít cũng là không biết tính toán. Nhưng những người cho đi lại cảm thấy rất hạnh phúc - vốn là thứ phần thưởng dành cho những trái tim rộng mở -. Đối với những ai thực sự tin theo Chúa (chứ không phải tin nửa vời, chỉ tuân giữ khi lời Chúa không một mảy may đụng chạm đến quyền lợi của mình) thì cho đi không bao giờ là khờ dại vì đó chính là đường lối của Chúa khi Người đã chẳng tiếc ngay cả chính mạng sống của Người. Có nhiều người đợi cho đến khi nào giàu có, dư thừa mới làm từ thiện. Họ lý luận nghe ra cũng không phải là không hợp lý “ không có thì lấy đâu ra mà cho”. Nhưng với lòng tham vô đáy và với tính ích kỷ chỉ muốn vơ vào cho mình, khi có một người ta muốn mười, khi có mười lại muốn một trăm. Cứ như vậy thì chẳng bao giờ thấy đủ chứ đừng nói đến dư thừa.
(Viết trong những ngày thiên hạ tưng bừng mua sắm, thời gian buồn tủi nhất đối với những người nghèo khổ)
Lại Thế Lãng (Vietcatholic News)

SỨ ÐIỆP GIÁNG SINH


Nhiều lần bạn hỏi tôi

Về Sứ Ðiệp Giáng Sinh,

Mà bạn muốn chân tình,

Ðào sâu và chia sẻ,

Trong ánh sáng huyền linh.

Hôm nay tôi trả lời:

- Là ‘Sứ điệp Tình Yêu’,

Yêu mãi, yêu thật nhiều,

Như Ngôi Lời Nhập Thể,

Bạn hiểu được bao nhiêu!

- Là ‘Sứ điệp Hoà Bình’

Trao tặng mọi sinh linh,

Cả đời Ðấng Cứu Thế:

Hòa bình được tôn vinh.

- Là ‘Sứ điệp Chia Ban’:

Tình yêu với thiện toàn

Khôn ngoan và quyền phép,

Chúa chia cho trần gian.

- Là ‘Sứ điệp Khó Nghèo’,

Người đời mấy ai theo:

Sinh nghèo nằm máng cỏ,

Chết trần kiếp chịu treo.

- Là ‘Sứ điệp Truyền Giáo’

Cả đời Chúa loan báo,

Một tình yêu cứu độ,

Chói sáng hơn trời sao.

Lạy Cứu Chúa từ nhân,

Cho bạn con được kể,

Vào sổ người lãnh nhận,

Sứ điệp muôn thế hệ,

Ðem sống từ bản thân,

Tuyên chứng không quản nề,

Sứ điệp đầy hồng ân.
Du Sinh (Vietcatholic News)